Năm 2012, cuộc sống vẫn tiếp tục với diện mạo mới.

Tôi thi trượt, không ở lại Bắc Kinh, trời xui đất khiến thế nào lại chyển về trường đại học ở nhà. Nhưng bố mẹ mừng lắm, ngày khai giảng hai ông bà tất bật trước sau, từ đồ rửa mặt đến chăn ga gối đệm, chuẩn bị đầy đủ.

Cứ thế vào ký túc xá mới, có bạn cùng phòng mới, cũng thuận lợi bắt đầu cuộc sống cao học, đã kéo dài được nửa năm rồi. Thỉnh thoảng lại nhớ những trận om sòm của Trần Tiêu Dĩnh, cũng rất nhớ gương mặt ngứa đòn của Lâm Hiếu Thành, cuối tuần không có Ngụy Tiêu và Từ Chi Dương rủ nhau đi chơi, thế là tôi về nhà ăn cơm chùa, vắt chân nghe nhạc đọc truyện, cứ như quay trở lại thời cấp 3.

Mà vấn đề lớn nhất là không quen với sự vắng mặt của Lý Miễn.

Cách biệt phương trời đã phóng lớn cảm xúc, khiến mật ngọt càng thêm đậm và cái khổ càng thêm đắng. Hồi ấy Weibo mới thịnh hành, chúng tôi đặt những cái tên giống nhau, chia sẻ từng câu chuyện nhỏ nhặt; buổi tối thường đứng ngoài hành lang ký túc xá nấu cháo điện thoại, dính nhau không rời; sẽ gửi đồ cho đối phương, những hộp giấy nhỏ viết những tin nhắn khác nhau, để anh mỗi ngày mở một tờ, giờ nghĩ lại cảm thấy thật ngớ ngẩn.

Cũng có những lúc buồn bã. Đổ bệnh, ngày lễ, và mỗi khoảnh khắc muốn gặp nhưng không gặp được, khi cần nhưng không thể liên lạc, khoảng cách luôn ghim vào tim một nhát dao.

Nhất là khi Lý Miễn từng có tiền án mất liên lạc, lý do khiến tôi cảm thấy bất an như thế chính vì nó, tới tận bây giờ vẫn không thích anh đi công tác dài ngày.

Càng gần ngày tốt nghiệp anh càng bận, và tôi cũng ngày càng lo lắng, mâu thuẫn càng để lâu càng sâu. Anh sẽ đi làm ở đâu? Có dự tính gì cho tương lai chưa? Phải xa cách bao lâu nữa? Tôi sốt ruột muốn biết, dù chỉ là bày tỏ thái độ.

Mà lúc này tật xấu của Lý Miễn lại phát tác, chuyện chưa chắc chắn thì nhất quyết không tiết lộ, chỉ ậm ờ bảo mình đang bận.

Thế là bắt đầu có cãi vã, có chiến tranh lạnh. Chuyện cỏn con mà đáng nhẽ gặp nhau ôm một cái là có thể giải quyết, song vì cách xa nghìn trùng nên đã bị phóng đại, cuối cùng còn ầm ĩ đòi chia tay.

Đó là vào tháng 5, tôi nói qua điện thoại. Anh ngạc nhiên, cuống quít nói: “Khương Lộc, chuyện như vậy không nói lung tung được đâu.”

Phương Nam nóng nực, ngoài hành lang còn không có điều hòa, mới đứng một lúc mà mồ hôi đã đổ như mưa. Tôi cầm điện thoại im lặng, biết mình đang kịch động nhưng vẫn mạnh miệng: “Thế anh định thế nào đây? Có phải anh vốn không muốn tiếp tục không? Định tha hương cả đời à?”

“Sao anh lại không muốn?”

“Rốt cuộc là anh nghĩ gì? Anh muốn đến đây làm việc hay ở lại Bắc Kinh, hay là đi đâu? Dù gì anh cũng phải cho em biết một nơi chứ.”

“Em đợi chút nữa, anh đang giải quyết.”

“Lại bảo em đợi? Anh đang nghĩ gì làm gì không thể nói ra được hả? Sao anh cứ như thế hả Lý Miễn? Anh có biết điểm này đáng ghét lắm không?”

Anh ấp úng, hít sâu một hơi, có vẻ mệt mỏi vì không được thấu hiểu: “Vậy em cứ coi như anh chưa suy nghĩ gì đi, anh…”

Tôi tức tối tắt máy.

Hai mũi cay cay, nước mắt dâng lên, càng lau càng chảy, buộc phải cầm áo ngủ quệt sạch. Đứng bên ngoài nửa buổi mới nhẹ nhàng quay vào phòng, nghe thấy bạn cùng phòng mơ màng hỏi: “Khương Lộc, lại gọi điện với bạn trai à?”

“Xin lỗi, làm phiền cậu à?” Tôi kìm nén tiếng thút thít.

“Không sao.” Cô ấy trở mình, tiếp tục ngủ.

11 giờ, tôi nhẹ nhàng nằm xuống, lắng nghe tiếng hít thở đều đều, ôm nỗi ấm ức nhắn tin cho Trần Tiêu Dĩnh: Đã ngủ chưa?

Năm phút sau, cậu ấy trả lời: Đang tăng ca, sao vậy?

Không còn ai nhận ra sự khác thường của tôi, không còn ai chong đèn đọc tiểu thuyết, cũng không còn ai cùng tôi leo cửa sổ chuồn ra ngoài lên mạng. Hơi nhớ cô ấy, tôi gõ một đoạn thật dài, cậu ấy trả lời: Còn có thì giờ buồn bã chuyện tình cảm cơ à, học cao học rảnh vậy hả?



Thực ra tôi có rất nhiều chuyện muốn bù đắp sau khi học cao học, vừa thiếu kinh nghiệm viết báo cũng thiếu kinh nghiệm thực tập. Trần Tiêu Dĩnh đã đánh thức tôi, trong lúc vô tình, cậu ấy lại lần nữa phát huy tác dụng.

Qua giới thiệu của giảng viên hướng dẫn, tôi được nhận vào thực tập ở một tòa soạn. Phóng viên hướng dẫn cho tôi tên Tiêu Kính, cũng xem như đàn anh trong nghề, tốt nghiệp đã mấy năm.

Lần đầu tiên tôi gặp anh ta là ở tòa soạn báo, vừa kết thúc cuộc họp chọn chủ đề. Tiêu Kính mặc áo sơ mi đeo kính, trông rất lịch sự, mang vẻ khách khí không thật lòng chào hỏi tôi.

Nhưng chỉ ngay câu thứ hai đã tháo mặt nạ: “Thầy đã dặn nên tôi không tiện từ chối, nhưng con gái không hợp đi lấy tin với tôi. Em cứ ở lại tòa soạn học biên tập này kia, tới lúc đó tự viết nhận xét thực tập, tôi sẽ ký tên cho em.”

“… Như thế có vẻ không hay lắm.” Không khác gì một chậu nước lạnh.

“Không có gì là không hay cả.”

“Thầy giới thiệu em đến đây thực tập phóng viên, không phải biên tập, cũng không phải… làm việc văn phòng.”

“Lấy tin và biên tập cũng như nhau.” Tiêu Kính đứng dậy sửa sang đồ đạc, dặn dò người bên cạnh vài câu rồi vỗ vào lưng ghế, “Em cứ ngồi chỗ của tôi, cũng có thể đọc báo, có thời gian thì sửa bài, để sau tôi sẽ xem.”

Nói đoạn đi thẳng vào thang máy, thậm chí còn chẳng buồn tạm biệt. Tôi ngơ ngác, sải bước đuổi theo: “Anh Tiêu, thầy Tiêu, hay cho em đi chung với anh đi, ngành chính quy của em không phải ngành này, thầy bọn em cũng đã dặn phải theo anh học tập.”

“Em cứ bắt đầu từ việc đọc báo đi.”

“Mẹ kiếp.” Khi cửa thang máy khép lại, tôi thấp giọng chửi thề.

Ở tòa soạn một tuần nhưng chỉ gặp anh ta được hai lần, trong thời gian ấy đã xem hết số báo trong nửa năm qua. Những bài Tiêu Kính soạn đều là các bản tin xã hội khá phức tạp, nghe nói dạo này đang chạy tin về việc người lao động nhập cư đòi lương. Sự nghiệp này quá rộng lớn, tôi đâu cam tâm co mình ngồi sửa báo trong tòa soạn, cuối tuần lén tố cáo với thầy.

Rất có hiệu quả, ngày thứ hai vừa đến tòa soạn đã bị anh ta gọi tới, lấy ra một chiếc mắt kính, trịnh trọng đặt lên bàn.

Tròng kính bị bể, gọng kính như bị giẫm đạp.

“Bị như vậy trong lúc phỏng vấn.” Anh ta nhìn, nghiêm túc nói, “Chạy tin tức xã hội không dễ, không phải tôi không muốn dẫn em, mà chắc chắn là em không kiên trì nổi. Thầy có quen với tổng biên tập ấn bản văn hóa, chi bằng em sang đó đi.”

“Thầy ấy nói đó là nơi dưỡng lão.”

“Quy trình lấy tin cũng như nhau.”

“Thầy bảo em đi theo anh.”

Tiêu Kính cau mày, im lặng cất cặp mắt kính vào hộc bàn, đoạn nói: “Được, để xem em có thể kiên trì bao lâu.”

Anh ta cúi đầu nhìn đôi giày sandal trên chân tôi, cũng hài lòng gật đầu.



Tôi theo Tiêu Kính lấy tin một tháng, từ công trường xây dựng đến nhà máy nước thải, từ khu trung tâm đến các làng đô thị, da cháy nắng, chân còn nổi rộp nước.

Quỹ thời gian đã được chuyện học tập và thực tập lấp đầy, bớt chú ý tới Lý Miễn. Tôi vẫn tưởng anh còn tức giận, mà bản thân không chịu yếu thế, nhưng thực ra lúc ấy Lý Miễn bận tới nỗi giấc ngủ trở thành điều xa xỉ, gần như nhốt mình cả ngày trong phòng thí nghiệm, vừa làm đề án luận văn vừa chuẩn bị thi cử, tranh thủ cơ hội nhận việc.

Đến gần kỳ nghỉ hè, có mấy nhóm thực tập sinh tới, cũng toàn là các em năm hai năm ba đại học, với tuổi tác và tư chất đi trước, tôi nghiễm nhiên trở thành đàn chị, những lúc rảnh rỗi sẽ dẫn mọi người đi hát.

Có một hôm uống rượu ở KTV, không biết là ai chọn bài Chia tay vui vẻ, làm tôi buồn bã. Ôm micrô càng hát càng kích động, lúc cảm xúc dâng trào thì bất thình lình cửa bị đẩy ra.

Ánh đèn đủ màu xoay tới xoay lui, hắt lên mặt anh. Lý Miễn tiện tay bấm nút dừng, tiếng nhạc biến mất.

Tôi còn tưởng mình uống say đến nỗi sinh ảo giác, sợ hãi không dám nhúc nhích, nghe thấy anh nói: “Anh đã đồng ý chia tay hay sao mà vui vẻ hả, vui sớm quá nhỉ.”

“… Lý Miễn?”

Anh kéo tôi ra khỏi phòng, đi trên hành lang tối om, đi qua đại sảnh ồn ào, đi thẳng ra ngoài đường. Gió đêm vẫn hanh khô, Lý Miễn thở dài: “Có phải anh đã từng dặn em bớt uống rượu khi ở ngoài không?”

“Sao anh lại ở đây?”

“Anh đi làm, tháng 9 chính thức nhận việc, nay đến thực tập trước.”

“Anh về đây làm việc?”

“Ừ.” Anh không kìm được bật cười.

“Việc gì?”

“Phòng thí nghiệm.”

“Sinh viên chính quy như anh vào phòng thí nghiệm làm gì?”

“Nên mới bảo, mất bao công sức mà bạn gái lại đi hát chia tay vui vẻ.”

Tôi vẫn đang trong trạng thái ngơ ngác, cầm micrô đổi tay mấy lần, muốn hỏi rất nhiều điều nhưng chính bản thân còn không tiêu hóa nổi, “Sao anh biết em đang hát ở đây?”

“Cái gì em cũng đăng lên Weibo, không phải cố ý cho anh xem hả? Hình như còn ai follow nữa đâu nhỉ?”

Phải một lúc sau mới hiểu, tôi vừa khóc vừa cười, cuối cùng toét miệng nở một nụ cười rất xấu xí. Tầm mắt nhòe đi, tôi nhận ra Lý Miễn đã đến rồi, lần này không phải đợi quá lâu.



Tuần đầu tiên sau dịp lễ Quốc khánh.

Tôi đi vòng vòng dưới vòm cây ở trước cổng, xoay bút thu âm trong tay. Chàng trai bên cạnh có vẻ mất kiên nhẫn nhưng không dám tỏ vẻ, chỉ táy máy máy ảnh.

Cúi đầu nhìn đồng hồ, sao người này vẫn chưa tan làm?

“Chị à,” Cuối cùng cậu ta cũng lên tiếng, giả nghiêm túc nói, “Phóng viên Tiêu nói là phỏng vấn ngẫu nhiên ngoài đường… Mà chúng ta đã đợi ở đây hơn nửa tiếng rồi.”

“Đợi người trong đó đi ra, ra tới trên đường, không phải là phỏng vấn ngoài đường à?”

Cậu ta mím môi, đành tiếp tục chờ. Đây là phóng viên quay phim thực tập trong tòa soạn, năm nay ít người tới, theo sự phân bổ thống nhất nguồn lực, là mượn dùng.

“Này, cậu tên gì? Học năm mấy?”

“Lâm Văn Hạo, năm ba.”

“Ừ.” Tôi gật đầu chiếu lệ, “Cậu biết chuyên đề này chứ, mấy hôm trước CCTV mới làm. Chúng ta theo trào lưu làm ảnh mặt cười, đợi lát nữa nhớ chụp cho đẹp vào đấy, còn nữa, không được nói với thầy Tiêu là tụi mình đứng chờ ở đây.”

“À, biết rồi.”

Vừa dặn dò xong thì thấy có người đi ra. Tôi bật lên hai lần, tìm kiếm bóng dáng của Lý Miễn, anh mặc đồng phục phòng thí nghiệm màu xanh nước biển, tôn lên nước da trắng trẻo cùng dáng người cao ráo.

Anh nghiêng đầu nói chuyện với người bên cạnh, lúc đầu còn nghiêm túc, sau đó bật cười, ngược nắng chiều tiến về phía tôi.

“Em tới đây làm gì…”

“Xin chào cư dân thành phố!” Tôi mở máy ghi âm, giọng xao động, “Tôi là phóng viên thực tập của toàn soạn, đây là cuộc phỏng vấn đường phố về chuyên đề đặc biệt của chúng tôi. Tôi muốn hỏi anh…”

“Anh có hạnh phúc không?”

Lý Miễn ngạc nhiên, xung quanh có người dừng chân nhìn sang. Anh dở khóc dở cười, mượn giọng như trong TV, tính giả vờ để qua bài: “Họ Lý.”

Tôi đưa bút ghi âm ra xa, thấp giọng nhắc nhở: “Không được trả lời như vậy.”

“… Hạnh phúc.” Anh nhấp môi, cười chặn tôi, “Đừng phỏng vấn anh.”

“Vì sao lại cảm thấy hạnh phúc?”

Anh vỗ trán, ra chiều suy nghĩ: “Là vì… em?”

Tôi cố kìm nén niềm hân hoan, ngoái đầu gọi Lâm Văn Hạo, nhưng lúc này lại quên khuấy tên cậu ta: “Này… Em trai, chụp ảnh cho anh ấy đi, cười lên nào.”

Lý Miễn càng bối rối, có lẽ cảm thấy mình đang bị chơi, trong chớp mắt Lâm Văn Hạo nhấn nút chụp ảnh, anh bất ngờ vươn tay ôm đầu tôi kéo tới.

*Tách* một tiếng hình ảnh dừng lại, là nụ cười của anh cùng gương mặt ngạc nhiên nhăn nhó của tôi.