Ánh đèn mờ mờ, bàn ghế chật chội, sách vở chất chồng, đủ các loại ly nước. Mỗi khi có người, ngẩng đầu lên chỉ thấy toàn những bóng lưng trơ trơ, còn lúc không có ai, trên bàn là những kiểu chữ viết tay khác nhau: Đang ôn tập, đừng dọn dẹp.

Năm ấy, ngày nào tôi cũng dành nửa thời gian ở phòng tự học từ sáng đến tối. Dù học văn bằng 2 nhưng vẫn xem là thi tuyển sinh liên thông sau đại học, vừa làm luận văn tốt nghiệp vừa bận rộn ôn thi, thật choáng ngợp.

Có cảm giác thời gian thật dài dẵng, ký ức thoáng qua rồi vụt mất. Trong mùa tốt nghiệp bận bịu ấy vẫn xảy ra vài chuyện lớn.

Chuyện đầu tiên, Từ Chi Dương được nhà nước đài thọ ra nước ngoài.

Chiều hôm ấy chúng tôi đến sân bay tiễn cậu, xung quanh người qua kẻ lại, có người yêu vợ chồng ôm nhau, có bố mẹ con cái nói lời tạm biệt, là những gương mặt bịn rịn lưu luyến.

Bốn chúng tôi đứng trong góc, không khí vẫn thoải mái. Ngụy Tiêu cảm thán: “Từ Chi Dương là người đầu tiên trong chúng ta đi nước ngoài, tiền đồ lắm.”

“Hồi nhỏ tớ đã linh cảm cậu ấy sẽ ra nước ngoài rồi, giống dì Dương.”

Tôi đáp, huých tay vào Lý Miễn, “Nè, cậu còn nhớ ngày trước bọn mình rất thích đến nhà cậu ấy không? Dì Dương thường chiếu phim cho cả bọn xem. Hồi ấy cảm thấy nhà cậu ấy rất Tây, gì cũng tốt, tới bột giặt cũng tưởng là đồ ngoại.”

Từ Chi Dương bật cười, hất cằm chỉ Lý Miễn: “Không phải về sau còn mua giống nhau à.”

“Mẹ nó.” Lý Miễn nhướn mày, xoay mặt đi, “Quên rồi.”

“Bột giặt ấy hả?” Tôi dở khóc dở cười, sau nhiều năm cuối cùng cũng có lời giải, “Hóa ra cậu cũng bắt chước à, tớ cũng mua giống thế, chẳng trách về sau không ngửi thấy gì, ai dè do mọi người có mùi giống nhau.”

Đang cười nói, Từ Chi Dương chợt cúi đầu: “Tớ phải vào rồi.”

Bỗng cảm thấy cay cay. Không rõ tại sao, rất nhiều cảnh biệt ly trong đời tôi đều có liên quan đến vậu, cấp 1 tôi tiễn cậu rời khỏi khu ký túc xá nhân viên, cấp 2 cậu tiễn tôi rời xa quê hương. Bây giờ cậu ấy sắp bước ra ngoài biên giới, thân là bạn, vừa thấy tự hào vừa bịn rịn.

Trước khi vào cửa hải quan, Từ Chi Dương lần lượt ôm chúng tôi. Cậu nắm vai tôi, nửa nghiêm túc nói: “Nếu Lý Miễn bắt nạt cậu, cậu có thể gọi điện cho tớ, bao giờ về sẽ trút giận thay cậu.”

Giọng không cao không thấp, đủ mọi người nghe thấy.

Lý Miễn đút tay trong túi đứng một bên, cười mắng: “Không cần.”

Từ Chi Dương cũng cười, rồi cậu thản nhiên dúi vào tay tôi một tờ giấy, trên đó viết một dãy số điện thoại di động trong nước xa lạ.

Ba chúng tôi đồng thời ngẩn người, cứ tưởng đó chỉ là câu nói đùa. Kinh ngạc cầm tờ giấy, lại nghe thấy cậu nói: “Cất đi, tớ vào đây.”

Cuối cùng vỗ mạnh vào vai Lý Miễn, xoay người đi vào cửa hải quan.

Tôi gấp tờ giấy lại, nhét vào ví tiền, bất chợt không biết nói gì. Ba người rời sân bay, ánh nắng vẫn nhức mắt như thế, Ngụy Tiêu dừng chân, khóa kim loại trên giày phản chiếu óng ánh:

“Tớ về phòng thu âm đây, đi xe của đồng nghiệp.”

Một chiếc xe màu đen tiến tới, một người đàn ông mặc áo sơ mi mở cửa, trông có vẻ đã ba mươi, chào chúng tôi.

“Đồng nghiệp của tớ.” Cậu ấy giới thiệu đơn giản, cúi người ngồi vào xe, “Đi trước nhé.”

Chiếc xe dần rời xa, Lý Miễn buột miệng hỏi: “Đó là quản lý của cậu ấy à?”

“Chắc thế, tên Trần Tư Văn.”



Và đấy là chuyện thứ hai.

Ngụy Tiêu lang bạt ở Bắc Kinh bốn năm, từ ga tàu điện ngầm cho tới quán bar, một đôi giày mặc suốt bốn mùa, chạy nhiều tới mức đế giày mài mỏng, cuối cùng giờ đây vầng dương đã hé rạng, được người ta phát hiện rồi ký hợp đồng với một công ty ca nhạc.

Mà người thưởng thức nhân tài ấy chính là Trần Tư Văn, về sau thành quản lý của cậu ấy. Suốt năm bốn tôi rất ít gặp Ngụy Tiêu, cậu ấy bận ghi âm album, còn phải thu xếp thời gian biểu diễn, dần dà cũng có tiếng tăm trong giới.

Những khi học hành mệt mỏi, tôi sẽ lên mạng tìm kiếm tên của cậu ấy, sau đó để lại bình luận ở Tieba và diễn đàn, như một người hâm mộ bé nhỏ.

Dạo đầu năm Ngụy Tiêu có về nhà một chuyến, quán karaoke đã biến thành nhà tắm công cộng, bố mẹ cậu ấy nghe nói con gái mình trở thành ca sĩ, lập tức vỗ trán bảo muốn mở karaoke lại.

Cậu ấy còn chụp một tấm hình trước cửa sổ phòng tập ở học viện âm nhạc ngày trước, nói với tôi tiệm mì xào vẫn còn đó, nhưng giá tăng từ 2 tệ lên 10 tệ. Cậu ấy đăng tâm ảnh này lên blog của mình, viết một dòng trạng thái: “Là nơi bắt đầu mọi chuyện.”



Bố mẹ Ngụy Tiêu vui vẻ bao nhiêu thì bố mẹ Lâm Hiếu Thành giậm chân đấm ngực bấy nhiêu, so sánh thật khiến ta thở dài.

Ừm, chuyện thứ ba là về Lâm Hiếu Thành.

Nhà cậu ta làm kinh doanh nên tài chính kinh tế không tới nỗi tệ, hai bác cũng chưa bao giờ mong cậu ta ở lại bắc Kinh làm việc kiếm tiền, con đường tốt nhất là học hành, học tiếp cao học, về nhà tiếp quản chuyện kinh doanh.

Nhưng khi ấy cậu ta rất sợ phải học tiếp, ngày nào còn học thì ngày đó không thoát được cảnh tình yêu cô trò. Hồi đó cô Trịnh đã 28 tuổi, vì tình yêu không dám công khai nên cứ ba ngày hai bữa lại bị trong nhà giục đi xem mặt, từ chối không được, áp lực ngày một lớn.

Thế là Lâm Hiếu Thành quyết tâm ở lại Bắc Kinh tìm việc, khỏi phải nhắc đến kỳ thi đầu vào sau đại học, ngày ngày đắm mình trong những buổi tuyên truyền và hội chợ việc làm, phỏng vấn hết đợt này đến đợt khác, tính tình bớt nóng nảy, cũng trở nên chín chắn hơn.

Nhưng sự cố gắng ấy chỉ như muối bỏ biển, nhất là khi so với những “người thành công” nọ. Chính mắt tôi thấy đối tượng hẹn hò của cô Trịnh đến đón cô ở trước cổng trường, cũng từng thấy hai người họ cãi nhau ở sau khu nhà dạy học, có một buổi tối cùng Lý Miễn đi dạo ở cửa Tây, phát hiện Lâm Hiếu Thành ngồi một mình trong quán ăn vặt Sa Huyện.

Chúng tôi đi vào, thấy cậu ta gọi canh hầm, đút từng muỗng từng muỗng vào miệng.

“Ha, được đấy, còn biết dưỡng sinh kia à.” Tôi nhạo báng, chờ cậu ta vặc lại.

Ví dụ như, Khương Lộc à cậu học hành cần phải bồi bổ đầu óc đi, hoặc Lý Miễn à cậu yêu đương cần phải bồi bổ thân thể đi.

Nhưng Lâm Hiếu Thành chỉ ngước mắt, đoạn nói: “Có hơi nhớ nhà.”

Trên đường về ký túc xá, tôi và Lý Miễn vừa đi vừa trò chuyện, tâm trạng nặng nề. Lúc ấy áp lực của bản thân rất lớn, nếu thi rớt là phải đối mặt với nơi xứ lạ, không dám nghĩ tới.

Tôi hỏi cậu, có cảm thấy Lâm Hiếu Thành đã thay đổi không?

“Vì có chuyện thực sự muốn làm nên mới có lý do để kiên trì.”

“Nhưng đâu cần phải thay đổi bản thân làm gì.”

Cậu vỗ đầu tôi, “Đó là chuyện không kiểm soát được, ngốc à.”

Tôi thẹn quá hóa giận: “Ây da đừng vỗ đầu tớ, bây giờ đầu óc tớ quan trọng lắm đấy, bên trong đựng toàn kiến thức.”

“Thế cơ à, tớ xem nào.”

Lý Miễn giơ hai tay lên, ánh mắt lướt qua mặt tôi. Tôi xấu hổ, bắt đầu chộn rộn, lại nghe thấy cậu nghiêm túc nói: “Thấy rồi, kiến thức biến thành quầng thâm, mau về ngủ sớm đi.”

“Nhưng tớ còn muốn tự học buổi tối.”

“Nghỉ ngơi một ngày đi, nhanh, về phòng ngủ.”

“Vẫn chưa thu dọn sách vở ở phòng tự học.”

“Tớ dọn hộ cho.”

“… Được rồi.” Phối hợp ngáp một cái, ôm lấy vai cậu, “Cám ơn nha.”

“Cám ơn là xong hả?”

“Ừ.” Tôi cười cười, nhấc chân toan đi về, ai dè bị Lý Miễn túm lại, ấn vào tường.

Tay cậu chống lên tường, đúng bằng chiều cao của tôi, cúi đầu xuống hôn.

“Nói một đằng làm một nẻo, không phải bảo tớ nhanh về phòng à?”

“Chuyện này thì trễ cũng được.”



Nhiều chuyện đan xen, chẳng mấy chốc đã đến Giáng sinh năm 2010. Trước đêm thi cử, album của Ngụy Tiêu đã phát hành, cậu ấy tổ chức buổi ra mắt nhỏ ở quán bar.

Lúc đó áp lực rất lớn, một mặt là để ủng hộ cậu ấy, mặt khác cũng là để giải tỏa áp lực, thế là kéo Lý Miễn đến cổ vũ, kết quả vừa ra khỏi trường lại đụng mặt Lâm Hiếu Thành.

Không khí Giáng sinh ngập tràn nơi nơi, tuyết nhẹ rơi, sắc xanh đỏ và nhạc Giáng sinh vang muôn nẻo, thậm chí những nơi chỉ làm ăn nhỏ cũng sẽ đội mũ ông già Noel, chào đón cơ hội kinh doanh trong dịp lễ.

Tôi hỏi cậu ta vì sao không đón lễ với cô Trịnh.

Cậu ta bình thản bảo, cô Trịnh xem mắt thành công, đối phương là giảng viên trường bên, tốt nghiệp tiến sĩ, là dân địa phương, có xe có nhà, còn không hói đầu.

Còn Lâm Hiếu Thành chưa tìm được công việc, đương nhiên bị loại. Tôi và Lý Miễn không biết nói gì, nhất thời mềm lòng kéo cậu ta đến buổi lễ ra mắt.

Và đó là một quyết định cực kỳ sai lầm trầm trọng, một người thất tình tìm kiếm sự khuây khỏa, đến quán bar còn làm gì được đây?

Lâm Hiếu Thành vừa đặt mông ngồi xuống là bắt đầu uống, lúc Ngụy Tiêu lên sân khấu cậu ta đã say mèm. Mọi người nghe hát, cậu ta ở dưới lè nhè làu bàu, làm phiền người khác.

“Đừng uống nữa.” Lý Miễn lấy cốc bia của cậu ta, “Cậu uống nhiều rồi.”

“Không nhiều, trả đây!” Cậu ta bỗng cao giọng làm càn, bắt đầu ồn ào.

Tôi xoay người lén rót thêm nửa cốc Sprite, đẩy về nói: “Cậu nhỏ tiếng thôi, nát rượu thì ra ngoài giùm.”

“Ai nát rượu hả,” Lâm Hiếu Thành lóng ngóng kéo tay áo tôi, cố gắng nói thật rõ, “Khương Lộc, cậu, cậu gọi điện giúp tớ.”

“…” Tôi biết cậu ta muốn gọi cho cô Trịnh, nhưng truy hỏi cũng được ích gì, tính cách đã không cần, nay còn muốn đánh mất cả danh dự sao? “Đừng gọi, mất mặt lắm.”

“Cậu hỏi cô ấy giúp tớ.” Đầu lưỡi lè nhè, “Cậu hỏi cô ấy…”

“Cậu còn muốn hỏi gì?!” Bất giác nặng giọng.

Cậu ta nhìn tôi chằm chằm, bỗng thở hắt ra một hơi, suối nước mắt đã phải kìm nén như muốn chảy ra. Một giây sau che mặt dựa vào lưng ghế, vừa khóc vừa cười nói: “Mẹ kiếp, tớ làm chó.”

Lần đầu tiên tôi thấy Lâm Hiếu Thành khóc, thậm chí còn hồ nghi đây là lần đầu tiên cậu ta khóc từ sau khi trưởng thành. Tôi ngơ ngác, trao đổi ánh mắt với Lý Miễn, quyết định rút lui.

Hai chúng tôi đứng dậy kéo Lâm Hiếu Thành, nào ngờ cậu ta cứ ì ra đó, kéo không nổi, mà lôi lôi kéo kéo càng gây ra động tĩnh lớn, khiến những bàn khác liên tục ngoái đầu.

Cậu ta làu bàu nói lung tung, tóm lại chỉ muốn gọi điện, nếu không sẽ không đi.

Lý Miễn đã mất kiên nhẫn, giật lấy điện thoại của cậu ta bấm số, không ai bắt máy. Sau đó lấy điện thoại của mình gọi vào số kia, bị tôi giữ lại: “Không ai nghe máy thì thôi.”

“Phải để cậu ta tuyệt vọng, hôm nay chấm dứt một lần luôn đi.”

Một giây, hai giây, ba giây, Lý Miễn cất lời: “Cô Trịnh, Lâm Hiếu Thành có chuyện muốn nói với cô.”

Điện thoại đưa tới bên tai cậu ta, Lâm Hiếu Thành bối rối, alo một tiếng rồi không nói nữa. Tôi nhìn cậu ta một lúc rất lâu, sốt ruột nói: “Cậu nói đi chứ, không phải muốn hỏi cô ấy à?”

Lý Miễn rút điện thoại về, nhìn một cái, thở dài bảo: “Đã cúp máy rồi.”

Cảm giác ngột ngạt đó đã lây sang cả hai chúng tôi. Tôi không uống bia nhưng vẫn như say, liên tục gọi điện, gọi lần nào bị tắt mấy lần đó, về sau bên kia tắt thẳng nguồn. Dù có trăm lời muốn nói cũng không một ai lắng nghe; dù có trăm câu hỏi cũng chẳng ai trả lời.

Lâm Hiếu Thành đã không còn tỉnh táo, uống hết cốc rượu trộn Sprite rồi quay qua uống nốt chỗ của Lý Miễn, sau đó bắt đầu làm loạn, cậu ta đứng dậy cầm lấy chai rượu bàn bên cạnh, ngẩng cổ uống cạn.

Và đương nhiên đã xảy ra tranh chấp, một cú mất kiểm soát trong phạm vi nhỏ. Tôi và Lý Miễn vừa xin lỗi vừa dìu cậu ta ra ngoài, đúng lúc trên sân khấu đang hát bài về tình yêu, tên ngốc Lâm Hiếu Thành hét lên: “Mẹ nó, hát cái chó má gì đấy!”

Chính câu nói đó đã khiến Ngụy Tiêu ngừng hát.



“Vậy Ngụy Tiêu có đồng ý kết bạn không?” Lý Miễn đang rửa chén bát, bỗng nhớ tới chuyện này.

“Không biết nữa, không hỏi, em thấy Ngụy Tiêu không quan tâm cậu ta đâu.”

“Đều là bạn bè, sao lại không quan tâm?”

“Anh nhiều chuyện thì tự đi mà hỏi.” Tôi dựa vào tủ lạnh uống sữa chua, anh quay qua nhìn, cởi tạp dề ra, nói ba chữ, “Em rửa đi.”

“Hả!” Chưa kịp phản đối thì anh đã quàng vào cổ tôi, “Không phải anh chê em rửa không sạch à!”

“Không chê nữa.”

“Gì thế không biết…” Tôi phụng phịu đặt hộp sữa chua xuống, trở tay thắt tạp dề, mở vòi nước, nhưng vừa xịt xà phòng thì anh đã quay vào.

Dựa vào tủ lạnh, cầm sữa chua của tôi uống: “Đó là lần đầu Lâm Hiếu Thành gặp Ngụy Tiêu? Lần phát hành album.”

“Đúng thế, ở Bắc Kinh bốn năm nhưng chưa gặp nhau bao giờ.”

“Xem ra không đánh không quen biết.”

“À, cũng phải,” Tôi đưa bàn tay nhúng nước lên vén tóc, “Đúng là bị đánh thật.”