“Tôi hỏi các em, điều gì là cần thiết cho tính xác thực tin tức?”

Thầy giáo đứng trên bục giảng bài, tôi ngồi dưới day huyệt thái dương, nhỏ giọng lẩm bẩm: “Phù hợp với thực tế khách quan.”

“Khách quan, ngoài khách quan ra còn gì nữa?”

Hử? Nghe thấy à? Tôi ngẩng đầu lên, thầy ấy vẫn đang giảng: “Có một người được ca ngợi vì dám làm việc nghĩa, tận mắt đám đông nhìn thấy anh ta nhảy xuống nước cứu người. Bây giờ có thể chứng minh anh ta đã cứu người, kết quả là có người được cứu, vậy đó có phải là sự thật?”

Tiết học lúc chiều muộn, nắng chiều như muốn ru ngủ. Có mấy người đã nghiêng trái đổ phải, chỉ có một hai người gật đầu trả lời.

Bao gồm tôi.

“Được rồi, bây giờ các em là phóng viên. Cấp trên rất coi trọng, muốn đăng báo về hành động nghĩa hiệp ấy, nhưng lúc em phỏng vấn thì vị anh hùng đó lại nói cho em biết, thật ra chính anh ta đã gián tiếp khiến người kia rơi xuống nước, trước đó không dám nói, nhưng bây giờ mới thú nhận vì một số lý do. Bây giờ tôi hỏi các em, các em còn làm bản tin này nữa không?”

Tôi sửng sốt, nhìn những người khác lắc đầu nguầy nguậy, bày tỏ không làm nữa. Thầy giáo cười hỏi: “Cứu người là sự thật, đưa tin là nhiệm vụ của cấp trên, vẹn cả đôi đường, cớ gì lại không làm?”

Bên dưới xì xồ một hồi.

Thầy hài lòng xoay người, viết mấy chữ lên bảng đen: Toàn diện, toàn thể, bản chất.

“Phải nắm chặt sự thật từ liên kết giữa các sự thật và tổng hợp các sự thật, đó là yêu cầu về tính xác thực của tin tức. Sau này khi làm tin tức, các em phải lắng nghe tiếng nói của tất cả các bên, cũng cần chú ý những điều họ chưa nói, cố gắng hiểu sự thật một cách toàn diện.”

Đúng lúc này chuông hết giờ reo lên, cũng vừa lúc nhận được tin nhắn của Lý Miễn, nói đang chờ tôi ngoài cửa lớp. Ở trên bục, thầy vừa thu dọn giáo án vừa kết thúc:

“Người con lần đầu tiên giúp mẹ giặt áo, không nói vết bẩn là do mình làm bẩn; chẳng mấy khi người chồng mua son phấn cho vợ, không nói hộp cũ là do mình làm vỡ. Sự thật không hoàn chỉnh có được coi là sự thật?”

Tôi phản ứng chậm nửa nhịp, suy nghĩ vẫn dừng lại ở ví dụ trước. Tôi trầm ngâm thu dọn cặp sách, hỏi bạn học ngồi bên: “Cậu bảo xem, người được cứu nên cám ơn anh ta hay là hận anh ta?”

“Ai cơ?” Bạn nữ mơ màng hỏi lại, rõ là vừa tỉnh ngủ.

“Không ai cả, là ví dụ thầy mới nói… Thôi đi đây, bai bai.”



Lý Miễn đang đứng ngoài cửa, đứng áp sát tường tránh đám đông xô đẩy đi ra, hai tay đút trong túi, trông cứ như bị phạt.

Cậu nghiêng đầu, chạm vào ánh mắt tôi, lập tức đứng thẳng người dậy.

“Cậu có cần về phòng trước không? Vẫn còn dư thời gian.”

“Không cần, từ từ đi dạo cũng được.” Nâng tay lên nhìn đồng hồ, “Giờ này hay kẹt xe, đi muộn là lỡ buổi diễn đấy, cậu không biết kẹt xe ở Bắc Kinh kinh khủng thế nào đâu.”

Đúng như dự đoán.

Xe buýt ì ạch hơn một tiếng đồng hồ, ngoài cửa sổ là quang cảnh từ khi mặt trời lặn cho tới lúc đèn đường bật sáng. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối nhìn lên trần xe, lắc lư nghiêng ngả theo những cú phanh.

Nồng độ CO2 quá cao, trời oi bức. Ông anh ngồi giữa còn mập mạp, ép Lý Miễn ngồi sát tôi, không thể cựa quậy, thế là bắt đầu từ bên tai, cả gương mặt đỏ lừ.

Cũng may anh ta còn biết thông cảm, nghiêng người kéo cửa sổ ra, gió mát lùa vào, hai chúng tôi đồng thời thở phào.

“Nóng ghê.”

“Ừ.” Tôi gật đầu phụ họa, “Cậu vốn sợ nóng mà.”

“Thế à?”

“Hồi bé trời lạnh cóng mà chẳng thấy cậu đội mũ quàng khăn bao giờ, mặc áo khoác cũng toàn phanh kéo khóa.”

Lý Miễn nhớ lại, đoạn nói: “Là vì tớ vội ra ngoài.”

“Vội ra ngoài?” Lý do hay lắm, tôi bật cười nói, “Hồi đó thời gian dư dả, con nít có chuyện gì làm mà phải gấp gáp.”

Cậu ngả người ra sau trong khoảng không gian giới hạn, ngẩng đầu lên, im lặng một lúc mới nói: “Là vì tớ đứng trên ban công thấy cậu, vội xuống lầu nên mới không đội mũ không quàng khăn, cậu nhớ lại đi.”

Tôi ngẩn người, đúng lúc xe thắng gấp, cả người đổ về phía trước, hồi ức cũng theo đó xổ ra, vội nép vào ghế trước.

Trong trí nhớ, tôi và Ngô Thừa Thừa đứng dưới lầu ăn kẹo hồ lô, cậu chạy vội ra cửa, để hở nửa cổ; trên đường đi học Lý Miễn thường xuất hiện từ phía sau, lạnh tới mức tê tái mà vẫn giả bộ…

Tôi chần chừ ngoái đầu nhìn cậu, bắt gặp nụ cười điềm tĩnh, mặt ngước lên, khóe môi cong cong: “Nhớ ra rồi à.”

“… Ờ.” Tôi ngượng nghịu, cố ý vỗ trán, “Hồi nhỏ thích chơi với tớ thế hả?”

Lý Miễn thở hắt ra, “Cả hội đều thích chơi với cậu, là vì…”

“Ừ?” Có mong đợi lẫn thấp thỏm.

“Cậu dễ bị bắt nạt.”

“…” Tôi lúng túng sờ trán, xoay mặt đi cười khan hai tiếng, hít vào một bụng gió, chợt nhớ ra một chuyện, “À phải rồi, tối qua Từ Chi Dương đến à?”

“Cậu ấy nói với cậu?”

“Không, bạn cùng phòng tớ thấy các cậu đi ra cổng trường. Đã lâu rồi không gặp, ôn chuyện cũ hả?” Có thể ngửi thấy mùi rượu nhàn nhạt trên người cậu.

“Ừ.” Lý Miễn liếm môi, có vẻ không muốn nói chuyện, nhỏm dậy nhìn ra ngoài cửa sổ, “Sắp tới chưa?”

“Sắp rồi.” Tôi cũng trông ra ngoài, đội ngũ xe cộ vòng vo đến cầu vượt, cửa tiệm bên đường bật đèn sáng choang, người tan tầm qua lại như cửi, không kìm được lẩm nhẩm, “Bắc Kinh rộng thật.”

Rộng đến mức có thể chứa rất nhiều người, khiến trong ngày gặp lại nhau, tôi, Lý Miễn, Từ Chi Dương và Ngụy Tiêu mỗi người một tâm trạng khác nhau.

“Nè, bao giờ đi Vạn Lý Trường Thành không?” Cậu bỗng hỏi.

“Được.”

Và cũng có ngày bù đắp những nuối tiếc.



Quán bar nơi Ngụy Tiêu biểu diễn không quá lớn, nằm tít cuối hẻm, treo bảng gắn đèn neon.

Từ Chi Dương thất thần đứng trước cửa, chúng tôi tới gần mới đi đến đón.

“Đến lâu chưa?”

“Cũng mới thôi.” Cậu cười gượng, mím môi nhìn Lý Miễn, hai người không nói gì, một lúc sau mới ăn ý vỗ vào tay.

“Vào thôi, sắp bắt đầu rồi.” Từ Chi Dương mở cửa, tôi vô tình ngoái nhìn con đường, một cảm giá kỳ lạ ghì bước chân tôi.

Lúc mới đến đã cảm thấy lạ, cứ nghe thấy sau lưng lưng có tiếng động, nhưng ngoái nhìn thì trống không.

“Nhanh lên, ngoài này lạnh lắm.”

“Ngẩn ngơ cái gì đấy?”

Cả hai đồng thời lên tiếng, lại đồng thời im lặng.

“Nè…” Tôi không để ý điều đó, chỉ hỏi, “Các cậu có thấy hình như có người đi theo tụi mình không?”

Lý Miễn và Từ Chi Dương nhìn theo tầm mắt tôi, không một bóng người.

“Không có ai mà.”

“Cậu cũng không cảm thấy à? Từ sau khi vào hẻm.” Tôi nói với Lý Miễn.

Cậu lắc đầu: “Có thể là chung đường, giữa chừng đã rẽ vào hẻm khác.”

“Chắc là vậy…” Tôi bị thuyết phục, giậm chân lẩm bẩm, “Lạnh quá, nhanh vào trong thôi.”



Đấy là lần đầu tiên tôi vào quán bar, ấn tượng hẵng còn sâu sắc, về sau có đi mấy chỗ nhưng cứ thấy kém thua.

Không gian khá nhỏ, chỉ có chừng bảy tám bàn, bàn nào cũng sắp kín chỗ. Ánh đèn mờ ảo, trước một bức tường đặt mấy thứ nhạc cụ, chùm sáng chiếu về khu vực ấy.

Âm nhạc nhẹ nhàng, mọi người rì rào nói chuyện.

Ba chúng tôi tìm một chỗ trong góc, sát quầy bar, vừa ngồi xuống thì im lặng bao trùm. Tôi cũng không biết nói gì, đành ngó nghiêng nhìn quanh, tìm bóng dáng Ngụy Tiêu.

Chẳng mấy chốc cậu ấy đã tới, vẫn là mái tóc ngắn, bước đi như có gió, cuối cùng trên chân cũng đã đổi đôi giày ống mới, vừa đi vừa nói: “Lý Miễn, đúng là lâu lắm rồi mới gặp lại.”

Chào nhau xong, lập tức hỏi: “Các cậu uống gì? Bia hay rượu?”

Hai chàng trai vô thức nhìn nhau: “Bia đi.”

“Còn cậu?” Ngụy Tiêu nhìn tôi, cười nói, “Cho cậu chọn đồ uống, ở đây cũng có sữa.”

“Không cần, tớ cũng giống thế.” Tôi nhìn quanh một vòng, trên bàn toàn là rượu, “Ở quán bar ai uống thứ đó, bia đi.”

Lý Miễn và Từ Chi Dương muốn nói lại thôi, chỉ có Ngụy Tiêu thoải mái nhất: “Được, cậu chưa uống lần nào nên coi chừng. Tớ sắp lên hát rồi, không để ý được các cậu đâu.”

“Nè…” Tôi cuống quít kéo tay áo cậu ấy lại, sợ chỉ có ba đứa lại gượng gạo.

Không rõ Ngụy Tiêu có hiểu không, cậu ấy chỉ xoay người nói: “Khương Lộc, lát nữa tớ sẽ hát bài Trời biển vô biên cho cậu, có ghi âm.”



Trong lòng bao phen suy nghĩ, tôi cúi đầu nghịch điện thoại, cũng phân tâm đợi bài Biển trời vô biên của Ngụy Tiêu vang lên.

Chỉ nhấp có vài hớp bia, cốc vẫn còn đầy, bị Từ Chi Dương cầm lấy đổ sang cốc mình: “Tớ thấy cậu đừng uống nữa.”

“… Tớ uống được mà.” Mắt thấy sắp cạn, vội giơ lên uống sạch, ra vẻ phóng khoáng hỏi, “Có phải tối qua các cậu đã đi nhậu không, không say à?”

Từ Chi Dương sửng sốt, bối rối nhìn Lý Miễn:

“Cậu nói?”

“Bạn cùng phòng cậu ấy bắt gặp.”

“À, bọn tớ không uống mấy.”

“Cậu ta uống nhiều, ngủ lại nhà nghỉ trước cổng trường, sáng nay mới về.”

“Cậu không thế hả?”

Hai cậu ấy đốp chát như hát đôi, cảm giác bít tắc đã tiêu tan, sự thân thiết ngày bé lại quay về, rất rất muốn thời gian dừng lại.

Đừng ai phá hỏng cả, kể cả mình.

Có phải là tác dụng của bia rượu không? Mới uống hai hớp mà đã có tâm trạng rồi ư? Vừa nghĩ tới đây, khúc dạo đầu của Biển trời vô biên vang lên, Ngụy Tiêu đứng trên sân khấu, nhẹ gảy dây đàn, đồng thời cũng kéo tôi quay về.

Năm 1998, tôi và Ngụy Tiêu tạm biệt nhau trước cửa tiệm mì xào, rồi lại vì bài hát này mà chạm mặt nhau. Cậu ấy hỏi tôi, cậu cũng nghe Beyond à? Tôi hỏi lại, Gion gì cơ?

Rồi về sau, cậu ấy tập hát trong phòng luyện tập trống trải, cũng từng ca hát dưới trạm tàu điện ngầm chật chội, bây giờ đứng hát trong quán bar đơn sơ, mai này sẽ hát trên sân khấu rộng lớn.

Tôi dụi mắt cảm thán: “Nếu Ngô Thừa Thừa cũng ở đây thì hay biết mấy, mọi người tề tựu đông đủ.”

Đương nhiên về sau sự thật đã chứng minh, tuổi càng lớn thì chuyện tụ tập càng khó khăn. Ngay cả hôn lễ của tôi, mọi người cũng không tề tựu đông đủ.



Rời khỏi quán bar là lúc 11 giờ. Với những con cú đêm đấy vẫn chưa phải là bắt đầu; nhưng với đám học sinh sinh viên chúng tôi thì muộn lắm rồi.

Lý Miễn và Từ Chi Dương đã chếnh choáng, ở giữa tỉnh táo và mơ màng, chân nam đá chân chiêu. Tôi và Ngụy Tiêu cao hứng, vừa phát nhạc vừa hát theo.

Tiếng quỷ khóc sói hú của cả đám vang lên khắp ngõ, bỗng một cơn gió nổi lên.

Tôi giật mình ngoái đầu: “Thật sự các cậu không cảm thấy có người đi theo tụi mình à?”

Lý Miễn và Từ Chi Dương nhìn nhau, cũng ngoái đầu: “Không có người.”

“Có tiếng bước chân của ai đó, hơn nữa còn là… tiếng giày cao gót.” Tôi cúi đầu nhìn giày ống của Ngụy Tiêu, lại nhìn đôi sneaker của mình, bỗng mồ hôi lạnh túa ra, suýt làm rơi cặp:

“Không phải của bọn mình!”

“Đừng tự dọa nữa, đi thôi.” Lý Miễn tự nhiên nhận lấy cặp của tôi, đeo lên vai.

“Muộn thế này rồi, ừm… các cậu đi đâu?” Từ Chi Dương vừa hỏi, mọi người lập tức dừng bước.

“Tớ về nhà.” Ngụy Tiêu đáp, “Còn hai cậu?”

“Bọn tớ về trường.” Sự sợ hãi ban nãy đã bị thứ khác thay thế, “Tớ… có thể trèo cửa sổ về, còn cậu Lý Miễn?”

Khi cậu đang phân vân thì Từ Chi Dương nhắc nhở: “Cậu trèo vào được không, đừng để bị phát hiện như lần trước đấy.”

Thật yên lặng, nét mặt của Lý Miễn lập tức đóng băng. Tôi lúng túng nói: “Sẽ không… sẽ không trùng hợp thế đâu.”

Lại một cơn gió thoảng, lao xao vài chiếc lá còn bám víu trên cành. Chúng tôi chần chừ ngoài hẻm, nhìn đồng hồ, đã qua 10 phút.

“Hay tới nhà nghỉ trước trường đi.” Lý Miễn lên tiếng phá vỡ im lặng, “Đi thôi.”