Hồi ấy tôi nào đâu hay, đó lại là kỳ nghỉ đông vô tư lự cuối cùng trong đời.

Trượt băng, lên mạng, rong ruổi khắp nơi, tung hoành mọi ngõ ngách sân trường. Bình thường trường đại học là của sinh viên, nhưng trong ngày nghỉ lại thuộc về học sinh tiểu học.

Còn vài ngày nữa là bước sang năm mới, tiệm net đóng cửa, chủ tiệm phải về quê ăn Tết. Năm đứa chúng tôi hậm hực bỏ về, nghe tiếng pháo nổ đùng đoàng xung quanh.

Ngô Thừa Thừa cao giọng đề nghị đến cửa hàng văn phòng phẩm, Ngụy Tiêu là người đầu tiên từ chối. Cậu ấy đang chat dở, chỉ muốn nhanh chóng tìm chỗ khác lên mạng.

Ngụy Tiêu ngồi lì trong tiệm net cả ngày là đợi người ta lên mạng. Lúc đó tôi không cách nào hiểu nổi, cũng không khuyên được cậu ấy, chỉ cảm thấy tình cảm khó tin ấy đã đẩy cậu ra xa, dần rời xa chúng tôi.

Đương nhiên, quá trình trưởng thành của người nào mà chẳng có thời kỳ nổi loạn, nhưng thời kỳ nổi loạn của Ngụy Tiêu lại kéo dài những 30 năm. Thành viên ban nhạc chỉ là một khoảnh khắc không mấy đặc sắc trong thời kỳ nổi loạn kéo dài của cậu ấy.

Về sau chúng tôi thường đùa nhau, tôi bảo, chắc chắn Ngụy Tiêu cậu là người trưởng thành sớm nhất trong bọn mình, mới học tiểu học đã đi thích sinh viên đại học.

Cậu ấy lại khinh thường, nói đó mà thích cái gì, còn cậu đi từ thích đến kết hôn, cậu mới là người trưởng thành sớm nhất.



Ngụy Tiêu đi tìm tiệm net, bốn chúng tôi kéo nhau tới cửa hàng văn phòng phẩm, vừa đi vừa nói chuyện.

Tôi hỏi Ngô Thừa Thừa đến cửa hàng văn phòng phẩm làm gì, cậu ấy nói mua sổ lưu bút: “Mới khai giảng đó mà cũng sắp tốt nghiệp rồi, nếu không mua sớm là sổ đẹp bị lựa hết, không còn đâu.”

Tôi không quá để ý đến chuyện tốt nghiệp, ngạc nhiên hỏi: “Không phải tốt nghiệp xong sẽ vào cấp 2 luôn à, học sát bên mà vẫn phải viết cái này hả?”

Ngô Thừa Thừa không trả lời, ngoái đầu hỏi: “Từ Chi Dương, cậu định học cấp 2 ở đâu?”

Lúc này tôi mới ngộ ra, phải một lúc sau cậu ấy mới trả lời: “Tớ về thành phố học cấp 2.”

Rồi Lý Miễn vỗ vai cậu, khiến bầu không khí càng thêm nặng nề. Đáng nhẽ tôi nên sớm nghĩ tới chuyện Từ Chi Dương phải về thành phố chứ, cậu ấy chăm chỉ học tiếng Anh là để không chậm tiến độ.

Nhưng một lúc sau, tôi lại quên khuấy chuyện này: “Thế không phải cậu sẽ chuyển đi sao?”

Cậu ấy nhìn tôi, hai mắt sáng lên: “Tớ cũng không muốn chuyển đi, nhưng nếu vậy mai mốt đi học sẽ rất phiền.”

“Cậu nói với dì Dương là đừng chuyển đi mà, ở chung cư cũng có mấy đứa vào thành phố học.” Ngô Thừa Thừa nói, “Như con chú Vương ấy, vẫn đi học ở thành phố.”

Tôi nghĩ bụng, đó là do chú Vương không có nhà ở thành phố nên mới phải phiền như vậy. Hồi tập nghi thức đội, hơn 6 giờ sáng đã phải có mặt, mỗi lần ra cửa là tôi lại thấy con chú Vương bắt đầu đi học.

Buổi sáng mùa đông trời rất lạnh. Anh ấy phải bắt chuyến xe sớm, ôm chặt hộp sữa đi rất nhanh.

Nghĩ đến người này biến thành Từ Chi Dương, tôi không biết nói gì thêm. Đang im lặng, cảm giác Ngô Thừa Thừa huých vào vai mình, hòng tìm người phụ họa: “Cậu nói đúng không?”

“Cũng đúng.” Tôi ậm ờ hùa theo, “Từ Chi Dương, nếu cậu chuyển đi, vậy cuối tuần có về chơi không?”

“Có chứ.” Cậu ấy gật đầu, đáp chắc nịch như cái ngày đầu giúp tôi lấy chìa khóa.



Sau đó đi học, thời gian trôi cái vèo, đúng là mới chớp mắt đã tốt nghiệp rồi.

Trông Ngụy Tiêu có vẻ rầu rầu, nguyên nhân là vì anh trai ban nhạc đã quen bạn gái, hai người còn dẫn cậu ấy đến căng tin ăn cơm, rõ chỉ coi cậu ấy như đứa trẻ.

Đứng trước sự chênh lệch tuổi tác rõ rệt, cậu ấy còn có thể làm gì hơn, nói gì đi nữa cũng chỉ là con nít, cùng lắm là một đứa trẻ thích đóng giả làm người lớn.

“Tớ không nên học trễ một năm,” Trong tiết học cuối cùng trước khi tốt nghiệp, cậu ấy lại âu sầu, “Nhẽ ra tớ phải sớm tốt nghiệp, Khương Lộc, tớ lớn hơn các cậu.”

Có người nôn nóng tốt nghiệp, có người lại không muốn tốt nghiệp. Ví dụ như người bên cạnh tôi đây, vùi đầu xuống bàn cảm thán: “Tớ không muốn rời mọi người chút nào.”

“Cậu chỉ không muốn rời xa Từ Chi Dương thôi.”

Sĩ số lớp là 55 thì hết 54 người vào cùng trường cấp 2, trừ đỉnh kim tự tháp của chúng tôi.

“Ai bảo, nếu cậu chuyển đi thì tớ cũng sẽ đau lòng như vậy,” Rồi cậu ấy sực nhớ ra chuyện gì đó, xoay người lại hỏi: “À phải rồi, hai cậu viết lưu bút xong chưa? Sao lâu thế.”

Từ Chi Dương lấy ra hai cuốn sổ từ trong hộc bàn, một trắng một xanh: “Viết xong rồi.”

Tôi nhận lấy quyển của mình, chưa mở ra đã nghe thấy Ngô Thừa Thừa hít sâu. Cậu ấy đang xem lưu bút của Từ Chi Dương viết:

Chúc thuận buồm xuôi gió.

Chữ “chúc” viết rất to rất rõ, mấy chữ còn lại viết ở bên dưới. Hồi ấy thịnh hành kiểu chữ màu mè như thế.

Lý Miễn rướn cổ nhìn, thở phào một hơi: “Tớ viết thẳng đứng.”

Tôi nghe thế, lập tức mở sổ lưu bút ra, quả nhiên lưu bút của Lý Miễn vẫn là “chúc thuận buồm xuôi gió”, nhưng phiên bản chữ dọc, tôi lập tức trợn mắt: “Ngất, chỉ mấy chữ này mà viết một tháng á?”

“Viết thế là nhiều lắm rồi, có phải không gặp nữa đâu.” Cậu ta đáp qua loa, “Cậu xem, Từ Chi Dương cũng viết giống tớ còn gì, chỉ có con gái các cậu mới thích mấy trò này.”

Tôi thất vọng xoay người lên, cầm sổ lưu bút xem tiếp, kết quả phát hiện lưu bút của Từ Chi Dương nằm sau Lý Miễn, viết kín một trang.

Tôi giật thót, vô thức khép sổ lại, nghe Ngô Thừa Thừa hỏi: “Từ Chi Dương cũng viết thuận buồm xuôi gió cho cậu à?”

“Ừ.” Không hiểu sao lại trả lời thế nữa.



“Một, hai, ba…”

“Cheese!”

Ngô Thừa Thừa đứng bên cạnh tôi, Ngụy Tiêu, Lý Miễn và Từ Chi Dương đứng phía sau. Chúng tôi mặc áo sơ mi trắng, thắt khăn quàng đỏ, nheo mắt dưới ánh nắng mặt trời, cùng chụp tấm ảnh tốt nghiệp. Đó là lần cuối cùng chúng tôi tập hợp đầy đủ trong một bức ảnh chụp chung.

Mọi người vui vẻ giải tán, lúc đi ngang qua cổng trường, tôi thấy mấy bạn trong lớp chạy sang trường cấp 2 bên cạnh quan sát, nhưng bị bảo vệ chặn lại.

Gần như vậy đấy, trường cấp 1 và cấp 2 cách nhau chưa tới trăm mét. Tôi không kìm được nhìn sang Từ Chi Dương, chợt có cảm giác chỉ có mình cậu là người tốt nghiệp vào ngày hôm đó.

Cũng vào ngày chụp ảnh tốt nghiệp, Từ Chi Dương chuyển nhà.

Rất nhiều cô dì chú bác phụ giúp khuân đồ, bọn tôi cũng đi theo góp vui. Trong lúc nghỉ ngơi, cả đám ngồi ngoài thềm ăn kem, Từ Chi Dương nói, mỗi cuối tuần cậu ấy sẽ về tìm chúng tôi, thật ra không hề xa.

Giờ nhìn lại, quả đúng là không xa, chỉ ở mức độ đi lại giữa các thành phố lớn. Nhưng hồi bé lại cảm thấy xa xôi tít tắp.

Song, như đã nói trước đó, nơi này là xã hội nhỏ ổn định của những người quen, nhiều đứa trẻ trong khu ký túc xá nhân viên sẽ đi học tại đây từ tiểu học cho đến đại học, tốt nghiệp xong sẽ ở lại, gần như cả cuộc đời không bước ra khỏi sân trường.

Từ Chi Dương là người đầu tiên phá vỡ sự ổn định đó, chưa vào cấp 2 đã rời đi, chia tay chúng tôi. Về sau lớn lên rồi mới thấy, chia tay cách xa mới là trạng thái bình thường.

Đến tối, việc dọn nhà đã gần như hoàn tất. Người lớn trẻ con nhao nhao nói lời tạm biệt, tôi và Ngô Thừa Thừa không kìm được bật khóc. Khi chiếc xe tải chậm rãi lăn bánh, tôi trông thấy bàn học nhà cậu ấy nằm lộn ngược ở cuối, không biết là ai dùng phấn viết bốn chữ ở dưới gầm:

Thuận buồm xuôi gió.