Sau khi thả cho Triệu Hoàn quay về kinh, cứ cách một hai ngày người Kim lại thúc ngựa tới Khai Phong phủ đòi ngựa tốt, binh khí, vàng bạc, thị nữ,... Bởi lần trước ở trai cung Thanh Thành Triệu Hoàn chưa xác nhận rõ ràng đồng ý với yêu cầu cắt đất ba trấn, Tông Hàn, Tông Vọng liền nghe theo kiến nghị của Tông Tuyển, giữ Hà Đông Hà Bắc thủ thần, Giám tư thân thủ làm con tin trong quân, nói rằng đợi khi nào đất được cắt sẽ đem trả lại. Hai nguyên soái lại nghe có kẻ nói trong nhà gian thần từng nắm trọng quyền kiều thê mỹ thiếp rất nhiều, liền đặc biệt lệnh cho Khai Phong phủ đưa hai mươi người trong nhà đám gian thần Sái Kinh, Vương Phủ, Đổng Quán tới quân doanh.


Trong số tỳ nữ được đưa tới lần này có một mỹ nhân nhà Sái Kinh là Lý Tiên Nhi, trông thấy Tông Vọng cũng không khiếp sợ, thậm chí giữa lúc mắt mày qua lại còn không quên duyên dáng mỉm cười, khiến Tông Vọng đã quen nhìn cảnh con gái triều Tống đau thương khóc lóc yêu thích vô cùng, lập tức chọn nàng ta thị tẩm, liên tiếp nhiều ngày chiều chuộng sủng ái.


Sau khi đôi bên đã thân thiết với nhau, Tông Vọng liền hỏi thân phận của Lý Tiên Nhi tại Sái gia. Lý Tiên Nhi nói ban đầu nàng là cung nữ hầu hạ con gái thứ năm của Đạo quân Hoàng đế Mậu Đức đế cơ Triệu Phúc Kim, sau đó Mậu Đức đế cơ hạ giáng con trai thứ bảy của Sái Kinh là Sái Diêu, nàng liền theo đế cơ chuyển vào phủ công chúa, thế nhưng vẫn luôn chỉ là một thị nữ bình thường không danh không phận.


Tông Vọng ngạc nhiên hỏi: "Với nhan sắc của nàng, muốn làm nương tử của Hoàng đế chắc cũng không phải việc khó gì, sao đến vị trí tiểu thiếp cũng không giành nổi, lẽ nào phò mã nhà các ngươi mắt mù rồi ư?"


Lý Tiên Nhi rầu rĩ đáp: "Gia của tôi, việc này có hai lí do. Thứ nhất, Mậu Đức đế cơ là một trong hai cô con gái được Thái thượng hoàng chúng tôi cưng chiều nhất, không ai dám đắc tội với nàng hết. Mẫu thân của nàng đại Lưu Quý phi khi còn sống cũng rất được Thái thượng hoàng sủng ái, tính tình Mậu Đức đế cơ lại ôn hòa nhu thuận, từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn, Thái thượng hoàng yêu quý như trân bảo, bởi thế khi chọn phu quân cho nàng mới lựa thất công tử nhà Sái Thái sư khi ấy đang có quyền thế nhất. Để nàng sau khi kết hôn vẫn thuận tiện vào cung, Thái thượng thậm chí còn lệnh người xây dựng một cây cầu trên không nối lần phủ đế cơ và hoàng cung - đây là vinh dự đặc biệt mà chỉ Tam hoàng tử Vận vương mới có..."


Tông Vọng cười chen lời: "Ta hiểu rồi. Phò mã thấy Thái thượng yêu thương đế cơ như vậy, chắc chắn cũng không dám ngang nhiên nạp thiếp, nếu chọc đế cơ không vui thì bất cứ lúc nào cũng có thể qua cầu trên không vào cung mách tội, vậy thì tiểu tử đó sẽ gặp phải phiền phức lớn rồi."


Lý Tiên Nhi lắc đầu đáp: "Cũng không hoàn toàn như vậy, còn có một lí do nữa. Mậu Đức đế cơ không chỉ tốt tính mà còn có dung nhan khuynh quốc khuynh thành, nam tử gặp rồi không một ai không yêu thích. Phò mã gia cũng không ngoại lệ, từ sau khi cưới đế cơ hai người vẫn luôn phu thê ân ái. Nhan sắc bực này của tôi, đặt trong đám con gái bình thường còn được xem là bắt mắt một chút, thế nhưng nếu đặt cạnh đế cơ thì chẳng khác nào cỏ lau với mẫu đơn, sao có thể vừa mắt phò mã gia được!"


Tông Vọng thất thần lắng nghe, trầm tư hồi lâu, nói: "Ta từng nghe nội thị Đặng Khuê đã đầu hàng Đại Kim nói, phi tần, đế cơ trong cung Tống đều đẹp như tiên nữ trên trời. Khi ấy ta chẳng thèm để tâm, nay nghe nàng nói vậy, ngẫm ra ắt hẳn là thật."


Lý Tiên Nhi mỉm cười đáp: "Đương nhiên rồi. Thái thượng hoàng chúng tôi làm thơ vẽ tranh đều trác tuyệt, con mắt nhìn mỹ nhân cũng là hạng thượng thừa. Con cái do phi tần ông chọn sinh thì có thể không xinh đẹp được sao?"


Tông Vọng cười ha hả, ôm eo nàng kéo vào lòng, khẽ hỏi bên tai nàng: "Ban nãy nàng nói Mậu Đức đế cơ là một trong hai cô con gái được Thái thượng hoàng các người yêu chiều nhất, vậy đế cơ còn lại là ai?"


"Nhu Phúc đế cơ do Vương Quý phi sinh." Lý Tiên Nhi đáp, lại nói: "Có điều mặc dù nàng ấy cũng rất xinh xắn đáng yêu, thế nhưng tuổi tác còn nhỏ, vóc dáng vẫn như một đứa trẻ, suy cho cùng vẫn không bì được với ngũ tỷ của nàng là Mậu Đức đế cơ như hoa nở rộ, cây ngọc đón gió. Năm nay Mậu Đức đế cơ tuổi vừa hai mươi mốt, là độ tuổi đẹp nhất của một người con gái..."


Thấy Tông Vọng lúc này đang ngẩng đầu đờ đẫn nhìn về phía xa, hồn bay phách lạc, Lý Tiên Nhi liền phủ chiếc khăn trong tay lên mũi y, lườm y một cái, lầu bầu: "Nguyên soái nhanh như vậy đã có đứng núi này trông núi nọ rồi sao? Có điều Mậu Đức đế cơ không giống tôi, nếu là đám nô tỳ mạng tiện như chúng tôi thì nguyên soái thông báo cho Khai Phong phủ một tiếng bọn họ sẽ lập tức sẽ ngoan ngoãn đưa đến cả đống. Song đế cơ là lá ngọc cành vàng được Thái thượng yêu dấu, quan gia và nàng tuy không cùng một mẹ sinh nhưng những năm này cũng đối xử với nàng rất tốt, nguyên soái nếu muốn gặp được nàng không phải dễ dàng đâu!"


Tông Vọng cười lớn véo má nàng: "Cha nàng ta anh nàng ta đối xử tốt thì đã làm sao? Nàng có muốn đánh cược với ta không, nếu bắt Thái thượng hoàng và quan gia nhà các nàng phải lựa chọn giữa tính mạng và nàng ta, bọn họ sẽ chọn thứ nào?"


Ngày hôm sau, Tông Vọng và Tông Tuyển nhắc tới chuyện này giữa lúc chơi kích cúc. Tông Vọng hỏi: "Nếu ta gửi cho Khai Phong phủ một văn thư, lệnh cho bọn họ mau chóng đưa Mậu Đức đế cơ tới, đệ xem có cơ hội thành công hay không?"


Tông Tuyển lấy khăn mềm tỉ mỉ lau chà gậy đánh bóng, cười nhạt không đáp, đợi chiếc gậy đã không dính một hạt bụi rồi mới đưa tới bên miệng thổi thổi, rũ mắt nói: "Người Tống sĩ diện, nhị ca nếu nói quá thẳng thắn, chỉ e bọn họ sẽ nũng nịu làm bộ phản kháng. Không bằng đổi một cách nói khác dễ dàng chấp nhận được hơn, ví dụ như, hòa thân. Ngoài ra, nghe nói Mậu Đức đế cơ đã gả cho con trai của Sái Kinh rồi, nếu muốn nàng ta hòa thân thì phải nghĩ cách loại bỏ tên phò mã kia trước đã."


Tông Vọng vỗ tay cười: "Quả nhiên quỷ kế không ai bằng đệ! Việc này trước đây ta chưa từng nghĩ đến. Đệ có nhìn trúng đế cơ nào chưa? Cũng chọn một người bảo Khai Phong phủ đưa đến hòa thân đi."


Tông Tuyển lắc đầu: "Việc này đệ không gấp. Phi tần, đế cơ của người Tống đều thuộc về Đại Kim chúng ta chỉ là vấn đề thời gian. Đệ rảnh rỗi không có việc gì làm liền muốn tìm sách của người Hán để đọc, nhị ca thuận tiện giúp đệ hỏi Khai Phong phủ xin một ít sách quý đi, ví dụ như 'Tư Trị Thông Giám' gì đấy... Nếu nhị ca có được đế cơ thì cũng đừng quên cho Quốc tướng chút lợi lộc, những người khác cũng phải lo liệu một chút, đừng cho kẻ nào cơ hội lẻo mép với Lang chủ."


Tông Vọng đồng ý ngay: "Việc này có gì khó? Ta đòi cả mỹ nhân lẫn tiền bạc, mỹ nhân là của ta, còn tiền bạc nhường cho Quốc tướng đem đi phân chia là được... Phải rồi, lần này nên đòi người Tống bao nhiêu tiền thì thích hợp?"


Tông Tuyển nhấc gậy lên đi về sân bóng, vừa đi vừa lớn tiếng cười đáp: "Kiểm tra xem trong quốc khố của chúng ta còn lại bao nhiêu tiền, sau đó nhân số lượng đó lên gấp mấy lần là được."


Sau đó Tông Vọng và Tông Hàn thương lượng, một mặt tiếp tục viện cớ bắt gia quyến gian thần chỉ mặt gọi tên đòi Triệu Hoàn đưa Sái Diêu tới ngoại ô, mặt khác siết chặt việc vơ vét tiền bạc triều Tống. Triệu Hoàn quả thực đã tuân mệnh, tới cuối năm bèn áp giải Sái Diêu tới Thanh Thành giao cho người Kim giam giữ, còn về tài vật bởi quốc khố đã trống rỗng nên chỉ đành vận động bá quan, quý tộc quyên góp tiền bạc đưa tới trại Kim, song vẫn không thấm vào đâu so với số lượng mà người Kim yêu cầu.


Năm Thiên Hội thứ năm (Tống năm Tĩnh Khang thứ hai), tiết Nguyên Đán tháng Giêng, Triệu Hoàn phái Tề vương, Cảnh vương vào trại Kim chúc mừng năm mới, dâng tặng vàng bạc. Bảy ngày sau lại phái Hà Lịch tới gặp hai nguyên soái, xin Kim giảm bớt số lượng vàng bạc yêu cầu.


Tông Hàn lạnh lùng nhìn Hà Lịch nói: "Nói với Hoàng đế nhà ngươi, cắt đất ba trấn mà bọn ta muốn giao ra đây đã, rồi hẵng bàn tới việc giảm tiền bạc sau."


Tông Vọng cũng đăm đăm nhìn y, đặt ra yêu cầu hoà thân: "Nếu Hoàng đế nhà ngươi đồng ý đưa Mậu Đức đế cơ đến hòa thân với ta, mới có thể cân nhắc việc giảm tiền bạc."


Hà Lịch trợn mắt há mồm, lắp bắp nói: "Việc cắt đất quân thần chúng tôi sẽ bàn bạc sau... Mậu Đức đế cơ đã hạ giáng từ lâu, hiện đã là vợ người ta, Hoàng thượng chắc chắn sẽ không đồng ý... Thần không không thể về tâu lại."


Tông Vọng tức thì đập bàn tức giận nói: "Nếu ngươi đã không quyết định được, vậy còn bàn bạc với ngươi làm gì? Được, ta sẽ để Hoàng đế nhà các ngươi tự dâng mình lên, không cần phải thương lượng nữa!"


Hà Lịch nghe vậy liền run rẩy, lại nghe Tông Hàn sẵng giọng nói: "Quay về nói với Triệu Hoàn, lập tức vào trại cùng bọn ta trực tiếp bàn bạc, nếu không ta sẽ dẫn quân công thành ngay tức thì!"


Ngày hôm sau, hai nguyên soái chính thức gửi thư cho Triệu Hoàn, đồng thời sai Cao Khánh Duệ tới mời Triệu Hoàn ra khỏi thành gặp mặt. Triệu Hoàn bất đắc dĩ, chỉ đành quay lại Thanh Thành vào ngày Canh Tý tháng Giêng năm ấy. Lần này Triệu Hoàn đã đặc biệt dẫn theo Vận vương Khải và các quan Hà Lịch, Phùng Hải, Tào Phụ, Ngô Kiên, Mạc Trù, Tôn Địch, Đàm Thế Tích, Uông Tảo, Quách Trọng Tuần, Lý Nhược Thủy theo cùng. Sau khi tới trại Kim, hai nguyên soái mệnh Triệu Hoàn và thân vương, thần tử Tống ở lại, các vệ binh khác đều không được phép vào trại, khởi hành quay về thành trước.


Triệu Hoàn sống trong phòng phụ Đoan Thành điện trai cung, vẫn giống lần trước, người Kim không cung cấp đệm giường chăn màn, hơn nữa còn thẳng thừng khóa cửa, cấm không cho đoàn người Triệu Hoàn bước ra ngoài. Đêm lạnh lại hắt heo đằng đẵng, thần tử chỉ đành nói chuyện phiếm giết thời gian, cả đêm khó ngủ.


Sáng hôm sau, Triệu Hoàn cầu kiến hai nguyên soái, song hai nguyên soái lại từ chối không gặp, chỉ mệnh Bảo Tĩnh quân tiết độ sứ Tiêu Khánh ra mặt thúc giục đưa tiền và người, thần tử Tống thuyết phục hồi lâu đều không chút hiệu quả, cuối cùng chỉ đành thương lượng với Triệu Hoàn. Ngô Kiên, Mạc Trù thấp giọng lén lút khuyên Triệu Hoàn: "Việc tới nước này, bệ hạ ắt sẽ không được cho quay về thành dễ dàng như lần trước nữa, bệ hạ ngàn vạn lần không thể vì tiểu tiết mà làm ảnh hưởng tới đại cục..."


Triệu Hoàn lòng như tro tàn, cũng không còn chủ ý nào nữa: "Vậy trẫm nên làm thế nào?"


Một canh giờ sau, Ngô Kiên, Mạc Trù gõ cửa cầu kiến Tiêu Khánh, nói có ý chỉ của Hoàng đế Đại Tống muốn truyền đạt. Vào đến khách sảnh của Tiêu Khánh lại trông thấy bên cạnh y có một người nữa đang ngồi, mặc trang phục Kim, đang trên dưới đánh giá bọn họ, ánh mắt sắc lẹm, khiến hai người nhất thời không rét mà run.


"Không sao," Ngô Khánh thấy hai người chần chừ bèn giải thích, "Đây là Bát thái tử, em trai ruột của Nhị thái tử."


Lúc này Ngô Kiên mới lên tiếng, cúi đầu nói: "Hoàng đế Đại Tống đồng ý lấy thân vương, tể chấp, nữ tử tông thất mỗi nhóm hai người, cổn miện, kiệu xe và châu báu hai ngàn món, dân nữ, ca kỹ mỗi nhóm năm trăm người làm cống phẩm, lại tăng thêm hai trăm vạn lượng bạc, hai trăm vạn thước lụa, đổi lấy đất Hà Nam.


Mạc Trù lại bước lên một bước, bổ sung nói: "Ngoài ra, Hoàng thượng còn dâng tặng hai vị nguyên soái mỗi người một nữ tử tông thất. Mong hai vị đại nhân giúp đỡ nói tốt trước mặt hai nguyên soái, xin nguyên soái cho Hoàng thượng sớm được quay về thành, ngày sau Hoàng thượng nhất định sẽ lễ trọng đền ơn."


Tiêu Khánh không lên tiếng, quay sang nhìn Tông Tuyển. Tông Tuyển mỉm cười: "Những cống phẩm này còn tạm được, nghe chừng có chút thành ý. Thế nhưng việc hòa thân Hoàng thượng các ngươi có phải đã quên mất rồi không? Các ngươi nên nhắc nhở hắn ta đi."


Ngô Kiên, Mạc Trù đưa mắt nhìn nhau, đều khó xử vô cùng, lần lượt đáp: "Việc này... Mậu Đức đế cơ là hoàng muội của Hoàng thượng, lại được Thái thượng hoàng yêu thương vô cùng, chúng thần quả thực không dám chắc có thể thuyết phục được Hoàng thượng hay không..."


"Các ngươi vừa nhìn đã biết là những người thông minh, nhất định sẽ có cách thuyết phục hắn." Tông Tuyển cười phất tay, "Ta tin tưởng các ngươi. Quay về đi."


Quả nhiên, chỉ chốc lát sau khi từ chỗ Tiêu Khánh quay về, hai người đã nghĩ ra lý do xin Triệu Hoàn đồng ý dâng Mậu Đức đế cơ ra. Gặp được Triệu Hoàn, hai người trước tiên quỳ xuống khấu đầu, thuật lại việc người Kim lần nữa yêu cầu Mậu Đức đế cơ hòa thân, lại lần lượt khuyên nhủ: "Sái Kinh là tội thần mắc tội tày trời, sau khi kế vị bệ hạ thuận theo ý trời lòng dân, giết hai con trai của hắn, các con còn lại đều lưu đày tới Lĩnh Nam, chỉ vì nghĩ tới tình thân huynh muội, không nỡ khiến Mậu Đức đế cơ liên lụy nên đã đặc biệt gia ân cho Sái Diêu, chỉ gạch tên, cách chức hắn. Nhiều năm nay bệ hạ vẫn đối xử tốt với đế cơ và phò mã, đây chắc chắn là cử chỉ nhân đức của bệ hạ, song Sái Kinh dẫu sao vẫn là tội thần, Mậu Đức đế cơ lại là con dâu của hắn, vốn dĩ không nên được đối xử khác với những thành viên khác trong gia đình này. Nếu bệ hạ vì thân phận đế cơ của nàng mà thiên vị thì sẽ đánh mất sự công bằng, không phải hành động của đấng minh quân. Nay nữ quyến nhà Sái Kinh và phò mã Sái Diêu đã bị áp giải vào doanh trại Kim, theo lí mà nói Mậu Đức đế cơ cũng nên theo cùng. Huống hồ hiện giờ Nhị thái tử nước Kim đã chủ động đề xuất muốn cưới Mậu Đức đế cơ, bệ hạ không nên bỏ lỡ cơ hội tốt này, nhân đó giúp hai nước giảng hòa với nhau. Nếu để vuột mất cơ hội, hòa nghị sẽ rất khó được kết thành."


Xuyên qua khe hở trên cửa, Triệu Hoàn đau đáu nhìn chiếc khóa sắt do người Kim chốt bên ngoài, thất thần suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng mấp máy đôi môi đã nứt nẻ vì giá lạnh, giọng nói khàn đặc tuyên bố quyết định của y: "Truyền lệnh cho Khai Phong phủ: người Kim đã tới kinh thành, yêu cầu nghị hòa, không để thần dân nước ta phải đầu rơi máu chảy. Sự việc đã đến nước này, đồng ý cho Mậu Đức đế cơ hòa thân, lấy Đại Hà làm ranh giới."