Tần Cối thấy sứ Kim đặt tên "Chiếu dụ Giang Nam", đoán chừng bên trong ắt hẳn có lời lẽ khuyên Triệu Cấu nhận sách phong, biết Triệu Cấu sẽ khó mà chấp nhận, bèn vừa thượng lượng với người Kim xin bọn họ sửa "Giang Nam" thành "Tống", "chiếu dụ" thành "quốc tín", vừa uyển chuyển lựa lời gợi chuyện với Triệu Cấu, khuyên y chuẩn bị tâm lý. Song Triệu Cấu vừa nghe đã cự tuyệt, nói: "Trẫm tiếp nhận cơ nghiệp hai trăm năm của tổ tông, được thần dân tin tưởng đã hơn mười năm nay, sao có thể nhận sách phong của người Kim! Sau khi vạch rõ biên giới, hai nước mỗi bên bảo vệ lãnh thổ của mình, không can thiệp vào quốc sự bên kia, thì ngoại từ lễ tết và sinh thần phái sứ sang, bình thường cũng sẽ không được phép qua lại, ý trẫm đã quyết."


Ngày Bính Tý tháng Mười Hai, Chiếu dụ sứ, Thượng thư hữu tư thị lang Trương Thông Cổ và Minh Uy tướng quân, Thiêm thư Tuyên Huy viện sứ Tiêu Triết nước Kim tới Lâm An, nói rằng có thể trả lại các vùng đất ở Hà Nam trước, các việc còn lại để sau hẵng bàn. Triệu Cấu mệnh người mời bọn họ nghỉ chân tại Tả bộc xạ phủ, nhất thời toàn thành xôn xao, thần dân bàn tán không ngơi, Triệu Cấu bèn hạ chỉ: "Đại Kim phái sứ thần tới, chỉ để cắt đất Thiểm Tây, Hà Nam xưa, giảng hòa với chúng ta, cho phép đưa linh cữu, mẹ, huynh, thân thích quay về, những việc khác chưa bàn vội. Sợ sĩ dân không biết, nghị luận phô trương, thượng thư tỉnh viết."


Sứ Kim Trương Thông Cổ yêu cầu Triệu Cấu đích thân ra mặt nhận thư, đồng thời bái tạ sứ Kim. Triệu Cấu không đồng ý, đám người Tần Cối khuyên nhủ cũng không tác dụng, đành thay Triệu Cấu viện cớ nói Hoàng đế đang để tang cho Huy Tông, khó mà hành được lễ cát tường, nên mệnh Tần Cối thay ngài tiếp nhận chiếu thư. Sau khi được Triệu Cấu đồng ý, Vương Luân liền thương nghị với sứ Kim thâu đêm tới sáng, lựa lời thuyết phục, song Trương Thông Cổ quá kiên quyết, bởi thế mục đích vẫn chưa đạt được, song cũng gật đầu cân nhắc.


Trương Thông Cổ còn yêu cầu bá quan phải hành lễ nghênh đón, bởi thế Tần Cối liền mệnh Tam tỉnh, Xu mật viện sứ triều phục thăng Mã Đạo Tùng tới sứ quán, thay Triệu Cấu hành lễ tiếp nhận quốc thư, sau đó lặng lẽ đưa quốc thư vào cấm trung, nội dung bên trong chưa được tuyên bố.


Sau khi nhận quốc thư, Triệu Cấu bày tiệc trong hoàng cung tiếp kiến Trương Thông Cổ và Tiêu Triết. Hai người dẫn theo mấy thị tòng đi cùng, trông thấy Triệu Cấu chỉ đứng thẳng vái chào chứ không quỳ xuống. Sắc mặt Triệu Cấu khó coi, Tần Cối bèn vội vã sai người dẫn bọn họ nhập tọa, cười lả giả nói: "Hôm nay chỉ nói chuyện đất đai phong cảnh hai bên, không bàn tới quốc sự."


Sứ Kim gật đầu đồng ý, Triệu Cấu thấy vậy cũng nâng ly chúc tụng. Sau khi hai bên Tống Kim uống cạn một ly, bầu không khí mới thoáng dịu lại.


Giữa tiệc, Triệu Cấu lặng lẽ quan sát những tùy tùng khác đi cùng sứ Kim. Dáng vẻ của Trương Thông Cổ và Tiêu Triết Vương Luân đã từng kể cho y, một người nho nhã một người thô lậu, không quá khác biệt so với tưởng tượng. Song người ngồi bên cạnh Trương Thông Cổ lại nhanh chóng khiến y chú ý.


Người đó áng chừng ngoài 30 tuổi, dáng người cao to khỏe khoắn, sống mũi cao thẳng, hốc mắt hơi sâu, khuôn mặt góc cạnh rõ ràng, làn da màu lúa mạch, là màu sắc do rám nắng mà nhuộm thành. Y không cạo trọc nửa đầu rồi tết tóc thành búi giống những người Kim bình thường mà quấn tóc thành búi trên đỉnh đầu giống nam tử Tống triều, mặc lan sam cổ dựng màu đỏ, chân xỏ ủng da đen. Triệu Cấu biết nước Kim sau khi cải cách quan chế cũng đã học hỏi từ quan phục triều Tống, đại thần từ ngũ phẩm trở lên mặc màu tím, lục phẩm thất phẩm mặc màu đỏ, bát phẩm cửu phẩm mặc màu xanh lá cây. Người này mặc màu đỏ, theo lý mà nói hẳn là quan lục phẩm hoặc thất phẩm, phẩm cấp tương đối thấp, thế nhưng Trương Thông Cổ lại để y ngồi cạnh mình, điều này rất kỳ lạ.


Y bèn quan sát kĩ càng hơn. Chỉ thấy từng động tác cử chỉ của gã đều nho nhã ung dung hơn tất cả những người Kim khác, thần thái giữa lúc nâng ly chúc rượu cũng nhàn nhã tự tại, rõ ràng đã được dạy dỗ lễ nghi rất tử tế. Hơn nữa lớp trang phục tầm thường không sao che giấu nổi khí độ bất phàm, đặt bên những người Kim khác không khác chi hạc giữa bầy gà.


Nhìn chăm chú như vậy rất lâu, người kia dường như cũng cảm nhận được, bèn xoay người trông về phía Triệu Cấu. Bốn mắt chạm nhau, y cũng không quay đi, vẫn như vậy nhìn thẳng vào Triệu Cấu, khẽ mỉm cười, hơi cúi người ra ý chào hỏi, sao đó nâng ly, dáng vẻ muốn chúc rượu. Không ngờ lúc này Trương Thông Cổ cũng nâng ly lên xoay người sang, có vẻ nhưng muốn uống với người kia, không ngờ người kia đã quay người, tức thì hai vai va vào nhau, hai ly rượu rơi xuống nền đất.


Người kia không chút kinh hoảng, vẫn ung dung ngồi đó. Song Trương Thông Cổ lại vội vàng cúi xuống nhặt ly rượu lên, đặt ly của người kia lên mặt bàn trước, sau đó hạ giọng nói với y một câu bằng tiếng Nữ Chân, giống như đang xin lỗi.


Triệu Cấu đưa mắt nhìn thị nữ đứng phía sau. Thị nữ hiểu ý, lập tức bước lên phía trước đổi ly rượu cho bọn họ. Trương Thông Cổ quay sang cảm ơn Triệu Cấu, Triệu Cấu bèn mỉm cười, hỏi: "Chẳng hay vị tiên sinh ngồi bên Trương Thị lang giữ chức vụ gì?"


Trương Thông Cổ đáp: "Y là Thông sự do tôi lần này dẫn theo, mặc dù chức quan chỉ thất phẩm, song học thức hơn người, tinh thông ngôn ngữ Hán, lại vô cùng ăn ý với tôi, bởi thế mới cố tình đưa y dự yến cùng."


Thông sự lập tức phiên dịch. Triệu Cấu nghe vậy bèn thong thả hỏi: "Trương Thị lang tinh thông Hán học, học thức uyên thâm, vẫn còn phải dẫn theo Thông sự đi bên mình sao?"


Trương Thông Cổ nhất thời nghẹn họng. "Thông sự" ngồi cạnh y lại mỉm cười lên tiếng giải thích: "Đi sứ bên ngoài, nghị sự cần từng câu từng chữ hiểu cho chính xác, dẫn theo một hai Thông sự cũng là việc bắt buộc."


Triệu Cấu gật đầu, lại nói với Trương Thông Cổ: "Ngữ âm khi nói câu ban nãy của vị Thông sự này rất tiêu chuẩn, không khác gì so với người Hán, có thể thấy quả nhiên có tài hoa học thức. Nay trẫm cũng cảm thấy rất có hứng thú với tiếng Nữ Chân, sau tiệc tối, Trương Thị lang liệu có thể bảo Thông sự lưu lại, trẫm có vài vấn đề muốn thỉnh giáo y, lát sau trẫm sẽ mệnh người đưa y quay về sứ quán."


Lời này vừa thốt ra, sắc mặt Trương Thông Cổ lộ vẻ khó xử, không nén được quay sang nhìn vị Thông sự kia, ánh mắt tràn đầy ý dò hỏi. Mà Thông sự cũng không âm thầm ra ám hiệu, thản nhiên dùng tiếng Hán nói với Trương Thông Cổ: "Nếu Giang Nam chủ đã đích thân lên tiếng mời, chúng tôi dĩ nhiên cung kính không bằng tuân mệnh."


Trương Thông Cổ bèn xác nhận đồng ý với yêu cầu của Triệu Cấu.


Tiệc tàn, Triệu Cấu mệnh người dẫn Thông sự tới thiên điện Di Chân các trong hậu uyển, còn mình về tẩm cung Phúc Ninh điện thay thường phục rồi mới đi qua. Di Chân các đối diện với vườn mai trong hậu uyển, trong vườn trồng rất nhiều loài mai quý hiếm: lục ngạc, thiên diệp, ngọc nhụy, đàn tâm,... Sắc hoa màu trắng thuần, vàng nhạt, xanh ngọc... nhẹ nhàng dịu mắt, lúc này đang bừng nở. Trên vòm trời lơ lửng một vầng trăng, dưới mái hiên mấy hàng đèn sáng rực, trong vườn bóng cây đan xen, hương thơm khẽ khoảng. Thông sự khoanh tay đứng bên cửa sổ nhìn ra hoa mai bên dưới bóng trăng, như chìm vào suy nghĩ.


Triệu Cấu bước vào các, Thông sự quay người nghênh đón, thế nhưng không hành lễ. Triệu Cấu đi tới trước ngự tọa, cũng chưa ngồi ngay xuống, giữa hai người còn khoảng cách chừng một trượng. Cứ đứng như vậy, hai bên đều trầm mặc, ánh mắt chạm nhau, không ai chịu nhượng bộ.


Lát sau, có thị nữ tiến vào dâng trà, thấy hai người đều chưa an tọa, không biết có nên tiếp tục bày trà hay không, ngây ngốc đứng ở cửa, lúng túng không biết phải làm sao.


Triệu Cấu lúc này mới liếc nhìn chiếc ghế bên cạnh Thông sự, nhàn nhạt nói: "Mời ngồi, Trần vương các hạ."


"'Cửu ca' không hổ là 'cửu ca'." Thông sự cười lớn: "Không sai, ta là Trần vương Hoàn Nhan Tông Tuyển của Đại Kim."


Khi xưa hoàng tộc tông thất cung quyến ở Biện Kinh đều gọi Triệu Cấu là 'cửu ca', Triệu Cấu cũng nghe nói tới việc bọn họ khi bị bắt về phương Bắc nhắc tới mình vẫn dùng cách xưng hô này. Thế nhưng lúc này trong lòng y thầm hiểu Tông Tuyển không chỉ có ý đó, bỗng cảm thấy chói tai vô cùng.


Thế nhưng khóe môi y vẫn khẽ nhếch lên, thốt ra mấy chữ: "Ngưỡng mộ đã lâu."


Tông Tuyển nở nụ cười đầy ẩn ý, đáp: "Ta cũng vậy."