Ngày hôm sau, Triệu Cấu tuyên bố tin tức Đạo quân Hoàng đế băng hà trên triều, chưa nói xong đã nức nở bật khóc, đau đớn vô ngần. Quần thần đều lũ lượt lên tiếng an ủi, mà thần sắc Triệu Cấu vẫn ủ dột buồn bã. Trương Tuấn thấy vậy liền ra khỏi hàng bước về phía trước, tâu: "Thiên tử hiếu nghĩa không thể giống dân thường, việc gì cũng nên lấy giang sơn xã tắc làm trọng. Nay linh cữu của Đạo quân Hoàng đế vẫn chưa được đưa về, thiên hạ lầm than. Thần kính xin bệ hạ vực dậy tinh thần, biến đau thương thành hành động, khôi phục Trung Nguyên, an ủi lòng dân trong thiên hạ."


Lúc này Triệu Cấu mới hơi bình tĩnh lại, rầu rĩ gật đầu, mệnh Trương Tuấn thảo chiếu công bố tin tức này cho thiên hạ. Trương Tuấn lại xin cho chư đại tướng dẫn ba quân để tang, Triệu Cấu tán thưởng nhìn y, lập tức ân chuẩn.


Sau đó Triệu Cấu vừa chuẩn bị di giá tới Kiến Khang, vừa cùng Trương Tuấn bí mật bàn bạc việc tước binh quyền của chư tướng. Gia đoạn này Triệu Cấu vô cùng tin tưởng Trương Tuấn, chiếu thư gửi cho các tướng lĩnh đều mệnh cho Trương Tuấn thảo, đọc xong liền gửi đi, không thay đổi một chữ nào. Tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ bảy, sau khi bàn bạc với Trương Tuấn, Triệu Cấu liền phong Nhạc Phi làm Hồ Bắc đông tây tuyên phủ sứ, đồng thời ban cho Nhạc Phi một tờ trát có ghi "Nghe hiệu lệnh của Phi cũng như trẫm đích thân giá lâm", bảo y mang đi phát cho bộ tướng của Lưu Quang Thế, mượn thanh thế của Nhạc Phi nhằm ổn định lòng quân Hoài Tây do Lưu Quang Thế thống lĩnh, xóa bỏ lòng nghi kỵ của Nhạc Phi và chư tướng đối với triều đình.


Ban đầu, Nhạc Phi cho rằng đây là có ý muốn giao cho y thống lĩnh quân đội Hoài Tây, không nén được vui mừng, nhanh chóng đề xuất với Trương Tuấn xin thêm binh sĩ, để y thống lĩnh mười vạn đại quân Bắc phạt. Lời này vừa thốt ra, Trương Tuấn và Triệu Cấu đều khó chịu. Triệu Cấu trả lời đáp binh lính Hoài Thịnh phải đi theo hộ giá, không thể tùy tiện điều chuyển, nếu Hoài Thịnh thất thủ thì triều đình biết phải làm thế nào?


Tháng Ba năm Thiệu Hưng thứ bảy, Lưu Quang Thế bị tước đoạt binh quyền, song quân đội Hoài Tây cũng chưa giao lại cho Nhạc Phi, thay vào đó được nhập vào đô đốc phủ do Trương Tuấn trực tiếp quản lý. Lại phái Binh bộ thượng thư kiêm Đô đốc phủ tham mưu quân sự Lữ Chỉ lấy danh nghĩa an ủi chư tướng tìm cách khống chế, thăng một bộ tướng của Lưu Quang Thế Vương Đức làm Đô thống chế, một bộ tướng có xuất thân từ thổ phỉ khác là Lịch Quỳnh làm Phó đô thống chế.


Trước đó Trương Tuấn từng cùng Nhạc Phi thảo luận vấn đề Thống chế quân Hoài Tây. Trương Tuấn lần lượt hỏi Nhạc Phi từng người ai thích hợp nhất, đầu tiên nói: "Quân Hoài Tây trước nay luôn kính phục Vương Đức, nay ta muốn để y làm Đô thống chế, lại mệnh Lữ Chỉ làm Đốc phỉ tham nghị tới lãnh đạo, ngươi thấy thế nào?"


Nhạc Phi lắc đầu đáp: "Vương Đức và Lịch Quỳnh có hiềm khích, nếu chức vụ của Vương Đức cao hơn Lịch Quỳnh, ắt hẳn sẽ khiến hai người tranh đấu. Lữ Thượng thư mặc dù có tài, song suy cho cùng vẫn là thư sinh, thế mạnh không nằm ở quân sự, chỉ e khó có thể khiến quần chúng tin phục."


Trương Tuấn lại hỏi y: "Trương Tào thế nào?"


Nhạc Phi lại càng xem thường Trương Tào hơn, lập tức phủ định: "Tính khí y nóng nảy, hữu dũng vô mưu, mà Lịch Quỳnh vốn dĩ đã không nể phục y."


Trương Tuấn lại nói: "Vậy Dương Nghi Trung hẳn là có thể chứ?"


Nhạc Phi vẫn không đồng ý, nói: "Nghi Trung xem Vương Đức ngang tầm với mình, sao có thể chịu phục!"


Trương Tuấn nghe tới mức buồn bực, lạnh lùng nói: "Ta sớm biết nếu không phải Thái úy ngươi thì không được!"


Nhạc Phi cũng nổi nóng, vặc lại: "Đô đốc nghiêm túc tham khảo ý kiến của tôi, tôi không dám vòng vo, lẽ nào chỉ vì muốn có thêm chút binh mã!" Ngày hôm sau y liền lập tức dâng sớ xin trả lại binh quyền về Lư Sơn canh mộ cho mẹ, Triệu Cấu không đồng ý, Nhạc Phi lại mặc kệ, bàn giao lại hết việc quân sự cho Sự vụ quan Trương Hiến Nhiếp trong quân, còn mình phất tay bỏ về Lư Sơn.


Sau khi Nhạc Phi đi, Trương Tuấn lập tức mệnh Binh bộ thị lang Trương Tông Nguyên vốn giữ chức Quyền Hồ Bắc, Kinh Tây an phủ phán quan tới Ngạc Châu tiếp quản quân đội của Nhạc Phi. Nào ngờ quân Nhạc Phi không hề tuân phục sự quản lí của y, quân sĩ chỉ ngày ngày chán nản thở dài: "Trương thị lang đã tới, có lẽ Nhạc tướng quân sẽ không quay về nữa rồi!" hoài niệm Nhạc Phi, càng ngày càng chống đối Trương Tông Nguyên dữ dội hơn, sĩ khí tụt dốc, dần dà không chịu nghe theo hiệu lệnh nữa.


Triệu Cấu vốn đã vô cùng không hài lòng với việc Nhạc Phi bỏ lên núi thủ tang, nay nghe thấy những việc này lại càng tức giận vô cùng. Trương Tuấn vào yết kiến, kiến nghị Triệu Cấu tước luôn binh quyền của Nhạc Phi, để Trương Tông Nguyên chính thức thay thế y. Triệu Cấu khoanh tay cúi đầu đi lại trong điện, hồi lâu sau mới dừng lại trước mặt Trương Tuấn, đôi mày cau chặt lạnh lùng nói: "Không, hiện giờ thời cơ vẫn chưa tới."


Sau đó liền quay về ngồi trước ngự án, đích thân nhấc bút lên viết chiếu thư: "Cho phép khanh khôi phục chức cũ." Rồi mệnh Trương Tuấn sai người trao cho Nhạc Phi, giục y sớm ngày xuống núi quay về thống lĩnh quân.


Trương Tuấn mở ra xem, thấy sắc mặt y lúc viết chiếu thư rõ ràng là nặng nề bực bội, song chữ trên chiếu thư vẫn ung dung rắn rỏi, phóng khoáng trôi chảy, không thể nhìn ra được chút cảm xúc tiêu cực nào, vừa khâm phục lại vừa âm thầm có chút kinh ngạc.


Trương Tuấn sai Tham nghị quan Lý Nhược Hư và Thống chế quan Vương Quý mang chiếu thư tới Giang Châu, mời Nhạc Phi quay về quản lí quân đội. Hai người gặp được Nhạc Phi ở Đông Lâm tự, sau khi đã truyền đạt ý chỉ của Triệu Cấu, Nhạc Phi mới chấp nhận tuân lệnh nhanh chóng quay về.


Sau khi tới Kiến Khang, Nhạc Phi chỉ động nhận tội, song Triệu Cấu lại không có vẻ gì là tức giận, chỉ bình tĩnh khuyên bảo an ủi y. Ngày Nhạc Phi khởi hành quay về lĩnh quân, Triệu Cấu đích thân xuất cung tiễn y, ôn hòa nói: "Xưa khanh có nóng vội lỗ mãng một chút, song trẫm chưa từng bởi vậy mà phát nộ với khanh. Nếu thực sự tức giận, ắt đã khiển trách trách tội khanh. Giống như Thái Tổ từng nói vậy, 'chỉ có thanh kiếm dám vi phạm pháp luật do ta đã đặt ra'. Nay trẫm lệnh khanh thống lĩnh quân đội, để khanh khôi phục chức cũ, có thể thấy trẫm không có ý tức bực với khanh."


Nhạc Phi nghe được lời này mới hoàn toàn yên tâm, lần nữa bày tỏ tấm lòng trung quân ái quốc, sau đó mới cáo từ Triệu Cấu quay về quân doanh.


Phân tích của Nhạc Phi trước đây về hiềm khích giữa Lịch Quỳnh và Vương Đức không sai. Sau khi Vương Đức được thăng làm Đô thống chế, Lịch Quỳnh năm lần bảy lượt chống đối y, cả ngày lôi kéo các bộ tướng tới trước mặt Lữ Chỉ nói xấu vu khống Vương Đức. Lữ Chỉ không nhịn nổi nữa, đem chuyện này mật tấu lên Trương Tuấn, xin thu hồi lại binh quyền của Lịch Quỳnh. Sau khi hay tin, Trương Tuấn lập tức triệu Lịch Quỳnh về kinh, đoạt đi binh quyền, đồng thời xử tội chết. Không ngờ tin tức bị rò rỉ, Lịch Quỳnh bèn phát động binh biến vào tháng Tám trước đó, giết Lữ Chí, dẫn hơn bốn vạn quân Hoài Tây tới đầu hàng vua Tề Lưu Dự.


Lần biến loạn này khiến triều dã chấn động, Trương Tuấn lập tức trở thành tiêu điểm chỉ trích của công chúng, triều thần đều cho rằng bởi y đã không xử lý thỏa đáng vấn đề quân đội Hoài Tây nên mới dẫn tới mối họa hôm nay. Triệu Cấu cũng bị sự việc lần này làm cho đau đầu, mặc dù chưa trách phạt Trương Tuấn song đã nhanh chóng hạ chỉ: "Phong Quan văn điện đại học sĩ, Lưỡng Triết Đông lộ an phủ chế trí đại sứ kiêm Tri Thiệu Hưng phủ Triệu Đỉnh làm Vạn Thọ quan sứ kiêm Thị độc, mau chóng khởi hành."


Hôm ấy, Trương Tuấn vào cung kiến giá. Tiến vào điện cũng không nói nhiều, quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu, đưa tay tháo mũ ô sa xuống, đặt ngay ngắn trước mặt, lại dập đầu bái lạy, từng cử chỉ nghiêm trang kính cẩn.


Triệu Cấu hiểu y đang chủ động từ chức, lại thấy dáng vẻ y tiều tụy héo hon, khuôn mặt vốn tuấn tú dường như chỉ sau một đêm đã xuất hiện vô số nếp nhăn, không nén được cảm khái, thở dài nói: "Hành động này của khanh là thế nào? Trẫm chưa hề trách tội khanh."


Trương Tuấn thẳng lưng đáp: "Lịch Quỳnh làm phản, thần tự biết tội này khó tha. Nếu không phải ngày đó do thần lỗ mãng nông nổi, dùng người sai lầm, thì cũng sẽ không dẫn tới biến cố Hoài Tây. Thần tài năng kiến thức có hạn, được bệ hạ yêu mến tin tưởng, lại nhiều phen trọng dụng, cho dù đầu rơi máu chảy cũng khó mà báo đáp được ân tình của bệ hạ. Nay lại phạm phải lỗi lớn, tạo nên tổn thất to lớn cho nước cho vua, sao dám tiếp tục giữ tướng vị, khiến đức anh minh của bệ hạ vì thần mà bị tổn hại? Xin bệ hạ bãi chức của thần để quần chúng nguôi giận, thế nhưng nếu ngày sau lại xảy ra biến cố, bệ hạ cảm thấy có thể dùng lại thần, thần sẽ lập tức nhận mệnh, không dám cáo lão giả bệnh."


Nghe y nói vậy, Triệu Cấu cũng không níu kéo nữa. Triệu Cấu thoáng trầm mặc, hỏi: "Theo ý khanh, người nào có thể thay thế đảm nhiệm tướng vị?"


Trương Tuấn rũ mắt, im lặng không đáp lời.


Triệu Cấu bèn gọi mặt chỉ tên: "Tần Cối thế nào?"


Trương Tuấn lập tức phủ quyết: "Gần đây làm việc chung với Tần Cối, thần thấy được rất nhiều điểm xấu ở y." Tần Cối mặc dù là Xu mật xứ do y đề cử vào triều, song từ khi làm việc chung đã nhìn ra Tần Cối không muốn chống Kim, nuôi ý cầu hòa, bởi thế kiên quyết không đồng ý để y tiếp nhận chức Thừa tướng.


Triệu Cấu lại hỏi: "Vậy Triệu Đỉnh thì sao?"


Trương Tuấn không cảm thấy Triệu Đỉnh là ứng cử viên thích hợp, thế nhưng cũng không lên tiếng phản đối, bởi thế Triệu Cấu liền mệnh y thảo chiếu gọi Triệu Đỉnh vào tiếp kiến.


Trương Tuấn nhanh chóng thảo xong chiếu thư, hai tay dâng lên, sau đó quỳ xuống trình trọng bái tạ, lại đứng lên chậm rãi lùi tới bên cửa, lúc này mới xoay người thở dài một tiếng, phủi sạch bụi đất trên áo quần, sải bước ra bên ngoài. Một năm nay Tần Cối bợ đỡ Trương Tuấn rất nhiều, chắc mẩm Trương Tuấn sẽ đề cử mình làm Thừa tướng với Hoàng thượng, sớm đã đợi ở bên ngoài, trông thấy Trương Tuấn bước ra liền vội vã chạy lại gần cẩn thận quan sát biểu cảm của Trương Tuấn, khẽ khàng hỏi Trương Tuấn tình hình kiến giá.


Trương Tuấn không thèm để ý tới hắn. Ánh mặt trời chói chang bên ngoài đột ngột ùa vào, cảm thấy chói mắt, Trương Tuấn liền nhắm hờ mắt lại, sau đó chậm rãi mở ra, phất tay áo ngẩng đầu rời đi, từ đầu tới cuối không ngoảnh đầu lại nhìn Tần Cối. Không lâu sau, Triệu Cấu liền mệnh người gửi đi văn tự mà Trương Tuấn vừa thảo, lúc này Tần Cối mới biết Trương Tuấn đã dành cơ hội làm Thừa tướng lại cho Triệu Đỉnh, nhất thời sắc mặt tối đen, thất vọng quay về.


Tháng Chín năm Thiệu hưng thứ bảy, sau khi dùng thân phận Thái phó dẫn bá quan truy tôn Triệu Cát và Trịnh Hoàng hậu làm Huy Tông Hoàng đế, Hiển Túc Hoàng hậu ở Cơ Diên điện, Thượng thư hữu bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm Xu mật sứ, Đô đốc chư lộ quân mã, Lâm tu quốc sử Trương Tuấn bị giáng làm Quan văn điện đại học sĩ, Đề cử Bình Giang thái bình quan.


Sau đó Triệu Cấu lại dùng Triệu Đỉnh làm thừa tướng, đồng thời mệnh Huy Du các đãi chế Vương Luận, Tả triều thỉnh lang Cao Công Hội tới Hội Ninh phủ kinh sư nước Kim bày tỏ mong muốn nghị hòa.


Giữa chừng, Triệu Cấu liên tục nhận được mật báo do thám tử từ Kim gửi về:


Tháng Sáu, vì đám người Tông Bàn yêu cầu, Kim chủ Hoàn Nhan Đản bắt giam rồi xử tử tâm phúc quan trọng của Tông Hàn là Cao Khánh Duệ vì tội danh tham ô, kinh động quần chúng. Trước khi bị hành hình, Cao Khánh Duệ khóc lóc vĩnh biệt Tông Hàn nói: "Nếu ngài sớm chịu nghe lời tôi, thì sự thể đâu ra nông nỗi này? Tôi chết rồi, ngài phải tự bảo trọng."


Ngày Tân Tỵ tháng Bảy, Thái bảo, Lĩnh tam tỉnh sự, Tấn quốc vương nước Kim là Tông Hàn qua đời, thọ 58 tuổi, nguyên nhân cái chết chưa rõ. Hoàn Nhan Đản đã xuống chiếu vạch ra nhiều tội trạng, nói Tông Hàn: "Nắm quyền cao chức trọng, mưu đồ bất chính. Người trong nước đều có thể giết, trẫm không dám vì tư hại công."


Ngày Bính Tuất tháng Bảy, đêm, kinh sư Kim gặp động đất.


Cùng ngày, Hoàn nhan Đản phong Hoàng thúc Tông Tuyển làm vương.


Tháng Mười Một, Kim lấy Nguyên soái tả giám quân Hoàn Nhan Xương (Thát Lãn) làm Tả phó nguyên soái, phong Lỗ quốc vương. Tông Bật (Ngột Truật) làm Hữu phó nguyên soái, phong Thẩm vương.


Ngày Bính Ngọ cùng tháng, Kim phế Lưu dự làm Thục vương.


Ngày Quý Mùi tháng Mười Hai năm Thiệu Hưng thứ bảy, Vương Luận và Cao Công Hội đi sứ Kim quay về, bẩm báo Triệu Cấu nói Hoàn Nhan Đản yêu cầu Tống phải nhận biểu xưng thần làm điều kiện nghị hòa, Kim sẽ trả lại linh cữu của Huy Tông đế hậu và cho mẫu thân của Triệu Cấu Vi Thái hậu quay về, đồng thời trả lại các châu ở Hà Nam.


Triệu Cấu nghe thấy Kim đồng ý trả lại linh cữu, Thái hậu và các châu ở Hà nam không nén được lộ nét vui mừng. Lại ngẫm nghĩ một lát, hỏi Vương Luận: "Chuyến này nghị sự thuận lợi chứ? Các ngươi vừa đề đạt Kim chủ đã đồng ý ngay?"


Vương Luận đáp: "Thần tử trong triều đường nước Kim chia thành hai phe. Tông Bàn, Thát Lãn chủ phái nghị hòa với Đại Tống, nhưng Tông Bật, Tông Cán và Tả thừa tướng Hoàn Nhan Hi Doãn lại không đồng ý. Kim chủ nhất thời lưỡng lự khó quyết. Sau đó Đông Kinh lưu thủ Tông Tuyển về kinh nhậm chức, Kim chỉ đích thân ra khỏi thành nghênh đón. Ngày hôm sau, Kim chỉ liền lập tức thông báo cho chúng thần, Kim đã quyết định nghị hòa với Tống, ngoài việc trả lại linh cữu, đưa Hoàng Thái hậu quay về, còn có thể trả lại các châu ở Hà Nam, sau đó chẳng bao lâu sau đã hạ chỉ phế Lưu Dự."


"Tông Tuyển?" Ngón tay Triệu Cấu gõ nhẹ lên mặt bàn, thong thả hỏi: "Y là người như thế nào?"


Vương Luận đáp: "Tông Tuyển tinh thông văn hóa và ngôn ngữ của người Hán, tài năng hơn người, từ khi nhậm chức Đông Kinh lưu thủ tới nay thành tích chính trị xuất sắc. Trong số con trai của Kim Thái Tổ, y tương đối trẻ tuổi, thế nhưng nay ở nước Kim đã rất có danh tiếng, Kim chủ cũng vô cùng xem trọng y."