Nhìn những người say ngã lăn quay ra đấy, không một ai có thể phàn nàn rằng Tứ a ca thết cỗ lần này chưa khiến mọi người được ưng bụng.

Thế nên hơn bốn giờ chiều hôm ấy, lúc các khách khứa nhao nhao cáo từ, phúc tấn và ba nàng cách cách đều những tưởng tiệc hôm nay diễn ra vô cùng viên mãn.
Lý Vi vui cái thứ nhất vì hôm nay có các đại sư phụ ở thiện phòng A Ca Sở đến nấu cỗ, để nàng lần nữa được nhâm nhi những hương vị khoái khẩu.

Hết vui thì buồn, nàng đâm buồn vì không được nghe trọn vở diễn.

Nguyên tiết mục hát hí chỉ được biểu diễn ở hai nơi là tiền viện của Tứ a ca và chỗ phúc tấn, còn chỗ các nàng có mỗi hai chú hề đến pha trò.

Tuy cũng cười thắt cả bụng, nhưng khi tiệc tàn vẫn cứ thấy chưa thỏa.

Mà Tứ a ca, chàng lại tức tối nhốt mình trong thư phòng.

Những người khác không ai biết sự tình phát sinh ở tiền viện, phúc tấn cũng chỉ nghe nói đường huynh Ba Khắc Thập nhà ngoại uống say lướt khướt, mới lo lắng sai Phúc ma ma dặn người trong nhà chăm sóc chu đáo.

Còn Phúc ma ma lại nghe Tam a ca, Tứ a ca và Ngũ a ca ngồi uống với nhau rất là khoái chí, sau Tam a ca được người ta khiêng về tận phủ.

Vậy là mãi đến vài hôm sau các nàng vẫn không hề phát hiện Tứ a ca đang hờn dỗi trong thư phòng, các nàng cứ ngỡ chàng bận quá mới không về hậu viện thôi.

Lưu thái giám bữa ấy được mượn từ thiện phòng ở A Ca Sở sang, nay đang tìm đủ mọi cách nhờ người ta biếu chút lễ lạt cho Tô Bồi Thịnh.

Năm nay lão đã ngót sáu mươi, tự nhận thấy mình lưỡi cùn sắp lụt mất nghề, mắt mũi kèm nhèm, tay mắc tật run.

Thiện phòng của A Ca Sở phục dịch cho những là con rồng cháu phượng, lão cũng sợ sống đến hôm nay tự dưng phạm phải lỗi lầm gì, chẳng những sẽ làm mất hết cái thể diện già nua cả đời này, mà để đánh mất luôn tánh mạng nữa thì thực là một mối thiệt đớn đau.

Trong ba vị a ca ra cung dựng phủ hiện giờ, nếu có một người đồng ý cho đón lão vào phủ hầu hạ, thì nửa đời sau lão còn có chỗ cậy nhờ.

Nhưng khi làm tiệc mời khách, đầu bếp mà Tam a ca mời lại là Tam phúc tấn của Đổng Ngạc gia, Ngũ a ca nhờ Nghi phi, mỗi mình Tứ a ca là ký thác vào bên chỗ lão.

Đúng là duyên phận mà.

Với Lưu thái giám mà nói, đến nhà a ca nào cũng được cả, lão vào nhà nào cũng cúc cung hầu tận tụy được.

Lúc đám ông tướng, ông giời con này chưa đủ lông đủ cánh đã ăn cơm lão làm đấy kia; bây giờ cưới phúc tấn, sinh con đẻ cái thì đã sao, các ông khỏi cần mở miệng, khéo lão cũng biết nên làm gì để lấp đầy cho cái bụng của các ông rồi.

Nhưng muốn dấn thân vào phủ a ca, cứ phải có một cái cớ trước đã.

Hầu cỗ này cho tốt, mới gợi được cho a ca nhớ về những tình nghĩa xưa kia.

Bằng không nếu lão cứ tùy tiện mở lời, a ca biết đâu mi là cọng cỏ từ xó xỉnh nào chui ra?
Lưu thái giám tự thấy mình đã hầu bữa cỗ này vẹn toàn không để lôi thôi một sai sót nào, lão còn cố ý đặt thêm vào mâm của Lý cách cách những món mà ngày thường cách cách thích ăn.

Vài ngày sau khi đám tiệc kết thúc, lão mới lặng lẽ chuyển lời cho Tô Bồi Thịnh.

Nói ra thì thực là đáng thương, người già tuổi gần đất xa trời, chỉ ước sao trước khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy quê hương lần cuối, thế nên mới muốn ra khỏi chốn cấm cung này.

Tứ a ca phẩm chất cao thượng, bụng dạ thiện lành, là người niệm tình cũ, bấy mới cho lão được ỷ vào bộ mặt già này để mà sanh lòng góp chút sức mọn.

Tô Bồi Thịnh nhận lễ lại thầm than ôi.

Cùng là thái giám với nhau, Lưu thái giám lại còn là lão tiền bối, ngày trước không làm ra điều gì đê hèn bỉ ổi, hắn đây rất sẵn lòng cho bực lão làng thế này vào phủ, cũng dễ bề học hỏi kinh nghiệm.

Nhưng hoàn cảnh hiện giờ thực không phải thuận lợi gì cho cam.


Chuyện cỗ tiệc khách khứa hôm ấy hắn chứng kiến đầu đuôi toàn bộ, dạo đây Tứ a ca ở lì trong thư phòng, suốt ngày viết chữ đọc sách không buồn về hậu viện, nhìn vào là biết cơn giận sôi thấu trời cao!
Làm sao hắn dám đi sờ râu hổ?
Nhưng từ chối Lưu thái giám thì cũng không hay, đành lén ra hiệu ngầm, rồi mách cho lão đi tìm cách khác.

Người khác có lẽ không biết, nhưng hắn rất rõ một điều rằng Lưu thái giám luôn cực kỳ quan tâm Lý cách cách.

Thế là vòng hết một vòng, Hứa Chiếu Sơn trước kia hầu hạ Lý Vi nay lại cười hí hởn đem bánh ngọt tự tay mình làm đến cửa, dưới danh nghĩa thăm hỏi, thỉnh an chủ cũ.

Trang ma ma không hỏi nhiều, cho hắn đi vào.

Nhìn thấy Hứa Chiếu Sơn, đám người Lý Vi đều giật mình sinh ra cảm giác như đã qua cả một đời.

Vừa vào cửa, Hứa Chiếu Sơn sụp quỳ xuống ngay dập đầu trước Lý Vi mấy cái, ngửng đầu lên đã nước mắt vòng quanh: "Lâu lắm rồi không gặp chủ tử, nô tài nhớ nhung khôn kể..." Lời này có ba phần thật, bảy phần diễn.

Chuyển từ chỗ Lý cách cách sang thiện phòng, hắn cũng chịu trăm bề khổ cực, đương nhiên không thể nhàn hạ như lúc ở A Ca Sở.

Từ khi sang đấy, Lưu thái giám giúp đỡ hắn nhiều, hắn cũng nhận ơn lão.

Thế cho nên lần này mới đồng ý ra ngoài thay mặt nói giúp cho Lưu thái giám.

Sau khi dâng món bánh bao thủy tinh năm nhân* mình học được và làm khéo nhất lên, bèn trình bày rất thẳng thắn về ý định của Lưu thái giám.
Lý Vi đương định thử bánh bao thủy tinh năm nhân hắn làm, với vỏ ngoài là lớp bột nếp nhào mịn, đem hấp cho đến khi vỏ chuyển màu đục; bên trong là hạt thông, hạt phỉ, óc chó, đậu phộng, hạt vừng, rang thơm xong một nửa nghiền mịn, nửa kia nghiền hạt vụn, bỏ thêm đường phèn, mật ong, rồi vo viên thành nhân.

Bánh ngọt này càng nhai càng ngon, Lý Vi vừa nghe hắn nói đã muốn thử ngay.

Hứa Chiếu Sơn đứng dậy, thưa: "Tuy Lưu gia gia có ơn với nô tài, nhưng chủ tử lại là người quan trọng nhất trong lòng nô tài, vậy nên cũng không dám dối gạt gì chủ tử.

Đại để là Lưu thái giám muốn nhờ chủ tử giúp xin với Tứ gia, ông ấy muốn vào phủ Tứ gia hầu hạ."
Lý Vi sửng sốt, nghĩ rồi lại nhìn chung quanh, thấy đều là người nhà, bèn hỏi thẳng: "Chúng ta mới dọn ra đây chưa tròn một tháng, nếu gia gia nhà ngươi muốn ra theo, thế sao không ra từ sớm?"
Hứa Chiếu Sơn nói: "Chủ tử thông tuệ, nô tài không dám nói càn, chỉ là hơn hai mươi ngày trước, bên thiện phòng của A Ca Sở bỗng dưng bảo phía trên muốn điều hai người ra ngoài đây hầu.

Thiết nghĩ chắc là vì chuyện này đây..."
Nhóm Tam a ca dọn ra ngoài chính vì để nhường chỗ cho các tiểu a ca.

Nhưng chuyện sửa nhà, dọn đồ đạc vẫn còn phải vật lộn thêm một thời gian nữa.

Tin tức Lưu thái giám nghe được không đơn giản chỉ là điều thêm hai người vào phủ hầu, mà còn sẽ tiến hành thay đổi một nửa số người: loại trừ tất cả những ai lớn tuổi, và kẻ bình thường hay mắc những thói cắp vặt, không nhanh nhẹn, lười nhác không vâng lời.

Người bị loại bỏ chỉ có hai nơi để đi, đều chẳng phải chốn tốt đẹp gì: kẻ không tay nghề thì đi làm việc chân tay nặng nhọc; kẻ biết chút ít khả dĩ sẽ được điều đến thiện phòng chỗ cung giám - chuyên nấu cơm cho cung nhân khổ sai, kiêm làm Tân Giả Khố* và đồng thời trông giữ cơm canh của cung nhân trong những cung thất bỏ trống.

*Tân Giả Khố tức Nội quản lĩnh, một tổ chức của Bao y, quản lĩnh việc mỗi tháng hạ nhân sẽ lĩnh nhận một đấu vàng hoặc nửa đấu vàng lương thực để sống.
Thế thì thực là rớt cấp không phanh.

Tuổi Lưu thái giám đã lớn, tuy trong vòng một năm rưỡi đây sẽ không bị thay thế ngay, nhưng khi trước lão ở thiện phòng phải gọi là nhất ngôn cửu đỉnh*, lẽ nào bây giờ lại phải nhìn sắc mặt của những kẻ mới từ ngoài vào, mà làm việc ư? Đợi khi lão khọm già sức suy, bị người ta thế chỗ, hẳn nhiên sẽ chẳng còn ai muốn để một lão già đi nấu cơm cho đám nô tài nữa.

Mà nấu gì cho chúng nó ăn? Thì là bánh bao, dưa muối chứ gì! Thế còn dùng đến hai cái tay này của lão nữa không?
*Nhất ngôn cửu đỉnh ý chỉ lời nói có giá trị.

Cũng nhờ lão tai mắt nhanh nhạy bắt được tin tức, vốn tưởng còn được tung hoành trong A Ca Sở vài chục năm, ai mà ngờ đâu lại ra nhanh thế này? May rằng trước đó lão vẫn có chuẩn bị một vài chứ không phải không, thấy người ta phát tín hiệu, là bắt đầu ra sức tạo thiện cảm ngay.

Hứa Chiếu Sơn nói xong, cũng không nói tốt cho Lưu thái giám nhiều thêm.

Cứ như hắn nói, chủ tử của hắn là Lý cách cách, lên trên Tứ a ca, lên trên nữa là Vạn Tuế gia.


Hắn và Lưu thái giám có lẽ có một phần thân tình hương hỏa vì cùng gốc cùng gác, sẵn sàng giúp cho một tay, song cũng không thể bởi vậy mà quên mất chủ.

Lý Vi nghe xong, nghĩ một lúc, lắc đầu bảo: "Chuyện này...!ta không giúp được đâu." Đối với nàng, Tứ a ca thân thiết hơn với Lưu thái giám là một chuyện, còn thì đây dầu sao cũng là chuyện trong cung.

Nàng không hiểu, tốt nhất đừng can thiệp vào.

Nhưng hoàn cảnh của Lưu thái giám giờ đây quả tình làm người nghe rất sinh lòng đồng cảm.

Mặc dù Lý Vi không có ấn tượng gì với lão, nhưng lúc ở A Ca Sở, nàng muốn ăn gì, thiện phòng đều đưa đồ ăn sang rất nhanh; bất kể người ta muốn nịnh bợ Tứ a ca hay ai khác, tóm lại người được hưởng là nàng, tất nhiên nàng cũng sẽ nhận phần ân tình ấy.

Nàng nói: "Về chuyện của đại thái giám này, ta tuy đồng cảm, nhưng đành chịu thôi.

Nếu nhà ngươi về mà ông ta có hỏi, hãy thay mặt ta xin thứ lỗi, vì không giúp được gì, cũng ngại lắm thay."
Hứa Chiếu Sơn mua một cỗ xe ở trong cung để ra đây một chuyến, nên không thể nán lâu.

Lý Vi sai Ngọc Bình gói cho hắn năm lạng bạc, bảo với hắn: Nếu ở trong cung phạm lỗi gì cần đút tiền, thì nhất thiết là đừng tiếc mấy đồng bạc.

Triệu Toàn Bảo tiễn Hứa Chiếu Sơn ra ngoài đường, nói: "Giờ chắc huynh chẳng coi phần thưởng của cách cách ra gì nữa nhỉ?" Thiện phòng kia là nơi béo bở biết bao nhiêu.

Hứa Chiếu Sơn nhét bạc vào ngực: "Thôi huynh khỏi cần phải nói thế mà khích tôi.

Hứa Chiếu Sơn tôi vẫn chưa nông cạn đến nỗi xa chủ mấy hôm là đã quên luôn gốc mình."
Triệu Toàn Bảo không nói nữa, đưa đến cửa thứ hai, đứng cách cửa rất xa, hắn hạ giọng bảo: "Nếu huynh trung thành như thế thực, vậy tôi xin thêm một câu: Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, nhiều ngày qua cách cách chưa có bữa nào ăn uống tử tế rồi."
Hứa Chiếu Sơn tuy thông minh, nhưng đúng là không thể nghe hiểu ngay những lời ấy.

Như cảm nhận được, hắn lia mắt khắp toàn thân Triệu Toàn Bảo vài lượt, phát hiện tên này gầy hơn đôi chút, mặt mũi vô hồn, chẳng tài nào nhận ra đang nghĩ cái gì.

"...!Kẻ sĩ ba ngày không gặp, đã phải nhìn bằng con mắt khác." Trước khi đi, Hứa Chiếu Sơn lẩm bẩm.

Đứng tại chỗ dõi nhìn hắn ra ngoài, đoạn Triệu Toàn Bảo xoay gót quay về.

Hậu viện bây giờ chỉ e không kẻ nào nhạy tin ở thư phòng hơn hắn.

Tuy hắn chưa từng dò la, nhưng từ kiểu ít nói, dáng điệu vội vàng ngược xuôi của những người bên thư phòng, đều cho thấy rõ rằng tình hình hiện tại không khả quan cho lắm.

Người duy nhất tạo được ảnh hưởng đến bầu không khí của cả thư phòng, có khả năng giấu nhẹm mọi tin tức không để lọt chút nào vào hậu viện, chỉ có Tứ a ca.

Nên chi, tuy Triệu Toàn Bảo không biết Tứ a ca bị làm sao, song chắc chắn không phải điều tốt lành gì.

Hắn cũng bảo ban Ngọc Bình cặn kẽ, dặn mấy ngày tới hãy gắng tìm chuyện gì mà quấn lấy cách cách cả ngày, để miễn cách cách nhớ đến Tứ a ca.

Câu hắn nói với Hứa Chiếu Sơn, hắn đã nghĩ trước, rồi mới thốt khỏi miệng.

Lưu thái giám là người tinh tường, chỉ cần một tí phong thanh, lão cũng đã ngửi ra được mùi.

Hơn nữa, cách cách còn nhỏ, trong những chuyện ân huệ nghĩa tình vẫn còn thiếu sót đôi ba chỗ, hắn sẽ bổ sung thay cách cách vậy.

Với thủ đoạn của Lưu thái giám, vào phủ Tứ a ca chỉ là chuyện chẳng chóng thì chầy.

Tiết lộ cho một tin, để lão ghi nhớ ơn tình của Triệu Toàn Bảo hắn, ắt sẽ có lợi về sau.


Bên này, Hứa Chiếu Sơn ra ngoài đứng ở đoạn ngã rẽ đợi, một khắc sau xe la trong cung đã tới.

Hắn vừa lên xe, người trên xe đã quẳng cho hắn một cái túi nặng trình trịch.

Người kia hếch cằm về cái túi: "Đây là phần của huynh, mở mà xem."
Hứa Chiếu Sơn mở túi, đổ bạc ra lòng bàn tay xem chất lượng, lại cầm lấy một miếng bỏ lên miệng cắn thử, áng chừng sức nặng, mới hài lòng cười bảo: "Ừ cũng được."
Người kia cười hề hề bưng ấm trà đặt trong xe lên, rót cho hắn một chén trà, đưa bằng cả hai tay cho Hứa Chiếu Sơn, nói: "Về sau Hứa ca ca có thứ gì tốt, không ngại thì hãy đem qua đây, mọi người cùng san sẻ điều hay với nhau."
Hứa Chiếu Sơn cũng cười ha ha, nhận chén trà rồi hai người cùng bật cười.

Sau khi về cung, hắn vào thiện phòng ở A Ca Sở với số bạc cất trong ngực áo.

Đương nhiên, người ngoài chỉ ngỡ là hắn ra cung thăm người nhà, nay về rồi phải đến chỗ Lưu thái giám báo cho một tiếng trước.

Buồng của Lưu thái giám nằm ở nơi cách xa nhà bếp nhất, và gần nhà kho nhất trong thiện phòng.

Bình thường không có lấy một tí hơi sự sống đâu, mùi tanh hôi của cá chết tôm rữa cũng chẳng bay qua đây được.

Hứa Chiếu Sơn đứng trước cửa, không gõ cửa, mà kề sát vào cánh cửa nhỏ giọng gọi: "Lưu gia gia, Tiểu Hứa Tử về rồi đây."
Trong buồng vang một tiếng ho khan, Lưu thái giám cất giọng khàn khàn: "Vào đây."
Hứa Chiếu Sơn đẩy cửa cho hở ra một khe, lách mình vào, nhanh tay khép cửa lại.

Vào buồng, trước tiên hắn moi túi bạc ở trong ngực ra, cung kính đặt xuống cái bàn trong buồng Lưu thái giám, sau đó lùi về sau ba bước, cúi đầu nín thinh.

Lưu thái giám chỉ quan sát nét mặt hắn khi vào cửa, biết ngay chuyện này không thành rồi, đâm ra thôi không hỏi nữa.

Hứa Chiếu Sơn nhìn lão không có vẻ như buồn, con mắt đảo tròn, ton hót lấy lòng: "Lưu gia gia, nói ra thì chỉ tay nghề của ông mới là cao siêu.

Cách cách nhà ta rời khỏi đây, không được ăn những món ông làm nữa, thành thử ăn gì cũng nhạt mồm nhạt miệng."
Lưu thái giám cười ha ha: "Thế à?"
Hứa Chiếu Sơn nói: "Lại chẳng thế? Cách cách nhà ta chán ăn buồn uống mấy bữa nay rồi."
Nghe câu ấy, Lưu thái giám mới hơi phản ứng lại, mặt mày tươi vui, nói: "Được rồi, biết anh có lòng trung rồi.

Đi đi, Lương sư phụ nhà anh mắng anh suốt một ngày nay, bảo anh vừa đi khỏi là chẳng còn ai sàng bột làm mì nữa, làm cả ngày nay ông ta quýnh quáng không biết đường nào mà lần, đợi anh về phải đá đít anh cho bõ ghét đây."
Hứa Chiếu Sơn toan ra ngoài ngay: "Thế tôi đi nhé Lưu gia gia."
"Gượm đã." Lưu thái giám nói, "Cầm cái túi kia đi luôn đi.

Có một tí đấy, gia gia nhà anh chẳng báu gì."
Đó chính là cái cớ mà Lưu thái giám sai hắn ra cung hôm nay.
Của ăn trong thiện phòng thì nhiều, dĩ nhiên sẽ có những thức quý.

Nhưng một bát xúp vi cá bỏ bao nhiêu vi cá, một nồi gà hầm nhân sâm cho mấy lạng nhân sâm, thì đều tùy thuộc vào bàn tay người nấu cả.

Nhiều nhiều ít ít, rất khó đo lường.

Là chủ quản, Lưu thái giám cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài nhắm mắt bỏ qua.

Nên buổi sáng lão mới lấy ít tổ yến giao cho Hứa Chiếu Sơn, bảo hắn đem ra ngoài đổi thành bạc.

Tổ yến chỉ có hơn bảy lạng thế thôi, mà đem đổi lại được về những bốn chục lạng bạc.

Vốn ban đầu Lưu thái giám cầm đi phần nhiều hơn, rồi lão lại chia một ít cho hai thái giám chủ quản khác.

Nhưng hiện giờ, rõ là lão không muốn chia phần này cho Hứa Chiếu Sơn nữa rồi.

Cứ xem túi bạc ấy như là món quà cảm ơn hắn đã đem câu nói kia về nói cho lão nghe vậy.

Hứa Chiếu Sơn thấy thế, cũng biết chính lời Triệu Toàn Bảo nói đã phát huy tác dụng.

Trống vang chẳng cần gõ mạnh*, coi bộ Triệu Toàn Bảo ra ngoài chưa đầy hai tháng, mà đã có tiến bộ rồi.

*Câu này ý chỉ người có đầu óc tổ chức, có khuyết điểm gì chỉ cần được nhắc nhở là sửa ngay.


Hứa Chiếu Sơn cầm bạc ra ngoài, lòng những mối phức tạp.

Một chút là ganh tị, vì bỗng sao Triệu Toàn Bảo khôn ra hơn mình nhiều quá, nay còn biết chơi trò đánh đố với Lưu thái giám nữa kia; song già nửa còn lại trong những mối phức tạp ấy, lại là niềm lo âu.

Chắc chắn tên này đã phải chịu nỗi thiệt gì lớn đây.

Sự khước từ của Tô Bồi Thịnh và câu nói Hứa Chiếu Sơn đem về khiến Lưu thái giám dập tắt mọi hy vọng móc nối quan hệ với phủ Tứ a ca, lão lại chuyển hướng phấn đấu sang Nội vụ phủ.

Nếu không vì người của Nội vụ phủ bụng dạ đen tối, xuống tay tàn nhẫn, thì lão cũng không đến nỗi phải nghĩ cách tìm con đường khác thế này.

Cứ xem bây giờ, là không được rồi; việc hay phải chóng làm, chứ để rầy rà ra, có khi đã mất lượt vào phủ Tứ a ca, lại chỉ còn nước đi nấu cơm cho bọn tiện nhân ở Tân Giả Khố.

Nhưng ngờ đâu chưa tới nửa tháng, đã có tin tốt ở Nội vụ phủ truyền về.

Phủ Tứ a ca muốn xin một đầu bếp từ thiện phòng của A Ca Sở, Lưu thái giám phen này cảm động rơi cả nước mắt! Lão không kịp nói bao lời, mải lo quẳng chìa khóa và sổ sách nhà kho cho hai thái giám chủ quản còn lại, sửa soạn rương hòm tay nải, yên vị trên xe la rời khỏi hoàng cung.

Thấy lão như thế, Ngưu thái giám và Mã thái giám vốn định sắp bàn cỗ rượu tiễn lão, đều không hiểu là thế nào.

Mã thái giám hỏi giọng khó hiểu: "Lão Lưu này muốn về quê hưởng tuổi già thực đấy à?"
Ngưu thái giám lanh hơn, tuy thấy lạ, nhưng nỗi lo chiếm phần nhiều.

Lưu thái giám hành xử kỳ cục, chẳng có nhẽ thiện phòng của A Ca Sở xảy ra chuyện lớn gì thật ư?
Hứa Chiếu Sơn tiễn Lưu thái giám ra cửa cung mới quay về.

Hắn nửa là ngưỡng mộ Lưu thái giám được đến phủ Tứ a ca, suy cho cùng ấy cũng là nơi xuất thân của hắn; nửa lại nghĩ: Thôi vẫn nên ở lại trong cung chịu khó vươn cao hơn nữa, ngày sau đến tuổi như Lưu thái giám có mà muốn ra, thì lúc đấy lại xin cách cách vậy.

Phủ Tứ a ca, Lưu thái giám được dẫn thẳng tới thiện phòng ở tiền viện.

Trương Đức Thắng đích thân ra đón, cất giọng thắm thiết gọi: "Lưu gia gia, ông ra đây rồi đấy à!"
Nay Lưu thái giám và cậu ta đã ở vào thế phong thủy luân phiên, vật đổi sao dời; nếu đã đến đây, nghiễm nhiên phải bái trình thằng quỷ sứ núi này.

Lão lấy một chiếc hà bao ra, nhét ngay vào tay Trương Đức Thắng nhân lúc cậu ta không để ý.

Trương Đức Thắng nhận lấy, lão mới hỏi: "Nhưng có chủ tử nào đương gặp vấn đề cấp bách gì chăng? Không thì cũng cho ta xin đi rửa mặt một cái hẵng lại vào hầu."
Trương Đức Thắng chìa tay đón lấy tay nải của lão, nửa dìu nửa kéo lão vào thiện phòng, nói nhỏ: "Còn ai trồng khoai đất này? Ông rõ nhất còn gì." Nói xong làm khẩu hình chữ "Lý".

Lưu thái giám bừng tỉnh, cảm thán: "Chủ tử này giờ vẫn khỏe cả chứ?" Ngày ở trong cung đã khiến Tứ a ca yêu chiều đến độ không để ai vào mắt nữa, nay ra ngoài mà vẫn được sủng ái cỡ ấy ư?
"Khỏe lắm.

Không ai sống tốt hơn người ấy cả." Trương Đức Thắng lắc đầu cười, nhỏ giọng hơn: "Người ấy bây giờ là bực cao quý rồi, gan rồng tủy phượng bỏ miệng lại thành nhạt nhẽo, không thì gia nhà chúng tôi cần gì phải cố ý xin đầu bếp về.

Gia bảo muốn ăn lại hương vị trước kia, những kẻ mới vào phủ hầu hạ làm không như ý, ha...!ha ha..."
Lưu thái giám hiểu điều này, nhưng ngày xưa có thấy Tứ a ca mặn mà gì mấy với cơm thiện phòng nấu đâu.

Tuy Lý cách cách không đồng ý nói giúp cho lão, nhưng lão được vào phủ Tứ a ca, lại là nhờ phúc của Lý cách cách thật đấy.

Lưu thái giám lắc đầu, thực là...!duyên phận mà.

Lão hào hứng lên, xắn tay áo bảo: "Vậy thì hãy để lão Lưu ta thể hiện tài năng!"
Trương Đức Thắng đứng đợi bên cạnh nhìn không chớp mắt, chẳng mấy chốc bốn món bánh ngọt, hai món nước đã ra lò.

Nom thấy cũng có phải thức gì mới mẻ đâu nhỉ?
Nhưng ngẫm lại chuyện bà cô tổ kia chỉ chán ăn có mười ngày, đã dụ được Tứ a ca chí tại thư phòng, định ngồi trong đấy đến khi địa lão thiên hoang, ra ngoài; Tứ a ca ra ngoài chưa đầy nửa ngày trời, đã mời ngay thái y vào đây; thái y vào chưa đầy một khắc, đã nổ ngay tin rằng trong bụng bà cô tổ ấy đương có một ông trời con thực.

Lại thêm bốn, năm hôm nữa thấy người ấy vẫn ăn uống chán ngán quá, Tứ a ca bèn mời luôn Lưu thái giám về đây.

Lý do đơn giản là Tứ a ca thấy lúc ở A Ca Sở nàng ăn rất ngon miệng, tức nghĩa đầu bếp ở đấy tài tình, mời về ắt sẽ nấu cơm cho nàng ăn được.

Nghĩ ngợi hết một lúc, Trương Đức Thắng vẫn quyết định tự dẫn người đưa mấy món bánh ngọt và chè này sang đấy.

(còn tiếp).