Thanh Thư nhìn về phía nữ tử đang chậm rãi đi tới, ngơ ngẩn cả người.


Chỉ thấy nữ tử này mặc một thân váy ngắn màu lục nhạt, chải tóc lưu vân, trên búi tóc cài một cây trâm ngọc bích. Dáng mặt trứng ngỗng, hai hàng lông mày thanh mảnh, nước da trắng nõn. Dung mạo không tính là hơn người, nhưng giữa hai đầu lông mày lại ẩn hiện khí chất thi thư thanh lãnh.


Phó Nhiễm thi lễ cúi chào Cố lão phu nhân, nhẹ giọng nói: "Phó Nhiễm bái kiến Cố lão phu nhân."


Cố lão phu nhân cười nói: "Phó tiên sinh khách khí rồi. Nào, ta giới thiệu cho tiên sinh, người này là tiểu nữ Cố Nhàn, còn kia là ngoại tôn nữ không nên thân của ta. Sau này ngoại tôn nữ này của ta còn phải phiền Phó tiên sinh để ý nhiều hơn."


Sau khi Thanh Thư nghe xong thi lễ cúi chào Phó Nhiễm: "Lâm Thanh Thư xin ra mắt tiên sinh."


Còn chưa bái sư mà xưng mình là đệ tử cũng không tốt, như thế sẽ khiến cho đối phương không thích.


Phó Nhiễm nhìn thấy động tác của Thanh Thư thì có chút kinh ngạc, không ngờ tới đứa nhỏ này lại lễ độ như vậy. Tuổi tác còn nhỏ như vậy cũng không có khả năng được học riêng, hẳn là do mưa dần thấm đất.


Cố lão phu nhân mời Phó Nhiễm vào nhà: "Đi đường lâu như vậy nhất định là đã rất mệt rồi, tiên sinh vào nhà uống một ngụm trà rồi nghỉ ngơi một chút trước đã."


Biết Phó Nhiễm rất giỏi thẩm trà, Cố lão phu nhân có lòng đã đi tới cửa hàng trà lấy loại Bích Loa Xuân thượng đẳng.


Khách sáo một hồi, Phó Nhiễm mới nói: "Lão phu nhân, hẳn là Kỳ phu nhân cũng đã nói với người quy củ thu đệ tử của ta?"


Nếu Thanh Thư đạt yêu cầu của nàng mà thông qua khảo hạch, vậy nàng sẽ đến Cố Phủ ở. Còn nếu không đạt thì hành lý cũng không cần chuyển, đi thẳng đến nhà trọ ở là được, như vậy cũng tránh cho dính dáng quá nhiều đến Cố gia.


Cố lão phu nhân gật đầu nói: "Lão tỷ đã nói hết với ta rồi, tiên sinh có điều gì cứ hỏi thẳng đứa nhỏ này."


Mặc dù không kết bái tỷ muội, nhưng ở bên ngoài bà đều xưng hô với Kỳ phu nhân như vậy.


Phó Nhiễm cũng không khách khí, trực tiếp hỏi Thanh Thư: "Đang học sách gì?"


Thanh Thư cung kính trả lời: "Đã học xong 《Tam Tự kinh》rồi ạ, cũng đã học được hơn ba trăm thành ngữ và một chút truyện cố sự thành ngữ cùng truyện ngụ ngôn."


Thần sắc Phó Nhiễm lạnh nhạt nói: "Đọc lại《 Tam Tự kinh 》một lần cho ta nghe."


Thanh Thư đã đọc《Tam Tự kinh》thuộc làu làu rồi, nghe vậy cũng không hoảng hốt mà lập tức đáp: "Nhân chi sơ, tính bổn thiện; tính tương cận, tập tương viễn..."


Cố Nhàn rất tự hào nói: "Tiên sinh, trí nhớ Thanh Thư nhà ta rất tốt, học cái gì cũng rất nhanh. Mấy thành ngữ này ta mới chỉ dạy một lần con bé đã nhớ kỹ."


Phó Nhiễm gật đầu nói: "Đứa trẻ ba tuổi mà có thể học thuộc lòng《Tam Tự kinh》, trí nhớ này quả thật không tệ."


Cố lão phu nhân liếc nhìn Cố Nhàn, sau đó nói với Phó Nhiễm: "Tiên sinh, mời ngài tiếp tục."


Trong nháy mắt Cố Nhàn ý thức được vừa rồi mình nói chen vào có chút không thỏa đáng, khuôn mặt lập tức hơi đỏ lên.


Cũng là do quan tâm quá sẽ bị loạn, thật ra nàng chỉ muốn cho Phó Nhiễm biết được thiên tư của Thanh Thư rất tốt để Phó Nhiễm thu nhận nữ nhi.


Phó Nhiễm hỏi: "Nuôi không dạy, lỗi người cha. Dạy không nghiêm, lỗi người thầy*, ý nghĩa của những câu này là gì?"


*Chú thích: Thuộc bài 3 Tam Tự Kinh. Đầy đủ là:


Nuôi không dạy, lỗi người cha,





Dạy không nghiêm, lỗi người thầy.


Con không học, lẽ chẳng nên,


Trẻ không học, già buồn thêm.


Thanh Thư cất giọng nói: "Chỉ chu cấp nuôi dưỡng con cái ăn mặc mà không dạy bảo, là lỗi của người làm cha mẹ. Chỉ dạy dỗ mà không nhiêm khắc đôn đốc thì đó chính là sự biếng nhác của người làm thầy."


Phó Nhiễm lại hỏi: "Lễ Nhạc Xạ, Ngự Thư Số. Cổ lục nghệ, ngày nay mấy ai đủ*. Câu này lý giải thế nào?"


Chú thích: Lục nghệ bắt nguồn từ triều đại nhà Chu, án theo Chu lễ, các học sinh được yêu cầu phải nắm vững sáu môn nghệ thuật bao gồm: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa) thư (thư pháp) và số (toán học). Những người đàn ông xuất sắc trong sáu nghệ thuật này được cho là đã đạt đến trạng thái hoàn hảo, gọi là một quân tử.


Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư mở


Thanh Thư đáp: "Lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp và toán học là sáu loại tài nghệ mà chắc chắn người đọc sách xưa phải học, đến giờ thì sáu loại tài nghệ này hầu như không ai có thể đồng thời có đủ."


"Ngươi cảm thấy, ngươi có thể học mấy loại tài nghệ."


Thanh Thư suy nghĩ một chút, nói: "Con muốn học âm nhạc, thư pháp và toán học."


Kỳ thật còn có thể học bắn tên, chỉ là cái này học với Đoàn sư phó là tốt rồi, không cần phải nói.


Phó Nhiễm không có ý kiến về lời này. Tình trạng mỗi người không giống nhau, muốn học nhưng chưa chắc là có thể học tốt.


"Hai mươi đời, ba trăm năm. Lương Mạt, đất nước đổi thay. 1*"


Thanh Thư rất nhanh đã đón lời nói tiếp: "Triều Đường thống trị gần ba trăm năm, tổng cộng đã truyền lại hai mươi vị hoàng đế. Đến đời vua Đường Ai Đế* thì bị Chu Toàn Trung* soán vị và lập nên nhà Hậu Lương, từ đây triều Đường diệt vong. Vì trong thời kỳ nhà Lương, hai phương Nam - Bắc triều có nhiều chỗ khác biệt, nên trên sử sách gọi là Hậu Lương."


*Chú thích cả thảy: Triều đại Lương - một triều đại ở thời Nam triều, Trung Quốc, công nguyên 502-557. Triều Hậu Lương- (後梁, 907-923), một triều đại trong Ngũ Đại, thống trị miền Bắc Trung Quốc.


Lương Mạt đế - Chu Hữu Trinh là vị vua cuối cùng của nhà Lương, một trong các con trai của Chu Ôn - Lương thái tổ.


Lương thái tổ - Chu Ôn tham gia khởi nghĩa sau đó làm đại tướng dưới trướng Hoàng Sào, sau quy hàng nhà Đường và được phong tên Chu Toàn Trung. Sau đó Chu Toàn Trung lật đổ nhà Đường thành lập triều đại Hậu Lương, mở ra thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc trong Lịch sử Trung Quốc.


Chu Ôn trị vì cho đến năm 912, ông bị hoàng tử Chu Hữu Khuê sát hại. Chu Hữu Khuê sau đó lại bị em trai là Chu Hữu Trinh lật đổ. Triều đại Hậu Lương tồn tại cho đến năm 923.


Đường Ai Đế là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Đường, hoàng tử của vua Đường Chiêu Tông - người được Chu Toàn Trung "đặt" lên ngôi hoàng đế tạm thời để kiểm soát và thâu tóm thêm nhiều quyền lực chuẩn bị cho việc soán vị. Đến năm 908, vị vua nhỏ tuổi Đường Ai Đế - Lý Chúc bị Chu Toàn Trung cho dùng rượu độc giết chết, kết thúc triều đại nhà Đường.


_Tư liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn_


Đứa trẻ ba tuổi có thể học thuộc lòng《Tam Tự kinh》đã là rất tốt. Nhưng mà nếu chỉ học bằng cách ghi nhớ mà không biết ý nghĩa của nó thì thật ra cũng chẳng có giá trị nhiều. Đứa trẻ tuổi nhỏ thường có tính hay quên, nếu không ngày ngày ôn luyện thì qua một thời gian ngắn sẽ quên hết chẳng còn chút gì. Nhưng Lâm Thanh Thư không chỉ học thuộc sách mà còn hiểu hết ý nghĩa trong đó, cái này thì không thể xem thường được rồi.


(Truyện đăng tại bachngocsach.com_@Lục Lam)


Mặc dù đã thừa nhận Thanh Thư, chỉ là thần sắc Phó Nhiễm vẫn nhàn nhạt, khiến cho người ta đoán không ra trong lòng bà đang suy nghĩ cái gì.


Cố lão phu nhân thấy Phó Nhiễm đang nghiền ngẫm, nói: "Phó tiên sinh, mỗi ngày con bé nhà ta đều rời giường từ giờ mão thì quá nửa là ôn bài, dùng xong bữa sáng lại theo ma ma trong phủ đọc sách, sớm tối ngày nào cũng luyện viết chữ lớn hai khắc đồng hồ.





Ngừng một chút, Cố lão phu nhân lại nói: "Đúng rồi, trước khi đi ngủ con bé cũng phải ôn lại hết những thứ ban ngày, nhẩm đọc lại một lần rồi mới đi ngủ."


Phó Nhiễm rất bất ngờ, nhìn về phía Thanh Thư hỏi: "Trước lúc ngủ thầm đọc lại một lần thứ đã học, điều nay là ai dạy ngươi?"


Thanh Thư lắc đầu nói: "Không có ai dạy, do con thấy nếu trước lúc ngủ nhẩm lại trong đầu một lần thì sẽ càng nhớ kỹ hơn."


Nói xong, Thanh Thư có chút hổ thẹn nói: "Có câu tục ngữ nói thật đúng, chim yếu bay trước. Thiên tư con không tốt, chỉ có thể bỏ thêm chút thời gian để học."


Phó Nhiễm không nhịn được cười: "Đừng tự coi nhẹ bản thân, thiên tư của ngươi rất tốt. Ít nhất là trong số những đứa trẻ ta đã gặp, không có mấy đứa có thể so sánh với ngươi."


Thanh Thư rất thành thật nói: "Tiên sinh không cần an ủi con, con biết bản thân như thế nào."


Thật ra nàng cũng không thông minh, chỉ là sống lâu hơn một đời nên độ thông hiểu tương đối mạnh, chỉ là lời này không thể nói ra.


Cố lão phu nhân đỡ trán. Lần đầu tiên bà thấy Thanh Thư thiếu tự tin như vậy.


Cố Nhàn thì lại có chút hối hận, nhất định là do nàng quá nghiêm khắc với Thanh thư nên con bé mới mất hết tự tin.


Tâm tư Phó Nhiễm vừa chuyển, lại đưa ra câu hỏi: "Những loại dưa như dưa hấu, dưa hồng (dưa gang), bí đỏ, bí đao đều có thể ăn được, vậy ngươi có biết dưa gì không thể ăn được không?"


Cố lão phu nhân và Cố Nhàn hai mắt nhìn nhau, đây là cái vấn đề gì chứ.


Thanh Thư đáp rất nhanh: "Đồ ngốc."


*Chú thích: Dưa hấu, dưa hồng (dưa gang), bí đỏ, bí đao hay 西瓜, 香瓜, 南瓜, 冬瓜, phiên âm Hán là Tây Qua, Hạ Qua, Nam Qua, Đông Qua. Chữ Qua-瓜 ở đây chỉ họ nhà dưa, mà từ "Đứa ngốc" "Đồ ngốc" -傻瓜 cũng có một chữ Qua-瓜, đây là một câu đố vui về phát âm và ghép từ.


_Lục Lam_bachngocsach_


Phó Nhiễm gật gật đầu, lại hỏi: "Trong nhà, ngươi giống ai nhất?"


"Chính mình."


Phó Nhiễm gật đầu tỏ vẻ nàng đã đáp đúng, lại hỏi: "Có một con trâu, đi mười thước về phía Bắc, rồi lại đi mười thước về phía Tây, xong lại đi mười thước về phía nam, quay đầu lại rẽ phải, hỏi đuôi con trâu hướng phía nào?"


"Hướng xuống đất."


"Sau này đừng có tiếp tục coi nhẹ bản thân nữa. Trí nhớ ngươi tốt, phản xạ cũng nhanh, thuộc dạng nổi bật trong đám trẻ cùng lứa rồi." Nói xong, Phó Nhiễm cười nói: "Tổ mẫu ngươi nói ngươi ngày ngày luyện chữ, vậy viết mấy chữ cho ta xem một chút."


Kiều Hạnh bèn đi thư phòng lấy bút, giấy đến.


Thanh Thư lấy bút chấm mực, hít sâu một hơi lấy tinh thần, lúc này mới nâng bút đề xuống bốn chữ to 'Ông trời đền bù cho người cần cù'.


Phó Nhiễm không nói gì, chỉ nhận bút từ tay Thanh Thư cũng đề xuống bốn chữ lớn 'Ông trời đền bù cho người cần cù'.


Thanh Thư tán thán nói: "Tiên sinh, chữ của người thật đẹp."


Phó Nhiễm cũng viết kiểu chữ nhỏ trâm hoa, nhưng so với chữ của Chung ma ma thì chữ của bà viết lại càng mềm mại, càng phóng khoáng hơn.


Tư chất xuất chúng, có ngộ tính cao lại khắc khổ, hạt giống như vậy chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Cũng may lúc ấy nàng không từ chối lời giới thiệu của Kỳ phu nhân, nếu không thì đã bỏ lỡ mất rồi.