Tưởng Ly hơi giật mình.
Nhiệt độ nơi lòng bàn tay anh rất vừa phải, không quá lạnh, không quá nóng, dùng hai từ “ấm áp” để hình dung là thích hợp nhất. Nó áp lên khuôn mặt lành lạnh của cô, từng ngón tay gầy có vẻ như hững hờ vân vê đuôi tóc cô. Kim giây của chiếc đồng hồ cơ trên cổ tay anh nhảy từng nhịp, từng nhịp, từ tốn, chậm rãi, cũng giống như cảm giác mà anh mang tới cho người ta vậy. Hơi thở của anh trong phút chốc bao trùm hết thảy.
Mỗi người đều có một mùi hương của riêng mình. Mùi hương này tới từ thói quen sinh hoạt và thói quen tâm lý hằng ngày của cá nhân, thông qua da thịt chuyển hóa thành mùi cơ thể. Trên đời không có những mùi cơ thể giống y hệt nhau, giống như việc cho dù đi tìm khắp thiên hạ cũng không thể tìm ra hai phiến lá giống nhau như đúc vậy. Mùi cơ thể của con người là không thể thay đổi được, cho dù dùng nước hoa hoặc cao bôi cơ thể cùng với sự phụ trợ của các loại mùi xung quanh thì cũng chỉ là tạm thời.
Mùi hương của Lục Đông Thâm rất sạch sẽ, như nước vậy nhưng lại toát ra sự mát mẻ giống như băng. Một mùi hương như thế dù trong xe có mùi thuốc lá hay bản thân anh đã uống rượu thì nó vẫn tồn tại. Tưởng Ly vẫn luôn cảm thấy trên người anh có một thứ gì đó giống như móc câu, không phải đôi mắt, không phải quyền uy mà chính là mùi hương trên cơ thể. Một người đàn ông có được thứ mùi sạch sẽ tươi mát như vậy chứng tỏ anh cực kỳ để ý tới thực đơn dinh dưỡng và việc rèn luyện sức khỏe hằng ngày, nói một cách khác là rất chú trọng tới chất lượng cuộc sống, hơn nữa về tâm lý cũng luôn được cân bằng.
Chính vì mùi hương của một người toát từ trong ra ngoài thế nên nó là phương pháp trực tiếp nhất để bộc lộ thói quen và bí mật của chúng ta. Việc mùi hương trên người Lục Đông Thâm quá sạch sẽ chỉ có thể chứng minh hai điểm: Hoặc anh là một người trong sáng tới đỉnh điểm; hoặc anh là một người thâm sâu tới tận cùng.
Một người đàn ông được coi là Chiến thần của thương trường sao có thể trong sáng tới đỉnh điểm được chứ?
Tưởng Ly hơi nghiêng mặt, né tránh bàn tay của anh, nhưng vẫn không né được khỏi mùi hương của anh. Cô có một cảm giác mơ hồ, mỗi lần lại gần anh, mùi hương của anh luôn quấn chặt lấy hơi thở của cô, lôi kéo từng nhịp thở của cô, si mê đeo bám đồng thời len lỏi vào trong cơ thể cô, huyết mạch của cô.
Thật ra, cô sợ sự giao hòa mùi hương như thế này.
Trên đời này có một loại mờ ám không thông qua sự tiếp xúc cơ thể mà là khi mùi hương của nhau đan cài. Chính vì cơ thể mình hòa trộn mùi hương của đối phương, thế nên tình cảm mới mê muội và cũng vì thế mới khiến con tim loạn nhịp.
Lục Đông Thâm thấy cô không nói gì, ngón tay men theo đường nét gò má vuốt xuống rồi nhẹ nhàng nắm lấy cằm cô: “Chuyện đã hứa với tôi không quên đấy chứ?”
Bàn tay trên cằm cô trông có vẻ hờ hững, thực chất cô lại không cựa quậy được, chỉ có thể nhìn thẳng vào mắt anh trong bóng tối. Rất lâu sau cô mới lên tiếng: “Không quên.” Anh yêu cầu cô không được hành động bừa bãi, thì anh mới bảo lãnh cho Đàm Diệu Minh ra ngoài.
Lục Đông Thâm quan sát cô, dường như đang đánh giá độ tin cậy của lời hứa này. Lát sau, anh mới buông tay: “Những người đi theo sau Đàm Diệu Minh đều là cảnh sát chìm.”
“Tôi biết.”
“Biết là tốt.” Ánh mắt Lục Đông Thâm nheo lại nhỏ như hạt đậu: “Nhìn rõ tình thế còn quan trọng hơn nhiều sự thông minh. Tưởng Ly, nhớ kỹ, đừng hy sinh bản thân vào chuyện này.”
Có một khoảnh khắc, hơi thở của Tưởng Ly hơi gấp gáp, nhưng cuối cùng cô vẫn che giấu được, gật đầu. Qua một lúc, cô hỏi: “Sau lễ Tế đông, phần trăm giữ được mạng sống của Đàm Diệu Minh là bao nhiêu?”
Trên đỉnh đầu là sự trầm mặc.
Cô không đợi được câu trả lời, bèn ngước mắt lên nhìn anh, nhưng chợt giật mình lạnh ngắt vì sự u tối, nặng nề trong đôi mắt ấy. Từ đầu tới cuối anh vẫn không cho cô một đáp án, đôi mắt anh lại thâm trầm như biển khơi, trong âm thầm đang cuộn trào một sự nguy hiểm khiến người ta bất an. Nhưng chính sự im lặng đó đã giúp Tưởng Ly hiểu ra tất cả. Cô không gạn hỏi nữa, chỉ khẽ nói một câu: “Dù kết quả như thế nào, tôi vẫn phải cảm ơn anh.”
Nơi đường chân trời xa xôi nhất ngoài cửa xe đã có chút bình minh nhạt nhòa xuất hiện.
Tưởng Ly hít sâu một hơi, đè nén sự khó chịu ứ đọng trong lòng, quay người mở cửa xe.
“Tưởng Ly.”
Cô quay đầu lại nhìn anh.
Lục Đông Thâm nhìn chằm chằm một thứ gì đó khiến người không thể nắm bắt được trong đôi mắt cô. Dường như anh còn có điều muốn nói, nhưng chung quy Tưởng Ly vẫn không đợi được câu anh thật sự định thốt ra. Sau cùng anh chỉ giơ tay lên vuốt tóc cô, cất giọng trầm thấp nói một câu: “Sau này nuôi tóc dài đi.”
***
Sau ba tiếng gà gáy sáng, bình minh tan dần, đường chân trời đã sáng rực lên.
Hằng năm, lễ Tế đông của Thương Lăng đều bắt đầu như vậy.
Tiếng trống rền vang, từng tiếng ầm ầm như sấm dậy, như tiếng trống mừng xuân, sau khi vang lên là hoa nở chim kêu.
Lễ Tế đông lấy màu trắng làm chủ đạo.
Thế nên những người tới tham gia lễ Tế đông đều mặc quần áo trắng. Cho dù là đám cảnh sát mặc thường phục chỉ tạm thời đứng bên ngoài vây quanh, theo dõi Đàm Diệu Minh thì cũng mặc sơ mi trắng để tôn trọng truyền thống.
Sau khi tiếng trống chấm dứt, Đàm Diệu Minh cũng xuất hiện với tư cách người chủ trì.
Anh mặc một chiếc áo khoác dài màu trắng, hai tay nâng một chiếc trượng tế có vẽ hình hoa văn và mây lành, từ từ bước lên đài tế trên con đường nhỏ được đám đông hai bên rẽ ra nhường lối. Từng tiếng trống như vang tận tới trời cao, tiếng gió rít như găm thẳng vào trái tim mọi người. Có một tia năng từ tầng mây ló ra ngoài, ở nơi chân trời xa xa bắt đầu một trận cuộn trào giao hòa giữa sáng và tối.
Mỗi một lần trời sáng đều là một trận tàn sát với bóng đêm.
Đàm Diệu Minh đứng sừng sững tại nơi giao nhau giữa trời và đất, gánh vác sự kỳ vọng của tất cả người dân Thương Lăng. Tất cả các nam đinh đều quỳ rạp dưới đất, tay nâng dải cờ năm màu cao quá đỉnh đầu, ngước nhìn theo bóng Đàm Diệu Minh.
Tưởng Ly ở ngay bên cạnh Đàm Diệu Minh.
Những lễ tế trước đây cô đều xuất hiện với mái tóc dài, hình ảnh chiếc váy trắng đẹp như tranh, như một câu thơ xa xôi diệu vời nào đó. Ánh sáng từ những bộ trang phục như điểm xuyết thêm cho khuôn mặt cô, là một vẻ đẹp khiến người ta không thể khinh nhờn. Nhưng năm nay cô đã cắt đi mái tóc dài, không còn mặc chiếc váy trắng hoa lệ như mọi khi, mà mặc chung một chiếc áo khoác dài màu trắng kiểu Trung Quốc như Đàm Diệu Minh. Một người trắng trong từ trên xuống dưới như cô, chỉ cần vạt áo hơi tung lên, khí chất tuấn tú cũng đủ bức người.
Con đường dẫn tới đài tế dài khoảng một trăm mét.
Tưởng Ly từ từ bước đi theo nhịp bước của Đàm Diệu Minh, rồi chợt nhớ lại khung cảnh lần đầu tiên cùng Đàm Diệu Minh tham gia lễ Tế đông.
Năm đó, cô căng thẳng hết sức. Đàm Diệu Minh đã nắm tay cô đi thẳng lên lễ tế. Cũng chính trên con đường dài đằng đẵng như đời người ấy, cô đã nhỏ giọng hỏi Đàm Diệu Minh: Nếu lát nữa em mắc sai lầm thì phải làm sao? Đàm Diệu Minh tuy không nhìn cô nhưng giọng nói như ngậm cười: Sợ gì chứ, còn có anh mà.
Chưa đi được vài bước, Tưởng Ly lại thì thầm: Thật ra cho dù em múa bừa một đoạn, chắc họ cũng không nhận ra đâu nhỉ.
Đàm Diệu Minh bật cười, nói với cô: Hỗn nào.
Cô chính là hỗn như vậy đấy, cô đã hỗn ba năm ở Thương Lăng, Đàm Diệu Minh cũng để mặc cô ba năm.
Nhưng mỗi lần bước lên con đường đi tới đài tế này cô đều chưa từng hỗn xược. Mỗi lần cô đều dốc hết mọi thành ý, bởi vì trong lòng cô có suy nghĩ riêng. Cô luôn khẩn cầu trời đất cho mình một chữ bình yên. Nhưng bình yên có lẽ là mong muốn xa xỉ nhất cuộc đời này. Nhiêu Tôn có một câu nói rất đúng: Cô muốn rũ bỏ quá khứ, nhưng quá khứ lại vì cô mà đến.
Không trốn được, không tránh khỏi, đây chính là số phận.
Nghi lễ Tế đông của Thương Lăng được tiến hành theo trình tự từ xa xưa. Thế nên các bước thực hiện cũng rất phức tạp, chia thành: Trai giới, tại vị, nghênh thần, hiến dâng lụa là, ẩm phúc, từ thần và vọng táng.
Sau khi hành văn niệm tế, Đàm Diệu Minh và Tưởng Ly sẽ bước lên đài tế.
Trước kia khi ở trên đài tế, người chịu trách nhiệm thứ hai là Tề Cương, nay vị trí của Tề Cương đã bị thay thế bằng Tưởng Ly. Sau khi Đàm Diệu Minh dẫn dắt mọi người tiến hành lễ bài bốn phía trời đất, Tưởng Ly sẽ xách một vò nước rửa hai tay cho Đàm Diệu Minh. Sau đó cần phải đốt hương và chôn lông máu. Nhiệm vụ đốt hương quan trọng dĩ nhiên phải giao cho Tưởng Ly. Hàng trăm năm trước ở Thương Lăng cần phải có âm vật nghênh thần, nhưng bâu giờ, mục này đã được đổi thành lấy rượu cúng tế. Tưởng Ly năm đầu tiên tham gia lễ tế là bộp chộp nhất. Cô nói với Đàm Diệu Minh, hay là em cứa ngón tay qua loa cho xong.
Khi nói cô nói câu này, Đàm Diệu Minh năm ấy đã đứng trên đài tế, anh lại cười khẽ, buông cho cô hai chữ: Bậy bạ.
~Hết chương 100~