Nhiều năm qua Mạc Vân Hà luôn nghĩ, cô gái ấy có còn nhớ anh hay không.
Chắc là, không nhớ rồi.
Nhất định cô ấy đang sống một cuộc sống thuộc về chính mình ở một nơi mà anh không nhìn thấy, gặp được người trong số mệnh của cô. Mạc Vân Hà không khỏi nghĩ, anh có phải là người trong số mệnh của cô hay không? Không ai nói cho anh đáp án. Anh chỉ biết, cô là người trong số mệnh của anh, từ rất nhiều năm trước đã là như thế.

Lần đầu tiên Mạc Vân Hà nhìn thấy Tứ Nguyệt, phải ngược dòng đến thời gian cô một tuổi. Anh vẫn còn nhớ mang máng buổi sáng hôm đó, bà giúp việc thì thầm với mấy người làm trong nhà bếp, nói rằng ba muốn đưa đứa con hoang kia trở về, nghe nói chính là ý của ông cụ.
Đứa con hoang kia chính là Tứ Nguyệt.
“Đứa con hoang” cũng không phải họ Khúc, là họ Nhan. Người mẹ Nhan Bội Lan của cô bé cũng không phải người nơi này, cụ thể là người nơi nào Mạc Vân Hà không rõ lắm, chỉ biết người phụ nữ ấy từng làm trong một nhà máy sợi bông của gia tộc họ Mạc, sau này làm thư ký của ba, ở bên ba không bao lâu đã mang bầu. Cũng bởi vậy, người phụ nữ ấy đã trở thành đối tượng phỉ báng của toàn bộ đàn bà trong gia tộc họ Mạc.
Đàn bà gia tộc họ Mạc có không ít, ông cụ Mạc sinh được ba người con trai, người con trưởng Mạc Kính Phổ, cũng chính là bác trai của Mạc Vân Hà, là một người rất hiền hậu tốt bụng, thế nhưng vợ ông lại là một người ghê gớm cực kì, sức khỏe không tốt lắm, ốm đau bệnh tật liên miên, sắc mặt trắng bệch, rất hiếm khi tươi cười, từ nhỏ Mạc Vân Hà đã sợ bà; người con trai thứ hai Mạc Kính Trì của gia tộc họ Mạc,ba của Mạc Vân Hà, cũng rất hiền lành lương thiện, tràn đầy vẻ trí thức, nhưng mà người mẹ của Mạc Vân Hà lại cũng là một người ghê gớm vô cùng, khi nổi giận, ngay cả một dòng sông Hoàng Phố cũng chẳng thể nào dập tắt, từ nhỏ Mạc Vân Hà đã không gần gũi với mẹ, và cũng cực kì sợ bà; còn về phần người vợ của Mạc Kính Thêm, cũng chính là thím của Mạc Vân Hà lại càng chẳng phải một người hiền lành, thím xuất thân trong dòng tộc lớn, ngang ngược, trong trí nhớ của Mạc Vân Hà, nếu ba ngày không nghe thấy thím mắng chửi người khác, thế thì chính là một chuyện lạ nhất trên đời, mỗi lần chạm mặt thím ở trong uyển, Mạc Vân Hà đều chuyển qua đi đường vòng; ngoài ra gia tộc họ Mạc còn có rất nhiều cô dì, nhiều đến mức Mạc Vân Hà cũng không đếm xuể. Ông cụ Mạc có quan niệm cực kì truyền thống, kiên quyết không cho phép ra ở riêng, mà họ hàng của ông cụ lại đông đảo, lui tới cũng thường xuyên, Mai uyển khi đó náo nhiệt vô cùng, còn thường xuyên mở mấy bàn mạt chược.
Ở gia tộc họ Mạc, khi đàn ông tới nhà máy làm việc, đàn bà sẽ ở nhà chơi mạt chược và nói chuyện thị phi, mà từ khi còn rất nhỏ, đứa cháu trai Mạc Vân Hà của bọn họ đã quá quen với những âm thanh ồn ào không nghỉ của mạt chược, tự nhiên cũng được nghe thấy những từ ngữ vô cùng bất nhã như “hồ ly tinh”, “đồ ti tiện”, “gái điếm”. Điều này cực kì khó tưởng tượng đối với người ngoài, bởi vì gia tộc họ Mạc chính là một danh gia vọng tộc lừng lẫy títở trên cao, từ thời dân quốc cho tới bây giờ, bất kể người nào được gả ra hay là lấy vào cửa, không phải người đẹp nổi tiếng thì cũng là con nhà quyền quý, ai mà không có cử chỉ đoan trang lịch sự, trò chuyện nhã nhặn lễ nghi.
Nhưng Mạc Vân Hà biết, những thứ đó chỉ để trưng cho người ngoài xem.
Đóng cửa lại, đàn bà gia tộc họ Mạc sẽ lại có một bộ mặt khác hoàn toàn, mắng chửi người làm chẳng khác gì những phụ nữ có chồng ngoài chợ búa. Bản thân bọn họ chẳng khác nhau gì, bởi vì bọn họ đều là phụ nữ, mà chuyện phụ nữ thích nhất chính là buôn chuyện thị phi, vẫn nói rằng ba người đàn bà hợp lại sẽ thành một gánh hát, mà đàn bà nhà họ Mạc lại đâu chỉ có ba người!

Câu chuyện về ba Mạc Kính Trì và thư ký kia đã lan truyền khắp Mai uyển từ rất lâu, thực ra chuyện như vậy hoàn toàn không hề mới mẻ ở Mai uyển, vì thường xuyên được đàn bà trong Mai uyển truyền tới truyền lui rồi. Gia sản của nhà họ Mạc lớn, đàn ông không thể tránh khỏi chuyện trêu hoa ghẹo cỏ bên ngoài, trong đó người con thứ ba Mạc Kính Thêm là người có nhiều chuyện trăng hoa nhất, nghe đâu trước khi kết hôn đã có không biết bao nhiêu người yêu, kết hôn xong mới bớt phóng túng được đôi chút, nhưng chẳng qua chỉ là chuyển sáng sang ngầm mà thôi.Dưới sự so sánh, Mạc Vân Hà cảm thấy bác trai Mạc Kính Phổ và người ba Mạc Kính Trì đã được xem là người tương đối đứng đắn rồi, mặc dù thỉnh thoảng cũng có một vài tin đồn nhưng chúng đều kết thúc nhanh chóng, sau đó đều sóng êm gió lặng.
Nhưng mà không thể nghi ngờ,rằng Nhan Bội Lan chính là một ngoại lệ.
Lúc đầu những người đàn bà gia tộc họ Mạc cũng không coi việc này vào mắt, mắng chửi “hồ ly tinh”, “đồ ti tiện” xong là thôi, nghĩ rằng chẳng có việc gì lớn, ai ngờ lần này Mạc Kính Trì lại nghiêm túc, ông dứt khoát đưa đơn ly hôn cho vợ. Nhà họ Mạc bỗng chốc bùng nổ. Phải biết rằng ở nhà họ Mạc, đồn đại có bị lan truyền ra sao thì tuyệt đối cũng không ai dám có gan đưa đơn ly hôn, bao gồm cả người con thứ ba Mạc Kính Thêm không biết đã trêu ghẹo bao nhiêu phụ nữ bên ngoài, trăng hoa không ngừng mà cũng chưa bao giờ dám đưa đơn ly hôn.
Đây là gia quy mà ông cụ Mạc đã đặt ra cho những đứa con của ông, ở bên ngoài có chơi bời thế nào cũng được, thế nhưng không được phép ly hôn, mặc kệ là ai và cũng mặc kệ lý do gì, nhà họ Mạc chỉ cho phép kết hôn một lần, trừ khi người mất thì mới được tái hôn.
Mạc Kính Trì chính là người tiên phong.
Chuyện ly hôn chắc chắn là không được, dùng lời nói của ông cụ Mạc là: “Tôi có chết cũng đừng nghĩ đến chuyện ly hôn, ai dám ly hôn, người đó sẽ không còn là người nhà họ Mạc nữa, mang theo vợ con của mình rồi cút đi.”
Sự kiện kia huyên náo long trời, vào lúc nửa đêm, Mạc Vân Hà thường bị tiếng tranh cãi ầm ĩ của ba mẹ làm cho bừng tỉnh. Lần này người mẹ của Mạc Vân Hà không sắm vai một người đàn bà chanh chua nữa, mà là sắm vai một nữ nhân vật chính đau khổ vì tình, cả ngày khóc lóc, gặp ai cũng kể lể, đã chiếm được sự đồng tình của hầu hết các bạn bè, thân thích trong và ngoài nhà họ Mạc. Vừa vặn khi đó ông cụ cũng bị bệnh, Mạc Kính Trì là một người con có hiếu, không đành lòng khiến cho ông cụ bị kích động, ông chỉ đành tạm gác chuyện ly hôn lại, lúc đó trong nhà mới bình tĩnh được mấy ngày.

Ai ngờ ngày vui chóng qua, bên kia mang thai, vì thế sự việc đã quay ngoắt một trăm tám mươi dộ, mặc dù không thể ly hôn, nhưng người phụ nữ kia cũng không còn im hơi lặng tiếng nữa. Nhìn thái độ của ông cụ, lời lẽ dường như đã không còn đanh thép như trước rồi, sự dao động của ông cụ khiến cho người mẹ của Mạc Vân Hà cuống cuồng.
Ở gia tộc họ Mạc, mặc kệ đàn bà có tọc mạch thị phi ra sao, một nguyên nhân rất quan trọng để củng cố địa vị của họ chính là sinh con nối dõi cho nhà họ Mạc. Ông cụ Mạc có tư tưởng bảo thủ cực kì, đàn bà lấy vào cửa là để sinh con, không phải để ngắm, chỉ cần có thể sinh đẻ và nuôi nấng, những thứ khác đều chẳng quan trọng. Mà những người đàn bà có thể sinh con nối dõi cho nhà họ Mạc, lại không bao gồm người mẹ Đường Dục Trân của Mạc Vân Hà.
Nói cách khác, Mạc Vân Hà không phải là con ruột của Mạc Kính Trì.
Đối với ba mẹ ruột của mình, Mạc Vân Hà năm ba tuổi ấy chỉ còn lại những ấn tượng mơ hồ, nếu không phải vào ngày giỗ hàng năm của ba mẹ Mạc Kính Trì đều dẫn anh đi thăm mộ, chỉ sợ ngay cả hình dáng anh cũng chẳng nhớ ra. Trong cảm giác của Mạc Vân Hà, ba mẹ chính là bức chân dung lạnh lẽo ở phía trên bia mộ, tuy rằng vẫn mỉm cười “nhìn” anh, thế nhưng nụ cười đó lại bất động, mãi mãi bất động tựa như ngưng đọng thời gian.
“Con phải mãi mãi ghi nhớ về ba mẹ con ở trong lòng.” Mạc Kính Trì nói như thế.
Ba ruột của Mạc Vân Hà, Khúc Hướng Từ và Mạc Kính Trì quen biết nhau khi đi du học ở đại học Stanford nước Mĩ, sau đó trở thành bạn thân; mẹ ruột Cổ Lam của Mạc Vân Hà cũng du học ở Stanford khi đó. Rất nhiều năm trước, trong Mai uyển còn có một lời đồn như thế này, nghe nói Mạc Kính Trì quen Cổ Lam trước, nhưng cuối cùng Cổ Lam và Khúc Hướng Từ lại đến với nhau, sự bí ẩn trong này, sợ là chỉ người trong cuộc mới có thể biết rõ. Nhưng Mạc Kính Trì chưa bao giờ trả lời trực tiếp về vấn đề đó, tình bạn giữa ông và Khúc Hướng Từ cũng không bởi thế mà có chút ảnh hưởng mảy may nào,đồn đại cũng chẳng để làm gì. Sau đó dưới sự làm chủ của ông cụ, Mạc Kính Trì lấy Đường Dục Trân, nhà họ Đường và nhà họ Mạc thân nhau đã mấy đời, cũng là đối tác làm ăn nhiều năm, hai nhà thông gia với nhau được coi là sự liên kết lớn mạnh, cũng có thể nói là một cuộc hôn nhân lợi ích. Thế cho nên tình cảm giữa Mạc Kính Trì và người vợ Đường Dục Trân vô cùng xa cách, bên ngoài vẫn là vợ chồng đằm thắm, nhưng khi đến về nhà thì lại bằng mặt mà chẳng bằng lòng, cực kì khách khí với nhau, khách khí đến mực không giống vợ chồng. Đương nhiên Đường Dục Trân cũng nghe được mối quan hệ sâu xa giữa Mạc Kình Trì với vợ chồng họ Khúc, còn từng một lần làm ầm ĩ với Mạc Kình Trì về việc này, nhưng chẳng thể cản trở được sự qua lại thân thiện giữa Mạc Kính Trì và nhà họ Khúc, sau đó Đường Dục Trân không kìm chế được sự tò mò tới nhà họ Khúc mấy lần, sau đó không thấy nói gì nữa, bởi vì sự mặn nồng của hai vợ chồng Khúc Hướng Từ đã khiến cho bà có theo cũng chẳng được. Cái loại mặn nồng này không liên quan tới từ ngữ, hai người liếc nhìn nhau, mỗi cái nhăn mày, mỗi một tiếng cười đều luôn luôn dịu dàng trầm bổng như thế, Đường Dục Trân không nhìn thì thôi, nhìn rồi ngược lại càng bị kích thích, bởi vì sự mặn nồng giữa vợ chồng họ là thứ hi vọng xa vời mà cả đời này bà cũng không thể nào có được.