Kể xong chuyện này mẹ thở dài nói: “Nếu không có vụ tai nạn xe cộ đó thì con cũng sẽ không theo mẹ chịu nhiều khổ cực thế này, con sẽ sống cuộc sống giống như công chúa ở bên kia.”
Tôi hỏi mẹ: “Thế mẹ có ở cùng con không?”
Mẹ lắc đầu, “Sẽ không, mẹ nuôi con lớn thêm một chút rồi sẽ rời đi.”
“Vì sao?”
“Bởi vì làm người phải có cốt khí.”
“Nhưng sao mẹ có thể bỏ con lại được?”
“Bởi vì mẹ muốn con sống tốt hơn đôi chút.”

Tôi lập tức khóc lóc, ôm mẹ nói: “Mẹ, con không cần sống tốt, con chỉ muốn ở bên mẹ, mãi mãi, mãi mãi ở bên mẹ.”
“Mãi mãi có xa lắm không?” Tôi từng hỏi mẹ.
Mẹ nói: “Mãi mãi chính là không có tận cùng. Giống như bầu trời, không thấy được điểm cuối.”
Vì thế tôi có một thói quen, thích nhìn lên bầu trời. Bất kể ban ngày hay là đêm tối, tôi thích lắng nghe tiếng gió và những đám mây lướt qua trên bầu trời. Trên nóc ngôi nhà chúng tôi sinh sống có một cái sân phơi nho nhỏ. Có một khoảng thời gian rất dài, tôi thích tựa vào lan can gỗ trên sân phơi sau khi tắm, để cho làn gió thổi phồng váy ngủ trắng của tôi, để ái tóc dài tung bay trong gió. Bầu trời khi ấy bao giờ cũng xanh lam cực kì, tạo nền cho những đám mây càng thêm trắng xóa, giống như những viên kẹo đường tròn tròn bày bán trong sạp hàng nhỏ ngoài cửa ngõ. Sau khi lớn lên, tôi lại cảm thấy những đám mây đó càng giống với những bông hoa sen trắng hơn, ngây thơ nở bung ra trong sự mộng mơ tươi đẹp của người thiếu nữ. Trong sinh mệnh sẽ không còn vẻ đẹp cực hạn nào sánh được.
Nhưng mà những thứ tốt đẹp lại thường không thể lâu dài. Không biết là ai đã từng nói như vậy.
Thời thiếu nữ tươi đẹp của tôi đã chấm dứt vào cái năm mười bốn tuổi ấy.
Ngày đó tôi tan học về nhà như thường ngày, thế nhưng lại không ngửi thấy mùi thơm của thức ăn ngoài hành lang như thường lệ, đẩy cửa ra, mẹ đang ngồi ngẩn người một mình nhìn về phía sân phơi, không hề nhúc nhích.
“Mẹ, con đã về rồi.”
Mẹ ừ mơ hồ một tiếng, nhưng vẫn không động đậy.
“Mẹ, con đói bụng.”
Mẹ vẫn chỉ ừ. Không nhúc nhích.
Tôi liếc bàn ăn, rồi lại nhìn phòng bếp, không có cơm tối. Một loại loại dự cảm chẳng lành trào lên trong lòng. Tôi vội vàng quăng cặp sách rồi chạy tới bên cạnh mẹ, “Mẹ, làm sao vậy?”
Lúc này mẹ mới nghiêng mặt sang nhìn tôi mịt mờ, tựa như không nghe thấy tôi nói cái gì. Mẹ ràn rụa nước mắt. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ khóc nhiều như vậy.
Mẹ nói như ngủ mê: “Bác trai của con đã qua đời rồi.”

Giọng nói khàn khàn, thấp không thể nghe thấy.
Tôi ngây người, thật lâu sau cũng không biết nên phản ứng như thế nào. Quá đột ngột, bác trai đã mấy tháng không đến thăm chúng tôi rồi, mới có mấy tháng, làm sao đã qua đời?
Tôi còn nhớ lần cuối cùng bác trai đến thăm chúng tôi, người gầy đi rõ rệt, ông nói chuyện với mẹ rất lâu ở trên tầng, lúc tiễn bác trai xuống viền mắt mẹ đã hoen đỏ. Sau đó tôi mới biết bác trai bị bệnh. Mẹ không nói là bệnh gì nhưng mấy buổi tối liên lục mẹ đều ngồi ở sân phơi đến tận hừng đông, tôi liền đoán bác trai bị bệnh không nhẹ. Lại sau nữa tôi biết được từ trong miệng mẹ, rằng lần đó bác trai đến là muốn đăng ký kết hôn với mẹ, vợ của bác trai đã qua đời từ rất nhiều năm trước rồi, bác trai vẫn luôn độc thân. Bác trai đưa ra lời đề nghị kết hôn với mẹ lúc bệnh nặng không phải vì điều gì khác, chỉ vì muốn ẹ con chúng tôi một cái danh phận, để chúng tôi danh chính ngôn thuận trở thành người nhà họ Mạc.
Mẹ cự tuyệt.
Mẹ nói: “Cả đời này em cũng không muốn trở thành người nhà họ Mạc.”
Bác trai khuyên mẹ, “Không vì bản thân em thì cũng nên suy nghĩ cho Tứ Nguyệt, có danh phận rồi thì hai người có thể thừa kế tài sản của anh, cuộc sống nửa đời sau cũng có cái mà đảm bảo.”
Mẹ vẫn cự tuyệt.
Bác trai nói: “Anh không còn nhiều thời gian nữa, anh không yên tâm về mẹ con hai người, Bội Lan.”
Tôi không biết lúc ấy mẹ trả lời bác trai như thế nào, nhưng sau này tôi đã đọc được câu nói như vậy trong nhật kí của mẹ: “Tôi hiểu được lòng anh, nhiều năm như thế, cho dù tôi có là gỗ đá cũng phải hiểu. Anh là một người tốt, ngoại trừ ông nội của Tứ Nguyệt và Kính Trì ra thì anh là người tốt duy nhất trong nhà họ Mạc. Anh từng hỏi tôi có phải anh thua kém Kính Trì nhiều lắm hay không. Tôi nói không phải, tôi nói chỉ bởi vì anh không phải là anh ấy, con người trong số mệnh của tôi chỉ có một mình anh ấy. Lúc ấy anh rất đau lòng… Bao nhiêu năm rồi mà anh vẫn luôn rất đau lòng. Người tốt mà lại liên tiếp gặp phải bao nhiêu kiếp nạn, anh bị bệnh nặng đến thế mà trong lúc này vẫn nói muốn cho tôi và Tứ Nguyệt một danh phận, anh thật sự là một người tốt. Nhưng mà tôi không thể đồng ý, tuy rằng tôi nghèo nhưng dẫu sao vẫn còn một chút cốt khí, mà cho dù tôi có được danh phận này thì người nhà của anh cũng chưa chắc đã chịu chấp nhận mẹ con tôi. Những lời nói ác độc như vậy cả đời này tôi cũng không muốn nghe thấy nữa, càng không thể để cho con gái của tôi nghe được…”
Bác trai bị ung thư gan.
Quá đột ngột, khiến cho tôi không kịp chuẩn bị một chút tâm lý nào. Bao nhiêu năm rồi bác trai chăm sóc chu đáo cho tôi và mẹ, chẳng khác nào người thân của tôi, từ nhỏ tôi cũng rất thân thiết với bác trai, thích nụ cười của ông, bởi vì ông luôn nở nụ cười ấm áp như ánh sáng mặt trời, giọng nói cũng hiền hậu rung động. Tuy rằng tôi còn nhỏ nhưng tôi đã sớm nhận ra bác trai thích mẹ tôi, có điều ông là một người nho nhã có lễ nghi, cử chỉ đúng mực, trên người ông thể hiện lên sự nuôi dưỡng và giáo dục tốt nhất của xã hội thượng lưu, ngoại trừ mỉm cười nói chuyện với mẹ tôi thì ngay cả tay mẹ ông cũng chưa từng chạm. Đây là những điều mẹ viết trong nhật kí sau này.
Một người tốt như vậy mà tại sao đã không còn nữa?
Tôi khóc nấc lên. Tôi chưa từng nhìn thấy ba, trong cảm giác của tôi thì bác trai chính là ba tôi. Mẹ không ngừng dùng cổ tay áo lau nước mắt nhưng làm sao cũng không thể lau hết, mẹ nói: “Bất kể như thế nào, Tứ Nguyệt, con cũng phải tới trước mặt bác trai cúi lạy vài cái, bác trai là ân nhân của chúng ta, nếu không có ông thì chúng ta đã sớm chết đói.”
Mẹ quyết định mang tôi đi tham dự lễ tang của bác trai.

Mẹ cứ cho rằng mẹ chỉ lấy thân phận bạn bè đi tới lễ tang, kính lên bó hoa tươi thì hẳn là người nhà họ Mạc cũng sẽ không làm khó chúng tôi. Năm đó mẹ không được phép tham dự lễ tang của ba là bởi vì quan hệ đặc biệt của ba và mẹ, lại còn sinh ra tôi, cho nên vợ cả của ba mới ghen ghét đuổi chúng tôi ra khỏi linh đường. Nhưng mẹ và bác trai trong sạch, vợ của bác trai lại mất sớm, người nhà bọn họ sẽ không đến mức không hiểu tình lý như vậy.
Linh đường của bác trai được đặt tại ngôi nhà lớn trong Mai uyển[1].
[1] Mai uyển: vườn mai.
Đây là lần đầu tiên tôi thực sự đặt chân vào nhà họ Mạc, cây xanh rợp bóng che khuất một ngôi nhà thấp thoáng mang kiểu dáng phương Tây, nhà chính màu trắng có tạo hình rất đặc biệt, mái nhà hình tròn, hơi giống với kiểu giáo đường của Nga in trên bưu thiếp. Ở hai bên nhà chính đều có một ngôi nhà phụ hai tầng, phong cách tương tự với nhà chính. Mà giữa cổng chính và nhà chính lại cách nhau một khoảng không tựa như một vườn hoa rộng, con đường đá cuội nhỏ uốn lượn xuyên qua, vậy mà không thấy được điểm cuối, chỉ nhìn thấy đỉnh vòm tinh xảo giống như cái ô lộ ra trong tán cây xanh biếc.
Sự to lớn mà lộng lẫy của Mai uyển đã rất nổi danh rồi. Lúc còn rất nhỏ tôi từng đi ra phía sau núi rồi lén lút bò vào bên trong. Bởi vì trường tiểu học của tôi ở ngay gần đó nên có một lần tan học bị bạn cùng lớp Tiểu Đồng kéo đi ngắm hoa lê phía sau núi. Sau này bị mẹ phát hiện ra, lúc bình thường ngay lời nói nặng mẹ cũng chưa từng nói một câu, ấy thế mà lần đó đã hung dữ cho tôi một trận đòn, từ đó về sau, mỗi khi đi qua chỗ đó là tôi lại phải chuyển sang đi đường vòng.
Mẹ nói: “Cả đời này cũng không được phép bước vào Mai uyển một bước nữa.”
Khi nói lời này nét mặt của mẹ vô cùng nghiêm khắc, thế nhưng sự nghiêm khắc của mẹ không khiến tôi sợ hãi mà lại làm tôi rất muộn phiền. Mẹ vô cùng đau khổ mà rưng rưng nói ra những lời như vậy, đến giờ nghĩ tới đều khiến cho tôi đau lòng.
Cách bao nhiêu năm, không hiểu sao khi nhìn thấy Mai uyển tôi lại bị dọa sợ hãi, cánh cửa sắt điêu khắc hoa văn khí thế oai phong đó khiến cho tôi vừa nhìn mà đã run, giống như cái miệng của một con thú to lớn, há ra có thể nuốt người.
Vì là lễ tang cho nên cổng lớn được mở rộng, rất nhiều người và xe ra ra vào vào. Danh tiếng đối nhân xử thế của bác trai khi còn sống rất tốt, thêm nữa còn kết giao rất rộng, vì thế người đến phúng viếng bác trai nườm nượp không ngớt là điều đương nhiên.
Cánh cổng có bảo vệ cũng không chú ý tới mẹ và tôi đã đi vào Mai uyển.
Trong vườn đỗ rất nhiều xe. Xa xa đã trông thấy rất nhiều lẵng hoa được xếp thành hàng từ cánh cửa phòng khách của nhà chính ra tới tận giữa vườn, có trắng, có vàng, giống như một vùng biển hoa, nhưng tôi thấy nhiều nhất là màu của hoa hồng trắng trang nhã. Mẹ nói đó là hoa mà bác trai thích nhất. Hoa trong tay mẹ đang cầm cũng chính là hoa hồng trắng, rất đắt. Mẹ chưa bao giờ tiêu xa xỉ như vậy, không hề hỏi giá đã mua một bó lớn ở cửa hàng bán hoa.