LA LẢ LÀ LA CHÚ TIỂU ƠI.
“Chú tiểu ơi?”
“…”
“Chú tiểu?”
“…”
“Chú mà im lặng nữa thì ta xốc chăn lên ăn thịt chú đấy!”
Sau câu nói này, chú tiểu cuộn tròn trên giường rốt cũng đã chịu hé một góc chăn, thò đôi mắt đen láy ra.
Chước Chước ngồi xổm đầu giường chống cằm cười, chọc ngón tay trắng nõn gần như toả sáng giữa đêm lên đầu chú tiểu, “Chú sợ ta tới vậy luôn đó hả? Đi theo cả ngày mà chú chả chịu nói chuyện với ta gì hết.”
Chú tiểu đắp chăn ngang mũi lặng thinh một chốc, bỗng im lìm duỗi cánh tay gầy còm từ trong chăn ra trước mặt Chước Chước, bảo: “Cho cô cắn một miếng, nhỡ không ngon thì đừng theo tôi nữa nhé, A Di Đà Phật.”
Chước Chước: “…”
Nàng thẳng thừng tóm cổ tay chú ta, hãy đang mỉm cười, “Chú tiểu nghe cho rõ đây, ta không ăn thịt người.”
“Thế cô theo tôi làm gì?” Chú tiểu lấy làm khó hiểu.
Chước Chước cười khì: “Thấy chú mới bây lớn đã đẹp nhường này, lớn khôn rồi hẳn sẽ tuấn tú lắm, chờ chú trưởng thành rồi hút dương khí chứ sao!”
Chú tiểu nhìn nàng, bỗng hắt xì hơi.

Chước Chước không đùa với chú ta nữa, kéo tấm chăn mỏng lên, đút cánh tay gầy còm kia vào chăn, “Con nít phải chăm ngủ, thức khuya không lớn nổi đâu, chú không lớn thì ta biết phải làm thế nào.”
“Chậc, chăn chú mỏng quá, ngủ không đủ ấm chắc luôn.” Chước Chước nói, chợt giở chăn lên luồn vào, cười khì ôm chú tiểu vào lòng, “Như này ấm hơn.”
Tự dưng bị người ta lôi ra siết lấy, chú tiểu sửng sốt, ngửa cổ định lùi lại.

Song nữ yêu kỳ lạ đang ôm chú như chẳng hề hay biết, nàng nhẹ nhàng vỗ gáy xoa lưng chú, kéo chú vào lòng lần nữa.
Chú tiểu Thanh Vô nhủ thầm: Chuyến này gay go thật, nữ yêu chê gầy định vỗ béo mình rồi thịt đây mà.
Chú tiểu chưa từng được ôm ngủ như thế, tuy ấm áp hơn tấm chăn lạnh lẽo kia nhiều, song chú dám chắc rằng mình không chợp mắt nổi nữa.

Nhưng có lẽ nữ yêu đã giở pháp thuật gì khiến chú nhanh chóng thiếp đi, say sưa vô cùng, lại còn chiêm bao.
Trong mơ có có rất nhiều hoa đào, một hoà thượng không rõ mặt ngồi dưới tàng cây, ôm một bé gái đang ngủ trong lòng.

Cô bé nọ vùi mặt vào áo hoà thượng, níu chặt tay áo chàng ta, miệng khe khẽ nói mớ, chân giãy lung tung.


Hoà thượng kia tay bồng tay nắm chân cô bé, chừng khi cô bé yên hơn mới chuyển sang nhè nhẹ xoa lưng.
Đánh một giấc dài đằng đẵng, tận khi hoa đào tàn, cành đâm chồi lộc non, cô bé mới choàng tỉnh giấc.

Cô bé dậy rồi dụi mắt, nương tay hoà thượng bò lên người, vùi đầu vào cổ chàng rồi dừng lại.

Hoà thượng bế cô bé đứng dậy, đi vào sâu trong tán lá xanh kia.

Có vài lời thoang thoảng vọng lại, chừng như bị ngăn tách bởi thứ gì, không tài nào nghe rõ được.
Chú tiểu Thanh Vô thức giấc rồi vẫn ngửi thấy hương đào nơi mộng cảnh, xua mãi không tan… Đập vào mắt chú tiểu là một quả đào được phóng to, rồi lại trông thấy gương mặt rạng rỡ nụ cười phía sau quả đào ấy.
“Chú tiểu có muốn ăn đào không?” Nữ yêu huơ quả đào trong tay, “Thơm một cái ta cho chú ăn nhé? Ta còn nhiều quả lắm, cho chú hết cũng được ~”
Chú tiểu chớp chớp mắt, vòng qua nàng trèo xuống giường, giũ tấm chăn mỏng chất thành đống rồi xếp ngay ngắn, đoạn bê chậu ra ngoài múc nước rửa mặt.
Tinh mơ trên núi đầy sương lạnh thấu, chú tiểu ngồi xổm bên giếng gánh nước, nước múc ra lại chẳng lạnh mà âm ấm, dễ chịu vô cùng.

Chước Chước theo chú ra đây, đưa đào lên cắn một miếng, lượn lờ trước mặt Thanh Vô.
“Trước khi ăn phải rửa đào đi đã.” Thanh Vô bảo.
Chước Chước vừa ngoạm thêm một miếng đào: “…” Đây là đào tiên nàng dùng phép ép mọc đấy nhớ! Nước dưới trần còn chả sạch bằng quả đào này đâu, rửa cái gì mà rửa!
Thanh Vô lại đưa khăn đã nhúng nước trong chậu gỗ sang cho nàng.
Chước Chước: “Hở? Sao vậy, muốn ta rửa mặt hộ chú à? Lớn tướng thế rồi phải tự học cách rửa mặt đi chứ.”
Thanh Vô làm thinh lắc đầu, chõ nàng, “Dẫu có là yêu quái thì ngủ một giấc dậy cũng nên rửa mặt, chẳng nhẽ yêu quái không làm thế bao giờ?”
Chước Chước: Bị người ta nghi ngờ thần cách rồi kìa.
Chú tiểu Thanh Vô cũng có đôi nét khác với Thanh Minh dạo trước.

Chú lớn khôn nơi miếu nhỏ gần như lánh đời này, lúc chú lên mười, cụ hoà thượng nhặt chú về đây đã qua đời, ở đây chỉ còn mỗi chú.

Có vẻ chú chẳng muốn xuống trấn tìm kế sinh nhai gì khác, cứ chắt chiu yên bình sống trên quả núi này.
Chú chín chắn điềm nhiên hơn tuổi, không thoát tục kiểu khách qua đường tựa Thanh Đăng, song lại ưa cười hơn Thanh Minh một chút, thỉnh thoảng còn đứng đắn buông câu nói đùa với Chước Chước, bình thản hiền hoà chứ chẳng hung tàn như kiếp trước.
Thấm thoát mấy năm trôi qua, chú tiểu đã hoá thành chàng hoà thượng tuấn tú.
Ngủ sớm dậy sớm hằng ngày, ngoài việc tham thiền và tụng niệm, chàng sẽ xắn áo xắn quần ra mảnh ruộng mình xới sau miếu chăm lo đống rau dưa tự trồng.
Chàng đội nón rộng vành, khom lưng nhổ cỏ dại, Chước Chước vắt vẻo trên giàn đậu chàng mắc, nhón ngọn cỏ đuôi chó chọc cái gáy lộ ra khi cúi đầu của chàng.

Trời hãy còn ấm, tầng không xanh ngọc như được ai gột rửa, vầng dương rạng rỡ treo cao, rót đầy ánh nắng xuống mẻ rau giữa ruộng, ve kêu ra rả trên các tán cây trong rừng.

Nóng nực thế mà Thanh Vô vẫn ra nhổ cỏ, mồ hôi trên má xuôi cằm chàng nhỏ xuống đất.
Lưng áo cũng ướt cả mảng, thấy cổ ngưa ngứa là biết Chước Chước lại táy máy nghịch ngợm, chàng chẳng thèm ngoảnh đầu mà sang thửa ruộng khác nhổ cỏ luôn.
Chước Chước nhìn con châu chấu đang yên vị trên phiến lá gần đấy, híp mắt nhẹ nhàng nhón nó lên, khéo léo thả vào cổ áo hé mở của Thanh Vô.

Châu chấu đáng thương bị ném một phát, búng mãi không khỏi tấm áo đang trùm trên người mình.

Thanh Vô thò tay ra sau, nhặt chấu ta ra ngoài.
Chàng rốt cũng ban cho Chước Chước cái liếc mắt, nhấc tay áo lên lau mồ hôi trên mặt.
Chước Chước đong đưa chân, đưa mũi chân huých cánh tay chàng, “Chói chang thế này, sao chàng không nghỉ tý hẵng? Đen nhẻm rồi kìa.”
Thanh Vô lại sang bóng râm mà nghỉ thật, gió mát luồn qua, sảng khoái vô cùng.

Chừng khi nắng dịu bớt, Thanh Vô tiếp tục vặt cỏ dại đến khi thái dương xuống núi, chim về tổ, chân trời gợn ráng chiều đỏ lửa.

Thanh Vô dọn đồ, đi đến cái ao bên núi tắm táp.
Chàng tắm dưới ao, Chước Chước ngồi trên cây ném lá xuống chỗ chàng, tán cây trên đầu sắp trụi sau nhiều lần bị nàng phá hoại.

Thanh Vô tắm xong lần nào là mặt ao lại đầy lá Chước Chước vứt lần ấy, ngay cả người chàng cũng nồng đượm mùi lá xanh.
Từ đầu Thanh Vô vốn không chịu để người ta quấy quả lúc tắm, song Chước Chước lại là một nữ yêu chả biết “không chịu” là như nào.

Thanh Vô bảo không muốn có ai nhìn trộm, nàng gật gù tỏ vẻ đã hiểu, ngày hôm sau đã chui ra nhìn thẳng thừng luôn.
Giống y như lần Thanh Vô không chịu ngủ cùng giường với nữ yêu, nàng vờ ta đây hiểu lắm, sau đó cả hai… chỉ còn nước nằm trơn dưới đất, chẳng còn giường để mà ngủ nữa.
Kiếp này, hoà thượng Thanh Vô đến cả yêu quái cũng chả thèm ngó ngàng lại càng thua chiêu Chước Chước, đành để nàng bắt nạt, đáng thương hết sức.
Thanh Vô thỉnh thoảng cũng sẽ xuống trấn mua gạo mua mì.

Chước Chước đi theo nhưng ẩn thân không cho ai thấy, chốc chốc sấn lại trêu chàng, chơi đến là vui vẻ.
Con gái nhà bán đậu phụ trong trấn xinh xắn đáng yêu, hễ gặp chàng hoà thượng tuấn tú trên núi xuống sẽ lại đi tới hàn huyên dăm câu, tâm tình thiếu nữ tơ vương lồ lộ.

Cô gái trẻ ngăn bước Thanh Vô, hỏi rằng hôm kia mình mơ ác mộng, có cần lên núi lễ Phật không.

Chước Chước quơ cổ Thanh Vô, chua lè lua lét thầm thì bên tai chàng: “Chú tiểu nhà chàng không giữ thanh quy giới luật, chỉ biết xuống núi hại thiếu nữ nhà lành.”
Thanh Vô thờ ơ đáp cô gái trẻ trước mặt mình: “Không cần.” Đoạn xoay người sải bước đi ngay.
Chước Chước hừ lạnh, lặng lẽ véo tai chàng, Thanh Vô nghiêng đầu tránh mãi không được, nhoẻn cười bất đắc dĩ, khẽ bảo: “Đừng véo nữa.”
Chước Chước buông tay, “Chàng tưởng cứ nhận lỗi đơn giản vậy là xong hả!”
Vụ này chưa xong thì lại có bà chủ goá chồng mở khách điếm phía đông trấn nhảy ra, trông thấy Thanh Vô thì sáng rỡ ánh mắt, mân mê đoá châu hoa bên tóc, uốn éo thân hình đẫy đà, “Ôi chao, tiểu sư phụ Thanh Vô đây mà ~ Dạo này chị cứ tức ngực mãi, chẳng nhẽ lại bị thứ gì ô uế trong nhà đeo bám ~ Tiểu sư phụ rảnh thì ghé xem hộ nhé ~”
Chước Chước lại thò tay véo tai Thanh Vô, nụ cười mỉm trên mặt chàng đã bặt tăm, chàng giương bản mặt rắn đanh đáp lời bà ta, “Thứ quấn lấy bà là một con lệ quỷ ngập tràn oán khí chết oan, hoà thượng tôi chỉ biết tụng kinh, không biết bắt quỷ, không giúp gì được, nếu muốn yên ổn thì mau mau đi tìm tu sĩ nào tu vi cao cao ấy, bấy mới cứu nổi bà.”
Chàng nghiêm trang ôn tồn buông tiếng, xong chuyện đi ngay, để bà chủ tím tái mặt mày đứng sững ra đấy.
Chước Chước ngoảnh lại nhìn, thấy bà ta tự dưng hốt hoảng chột dạ thì tăm tia thật kỹ, chợt bảo: “Uầy, thì ra người chồng mở khách điếm kia chết dưới tay mụ ta và gã tình nhân, hèn chi nghe chàng nói xong lại kinh hoàng như thế, ha ha, có điều trên người mụ ta làm gì có lệ quỷ, chàng chỉ bịa chuyện doạ mụ thôi!”
“Đồ hoà thượng xấu xa!”
“Đừng véo nữa.” Thanh Vô lại thở dài.
“Hì hì ~” Chước Chước tựa vào vai chàng, không chịu thả tay.
Ngôi miếu nhỏ lâu năm không sửa, tượng Phật Tổ thờ trong điện đã phai sắc nhạt nhoà, lại còn rớt tay sau một đêm mưa.

Thanh Vô sáng dậy thấy thế xắn áo quyết định tự sắm vai thợ mộc, bắt tay vào tu chỉnh một phen.
Chước Chước theo sát chàng, thường thì chỉ đứng ngó chứ chả động chạm gì, dằn lòng hơn dạo ở bên Thanh Minh nhiều.

Thanh Vô tự học cách đẽo gỗ, chuẩn bị sửa tượng Bồ Tát các loại trong miếu, chàng vần võ một mình, thế mà lại đâu ra đấy.
Ba năm sau, Thanh Vô tự lực cánh sinh, thành công thay da đổi thịt cho ngôi miếu nhỏ thật.
Chước Chước có dịp trông thấy một tượng gỗ Thanh Vô khắc để trong tủ đựng đồ nghề, vật nọ mang dáng dấp của nàng.

Nàng siết chặt lấy tượng, như cười như không, thoáng trông tựa khóc.
“Thanh Vô, em cứ mãi thắc mắc, phàm trần là gì trong mắt chàng vậy?”
Thanh Vô nghe đoạn, chõ tay ra ngọn núi xa kia: “Đấy là non.” Rồi chỉ cái ao gần đấy, “Đây là nước.”
Non là non, nước là nước.
“Thế em thì sao?” Chước Chước hỏi.
Lần này Thanh Vô khựng lại đôi chút, nhẹ nhàng đáp: “Là hoa.” Giọng nói vấn vương ý cười.
Hoa? Nước non chính là non nước, thế thì một gốc đào như nàng, bảo là hoa cũng chẳng sai.

Song Thanh Vô đâu biết nguyên hình của nàng là gì, sao lại trả lời như thế? Chước Chước không hiểu lắm.
Thanh Vô kiếp này mất sớm, chết bệnh.


Dịch bệnh đột phát, chết rất nhiều người, ngôi chùa của Thanh Vô đã cứu chữa cho vô số người, song chính chàng lại bị nhiễm.
Trước khi chết, chàng nằm đấy nhìn Chước Chước đang lặng thinh mà ngồi, cười bảo: “Để em chờ bao nhiêu năm như thế, rốt lại bõ công rồi… Lần sau, đừng làm những chuyện thiệt thòi như vậy nữa.”
Chước Chước không dùng thần lực để cứu chàng, cũng không thể cứu chàng.
Lần này về chỗ Ti Mệnh Thần Quân, Chước Chước không bất ngờ khi biết Thanh Đăng vẫn chưa vượt nổi tình kiếp.
“Chước Chước đã xác định được nguyên nhân chưa?” Ti Mệnh hỏi nàng.
Chước Chước không đáp mà hỏi lại: “Ti Mệnh Thần Quân, tôi có điều chưa rõ.

‘Hoa’ là gì?”
“Hoa?” Ti Mệnh đăm chiêu rồi đáp: “Chắc là một thứ gì đó xinh đẹp, khiến người ta ngưỡng vọng, muốn bảo vệ chở che nhỉ.”
Chước Chước chợt ngẩn ngơ rồi cười.

“Vâng, tôi biết rồi.”
Nàng sang điện Ti Duyên, “Ti Duyên Thần Quân, tôi biết tơ hồng ngài cho dạo trước không phải loại thường, Thanh Đăng vốn không cần phải độ tình kiếp, chàng vốn sẽ không yêu ai, tất cả mọi chuyện đều là do tôi.

Tôi phải làm sao để mọi thứ quay về như ban đầu, để Thanh Đăng… không yêu mình nữa?”

Trước khi rời điện Ti Duyên, Chước Chước bảo y: “Đa tạ, tôi đã quyết làm vậy rồi.

Nhưng phải hoàn thành một việc trước đã.”
Nàng muốn một kiếp của Thanh Đăng.

Trong kiếp ấy, nàng nguyện lòng yêu chàng, bên chàng đến khi tóc bạc da mồi, làm một đôi vợ chồng phàm nhân.
***
“Nghe nói Liễu Thanh Hoan – cậu út nhà họ Liễu không qua nổi tháng này?”
“Ừ đấy, bà Liễu mời bao nhiêu thầy thuốc mà đã ai chữa được đâu, chẳng mấy chốc phải phát tang thôi!”
“Ê nè, nghe chừng hôm qua bà cụ đến chùa Hộ Quốc xin Tung Nguyên đại sư nhận cháu bà làm đệ tử, long mạch Hộ Quốc còn đấy, có khi lại giữ được mạng cho cậu ta.”
“Hầy, vào chùa Hộ Quốc là thành hoà thượng còn gì, thế thì còn chi là đời, chẳng thà chết ngay bây giờ.”
“Bậy, Tung Nguyên đại sư là quốc sư đó, biết bao nhiêu kẻ xin được làm đệ tử ông ấy kia kìa.”
“Nhà họ Liễu cũng chả phải hạng dân đen như mình, với cái gia thế đó thì cần gì bợ đỡ chùa Hộ Quốc…”
Dưới gốc hoè đầu ngõ là mười mấy thiếu phụ của các nhà chung xóm đang rôm rả thêu thùa tán chuyện, đề tài chẳng gì khác ngoài nhà họ Liễu đương trong cảnh khó khăn dạo này.
Bấy giờ, gia đình đang được bà con quan tâm hết sức kia lại đang đón tiếp một cô gái áo trắng tự xưng là thần y, cô gái này trông chỉ mười sáu xuân thì, khí chất lại xuất chúng vô song, nàng đứng cười giữa sảnh, thưa chuyện với bà Liễu: “Tôi có thể cứu được thiếu gia nhà này, song tôi có một yêu cầu.”
“Tôi chữa khỏi cho Liễu Thanh Hoan, chàng phải cưới tôi làm vợ.”