Đã sáu tháng trôi qua kể từ ngày chia tay Uyển Thanh, Nguyên Huân theo chân Tiêu lão thứ gia vào Trung Thổ. Trong sáu tháng đằng đẳng, những ngày đầu chịu đựng cái lạnh khủng khiếp của vùng Thập Vạn Đại Sơn, đường núi cheo leo, hoang vắng, ngày đi, đêm nghỉ, hùm beo, ác thú thiên nan. Đôi lúc trong suốt mười ngày ròng rã không thấy một bóng người, chỉ toàn là núi rừng trùng điệp, cây trái hiếm hoi; thịt thú rừng và nước suối nuôi sống hàng ngày. Chàng đã học được biết bao nhiêu kinh nghiệm của Bá phụ suốt một đời bôn tẩu, và cả những giai thoại của làng võ Trung Nguyên, những môn phái, những phe nhóm, những băng hội, những tổ chức giáo phái kỳ quái, những đại gia chia năm xẻ bảy phân chia làm hai đạo Hắc Bạch, làm chính tà khó lòng phân định, khi thì ma đầu, lúc là hiệp khách, Đạo gia, Phật gia can dự không nhỏ vào những việc giang hồ. Từ những bon chen vị kỷ, đưa đến hằn thù, vay trả, chém giết, thanh toán nhau. Cái danh, cái lợi đóng vai trò lớn trong những vụ đổ máu của võ lâm. Tiêu Đại Hùng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để dậy dỗ chàng, tấm lòng của ông đối với chàng thật là cao rộng, đằm thắm. Tính tình Tiêu lão khoáng đạt không câu nệ, cố chấp.

Suốt bao năm qua, chàng chẳng hề biết ông ngoài cái tên Tiêu thứ gia, Tiêu Đại Hùng. Ngoài ra thì xuất xứ, lai lịch của ông như con rồng thần, kiến thủ bất kiến vĩ. Vậy mà ông đã truyền thụ võ công, kiếm pháp cho chàng một cách tận tình mà chẳng cho chàng được bái sư.

Ông thường nói :

- Cốt ở cái tâm là đủ, nghi thức bề ngoài nào sá kể. Thiếu gì kẻ danh định phân minh mà khi sư, diệt tổ. Ta truyền thụ võ công cho ai là do cái căn duyên mà nên, ở lòng thành của người mà có. Vả lại, bản lãnh ta còn tầm thường lắm, ta không thể vì nghĩa thầy trò mà trói buộc các cơ may của ngươi sau này. Điều tốt nhất là ngươi giữ gìn được nhân cách, vì việc nghĩa mà quên mình, vì lợi ích của dân tộc mà xã thân, còn hơn những điều nhăng cuội mà có ích chi. Tâm hồn có khoáng đạt thì hành động mới quang minh, nếu cứ bo bo mà giữ những hủ tục tầm thường thì làm sao chu toàn nghĩa cả. Hãy nhớ lấy làm đầu!

Kể từ đấy, Nguyên Huân không còn câu nệ nhân, danh; chàng lấy tấm lòng hiếu tử mà đối với ông. Một hôm, trời đã về chiều, khói núi đặc mù như sương, giữa vùng Đại Sơn hoang vắng, một đống lửa được đốt lên trong thạch động để xua tan khí độc. Bên bếp lửa hồng và chú thỏ mập nướng thơm vàng ngậy, ông mở bầu rượu bằng bong bóng heo, tu chút rượu cuối cùng còn sót lại :

- Bình sinh, ta vốn là kẻ giang hồ phiêu dạt, đã lâu rồi hiu quạnh lẻ loi, lấy màn trời chiếu đất làm giường ấm nệm êm, lấy lòng nhớ thương cố quốc làm phụ tử phu thê, lấy tình nghĩa anh em làm an ủi. Giờ tuổi đã cao, khí lực và hùng tâm một thuở đã cạn dần mà vầng dương trên cố quốc ta đã non hai trăm năm không còn chiếu rọi. Con dân của cố quốc phiêu dạt bắc nam, hoặc cắn răng cúi đầu nhẫn nhục để mong có một ngày mai... một ngày mai! Một ngày mai! Ôi một ngày mai thuở nào mới đến?! Ta cảm thông cùng tổ quốc con, cùng nhân dân con, ta kính trọng lòng chiến đấu không hề mệt mỏi, một tinh thần dân tộc mãnh liệt hơn bất cứ dân tộc nào có được. Trong nhục nhằn gian khổ, tinh thần ấy mãnh liệt biết là bao! Nhưng khi hiểm họa đã qua đi, thì tranh giành, bon chen danh phận, của cải, tiền bạc, dòng họ... mà gây ra bao cảnh tan tác, chém giết lẫn nhau. Bởi thế, lúc hưng thịnh, lúc suy vi cũng chính vì lẽ ấy mà ra.

Ông ngồi im lặng chìm đắm trong nỗi buồn mênh mông. Nguyên Huân thương xót mình, thương xót ông, thương xót thần dân trăm họ của vương quốc chàng đang nằm gai nếm mật, chịu đựng muôn ngàn đắng cay. Lòng thương yêu dào dạt trong lòng chàng, cảm thông được tấm lòng ông đau đáu bao năm. Giờ đây, tóc đã bạc, đời đã chiều mà tấm thân còn muôn dặm phiêu linh. Chàng quỳ xuống bên ông, ân cần nắm lấy bàn tay cương mãnh :

- Bá phụ! Hài nhi khi mở mắt chào đời đã canh cô, mồ quả mẹ cha mất sớm, gia đình bị thảm sát, đất nước chìm đắm trong bạo lực hung cuồng, sống được đến ngày nay là nhờ ở tấm lòng cao cả của Lục thúc, có được ngày nay là nhờ ở lòng yêu mến bao dung của Bá phụ. Cha không biết mặt, mẹ chẳng hay tên, anh em chẳng có, tứ cố vô thân, lòng đau trăm mối, buồn nỗi hận nước, thù nhà biết ngày nào báo đáp. Hài nhi được Bá phụ bảo ban, chỉ dạy điều đúng sai, hơn thiệt. Cha không còn để được dạy dỗ, mẹ chẳng có để được ân cần, nhưng phúc tổ còn lớn. Lục thúc và Bá phụ đã cho hài nhi những điều của Nghiêm phụ, Từ mẫu, xin Bá phụ dung nhận con làm nghĩa tử, cho con ít ra trong cuộc đời được gọi một tiếng Phụ thân.

Nói xong, lòng đau như dao đâm, hai hàng nước mắt chan hòa. Tiêu Đại Hùng bỗng dưng đầy một lòng an ủi, nỗi cô đơn bao nhiêu năm đằng đẳng phút chốc tan đi, niềm vui như ngọn lửa hồng, khuôn mặt đau đớn của ông thoắt dịu lại đặt tay lên đầu Nguyên Huân đang phủ phục dưới chân, vỗ nhẹ :

- Huân nhi! Nghĩa tử! Nghĩa tử! Cuối cùng trời cũng cho ta được một niềm vui!

Hai giọt lệ như sương, lần đầu tiên trong đời ứa ra hai khóe mắt ông. Nguyên Huân vui mừng khôn xiết, dập đầu xuống đất hành lễ, miệng hoan hỉ kêu lớn :

- Nghĩa phụ! Gia gia!

- Hãy ngồi dậy con! Ta hài lòng lắm! Thêm một già, một trẻ cô đơn hoang vắng đã nên danh phận cha con. Ngồi dậy đi con! Ngồi dậy!

Tiêu lão dùng hữu chưởng nâng chàng dậy. Nguyên Huân cảm thấy một luồng chân lực ôn nhu, êm ái nâng chàng lên. Chàng biết nghĩa phụ đang thử công lực mình. Lập tức chân khí trong người chàng phản ứng. Tiêu lão mỉm cười tăng dần công lực, như một sức đẩy vô hình, như một luồng nước vỡ bờ tràn đến. Nguyên Huân vận dụng toàn bộ chân lực cưỡng lại Không phải chàng dám khoe khoang, mà chàng biết cha nuôi đang khảo sát thành quả công phu của mình, cho nên tâm trí hợp thành một, tinh khí, thần khí tụ tam hoa, phát huy kình lực của Hỏa Vân công, cưỡng lại.

Kình lực của Tiêu lão mỗi lúc một mạnh hơn, và một phút sau, Nguyên Huân không còn tự chủ được nữa. Chàng biết rằng bây giờ nếu thu hồi chân lực, chàng sẽ bị nội thương tức khắc nội thương sẽ làm cho chàng tiêu hao chân lực trầm trọng. Đầu óc chàng phiêu diêu và bị kình lực nội khí của Tiêu lão đẩy tung lên.

Cũng may, hang động cao rộng. Vừa thoát khỏi kình khí của Nghĩa phụ, chàng tức khắc sử dụng Hoán Ảnh thân pháp xoay một vòng trên không, hóa giải sức phản chấn, đặt chân xuống đất, cùng lúc Tiêu lão cũng vừa như một bóng mờ lao đến toan đỡ chàng.

- Công lực con đã có sáu bảy thành hỏa hầu, tinh tiến hơn sáu tháng về trước, thật không uổng công ta. Tuy nhiên, con còn phải luyện tập nhiều lắm. Sau này cần phải có một công lực làm căn bản cho việc luyện Sát Na Vô Lượng thần công thì mới mau chóng đạt được viên mãn.

Đêm ấy, hai cha con không sao ngủ được. Một già một trẻ đối diện nhau cạnh đống lửa, tham thiền nhập định, hành công tụ khí. Chợt Tiêu lão mở bừng mắt, lắng nghe một lúc. Nguyên Huân cũng mở mắt. Tiêu lão đưa tay lên môi ra dấu cho Nguyên Huân im lặng.

Trong tiếng gió lồng lộng ngoài trời, có tiếng người vẳng trong gió hú. Phải có công lực thật thâm hậu mới có thể phân biệt được. Hang động này khá sâu và quanh co, chia làm hai ba nhánh, Tiêu lão đã có ý vào sâu, vừa thám sát xem có độc xà, thú dữ gì không, vừa tránh cái lạnh do gió núi ùa vào, nên tạm thời dẫu có người vào, nhất thời cũng khó lòng phát hiện được. Tiêu lão lấy tay hắt tro tàn phủ lên những cục than hồng trong đống lửa. Hang động chìm trong bóng tối.

Tiếng chân dừng ngoài cửa hang. Bây giờ khoảng gìơ sửu Càng về đêm, gió càng mạnh. Thế mà trong khuya khoắt ấy lại có người đi lại giữa chốn hoang vu này, nếu không là người làm việc hệ trọng thì cũng là phường trộm cướp.

Có tiếng người đàn ông lên tiếng, âm thanh cố thu nhỏ nhưng vẫn ồm ồm vang vọng, rõ ràng người này có nội lực không phải tầm thường :

- Nhan đệ! Ở đây có hang động. Ta vào đây nghỉ, sớm mai lên đường cũng không muộn.

- Còn chừng ba dậm nữa đến Ninh trấn. Ta đến đó trời cũng vừa sáng. Cố lên một chút có hơn không?

- Cũng được vậy! Nhưng ta không muốn Nhan đệ vất vả như thế. Vào đây làm chút rượu cho ấm có hơn là đi giữa đêm tối thế này. Cũng chẳng có gì cần kíp lắm. Ta hẹn với y khoảng giờ Tỵ cơ mà!

- Thôi được! Lãnh huynh vào nghỉ ngơi đi, để tiểu đệ đi lấy ít củi khô.

- Để nó cho ta! Để nó cho ta!

Tiếng nói của người họ Lãnh, tiếng đầu chưa dứt, tiếng sau cùng đã mất hút ngoài xa, chứng tỏ thân pháp người này cực kỳ thần tốc. Lâu chừng nửa khắc đã có tiếng chân chạy.

- Nhan đệ, bật cái bùi nhùi lên xem hang động có gì không?

- Mình chẳng cần vào sâu làm gì. Ngay cửa hang này cũng có chỗ khuất gió đấy!

- Thôi được! Số củi này đốt cả đêm cũng chẳng hết.

- Lãnh huynh nhanh thật!

- Có ít củi khô ai gom sẵn. Ta chỉ việc mang về.

Tiếng viên đá đập vào nhau nghe chan chát, thoáng sau, có ánh lửa bùng lên, lúc đầu còn mờ nhạt, sau càng lúc càng rõ thêm. Tiếng củi bắt đầu nổ lách tách, mùi rượu được hâm nóng tỏa hương ngào ngạt.

- Nhan đệ! Uống chút cho ấm!

- Đệ không thích uống rượu! Lãnh huynh cứ tự nhiên!

- Cánh tay trái của lão đệ, trời lạnh nó có còn buốt nhức không?

Lâu rồi nó cũng quen đi. Lúc đầu, cứ khi trời trở lạnh, đầu xương cụt đau nhứt vô cùng.

- Chà, thoáng chốc mà đã bao nhiêu năm trôi qua, giờ đây tan tác mỗi người một ngả, người sống, kẻ chết, chẳng biết ai còn ai mất!

- Kể từ ngày Giáo chủ chán nản lòng người dạ thú, mai danh ẩn tích. Họ Dương nắm quyền tác oai tác quái, giáo chúng bỏ đi dần dần. Họ Từ hỗ trợ họ Chu đặt ngai vàng trên đầu trăm họ. Bách tính lê dân cũng chẳng sướng gì hơn khi dưới vương quyền của con cháu Mông Kha Hốt Tất Liệt. Họ Dương được phong vương, nắm giữ quyền bính về binh bị. Họ Thường, họ Từ bị bạc đãi.

- Ôi thôi, lão đệ nói tới chúng làm chi cho rác tai. Cái ngày mà Đồ Long được lão đệ hàn lại, ta biết lão đệ ôm mối hận lớn. Thoắt chốc 30 năm qua kể từ ngày ấy, chúng ta dễ đến trên hai mươi năm không gặp nhau, lão đệ mai ẩn kỷ quá, Lãnh Thiêm này truy tìm mất bao công sức.

- Tiểu đệ làm nghề thợ rèn kiếm sống, quyết không nhớ gì đến quá khứ nữa!

- Từ ngày Dương Phá Thiên giáo chủ mất đi một cách bí mật, sau này mới biết là do khối u tình. Phạm hữu sứ bỏ đi, Dương tả sứ cai quản Minh giáo buông tuồng, Tứ đại hộ pháp vương chia rẽ, giáo chúng làm nhiều điều cuồng ngạo, bởi đó mới gây nên họa thảm sát Quang Minh đỉnh ngày nào. Ôi, đó cũng có căn nguyên cả. Đến bây giờ lại buông tuồng như thế. Lão Dương mặt ngọc lòng đen bạc quá lắm. Ỷ Thiên gẫy lìa. Vậy ra đoạn sau của bài thơ lan truyền trên giang hồ chẳng lẽ không còn có ý nghĩa, “Ỷ Thiên tái xuất. Thùy dữ tương phong”. Bây giờ Thiên tử nhà Minh gây nạn binh đao, xâm lăng thuộc quốc, ưa đãi bọn cuồng đạo ngu độn, lê dân đồ thán... dẫu sao cũng còn ít độc hại hơn Dương Tiêu đang dòm ngó ngai vàng. Việc này không sớm trừ, e có ngày bách tính, lê dân lại lâm vào cơn đại sát kiếp.

- Việc ấy việc ấy tiểu đệ cũng chẳng muốn quan tâm nữa, hôm nay đi với lão huynh là vì lão huynh đấy thôi!

- Ta thiết nghĩ bổn phận kẻ hành hiệp, ôm kiếm đi lại trên giang hồ, vì dân trừ bạo, dù không làm được tất cả nhưng cũng góp phần ngăn chặn bớt bạo lực. Không ngờ cái hùng khí của Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa kỳ ngày nay mất cả!

- Tuổi trẻ nhiều sai lầm. Sắp sang tuổi sáu mươi, chẳng lẽ không biết được mệnh trời, còn tiếp tục lầm lẫn mãi sao. Ngày xưa nghề nghiệp của tổ tiên truyền lại, đúc đao thương kiếm kích, xét ra cái danh nghiệp ấy chỉ làm hại đời... Bao giờ tiểu đệ và con cháu nhất quyết chỉ còn làm cào, cuốc cày bừa mà thôi.

- Phật gia còn có giới đao, lão đệ nghĩ thế nào?

- Đó là sự lầm lẫn. Thiền trượng dùng để chống mà đi truyền giáo. Từ khi Đạt Ma sư tổ vào Trung Nguyên mới có giới đao, binh khí. Đại hùng, đại lực có đâu là sức mạnh của sự trấn áp bạo lực, vậy thì sắc là chi, không là chi?

- Ta không ngờ lão đệ lúc này am hiểu Phật pháp đến thế!

- Chẳng phải thế đâu lão huynh! Đệ lấy cái thường tình mà suy ra. Cái bình thường mà thông thì vạn cái cũng thông cả Tiểu đệ không niệm Phật, không ăn chay, cũng chẳng biết thế nào là Sát Phật, Kiến Phật. Đã vô tướng, vô sắc thì độc tôn duy ngã mà chi?

- Ta thật chẳng biết tí gì về Phật gia, Đạo gia, Danh gia Triết gia, Nho gia hết. Ta chỉ cần suy xét cái gì đúng thì làm cái gì không đúng thì không làm; là đạo người. Đạo người là nhân đạo, vậy ta cũng là lão... lão.. lão nhân gia.

Tiếng cười sang sảng của Lãnh Thiêm, một trong Ngũ tảng nhân của Minh giáo năm trước, vang lên trong động vắng, tỏa ra ngoài, ồm ồm mãi không dứt. Nguyên Huân giật mình, vì nội lực người này quả là sung mãn, hai tai chàng lùng bùng nhói buốt. Có tiếng như sợi chỉ vọng vào tai chàng, Tiêu lão đang dùng phép truyền âm nhập mật :

- Huân nhi! Lão già họ Lãnh võ công khét tiếng một thời nội lực kinh người. Hãy cố gắng làm thân với lão nếu có dịp. Có lợi cho con đó. Mai ta đến Ninh Trấn để con có dịp nhìn thấy lão và gã họ Nhan, vốn là Chưởng kỳ sứ của Liệt Hỏa kỳ, một trong Ngũ Hành kỳ của Minh giáo khi trước, bị Diệt Tuyệt sư thái dùng Ỷ Thiên kiếm chém đứt một cánh tay. Nay về già, hào khí đã hết, chán ngán sự đời, bị lão họ Lãnh lôi kéo vào chuyện chi đây. Không phải ta muốn chen vào chuyện thị phi của võ lâm Trung Nguyên, nhưng vì chuyện này có liên quan đến Hoàng đế nhà Minh và gã họ Dương, mà như vậy, có nghĩa là có liên quan đến chuyện của con đó.

Ngoài cửa động đã im lìm, dáng chừng hai người họ Nhan và họ Lãnh không muốn trò chuyện nữa. Không còn bao lâu nữa trời sẽ sáng. Tiêu đại hiệp và Nguyên Huân ăn vận theo lối khách thương, y phục của người Trung Nguyên. Thanh Bạch Hạc giấu trong đoạn nứa dùng làm đòn gánh, chiếc tay nải đựng vật dụng treo toòng teng sau lưng Nguyên Huân.

Cả hai từ lúc rời khỏi thạch động, đã bám sát theo bọn Lãnh Thiêm. Khinh công họ Lãnh hết sức cao siêu. Nhưng nhờ Tiêu Đại Hùng truyền thụ Hoán Ảnh thân pháp, và chàng đã khổ luyện từ nhỏ, Nguyên Huân theo kịp Tiêu lão cũng không đến nỗi vất vả; Tiêu lão biết rõ công lực của họ Lãnh, nên cả hai cực kỳ thận trọng mới không bị phát giác.

Ra khỏi vùng núi non Thập Vạn thì trời đã sáng hẳn. Phong cảnh nơi đây cằn cỗi tiêu điều, đất đai nứt nẻ. Lượng mưa ở vùng nằm trên chí tuyến này hết sức nhỏ và gần như quanh năm không mưa, do đó, dân cư thưa thớt, thỉnh thoảng mới có người qua lại nên Lãnh Thiêm và Nhan Bổn đi bộ, không sử dụng khinh công nữa. Cuối giờ Thìn, hai người mới đến Ninh Trấn, một thị trấn thưa thớt, tiêu sơ, thủ phủ của một huyện lỵ nhỏ. Ngoại trừ khu công đường được xây dựng biệt lập cả thị trấn chỉ có một cái quán, vừa làm quán ăn, vừa làm khách sạn.

Mặt trời đã lên cao, cái nóng bắt đầu thiêu đốt. Đêm lạnh ngày nóng là nét đặc thù của các khu vực nằm trên hai đường hạ chí. Bước vào Ninh thôn khách điếm, liếc mắt nhìn quanh Nguyên Huân nhận ra hai lão Nhan, Lãnh đang ngồi ở một chiếc bàn phía trong. Quán vắng người, tiểu nhị chạy ra mời chào vồn vã. Tiêu thứ gia chọn một chiếc bàn trong, gần bàn của họ Lãnh Tiểu nhị lau qua loa bàn ghế, xum xoe đứng đợi :

- Nhị vị khách quan dùng chi, xin cho tiểu nhân biết?

Tiêu thứ gia suy nghĩ một lát, rồi hỏi :

- Ở đây có rượu ngon không?

Tiểu nhị trố mắt nhìn Tiêu lão. Trời còn sớm, nhưng đã báo hiệu một ngày nắng bỏng, ít ai uống rượu vào giờ này mà lão khách quan này hỏi ngay rượu quý. Biết gặp khách xộp, tiểu nhị càng xum xoe :

- Bẩm, tệ quán có một loại rượu nổi tiếng quanh vùng này. Lão nhân gia dùng bao nhiêu xin cho biết, và nhân tiện, cả các món ăn nữa! Dạ! Dạ! Hoàng Hoa cúc tửu của tệ quán mà nhậu với thịt nhím là ngon tuyệt!

- Được! Sắp trưa rồi! Chúng ta cần ăn no nhân thể, cứ có món gì ngon là được!

Ông đưa chiếc bong bóng heo đã móp lại vì trống rỗng, nói thêm :

Hai cân rượu lẻ và một vò đổ cho đầy túi da này.

Nguyên Huân nói với theo :

- Này, một bình trà nguội lớn nữa đấy nhé!

- Dạ, dạ, nước uống ở đây quý hiếm lắm! Cũng phải tính tiền đó thiếu gia!

- Được rồi! Ngươi đi đi!

Hai người vừa ăn uống, vừa ngóng đợi. Lãnh Thiềm và Nhan Bổn không nói với nhau một lời. Vẻ mặt của Lãnh Thiềm có vẻ nôn nóng, chờ đợi; trong khi đó, Nhan Bổn với cánh tay cụt, vẻ mặt thờ ơ.

Đến khoảng đầu giờ Hợi, một toán người lạ mặt chừng trên mười người, có nam, có nữ, ăn mặc theo lối giang hồ. Tất cả đều cưỡi những con ngựa sùi bọt mép và y phục của họ đầy bụi, chứng tỏ họ đã trải qua một đoạn đường dài. Trong toán người xuống ngựa, có một thiếu phụ trung niên, nhan sắc còn mặn mà, và một thiếu nữ tuổi chừng mười tám, mười chín, đôi mắt xếch, lẳng lơ, bận một bộ võ phục màu huyết dụ làm nổi làn da trắng hồng. Tất cả ồn ào xuống ngựa, ập vào quán như một cơn lốc. Bọn hảo hán mặt mày hung ác, lưng đeo đoản đao. Thiếu nữ mang sau lưng một thanh trường kiếm có tua gù ngũ sắc, riêng người thiếu phụ thì không mang theo binh khí. Cứ nhìn cung cách những người đi với y thị thì biết y thị là người đứng đầu trong bọn.

- Mang tất cả những gì mà cái tửu quán tồi tàn của ngươi có được ra đây!

Người thiếu phụ hách dịch nói, đôi mắt long lanh nhìn quanh một lượt. Đôi mắt mụ dừng lại ở cánh tay cụt của Nhan Bổn và dừng lại rất lâu khi nhìn thấy Nguyên Huân. Mụ ghé tai nói nhỏ điều gì với người thiếu nữ. Đôi mắt thiếu nữ long lanh những tia tình tứ rồi cả hai cùng khúc khích cười Nguyên Huân cau mày khó chịu khi bắt gặp nhãn quan của hai người đàn bà nhưng chàng tảng lờ như không.

Ngay lúc ấy, một sư nữ tuổi chừng năm mươi bước vào, đôi mắt lạnh lùng tỏa ánh tinh quang dưới hàng mi thanh tú. Vị sư nữ này thuở còn thanh xuân chắc chắn là có một nhan sắc tuyệt vời Tay phải cầm chuỗi hạt bồ đề, tay trái cầm phất trần. Chiếc phất trần màu đen, không biết làm bằng loại lông gì, long lanh ánh thép, vị sư nữ gọi một đĩa bánh bao chay và bình trà. Lãnh Thiềm khi thấy bóng vị sư nữ bước vào, trên khuôn mặt của lão mang một vẻ ngạc nhiên, quay sang bên hỏi nhỏ :

- Nhan đệ, có nhận ra Sư thái kia không?

Giọng hỏi tuy nhỏ nhưng Tiêu Đại Hùng vẫn nghe rõ.

Nhan Bổn đưa mắt thờ ơ nhìn vị Sư thái, lắc đầu :

- Không! Tiểu đệ không rõ!

- Vị Sư thái này có lai lịch đấy! Lão đệ không nhận ra ư! Hai mươi mấy năm trước bà nổi danh giang hồ vì đã đả thương Trương giáo chủ trên đỉnh Quang Minh đó!

- Chẳng lẽ vị Sư thái này là họ Chu?

- Phải rồi, phải rồi! Ta không thể nào nhận lầm được!

- Tiểu đệ nghe nói bà ta trở thành Chưởng môn của phái Nga Mi rồi cơ mà!

- Quái dị thật! Trên hai mươi năm nay, bà ta không đi lại giang hồ mà khép cửa quan tu ẩn. Ái chà! Giang hồ bắt đầu sóng gió rồi đấy! Còn bọn mới vào lão đệ có nhận ra chúng là ai không?

- Làm sao tiểu đệ biết được?

- Cứ như các ăn mặc, đích thị chúng là Tiêu Dao phái của bọn người Miêu ở Vân Nam chứ không sai!

- Có phải giáo phái này chuyên dùng độc và rất dâm đảng đó chăng?

- Đúng vậy! Chúng ít khi xuất hiện ở Trung Nguyên mà chỉ quanh quẩn ở vùng biên giới Tây nam. Lần này, chúng vào Trung Nguyên chắc là có điều lạ đấy!

- Đã bao năm nay, tiểu đệ chẳng quan tâm đến điều gì của giang hồ cả. Và tiểu đệ cũng chẳng muốn quan tâm đến chúng làm gì!

Bọn người Miêu ăn uống ồn ào, vị trung niên thiếu phụ và thiếu nữ mặt hoa thỉnh thoảng liếc mắt nhìn Nguyên Huân rồi quay lại nhìn nhau, đôi mắt long lanh dâm tà.

Vẻ mặt lạnh lùng của vị sư nữ, tuy làm ra vẻ thờ ơ, nhưng không bỏ sót bất cứ cử chỉ nào của bọn người Miêu này. Bà cau mày khó chịu. Thiếu phụ mặc bộ quần áo màu hết sức sặc sỡ thêu kim tuyến lóng lánh, rượu làm ửng hồng khuôn mặt nàng. Chiếc áo rộng cổ, trái hẳn với y phục kín đáo của người Trung Nguyên, phô bày phần da thịt trắng như sữa, cũng bắt đầu ửng hồng trên bộ ngực nở nang phập phồng dưới lớp áo. Tóc bới cao, cột bằng những giải lụa ngũ sắc.

Trừ vị sư nữ có khuôn mặt lạnh như băng khó chịu cau mày, trừ Nhan Bổn, Lãnh Thiềm, Tiêu lão và Nguyên Huân, tất cả thực khách đều trố mắt nhìn ả. Thấy mọi người chăm chú nhìn, được thể, ả và đồng bọn càng ăn nói như chỗ không người. Thiếu phụ ghé vào tai một tên ngồi kế cận nói nhỏ, gã đưa mắt nhìn Nguyên Huân rồi từ từ đứng dậy, khệnh khạng bước đến. Gã đứng chống nạnh nhìn Nguyên Huân, gật gù nói một mình “Thằng nhỏ này đúng là của tốt đấy! Nương nương tinh mắt thật!”

Tuy hắn nói nhỏ, nhưng khá rõ để như chẳng xem ai ra gì. Cuối cùng, hắn dùng tay chỉ vào Nguyên Huân nói, giọng hách dịch :

- Ê! Chú bé! Nương nương ta sai ta sang bảo ngươi qua bàn Nương nương ta uống rượu!

Nguyên Huân giữ vẻ mặt bình tĩnh, đứng dậy nói :

- Xin cảm ơn! Tại hạ không biết uống rượu, xin miễn cho!

- Bất kỳ biết uống hay không, Nương nương ta đã cho gọi thì Phật tổ cũng phải đến!

Nguyên Huân cau mày tức giận, nhưng cố giữ hoà khí :

- Tại hạ là khách thương, không liên quan gì đến võ lâm, xin tôn giá miễn chấp cho!

Gã người Miêu tức giận quát :

- Ái chà! Mi cả gan thật! Muốn uống rượu phạt chăng?

Nói xong, y dùng Tiểu Cầm Nã thủ pháp giơ tay chụp vào ngực áo Nguyên Huân. Vì không muốn lộ hình tích, chàng giả vờ lúng túng lùi lại phía sau, đẩy ngả chiếc ghế đẩu tránh được cái chụp như một sự may mắn. Chụp hụt, gã tức giận dùng cương đao chém thẳng vào mặt Nguyên Huân. Mọi người trong quán im lặng trố mắt lo sợ cho chàng. Bỗng có tiếng gió rít lên, một vệt khói xám từ tay vị sư nữ bay đến nhanh như luồng điện chớp, rồi một sợi dây như con rắn quấn chặt lấy cổ tay của gã người Miêu, cùng lúc, cả thân hình hộ pháp của gã bay tung lên không, đụng vào xà nhà rồi dội xuống đất nằm bất động. Ngọn roi được thu về nhanh như lúc tung ra và biến mất vào trong tay áo tự lúc nào. Sắc mặt của vị Sư thái điềm nhiên như không.

Bàn ăn của bọn người Miêu xôn xao hẳn lên, nhất loạt đứng dậy, thực khách nhiều người sợ hãi, toan lủi ra ngoài. Thiếu phụ Miêu nghiêm giọng quát :

- Ngồi cả xuống!

Bọn người Miêu nghe lệnh vội vã ngồi xuống, nhưng các cặp mắt bừng bừng tức giận. Thiếu phụ duyên dáng đứng lên, nở một nụ cười như hoa, khoan thai bước đến trước mặt sư thái, nghiêng người, mùi xạ hương trong người ả tỏa ra ngào ngạt, thiếu phụ dịu dàng nói :

- Xin Sư thái thứ lỗi cho tên thuộc hạ lỗ mãng của tiện thiếp, nhưng Sư thái ra tay thật là tàn độc, ít ra cũng nên nể mặt thiếp một chút mới phải. Xin Sư thái cho tiện thiếp biết tôn hiệu để được hầu tiếp.

Vị Sư thái lạnh lùng hừ một tiếng :

- Phu nhân cũng chẳng cần biết đến tên ta làm chi. Y xúc phạm Phật tổ, vô cớ ức hiếp người lành, trừng phạt y đôi chút như thế là đã nể mặt các vị nhiều lắm rồi đấy!

Gương mặt thiếu phụ biến từ màu hồng sang màu xanh tía, sắc giận lộ ra vẻ độc ác vô cùng :

- Con vãi tiện tỳ này! Ngươi khinh người quá lắm! Công lực ngươi được bao nhiêu mà múa may trước mắt bản Nương nương. Không cho ngươi nếm chút đau khổ thì ngươi chưa sáng mắt ra!

Vừa nói, ả vừa bước tới, hai cánh tay đã mất đi màu trắng sữa, trở thành màu chàm, nhất là bàn tay đen xám lại. Có tiếng kêu giật giọng trong đám thực khách :

- Ái chà! Ngũ Độc công! Sư thái cẩn thận!

Thân pháp của người đàn bà Miêu tộc nhanh như chớp, hữu chướng cong lại thành Ưng trảo chụp xuống bả vai vị Sư thái, khống chế huyệt Kiên Tĩnh. Sư thái vẫn ngồi im, mắt nhắm lại, phong bế các huyệt đạo cùng hơi thở, miệng mỉm cười, nụ cười ôn nhu thuần hậu khác hẳn vẻ mặt lạnh lùng trong đôi mắt. Cùng một lúc, Ưng Trảo thủ của người đàn bà Miêu tộc chụp trúng ngay bả vai Sư thái nghe đánh “bách” một cái, gương mặt ả nhăn lại đau đớn, cả thân người bật lại phía sau như có một sức phản chấn đẩy mạnh khiến toàn thân ả phải lui thêm hai ba bước nữa mới đứng vững, nét mặt đau đớn, sợ hãi. Vị Sư thái mở mắt, ánh mắt vẫn lạnh lùng, giơ hữu chưởng lên, năm ngón tay thon đẹp cong lại, chụp mạnh xuống mặt bàn, miệng quát :

- Cút ngay đi! Con rết thối tha họ Bạch kia!

Cùng lúc ấy, năm ngón tay của Sư thái cắm phập xuống mặt bàn tạo thành năm lỗ thủng. Mọi người đều giật nẩy mình. Bỗng có một giọng trầm cất lên điềm tĩnh :

- Nam Mô A Di Đà Phật! Đã hơn trăm năm nay mới lại thấy Cửu Âm Bạch Cốt trảo!

Năm tiếng Cửu Âm Bạch Cốt trảo vang lên, gương mặt của thiếu phụ Miêu tộc họ Bạch càng hoảng sợ hơn.

- Bạch Thu Phồn! Nữ thí chủ chưa chịu đi hay sao?

Như sực tỉnh, thiếu phụ trung niên Miêu tộc Bạch Thu Phồn, Phó giáo chủ của Tiêu Dao tiên đạo xoay mình chạy biến ra cửa, miệng quát đồng bọn :

- Chạy mau!

Cả bọn biến ra khỏi quán, dìu luôn tên bị thương. Chủ quán mặt nhăn nhúm :

- Trời ơi! Chúng ăn quỵt nữa rồi!

Nhìn chủ quán cuống quít như muốn khóc, vị Sư thái ôn tồn nói :

- Mọi việc đã có bần ni thanh toán cho!

Người chủ quán mừng ro, chạy lại chỗ Sư thái ngồi, vái lấy vái để :

- Đa tạ Bồ Tát! Đa tạ Bồ Tát!

Từ lúc xảy ra việc bọn Miêu tộc lộng hành không ai chú ý đến một vị hoà thương có khuôn mặt đầy những vết sẹo ngang dọc bước vào quán hồi nào. Chính ông là người lên tiếng niệm Phật hiệu và gọi đích tên công phu của vị Sư thái. Thoáng một chút, như để nhớ lại, vị Sư thái đứng dậy, vẻ cung kính :

- Mô Phật! Bần ni tham kính Đại sư!

Vị Đại sư cúi đầu đáp lễ, nụ cười nhân từ, trái với gương mặt nhăn nhúm coi rất dễ sợ :

- Chu... sư trưởng! Bần tăng thật có lỗi không được biết đạo hiệu của Sư trưởng đấy!

- Mô Phật! Đệ tử là Tâm Hư!

- A Di Đà Phật! Lành thay!

Tâm Hư sư thái chắp tay hỏi :

- Bạch Đại sư, mấy chục năm nay, Đại sư không đi lại trên giang hồ, nay bỗng nhiên tái xuất, chắc Đại sư cũng vì hoạ phúc của võ lâm. Bạch Đại sư, xin mời người ngồi tạm.

Vị Đại sư mỉm cười :

- Hôm nay bần tăng có việc riêng phải gặp người anh em cũ thật ra cũng còn ít chuyện hồng trần mà phải bận tâm. Trần nghiệp còn nặng nề lắm, không biết bao giờ mới thoát được!

Nói xong, Đại sư ghé ngồi. Tâm Hư sư thái gọi trà, bỗng bà để ý thấy hai lão già bước tới, một người to lớn, một người nhỏ bé cụt tay trái. Bà không nhân ra hai người này. Người cao lớn là Lãnh Thiềm, giọng nói tuy oang oang nhưng vẫn giữ được vẻ cung kính :

- Phạm ca! Tiểu đệ chờ muốn chết!

Vị Đại sư họ Phạm quay người lại, đẩy ghế đứng lên vui vẻ hỏi :

- Lãnh thí chủ đã tới lâu chưa?

Trong lúc đó, Nhan Bổn bước tới một bước, kính cẩn quỳ một chân, bàn tay phải còn lại chụm trước ngực như ngọn lửa :

- Thuộc hạ Nhan Bổn cung kính ra mắt Hữu sứ!

Ánh mắt nhà sư chợt lóe lên một tia vui mừng pha lẫn ái ngại. Ông cúi xuống đỡ Nhan Bổn, một luồng kình lực ôn nhu chận lại không cho y hành lễ :

- Ôi Nhan đệ, Nhan thí chủ đó chăng! Sao lại khách khí đến vậy! Các vị ngồi xuống đi! Ta xin phép Sư thái, Sư thái có nhận ra hai nhân vật này không?

- Đệ tử ngày ấy còn nhỏ, làm sao nhớ và biết được các vị tiền bối này?

- Mô Phật! Câu chuyện gần 30 năm trước như một cơn ác mộng, nghĩ đến bần tăng lòng còn đau đớn.

Đại sư chỉ Lãnh Thiềm và Nhan Bổn rồi tiếp :

- Vị này ngày xưa là một trong Ngũ tảng nhân, vị này là Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa kỳ của Quang Minh đỉnh đấy! Này hai hiền đệ! Hãy ra mắt Tâm Hư sư thái, đương kim Chưởng môn Nga Mi phái.

- Bạch Đại sư! Bần ni đã truyền chức Chưởng môn cho một người sư muội từ gần 20 năm nay rồi!

Lãnh Thiềm và Nhan Bổn cúi đầu :

- Chúng tại hạ xin tham kiến Sư thái.

- Không dám, không dám! Tiểu ni đâu dám bất kính với nhị vị lão tiền bối như vậy! Kính xin nhị vị an tọa!

Cả bốn người ngồi xuống quanh chiếc bàn tròn kê ở góc trái căn phòng. Thực khách im phăng phắc, không một tiếng động, lắng nghe cuộc đối đáp giữa bốn nhân vật này. Nhan Bổn ngồi im cúi đầu không nói, buồn bã, xa vắng.

- Nhan lão đệ!

- Bẩm, thuộc hạ... thuộc hạ...

- Ấy đừng, lão đệ, ngày xưa qua rồi. Mọi thứ hãy uể nó nằm yên trong nấm mồ thời gian ấy. Hãy gọi ta bằng một tiếng ca ca có phải hơn không? Ta nghe Nhan lão đệ lúc này làm cào, cuốc, cày, bừa cho nông gia. Thật là đại phúc. Ta thấy lão đệ dường như còn nhiều oán hận. Ôi, lòng ta đây còn nặng nề thay. Tất cả những điều ấy như một cơn ác mộng. Ta vẫn tự nhủ: nghĩ đến mà làm chi! Mỗi người trong chúng ta đã tham dự vào cơn lốc ấy, kéo theo bao nhiêu họa kiếp cho giang hồ, hỏi có ai chẳng thiệt thòi như ta, như Sư trưởng, như nhị vị túc hạ. Có điều, còn đến ngày nay cũng là mừng lắm, cái mừng không phải là sự tồn tại của thân xác, mà để thấy được cái sai, cái đúng. Bàn tay của bất cứ ai trong chúng ta cũng đã nhúng vào máu, vào tội ác trong cuộc bất bình vô ích kia. Sự mất mát là cái giá phải trả, thân xác là kiếp phù sinh, vết thương trong tâm hồn mới thật là điều mất mát lớn nhất. Nhan đệ hiểu được ý ta chăng?

Nhan Bổn cung kính lắng nghe, đáp nhỏ âm thầm :

- Bạch Đại sư! Thuộc hạ xin lãnh giáo!

- Ô hay! Hiền đệ lại lầm lẫn nữa rồi? Cái gì là ta, cái gì là ngươi? Chẳng là ta, cũng chẳng là hiền đệ, chẳng có tướng làm sao có danh được. Đừng câu chấp như thế!

Quay sang phía Tâm Hư sư thái, Đại sư tiếp :

- Bần tăng từ thuở rút tay ra khỏi cơn lốc trầm kha năm xưa, lúc đầu tu hành chỉ là phương tiện cho một mục đích, sau này nhận biết được kiếp nghiệp trầm luân như có ánh sáng chiếu rọi, nên lấy pháp danh là Kiến Nghiệp, thấy rõ được nghiệp kiếp nên tránh được nhân quả. Sư thái! Lần này Sư thái vân du qua nơi hoang vắng này, chắc hẳn có chủ đích?

- Bạch Đại sư, tiểu ni bao nhiêu năm nay quên lãng mọi sự cũng chẳng muốn quan tâm đến bất cứ điều gì, mong cho được cái tâm hư. Nhưng gần đây, người họ Dương năm trước đi lại giang hồ dương danh, lập thế, có nhiều tham vọng, e rằng kiếp nạn võ lâm mấy chục năm trước lại một lần nữa đảo điên. Lại nghe nói tháng chín này, họ tập họp Đại hội Kình Dương. Nghe cái tên ấy cũng hiểu được phần ý đồ của họ... Vả lại, nếu họ Dương ở núi Chung Nam này có liên quan tông tộc với Quang Minh Dương vương thì không chỉ là kiếp nạn của võ lâm mà không chừng đồ thán cả sinh linh. Vì lẽ đó, tiểu ni chẳng thể ghét bở thế sự được!

- Ái chà! Thật là hạnh ngộ! Bần tăng cũng vì việc ấy mà đến nơi này. Nay được gặp Sư thái ở đây cùng quan tâm đến việc thiên hạ đại sự này. Nhưng ở đây không tiện nói. Nếu sư thái thấy không có gì bất tiện mong có dịp khác gặp nhau được chăng?

- Bạch Đại sư! Mười bốn năm nay, tiểu ni về quy ẩn ở khu vực hoang vắng này, trên một hòn núi nhỏ có tên là Thục Sơn cách đây trên 40 dặm về hướng Đông bắc. Nếu có dịp ngang qua, mong Đại sư ghé lại, tiểu ni xin trình bày rành rọt để Đại sư rõ thêm!

Kiến Nghiệp Dại sư đứng dậy chắp tay :

- Mô Phật! Xin Sư thái thứ lỗi cho. Bần tăng và hai người anh em cũng có chuyện cần đi. Mong có ngày gặp lại!

Đại sư quay sang nói với Lãnh Thiềm :

- Lãnh hiền đệ, vốn là một phú ông, hiền đệ chu tất mọi việc đi!

- Ấy chết! Xin Lãnh thí chủ để đấy cho bần ni chu toàn!

Đại sư cười nói :

- Sư thái! Chúng ta là người cửa Phật. Cái thân còn chẳng có, lấy đâu nhìn thấy kim ngân!

- Đa tạ Đại sư điểm xuyết! Xin chúc Đại sư và nhị vị may mắn!

Bốn người cúi chào nhau chia tay sau khi Lãnh Thiềm đã trả cho chủ quán một món tiền hậu hĩnh. Lãnh Thiềm, Nhan Bổn theo chân Kiến Nghiệp ra khỏi quán. Tâm Hư sư thái cũng đứng dậy toan đi ra. Từ nãy giờ ngồi im, lắng nghe câu của bốn người, Tiêu Đại Hùng nói nhỏ với Nguyên Huân :

- Đấy là những nhân vật kiệt xuất của võ lâm Trung Nguyên những năm về trước! Tâm Hư sư thái tục danh là Chu Chỉ Nhược, học trò của Diệt Tuyệt sư thái phái Nga Mi, đã từng gây sóng gió trong võ lâm một thuở. Võ công của bà ta học được của Nga Mi phái rất bình thường, nhưng con vừa xem bà ta xuất thủ, võ công quái dị, tàn bạo. Đó là chiêu thức trong Cửu Âm chân kinh, một loại âm công siêu tuyệt tà độc ấy cũng do tình hận vô vọng mà ra đó thôi. Cái chữ tình thế mới biết, chẳng những lụy tàn một đời mà còn di họa là dường nào!

Nói xong, ông thở dài, dường như nhớ đến một quá khứ xa xăm nào đó, cái quá khứ phiền muộn mà ông cố quên đi, cái quá khứ của một thời trai trẻ. Chợt thấy Tâm Hư sư thái đang định quay đi, ông vội đứng lên, bước nhanh ra, khẽ gọi :

- Sư thái! Xin chờ lão phu một chút!

Tâm Hư sư thái quay lại, nhìn lão già tóc bạc ăn vận theo lối khách thương, một lúc như nhận ra và reo khẽ :

- Tiêu lão tiên sinh! Tiêu lão tiên sinh đó có phải không?

Tiêu Đại Hùng vái chào :

- Đúng là lão hủ họ Tiêu đấy! Sư thái thật vô tình, đến ngay lão hủ này mà còn không nhận ra nữa!

- Đã quá lâu không gặp lão tiên sinh, thật là khó lòng lắm mới nhận ra được?

Tâm Hư sư thái đưa mắt nhìn Nguyên Huân rồi quay hỏi :

- Vị tiểu thí chủ nào thế?

- Y là con duy nhất của người bạn đã qua đời. Bây giờ là nghĩa tử của lão phu đấy!

- Hình như y không phải là người Trung Nguyên?

- Nhãn quan của Sư thái ghê gớm thật! Cha y là một trong Bát đại danh gia ở phương Nam đấy!

- Ái chà! Bần ni có nghe giang hồ trước đây nhắc đến đại danh tám nhân vật này, đó là những nhân vật hành hiệp phiêu hốt lắm. Thân phụ tiểu thí chủ là người thứ mấy vậy?

- Vị ấy người thứ ba, họ Trần.

- À, phải rồi! Đó là một Vương gia Đại Việt!

- Phải! Chính đấy!

- Trần đại hiệp năm xưa cùng Hoạt Phật đại sư có ghé thăm Nga Mi sơn một hai lần. Ngày ấy đã lâu lắm rồi. Chẳng hay vì lẽ gì mà Trần đại hiệp qua đời?

- Cả gia đình bị thảm sát. Sư thái không hay biết việc ấy sao?

- Đã bao nhiêu năm nay, bần ni gác bên tai mọi chuyện, ẩn cư nơi thâm sơn để di dưỡng tinh thần, vậy mà cũng chưa đạt được điều sở nguyện. Mà chuyện ấy ra sao?

- Đại Việt bị Minh Triều xâm lược..

- Nhưng Trần triều của Đại Việt đã về tay dòng họ khác rồi cơ mà!

- Thuở bình sinh, Trần vương gia không quan tâm đến lợi danh, nên khi nhà Trần lọt vào tay nhà Hồ, Vương gia ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, có can dự gì đến chính sự đâu. Nhưng việc này liên quan đến võ lâm đấy? Tam gia, Thất gia, Bát gia đều bị sát hại, riêng Lục gia bị tàn phế võ công.

- Võ công của tám người này đâu phải tầm thường. Vậy kẻ nào có bản lĩnh ấy?

- Điều này không biết được. Có điều Lục gia Đoàn Chính Tâm bị Âm Hàn chường lực đánh trúng!

- Ái chà chà! Võ lâm Trung Nguyên, những cao thủ âm Hàn rất hiếm. Ngày xưa, Lộc Thượng Khách và Hạt Bút Ông có công phu ấy, nhưng cả hai, võ công không có gì cao siêu lắm!

- Đúng vậy! Người gây ra cuộc thảm sát ở Trần gia trang công lực hơn hai nhân vật này nhiều lắm. Nhưng y cũng đã bị Tam gia chặt đứt ba ngón tay!

- Việc này có manh mối đấy!

- Theo ý Sư thái thế nào?

- Việc này còn dài dòng. Tiêu lão tiên sinh! Tiên sinh ghé thăm tệ am chứ?

- Ái chà! Lão hủ này chờ đợi tiếng mời ấy mà thôi!

Ông quay lại phía sau gọi :

- Huân nhi! Mau lại đây!

Nguyên Huân bước lại, vòng tay cúi đầu xá thật sâu :

- Vãn bối xin làm lễ ra mắt sư trưởng!

Tâm Hư sư thái dịu dàng :

- Công tử hãy bình thân. Bần ni còn nhớ, ngày ấy bần ni còn nhỏ, có được thấy mặt Trần vương gia đôi lần. Công tử quả giống Vương gia nhiều lắm!

Nguyên Huân cúi đầu cung kính lắng nghe. Trong lòng chàng vô cùng kính phục võ công của vị Sư thái, lễ phép thưa :

- Vãn bối lần đầu tiên trong đời mới được thấy mặt trời. Võ công của Sư thái cao thâm không biết đâu mà kể!

Tâm Hư sư thái mỉm cười :

- Dăm ba miếng quê mùa, công tử quá khen đó thôi!

Bà quay sang Tiêu đại hiệp nói :

- Ta đi thôi chứ!

- Để lão hủ thanh toán tiền ăn uống đã!

Ba người rời khỏi quán, ra khỏi Ninh trấn. Càng đi về phía Bắc, phong cảnh càng tươi nhuận hơn. Nhân nơi vắng vẻ, cả ba giở khinh công ra đi. Sư thái cố ý thử khinh công của Nguyên Huân nên giở hết tám thành của môn Lăng Vân ra, thấy Tiêu Đại Hùng vẫn sóng bên và đàm đạo, trong lòng Sư thái hết sức kính phục. Nguyên Huân vẫn chạy phía sau, tuy có hơi vất vả, nhưng vẫn cố giữ được khoảng cách. Tâm Hư sư thái quay sang Tiêu thứ gia :

- Khinh công của công tử được lão tiền bối truyền thụ cho cũng khá lắm đấy!

Tiêu Đại Hùng cười nhẹ :

- Y có căn cốt tuyệt vời, có phẩm cách và đạo hạnh, nhưng kinh mạch nghịch đảo, e không luyện được võ công thượng thừa!

Tâm Hư sư thái ngạc nhiên :

- Kinh mạch nghịch đảo! Chẳng lẽ có điều ấy? Trường hợp này hi hữu thật! Ngày xưa, ngay khi sư phụ còn sống, có một lần người cùng bằng hữu nhắc đến sự kiện này và cho rằng có một môn võ công hết sức kỳ bí thích hợp với loại người này và sẽ phát huy đến mực siêu việt bản năng tiềm tàng trong con người. Việc này không biết ra sao?

- Có đấy! Chính vì vậy mà cả nhà Trần Nguyên Lữ bị tàn sát đấy!

Qua dãy núi không cao lắm, quang cảnh đã đổi khác, cây cối xanh tốt hơn. Đến chiều, cả ba về đến Thục Sơn. Đó là một ngọn núi hùng vĩ, rậm rạp. Càng đến gần, phong cảnh càng u tịch. Lên đến lưng chừng núi, theo một lối mòn giữa hai hàng cây cao bóng mát, Thục Vân am hiện ra thấp thoáng sau hàng cây lớn, phong cảnh thanh nhả tuyệt vời. Tiêu Đại Hùng nói :

- Thục Vân Am quả như tên gọi. Sư thái chọn nơi này làm chốn thanh tu thật chẳng kém gì Thanh Hư động.

- Bần ni từ mười bốn năm trước đã về đây. Mới đầu chỉ là chiếc am sơ sài bằng lá, mãi sau từ từ mới cố công xây cất thêm. Ngày mới đến, chỉ có ba thầy trò, bây giờ có thêm một số đệ tử nữa. Đất trên sườn núi rất màu mỡ, nên canh tác dư thừa thực phẩm. Đứng trước Tam quan là một ngôi nhà nhỏ treo bảng Khách Quán. Phàm những người đến viếng am, bất kể già trẻ, lớn bé, là đàn ông con trai không được bước qua cổng am.

Một ni cô đã có tuổi, dáng người quê mùa, chạy ra chắp tay cúi đầu vái chào :

- Bạch sư phụ đã về! Chúng con chậm chạp, mong sư phụ thứ lỗi!

- Trúc Diệp! Hãy mở cửa Khách Quán để Tiêu lão tiền bối và Trần công tử nghỉ ngơi. Nhớ cơm nước tươm tất nhé!

Quay sang Tiêu lão, bà nói :

- Bần ni phải vào coi sóc vài công việc, xin nhị vị nghỉ ngơi, sau lưng có suối chảy qua, nước trong mát và rất tinh khiết!

Tiêu lão vòng tay :

- Xin đa tạ nhã ý của Sư thái!

Thấy Nguyên Huân đứng sau lưng Tiêu lão chắp tay kính cẩn, Tâm Hư sư thái nói :

- Bây giờ đã cuối giờ Thân rồi, sáng mai bần ni ghé ra thăm nhi vị và xem kinh mạch của công tử ra sao. Nhị vị cần bất cứ điều gì, xin cứ cho Trúc Diệp biết!

Tiếng khánh trong am gióng lên ba hồi thong thả báo hiệu người sư trưởng đã trở về. Tâm Hư sư thái chào tạm biệt Tiêu thứ gia và đáp lễ Nguyên Huân rồi thong thả vào trong.

Sau bao ngày tháng vất vả, gian lao, Tiêu lão và Nguyên Huân mới có được một đêm nghỉ ngơi thoải mái, được tắm táp được ăn uống, dẫu là cơm chay nhưng vô cùng ngon miệng. Thế nhưng Nguyên Huân vẫn không một phút giây xao lảng việc luyện tập công phu, cho nên đến nửa giờ Hợi, chàng mới đi nằm và đầu giờ dần đã thức dậy. Sau khi luyện tập quyền cước, chướng pháp, kiếm pháp và nội công, Nguyên Huân xuống suối tắm rửa thì trời đã vừa sáng. Khi trở lên khách sảnh, thấy Tiêu lão ngồi trước ấm trà và khay bánh bao chay còn bốc khói, chàng tới bên vòng tay vấn an nghĩa phụ và rót trà ra chén cung kính mời. Tiêu lão cười nói :

- Trà dẫu ngon hay dở, ta cũng chẳng phân biệt được. Huân nhi! Con mang cho ta túi rượu!

Ông vừa nhấm cạn chung rượu, vừa ngâm nga:

Bán dạ tam bôi tửu

Lương y bất đảo gia

Tiếng tụng kinh và tiếng mõ vọng ra từ lúc đầu giờ Dần, giờ đã im bặt. Triền núi quay về hướng Đông nên ánh mặt trời tỏa trên cảnh sắc một màu rực rỡ. Phong cảnh thoáng đãng u nhàn. Từ phòng khách nhìn ra có thể thấy được cả một khoảng trời rộng, và qua những thân cây lớn là một vùng bát ngát những ruộng nương và làng mạc.

Vườn hoa nở trước sân nhà và hương thơm ngào ngạt buổi sớm mai trong một không gian thuần khiết. Nguyên Huân chạnh nhớ tới Uyển Thanh và Lục thúc, nhớ đến Dư Tứ. Đã sáu tháng trôi qua, giờ này nàng đang làm gì, chắc chắn là nàng nhớ thương và lo lắng cho chàng không ít. Bỗng nhiên, chàng thấy lòng mình chùng lại, một nỗi buồn xa vắng thoáng động trong hồn.

Khoảng đầu giờ Thìn, một tiểu ni ra khách quán cung kính báo Tiêu Đại Hùng là khoảng hai khắc nữa, Tâm Hư sư thái sẽ ra thăm.

Vừa bước lên thềm Khách Quán, Sư thái đã chắp tay vái chào Tiêu lão đang đứng ở ngoài thềm đón chào :

- Nam Mô A Di Đà Phật! Đêm qua Tiêu lão anh hùng và Trần công tử ngủ ngon chứ?

Tiêu Đại Hùng cúi đầu đáp lễ, mỉm cười :

- Đa tạ hảo tâm của Sư thái! Đêm qua cha con chúng tôi nhờ ơn Sư thái cho trú ngụ và chu tất, nên suốt sáu tháng trời nay mới có một đêm yên giấc. Phong cảnh nơi đây thật yên tĩnh và trong lành. Qua một đêm nghỉ ngơi, bao nhiêu mệt nhọc của đoạn đường dài cơ hồ biến sạch.

Tiêu Đại Hùng nhường chủ nhân vào khách phòng, Nguyên Huân vòng tay đứng hầu sau lưng Tiêu lão. Tâm Hư sư thái bảo :

- Trần công tử! Mời ngồi!

Nguyên Huân kính cẩn đáp :

- Tạ ơn Sư thái. Xin cho tiểu tử được đứng hầu cũng là ơn phước lắm rồi. Tiểu tử đâu dám vô lễ!

Sư thái hài lòng nói :

- Khinh công của công tử đã tinh thông lắm, duy chỉ còn thiếu đôi chút hỏa hầu. Công tử luyện võ công từ khi lên mấy?

- Thưa Sư thái! Vãn bối được nghĩa phụ và thúc phụ truyền thụ võ công từ lúc sáu tuổi, đến nay đã được mười hai năm!

- Tiếc thay Tam đại gia mất sớm nên công phu võ học không được người truyền lại. Khi xưa công lực của Vương gia dương danh thiên hạ một thời. Bần ni còn nhớ bẩy mươi hai chiêu thức trong Vân Hà Tỏa Kiếm của Vương gia, công tử có được biết chăng?

Nguyên Huân cúi đầu đáp :

- Vãn bối phận mỏng, khi ấy còn quá nhỏ nên chưa được truyền thụ sở học của phụ thân, Vân Hà Tỏa Kiếm xem như bị thất truyền!

Tiêu Đại Hùng nói :

- Vân Hà Tỏa Kiếm chỉ có một người lãnh hội thấu đáo được Tiếc thay, đã mười mấy năm nay, y tuyệt tích giang hồ!

- Ai vậy? Thưa lão anh hùng?

- Y là nhân vật thứ hai của Bát đại gia, là Thiên Hư đạo trưởng!

- Trên hai mươi năm trước, bần ni có gặp vị đạo trưởng ấy một hai lần, rồi sau thì không nghe nói đến nữa. Ái chà! Để bần ni nhớ xem. Cách đây bảy, tám năm gì đó, trong lúc tình cờ bần ni có nghe thấy một người nào đó nhắc đến tên của Đạo trưởng, nhất thời chưa nhớ được là ai. Để bần ni cố nhớ lại xem!

Tiêu Đại Hùng hồi hộp nín thở chờ đợi. Tâm Hư sư thái nhắm mắt định thần một hồi, bỗng mở bừng mắt, chậm rãi nói :

- Cách đây bảy năm, bần ni có việc phải lên Trường Bạch đại sơn trên đường đi có gặp Hân lục hiệp của Võ Đang nói chuyện với một người Phù Tang trong một thực điểm. Lúc ấy vì bận nên bần ni không ra mắt Lục hiệp được, và Lục hiệp cũng không nhận ra bần ni vì quán ăn đông khách. Lúc đi ngang qua sau lưng, bần ni có nghe người Nhật này nhắc đến tên của Thiên Hư đạo trưởng. Việc này nhị vị phải đến Võ Đang sơn mà hỏi thì may ra có manh mối đấy!

Tiêu Đại Hùng và Nguyên Huân vô cùng mừng rỡ trước tin này. Nguyên Huân chắp tay cúi đầu nói :

- Đa tạ Sư thái đã cho vãn bối một tin vô cùng quý giá. Lần này vãn bối cùng nghĩa phụ cũng có công việc phải đến Võ Đang sơn tham kiến Dư lão tiền bối!

Tiêu Đại Hùng tiếp :

- Chẳng là khi còn thanh xuân, Đoàn Chính Tâm được Nhị hiệp Võ Đang sơn cứu mạng. Từ đó hàng năm đi lại giỗ tết Võ Đang sơn xem Đoàn lục thúc của Nguyên Huân như người thân thiết, nên nhân tiện đến bái kiến lão Nhị hiệp!

- Dư lão tiền bối lúc này đã gần tám mươi tuổi, công lực chẳng kém gì Tổ sư Trương Tam Phong năm xưa. Mọi việc trong môn phái nay trao lại cho Hân lục hiệp cả. Hân phu nhân có được một trai, một gái, võ công cũng hết sức cao siêu, mấy lần Dương vương cho đón về triều hưởng phú quý nhưng phu nhân nhất định không về và cũng chẳng nhận phúc lộc gì. Kỷ sư tỉ của bần ni có được người con ấy cũng ngậm cười!

Tiêu Đại Hùng hỏi :

- Chẳng lẽ Hân phu nhân không về đã đành mà cũng không cho công tử với tiểu thư bái yết Ngoại tổ sao?

- Việc việc Trương giáo chủ năm xưa khiến Bất Hối buồn bực cha mình không ít. Không có Trường Vô Kỵ làm sao Bất Hối còn sống đến ngày nay. Bà ta cư xử như thế cũng mong có ngày lão Dương vương kia nghĩ lại. Bần ni nghe đồn bà ta cùng cha mình cãi nhau nhiều lần. Dương vương khắp cùng thiên hạ chỉ sợ có hai người. Người thứ hai mà Dương vương úy kỵ chính là con gái lão!

- Việc này cũng dễ hiểu. Một là tâm địa y bất chính tất nhiên phải úy kỵ cái chính khí. Hai là y chỉ có một người con duy nhất, từ cái chỗ quá yêu thương rồi phát sinh sự nể nang, rồi úy kỵ!

- Không phải vậy đâu. Điều thứ nhất thì đúng, nhưng điều thứ hai thì sai, vì y có lập Vương phi, cách đây mười mấy năm, có thêm được một Quận chúa nữa. Vương phi nghe đâu là một người đàn bà tuyệt đẹp, lai lịch không biết thế nào, nhưng tâm địa thì vô cùng hiền hậu, đoan chính, thường hay cứu giúp mọi người. Dân chúng yêu quý bà ta lắm. Bà còn là một phật tử thuần thành nữa!

- Sư thái! Sư thái có nghe qua về số phận của những danh sĩ và các nghệ nhân Đại Việt bị bắt qua đây không?

- Nghe nói có một số bị giam cầm, một số khác được phân tán đi các nơi, làm các công việc theo tài năng của họ!

- Có ai trốn chạy đi không?

- Có chứ! Nhưng họ, đa phần là những người chân yếu tay mềm, còn Trung Nguyên thì mênh mông vời vợi, mà khi bị bắt lại thì bị tử hình, thành ra họ đành chịu yên phận!

Nguyên Huân, nghe đến chỗ bà Vương phi hiền đức, trong lòng chàng phát sinh một cảm giác mơ hồ quen thuộc, một điều gì đấy mà chàng chưa hình dung một cách rõ ràng. Từ đấy, chuyện vị Vương phi ấy cứ quẩn quanh trong ý nghĩ của chàng.