Sau cái chết đột ngột của Minh Thành Tổ, và cuộc thảm bại của Pháp vương Dương Tiêu, Minh Nhân Tôn lên ngôi, lòng hoang mang lo sợ. Đứng trước tình thế chiến tranh với Mông Cổ, với Ngõa Thích, và các cuộc nổi dậy ở trong nước, đã đưa đến những khó khăn hết sức nghiêm trọng, nên đã hạ chiếu chỉ :

... “Những việc ở Giao Chỉ như khai khẩn vàng bạc và tìm kiếm hương liệu các loại, đều đình chỉ hết . Các quan lại sai đi công cán, không được sách nhiễu dân tình. Phải khẩn cấp lai kinh, không được kiếm cớ ở lâu để làm điều bạo ngược...” (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chương III. Trang 15.)

Trong một sắc chỉ khác, ra lệnh cho bọn Trần Trí “... Phải khéo léo vỗ về chiêu dụ...”.

Bước qua mùa xuân năm Ất Tỵ (1425) Trần Hiệp là Binh bộ Thượng thư, đứng đầu hai ty Bố chính và Án sát, đã mật tâu về triều cấp báo về tình hình lớn mạnh của Nghĩa quân và xin lệnh đánh. Trong bản mật tấu có ghi :

“Lê Lợi đã chiếm Trà Long, giao kết với Thổ quan Ngọc Ma và Tù trưởng Lão Qua để cùng làm ác. Lại khiến bọn nghịch đảng Phan Liêu và Lô Văn Luật đến các châu Gia Hưng, Quốc Oai chiêu tập đồ đảng, thế càng ngày càng lan rộng. Nếu không tiêu diệt gấp, e không còn kịp nữa...”

Biết ý định tấn công phủ đầu của địch, Nghĩa quân Lam Sơn quyết định ra tay trước, tiến quân đánh chiếm Nghệ An, đánh địch trên đường chúng hành quân. Từ Nghệ An lên Trà Long có hai đường, một đi dọc sông Lam, hai là đường thượng đạo qua Đỗ Gia Nếu địch tiến quân cả hai đường, Nghĩa quân sẽ bị kẹt trong gọng kìm. Để phá tan chiến thuật của giặc, và giành thế chủ động, chủ tướng Lam Sơn đã sai Đinh Liệt mang hai ngàn quân theo đường thượng đạo đánh chiếm Đỗ Gia, để khống chế mũi dùi của địch. Đinh Liệt đóng quân tại Linh Cảm Sơn, ngay ngã ba sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu chủ ý khống chế con đường thượng đạo từ Thanh Hóa và Tân Bình, Thuận Hóa; ngăn chặn mọi sự tiến quân của giặc tiếp viện, hoặc cứu nguy cho thành Nghệ An.

Toàn bộ thực lực của Nghĩa quân chiếm đóng ải Khả Lưu trên đường vào Nghệ An - ải Khả Lưu hiểm trở, có núi cao và rừng rậm hai bên; mọi việc giao thông từ Nghệ An lên Trà Long phải đi qua Khả Lưu.

Giữa lúc đó Trần Trí và Phương Chính đem đại quân từ Nghệ An tiến lên Trà Long, dùng cả thủy quân ngược sông Lam mà tiến. Địch đến bờ Nam của Khả Lưu, chuẩn bị tiến đánh sang bờ Bắc. Đây là trận đánh then chết, lần đầu tiên một trận địa chiến, có thời gian cho hai bên chuẩn bị, có sự tham chiến cả hai quân thủy, bộ. Quân địch rất đông, mà Nghĩa quân, quân số chỉ chừng ba mươi ngàn, nên cuộc đọ sức phải bằng mưu trí và tinh thần quyết tử của Nghĩa quân, hơn là thực lực.

Nghĩa quân Lam sơn dụng kế phô trương thanh thế để lừa địch. Một toán quân tinh nhuệ cùng với tượng binh lẻn qua sông phía Nam phục kích. Sáng hôm sau lúc còn mờ đất giặc tiến công doanh trại, Nghĩa quân trá bại, lừa địch vào ổ phục binh, rồi từ bốn hướng, Nghĩa quân đổ ập ra chém giết. Địch thua to, chết tại trận địa và chết đuối lên đến hàng ngàn tên; hào khí cuồn cuộn như sóng lớn, Nghĩa quân tràn lên như nước vỡ bờ, tấn công đánh chiếm các nơi trong địa phận Nghệ An, thanh thế lừng lẫy.

Nguyên Huân đã tìm đến Lam Sơn giữa lúc khí thế của Nghĩa quân đang trào sôi. Chàng có mặt trong hàng ngũ như một người lính bình thường.

Ngay từ khi trở về Đại Việt, Nguyên Huân có ý định tìm ngay đến Lam Sơn, nhưng thời gian này là giai đoạn hòa hoãn giữa Nghĩa quân và địch. Giai đoạn hòa hoãn kéo dài hai năm. Sở dĩ quân Minh chấp nhận sự hòa hoãn này là do những biến động nghiêm trọng từ mẫu quốc: cuộc chiến tranh với Ngõa Thích ở phía Tây, sự nổi dậy của con cháu Thuận Đế khiến Thành Tổ phải thân chinh, và những cuộc nổi dậy của dân chúng Phúc Kiến và Sơn Đông do Đường Trại Nhi và Đặng Mậu Tuất lãnh đạo.

Tình hình kinh tế trong nước bị kiệt quệ, tình hình quân sự rối ren..: Tuy biết được nội tình địch, nhưng Nghĩa quân Lam Sơn cũng đang ở trong tình trạng kiệt quệ không kém, hay đúng hơn là vô cùng trầm trọng.

Từ khi các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ trong suốt mười sáu năm đã hoàn toàn bị dập tắt, địch dồn mọi nỗ lực để hòng đê bẹp Nghĩa quân Lam Sơn. Rút về Chí Linh lần thứ ba, quân sĩ phải sống bằng măng giang, măng nứa, rau rừng, củ chuối, có khi phải giết cả chiến mã, chiến tượng mà ăn, tình thế hết sức bi đát. Trong suốt hai năm hòa hoãn với giặc, từ tháng 4 năm Quý Mão (1423), Nghĩa quân đã cũng cố lại thực lực, xây dựng căn cứ, chiêu binh mãi mã, và trong hai năm cố gắng gian khổ ấy, cuối cùng nghĩa quân đã có được một thực lực đáng kể.

Trận đánh đầu tiên sau suốt hai năm án binh bất động, với chiến thắng lẫy lừng ở Khả Lưu, đã đưa tinh thần chiến đấu của quân sĩ lên cao ngùn ngụt, và tạo được niềm tin lớn trong lòng trăm họ. Hào kiệt các nơi theo về như nước chảy, thanh thế bùng lên.

Sau đêm ngà ngọc, Uyển Thanh vẫn phiền muộn trong lòng. Nàng cảm kích tấm lòng của chồng bao nhiêu thì càng đắng cay cho phận mình bấy nhiêu. Khả năng sinh nở không còn, nàng không bao giờ trở thành là người mẹ, không thể nào làm tròn bổn phận thiêng liêng với chồng, với gia đình chồng. ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc đời làm vợ là làm mẹ, là có con để nối dõi tông đường... Lợi dụng giữa những lúc ân cần, nồng nàn, mật ngọt trong tay chồng, Uyển Thanh bao lần nài nỉ, nhưng Nguyên Huân vẫn nhất định không nghe.

Giữa lúc ấy, Nguyên Huân gặp lại Khô Nỗ Viết. Người nghĩa sĩ của dân tộc La Sát này đã sang Đại Việt ngay từ đêm chia tay với Nguyên Huân ở khu Lâm trạm ngoại thành Nam Kinh. Họ Khô đã tìm đến Xa Khả Tham bằng lá thư giới thiệu của Đoàn Chính Tâm.

Đứng trong hàng ngũ Nghĩa quân áo đỏ, quả thực ông không được hài lòng vì chủ trương của Xa Khả Tham, tuy rằng ông rất cảm phục sự chiến đấu anh dũng, kiên cường, cùng tinh thần hy sinh vô bờ bến của nhân dân Đại Việt. Họ Khô thường xuyên đi về thăm hỏi và đàm đạo với Đoàn lục gia, đã được gặp gỡ hai nhân vật đứng đầu của nhóm Bát đại danh gia: Hoạt Phật đại sư, Thiên Hư đạo trưởng, ông cũng gặp cả nêu Đại Hùng. Chính Khô Nỗ Viết là người đã cứu Uyển Thanh trong trận quân Minh phục kích Nghĩa quân ở Gia Hưng. Uyển Thanh ngày ấy bị vây bởi một toán Thất Sát. Từ đó trở đi, Khô Nỗ Viết thường năng ghé thăm Lục gia hơn.

Lần này trở lại, Khô Nỗ Viết rất đau lòng khi biết Đoàn lục gia đã qua đời. Ông sung sướng gặp lại Nguyên Huân. Trong một buổi rượu, có cả Chu Cẩm Đoan và Dư Tứ, Nguyên Huân hỏi :

- Khô nghĩa sĩ, các hạ đến Đại Việt được gần năm năm, tình hình khởi nghĩa của các lực lượng Nghĩa quân gần đây thế nào? Tại hạ mới chân ướt, chân ráo trở về, lại gặp lúc Nhạc phụ qua đời, nên chưa nắm vững được diễn biến...

Khô Nỗ Viết nói :

- Điều tại hạ tâm phục nhất là tinh thần chiến đấu kiên trì của nhân dân Đại Việt. Tuy nhiên cho đến ngày tại hạ đặt chân lên đất nước này, thì các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ của các thủ lãnh địa phương đã bị dập tắt hết. Chỉ còn lại Xa tướng quân, lấy địa điểm hiểm yếu của vùng Gia Hưng mà cố thủ, là vẫn còn đứng vững. Nhưng Xa tướng quân không có chí mưu đồ việc lớn, không dám đẩy mạnh cuộc khởi nghĩa lan rộng ra toàn quốc, cứ như vậy, trước sau cũng bị tiêu diệt!

Nguyên Huân hỏi :

- Còn cuộc dấy binh của Chúa đất Lam Sơn thế nào?

- Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, từ năm Mậu Tuất, cũng không có nét đặc sắc, chỉ là sự bùng dậy của một nhóm người; không có kế sách lâu dài, cũng không có cả phương châm hành động, vì vậy nhiều phen đã tưởng chừng tan rã sau ba lần rút về Chí Linh, mất cả vợ con tuy rằng có tạo được một số chiến thắng lớn, lần lượt như trận Mường Thôi, Bến Lộng, Bồ Mộng, Quan Du, Kình Lộng, Bồ Thi Lang, Đèo ống; nhất là cuộc chiến thắng ở huyện Khôi vào tháng 2 năm Quý Mão. Tuy nhiên, những trận đánh đó không cá tính cách chiến lược, nên không thể từ đó mà khuếch trương chiến thắng để chiếm lĩnh những địa bàn khác...

Nguyên Huân ngắt lời :

- Chẳng lẽ Nghĩa quân Lam Sơn không có nhân tài có tầm nhìn chiến lược sao?

Khô Nỗ Viết mỉm cười :

- Tại hạ đến đây vào cuối năm Canh Tý. Theo nhận xét thì quả thật mà nói, Lam Sơn cứ địa dũng sĩ thì dư, nhân tài chẳng thiếu, nhưng chỉ là hạng cầm quân ngoài mặt trận. Lam Sơn thiếu hẳn một nhân vật chủ chết, thần mưu, thánh kế, có tầm viễn kiến để hoạch định sách lược. Trong bất cứ một cuộc dấy binh khởi nghĩa nào, thiếu người như thế, thì chẳng hy vọng thành công được!

Dừng một lát, Khô Nỗ Viết nói tiếp, và nhận định rõ hơn :

- Từ năm Canh Tý đến năm Nhâm Dần, có thể cả ba, bốn năm trước đó nữa, Nghĩa quân nằm ở trong tình trạng luôn luôn chuyển dịch, không đứng yên được ở nơi nào; không gây được cơ sở lâu dài, không mở rộng được vùng giải phóng, không phát triển lực lượng thích đáng với nhu cầu chiến trường, nghĩa là không mở được phong trào toàn dân đánh giặc. Không có hậu phương nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, vẫn chỉ thử sức với địch tại một vùng nhỏ hẹp... Thế nhưng, từ đầu năm Quý Mão, tình hình đã đổi khác...

- Nghĩa là tình thế đã được cải thiện? Nghĩa là đất Lam Sơn đã có người tài?

- Vâng, đúng thế, Ngọa Long tiên sinh đã rời lều cỏ mà đến cùng Lưu Bị... Thiếu hiệp, theo như Đoàn lục gia thì người này với thiếu hiệp có tình gia tộc!

Nguyên Huân chợt nhớ là trước khi chàng ra ới, Uyển Thanh một lần đã có nói đến một nhân vật, mà người này phải gọi chàng bằng cậu. Chàng suy nghĩ một lát rồi hỏi :

- Nguyễn Trãi, có phải là người ấy không?

- Đúng vậy, đúng là Ức Trai tiên sinh. Có thể nói, người này là một Khổng Minh Gia Cát của Đại Việt!

- Xin cho nghe tiếp!

- Theo tôi biết thì lúc Nguyễn tiên sinh đến với Chúa Lam Sơn ở Lỗi Giang vào cuối năm Nhâm Dần, thì tuy đã tạo được chiến thắng ở huyện Khôi do tinh thần liều chết của quân sĩ, nhưng Nghĩa quân Lam Sơn chỉ còn chưa đầy một Lữ, nghĩa là chỉ còn được khoảng năm trăm quân. Trước tình hình quân số bi đát đó, thì Tiên sinh xuất hiện, như một vì sao sáng trên bầu trời tăm tối. Chúa Lam Sơn được Nguyễn Trãi như được Ngọa Long, bèn phong làm Tuyên Phụng đại phu, Hàn Lâm thừa chỉ, kiêm Lại Bộ Thượng thư, coi việc Nội mật. Tiên sinh dâng lên Vương ba kế sách Bình Ngô. Phúc thay cho nhân dân Đại Việt, bởi trước khi đến với Chúa Lam Sơn, ông đã nhìn ra những đối sách cần thiết phải thực hiện để đuổi giặc. Ông đề nghị với Vương tạm thời hòa hoãn với địch.

Lúc đầu Lê Lợi không chịu nghe theo, ông dùng lời thuyết phục: Hòa với giặc để củng cố lại lực lượng, chấm dứt những khó khăn về lương thực và quân số, cần nhất là tạo dựng những căn cứ địa quân sự vũng chắc để có điều kiện chiến đấu lâu dài. Vận động nhân dân từng vùng đứng dưới cờ đại nghĩa, kiên định tinh thần quân sĩ “Vì nước quên mình”, chịu đựng gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, từ đó phát động cuộc chiến sâu rộng trong toàn cõi Đại Việt, chứ không còn thu hẹp trong phạm vi địa phương.

Từ kế sách và những mục đích đó, ông cải tổ lại quân đội, tổ chức hình thành chính quyền, lợi dụng mọi cơ hội để làm lớn mạnh khí thế. Dùng tâm lý để đánh vào lòng địch, làm suy giảm tiềm năng sức mạnh của chúng. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, khí thế Nghĩa quân đã vững mạnh. Một kế hoạch tiến công gồm ba bước đã được vạch ra.

Ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn, Lê Lợi tung quân chiếm đồn Đa Căng, đánh tan quân cứu viện của địch. Diệt tướng giặc là Trần Trung và hai ngàn quân địch trong trận Bồ Đằng.

Tháng 11 cùng năm, hạ thành Trà Long. Hiện nay đang tiến thẳng ra Nghệ An để giải phóng toàn bộ vùng này, làm bàn đạp diệt địch trên toàn cõi, khí thế đang như thác vỡ... Thế mới biết, một tài năng lớn cần thiết là dường nào! Thiếu hiệp có ý định dưới cờ tụ nghĩa chăng?

Nguyên Huân đáp :

- Hy sinh thân mình là bổn phận và trách nhiệm. Đất nước vẫn chưa sạch bóng giặc thù, dân tộc vẫn còn trong xích xiềng nô lệ, tại hạ họ lại ngồi yên mà nhìn hay sao? Bởi chưa rõ được tình hình của các cuộc khởi nghĩa nên mới còn trù trừ đó thôi!

Ba ngày sau, Nguyên Huân lên đường tìm đến căn cứ kháng chiến, chàng không tìm ra mắt Lê Lợi, mà nhập ngay vào đội ngũ quân số của Nghĩa quân. Chàng tự nghĩ: “Vị trí nào cũng nằm trong ý nghĩa chiến đấu diệt giặc để cứa nước. Giá trị đóng góp của mỗi người ngang nhau, mỗi người mỗi trách vụ, đất nước chỉ cần ở ta tài năng và trí dũng...”

Chàng trở thành một Nghĩa binh vào tháng 6 năm Ất Tỵ. Binh đội chàng dưới quyền chỉ huy của tướng Đinh Lễ, bàn chân chàng đã đi cùng khắp các huyện, hạt thuộc Diễn Châu, Thanh Hóa. Chàng đã tham dự tất cả những trận đánh và góp phần đem lại các chiến thắng lẫy lừng cho Nghĩa quân. Tướng giặc là Thôi Tụ kinh hồn bạt vía, đóng chặt cửa thành không dám ra đối chiến.

Nhưng với thời gian, Nguyên Huân nhận ra rằng, với địa vị của một người lính, cùng với những luật lệ ràng buộc, chàng không thể thi thố được hết khả năng của mình, không thể tự mình làm những điều vượt ra khỏi kỷ luật và phạm vi của một người lính. Khi xung trận, chàng không được rời bỏ hàng ngũ chiến đấu, không thể tự mình được phép truy kích địch. Chàng không thể hiển rộng thần uy, mà phải cơ nào đội nấy, tiến thoái theo trống trận. Bởi thế, trong suốt thời gian trong quân ngũ Nghĩa binh, chàng chỉ có thể cùng anh em trong cơ đội thi hành những mệnh lệnh của thượng cấp một cách chu toàn.

Trong những trận tấn công, chàng khéo léo không tỏ ra trội hơn các đồng ngũ, chàng chỉ có thể dùng đến võ công siêu tuyệt của mình âm thầm bảo vệ tính mạng cho đồng đội; do vậy, trong suốt những trận đánh, dẫu khốc liệt cách mấy, sự tổn hại về nhân mạng trong cơ đội của Nguyên Huân hầu như không đáng kể. Những Nghĩa binh đồng ngũ không ai biết gì về Nguyên Huân ngoài một nhận xét chung: chàng là một người kỳ dị, lúc xung trận, chỉ thấy bóng chàng thoắt chỗ này, thoắt lại chỗ khác, có mặt kịp thời cứu nguy đồng đội kịp lúc... Những Nghĩa binh trong cơ đội, mỗi người ít nhất cũng một lần được Nguyên Huân, dưới cái tên là Đoàn Nam Thanh, cứu mạng.

Một buổi chiều, ngang qua khu vực rừng núi Diễn Châu, cơ đội Nghĩa binh có lệnh nghỉ dưỡng quân, những người lính mỏi mệt ngồi tựa vào những thân cây rừng, dùng bữa bằng những gói lương khô, mặc cho những tiếng gầm “à uôm” từ sâu trong rừng thẳm vọng lại. Nguyên Huân, ngồi dựa bên cạnh một người lính Nghệ, đó là một người đàn ông to lớn khỏe mạnh; người lính với số tuổi ba mươi này, vốn thường tự hào là tay giỏi võ trong cơ đội, được đề bạt làm toán trưởng, trông coi mười Nghĩa binh dưới quyền. Toán trưởng Phạm Hữu từ lâu vẫn thường nghe trong cơ đội xì xào về Nguyên Huân, về những hành động cứu nguy đồng đội như quỷ mị của chàng. Riêng Phạm Hữu thì vẫn không tin, vì theo nhận xét của họ Phạm, khuôn mặt Nguyên Huân không tỏ lộ những nét đặc biệt của những người có thân võ học thượng thừa, gò thái dương không nổi cao như những người từng khổ luyện nội công, và đôi mắt, không long lanh ánh tinh quang, mà chỉ là tia nhìn ấm áp bình thường. Tuy rằng chẳng tin, nhưng Phạm Hữu vẫn băn khoăn khi nhớ lại trận phục kích nhỏ ở Đông Lũy.

Lần ấy, họ Phạm giao đấu chính với tên tùy tướng của giặc, võ công tên này thuộc hàng cao thủ, Phạm hữu không sao địch lại. Giữa khi luống cuống nguy nan, Đoàn Nam Thanh xuất hiện đột ngột, cứu nguy cho Phạm Hữu với một ngọn trường thương trên tay. Họ Đoàn múa may quờ quạng, nhưng địch thủ hầu như chẳng chạm được vào người. Rồi bỗng dưng chàng té ngồi xuống đất trong lúc tên tiểu tướng kia lại đứng trơ ra như phỗng, bị Phạm Hữu dùng thương đâm chết tốt. Lúc ấy Phạm hữu vẫn cho là nhờ may mắn, chứ chàng lính họ Đoàn kia, nếu cho là biết võ công thì cũng là quá đáng.

Bây giờ, tình cờ cùng ngồi với nhau dưới gốc cây, Phạm Hữu nhìn đăm đăm Nguyên Huân một chốc, đoạn thân mật hỏi :

- Này, chú họ Đoàn, quê chú ở đâu?

- Tiểu đệ quê ở Xương Giang.

- Ta nghe trong cơ đội đồn với nhau là chú có phép phân thân phải không?

- Phép phân thân nghĩa là làm sao?

- Là có thể chia mình ra ở ba, bơn chỗ khác nhau cùng một lúc!

- Phạm đại ca tin như vậy à?

- Thì ta cũng nghe anh em nói vậy!

- Ai nói với đại ca thế?

- Anh em Nguyễn Giai, Nguyễn Tất. Anh em họ thuật lại cho ta nghe lần chú đã cứu cả hai gần như cùng lúc, trong khi ngộ hiểm ở hai nơi trong cùng một trận đánh..

- Úi chà, đại ca tin làm gì những chuyện nhảm nhí ấy...!

Một tiếng gầm vang lên ngắt ngang lời Nguyên Huân, đi theo là một mùi hôi thối nồng nặc, hai khối đen to lớn từ trong bụi cây rậm trước mặt phóng vụt ra, nhằm Nguyên Huân và họ Phạm chụp xuống... Phạm Hữu thất kinh, nhưng vốn là con nhà võ, y phản ứng rất nhanh, tràn người lăn xuống đất sang một bên lẹ như con vụ, cùng lúc họ Phạm nghe một tiếng rít rất lạ sát bên tai, và hai tiếng rống thảm thiết của hai con vật đồng lúc vang dội... Phạm Hữu xoay người lại, y vô cùng kinh ngạc, Nguyên Huân vẫn ngồi dựa vào gốc cây, trước mặt hai bên, hai con vật dữ chỉ còn là hai cái xác, máu phun ra từ một vết thương rất nhỏ trên ngực. Cả hai đã bị một vật gì đó, đâm xuyên qua tim.

Phạm Hữu sững sờ, hết nhìn Nguyên Huân lại nhìn xác hai con cọp to lớn. Nguyên Huân vẫn ngồi nhắm mắt tựa vào gốc cây như hóa đá...

Phạm Hữu không dừng được cất tiếng hỏi :

- Thế này là thế nào?!

Mắt Nguyên Huân mở ra :

- Tiểu đệ cũng như đại ca, không biết tại sao, chắc có ai đã cứu chúng ta!

Phạm Hữu im lặng không nói gì. Sự việc được trình lên, tướng Đinh Lễ thân đến quan sát, cũng không đoán được hai con vật bị giết bở loại khí giới gì, và ai đã tiếp cứu? Hai khối thịt đang đà phóng xuống, sức nặng cả ngàn cân, dường như bị đánh bật tung lên, lật ngửa về phía sau. Đinh Lễ gạn hỏi, Nguyên Huân một mực trả lời là lúc ấy vì quá hết hoảng chỉ biết nhắm nghiền mắt chờ chết, nên không còn biết được điều gì Đinh Lễ vốn là một dũng tướng trăm trận, nhưng ông không thể tin được trên đời lại có người có công lực thượng thừa dường ấy. Chỉ có Phạm Hữu, tuy không nói được gì, nhưng theo linh cảm, tin chắc con người kỳ tài ấy chính là Nguyên Huân.

Phần Nguyên Huân, chàng vẫn tự nghĩ, đóng góp công sức mình cho Tổ quốc có nhiều cách. Chàng không muốn ra mắt Bình Định Vương, hoặc Quân sư Nguyễn Trãi, hoặc là gặp Trần Nguyên Hãn; không phải chàng tự thị với tài năng của mình, nhưng là để có được một phương cách tiêu diệt kẻ thù hợp với năng lực, thiết thực và hữu ích hơn. Bây giờ, nếu bằng vào tài năng, được giao cho sứ mệnh của một viên tướng cầm quân, chàng vẫn cảm thấy có sự gò bó, vẫn cảm thấy một sự hạn chế nào đó. Khả năng của chàng không phải ở những vai trò này, và chàng cũng không cầu cái chức danh hạn hẹp, nghĩa là đứng ở vị thế cao hơn người khác. Chàng chỉ muốn xử dụng bằng hết cái năng lực hiện có.

Trong hàng ngũ đội quân xâm lược khổng lồ hung bạo kia, vẫn có những con người bị ép buộc đặt chân lên đất nước chàng để chém giết, còn chàng, Nguyên Huân, lại không thể nhắm mắt, cũng lấy chém giết làm phương châm hành động. Những tên lính giặc Minh kia, chúng nào có muốn rời bỏ quê cha đất tổ, rời bỏ vợ con, rời bỏ đời sống an lành để lao vào lửa máu chém giết ở một nơi chốn xa xôi, thí thân cho mộng cuồng điên, tham bạo của những tên chủ tướng, của bọn vua chúa ở trên ngôi cao; chàng không thể, không muốn, trút căm thù lên đầu những con người ấy. Kẻ thù, chính là những tên lấy quê hương chàng làm điều tàn bạo để mưu lợi, đem dân tộc chàng vào vòng nô dịch để bóc lột sức người, sức của, để làm giàu thêm cho đất nước của chúng; những tên đó đáng cho chàng dùng tài sức mà tận diệt.

Bọn Thất Sát trong hàng ngũ của quân Minh, chính là những: tên bạo lực then chết, là công cụ đắc lực nhất của Minh triều. Chúng hành động tàn bạo, cướp bóc và chém giết dân lành Đại Việt không ghê tay. Diệt trừ bọn Thất Sát là mục tiêu thiết yếu nhất, và như thế, chàng không thể tiếp tục kéo dài thời gian trong hàng ngũ chiến đấu của Nghĩa quân.

Từ khi tên cầm đầu chóp bu của chúng, là Dương vương không còn nữa, bọn Thất Sát đoàn hầu như đã tan vỡ, hay đúng hơn, nó không còn được sử dụng trong khía cạnh tiêu diệt các môn phái võ lâm Trung Thổ, mà chúng được duy trì, xử dụng mạnh hơn nữa trong công cuộc xâm lược của bọn chủ tướng. Người chỉ huy cao nhất của chúng đang ở Đại Việt là Mã Kỳ, một trong những tên tướng tàn bạo nhất, và điều khiển trực tiếp đoàn Thất Sát trên chiến trường Đại Việt là hai tên: Tạ Cương và Vu Hán. Hai tên này, ngoài võ công cực kỳ cao siêu, là hai tên hung hiểm, bạo ác nhất. Thất Sát đoàn là những tên có nhiệm vụ do thám, những tên có bổn phận theo dõi, khám phá ra những cuộc nổi dậy của Nghĩa quân, để bóp chết từ trong trúng nước. Chúng toàn là bọn cao thủ, Nghĩa quân khó có người đủ sức chống trả... Chúng phải bị tiêu diệt, đó là trách nhiệm đúng với khả năng của chàng.

Nguyên Huân tạm rời hàng ngũ Nghĩa quân. Một thân một kiếm, chàng âm thầm bỏ đi, và từ đó Nguyên Huân trở thành nỗi kinh hoàng cho bọn Thất Sát, gây ra trong hàng ngũ bọn giặc Minh những hoang mang, rúng động. Những nơi đóng quân của chúng, những đồn bót, những thành lũy, những doanh trại, nơi nào có mặt quân Minh là có mặt của Nguyên Huân.

Bọn Thất Sát tổn thất nhân số ngày càng nhiều, nhưng chúng càng ráo riết truy tầm hung tinh, thì kiếp sát để lại hiện trường lại càng làm cho chúng thêm run sợ. Nguyên Huân tận diệt chúng không chút xót thương, chàng không để cho một tên Thất Sát nào sống sót. Chúng là những tên xứng đáng phải chết, chàng không hề bị dằn vặt về sự tàn sát của mình. Chúng là những con rắn độc, không chỉ là nỗi kinh hoàng cho dân tộc chàng, mà còn cho cả trăm họ Hán tộc Bị tiêu diệt quá nặng, số bọn Thất Sát còn lại co cụm về Tây Đô. Chúng không còn dám công khai đi lại xách nhiễu dân chúng nữa. Dưới trướng của Tạ Cương, Vu Hán, hơn hai ngàn tên Thất Sát được tung đi hành động rải rác trên đất nước phương Nam, giờ chỉ còn lại sáu, bảy trăm tên co rút về Tây Đô có hào có lũy...

Được sự tăng viện của Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị, tướng Đinh Lễ kéo quân vây hãm Tây Đô. Bọn giặc Minh bị kẹp giữa hai gọng kìm của hai đạo quân với khí thế đang lên ngùn ngụt. Tây Đô là một thành trì hết sức kiên cố, tường cao hào sâu. Đây là nơi đầu não, bản doanh của địch.

Thành được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397), và bắt buộc vua nhà Trần cùng triều đình phải bỏ Thăng Long dời đô về đấy, nên gọi là Tây Đô. Sau khi tiêu diệt nhà Hồ, quân Minh đã biến Tây Đô thành một căn cú quân sự lớn để khống chế và kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, đến Tân Bình, Thuận Hóa, do Mã Kỳ, một trong những tên võ quan cao cấp của địch, đầy mưa mô trấn giữ.

Dưới tay Mã Kỳ, ngoài sáu, bảy vạn quân, còn cả một lực lượng Thất Sát đoàn vô cùng lợi hại. Mã Kỳ cũng là một võ quan ở trên đất Đại Việt lâu nhất. Y vừa khôn ngoan, vừa tham tàn. Mã Kỳ tung hai vạn quân đón đánh hai đạo quân của Đinh Lễ và Lê Sát, Lê Nhân Chú, Bùi Bị nhưng bị Nghĩa binh đánh một trận tan tác, phải rút vào Tây thành cố thủ.

Đinh Lễ bủa quân vây thành, cho quân sĩ kêu réo đích danh Mã Kỳ chửi mắng. Mấy lần Mã Kỳ mở cửa thành ra nghênh chiến, nhưng lần nào cũng bị đại bại. Hai đạo Nghĩa binh để lại một bộ phận để hoàn thành, còn bao nhiêu đều tỏa ra hết các châu huyện đánh chiếm, chỉ vài ngày sau, toàn phủ Thanh Hóa đã hoàn toàn ở trong tay Nghĩa quân.

Tây Đô bị cô lập, quân số trong thành tuy đông, nhưng trước khí thế mờ Ngưu Đẩu của Nghĩa quân, chúng chỉ cố thủ liều chết giữ thành, chứ không mở được một trận phản công nào, tình thế cứ vậy kéo dài, tướng Đinh Lễ hết sức nóng ruột...

Một hôm, như thường lệ, Lê Sát cho quân khiêu chiến. Từ trong thành một tiếng pháo bỗng nổ vang, và cửa thành mở rộng. Trong thành, kéo ra một đạo quân, một đạo quân hết sức kỳ dị. Đi đầu là hai người ngồi trên lưng hai chiến mã, trên lưng ngựa đi đầu, một người ăn vận theo lối võ lâm Trung Nguyên, râu quai nón, không giáp trụ, giắt phía sau hai thanh trường kiếm, đôi mắt sáng như sao băng. Trên con ngựa kế, một người dáng nho nhã, mặc bộ quần áo trắng, tóc búi cao, đuôi tóc bỏ xõa xuống sau gáy, tay cầm một cây quạt ngà, tướng mạo như một thư sinh văn nhược, phong lưu. Theo sau hai nhân vật này là một đoàn người ăn mặc cũng kỳ dị không kém, không mũ mạo, giáp trụ, lưng đeo trường kiếm, mặc thường phục màu xanh xám, trên đầu bịt khăn võ sinh đủ các màu xanh, vàng, trắng, đỏ, tím, nâu, đen. Tất cả không quá tám trăm tên. Nghĩa binh vô cùng kinh ngạc, không hiểu chúng định giở trò gì với đạo quân ít ỏi ấy!

Kéo ra khỏi chân thành một quãng, tám trăm quân đủ màu sắc xếp thành một trận thế lộn xộn, không thứ tự, lớp lang gì. Đứng giữa trận là hai nhân vật võ lâm đi đầu, đối diện với các tướng binh Đinh Lễ, Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Bùi Bị. Các mãnh tướng của đoàn Nghĩa quân hùng hậu bày thành trận Trường Xà.

Tướng Đinh Lễ cất tiếng quát :

- Hai tên giặc tên họ là gì? Mang một đoàn người quân chẳng ra quân, lính chẳng ra lính ra đây với mục đích gì?

Tên râu quai nón cười lớn, tiếng cười của y vang dội cả một vùng :

- Ta là ai? Ngươi muốn biết, ta cũng chẳng hẹp lượng gì. Ta là Bát Tý Na Tra Tạ Cương, người bên cạnh ta chính là Ngọc Diện Lang Vu Hán. Khắp cả võ lâm Trung Nguyên, không ai không nghe đến danh ta. Ta thấy bọn các người lăng xăng, ta ngứa mắt, nên hạ cố ra đây dạy dỗ một phen!

Lê Sát quát lớn :

- Không được vô lễ, thì ra hai đứa chúng bay là bọn cầm đầu Thất Sát đoàn, hãy cút đi, gọi Mã Kỳ ra đây. Một đám quân như thế này, ngươi làm gì được!

Nói chưa dứt lời, từ cây quạt trên tay của Vu Hán, lấp lánh một vệt sáng phóng ra, nhằm mặt Lê Sát. Họ Lê nghiêng người, lưỡi phi đao mỏng rít qua màng tang, bay thẳng như sao xẹt đánh trúng vào viên cận tướng đứng rất xa ở phía sau, ngã nhào xuống ngựa.

Từ trong hàng quân của Đinh Lễ, hai viên tướng chẳng chờ lệnh, phóng ngựa phi ra, vung đoản đao tấn công Tạ Cương cùng Vu Hán. Hai họ Đinh, Lê chỉ thấy Vu Hán mỉm cười giải lụa bạch trong tay y tỏa ra như một vệt mây trắng; chỉ nghe tiếng giải lụa quyện gió, tiếng rít lạnh người, một viên tùy tướng đã bị đánh vỡ đầu, ngã lăn xuống ngựa, cùng lúc có tiếng quát của Tạ Cương, thanh trường kiếm trên vai y đã rời khỏi vỏ, lưỡi kiếm như một đạo cầu vòng, chụp xuống, chặt đứt đôi đoản đao trên tay viên tướng Việt, hớt bay một bên bả vai. Viên tùy tướng chưa kịp giao thủ đã táng mạng.

Đinh Lễ giật mình kinh hãi. Võ công hai tên này thật là lợi hại, ông không dám coi thường, phất cờ hiệu toan ra lệnh cho cả hai đạo quân binh cùng xông lên tấn công; nhưng từ rất xa, một tiếng hú thoắt vọng đến. Càng đến gần âm thanh tiếng hú càng lồng lộng, đạo binh Nghĩa quân vừa chợt khởi động bỗng đứng im, ngàn cặp mắt chăm chú nhìn vào một bóng người vừa xuất hiện.

Thân pháp người mới đến như một con thần điêu xòe cánh, lộn một vòng trên không, rồi đặt chân lên đầu con ngựa của viên tùy tướng vừa tử trận, đang phi nhanh về hướng Nghĩa quân. Chiến mã ngừng lại cách tướng Đinh Lễ một quãng ngắn. Toàn bộ chiến trận vẫn im phăng phắc.

Đứng trên đầu ngựa là một thanh niên, mặc bộ võ phục màu vàng, giữa ngực in rõ hình một chim Phượng tím, đầu thanh kiếm nhô lên sau lưng. Nguyên Huân, chính là Nguyên Huân, vội nhảy xuống ngựa, chàng đến trước mặt Đinh Lễ, nghiêng mình :

- Xin tham kiến Tướng quân!

Tướng Đinh Lễ cau mày, trong trí nhớ, ông thấy người thanh niên này có nét quen thuộc, nhưng vẫn chưa thể nhớ ra, đành nghiêng đầu đáp lễ :

- Thiếu hiệp là ai? Có thể cho ta được biết mục đích đến đây được chăng?

- Tại hạ là người Đại Việt, xin thưa cùng Tướng quân một điều...

Ba tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị cùng phóng ngựa đến đứng quanh. Đinh Lễ điềm tĩnh cất tiếng :

- Xin cứ nói!

Nguyên Huân xoay người, chàng vòng tay thủ quyền chào ba vị tướng quân vừa tới, nói :

- Sở dĩ hôm nay tại hạ đến đây là vì hai tên kia, Vu Hán và Tạ Cương, cùng với bọn Thất Sát tay sai của chúng!

- ý ngươi là thế nào?

Lê Sát nóng nảy hỏi.

- Hai tên này vốn là tuyệt đại cao thủ của võ lâm Trung Nguyên. Bọn chúng được Pháp Vương Dương Tiêu chỉ định đứng đầu bọn Thất Sát tại Đại Việt. Mã Kỳ tuy là tên đầu sỏ, nhưng mọi sự điều động cho bọn Thất Sát là do ở hai tên này. Những việc làm của chúng chắc các vị Tướng quân chẳng được rõ lắm.

Thất Sát đoàn hiện diện trên đất nước ta là để thi hành nhiệm vụ do thám, ám sát, bắt cóc, bọn chúng xâm nhập mọi nơi để lấy tin tức, hoặc phá vỡ mọi mầm mống nổi dậy chống đối; cho nên chúng gồm toàn là những tay võ nghệ cao cường. Chúng liên hoàn từng nhóm với sở trường Thất Tinh kiếm trận. Hiện diện tại nơi này, chỉ với tám trăm tên kia, nếu chúng khai mở Thất Tinh Liên Hoàn kiếm trận, sẽ có uy lực lớn hơn cả mấy vạn quân, bởi chính vì thế mà tại hạ khẩn cấp đến đây!

Lưu Nhân Chú gằn giọng :

- Ngươi đến đây dùng lời để dương danh bọn chúng, và để làm nhụt nhuệ khí của quân binh ta chăng?

Mắt nhìn như tóe lửa vào đám cỏ gai Thất Sát trước mặt, Nguyên Huân vẫn ôn tồn đáp lời họ Chu :

- Việc quân binh là quan trọng, giặc đang ở trước mắt, xin Lưu tướng quân đừng nghi ngờ tại hạ. Tại hạ vì sợ chiến trận ngày hôm nay sẽ có sự tổn thất lớn, nên vội đến đây thưa thật để tránh sự khinh xuất, đó là lời thật. Xin chư vị Tướng quân cho phép tại hạ được cáng đáng việc này!

Nói vừa dứt, thân pháp chàng đã như vệt khói vàng tụ lại đứng sừng sững trước đầu ngựa Tạ Cương, hắn giật mình cho ngựa thối lui, vừa quát hỏi :

- Tên hoàng y cường tặc kia, có phải ngươi là thủ phạm đã lén lút ám hại các thủ hạ ta đó chăng?

Nguyên Huân nhếch mép cười nhạt :

- Tạ Cương, Vu Hán, cường tặc chính là bọn các người, là bọn ngoại xâm tham bạo. Còn ta, đường đường là một thần dân Đại Việt, ta bảo vệ cho xứ sở của ta mà ra tay trừ lang sói, sao lại gọi là lén lút?

Vu Hán không nói gì, hắn nhìn Nguyên Huân nở nụ cười, nụ cười và ánh mắt hắn thật kỳ lạ, thoáng có chút xao động trong lòng Nguyên Huân. Như chợt hiểu, chàng quắc mắt nhìn lại y. Tia nhìn dường như có uy lực, nụ cười trên môi hắn tắt ngấm. Nguyên Huân trầm giọng :

- Con sói trai lơ kia, đừng giở Nhiếp Hồn Pháp Ma công, đối với ta vô ích. Nếu hôm nay bọn chúng bay khấu đầu nhận tội lỗi, ta sẽ vì đức hiếu sinh mà để cho mang thân về nước. Biết ăn năn những hành vi tàn bạo, đó là cái phúc của tổ tiên các ngươi để lại đó!

Tạ Cương như không chịu nổi những lời lẽ của Nguyên Huân, y hét như sấm :

- Ngươi! Ngươi là cái thứ gì mà dám lớn lối đến như thế?

Quát chưa dứt Tạ Cương đã toan xuất thủ. Nguyên Huân giơ tay ngăn hắn lại :

- Ta nói cho ngươi biết, dẫu cả hai đứa liên thủ cũng không đáng cho ta động tay. Vu Hán, ta hôi, võ công ngươi với Tâm Xà Lang quân Mã Cốt Ngạc thế nào?

- Sao người biết được Sư bá ta?

- Vu Hán, ngươi là một tên khi sư diệt tổ, mặc dù Thiên Ái sư phụ ngươi, cũng chỉ là một con ma đầu đáng chết. Có phải ngươi sợ Mã Cốt Ngạc truy sát mà lẩn sang Đại Việt ta rồi làm những hành vi tàn bạo như thế chăng? Bao nhiêu thiếu nữ trinh trắng đã bị ngươi dày vò, tội ấy quyết không tha được. Nhưng nếu người thật lòng ăn năn, ta cũng có thể tha thứ cho ngươi về cố quốc. Mã Cốt Ngạc thì đã bị giết rồi.

- Ngươi là ai mà biết những điều ấy! Đã thế, hôm nay không để cho ngươi sống được!

Nói xong, y ngẩng mặt huýt lên một tiếng dài như tiếng còi. Tám trăm tên Thất Sát nhất loạt khai triển Thất Tinh Liên Hoàn trận pháp bao vây Nguyên Huân vào giữa, đồng thời Tạ Cương, Vu Hán nhất tề xuất thủ.

Hai thanh kiếm trên tay Tạ Cương rít vèo vèo, dưới ánh nắng chói chang, bóng kiếm đảo ngược vào nhau như đôi rồng quẩy khúc, kình lực hết sức mãnh liệt, thật không hổ danh là Bát Tý Na Tra. Y tung người xuống ngựa, hai thanh kiếm tỏa rộng như có muôn vạn mũi kiếm tấn công vào các trọng huyệt của Nguyên Huân, chiêu thức kiếm pháp của y hết sức quái dị và tàn độc; trong khi giải lụa bạch trong tay Vu Hán tung ra đánh vào thượng bàn của chàng: giải lụa mong manh nhưng có uy lực không thua gì thiết côn, cùng lúc năm gã bịt khăn vàng, Kình Dương, nhất loạt nhảy vào hình thành kiếm trận Thất Tinh.

Nguyên Huân ngửa mặt lên trời, tiếng hú chàng như xoáy vào bầu không gian lồng lộng, tiếng hú như xoáy vào từng màng nhĩ của hàng vạn quân binh đang trố mắt theo dõi trận chiến lạ mắt, lần đầu tiên được thấy trong đời đang diễn ra.

Hốt nhiên, thân người Nguyên Huân thoắt trở thành một chiếc bóng vàng mờ nhạt xuyên giữa vùng kiếm ảnh; tức khắc năm chiếc đầu bịt mặt như cùng rơi xuống mặt đất cùng lượt. Chàng quyết tâm đại khai sát giới.

Hơn tám trăm tên Thất Sát bao vây lấy chàng như nêm cối. Như một con Thần điêu, Nguyên Huân tung mình xoay tròn trên cao, những chiếc đầu bịt khăn đủ màu sắc, những cánh tay còn cầm theo vũ khí bay văng lên trong khoảnh trời đầy nắng như những vật vô tri, nhuộm đầy máu đỏ, rơi xuống, lăn lông lốc, rồi bị đạp nhầu lên dưới chân của chính bọn đồng bọn. Những tiếng rú như bị nghẹt cứng trong cổ họng chưa kịp kêu lên... Nguyên Huân quyết tận diệt bọn Thất Sát không chừa một tên, rồi mới thanh toán hai tên đầu sỏ Tạ Cương, Vu Hán bám theo, quyết ngăn chặn không cho chàng tung hoành. Nguyên Huân quát :

- Ta đã cho hai đứa bay được sống thêm đôi khắc nữa, nhưng muốn đi trước dắt đồng bọn thì ta chẳng hẹp lượng gì!

Huyền Thiết kiếm thoắt như biến mất. Nguyên Huân vận Hỏa Vân công vào Vân Hà Tỏa Kiếm, Sát Na Vô Lượng ra... chỉ nghe những tiếng rú thê thảm liên tiếp, thân người ngã xuống như thân chuối đổ, đè chồng lên nhau. Tạ Cương, Vu Hán, thần kiếm chém đứt đôi người, Thất Tinh kiếm trận đã vỡ hoàn toàn, trên trận địa, lúc này còn khoảng hai trăm tên Thất Sát kinh hoàng, thất thần ôm đầu tìm hướng chạy...

Trận chiến khủng khiếp diễn ra trước mắt mấy vạn Nghĩa quân. Cả tướng, sĩ đứng ngây người sững sờ như tượng. Bốn Tướng lĩnh Nghĩa quân như những kẻ ngủ mê, đến khi định thần thì cuộc chiến hầu như đã tàn. Nguyên Huân đứng giữa đám xác giặc ngổn ngang, uy dũng như một vị thần, chàng nhìn khắp rồi cung tay cất tiếng chào :

- Xin bái biệt!

Bóng vàng vút lên cao, thoáng chốc mất dạng. Đinh Lễ, thần trí còn ngơ ngẩn, nói một mình :

- Phải rồi, đúng là y, đúng là y, tiếc thay...

Lê Sát hỏi :

- Đinh huynh nói gì vậy?

Đinh Lễ thở dài nói :

- Tiểu đệ đã nhớ ra, y là một Nghĩa binh trong đạo quân của tiểu đệ. Tiểu đệ thật có mắt như mù. Y quả là con rồng thần, thấy đầu mà chẳng thấy được đuôi. Linh khí của Đại Việt ta đã hun đúc nên một kỳ nhân tuyệt vời, cuộc chiến này, chúng ta nhất định sẽ thành công...

Quả đúng như lời Tướng quân Đinh Lễ, hạ được Tây Đô, thanh thế của Nghĩa quân ào ào như sấm dậy. Suốt một dải đất từ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đều được giải phóng, giặc chỉ còn lại những thành trì cô độc như những cù lao giữa biển lớn, chúng liều chết cố thủ.

Nghĩa quân suy tôn Lê Lợi là “Đại Thiên Hành Hóa”. Đại quân rùng rùng như thác vỡ bờ tiến thẳng ra Bắc. Những trận thắng lớn liên tiếp nổ vang dội làm nức lòng người: Trận Ninh Kiều ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ, đánh tan đạo quân của Trần Trí; trên ngàn xác địch phơi thây tại trận đã mở đầu cho những chiến thắng khác do Phạm Văn Xảo lập công đầu.

Trận Cầu Mộc ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ do Lý Triện chỉ huy, giết chết các tướng giặc Đào Sâm, Tiền Phụ và Triệu Trinh, chủ tướng giặc là Vi Lượng bị bắt sống với hàng ngàn thây giặc ngổn ngang khắp trận địa.

Trận Xa Lộc ngày 20 tháng 10 cùng năm đã làm uy thế Nghĩa quân càng lúc càng tăng. Trận đánh ở cầu Ba Na ngày 5 tháng 11 - Bính Ngọ, đánh Sơn Thọ, Trần Trí bại vong Trận Tốt Động, Chúc Động ngày 10 tháng 11 năm Bính Ngọ, giết chết 70.000 tên giặc, bắt sống 12.000 tên, một số tướng lĩnh của địch tử trận, trong đó có Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lương.

Đại quân Lam Sơn kéo ra vây đánh Đông Quan, đồng thời chia lực lượng đi giải phóng dần dần các miền phụ cận khác Bị vây ngặt ở Đông Quan, Vương Thông viết thư, sai hai người tâm phúc là Từ Thành và Vũ Nhàn, hai lần dâng gửi về triều. Trong thư có đoạn :

“Chớ tham chỗ đất một góc làm nhọc quân đi muôn dặm, nếu có được số quân nhiều như trước đây, và bảy, tám tướng giỏi như Trương Phụ, thì mới có thể đánh được; nhưng dù có đánh được cũng không thể giữ được” (Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn).

Lá thư này bị lọt vào tay quân ta ngày 10 tháng chạp năm Bính Ngọ. Được tin Vương Thông và đạo quân của y bị vây khốn ngày 26 tháng chạp cùng năm, Minh Nhân Tôn cử hai đạo binh sang cứu. Các đội quân ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Trung Đô, Vũ Xương, Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Triết Giang, Sơn Đông, Hồ Nam, Quí Châu, Quảng Đông, Quảng Tây được điều động để thành lập đạo viện quân thứ nhất.

Đạo quân tiếp viện thứ hai lấy quân ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Vân Nam hợp thành. Hai đạo này rưng dụng quân ở khắp các nơi hết sức khó khăn, mới đủ số mười lăm vạn quân, và ba vạn ngựa với quân trang, vũ khí.

Từ nhiều năm qua, dân chúng Trung Hoa đã nổi lên chống lại Minh triều, như Đặng Mậu Thất, Đường Trại Nhi ở Sơn Đông, cuộc nổi dậy của nhân dân Quảng Tây, Vân Nam: Tích Lịch đại vương đã chiếm đất xưng đế, các xứ Tầm Châu, Giang Tả không giữ được. Cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số “Áo Đỏ”, Bình Lạc, Tư Ân, Nghi Sơn cũng nhất tề nổi dậy, và phủ Tư Minh cũng đem quân phản lại Minh triều. Do đó, mãi đến tháng 7 năm Đinh Mùi, hai đạo quân ấy mới tiến gần đến biên giới Hoa Việt.

Đạo quân tiếp viện thứ nhất gồm 100.000 quân và 20.000 ngựa do An Viễn hầu Liễu Thăng làm Tổng binh, Lương Minh làm Phó tướng, Binh bộ Thượng thư Lý Khánh làm Tham tán Quân vụ, Đô đốc Thôi Tụ làm Hữu Tham tướng, tiến theo đường Quảng Tây nhập Đại Việt.

Đạo thứ hai gồm 50.000 và 10.000 ngựa, do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh làm Tổng binh, Từ Hanh làm Tả Phó Tổng binh, Đàm Trung làm Hữu Phó Tổng binh, theo đường Vân Nam mà tiến vào cửa Lê Hoa.

Mộc Thạnh là tên tướng già, dày kinh nghiệm chiến trường Đại Việt nên y hết sức thận trọng, không dám ồ ạt tiến sang, mà án binh, chờ đạo quân Liễu Thăng xung phá trước.

Khác với Mộc Thạnh, Liễu Thăng là một viên tướng trẻ, hung hăng, hiếu chiến, hiếu thắng, kiêu ngạo. Đã ba lần y tham chiến và đã thắng rất lẫy lừng ở biên giới phía Bắc, nên từ một Bách hộ phu tầm thường, y đã được thăng chức rất nhanh, lên Đô chỉ huy, rồi tước Bá, tước Hầu; nên khi nhận được thư gởi của Nguyễn Trãi, lá thư lời lẽ nhu thuận, y đánh giá cho rằng tinh thần nhân dân Đại Việt hèn nhát, khiếp nhược, y lại càng kiêu ngạo, ngông nghênh.

Ngày 15 tháng 9 năm Đinh Mùi, mười vạn quân Liễu Thăng đánh vào cửa ải Phả Lũy, tướng giữ ải là Trần Lưu phải lui về ải Lưu. Địch tiến đánh ải Lưu, Trần Lưu rút quân về Chi Lăng, là một cửa ải xung yếu, cách Phả Lũy khoảng một trăm dặm.

ải Chi Lăng là một ải đã có từ lâu đời, nằm trên một thung lũng nhỏ, bốn bề núi non hiểm trở bao bọc. Thung lũng hình bầu dục, dài khoảng sáu dặm, giữa phình ra, rộng chừng hai dặm; hai đầu thắt lại thành hai cửa vào ải. Cửa Bắc dựa vào Cai Kinh sơn, một bên là Hàm Quỷ sơn, còn gọi là Hàm Quỷ quan, hay Quỷ Môn quan. Cửa phía Nam, dựa vào Cai Kinh sơn và Bảo Đài sơn.

Hai bên sườn thung lũng là hai dãy núi chạy dài, núi non trùng điệp; dưới chân dãy Cai Kinh là con sông Thương nép mình uốn theo. Trong thung lũng còn có mấy ngọn núi nhỏ, phía Bắc có núi Phượng Hoàng và núi Vọng Phu, giữa thung lũng về phía Nam có núi Mã Yên cao khoảng hai mươi trượng, giữa là một cánh đồng lầy. Qua ải Chi Lăng tất nhiên phải đi qua cánh đồng lầy này, tại đây luôn luôn có một cây cầu bắc qua cánh đồng. Từ bao đời nay, Chi Lăng đã là nơi làm mồ chôn xác giặc, vào Chi Lăng là vào tử địa. Lê Hoàn và Hưng Đạo đại vương đã diệt địch tại đây.

Tại Chi Lăng có mười ngàn quân của Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Lễ, Đinh Liệt và Lê Thụ phục binh sẵn chờ địch; ngoài ra còn các toán dân binh địa phương phối hợp để cùng chiến đấu. Nguyên Huân cũng có mặt trong đám dân binh này, cùng với Lý Huề, người đứng đầu toán dân binh, là chỗ thân tình.

Trần Lưu được xử dụng làm mồi nhử Liễu Thăng, vừa đánh vừa rút chạy, nhử Liễu Thăng vào tử địa. Tên tướng Tàu càng sinh kiêu ngạo và coi thường quân Nam, hắn quyết tâm đuổi nã theo Trần Lưu.

Lang trung là Sử An và Chủ sự Trần Dung tìm đến Tham tán Quân vụ đại thần Lý Khánh, nói :

- Liễu tướng quân, từ lời nói đến sắc mặt đều kiêu ngạo, là điều binh gia rất kỵ. Địch có thể tỏ ra khiếp nhược, yếu mềm mà nhử quân ta vào chỗ chết. Sắc Thư đã căn dặn thiết tha là phải đề phòng mai phục, xin Ngài cố gắng khuyên can. (Liễu Thăng truyện Minh Sử, quyển 154).

Nhưng Liễu Thăng không nghe, bỏ ngoài tai lời can gián của tướng tá, đem mười ngàn quân đi trước mở đường tiến vào Chi Lăng, đó là ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (tức tháng 10 năm 1427).

Thấy Chi Lăng bỏ trống, phấn khởi trước ảo tưởng bất chiến tự nhiên thành, Liễu Thăng, như bao lần xung trận ở Hắc Long Giang ngày trước, đích thân y dẫn theo một trăm kỵ binh truy đuổi quân Nam. Một trăm tên kỵ binh này là một trăm tay cao thủ kết nghĩa sống chết cùng nhau, được gọi là Bách Hùng và nhờ Bách Hùng mà Liễu Thăng dã trở thành một danh tướng của Minh triều. Bất cứ một tên nào trong nhóm Bách Hùng, võ nghệ có thể một mình địch nổi trăm tay kiếm. Bọn chúng xung sát dư trăm trận từ nhiều trận địa, chúng cũng kiêu ngạo không kém Liễu Thăng, vì chưa một lần chiến bại.

Bách Hùng theo chân Liễu Thăng ào qua cửa ải, đại đao, kiếm kích loang loáng, xông xáo như chỗ không người. Đến Mã Yên, Liễu Thăng và Bách Hùng thúc ngựa vượt qua cầu sang phía Nam cánh đồng lầy. Dưới vó ngựa dồn dập của chúng, chiếc cầu không chịu nổi gãy đổ xuống, chia cắt Liễu Thăng và bọn Bách Hùng đã bên này cầu với mười ngàn quân tiên phong ở phía sau...

Đột nhiên, tiếng tù và, tiếng trống trận nổi lên, tiếp sau là tiếng pháo nổ rầm trời, Nghĩa quân và dân binh phục binh bốn bề đổ ra chặn đánh. Liễu Thăng tuy chột dạ, nhưng vẫn cùng Bách Hùng, như trăm con cọp dữ, nhảy vào bầy dê.

Nghĩa binh hàng hàng lớp lớp đổ ra, Bách Hùng theo sát Liễu Thăng tả xông hữu đột, đánh dạt binh Nam. Các tướng của Lam sơn dồn lại vì không thể cự địch, nhiều người đã chết dưới cây đại đao loang loáng như một đạo hào quang của Liễu Thăng. Bọn Bách Hùng tỏa rộng ra hai bên, một trăm thanh kiếm rít gió đánh dạt Nghĩa quân ra hai phía. Tướng Đinh Liệt, Lê Thụ, Lưu Nhân Chú, nổi danh là những mãnh tướng cũng không kháng cự nổi.

Nguyên Huân đứng bên sườn núi nhìn xuống, chàng nói cùng Lý Huề :

- Lý đại ca, tên xử dụng đại đao chính là Liễu Thăng, tên cao đồ của Thiên Sơn phái, hắn quả là lợi hại!

- Trần thiếu hiệp, đã đến lúc ta phải ra tay, nếu không e chậm trễ, cuộc diện sẽ nguy mất!

Nguyên Huân ngẩng đầu, chàng cất tiếng hú xung trận...

Lúc này, Đinh Liệt và Lưu Nhân Chú, xuất hạn đầy mình. Cây đại đao của Liễu Thăng như con rồng thần, mình hắn cự địch với hai viên tướng vẫn chiếm thế thượng phong, bản đao rộng sắc nước như một vòng hào quang lóe mắt, bổ ập xuống mạnh tựa núi đổ. Đinh, Lưu hai tướng đã thở hồng hộc, rùn thấp người vung ngang trường thương...

Chợt nghe tiếng hú quen thuộc vọng đến tai, Đinh Liệt vô cùng mừng rỡ :

“Tên tiểu tế của ta đã tới!”

Như được tiếp sức, ông mang hết bình sinh gạt mạnh thế đao của Liễu Thăng, hai cánh tay ông tê rần, cây trường thương văng khỏi, vừa lúc đại đao đã quay ngược về, bổ mạnh xuống, Đinh Liệt nhắm mắt... Một tiếng “choang” sởn gáy thanh đại đao của Liễu Thăng bay tung lên theo một đường vòng rộng rồi rơi xuống, dư lực hất văng Liễu Thăng, niềm tự hào của triều đình nhà Minh, bay khỏi mình con ngựa lúc này đã sụm xuống vì gân cốt bị đứt da bởi chường phong của Tiên Thiên công. Nguyên Huân đạp nhẹ vào cán, cây trường thương của Đinh Liệt đã ở trong tay, chàng xoay người đâm mạnh, mũi trường thương xuyên lút vào ngực tên tướng giặc, Liễu Thăng không kêu lên được một tiếng. Bấy giờ là cuối giờ Mùi, ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427).

Áo vàng phấp phới, Huyền Thiết kiếm trong tay tỏa rộng một đám sương mù, kiếm phong rít lên, bọn kiếm sĩ Bách Hùng, đủ một trăm tên, trở thành những cái xác bất động, hồn vía của chúng cùng một lúc theo Liễu Thăng về Tàu.

Tướng Đinh Liệt, như đang sống thêm một giấc mơ sau trận chiến ở thành Tây Đô còn ghi đậm trong trí nhớ. Lưu Nhân Chú cũng ngỡ ngàng không kém. Giữa rừng núi Chi Lăng, mấy vạn quân, tướng nhà Nam đứng lặng người, bàng hoàng nhằm cảnh tượng diễn ra trước mắt...

Giết xong tên Bách Hùng cuối cùng, Nguyên Huân hướng về mọi người, đầu chàng gật nhẹ. Rồi chân điểm lên xác một tên giặc, chàng phóng mình lên không, lao vút về hướng Bắc, thân pháp như một Thần điêu vươn cánh, đến nỗi Lê Sát đang chỉ huy toán quân phục kích diệt đạo quân tiền phong của Liễu Thăng phải chống kiếm ngẩn người nhìn...

Đinh Liệt vẫn chưa hết bàng hoàng, ông nói với Lưu Nhân Chú :

- Quả là “Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm”! Tiếc thay y như con rồng thần, không có phúc làm sao mà gặp lại...!