Loạn An - Sử bước vào đầu năm thứ 5, Sử Tư Minh cướp được ngôi báu của phiến quân. Đường Túc Tông sợ rằng Quách Tử Nghi có công lớn sẽ lấn át chủ nên đã giao việc bình định phiến quân từ tay Quách Tử Nghi cho Lý Quang Bật. Năm Càn Nguyên Đường Túc Tông thứ 2 (năm 759 sau Công nguyên). Sử Tư Minh dẫn hàng 10 vạn đại quân tấn công hai kinh. Lý Quang Bật thấy địch đông mà ta thì ít, để bảo đảm sự an toàn của Tây kinh Trường An đã dứt khoát bỏ trống thành Lạc Dương, đích thân dẫn 5 vạn quân đến đóng ở Hà Dương (tây bắc huyện Mạnh, Hà Nam ngày nay), phía bắc liền với ao, đầm và rất nhiều sông, nương tựa vào Hoàng Hà, mắt vẫn dõi về Lạc Dương, khống chế phía sau An quân khiến Sử Tư Minh không dám tùy tiện Tây tiến.
Sử Tư Minh thấy không có cách nào để Tây tiến, việc phòng - thủ của Lý Quang Bật lại không có sơ hở nào có thể lợi dụng nên đành đóng quân ở Hà Thanh (tây nam huyện Mạnh, Hà Nam ngày nay) để chặn đường lương của Lý Quang Bật. Lý Quang Bật vì thế cũng đóng quân ở bến Dã Thủy (trên sông Hoàng Hà giữa hai huyện Tế Nguyện và Mạnh Luật, Hà Nam ngày nay) để tiến hành ngăn chặn.
Hai bên đứng sóng đôi với nhau một ngày, đến chiều tối Lý Quang Bật về Lạc Dương, để lại ngàn quân và lệnh cho tướng Ung Hi Hạo ở lại giữ. Lúc sắp đi Lý Quang Bật còn nhắc nhở: "Tướng giặc là Cao Đình Huy và Lý Nhật Việt đều trí dũng hơn người. Khi chúng đến các người nhớ không được xuất chiến. Nếu chúng đầu hàng thì các người phải về cùng một đường với chúng". Nói xong thì đi ngay. Các tướng lĩnh chẳng hiểu ra sao cứ cười thầm.
Hôm sau mới sáng sớm quả đã có tướng giặc dẫn 500 kỵ binh đến Dã Thủy. Ung Hy Hạo thấy thế giặc hung dữ biết không thể liều mình bèn nói với quân sĩ "Viên tướng đó nếu không phải là Cao Đình Huy thì là Lý Nhật Việt, chúng ta nên nghe theo lời khuyên của Nguyên soái, không cần xuất chiến, chỉ cần ngồi đợi xem chúng hành động thế nào". Thế là cho lính đứng nghỉ, ngậm cười quan sát.
Viên tướng đó đến dưới hàng rào phòng ngự, nhìn thấy quân của Lý Quang Bật khoan khoái như vậy thì không khỏi kinh ngạc, bèn hỏi tướng giữ thành "Lý Quang Bật có ở đây không?"

Ung Hy Hạo đáp: "Tối qua đã về Lạc Dương rồi".
Viên tướng đó lại hỏi: "Ở lại trấn giữ có bao nhiêu người ngựa?"
Ung Hy Hạo đáp "Ngàn người".
Viên tướng hỏi: "Ai là tướng?"
Ung Hy Hạo đáp "Chính là Ung Hy Hạo ta".
Ung Hy Hạo là người vai dưới lại vô danh nên đương nhiên viên tướng đó chưa từng nghe qua tên. Ung Hy Hạo thấy viên tướng đó trầm ngâm, do dự không cười, tả hữu lưỡng lự nên chợt nghĩ đến lời Lý Quang Bật, đoán ra rằng viên tướng đó đúng là đến để đầu hàng, vì thế vội hỏi:
- Tướng họ Lý hay họ Cao?
- Họ Lý.
- Chắc là tướng quân Lý Nhật Việt phải không?

- Sao ngươi biết?
- Nguyên soái Lý Quang Bật đã sớm bảo rằng tướng quân vốn có lòng trung với nhà Đường, có điều nhất thời bị Sử Tư Minh ép buộc mà đành phải theo quân phiến loạn, nay lệnh cho tôi phải đợi ở đây để đón tướng quân trở về với nhà Đường.
Lý Nhật Việt chần chừ một lúc rồi nói với tả hữu: "Hôm nay không bắt được Lý Quang Bật mà chỉ có Ung Hy Hạo, quay về không biết báo cáo thế nào chi bằng quy hàng triều Đường vậy!". Mọi người đều không đáp lời. Lý Nhật Việt bèn bảo đầu hàng.
Ung Hy Hạo vội mở cửa rào, dẫn Lý Nhật Việt đi gặp Lý Quang Bật. Lý Quang Bật rất vui tiếp đón Lý Nhật Việt rất hậu lại coi như mãnh tướng tâm phúc. Lý Nhật Việt cũng rất cảm kích, xin được viết thư chiêu hàng Cao Đình Huy. Không ngờ Lý Quang Bật lại nói: "Không cần không cần, ông ta sẽ tự đến đầu hàng, sẽ gặp ông ở đây". Các tướng lĩnh nghe vậy càng cảm thấy lạ, ngay cả Lý Nhật Việt cũng cảm thấy mơ hồ không biết "ông ta bán thuốc gì trong hồ lô". Nào ngờ mấy hôm sau quả nhiên Cao Đình Huy dẫn theo bộ hạ đến đầu hàng. Thế là Lý Quang Bật gửi tấu lên triều đình xin phong chức quan cho Lý, Cao. Sử Tư Minh mất đi hai viên hổ tướng, Lý Quang Bật lại chuyển thủ thành công.
Các thuộc hạ vì thấy Lý Quang Bật dễ dàng hàng phục được hai tướng thì nghi ngờ ba người họ đã hẹn trước nên đi hỏi Lý Quang Bật rốt cục là chuyện gì.
Lý Quang Bật nói: "Tôi vốn không quen biết gì hai tướng và họ cũng vậy thì lấy đâu ra mật ước? Chẳng qua là vì "kẽ hở" dễ dẫn dắt mà suy đoán được tình lý thôi. Sử Tư Minh thường nói với bộ hạ rằng Lý Quang Bật chỉ giỏi giữ thành chứ không biết dã chiến. Nay ta lại ra khỏi thành đóng quân ở bến Dã Thủy nên đương nhiên ông ta coi đó là cơ hội tốt trời ban cho, chắc chắn sẽ phái mãnh tướng đến tấn công. Sử Tư Minh có một cái tật rất lớn là đối xử với thuộc hạ rất tàn bạo, không bao giờ tha thứ cho các bại tướng. Nếu viên tướng nào bỏ qua cơ hội tốt để ta sống sót thì đời nào ông ta lại không ăn tươi nuốt sống viên tướng đó? Lý Nhật Việt vâng lệnh đến đây lại không có cơ hội quyết chiến với ta nên khó mà quay về gặp Sử Tư Minh được, xin hàng quân Đường không phải là hợp lẽ sao? Tài dũng của Cao Đình Huy còn hơn hẳn Lý Nhật Việt, ông ta thấy Sử Tư Minh tàn bạo như vậy mà Lý Nhật Việt lại được tin dùng trong quân Đường nên đương nhiên cũng muốn đến chỗ ta chiếm lấy một chỗ."
"Con người luôn đi về phía cao, nước thì luôn chảy chỗ trũng". Lý Quang Bật suy tình đoán lý, nhắm đúng "khe hở" là sự tàn bạo trong đối xử với cấp dưới của Sử Tư Minh, cố ý tạo ra tình thế Lý Nhật Việt sợ phải quay về gặp Sử Tư Minh, lại sắp đặt sự đãi ngộ hậu hĩnh, từ đó làm cho Lý Nhật Việt, Cao Đình Huy tự nhiên mà đầu hàng nhà Đường. Chúng ta gọi kế sách căn cứ vào vết nứt, kẽ hở hoặc các loại lực ly tâm giữa đối thủ với nhau rồi lại làm cho nó to ra, nhân tiện làm đối thủ bỏ thái độ đối địch đi gọi là "Nhân khích lợi đạo". Thuyền đi ngược dòng chỉ có lùi chứ không tiến nên phải luôn ra sức chèo chống mới làm cho thuyền tiến về phía trước được. "Nhân khích lợi đạo" lại giống như thuyền đi xuôi dòng, rất nhẹ nhàng thoải mái. Nếu Lý Quang Bật liều mình với Lý Nhật Việt, Cao Đình Huy thì không những hao binh tổn tướng, trả giá rất đắt mà thực tế lúc bấy giờ ở vào địa thế bất lợi như vậy, Lý Quang Bật cũng cầm chắc phần thua. Lý Quang Bật đã dùng kế này rất kỳ diệu, không tốn một hòn đạn mũi tên mà vẫn toàn thắng. Trong kinh doanh cũng thường tồn tại những trường hợp như vậy và kế "nhân khích lợi đạo" cũng thu được kết quả kỳ diệu như vậy.
Ông vua bất động sản thế giới Joseph được chính phủ ủy quyền đến New Jersey để phát mại.
Những căn nhà ở vùng này vào thời chiến tranh là xây cho công nhân nhà máy đóng tàu ở. Nhưng đến khi phát mại chỉ có ba nhà là thật sự chuyển đến ở từ thời chiến, còn lại thì không phải. Tuy vậy, những "chủ nhà đó" vẫn mượn lý do "trước đây chính phủ bắt chúng tôi phải dọn đến ở thì nay sao lại đuổi chúng tôi đi" để lớn tiếng kêu gào, kịch liệt phản đối. Họ cứ dựa vào việc mọi người đều đồng tâm quyết định không sợ đổ máu, kiên trì không chịu chuyển đi.

Đứng trước tình thế đó, ông vua bất động sản cảm thấy rất khó xử. Nếu khi bắt tay vào phát mại mà ông giải quyết không thỏa đáng thì chắc chắn sẽ gặp phải sự phản ứng đồng loạt của họ, thậm chí ngay cả tính mạng cũng có thể bị nguy hiểm.
Làm thế nào để đối phó với những chủ hộ bất cứ lúc nào cũng có thể phát khùng này? Tuy ông có thừa lý do để chứng minh họ không phải là chính chủ từ thời chiến, làm cho đám người cố tình gây rối này không còn gì để nói, nhưng Joseph hiểu rằng nếu trách mắng những lỗi lầm của người khác thì chỉ làm cho đối phương đã tức lại càng tức hơn mà chẳng đạt được kết quả gì. Đương nhiên là ông cũng có thể đến thêm một lần nữa để diễn giảng, dùng những từ ngữ ôn hòa nhất để làm họ nguôi giận. Nhưng sau khi đã điều tra nghiên cứu, suy tình đoán lý, ông dùng một biện pháp inh hơn.
Tuy ông đã tuyên bố từ lâu về thời gian phát mại nhưng khi tiến hành ông vẫn cố tình làm trước một tiếng. Điều này cũng giống như Lý Quang Bật lặng lẽ rời khỏi bến Dã Thủy từ tối hôm trước đã làm cho Lý Nhật Việt ngạc nhiên, không biết làm thế nào. Vốn là những chủ hộ đó định nhằm đúng thời gian phát mại dự định trước nên đã chuẩn bị những biện pháp, công cụ để phát tiết, nhưng điều nằm ngoài dự liệu của họ là việc này được tiến hành sớm hơn nên những mũi nhọn tức giận bỗng nhiên không có tác dụng gì, mọi người đều lúng túng, toàn bộ tinh lực đều tập trung vào tiến trình.
Trong lúc điều tra, Joseph đã hiểu được rằng những chủ hộ đó cũng không phải là sắt đá. Trong đó có một hộ gia đình vốn không có chủ trương tranh cãi vô lý, họ biết rằng chính phủ chỉ muốn thu tiền chứ không muốn thu lại nhà, cũng không có ý đuổi những người đó ra khỏi nhà mình nên chỉ hi vọng mình có thể bỏ một khoản tiền ra mua lại căn nhà đang ở.
Joseph đã ghi lại từ trước vào số tay của mình số tiền mua nhà mà hộ gia đình đó dự toán trước. Đến khi phát mại ông cố tình để vụ giao dịch với gia đình này lên đầu nên đã làm xong thủ tục mua bán rất nhanh. Vị chủ hộ đó vì đạt được mong muốn của mình nên vui mừng tới mức vỗ tay khen ngợi. Các hộ khác thấy chủ hộ đó đã mua bán xong mà lại vui mừng như vậy nên vội vàng trù tính xem mình phải bỏ bao nhiêu tiền để mua lại căn nhà của mình.
Khi mà xong đợt giao dịch đầu tiên, vào lúc mà các chủ hộ đang hoan hô thì ông cũng giơ cả hai tay hô hào vạn tuế. Những người vốn định tới để gây rối đó cũng hùa theo đó hô hào. Những cơn giận tiềm ẩn ngay tức khắc nhận được sự phát tiết không có tính phá hoại, trong đại sảnh đã trở lại bầu không khí phát mại thông thường rất sôi nổi và hòa hợp. Gần 2000 căn hộ đã nhanh chóng và thuận lợi được phát mại thành công.
Joseph đã ngắm trúng vào một điểm là có người tự nguyện bỏ tiền ra mua nhà để cố gắng khai thác, dẫn dắt, từ đó làm cho cơn tức giận được trút bỏ một cách thuận thế, có hiệu quả biến cuộc phát mại nguy hiểm thành một cuộc phát mại hòa hợp, thành công. ông vua bất động sản Joseph quả không hổ là bậc cao thủ trong việc sử dụng tài tình kế "nhân khích lợi đạo".