Võ Tắc Thiên tuy đã ngồi lên ngai vàng một cách thuận lợi, nhưng vẫn lo các đại thần trong triều không phục nên cho đặt ở cổng thành một cái "tráp đồng" và truyền lệnh bất kỳ ai cũng có thể mật báo, bỏ những bức thư mật báo vào "tráp đồng", sau đó sẽ có người chuyên đến lấy ra và dựa vào đó để trừng phạt các quan đại thần có hành vi làm loạn hoặc không phục bà ta. Nếu những bản mật tấu đó chính xác thì sẽ được phong quan. Sách Nguyên Lễ người Hồ nhờ mật báo được phong chức Du kích tướng quân. Thế là mọi người nhao nhao lên bắt chước. Thậm chí còn dựng chuyện kết tội cho các quan lớn bé để được lên thẳng một mạch làm quan.
Trong số đó quan Thượng thư Chu Hưng là người nhạy bén, giảo hoạt nhất. Chẳng bao lâu sau đã làm đến chức Thu quan thị lang. Dưới tay ông ta còn chuyên nuôi hàng trăm tên vô lại chuyên làm việc mật báo. Mỗi lần muốn mưu hại một người nào đó thì lập tức khắp nơi đều có mật báo, do nội dung giống nhau nên mọi người đều tin là thật. Ông ta còn dựa vào kinh nghiệm nhiều năm đó tổng kết ra những bức thư mật báo khoảng 1000 chữ để làm tài liệu quý hiếm truyền dạy cho các đệ tử. Chu Hưng còn đề ra hàng loạt các hình phạt, các công cụ để trừng phạt rất khác người như "phượng hoàng sái sí", "tiên nhân hiến quả", "ngọc nữ đăng thê"... Mỗi lần xét hỏi phạm nhân, cứ một tiếng mõ vang lên là các hình cụ được bày ra, phạm nhân chỉ mới nhìn thấy thì hồn vía đã lên mây, tội sống còn khổ hơn tội chết, không giống như tội vu khống mà ngược lại nếu được chết càng nhanh thì càng đỡ phải chịu những hình phạt tàn khốc.
Không ngờ ông trời có mắt, việc mật báo và dùng hình đó cũng bị người khác mật báo lại rằng bọn họ thông đồng với nhau mưu phản. Võ Tắc Thiên bèn ra sắc chỉ cho Lai Tuấn Thần nhanh chóng đi điều tra.

Lai Tuấn Thần thừa biết thủ đoạn của "lão đại". Muốn cho ông ta khai ra không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy đã nghĩ ra một kế, mời Chu Hưng đến uống rượu nói chuyện. Trong bữa tiệc, Lai Tuấn Thần hết lời khen ngợi Chu Hưng, nói rằng ông ta là bậc cao thủ trong việc phá án. Sau đó thỉnh giáo ông ta với một thái độ rất thành khẩn: "Hiện nay tôi đang gặp phải một tên tù phạm rất giảo hoạt, mọi hình phạt đều đã được áp dụng vậy mà hắn vẫn không chịu khai, không biết ông anh có kế gì hay thì chỉ giáo cho tôi?". Chu Hưng đang dương dương tự đắc lại có men rượu thêm vào nên chẳng nghĩ ngợi gì nói với Lai Tuấn Thần: "Việc này quá dễ, ta bảo cho ngươi một cách tốt nhất: Kiếm lấy một cái hũ lớn, bỏ tên tù phạm vào trong, sau đó cho than đốt xung quanh, từ từ thiêu đốt. Trước khi tên tù đó bị nướng chín, chắc chắn ngươi sẽ lấy được khẩu cung".
Lai Tuấn Thần nghe xong sướng quá vỗ tay khen hay, đồng thời cho người mang đến một cái hũ lớn, xung quanh đốt than. Chu Hưng không hiểu ra sao: "Lẽ nào ngươi định xét hỏi tên tội phạm đó ở đây?". Lai Tuấn Thần lúc này mới rút ra sắc chỉ của Võ Tắc Thiên, sau đó nói với Chu Hưng: "Thỉnh quân nhập ung".
Kết quả còn đến nhanh hơn so với dự liệu của Chu Hưng: Trước khi bị bỏ vào trong hũ, Chu Hưng đã khai rất cụ thể những điều mà Lai Tuấn Thần yêu cầu.
Cái cách mà Lai Tuấn Thần dùng để khuất phục Chu Hưng quả là rất tuyệt diệu. Trong kinh doanh, đối với những kẻ gian hiểm, những gian thương gian trá vô lại đó, nếu có thể áp dụng kế "thỉnh quân nhập ung" thì đó là cách rất có hiệu quả kinh tế. Nguyên nhân rất đơn giản, lấy độc trị độc, lấy gian trị gian, lấy vô lại trị vô lại. Vậy cái độc đó từ đâu ra? Gian ở chỗ nào? Tìm cách để trị sự vô lại ở đâu? Chính là ở bản thân của kẻ gian trá đó?

Những năm 30, thương nhân người Anh tên Willi, đặt mua 3000 chiếc vali da của Melong Hồng Kông với giá là 200.000 đô la Hồng Kông. Trong hợp đồng quy định thời hạn giao hàng là trong vòng một tháng nếu vượt quá thời hạn đó thì không chỉ dựa vào chất lượng để giao hàng nữa mà bên bán phải bồi thường 50% tổn thất.
Trong vòng một tháng Phùng Xán giám đốc công ty sản xuất vali da Melong đã căn cứ theo hợp đồng để giao hàng cho phía Anh. Willi thì lại không ngại ngùng gì lớn tiếng nói rằng, tầng phía trong va li sử dụng nguyên liệu là gỗ và như vậy đợt hàng này không phải là va li da. Đương nhiên nếu làm lại "va li da thật sự" thì sẽ muộn, số va li da trước đó sẽ bị tồn đọng và khoản bồi thường 50% chắc chắn sẽ phải nộp. Giám đốc Phùng Xán không thể kìm nén được cơn giận, nhưng khi đối mặt với tên vô lại đó ông không nghĩ ra lời nào để phản bác được hai bên bèn đưa nhau ra tòa đối chất.
Khi mở phiên toà xét xử, không ngờ tòa án cũng có ý thiên vị và Phùng Xán có thể bị kết tội "lừa đảo". Phải làm thế nào khi đối mặt với một kẻ gian thương mạnh mồm, với một quan tòa bề ngoài thì tỏ ra công bằng nhưng thực ra là có ý tư lợi?
Nhưng vị luật sư Lawir mà ông Phùng Xán ủy quyền không hề tỏ ra lo lắng, vội vàng đứng dậy, tiện tay rút ra chiếc đồng hồ vàng nhập khẩu từ London và hỏi quan tòa: "Thưa quan tòa, xin hỏi đây là loại đồng hồ gì?". Quan tòa nói một cách rất oai: "Đó là chiếc đồng hồ vàng nổi tiếng của Anh. Nhưng chiếc đồng hồ đó thì chẳng liên quan gì đến vụ án này cả!"
"Có liên quan" La Cẩm Văn giơ cao chiếc đồng hồ vàng, tiếp tục hướng về những người tham dự phiên tòa nói: "Chiếc đồng hồ này là đồng hồ vàng, quan tòa đã có kết luận, không ai có ý kiến gì sao. Nhưng tôi muốn hỏi, chiếc đồng hồ vàng này ngoài vàng ra còn có thành phần nào khác không? Ngoài mặt đồng hồ được mạ một lớp vàng với một lượng vàng nhỏ ra thì những bộ phận bên trong cũng được làm từ vàng sao?".

Willi và quan tòa lúc này mới phát giác ra rằng trong đó có "mai phục", cái cớ của mình đã trở thành chứng cứ tốt nhất của đối phương. Song đã quá muộn, Lawir tiếp tục nói: "Nếu các bộ phận trong chiếc đồng hồ vàng không nhất thiết phải bằng vàng thì các phần phía trong chiếc va li da cũng không bắt buộc phải toàn bằng da. Vậy thì trong vụ án va li da thật hay giả này nguyên đơn là kẻ cố ý lừa gạt, gây sự một cách vô lý!".
Dưới những con mắt dõi theo, Willi bị đuối lý cứng lưỡi. Quan tòa đành xử ông ta tội vu khống và kết thúc vụ án sau khi phạt ông ta 5000 đô la Hồng Kông.
Kế "thỉnh quân nhập ung" quả thực rất kỳ diệu. Nếu Lawir không dùng kế này mà trực tiếp bác bỏ sự hoang đường trong cách lập luận của quan tòa và Willi thì quan tòa có thể dựa vào địa vị cao của mình, lấy cái thế đó để ép người khác thì trong thế biện luận bất bình đẳng như vậy khó có cơ hội thắng. Mặt khác sẽ làm cho cuộc tranh cãi rơi vào mớ bòng bong, Lawir đã dựa vào cách suy nghĩ của đối thủ để bác bỏ quan điểm của đối thủ, cũng giống như việc dùng súng của đối thủ để đối thủ tự mình nhằm bắn vào ngực mình một phát, làm cho những lời lẽ sai trái của đối thủ ngay lập tức rơi vào đường chết mà không thể chạy đi đâu được, làm cho người khác có cảm giác rất vui sướng, hể hả khi được nghe chuyện cười.