Nửa cuối tháng tám, những chòm mây bé xinh cuối chân trời nối nhau xếp thành vân như hình sóng biển. Trời xanh ngăn ngắt không đổ bóng, năm học mới sắp đến.

Trước khi vào học tại thành phố, do thành tích của khoá học sinh năm nay, đặc biệt là Minh Vũ và Tưởng Dực, phải nói là hết sức ưu việt, ngôi trường con em cán bộ quyết định tổ chức cho chúng tôi một buổi lễ biểu dương hơi bị hoành tá tráng.

Mấy đứa thi đậu Trung học số 9 bọn tôi đều phải lên đài nhận thưởng. Minh Vũ còn bị yêu cầu lên diễn thuyết cho đàn em cùng nghe. Trạng nguyên kỳ tốt nghiệp cấp 2 Phương Minh Vũ làm mình làm mẩy cả hai tuần chẳng chịu đồng ý, song phản đối không có tác dụng, đến hôm lễ biểu dương, cậu ấy vẫn đành phải cắn răng dày mặt túm theo nội dung phát biểu lên làm theo chương trình.

"Chúng em nhất định khắc ghi trong lòng những lời dạy dỗ của nhà trường, chẳng quên nơi mình lớn lên, nỗ lực học tập tại trường cấp 3, làm rạng rỡ tên ngôi trường con em cán bộ. Chúng em muốn cảm ơn trường và các thầy cô đã dạy dỗ vun đắp cho chúng em, cảm ơn sự quan tâm của ban lãnh đạo xí nghiệp, đến lúc sóng to gió lớn..."

Lúc nghe được những lời phát biểu vô cùng mực thước này từ miệng Phương Minh Vũ, mấy đứa bọn tôi ngồi dưới đều ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Quan Siêu giả theo giọng của Minh Vũ, ỏn ẻn ỏn ẻn nói: "Chúng em muốn cảm ơn trời cảm ơn đất cảm ơn ánh nắng đã "vùi dập" ra chúng em ahahahahaha Phương Minh Vũ cậu xuống rồi à, hahahahahahaha sao cậu có thể nói ra mấy câu ấy thế, tớ nổi hết cả da gà da vịt lên đây nè."

Phương Minh Vũ phát biểu xong nghe vậy tức đến giậm chân, nhưng đang ngồi giữa hội trường bao nhiêu con mắt nhìn vào, cậu ấy chỉ có thể len lén nhéo một phát rõ đau vào tay Quan Siêu để cậu chàng im đi. Vừa ngồi xuống, cậu ấy lấy tay bưng lấy mặt: "Quá xấu hổ, còn hơn cả thi bị hạng hai nữa!"

Tưởng Dực vốn bao nhiêu năm nay thi đều hạng hai không cảm thấy có gì xấu hổ, nhưng mặt lúc này cũng đang quạu đeo. Trong năm qua cậu ấy trúng đợt nhổ giò, ghế ngồi lại bé tí, hai chân không duỗi ra được, nhăn tít mày lại hỏi Trang Viễn người bị lôi theo cùng tham dự, "Mấy giờ rồi?"

"Mười giờ rưỡi."

Quan Siêu hỏi: "Tí làm hiệp banh không? Đám nhỏ lớp dưới mượn sân rồi, nói muốn đấu với bọn mình." Quách Tĩnh nói: "Được."

Trang Viễn cũng gật đầu, gần khai giảng mà cậu ấy cũng chẳng thấy về Bắc Kinh, ngày ngày nhập hội chơi bóng rổ với băng con trai.

"Tớ không chơi được." Mặt Tưởng Dực chẳng tình nguyện chút nào, "Tớ phải đi cùng Hoàng Doanh Tử lên thành phố mua sách, sáng nay mới nhận lời dì Đàm." Quan Siêu cuống lên: "Cậu là con dâu nuôi từ bé của nhà cậu ấy à? Sao cậu cứ nghe người ta răm rắp vậy?"

Tôi và Tưởng Dực tống ngay cho tên ấy hai cú móc hàm hai bên. Hắn còn kêu như chọc tiết: "Cặp bồ nhau hợp tác uýnh người à!"

"Còn nói bậy tớ xé miệng cậu ra."

Trang Viễn đang ngồi kế bên, tôi càng không tài nào chịu được đùa cợt kiểu ấy, bèn đè Quan Siêu ra binh cho một trận nên thân, tiếng động lớn đến mức khiếc cô Tiền ngồi trước phải ngoái lại nhìn. Lúc ấy tôi mới vội vã ngồi lại vào chỗ, chỉnh trang cổ áo cho ngay ngắn.

Quan Siêu cười hì hì bò từ dưới đất dậy, ngồi trở vào chỗ, hỏi Tưởng Dực: "Không chơi thật á?"

Chưa đợi cậu ấy đáp, tôi giành nói luôn: "Không cần cậu đi cùng, tớ đi mua một mình được rồi!" Tưởng Dực đưa mắt liếc tôi, mặt lạnh te nói mỗi một câu: "Tuỳ cậu."

Hứ, tuỳ tớ thì tuỳ tớ.

Tiết mục cuối cùng của lễ biểu dương là các thầy cô đã dạy chúng tôi trong suốt chín năm lên phát biểu lời trao gửi. Lúc cô Kim bước lên bục, chúng tôi đều đứng lên vỗ tay.

Cô thiếu nữ chín năm trước vừa tốt nghiệp đã đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi, bây giờ đã có một cục cưng ba tuổi rồi.

Cả người trên bục lẫn người ngồi dưới bục bấy giờ mắt đều rớm lệ.

Cô Kim lau mắt, nói: "Các em là lứa học trò đầu tiên của cô, từ lúc bắt đầu phải giơ tay mới được nói trong lớp, 1+1=2, lúc lăn tới lui phải dạy các em bảo vệ cổ... Đến bây giờ, các em đã sắp trở thành học sinh cấp ba rồi, sao các em lớn nhanh như thế nhỉ! Dẫn dắt các em sáu năm, cũng là khoảng thời gian quan trọng nhất trong đời cô, cô nhìn các em từ trẻ con trở thành học sinh tiểu học lại thành học sinh trung học, các em cũng chứng kiến cô mỗi lúc một chững chạc thêm. Có lúc cô cảm thấy các em không phải học trò, mà là những đứa con của cô, cũng là bạn bè của cô. Mà nay bọn em đã bước ra khỏi mái nhà bé nhỏ là thành phố Hàng Thiên này, cô tin các em nhất định sẽ làm được tốt hơn nữa, lớn thành những công dân ưu tú hơn nữa. Mà cô sẽ luôn ở đây, chỉ cần các em muốn trở về, sẽ luôn có một nơi nho nhỏ như thế này ở đây đợi các em trở về."

Những chú chim chích bông, lần này phải tung cánh bay xa rồi.

Nơi đây từng dạy cho chúng tôi tri thức, bạn bầy chúng tôi khôn lớn. Món quà cuối trao tặng cho chúng tôi, ấy là: Lúc nào đi nữa cũng có thể trở về.

Chúng tôi, những người được kỳ vọng như thế, được chăm sóc nâng niu như thế, lần này sẽ phải bắt đầu cuộc hành trình mới. Lần này, khi chúng tôi trở lại, hẳn đều đã trở thành người lớn.

Đối với Hoàng Doanh Tử mà nói, bước đầu tiên của việc trở thành người lớn là: Tự bắt xe vào thành phố.

Từ mái nhà Hàng Thiên vào đến thành phố, có một chuyến bus riêng, chúng tôi vẫn hay gọi là Chuyến số 22.

1 vé đi xe là 2 tệ, ngồi khoảng nửa tiếng, có ba trạm lên ở ba cửa của công trường, đi thẳng đến trạm cuối là trạm xe bus trung tâm thành phố, rất tiện. Đây là lần đầu tôi tự mình đi, thế nên ba mẹ không yên tâm lắm, mới nói Tưởng Dực đi cùng. Nhưng vì chút rắc rối nho nhỏ trong buổi lễ lúc nãy, thế nên Hoàng Doanh Tử hiếu thắng quyết định sẽ tự mình dấn thân.

Buổi lễ vừa kết thúc xong, chúng tôi đều đến chào các thầy cô. Bọn con trai hẵng đang bá vai bá cổ thầy thể dục nói chuyện nổ trời, tôi mới nói tạm biệt Niệm Từ và Minh Vũ, sau đó chỉnh lại chiếc túi đeo chéo rồi một mình đi về phía trạm xe.

Cứ theo đúng y như những lần trước, tôi một mình lên xe, vào thành phố, xuống ngay trạm cuối, sau đó chuyển sang chuyến bus đi nhà sách. Lúc xuống trạm, tôi sờ sờ chiếc túi đeo chéo, kiểm tra 100 tệ ba đưa cho hồi sáng vẫn còn y nguyên.

Hoàng Doanh Tử hưng phấn đến mức muốn nhảy tưng lên, so với cảm giác an toàn có Tưởng đại gia đi theo, cảm giác mới mẻ một mình lên đường đã hơn rất nhiều.

"Một lố sách bài tập cũng không dùng hết bằng đó tiền. Còn có thể mua thêm một cái hộp bút, rồi mua một cây kem hehehe..."

Nghĩ sao làm vậy, tôi chạy ào tới tiệm giải khát, cắp nách cây kem mới tàng tàng đi vòng lại nhà sách, lên tầng hai chọn sách.

Thời ấy chẳng có mạng dangdang, Kinh Đông hay Amazon, hiệu sách chuyên môn là một khái niệm vẫn chưa ai biết tới. Cần mua sách chúng tôi đều quen tìm ở nhà sách Tân Hoa, cứ khi mùa khai giảng đến, khu sách tham khảo và giáo khoa đông đặc người lớn lẫn trẻ con.

Tôi cầm cây kem, liế.m bên trái một miếng, lại li.ếm bên phải một miếng, tay giở mấy quyển sách: "Sách bài tập Toán? Không phải quyển này nha! Trường kêu mua hình như là quyển bìa xanh lá... Ai da..."

Sau lưng có một tên loạng quạng thế nào mà va thẳng vào lưng tôi. Cây kem cầm không vững, bẹt một phát dính luôn lên trên quyển sách bài tập!

"Ai da bị cái gì vậy?" Tôi vừa tức vừa cuống, vươn tay ra lại không túm trúng được thủ phạm, cậu con trai mình mặc đồ chơi bóng chày đội mũ bóng chày đã chạy ào đến tuốt đằng xa, lúng búng ném lại một câu, "Xin lỗi nhé xin lỗi nhé!" thế xong là lủi mất dạng.

"Xin lỗi là xong à?! Cậu quay lại đây cho tớ!" Tôi tức xì khói dậm chân, nhưng cũng chẳng cách nào bỏ que kem dây bết lên sách của người ta mà chạy theo.

Sách cũng đã dơ rồi, chắc chắn không thể mặc kệ đó, Hoàng Doanh Tử tuy bụng chả muốn chút nào, cũng chỉ đành ném que kem đi, lấy khăn giấy lau vệt kem, sau đó đem xuống tính tiền chung với quyển sách cần mua.

Trong chiếc túi đeo chéo chỉ còn đủ tiền ngồi xe về, hộp bút thế là đi tong, càng nghĩ càng tức, Hoàng Doanh Tử đứng trước cửa tiệm sách không cam tâm ngoảnh đầu đi, cả người ỉu xìu.

"Để tớ bắt được thì biết mặt!"

"Cho ai biết mặt?"

Tôi giật mình, Tưởng Dực đang đứng ngay sau lưng, thấy tôi ngoái lại nhìn, cậu ấy nhướng mày:

"Bị sao thế? Ai chọc cậu giận?"

=========