"Cậu ấy có về nước đâu, làm hoà làm gì?"

Niệm Từ cười: "Nghe có vẻ oán trách ghê ấy, muốn cậu ấy về lắm à?"

"Muốn hồi nào!" Tôi hứ một tiếng, ngồi gỡ gỡ gút thắt 9 nút trên móc chìa khoá. Dù gì, thì người cũng chả về...

Tuy không hề liên lạc, nhưng kiểu gì cũng sẽ nghe tin từ chỗ này chỗ kia.

Cái tên kia ở Mỹ cũng chẳng chịu ngồi yên, học Lý chưa tới nửa năm ở California, đến kì nghỉ bèn chạy tới bờ đông học sản xuất hoạt hình. Tuy không ảnh hưởng việc học chính, nhưng cũng coi như đi chệch ra khỏi con đường nghiên cứu đầy kỳ vọng nhà cậu ấy vạch ra ban đầu. Từ năm ngoái, cậu ấy bắt đầu nổi tiếng nhờ một video hiệu ứng đặc biệt ngắn đăng trên Youtube, được một công ty rất sừng sỏ trong mảng thiết kế hiệu ứng đặc biệt để mắt xanh, ghi tên tham gia vào nhiều hạng mục quan trọng, thế nên chắc chắn chẳng đời nào lại về nước.

Tôi có lên mạng xem những video ngắn nọ, loanh quanh mấy đề tài đều là người ngoài hành tinh xâm lược, quái thú robot, ngày tận thế huỷ diệt, nội dung đơn giản dễ hiểu, hiệu ứng đặc biệt nhiều đến hoa cả mắt, có thể nói là làm hiệu ứng chỉ vì hiệu ứng cũng không sai, là kiểu mà Tưởng Dực sẽ làm ra.

Những bé thú con bông xù hồi nhỏ cậu ấy thi thoảng vẽ cho tôi, giờ chắc đã bị quăng khỏi đầu từ lâu.

Tôi mê man ngủ, chừng trở lại thời cấp ba, đi theo mấy người họ luyện thi đội tuyển. Người ngồi kế tôi không biết là ai, không nghe giảng mà cặm cụi ngồi vẽ một chú chim nhỏ trong vở. Chú chim cưng ơi là cưng, tôi kềm lòng không đậu đưa tay ra sờ, nghe chíp một tiếng, chú chim con đã vỗ cánh bay qua cửa sổ ra thế giới bên ngoài...

"Đừng đi mà!" Tôi kêu lên một tiếng, tỉnh dậy.

Niệm Từ đã dậy đánh răng rửa mặt, đang ngồi cột tóc bên cạnh giường, quay đầu lại cười nói: "Đã đi đâu, cậu mau dậy đi, đàn chị của tớ bảo tớ qua nhà chị ấy xem, có gì thì ở chung."

Niệm Từ không chịu cho Khâu Hàng chừa cái nhà hiện tại cho cậu ấy, mà định nhét chung với đàn chị tại khu nhà gần chỗ làm. Là kiểu nhà cũ một phòng khách hai phòng ngủ, ngoài ban công bày đầy bìm bìm xanh biếc đang nở hoa.

Tôi đi một vòng quanh nhà, miệng xuýt xoa: "Hay ghê ấy, giống như người lớn thật rồi. Hay là tớ ra trường xong đến nương tựa cậu nha?" "Được thôi." Niệm Từ trải xong xuôi ra giường vừa mua: "Tớ nhận cậu."

Quách Tĩnh gọi điện thoại tới hỏi có cùng ăn trưa không.

Niệm Từ nói: "Cũng được, chút nữa bọn tớ qua cậu luôn. Đúng rồi, tớ và Doanh Tử xem phòng rồi, đợi qua lễ quốc khánh sẽ dọn vào." Quách Tĩnh không nói thêm gì chỉ nói: "Được."

Đến trưa, cả ba cùng về căn tin trường tôi ăn cơm, Niệm Từ hỏi Quách Tĩnh quán ăn mới sao rồi. Quách Tĩnh nói khá OK, nếu tiếp theo vẫn ổn thoả thì quyết luôn, cuối năm khai trương.

Mấy năm nay tiệm nhà Quách Tĩnh "bạo hồng", từ chỗ bọn tôi mở rộng ra toàn tỉnh, sau đó dần dần toả đi khắp miền Bắc, hồi đầu năm có cả trung tâm thương mại mời vào mở quầy chỗ họ, hình như gần đây đã thoả thuận xong.

Lần này Niệm Từ tới Bắc Kinh không biết có liên quan gì tới chuyện này không.

Thứ hai hôm sau nữa, Niệm Từ tới ra mắt công ty. Tôi không có tiết bèn về toà soạn họp chia đề tài tiếp.

Vừa vào cửa đã nghe có người nhắc tên tôi, tôi theo phản ứng không bước tiếp nữa, nghe được mấy câu mới hiểu, đại loại là đang thắc mắc tại sao tôi lại phỏng vấn được Ninh Xuyên.

"Triệu Khách hình như đặc biệt ưu ái cô em ấy, cậu có để ý không?"

"Không phải lần này liên lạc ổn thoả xong rồi mới thả cho cô nàng đi phỏng vấn đấy chứ?"

"Dương Phong làm chủ bút mảng văn hoá bao nhiêu năm không lên nổi chức chủ bạ, dưới tay trừ cậu nhóc Tư Kỳ là phóng viên chỉ tuyển mỗi một cô nàng thực tập sinh này, không phải tính thay luôn ông ấy chứ hả."

"Hoàng Doanh Tử chưa ra trường cơ mà không đến nỗi chứ."

"..."

Tôi sượng trân, càng sượng hơn là đụng phải Dương Phong đang cầm bình nước từ góc trà nước của công ty đi vào lại. Cả hai chúng tôi đều nghe mấy câu vừa nãy. Dương Phong nhịn đến mặt đỏ lựng, vờ ho một tiếng nói: "Hôm nay em trống tiết đúng không nhở?"

"Đúng ạ." Tôi chẳng biết làm sao đối mặt với những chuyện công sở kiểu này, trong phút chốc có hơi đần ra, thiếu tự nhiên xốc lại hai quai đeo ba lô: "Thầy Dương, ừm, phỏng vấn tháng trước em gửi email rồi..."

"... Được, vào họp đi."

Tôi ngồi trong góc phòng họp, máy tính xách tay để lên đùi, bụng đương lo ngay ngáy nghĩ đi đâu thì bị chỉ mặt gọi tên: "Hoàng Doanh Tử, bản thảo phỏng vấn Ninh Xuyên bao giờ cô nộp? Tháng này lên được không?"

Tôi lấy lại tinh thần, nói: "Được, tuần này chắc em sẽ hoàn thành, nhưng người đại diện của Ninh Xuyên nói phải cho họ xem trước..."

"Đó là chuyện của cô, trong tuần này phải đưa được bài cho biên tập." Triệu Khách bấm đầu bút bi, quẹt một đường trên sổ chẳng nghe vào tai, "Mấy ngày kế cô chạy qua bên hội đấu giá mùa thu đi, có thể thử trò chuyện với các anh em cùng thầy với Ninh Xuyên."

"... Vâng ạ."

"Đúng rồi, triển lãm phim hoạt hình thanh niên tuần sau không phải tới mình tổ chức à? Lần này có vài tác phẩm rất được chú ý ở nước ngoài, ai bao thầu vụ này?"

Bên mảng giải trí có phóng viên đưa tay: "Bọn em có nhận được vé, đã hẹn với bên ban tổ chức sẽ phỏng vấn một số đạo diễn hoặc nhà sản xuất nổi bật." Lòng tôi rục rịch, song miệng vẫn câm như hến.

Hết cuộc họp, tôi về chỗ ngồi gọt dũa lại bản thảo, đến khi sắp hết giờ, sếp của bên mảng giải trí tình cờ đi ngang chỗ tôi.

Tôi chả biết ngứa cái gân nào, tự dưng đứng bật dậy, nói: "Thầy Tăng, cho em hỏi vé triển lãm phim tuần sau còn dư không ạ?"

...

Vừa qua lễ quốc khánh, Niệm Từ chính thức tới làm việc tại Bắc Kinh.

Chỗ người mới thực tập nằm ngay kế trường tôi, có lúc Niệm Từ sẽ tới ngủ luôn tại ký túc xá. Lên năm tư các bạn đa phần đi thực tập hoặc ra ngoài thuê phòng cả, đầy giường trống, tôi còn mượn đàn anh cho cậu ấy chiếc xe đạp.

Hôm nào cậu ấy đi làm ở đại bản doanh công ty, tôi không có môn thì sẽ chạy sang ở chung với cậu ấy. Vừa vào nghề tài chính, Niệm Từ ngày ngày phải đi sớm về trễ, tối lết về đến nhà có một tô mì gói nóng hổi ăn cậu ấy đã vui đến híp cả mắt lại.

Xa nhau ba năm, tôi vừa ngoan vừa siêu quấn người, còn cất công xuống dưới nhà đứng đợi cậu ấy đi làm về.

Trong đêm khuya, tàng cây rập rờn theo gió, dưới lầu khu nhà hẹp tối, tôi đi dép đứng trước cửa khoác cái xắc của Niệm Từ, càu nhàu chuyện hôm nay nộp bài bị Triệu Khách mắng là "chẳng đâu ra đâu", rồi thì đối tượng phỏng vấn đến trễ 10 tiếng, 3 giờ đêm gọi điện xin lỗi tôi bảo có thể nào dời hẹn phỏng vấn đến tháng 6 năm sau không (giờ là tháng 10), rồi gần đây vừa nảy ra một khái niệm là "truyền thông mới", nhóm làm truyền thông kiểu truyền thống hoặc là hỉnh mũi chê bai hoặc là bi quan kêu cha khóc mẹ...

Niệm Từ thông thường chỉ đáp lại bằng tiếng giày cao gót gõ nhẹ trên nền gạch, ban ngày cậu ấy phải nói không ngừng, về nhà mệt chẳng buồn mở miệng nữa, nhưng rất thích nghe tôi chanh chách. Tôi ôm cái xắc của cậu ấy, nhớ hồi nhỏ cậu ấy chuyên đứng đằng sau đỡ cặp cho tôi, cảm thấy mọi thứ vẫn y nguyên như cũ.

Cuối tháng 10, triển lãm phim hoạt hình sắp mở màn. Tối hôm trước đó Niệm Từ tới trường tôi nhét chung túc xá với tôi. Đêm đã khuya, tôi chạy ra cổng trường đón cậu ấy.

Niệm Từ bận cả cây đồ công sở nhưng chân đổi sang giày thể thao, đạp chiếc xe đạp đi mượn phóng vèo tới trước cổng trường, từ xa xa tôi đã thấy bèn đứng vẫy tay với cậu ấy.

Cậu ấy gọi: "Lên xe này, tớ chở cậu."

Tôi cười hihi nhảy lên ghế sau, hươ tay ra lệnh: "Tránh đường!" Niệm Từ đạp tới trước hai vòng, bỗng dưng dừng lại.

"Sao thế?"

Niệm Từ nhìn ra sau một thoáng, chân tiếp tục đạp, miệng nói: "Lần sau tớ qua cậu đừng có ra đón nữa, trễ thế này không an toàn." "Cổng trường chắc không sao đâu ấy? Có bảo vệ..." Tôi nghe cậu ấy nói bắt đầu thấy sờ sợ.

Niệm Từ không ngoái nhìn nữa, chỉ nói: "Có khi không đúng, nhưng mà tớ có cảm giác cái xe vừa đi kia người trong đó cứ nhìn theo cậu... cũng có thể là tớ nghĩ nhiều. Nói chung, về sau trễ thế này cậu đừng ra đường."

"Biết rồi." Tôi hơi ú tim, đưa mắt nhìn ra ngoài cổng trường, hình như cũng nhớ nhớ vừa rồi lúc đứng đợi Niệm Từ kế bên có đậu một chiếc xe hơi kiểu Liên Xô cũ, nhưng cái xe ấy đi mất lúc nào thì lại chả nhớ nữa. Nói chung cứ nghe lời Niệm Từ, chú ý là tốt nhất.

Nơi tổ chức triển lãm phim hoạt hình là một khu nhà triển lãm mới xây ở Thành Bắc, nằm ngoài Ngũ Hoàn, đi thẳng tàu điện là tới nhưng cách khá xa khu nội đô.

Tôi dậy sớm cùng tập hợp với nhóm đồng nghiệp ở ngoài khu triển lãm, mới phát hiện tổ giải trí chỉ có mỗi hai người tới, còn mảng văn hoá bọn tôi lại đầy đủ mặt, cả Dương Phong và Tư Kỳ cũng đến.

Tư Kỳ ngáp hết cả ngủ trông là biết chỉ muốn đi về trùm chăn, Dương Phong thấy tôi chả hiểu sao có vẻ lúng túng: "Anh đến xem xem thế nào ấy."

Tôi cũng không nghĩ nhiều, gật đầu hỏi: "Thầy Dương, các anh ăn sáng chưa, em đi KFC mua ly đậu nành các anh ăn không?" "Không cần, em đi nhanh đi."

Thế là tôi cùng sếp bên mảng giải trí là Tăng Nguyên đi mua KFC, lúc đợi cà phê anh ta hỏi tôi: "Dương Phong còn chưa xếp lịch phỏng vấn theo kế hoạch, sao lại đi xem triển lãm thế?"

"Chắc anh ấy muốn xem triển lãm, giống em này."

"Anh ấy không phải chỉ toàn đọc sách dịch nước ngoài, không ưa mấy hoạt động giải trí đại chúng này à? Chứ không thì loại đề tài khá thiên về mảng văn hoá này làm sao lọt xuống tổ bọn anh được?" Cũng đúng, Dương Phong thường chả hào hứng gì với hoạt hình hoạt hoạ, chung là chỉ muốn làm chuyên gia văn học, lên bài toàn bị Triệu Khách mắng là một màu, nhàm chán, không bao quát được những mảng văn nghệ khác.

"Có khi anh ấy định thay đổi?"

"Từ hồi em phỏng vấn Ninh Xuyên tới giờ, thấy anh ấy cứ khang khác."

"A ha?" Có chuyện này à? Tôi tưởng phỏng vấn được Ninh Xuyên ông chú ấy phải vui chứ...

"Nói ra thì cả toà sạn đều khang khác, em không thấy à?"

Không phải chứ, tôi cũng ít có mặt, trừ mấy hôm họp chia đề tài, bình thường thì chả có việc gì cho tôi đến làm, nên là hoàn toàn ù ù cạc cạc. "Sao khang khác cơ ạ?"

Tăng Nguyên cạn lời: "Em nghĩ phỏng vấn được Ninh Xuyên là chuyện nhỏ à? Ông ấy có phải chỉ làm nghệ thuật không đâu, sau lưng là bao nhiêu phe phái thế lực, hoạt động xã hội của ông ấy ảnh hưởng hơi bị ghê đấy."

Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, bên mảng kinh tế phỏng vấn đầy ông lớn ra đấy thôi, sao Ninh Xuyên lại bị chú ý kĩ thế không biết.

Tăng Nguyên ái ngại kiểu "đứa nhỏ này hết thuốc chữa rồi": "Đây không phải chuyện đối tượng phỏng vấn có là ông lớn hay không, hiện tại cả nước mình phóng viên viết chuyên bài chỉ mỗi bằng ấy, mảng văn nghệ mà người ta nhớ tên thì được ai? Bao nhiêu lão làng đều bị Ninh Xuyên đóng cửa không tiếp, em vừa vào nghề chẳng có tí quan hệ nào tự nhiên lại phỏng vấn được? Ai tin chứ? Đúng rồi mà rốt cuộc em làm cách nào mà phỏng vấn được đấy hả?"

Tăng Nguyên là người đồng tính, dân trong nghề hay gọi là "chị bé Nguyên", một mặt vì anh ta thật sự là gay, mặt khác là vì trình buôn chuyện của anh ta chả khác gì nữ MC dẫn chương trình tin tức giải trí trước đây trên các đài của Hong Kong Đài Loan, câu nào nghe cũng êm tai mà chém phát là bay đầu.

Chẳng qua tôi cũng không thấy cần che giấu gì, bèn đem kể hết là mình từng ngồi xem toàn bộ tranh cùng tư liệu có thể tìm được của Ninh Xuyên, đến cả trường ông ấy đang dạy và trường cũ năm xưa ông ấy học, hỏi thăm tất cả những người còn có thể liên lạc, đem gần 5gb tư liệu sắp xếp hết lại theo trình tự thời gian, mỗi tuần đều đều viết thư, còn gửi mail cho cả bạn ông ấy nhờ giới thiệu giúp...

Tăng Nguyên xuýt xoa: "Phỏng vấn thôi mà em cày khiếp thế ấy hả?" Vậy đã gọi là "cày" à? Tôi còn tưởng đây là yêu cầu cơ bản khi làm phỏng vấn cơ...

Tăng Nguyên chặc lưỡi: "Đúng là nghé mới sinh không sợ hổ, nghe thì biết ngay ông cụ bị đề cương phỏng vấn cùng thái độ chết cũng không buông của cô em làm dao động, nhưng người không biết người ta nói đủ thứ. Đúng rồi, hồi đầu cái chức thực tập này của em cũng là đợt Triệu Khách đi connect với các minh tinh bên đài truyền hình đụng phải em mà ra đúng không?"

"..."

"Em nói xem tình cờ thế ai tin được? Mọi người đều bảo thật ra em có họ hàng với bên tổng cục truyền hình phát thanh quốc gia, được gửi gắm cho ông ấy mới vào toà soạn mình, còn nói Ninh Xuyên cũng là nhà em giúp em móc nối."

Nhà tôi á? Ba mẹ tôi cả đời tiếp xúc với văn nghệ nhiều nhất chắc là qua bản tin CCTV 8 giờ tối mỗi ngày.

Tăng Nguyên ngó tôi từ trên xuống dưới: "Nếu không phải cô em trông tồ như học sinh cấp ba, có khi nói còn khó nghe hơn."

Tôi trơ mắt líu lưỡi, Tăng Nguyên cười phì ra: "Thôi cứ đề phòng chút, xã hội và công sở rất hay chĩa mũi dùi vào người mới, người mới mà nổi trội, đặc biệt còn là nữ nữa thì cô em không tưởng tượng nổi họ có thể ác cỡ nào đâu."

Bấy giờ tôi cũng chẳng biết nên cãi là "Làm gì đến mức ấy" hay nên cảm ơn ông anh (bà chị?) này, cứ đứng đực cả ra hút hết cả ngụm sữa đậu nành lớn. "Đúng rồi, sao em lại muốn đi xem triển lãm này thế?" "Chị bé" tiếp tục buôn chuyện.

"Ừm... em vốn thích xem hoạt hình ấy, nhưng mà em chả quen ai trong các vị nhà sản xuất đạo diễn biên kịch này đâu nhé em chả quen ai hết..." Tôi đang nói cái gì thế hả trời.

Tăng Nguyên nhìn tôi soi mói: "Ban đầu chị mày cũng không nghĩ cô có quen ai."

Tôi xoa mũi, thừa nhận cho xong: "Trong đây có một phim ngắn là bạn học em vẽ, nên em muốn đến xem thử." "Bạn học kiểu gì? Bạn đại học hay tiểu học? Nam hay nữ? Mối tình đầu hả, hay em yêu đơn phương người ta, hay yêu rồi chia tay?"

Tôi ôm đầu rụt thành cây nấm, bụng nghĩ trình phỏng vấn của "bà chị" này có không cao cũng đủ để phải ngước nhìn... "Hôm nay người ta có ở đây không?" Tăng Nguyên nhìn dáo dác chung quanh.

"Không có đâu!" Tôi cạn lời, "Người ta ở Mỹ, em chỉ muốn tới xem phim của bạn ra sao thôi."

Tăng Nguyên còn chưa buôn tới nơi, bỗng bị chuông điện thoại ngắt ngang. Cô bạn phóng viên cùng tổ Vu Tiểu Cáp the thé giọng gọi hỗ trợ: "Chị bé, hình như em nhìn thấy R.Mask rồi!"

"Cái gì?" Tăng Nguyên đứng bật dậy.

"Không ngờ ông ấy lại đến! Mau mau qua giúp em, em sợ trình tiếng Anh của em không đủ đối đáp với ông ấy!"

=======