Trước nay tác phong của Giang Lam Sinh luôn ngả ngớn, là người cao ngạo. Mang thân phận hoàng thân quốc thích, không chịu được nỗi khổ nhân gian nên suốt một thời gian rất dài, hắn ta luôn treo một câu cửa miệng thế này: “Phú quý mà bất nghĩa, với ta như mây trôi”.
Tức là với tiền tài, với quyền thế, hắn ta luôn điềm tĩnh ung dung.
Trên thực tế, con người ta khó mà phân biệt rõ ràng giữa nhân nghĩa và phú quý như công tử Giang. Hầu hết phỉ nhổ tiền tài và quyền uy chẳng qua chỉ là trò tiêu khiển của kẻ trên cao.
Lúc Giang Lam Sinh tận mắt thấy cung Mộ Tuyết bị huỷ diệt đã hiểu được đạo lý này.
Thời gian bất đắc dĩ trải nghiệm nỗi khổ của dân sinh khiến công tử Giang bớt phóng túng lại. Lúc hắn ta theo cha lao nhanh trở về kinh thành, ông Giang còn an ủi hắn:
– Diệt cung Mộ Tuyết quả thật là ý của thánh thượng, nhưng không muốn diệt thê thảm như thế. Song nếu không làm vậy thì chẳng còn cách nào khác. Người trên cao làm việc tuyệt đối không thể vì nhỏ mất lớn. Con phải nhớ cho kỹ.
Công tử Giang trầm mặc cắn môi gật đầu.
Ông Giang thấy dáng vẻ ấy của Giang Lam Sinh thì than thở mãi, sau khi về kinh còn cố ý tìm Nam Cửu Dương cùng mượn rượu giải sầu.
Ông ấy cho rằng mình không nên dẫn Giang Lam Sinh theo lúc diệt cung Mộ Tuyết. Cứng quá dễ gãy là nói đến kẻ kiêu ngạo ngả ngớn như Giang Lam Sinh. Người kiểu này quá cá tính, rất dễ gặp vết thương lòng.
Nào ngờ mấy tháng sau, công tử Giang lại khôi phục vẻ ngả ngớn ngày xưa, phe phẩy quạt lông trắng, đổi câu thiền ngoài miệng thành “Chẳng cần đứng trước gió, hữu xạ tự nhiên hương”.
Cảnh giới tinh thần của hắn ta từ “vô ngã (cái chung)” hạ xuống thành “tự ngã (cái tôi)”, từ “đại ngã (tập thể)” thu nhỏ lại thành “tiểu ngã (bản thân)”, song vẫn tự luyến, vẫn cao ngạo.
Ông Giang khen:
– Tốt lắm tốt lắm.
Thật ra tính tình công tử Giang vô cùng quật cường, nếu hắn ta đã nhận định chuyện gì thì sẽ cố chấp bền bỉ mà làm.
Thế là sau một thời gian dài bế quan suy ngẫm, Giang Lam Sinh năm ấy đã đưa ra cái kết luận thế này: Lúc này vẫn chưa phải là thời cơ tốt nhất để cứu vãn sai lầm gây ra sau khi cung Mộ Tuyết bị huỷ diệt. Thứ nhất, hắn ta còn còn trẻ, không quyền không thế, thực sự có lòng mà chẳng đủ sức; thứ hai, trăm năm nay giang hồ lúc yên tĩnh, lúc lại hỗn loạn, muốn nhúng tay vào chuyện giang hồ dễ dàng nhất thì phải thừa nước đục thả câu, chính vì thế, hắn ta nên chờ đợi.
Giang Lam Sinh vừa đợi đã đợi hơn tám năm.
Sau đó, Cửu vương gia mới phong nghe tin các Vạn Hồng và phái Thiên Thủy kết minh, Hoa Đào Nước Nam mang chiếc gương bí ẩn lấy chồng ở thành Phượng Dương xa xôi, chợt thấy thời cơ tốt nhất đã đến.
Giang Lam Sinh lập tức vào cung xin lệnh của hoàng thượng, qua loa với Nam Cửu Dương và cha rồi tức thì giục ngựa xuôi nam, chạy tới Phượng Dương.
Cướp dâu Phượng Dương, khôi phục cung Mộ Tuyết, giáo Hoa Ma vào đất trung nguyên.
Những chuyện nhỏ thoạt nhìn như linh tinh lẻ tẻ này đều bị công tử Giang cẩn thận chép lại vào sổ. Cứ cách mười ngày lại sao chép một phần truyền tin cho Nam Cửu Dương bằng bồ câu.
Bởi phủ phái Thiên Thủy nuôi vài người không được bình tĩnh lắm nên mỗi khi nhận được hồi âm, Giang Lam Sinh đều rất lấy làm lạ.
Ví dụ bức thư thứ nhất: “Cô nương Sương lấy đến các Vạn Hồng thì bị cướp, công tử Hoàn đứng ra, bảo đi bước nữa với thiếu chủ Mục. Nhà Âu Dương trong các Vạn Hồng rất quái lạ”.
Thư hồi âm là vài chữ Thảo rồng bay phượng múa:“Trời ơi! Hoàn có tiền đồ rồi! Phong được tri kỷ này đúng là phước đức ba đời! – Vu Bất Cử”.
Lại như bức thư thứ hai: “Gặp sơn tặc núi Đầu Hổ ở núi Ngọc, dùng tên giả Vương Thất Vương Cửu, thực ra là người giáo Hoa Ma, nghi là giáo Hoa Ma đã vào đất trung nguyên, không biết nguyên do”.
Thư hồi âm là vài chữ thể Liễu thanh tú tiêu sái: “Thằng nhóc nào nhà ta lại chọc Hoa Đào nhỏ rồi hả? – Đào Thiển”.
Lại như bức thư thứ ba: “Nghi rằng trên giang hồ có kẻ mạo danh công tử Hoàn khôi phục cung Mộ Tuyết, gặp Đỗ Niên Niên ở Tô châu, là người luyện thức thứ ba. Cô này ái mộ thiếu chủ, không rõ ý thiếu chủ. Cô nương Sương có thiện cảm với cả thiếu chủ và công tử Hoàn, đối với tôi cũng vậy. Nên tôi cho rằng vẫn có thể nỗ lực cưới nàng về”.
Thư hồi âm là vài chữ thể Nhan ngay ngắn có lực: “Đi đời nhà ma. – Nam Cửu Dương”.
Bữa ấy Giang Lam Sinh cất một xấp thư hồi âm xong thì vuốt quần áo ra ngoài. Hắn ta ở lầu hai, nhìn từ trên cao xuống thấy bóng Mục Diễn Phong hối hả vào nhà giữa, chắc là đi chăm sóc Đỗ Niên Niên rồi.
Trong vườn gió nhẹ hoa yên. Ven hồ có hai người, là Hoa Đào Nhỏ và Yên Hoa. Nam Sương mặc quần áo hồng nhạt, áo ngắn màu trắng, đang đảo quanh y nhân Tiêu. Nàng vừa đảo quanh vừa nói chuyện, vẻ mặt lúc vui sướng lúc phiền muộn, như thể đào kép trên sân khấu.
Mắt Tiêu Mãn Y ủ rũ, hơi bĩu môi, tay hí hoáy vòng hoa hạnh của mình, hai mắt nhìn hoa đào Nam một cách xót xa.
Sau đó hình như hai người nói gì đó, Hoa Đào Nhỏ không đảo quanh nữa, y nhân Tiêu thì trợn to hai mắt.
Hình như hai người lại ngộ ra điều gì, nói một thôi một hồi. Giang Lam Sinh chợt nghe Nam Sương hoan hô một tiếng, kéo Yên Hoa chạy về trong phòng.
Tất nhiên công tử Giang đã biết chuyện hoa đào Nam và y nhân Tiêu mò xuống núi nghe hí. Đêm đó a hoàn Li Bình vườn Thấm Huân đã tìm khắp mỗi phòng trên dưới mà.
Đều nói một lần ngã một lần khôn, Giang Lam Sinh hoàn toàn không ngờ kế hoạch lúc này của Nam Sương và Tiêu Mãn Y lại là chạy xuống núi, đến lầu Thanh Thanh nghe phong thanh.
Cho nên hắn ta chỉ lắc đầu cười, xoay quạt lông trắng rồi xuống dưới phòng chính.
Giang Lam Sinh gõ cửa mà không ai đáp, lúc đẩy cửa vào chỉ thấy Mục Diễn Phong thất thần ngồi trước bàn, chẳng biết đang suy nghĩ cái gì.
Hắn ta cười, ngồi trước bàn vừa rót trà vừa gọi:
– Công tử Mục?
Mục Diễn Phong sửng sốt, lúc này mới tỉnh táo lại, nhìn thấy Giang Lam Sinh quần áo nón nảy chỉnh tề thì không khỏi buồn bực hỏi:
– Anh thế này là?
Giang Lam Sinh cầm quạt gõ lên trên bàn một cái, cười rằng:
– Tiêu cục Tô Duyệt mất hàng là vì chuyện ngọc Thủy Long Phi Thiên bị mất trộm. Tôi định đến quan phủ Tô châu một chuyến, tiện nghe ngóng ít tin tức. – Hắn ta dừng một lát rồi lại bồi thêm một câu – Dù sao ngọc Thủy Long Phi Thiên cũng là đồ trong cung.
Lần trước hai người Vu, Mục, Nam Sương và Giang Lam Sinh từng cùng thảo luận chuyện tiêu cục Tô Duyệt. Bởi vì ngọc Thủy Long Phi Thiên với phù Hóa Hỏa trong bí bảo ngũ hành được đặt chung với nhau trong cung, nên ngọc này mà bị mất trộm cũng tức là phù Hóa Hỏa không còn trong cung nữa.
Lúc đó mấy người đã kết luận không thể thăm dò được rốt cuộc phù Hóa Hỏa đang ở nơi nào, nhưng trước có tiêu cục Tô Duyệt vận chuyển ngọc Thủy Long Phi Thiên thì bị mất, sau có tiểu thư Đỗ Niên Niên của tiêu cục Tô Duyệt nghĩ mọi cách xuất giá đến trang Lưu Vân, giữa mấy chuyện này tất có liên quan.
Nhiều ngày nay, Vu Hoàn Chi và Mục Diễn Phong liều mạng cứu sống Đỗ Niên Niên vì nàng ta là đầu mối duy nhất lúc này. Còn cách của Giang Lam Sinh khi ấy lại là mở con đường khác.
Tiêu cục Tô Duyệt làm mất vật trong cung như ngọc Thủy Long Phi Thiên thì không chỉ phải khai báo với người nhờ vận chuyển mà còn phải khai báo với quan phủ địa phương. Quan phủ địa phương chắc chắn sẽ không tiết lộ bừa lí do của tiêu cục Tô Duyệt cho bách tính bình dân. Nhưng nếu như Cửu vương gia quyền cao chức trọng đi hỏi thì lại là chuyện khác.
Mục Diễn Phong phái người tìm kiếm kẻ nhờ vận chuyển ngọc Thủy Long Phi Thiên là điều tra ngầm; Giang Lam Sinh tự mình đến hỏi quan phủ Tô châu về chuyện nhờ vận chuyển là xem xét đường hoàng.
Vừa xem xét đường hoàng vừa điều tra ngầm, thêm manh mối của Đỗ Niên Niên nữa mới có thể biết tung tích của phù Hóa Hỏa và mục đích âm mưu khôi phục cung Mộ Tuyết.
Mục Diễn Phong suy tư một hồi, nhíu mày chắp tay nói:
– Làm phiền rồi.
Giang Lam Sinh mở quạt ra phe phẩy, cười nói:
– Ban đầu vốn định xuống núi trước tinh mơ mới không dễ bị người khác phát hiện, nhưng tôi nghĩ nên chào hỏi một tiếng đã. Trước nay tôi thấy Vu Hoàn Chi không vừa mắt. Y cũng vẫn có chút khúc mắc với tôi nên đành để anh thay y, tới nói với anh một tiếng.
Mục Diễn Phong nghe vậy, ngẩn ra rồi thở dài bảo:
– Chuyện cung Mộ Tuyết không phải lỗi do anh, mà triều đình cũng không ngờ sự việc sẽ đột biến đến thế.
Giang Lam Sinh nhướng mày, “à” một tiếng nói:
– Chẳng ngờ công tử Mục cũng cho rằng việc ấy có phần cổ quái?
Mục Diễn Phong ngước mắt nhìn hắn ta, lại cười ha ha rằng:
– Bất kể có cổ quái hay không, riêng việc anh giúp trang Lưu Vân tôi hôm nay đã phải nhớ kĩ ân tình này rồi. Còn về năm đó thế nào, chắc chắn sẽ có ngày nước rạt lòi mặt cỏ.
Giang Lam Sinh cố ý nhắc tới chuyện cung Mộ Tuyết, mục đích chính là thăm dò cách nhìn vè động thái của thiếu chủ Mục. Nào ngờ Mục Diễn Phong liếc mắt đã nhìn thấu suy nghĩ của hắn ta, qua loa lấy lệ nói như mây bay nước chảy.
Công tử Giang lại phe phẩy quạt lông trắng, khóe miệng chứa nụ cười nhưng trong lòng cực kì chấn động: Mục Diễn Phong này càng tiếp xúc thì càng không lường được. Tính hắn cẩu thả tùy tiện, đối xử với người khác hiền hoà thân thiện. Nhưng mỗi khi gặp chuyện lớn thì luôn nhạy bén hơn người, đã có phong độ trấn định thong dong của bậc minh chủ.
Mãi sau, Giang Lam Sinh bỗng thản nhiên nói:
– Lúc anh và cô nương Sương kết làm anh em, tôi rất lấy làm lạ. Bây giờ nghĩ lại cẩn thận mới thấy tính hai người giống nhau đến mấy phần.
Cẩu thả giống nhau, cùng là người tài vè ngoài đần độn giống nhau.
Giang Lam Sinh lại hỏi đến bệnh tình của Đỗ Niên Niên. Mục Diễn Phong nói là khí huyết từng loạn mấy lần, may mà hắn và Vu Hoàn Chi lại độ nội lực cho nàng ta nên đã lắng xuống.
Mục Diễn Phong tiễn Giang Lam Sinh tới trước cửa, công tử Giang công tử gõ quạt l3n đỉnh đầu như nhớ ra điều gì, xoay người cười nói:
– Có đôi lời quên nói. Thương thế của cô nương Đỗ nghiêm trọng như thế nên công tử Mục chăm sóc vậy cũng là nên làm. Song mọi việc nối tiếp nhau, xin lúc công tử chăm nom cô nương Đỗ, chớ được cái này mất cái khác mà hối hận không kịp.
Trước khi rời trang, hoa đào Nam vốn định chào hỏi Vu Hoàn Chi một tiếng.
Nàng ngập ngừng ở trước cửa phòng ma đầu họ Vu hồi lâu, cuối cùng vẫn không đẩy cửa vào. Nam Sương cho rằng, đóa hoa đào nàng đây là đóa hoa đào biết quan tâm, thấy Vu Hoàn Chi mệt nhọc nhiều ngày, có lẽ vừa mới ngủ nên không đành lòng đẩy cửa quấy rầy.
Thế là Nam Sương đi tìm ít hoa quả, đựng vào đ ĩa rồi đặt ở trước cửa phòng Vu Hoàn Chi.
Nàng nhìn mãi đến mức thèm ch ảy nước miếng, lại chạy về phòng, đem bánh đậu xanh không biết mấy bữa trước thó được từ đâu ra rồi cho vào một cái túi giấy, lại chất bên cạnh trái cây.
Có trái cây có bánh ngọt, hoa đào Nam vẫn thấy chưa viên mãn. Nàng lại đến phòng ăn thó bình rượu hoa quế, đến phòng sách lần mấy cuốn, ôm chăn nệm từ trong tủ của mình, chồng chất hết ở cửa phòng ma đầu họ Vu.
Sau nửa canh giờ, đồ đạc linh tinh như chén đũa, vịt quay, than, chăn nệm chất cao hai thước trước cửa phòng Vu Hoàn Chi, cần gì có đó.
Nam Sương hài lòng nhìn kiệt tác của mình, đắc ý vỗ tay, phủi bụi rồi tìm Tiêu Mãn Y xuống núi.
Nếu trước cửa có tiếng động thì chắc chắn người tập võ sẽ không ngủ được. Kẻ võ nghệ cao cường như ma đầu Vu càng như thế.
Nửa canh giờ trước, Vu Hoàn Chi đang định ngủ đã nghe trước cửa có tiếng động. Y không cần tốn nhiều sức đã có thể nhận ra tiếng bước chân rón rén như ăn trộm của hoa đào Nam.
Ma đầu Vu vốn tưởng rằng Nam Sương tìm y có việc gì, bèn cố nhẫn nhịn đợi ở trong phòng. Nào ngờ tiếng bước chân kia lúc gần lúc xa, lúc nhẹ nhàng lúc kéo dài, song không vào phòng.
Sau nửa nén nhang, y ngồi luôn dậy, nhướng mày nhìn cái bóng trước cửa.
Sau một nén nhang, Vu Hoàn Chi khoác áo đến trước bàn, rót chén trà, nhàn nhã nhìn bóng người trước cửa sổ chạy lên chạy xuống.
Rất lâu sau, cuối cùng cửa phòng không còn tiếng động nữa. Bấy giờ Vu Hoàn Chi mới mở cửa. Một đống đồ vốn dựa vào cửa tức thì mất thứ chống đỡ, đổ ầm ầm vào phòng.
Vu Hoàn Chi ngây ra mãi mới nhặt từng thứ lên, cẩn thận cất từng cái vào trong phòng, nụ cười trên khóe môi ngày càng tươi.
Đợi cất đồ xong, y thoắt liếc về một tấm bảng gỗ đè lên một trang giấy trước cửa.
Y đi tới trước cửa, nhặt bảng gỗ lên rồi mở giấy ra đọc, khóc không được mà cười cũng chẳng xong, trên viết rằng: “Công tử Hoàn, tôi với Yên Hoa cùng nhau xuống núi ngó nghiêng rồi sẽ trở về ngay. Tôi thấy anh đã ngủ say, không đành lòng đánh thức anh bèn đưa những thứ này đến, cùng anh vượt qua ngày đằng đẵng này”.
Vu Hoàn Chi day trán, thầm bật cười nói: “Con mắt nào của nàng thấy tôi đang ngủ say thế?”
Nghĩ vậy, khóe mắt rơi vào một hàng chữ nhỏ dưới mảnh giấy, trên viết: “Tôi thó được bảng thực đơn này ở nhà trọ Hỉ Xuân, cực kì thích nó, nay tặng cho anh”.
Vu Hoàn Chi hơi kinh ngạc, y lật bảng gỗ nhỏ khắc hoa trong tay trái ra xem thử, bỗng dưng lảo đảo về phía sau, suýt chút nữa đụng phải cái bàn.
Bảng gỗ chạm trổ đơn giản tao nhã, trên dùng bút lông viết bốn chữ màu đen: Cá quế hoa đào[1].
[1] Loại cá ở sông Tân An, núi Hoàng, Trung Quốc, thường béo nhất vào lúc hoa đào nở.