Giang Lam Sinh vừa cầm quạt gõ cột cửa, vài phiến lông trắng đã rủ xuống đất. Tay Nam Sương vẫn đang cầm áo lụa màu hồng nhạt, liếc mắt mà trông lại thấy như áo cưới.
Công tử Giang lạnh cả sống lưng, bước nhanh tới trước bàn, ánh mắt chuyển từ bọc hành lí đã thu dọn xong đến Vu Hoàn Chi đương cau mày, rồi lại nhìn về phía Hoa đào Nam. Hắn ta “ôi chao” một tiếng, than thở: “Liễu Chương Đài, liễu Chương Đài, xưa xanh xanh nay vẫn còn xanh? Ôi, bị tay kẻ khác vin cành bẻ mất rồi[1]!”
Mấy chữ cuối cùng đọc trầm bồng du dương, tay Giang Lam Sinh run rẩy trỏ quạt vào Vu Hoàn Chi, đau lòng nói: “Hoa Đào Nhỏ ơi là Hoa Đào Nhỏ, tôi mới xa cô mấy canh giờ mà cô đã muốn bỏ trốn với thằng nhãi này ư?”.
Vu Hoàn Chi hếch đuôi mắt lên, cầm bọc hành lí trong tay, thủng thẳng tới trước bàn, che Nam Sương ở phía sau, cười nhạt nói: “Hoa xinh phải bẻ liền tay, chớ để lâu ngày lại bẻ cành khô[2]“.
Cây quạt trong tay Giang Lam Sinh đột nhiên rơi xuống đất, chấm đỏ trên ấn đường như chim quyên khóc đến nhỏ máu, một lát sau mới mở miệng, khó tin hỏi: “Anh… đã bẻ rồi ư?”.
Nam Sương không rõ họ dùng ngôn từ tranh cãi nhau là vì điều gì, lặng lẽ cúi đầu cất áo lụa hồng nhạt. Lúc để vào trong bọc, nàng vẫn liếc mắt quan sát ma đầu họ Vu, để phòng y nửa đường cướp lại xiêm áo.
Vu Hoàn Chi nhướng mày liếc nhìn Giang Lam Sinh, thờ ơ nói: “Nhắc nhở anh thôi”. Dứt lời, y đã ngoảnh lại hỏi Nam Sương: “Cất xong chưa?”. Thấy Nam Sương gật đầu, y bèn nhận lấy bọc quần áo trong tay nàng rồi đi thẳng ra ngoài cửa.
Lúc bấy Giang Lam Sinh mới nhận ra, hỏi: “Mọi người muốn trở về Tô Châu à?”.
Lúc này, ánh mắt Nam Sương hoàn toàn dính vào bọc quần áo màu vàng xanh pha nâu trong tay Vu Hoàn Chi. Mới vừa rồi lúc y nhận lấy bọc quần áo từ trong tay mình, động tác quá tự nhiên nên nàng trở tay không kịp.
Hoa đào Nam suy nghĩ, còn hai yêu cầu chưa hoàn thành, vả lại, chẳng biết có thể làm được không.
Mà hình ma đầu họ Vu không hài lòng lắm với nụ hôn vừa rồi của mình, tám phần là bộ xiêm áo lụa hồng này bị hẫng rồi. Nhìn ma đầu thế này, e là chỗ xiêm áo còn lại đều phải đền cho.
Từ sau sự kiện “chuyện phòng the” và “họa thủy”, cuộc đời trong sạch của Hoa đào Nam đã dính phải vết nhơ. Nam Cửu Dương hối tiếc không thôi, từ đó đều hết sức chú ý đến lời nói và việc làm của mình. Nhưng tục ngữ nói già néo đứt dây, Nam Cửu Dương vừa chú ý cái đã chú ý đến nỗi xảy ra sơ suất. Ví dụ, ông chỉ dạy Nam Sương “không có việc gì khó, chỉ cần mình chịu trèo[3]“, lại quên nhắc nhở nàng phải tránh “đốt rừng làm ruộng, tát ao bắt cá[4]“.
Ví dụ tiếp, ông thường nói với Hoa đào Nam rằng gặp chuyện phải “phát hồ tình, chỉ hồ lễ[5]“ song chẳng dạy nàng cái giới hạn “lễ” này phải vạch ra ở đâu, thế cho nên nàng “vô lễ” với ma đầu họ Vu mấy lần mà vẫn vui vẻ tự đắc, không hề hay biết.
Nói tóm lại, Nam Sương đắn đo, thầm nghĩ mặc dù Vu Hoàn Chi không phải kẻ tính toán chi li nhưng nếu chạm vào vảy ngược của y thì e sẽ có kết cục không chịu nổi. Lần này, mình nằm trong cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, mắt thấy khó giữ xiêm áo nên chỉ đành chiều theo rồi mới ra tay.
Vì vậy Nam Sương nhớ lại dáng vẻ nói năng dịu dàng, mắt nhuốm men say của Vu Hoàn Chi sau khi hôn mình, chỉ mới nhớ lại thôi đã làm xương cốt người mềm oặt đi. Thế nên nàng cho rằng, trước tiên phải liếc mắt đưa tình rồi đục nước béo cò, cuối cùng kim thiền thoát xác, ắt là thượng sách.
Nam Sương thông minh, lại không biết người thông minh quá thường bị thông minh hại. Mà trên thực tế, công sức nàng thận trọng bỏ ra chẳng qua chỉ là một chiêu đập nồi dìm thuyền, một kích không thành đã bị hại nặng nề, huống chi đối thủ là một ma đầu.
Giang Lam Sinh thấy không ai lên tiếng trả lời thì gõ cây quạt vào lòng bàn tay, cười nói: “Cũng tốt, người ta nói phong cảnh Giang Nam đẹp, tôi vẫn mong mỏi trong lòng, lần này đúng là cơ hội tốt”.
Vu Hoàn Chi ngoảnh lại lạnh nhạt nhìn hắn ta một cái.
Đầu kia hành lang, Mục Diễn Phong đang đi tới giữa đêm khuya, hắn thấy Giang Lam Sinh chỉ nhíu mày lại, đến gần mới hỏi: “Anh cũng tới à?”.
Giang Lam Sinh giỏi dùng người, ghé sát vào Nam Sương có tính cách tốt nhất, cười nói: “Không phải đã nói cùng đi rồi ư?”.
Hoa đào Nam đang quấn quýt suy nghĩ, chỉ thờ ơ “ừ” một tiếng, từ chối cho ý kiến.
Giang Lam Sinh cười đắc ý, nói: “Chậc chậc”. Đoạn lập tức mở quạt lông trắng ra chỉ về phía sau Mục Diễn Phong, nói: “Con gái con đứa, như vậy không được đâu”.
Nam Sương nghe vậy, nhìn về phía sau Mục Diễn Phong, vui mừng lên tiếng chào hỏi: “Yên Hoa”.
Chỉ thấy Tiêu Mãn Y cầm một sợi dây thừng to trong tay, một đầu buộc cổ tay Vương Thất, Vương Cửu, hai người xám xịt đi theo.
Mục Diễn Phong cau mày nói: “Cô cứ cởi dây thừng cho họ đi, không chạy được đâu”.
Tiêu Mãn Y giậm chân, hừ ra hai chữ với Nam Sương: “Họa, thủy”, chợt quay về phía Mục Diễn Phong, lập tức thay thành vẻ rạng rỡ, nói: “Khó khăn lắm tôi mới giúp chàng làm được một chuyện mà”.
Mấy người ra khỏi nhà trọ, đêm khuya sương dày, con đường rải đá xanh ướt rượt. Mấy bóng người bị ánh trăng kéo dài, hắt lên mặt đường.
Một lúc lâu sau, cái bóng dong dỏng phía trước dừng lại, xoay người nói với Giang Lam Sinh: “Anh thật sự muốn đi theo?”.
Giang Lam Sinh ngẩn ra rồi lại mở quạt lông trắng, nhàn nhã phe phẩy nói: “Sao? Đường đường là thuyền do trang Lưu Vân của Giang Nam thuê mà có thêm một người thôi đã không chứa nổi ư?”.
Vu Hoàn Chi trầm mặc, xoay người mới đi được hai bước, lại nghe Giang Lam Sinh nói thêm một câu: “Hay là cung Mộ Tuyết đã không đến nông nỗi không được việc như thế rồi?”.
Bầu không khí trở nên xấu hổ trầm trọng, bóng lưng Vu Hoàn Chi cứng đờ, mái tóc đen như mực khẽ phấp phới, lộ ra mấy phần cô đơn. Nhưng lúc quay đầu lại, y lại đang cười, nụ cười lạnh nhạt không xuất phát từ đáy lòng. Y thờ ơ vuốt tay áo, chỉ thấy ống tay áo lấp lánh ánh sáng, một lưỡi dao sắc bén như tuyết như sương, xán lạn bốn phía đột nhiên kẹp ở đầu ngón tay y.
Sắc mặt Giang Lam Sinh tái nhợt đi.
Trên giang hồ có rất nhiều lời đồn về “bảy thức Mộ Tuyết” song kẻ thực sự chính mắt trông thấy môn võ công này đã ít lại càng ít, nhất là bốn thức kinh thế hãi tục cuối cùng, gần như không ai được chứng kiến.
Nhưng không phải Giang Lam Sinh không biết.
Người võ lâm nói, tự sau khi Vu Kinh Viễn mất tích, kẻ có thể lĩnh ngộ được tinh túy của “bảy thức Mộ Tuyết” chỉ có mình Vu Hoàn Chi. Ma đầu này đã luyện môn võ công ấy tới thức thứ tư – Tuyết Diếu Băng Thiên, lấy lưỡi dao rối ren nhanh chóng, vung ra sát chiêu như tuyết bay đầy trời, có thể quật ngã cả trăm người chỉ trong nháy mắt.
Nhưng rõ ràng động tác mà Vu Hoàn Chi bày ra giờ này khắc này là thức thứ năm của “bảy thức Mộ Tuyết” – Tuyết Ngược Phong Thao. Đặc điểm lớn nhất của chiêu thức này chính là tư thế lúc đầu nhàn nhã, làm người ta không nhìn ra sát khí, nhưng sau khi ra chiêu lại tàn nhẫn ghê gớm, có thể khiến một người chết một cách đau đớn vì thương tích đầy mình, máu chảy quá nhiều.
Nếu là trên chiến trường, chiêu thức này thường dùng để công kích chủ soái, lấy khí thế diệt quân địch.
Nếu Vu Hoàn Chi thật sự luyện tới thức thứ năm của “bảy thức Mộ Tuyết” vậy thì đại hội võ lâm năm sau, chỉ cần y bằng lòng tham gia thì tất sẽ được liệt vào năm hạng đầu, thậm chí ở trong ba vị trí đầu cũng không phải không thể.
Thứ thứ năm của “bảy thức Mộ Tuyết” có uy lực mạnh, đã không thể áp chế bằng “quyết Băng Tâm” của cung Mộ Tuyết mà cần kết hợp “quyết Thần Sát” và “công Thiên Nhất”.
“Công Thiên Nhất” ở trang Lưu Vân Giang Nam, Mục Diễn Phong và Vu Hoàn Chi tình như thủ túc, cũng có thể sẽ truyền võ công không truyền ra ngoài cho Vu Hoàn Chi.
Nhưng làm sao Vu Hoàn Chi có được “quyết Thần Sát” đã thất truyền từ lâu?
Suy nghĩ xoay vần, Giang Lam Sinh nhớ lại lúc ban ngày gặp Sư Nhai thì nỗi nghi ngờ nảy sinh đầy bụng.
Vẻ mặt Vu Hoàn Chi tĩnh lặng như một vầng trăng lạnh. Mục Diễn Phong đứng ở đầu gió, áo bào tím cuồn cuộn như sóng, vẻ mặt luôn luôn thờ ơ mà lúc này lại hiện ra vẻ vắng lặng im lìm, hắn chỉ nhìn chứ không nói gì.
Năm xưa cung Mộ Tuyết bị diệt đã liên lụy nhiều người trong đó. Ngay cả Bắc Đẩu võ lâm, thiên tử triều thần đều ngần ngừ chưa kết luận được quan hệ lợi hại, ai đúng ai sai trong đó, huống hồ là thế hệ sau như họ.
Mục Diễn Phong tỏ vẻ mặt nghiêm nghị, Tiêu Mãn Y thấy thế thì tim thắt lại, nàng ấy lặng lẽ dịch đến bên Nam Sương, nhỏ giọng nói: “Họa Thủy, đi khuyên nhủ ma đầu Vu đi, nửa đêm rồi chớ sinh sự, làm ầm lên khiến tất cả mọi người tỉnh lại bây giờ”.
Nam Sương trầm ngâm một lát rồi nói thầm bên tai nàng ấy: “Cô nói rất hợp lí”. Dứt lời, nàng dời bước tiến lên, tránh khỏi sát khí lấp lánh của lưỡi Vọng Tuyết, khẽ kéo ống tay áo Vu Hoàn Chi và nói: “Cái cũ không đi thì cái mới không đến, đợi về Giang Nam rồi, chúng ta đào đất, lại xây một cái cung là được”.
Ánh mắt Vu Hoàn Chi lập lòe, ngoảnh lại nhìn Nam Sương đầy ngạc nhiên.
Dưới bóng đêm, dung nhan ấm áp, trơn bóng như ngọc ngâm trong suối nước ở khe núi, Hoa đào Nam trông thấy thế thì trong lòng muôn tía nghìn hồng, nói không mà nghĩ ngợi gì: “Hay gọi là Họa Xuân cung nhé? Nghe cho vui mừng”.
Vu Hoàn Chi sửng sốt, hỏi: “Cái gì?”.
Giang Lam Sinh nuốt nước miếng, Vương Thất, Vương Cửu xì xào bàn tán, Tiêu Mãn Y thì cười đến ngả nghiêng. Mục Diễn Phong cân nhắc lời Hoa Đào Nhỏ nói một lần trong miệng xong thì chọn trọng điểm ra nói: “Họa… Xuân cung?”.
Nam Sương gật đầu, bỗng nhiên cảm thấy được không thích hợp, ngượng ngùng nhìn Mục Diễn Phong, không biết giải thích thế nào. Đúng lúc này, Vu Hoàn Chi lại cất lưỡi Vọng Tuyết đi, mặt mày thư thái, chỉ cười nhạt nói: “Đúng là một cái tên hay có thể uy chấn giang hồ”.
Trong chốc lát bầu không khí hòa hoãn lại, mọi người tiếp tục đi về phía trước. Một lát sau, Giang Lam Sinh đột nhiên nói: “Không phải tôi khăng khăng muốn đến Giang Nam, chỉ là buổi chiều, tôi đã gặp Sư Nhai”.
Trước mặt, Vu Hoàn Chi vẫn lặng lẽ đi, bước chân không hề dừng lại.
Giang Lam Sinh lại bảo: ““Bảy thức Mộ Tuyết” trong tay anh là tàn phổ, nhưng “bảy thức Mộ Tuyết” trong tay Sư Nhai cũng không phải toàn phổ”.
Bước chân Vu Hoàn Chi dừng lại, Mục Diễn Phong vỗ vai Giang Lam Sinh từ phía sau rồi bảo: “Lên thuyền nói cho rõ”.
Nhưng mà Giang Lam Sinh không thôi, sắp đến bến đò nên gió càng lớn, mấy cái màn vải treo trong lầu gác hai bên bay phần phật.
Giang Lam Sinh đứng ở một góc đầu đường, nói: “Nếu nói các bên đều có sai lầm trong truyện năm đó thì ấy là tìm cớ. Tất nhiên tôi biết tôi và cha tôi, chú tôi khó mà thoái thác lỗi lầm. Nhưng hôm nay “bảy thức Mộ Tuyết” lại xuất hiện trong võ lâm, quyển trong tay Sư Nhai là quyển bị kẻ khác xóa đi phần nối tiếp giữa các chiêu thức. Anh có biết việc này chứng tỏ điều gì không?”.
Vu Hoàn Chi dừng lại, ngước mắt nhìn về phía dòng sông nổi sóng phía xa xăm: “Chứng tỏ có kẻ đang giữ toàn phổ “bảy thức Mộ Tuyết”, chứng tỏ lúc này có kẻ khôi phục cung Mộ Tuyết, ắt là hạng bụng dạ khó lường, chứng tỏ mấy… việc vặt năm đó, ba bên cũng tổn thất, cuối cùng chẳng ai kiếm chác được gì tốt, lại còn bị tai bay vạ gió”.
Giang Lam Sinh ngẩn ra, nhìn Vu Hoàn Chi, lúng túng nói: “Anh cũng biết rồi ư?”. Mãi sau hắn ta lại mở quạt lông trắng ra phe phẩy, lại tỏ cái dáng công tử bình thường ra, “chậc chậc” hai tiếng rồi bảo: “Trang Lưu Vân ở Giang Nam và cung Mộ Tuyết ở Thục châu đều là đất thị phi”.
Vu Hoàn Chi híp mắt, thản nhiên nói: “Chúng ta sẽ lên thuyền ở bến đò nhỏ”.
[1] Câu thơ trong bài Liễu Chương Đài – gửi Liễu thị của Hàn Hoằng. Hàn Hoằng được một người bạn tặng cho một diệu kỹ là Liễu thị, trai tài gái sắc rất tương đắc. Khi Hàn Hoằng đi làm ký thất cho quan Tiết độ hầu Di Dật ở Tuy Thanh, để Liễu thị ở lại Trường An, ba năm sau gửi bài từ này cho Liễu thị, “liễu Chương Đài” ở đây chỉ Liễu thị ở Trường An. “Cây liễu trước vẫn xanh xanh nay không biết ra sao” là nói Liễu thị ngày trước kiều diễm, chẳng hay bây giờ thế nào. “Dù vẫn cành dài nguyên vẹn rủ, cũng tay người khác vin cành bẻ” là tỏ ý hoài nghi.
[2] Câu thơ trong bài Áo kim tuyến của Đỗ Thu Nương.
[3] Câu trong Thủy Điệu Ca Đầu – Trọng Thượng Tỉnh Cương Sơn.
[4] Câu trong Hoài Nam Tử – bản kinh huấn, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không chú ý đến lợi íhc lâu dài.
[5] Xuất xứ từ bài “Đại Tự” trong “Kinh Thi”, chỉ có thể yêu đương nhưng không được vượt quá lễ, pháp.