Câu chuyện được tiếp tục....

Bữa cơm chiều ngày hôm đó, do uống nhiều nên Tuấn ngủ luôn tại nhà ông Quý ( bố của Vân). Khi Tuấn giật mình tỉnh dậy thì trời vẫn đang là giữa đêm, nằm bên cạnh là hai cậu con trai của ông Quý. Tính vốn hào sảng, lại được ông Quý nhiệt tình tiếp đón, ban đầu còn ngại ngùng, nhưng sau vài chén rượu, mọi người nói chuyện cởi mở hơn. Tính ông Quý cũng rất thoải mái, ông là bộ đội xuất ngũ, hiện nay ông làm công việc chài lưới, còn vợ ông có nghề làm bánh kẹo, bà làm hàng rồi bán cho những cửa tiệm, những mối ở khắp các chợ lân cận. Gia đình có 4 người con, 2 gái 2 trai, trên Vân còn có 1 chị lớn đã lấy chồng, yên bề gia thất, còn hai cậu con trai Vân vẫn hàng ngày phụ giúp bố mẹ chuyện công việc.

Buồn tiểu nên Tuấn nhẹ nhàng, rón rén bước chân mở cửa hậu đi ra phía đằng sau để tránh làm mọi người thức giấc. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, lúc này mới là 3h sáng. Trời quang đãng, và rất nhiều sao, Tuấn đứng giữa sân gạch ngẩng đầu lên ngắm sao trời, trong giây phút ấy, Tuấn nghĩ đến cuộc nói chuyện với ông Quý ban chiều, cảm giác ông Quý có chút gì đó rất giống với thầy Nguyên. Chắc là do cả hai đều là bộ đội chiến đấu, và ông Quý cũng bằng tuổi với thầy Nguyên.

Đang mải suy nghĩ, Tuấn nhìn thấy đống than được phủ bạt nằm ở phía góc sân. Lúc tối uống rượu, Tuấn có nghe ông Quý nói ngày mai sẽ phải đánh than rồi nặn thành từng bánh để vài ngày nữa lấy than làm hàng. Nhìn chỗ than đó chắc phải đến 1 tạ, trời hãy còn tối, nhưng sao trăng lấp lánh soi sáng cả một khoảng sân báo hiệu ngày mai trời sẽ nắng rất to, rất phù hợp để phơi than. Không cần suy nghĩ nhiều, Tuấn xắn tay áo, lật những tấm bạt che than ra rồi tự nhủ:

" Gia đình họ đối xử với mình rất nhiệt tình, mặc dù chỉ mới gặp mặt hôm nay. Trước khi đi cần làm gì đó để trả ơn họ. "

Và Tuấn quyết định sẽ trộn tạ than đó, nhưng để trộn được thì ngoài than và nước ra thì cần phải có bùn nữa. Thấy ở sau bể có hai cái thùng rất to, lại có cả quang gánh. Thế là Tuấn xốc luôn đôi thùng đi ra lạch để lấy bùn. Về đến nơi thì cũng đã gần 4h sáng. Trời phú cho sức khỏe vô địch, lại thêm cái tính chịu khó nên dù chỉ một mình, vừa đổ bùn, vừa đánh đống, vừa trộn......Gần 1 tiếng sau, hơn 1 tạ than đã được Tuấn trộn xong, than mịn, bùn được trộn rất đều bởi Tuấn trộn rất kỹ. Hãy còn sớm, Tuấn dọn qua mặt sân rồi lại tiếp tục một mình nặn thành từng bánh tròn với đường kính khoảng chừng 30cm.

" Bẹp...Bẹp...Bẹp "

Tuấn hăng say làm việc mà quên mất mình đang tạo ra những tiếng lép bép khi dùng tay vỗ vào mặt than. Chỉ đến khi, từ bên trong nhà, ông Quý và vợ lấy đèn pin đi ra sân soi Tuấn mới biết có người thức dậy, lúc đó đã là gần 6h sáng.

Ông Quý ngạc nhiên nói:

- - Ôi trời, ôi trời.....Cậu làm cái gì đấy...?

Vợ ông Quý nhìn thấy đống than đã được trộn xong, nhìn lên sân thì những bánh than được xếp thành hàng đều tăm tắp, bà suýt xoa:

- - Trời đất ơi, một mình cậu ấy làm xong gần hết rồi.

Tuấn quay lại cười rồi nói:

- - Cháu xin lỗi hai bác, chắc tại cháu gây ồn ào nên hai bác tỉnh dậy phải không ạ..?

Ông Quý đáp:

- - Ồn gì đâu, cũng gần 6h rồi.....Ngày nào tôi chẳng dậy giờ này, mà sao cậu lại ra sân làm than thế này. Nhìn gần xong chắc cũng phải làm từ giữa đêm còn gì, sao lại phải khổ thế.

Tuấn mặt mũi lem nhem, chân tay toàn than với bùn, Tuấn đáp:

- - Cháu cũng mới làm thôi, không ngủ được, chân tay lại buồn buồn nên tiện cháu làm luôn....Cũng sắp xong rồi, hai bác không cần phải động tay, động chân đâu ạ.

[.....]

Long cười hềnh hệch:

- - Hờ hờ, đại ca quả là cao thủ đó nha. Lấy lòng bố mẹ vợ trong ngày đầu gặp mặt, phải nói là quá đỉnh.

Ông Tuấn cười:

- - Không phải đâu, lúc đó anh chỉ suy nghĩ là ăn uống rồi ngủ lại nhà người ta, trước khi đi phải có gì báo đáp lại mà thôi. Đúng là anh thích Vân ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng sao dám nghĩ đến chuyện xa vời. Bản thân anh khi ấy còn không có nhà để về, bố mẹ, anh chị em thì xua đuổi.

Long hỏi:

- - Vậy sao bác Quý lại gả con gái cho anh.

Ông Tuấn trả lời:

- - Sau buổi sáng sớm hôm đó, thấy quý mến anh nên bố vợ anh giữ anh lại thêm một ngày nữa. Khi hai người trò chuyện, bố vợ anh cũng biết bố mẹ anh, bởi hai nhà cũng không cách xa nhau là mấy, như bây giờ thì người ta nói từ làng này sang làng khác ấy. Nghe anh kể chuyện của mình, cuối cùng bố vợ anh thương tình nên muốn giúp đỡ. Ông cho anh ở lại phụ ông việc chài lưới, bởi lúc đó ông cũng đã có tuổi rồi. Nhưng mẹ vợ anh thì lại không đồng ý, bà nói nhà có con gái chưa chồng, lại để người lạ ở trong nhà không thể được. Nhưng ý bố vợ anh đã quyết, không ai dám cãi. Anh cũng biết ý nên xin dọn dẹp cái nhà kho để củi rồi ngủ ở đó. Ngày đó, mẹ vợ anh canh chừng con gái kỹ lắm. Nhưng dần dần mọi người trong nhà cũng có cảm tình với anh. Hàng ngày anh đi thuyền với bố vợ ra sông đánh bắt cá, lúc rảnh anh thay mọi người làm những công việc nặng cho gia đình. Cái số anh không hiểu tại sao, anh đi khắp mọi nơi, gặp rất nhiều người, đều không phải ruột thịt nhưng họ coi anh như người thân, và đối xử với anh còn hơn cả máu mủ. Anh ở nhà bố mẹ vợ được 1 năm thì anh với Vân chính thức được hai ông bà đồng ý cho tìm hiểu. Và vài tháng sau thì cưới.

Long hỏi tiếp:

- - Vậy lúc cưới bố mẹ anh có đến không...?

Ông Tuấn gật đầu:

- - Có, anh phải quay về nhà quỳ gối van xin bố mẹ đến nói chuyện, ban đầu bọn họ còn sợ sẽ mất tiền này tiền nọ nên từ chối. Chỉ đến khi anh nói, tiền nong, lễ nạp anh đã chuẩn bị xong, chỉ cần bố mẹ đến gặp mặt, ăn miếng trầu rồi có lời xin dâu là được. Lúc đó họ mới đồng ý, nhưng cho đến tận khi ấy, anh vẫn không trách bố mẹ anh, vì anh nghĩ, những gì anh gây ra cho họ khiến họ ghét bỏ anh là đúng.

Long thở dài:

- - Bố mẹ em cũng vậy, nhiều lúc em nghĩ có khi nào ngày xưa họ nhặt em ở đâu về nuôi thì đúng hơn. Nhưng lớn lên thì đúng như anh nói, bậc cha mẹ nào cũng mong con cái nên người, vậy nhưng những thằng như chúng ta ngồi ở đây thì chỉ khiến cho họ cảm thấy xấu hổ. Có lẽ họ còn mong ngày đấy lẽ ra đừng đẻ chúng ta ra ấy chứ......Haiz, nhưng nói gì thì nói, anh vẫn hơn bọn em rất nhiều, quá khứ của anh tuy đen tối, nhưng lúc trở về anh đã thay đổi, tại sao họ lại không chấp nhận.

Ông Tuấn nhếch mép cười:

- - Mọi chuyện đâu chỉ có thế, nhà anh cũng đông anh chị em. Bố mẹ anh thời đó được coi là khá giả, con cái ai lấy chồng,, lấy vợ đều được cho vàng, cắt cho miếng đất để ở......Ngay như anh cả của anh, ở với bố mẹ trong ngôi nhà rộng thênh thang, vậy mà vẫn còn được một suất đất cắm dùi. Nhưng anh, khi anh cưới Vân, bố mẹ anh không thí cho anh một cái gì cả. Tính anh vốn không suy nghĩ nhiều, thời điểm đầu anh vẫn thấy ổn, nhưng khi cưới vợ, nhiều vấn đề phát sinh. Nhà bố mẹ vợ anh còn có 2 cậu con trai, lúc cưới, ông bà đã ngăn gian nhà ra thành một phòng nhỏ cho vợ chồng anh. Và năm sau vợ anh sinh con trai đầu lòng, cuộc sống lúc đó mới thực sự là áp lực. Không phải chuyện tiền bạc, bởi với nghề của gia đình, cộng với sức vóc của anh, cả nhà vẫn có thể sống đầy đủ. Nhưng miệng lưỡi thế gian luôn luôn là thứ cay độc nhất.

Đôi mắt khẽ nheo lại, ông Tuấn đi vào hồi tưởng.

[.....]

- - Bố để con bê cho, thùng đó nặng đấy.

Tuấn một tay vác cái thúng đựng toàn tôm là tôm, miệng nói với ông Quý để thùng cá mình xách luôn cho vào trong chợ. Ngày nào cũng vậy, trừ mưa to, gió lớn, không thì hai bố con đều lên thuyền nan ra đầu nguồn sông quăng chài, thả lưới, nhiều ít cũng đem vào chợ bán cất lại cho mấy bà hàng buôn. Hôm nay trúng mẻ nên tôm tươi, cá to cứ giãy đành đạch. Ông Quý cười rồi bảo con rể:

- - Mày vác nặng rồi, chỗ này có chục cân, thôi cứ để bố xách, bố xách được. Đừng coi thường ông già này.

Tuấn khẽ mỉm cười lắc đầu, càng sống với bố vợ, Tuấn càng thấy ông giống với thầy Nguyên, ngay cả cái cách ăn nói. Đến chỗ mấy mối nhận mua, Tuấn hạ thúng tôm xuống, còn ông Quý xách thùng cá đi lên phía trước. Đang bán tôm cho mấy bà buôn thì đằng trước chợ có tiếng ồn ào, kèm theo đó là tiếng chửi bới:

- - Ơ, thằng già.....Đi đứng thế à, bẩn hết quần tao rồi. Đm, tanh thế này chịu sao được.

Chợ đông nên Tuấn không nhìn rõ, ngay lúc ấy, một bà bán cá trong chợ, bà này hay mua hàng của bố vợ Tuấn, bà ta chạy lại hớt hải:

- - Cậu Tuấn, cậu Tuấn......Ông Quý....ông Quý bị mấy thằng bảo kê ở chợ quây đánh kia kìa......Cậu nhanh lên không...không chúng...nó đánh...ông ấy chết mất.

Tuấn nghe xong, không kịp lấy cả tiền, Tuấn vùng dậy chạy như bay về phía trước nơi đang tụ tập đám đông hỗn loạn. Vừa chạy Tuấn vừa lách qua những người chắn mặt phía trước:

- - Cho tôi qua, cho tôi qua.....Làm ơn tránh ra.....tránh ra nào.

Bên trong đám đống, ông Quý bị một thằng mặc bộ vest trắng, đeo kính đen, đội mũ phớt túm lấy cổ áo, tên này miệng phì phèo thuốc lá, hắn nhả khói vào mặt ông Quý rồi quát:

- - Lão già, lão không muốn vào đây buôn bán nữa rồi phải không...?

Ông Quý, vốn là bộ đội xuất ngũ, tuy ông không giỏi võ như thầy Nguyên nhưng khí chất của một người lính khiến ông không chịu cảnh áp bức của bọn cường hào, ông đáp:

- - Tao sẽ đền, nhưng số tiền mày đòi là quá nhiều, tao không có.

" Bốp "

Gã mặc đồ trắng nóng mắt sau câu nói của ông Quý, hắn thẳng tay vả mạnh một cái vào mặt ông Quý khiến ông Quý ngã nhào xuống đất. Phía sau lưng ông Quý vang lên tiếng của Tuấn:

- - Bố....bố ơi....

Rẽ được đám đông, Tuấn lao vào đỡ ông Quý dậy, nhìn miệng bố vợ bị tát đến chảy máu, Tuấn nghiến răng:

- - Lũ chó, chúng mày chán sống rồi phải không....?