Thanh Dương hồ ở phía Đông bắc ngoại thành Dương Châu.

Hồ rộng nước chảy quanh co. Bên bờ giáp với thị thành trồng toàn liễu xanh rờn, nhánh lá mềm mại, nhiều khúc là hẳn xuống mặt nước trong veo. Giữa những hàng liễu mềm yếu thướt tha ấy, thỉnh thoảng có một khóm cây dương cao ngất, thân cây lớn hàng ôm cổ kính không biết đã mọc từ bao đời nay rồi.

Các trang trại rộng rãi liên tiếp nhau ẩn hiện suốt dãy bờ hồ...

Dương Châu là một đô thị lớn nên du khách chơi hồ hằng ngày đông đảo. Một phần từ xa tới, một phần là các vương tôn, công tử, văn sĩ thi nhân từ thành nội kéo ra các tửu điểm ở dọc bồ hồ, uống rượu phiếm đàm, bình thơ, hoặc mướn du thuyền thả chèo, buông lái mặt cho con thuyền bồng bềnh lênh đênh theo đợt gió.

Bờ hồ bên kia bao bọc bởi mấy ngọn núi đá thấp và rừng cây, cùng những xóm chài lưới chuyên đánh cá câu tôm. Thanh Dương hồ rộng, dài tới vài ngàn mẫu, có rất nhiều tôm cá, nổi tiếng nhất có cá lý ngư và tôm càng vỏ xanh. Bởi vậy, du khách nào đã qua Dương Châu mà chưa ra Thanh Dương hồ thưởng thức hai món cá, tôm đặc biệt đó chưa thể nói là đã biết du ngoạn đất Dương Châu. Cũng bởi số du khách qua đông đảo nên có sự cạnh tranh giữ các điểm. Họ phát tài đua nhau xây dựng mở mang rộng rãi, bày trí cực kỳ trang nhã, điểm nào cũng mong chiều được đủ thị hiếu của tất cả khách quan.

Gần đây có một đại phú gia thành Dương Châu xuất vốn xây dựng quán Hải Hồ, tầng tầng, lớp lớp, đáng kể vào bực nhất thời bấy giờ. Sự tiếp đãi được canh tân hóa, nồng hậu, giá cả phải chăng, nên ăn khách nhất.

Bốn anh em hai họ Chu, Phàn, Thiết Xích Tử và Hạ Thái Phượng cũng tới Hải Hồ quán đặt tiệc trước, rồi mướn chiếc hoa thuyền lớn thả rong chơi...

Thiết Xích Tử lơ mơ nói :

- Cuộc sống ở ba châu Dương, Tô, Hàng thế này, lắm lúc mềm lòng khách tu mi!

Chu Đức Kiệt mỉm cười :

- Mềm lòng khách tu mi vì không nghe thấy tiếng loảng xoảng chiếc xích sắt của tiên sinh phải không? Nghe tiếng ấy, bỉ nhân chỉ thấy gợi cảm có thép và đồng.

Mọi người cùng phá lên cười.

Thiết Xích Tử vỗ vai Đức Kiệt cười ha hả :

- Gác cái đó sang bên kẻo làm tan mất hồn thơ của Tam Sơn này bây giờ! Con người hào hoa như Chu hiệp, ai ngờ được tới tuổi này vẫn phòng không gối chiếc, mượn kiếm làm vui, bạn bè cũng trăng thanh gió mát!

Chu Đức Kiệt làm thinh, nhìn rặng liễu xa xa...

Lam Y nữ hiệp ranh mãnh :

- Tuy vậy, nhưng gia huynh cũng ngấm ngầm lắm đó!

Nói đoạn, nàng ý nhị nhìn Phàn Mộng Liên khẽ nhếch nụ cười khiến Mộng Liên sắc mặt bỗng đỏ ửng im lặng nhìn sóng nước lăn tăn.

Phàn Thế Hùng vội nói để Mộng Liên đỡ e thẹn :

- Cảnh sắc này gây nhiều mỹ cảm, nên hôm nay ai nấy đều vui vẻ... Tiếc rằng, chúng ta chẳng phải thi nhân để đua nhau nhã ngọc phun châu...

Thiết Xích Tử nói :

- Chà, làm thơ tốn rượu lắm, Trương mỗ này chuyên làm thơ con... cóc thôi!

Ai nấy lại phá lên cười vui vẻ...

Bỗng Phàn Thế Hùng chỉ tay ra phía trước :

- Này, hình như có chuyện gì ở kia kìa.

Mọi người nhìn theo phía tay họ Phàn thấy cách nơi đó độ trăm sải tay, ba chiếc thuyền, hai lớn một nhỏ bơi sát vào nhau và người đứng lên lố nhố, hoa chân múa chân múa tay có vẻ khác thường. Chu Đức Kiệt vội bảo phu thuyền bơi lẹ tới đó xem sao...

Khi tới gần cùng chỗ các thuyền khác đã nán lại đó xem việc gì, thì Thiết Xích Tử chỉ tay sang thuyền nhỏ nói :

- Kìa, Thiết Phiến Cô Âu Dương Bích Nữ!

Mọi người cùng nhận thấy trên chiếc hoa thuyền nhỏ có một thiếu nữ mặt hoa da phấn, vận võ phục màu hường viền nhung đen đang đứng gác một chân lên thành thuyền, dáng điệu lẫm liệt, chỉ tay mắng bọn người lố nhố trên hai chiếc thuyền lớn :

- Các người biết điều đi ngay, ai bơi sóng nước bắn lên thuyền ta mà còn thích chí cợt đùa. Để ta nổi giận thì không hay cả lũ bây giờ!

Trên hai thuyền lớn có tới mười người. Trong bọn có hai thiếu niên y phục xa hoa có vẻ vương tôn công tử, còn các người khác vận phục như kẻ theo hầu vậy.

Phu thuyền nói với mọi người :

- Cô gái kia dại dột quá! Dám trêu vào Mộng Hoa Vương thì không xong rồi?

Chu Đức Kiệt hỏi :

- Mộng Hoa Vương là ai?

Và là người áo bào đỏ kia kìa, tức là con quan Đốc binh Diệp Thủ Thừa.

- Mộng Hoa Vương tên chi?

- Dạ, Diệp công tử tên là... là... Thoại Tấn, một tay ăn chơi khét tiếng đất Dương Châu ai ai cũng biết.

Quả nhiên, mấy người trên thuyền lớn đều cười cợt ra vẻ khinh bạc.

Thanh niên vận bào đỏ Diệp Thoại Tấn lả lơi nói :

- Thuyền đó nhỏ quá, chúng tôi mời tiểu thư sang cả đây cho vui, cớ sao lại cho là giễu cợt?

Âu Dương Bích Nữ dựng ngược mày ngài quát lớn :

- Đồ tặc tử, mi đã mời, ta đây đâu có chối từ. Được lắm, coi đây!

Nói đoạn, tay cầm cây giản nhảy vụt sang thuyền lớn khiến thuyền này chòng chành như muốn lật nghiêng.

Năm người trên thuyền phải bám lấy cạnh thuyền cho khỏi rớt xuống hồ.

Âu Dương Bích Nữ đưa khí giới gạt mạnh đẩy mấy tên vận võ phục xuống nước.

Tên áo bào xanh sợ quá chạy ra mũi thuyền níu lấy tay lái.

Diệp Thoại Tấn vội cởi áo dài, rút bơi chèo chỉ mặt thiếu nữ, nạt nộ :

- Con tiện tì này gớm thiệt, dám gây hấn, hãy coi đây.

Dứt lời, Diệp Thoại Tấn vụt ngang lưng địch thủ một chèo.

Âu Dương Bích Nữ cười khanh khách hơi giản gạt văng cây chèo tuột khỏi tay Thoại Tấn, đoạn nàng bỗng xòe cây giản đó ra thành vật gì như chiếc quạt khổng lồ nhắm mặt Diệp Thoại Tấn quất mạnh. Thoại Tấn chỉ kịp nhảy xuống hồ bơi chạy.

Năm bộ hạ trên chiếc thuyền thứ hai vội bơi thuyền tới gần, rút khí giới ra đánh chặn trong lúc mấy người té xuống nước leo lên mạn thuyền bên kia. Cả tên áo bào xanh cũng cùng nhảy xuống nước lúc nào không biết, lóc nhóc ướt như chuột.

Âu Dương Bích Nữ cười khanh khách, gập chiếc quạt khổng lồ lại thành cây giản, phi thân sang thuyền đó áp đảo đánh tơi bời. Bọn người đó không địch nổi nhào cả xuống nước. Mấy tên mới bò được lên thuyền cũng nhào theo.

Các người ở thuyền khác vỗ tay cười ầm!

Âu Dương Bích Nữ chỉ bọn dưới nước nói lớn :

- Có muốn báo thù cứ tìm Thiết Phiến Cô ở Tô Châu. Ta sẵn lòng chờ!

Dứt lời, nàng nhảy về thuyền nhỏ ban nãy vẫn neo gần đó chờ. Phu thuyền chèo đi.

Thiết Xích Tử vội bước ra mui thuyền gọi lớn :

- Thiết Phiến Cô!

Quay lại nhìn, Thiết Phiến Cô nhận ra Thiết Xích Tử, liền bảo phu thuyền chèo tới gần.

Khi hai mạn thuyền giáp nhau, Âu Dương Bích Nữ khoanh tay lại cung kính vái chào :

- Trương tiên sinh nhàn du Thanh Dương hồ có khác, bữa nay đổi y phục nên thiếu chút nữa cháo không nhận ra, thiệt đáng tội.

Thiết Xích Tử hỏi :

- Có công chuyện chi gấp không? Nếu không, xin mời sang thuyền này.

- Cháu đi tìm gia huynh Âu Dương Tòng Đức. Tiên sinh có gặp không?

- Không. Trả tiền thuyền đi. Sang cả đây.

Bích Nữ trả tiền cho phu thuyền, đoạn nhảy sang thuyền lớn.

- Vào đây, ta giới thiệu...

Thiết Xích Tử giới thiệu từng người một.

Âu Dương Bích Nữ nhìn kỹ anh em Chu gia :

- Thế ra đây là Song hiệp đất Bắc, Bích Nữ này đứng trước Thái Sơn mà không biết, quả đáng tội vô cùng:

Chu Đức Kiệt và Lam Y nói vài lời khiêm tốn.

Thiết Xích Tử nói :

- Còn một điều nữa mà cháu không ngờ. Hai hiệp khách đây chính là cháu ruột và đồ đệ của Đức Võ thượng nhân, đã có lần tới nhà ta bên Tô Châu đó.

- À ra vậy!

Thiết Xích Tử nói với anh em Chu gia :

- Đã có lần, tôi qua thăm phụ thân của Bích Nữ là Âu Dương Tòng Thiện bên Tô Châu thì được gặp lệnh thúc phụ ở đó chơi.

Vì bữa ấy, anh em Phàn gia đứng chủ tiệc ở Hải Hồ quán, nên Phàn Mộng Liên lên tiếng mới Thiết Phiến Cô du hồn xong, về quán uống rượu.

Âu Dương Bích Nữ nói :

- Thư thư cho ăn uống, ngu muội đâu dám từ nào, chỉ e không gặp gia huynh thôi.

Thiết Xích Tử hỏi Bích Nữ :

- Tòng Đức hẹn cháu ở đâu?

- Gia huynh đi sớm kiếm người bạn, nhắn cháu tới Thanh Dương hồ. Nếu không thấy thì chính ngọ cứ tới quán Hải Hồ, gia huynh sẽ chờ ở đó.

- Nếu vậy tiện lắm. Lát nữa, chúng ta cùng trở về quán ấy. Khỏi mất công tìm kiếm vô ích... Chuyến này các cháu đi đâu mà qua Dương Châu?

- Ủa! Thế bá phụ không nghe thấy việc Thuận Vương mở hội kỵ mã bên Kim Lăng sao? Gia phụ cho phép anh em cháu sang đó xem hội và gia huynh có ý muốn dự thi luôn thể.

- Chuyến này ta ở Ba Thục tới thẳng đây nên không biết chi cả.

Thiết Xích Tử nói với anh em Chu, Phàn :

- Thuận Vương mở kỵ mã hội ở Kim Lăng chắc hào hứng lắm, quý vị nên tới đó coi.

Lam Y hỏi họ Phàn :

- Chúng tôi chắc chắn đi Kim Lăng rồi, nhị vị thế nào?

Phàn Thế Hùng đáp :

- Bọn tôi phải về Thái An huyện trình qua để gia mẫu khỏi mong chờ, rồi mới có thể đi Kim Lăng được. Chỉ e không kịp thì giờ.

Âu Dương Bích Nữ nói :

- Còn tháng rưỡi nữa mới vào hội nhằm trúng ngày rằm tháng ba. Nếu đi ngay thì thừa kịp thì giờ.

Phàn Mộng Liên nói :

- Hay là mời quý vị qua tệ xá chơi rồi sẽ đi Kim Lăng?

Lam Y gạt đi :

- Qua Thái An huyện yết kiến lệnh mẫu tất phải cần nhiều thì giờ, chi bằng chúng ta hẹn gặp nhau ở Kim Lăng, rồi sẽ cùng về Thái An huyện sau, được không?

Phàn Thế Hùng nói :

- Như thế gọn lắm. Nhưng biết họp nhau tại đâu ở Kim Lăng để tránh sự mất thì giờ tìm nhau?

Lam Y nhìn Thiết Xích Tử hỏi ý kiến.

Thiết Xích Tử nói :

- Hẹn đúng ngày mười bốn tháng ba phải tề tựu ở Cẩm Hương đình gần phủ Thuận Vương. Từ Dương Châu này, mạnh ai nấy đi đừng câu nệ, cho tiện.

Chu Đức Kiệt hỏi :

- Ở trên Bắc, chúng tôi nghe nói Thuận Vương nghịch với Vĩnh Lạc hoàng đế, bề ngoài tuy vẫn giữ lễ vua tôi, nhưng thiệt ra thường chiêu binh mãi mã, thâu nhận nhiều tay võ dũng bằng cách mở hội thi tài ra sức trá hình để tuyển lựa vây cánh hòng mưu bá đồ vương sau này, phải không?

Thiết Xích Tử gật đầu :

- Lời đồn đó quả không ngoa. Dưới trướng Thuận Vương hiện có khá nhiều tướng tá. Trong đó có Ngũ hổ tướng rất dũng mãnh mà Thuận Vương vẫn tự hào là thiên hạ vô địch, và viên tướng tiên phong bách chiến bách thắng. Bọn lục lâm cường đạo đều được thâu dụng. Muốn che mắt triều đình, Thuận Vương khôn khéo nghe lời quân sư Thần Cơ chân nhân, phân phối đồng đảng đi khắp nơi hoặc tu hành trá hình, hoặc lập sơn trại cho tiện việc đồn binh. Nghe đâu chính Phi Không trước đây cũng đã đầu bọn Thuận Vương rất được tin dùng. Kim Cương tự là một chi nhánh quân đội của Thuận Vương. Hạ sát các đầu đà chùa đó đã khiến bọn ta trở thành kẻ tử thù của vị vương giả nguy hiểm đó... Nói tóm lại, chẳng qua Vĩnh Lạc hoàng đế nhu nhược, quá tin dùng bọn gian thần siểm nịnh. Tôi e rằng cuộc dấy loạn tiếm ngôi sau này khó lòng tránh được. Chẳng qua đó cũng là mệnh trời...

Dứt lời, Thiết Xích Tử đăm chiêu nhìn ra phía rừng xa xa ở bờ bên kia Thanh Dương hồ...

Nghe Thiết Xích Tử nói một hồi, ai nấy đều trầm lặng suy nghĩ. Bên ngoài mũi thuyền hai chú lái lẳng lặng, tay lơ đãng đưa nhẹ mái chèo, con thuyền đủng đỉnh lướt trên mặt nước xanh xanh.

Một chiếc thuyền nan nhỏ đi ngược chiều, lão trượng râu tóc bạc phơ vừa chèo, vừa hát điệu Giang hồ điệp khúc:

"Bãi xa nắng giải tơ vàng

Tiếng chài đâu đã sớm tàn thanh âm

Lạnh lùng một chiến nan không,

Buồn trông mái tóc bạc sương Giang hồ".

Tiếng ca lanh lảnh tựa chuông đồng như có hiệu lực thức tỉnh mấy người trên thuyền lớn.

Lam Y hé đầu ra ngoài khuôn cửa bên mui thuyền ngó trời cao :

- Thái dương gần đứng bóng rồi, ta trở về Hải Hồ quán thì vừa.

Phàn Thế Hùng gọi chú lái :

- Trở mũi thuyền về quán đi!

Không bao lâu, thuyền ghé bến Hải Hồ. Trước cổng quan, dưới gốc tòng cổ thụ một mãnh hán trạc ngót tam tuần vận bộ võ phục màu nâu tía, tay vắt áo bào, đứng sững, vẻ mặt mong đợi.

Âu Dương Bích Nữ chỉ tay :

- Kìa, gia huynh Tòng Đức chờ kia rồi, chắc nóng ruột lắm.

Mãnh hán thấy Bích Nữ nhảy xuống bờ trước, nhiều người theo sau thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi nhận ra Thiết Xích Tử liền vội vàng tiến tới lạy chào vấn an.

Thiết Xích Tử vui vẻ vỗ vai người ấy hỏi :

- Tòng Đức hiền điệt chờ lâu chưa? Ta gặp Bích Nữ đánh bọn Mộng Hoa Vương Diệp Thoại Tấn ở đầu kia Thanh Dương hồ nên rủ về cả đây...

Nói đoạn, giới thiệu Tòng Đức với mọi người. Tất cả tám người cùng kéo vào quán nơi bàn tiệc đã đặt sẵn ở ngăn trong cùng an tĩnh.

- Thực khách đã khá đông, thấy đám khách hàng mới vào người nào cũng dũng mãnh quắc thước lại thêm mấy gian nhân tuyệt sắc đi theo thì đều chăm chú nhìn...

° ° °

Nguyên bên Tô Châu, họ Âu Dương ai nấy đều biết tiếng là một họ giàu có, ruộng đất thẳng cánh cò bay, thóc lúa đầy nhà, tiền bạc chật rương. Ngoài ruộng đất, họ Âu Dương còn có nhiều cổ phần trong nhiều hội doanh thương lớn. Cha truyền con nối, hết đời nọ đến đời kia chỉ chuyên việc kinh doanh. Tới đời Âu Dương Tòng Thiện thì lại ưa chuộng võ nghệ từ bế. Cha mẹ chiều con mời danh sư về thôn trang truyền dạy.

Năm Tòng Thiện mười lăm tuổi, xin phép song thân xuống Phúc Kiến theo học Thiếu Lâm tự ở luôn một mạch tới năm hai mươi mốt tuổi mới hạ sơn. Nhờ sẵn có sức khỏe và trí thông minh, Tòng Thiện thâu nhận được hết món võ thuật tinh hoa của môn võ danh tiếng ấy. Tuy thập bát ban võ nghệ đều tinh thông, nhưng Tòng Thiện chuyên dùng đoản đao và lá chắn.

Từ khi hạ sơn, Tòng Thiện giao dịch nhiều quen biết rộng và rất thích kết nạp các hảo hán giang hồ, thành thử đâu đâu cũng biết tiếng. Ngoại trừ tỉnh Tô Châu, họ Âu Dương, kể từ đời Tòng Thiện, còn danh vang khắp nhiều nơi lân cận. Trong trang trại lúc nào cũng tấp nập bạn bè, luôn luôn có tới hàng trăm thực khách, văn nhân thi sĩ, giang hồ hảo hán đủ mặt. Ngay cả đến các vị hòa thượng hoặc động bọc đồng môn, hoặc quen biết cũng thường tới lui Âu Dương trang cùng Tòng Thiện đàm đạo. Bởi vậy khách giang hồ đặt tước hiệu Trại Mạnh Thường cho Âu Dương Tòng Thiện, nghĩa là giống như Mạnh Thường Quân họ Điền thời Chiến Quốc, lúc nào trong nhà cũng nuôi tới vài ba ngàn thực khách.

Ai biết tiếng Trại Mạnh Thường, khi qua Tô Châu vào Âu Dương trang cũng được Tòng Thiện, vắng mặt hay có nhà cũng vậy, tiếp đãi rất châu đáo hậu hĩ.

Về sau, Âu Dương Tòng Thiện lấy con Tô Viên ngoại người cùng tỉnh và cũng là một gia đình giàu có. Vợ chồng Tòng Thiện hạ sanh được hai trai là Tòng Cát, Tòng Đức, và một gái là Bích Nữ. Cũng yêu chuộng võ nghệ như cha, ba anh em họ Âu Dương được cha tập luyện ngay từ hồi còn nhỏ. Vì Tòng Thiện là tay võ nghệ chính tông Thiếu Lâm tự, nhà lại giàu có nên thiết lập võ sảnh rất đầy đủ, chuyên dạy võ thuật cho ba con rất có phương pháp và theo đúng kỷ luật chùa Thiếu Lâm.

Hơn nữa, các tay hảo hán giang hồ, dị nhân, hòa thượng qua lại Âu Dương trang luôn, thấy ba đứa con nhỏ của bạn thông minh đỉnh ngộ, bèn đem ngón hay thế lạ truyền dạy thêm. Thành thử ba anh em Âu Dương đã được chân truyền môn Thiếu Lâm tự, lại còn học ngoài được nhiều đòn hay chẳng khác chi hổ dữ thêm cánh, gấm đẹp thêm bông. Tuy vậy, năm hai anh em Tòng Cát, Tòng Đức ngót hai mươi tuổi vẫn được Tòng Thiện gởi đi ở hai năm tại Thiếu Lâm tự, theo học Đại hòa thượng Chiêu Đức thiền sư vừa là Sư trưởng chùa, và cũng là bạn thiết đồng thời của Tòng Thiện.

Khi Tòng Cát và Tòng Đức trở về Tô Châu thì đã nghiễm nhiên ngồn ngộn như hai con giao long, dũng mãnh, võ nghệ được liệt vào hạng đệ nhất môn đồ của phái võ Thiếu Lâm danh tiếng ấy.

Anh em Âu Dương tuy mới thành nhân nhưng nhờ danh tiếng của cha, nên cũng giao thiệp với đủ mặt anh hùng già có, trẻ có. Những khi cao hứng thường cùng họ giao đấu và chưa hề nhường bước người nào.

Tòng Cát và Tòng Đức đều ưa dùng đoản đao, trường khí thì dùng bát xà mâu. Cả hai anh em cùng kỵ mã rất tài tình. Ngựa thả sức phi nước đại mà lên xuống rất dễ dàng, hoặc luồn qua dưới bụng ngựa, hoặc né người ngồi một bên bàn đạp trong lúc ngựa phi như bay. Bởi vậy Tòng Cát nổi danh với tước hiệu Cái Thiên Ô Vân. Còn Tòng Đức thì hiên ngang với mỹ danh thần Mã Truy Phong.

Trong khi hai anh lớn lên Thiếu Lâm tự, Âu Dương Bích Nữ hãy còn nhỏ tuổi không tiện đi theo, nhưng tới năm mười bảy tuổi, Tòng Thiện cho Bích Nữ vận giả trai cho gọn tiện và cũng ưng ý gửi lên Thiếu Lâm tự. Luật phép trong chùa rất nghiêm khắc, các môn đồ phải nhất nhất tuân lệnh như trong trại quân, vì thế thời gian hai năm tập luyện công phu trên núi Tung Sơn đã đổi Bích Nữ thành một chàng thanh niên mỹ mạo. Cử chỉ của nàng đều mạnh bạo y hệt con trai.

Chiêu Đức thiền sư rất quý chuộng dạy nàng sử dụng thứ võ khí lạ tự Thiền sư chế ra. Đó là cây Thiết phiến có sáu dóng đầu nhọn. Khi chụm lại y hệt cây giãn vuông bằng sắt. Lúc thuận tiện muốn lấy đầu đối phương bất thần xòa sáu dóng đầu nhọn ra, cổ địch thủ sẽ bị tiện đứt như bị cưa vậy. Bích Nữ thâu nhận được cách sử dụng món võ khí ấy rất tinh vi riêng biệt nên mọi người thường gọi nàng là Thiết Phiến Cô.

Trong nhà cũng như ngoài đời, Bích Nữ xử sự như một trang nam nhi đến nỗi nhiều lúc vợ chồng Tòng Thiện quên hẳn mình có một cô con gái. Cũng như hai anh, Bích Nữ có tài kỵ mã đặc biệt, vừa phi ngựa vừa bắn tên. Nàng bắn cài lại phía sau ba lối. Cầm cung tay trái, bắn ngược lại phía trái. Cầm cung tay hữu, bắn ngược lại phía hữu. Nằm ngửa người ngã đầu xuống mông ngựa, nàng bất thần bắn vụt về phía sau bách phát bách trúng, rất nguy hiểm cho địch thủ.

Ba anh em họ Âu Dương còn luyện một lối chuyền tên rất đỗi tài tình. Tòng Cát, Tòng Đức, Bích Nữ mỗi người đeo vào cỗ tai trái một cái biển gỗ hình tròn lớn bằng cái đĩa, sơn trắng. Đứng hình tam giác, cách nhau độ một trăm bộ, Tòng Cát giơ tay đeo chiếc biên đó lên trên đầu. Tòng Đức nhắm bắn một mũi tên cắm trúng biển đó. Tòng Cát nhổ mũi tên đó ra nhắm bắn chiếc biển của Bích Nữ. Bích Nữ nhổ mũi tên ấy bắn chuyền cắm vào biển của Tòng Đức. Cứ như vậy bắn luân chuyển vòng tròng mãi mà chỉ dùng có một mũi tên. Tập luyện lối này rất có lợi trong cuộc chiến đấu trong rừng núi. Lỡ một người hết tên, người kia có thể chuyền tên tiếp tế cho người đó.

Ba cây cung của anh êm Âu Dương bằng gỗ trai do Chiêu Đức thiền sư trao tặng khi ba người hạ san. Thứ gỗ trai này rất dai dẻo và nhẹ nhàng. Từ hồi mới thành lập Thiếu Lâm tự trên ngọn Tung Sơn, Đạt Ma Sư Tổ lấy giống cây trai từ Thanh Hải trên con đường từ Tây Tạng sang Trung Hoa đem về trồng ở Tung Sơn. Rồi từ đời nọ sang đời kia, các sư trưởng gầy mãi giống cây trai, trồng lan ra khắp Tung Sơn. Chi riêng Thiếu Lâm tự dùng gỗ trai làm các khí giới và cung tên.

Người nào có đại lực dùng khí giới toàn thép còn phần đông thì chỉ dùng võ khí cán bằng gỗ trai. Không phải là vì bằng gỗ trai mà các cán võ khí mau bị hư hay là yếu đâu.

Khi hạ một cây trai già xuống, chặt hết lá bỏ đi. Các cành lớn, nhỏ đều được lựa chọn cẩn thận rồi đem ngâm xuống suối trong một thời gian từ bảy đến tám năm. Vỏ cây mục nát buông theo nước, nhưng gỗ còn lại rắn chắc lại. Bấy giờ mới được đem ra dùng hoặc làm cung tên, hoặc làm cán các trường khí. Khi đã bào gọt sạch sẽ, các thứ đó còn được ngâm vào trong dầu tới ba năm mới được thiệt sự đem dùng vĩnh viễn. Tới thời kỳ đó, gỗ trai chét lại rắn chắc như sắt, và lợi ở chỗ nhẹ hơn sắt rất nhiều.

Những tay võ dũng hay dùng đồng côn, thiết côn, nhưng mộc côn của Thiếu Lâm tự dù đấu với đồng côn hay thiết côn cũng chưa hề kém sút về lượng cũng như về phẩm chất. Bởi vậy, cây mộc côn có khắc ba chữ Thiếu Lâm tự nổi tiếng trên chốn giang hồ về phẩm cũng như về lượng, không nhường bước đồng hay thiết côn, vì thứ gỗ trai vốn dĩ đã rắn chắc, lại được ngâm nước và ngâm dầu trong mấy chục năm nên các thớ gỗ quánh lại rắn chắc như thép. Khi sử dụng còn lợi hơn đồng côn thiết côn, vì mộc côn dẻo dai hơn.

Hai đấu thủ cùng xử dụng côn trên đấu trường, một dùng thiết côn, một dùng mộc côn Thiếu Lâm tự. Nếu hai người ngang tài, ngang sức, đấu thủ dùng mộc côn lợi hơn, lanh lẹ đỡ tốn sức dễ bề thủ thắng.

Trong thời kỳ môn đồ theo học Thiếu Lâm tự, Chiêu Đức thiền sư theo đúng quy tắc nhà chùa bắt tất cả môn đệ tập luyện với các võ khí hợp lệ của nhà chùa. Riêng về cây côn, Thiền Sư cho phép môn đồ tùy ý sử dụng đồng hay thiết. Nhưng rốt cuộc, khi đạt tới một trình độ cao, phần đông đều nhận thấy sự lợi hại của cây mộc côn đặc biệt của Thiếu Lâm, nên dùng trở lại. Môn đồ nào chuyên học côn và cung tên, khi hạ sơn cũng được Sư trưởng tặng hai cây mộc côn, mộc cung riêng biệt của nhà chùa. Cũng bởi thứ gỗ trai ấy do Tung Sơn phát xuất nên hảo hán giang hồ đặt tên hai cây mộc côn, mộc cung của Thiếu Lâm tự là Tung Sơn côn và Tung Sơn cung.

Gỗ lên nước đỏ lừ như tiết sẫm nên còn có nhiều người gọi tắt hai thứ khí giới ấy Hồng côn và Hồng cung.

Âu Dương Tòng Thiện rất thân với Chiêu Đức thiền sư, năm nào cũng đi Phước Kiến lên Tung Sơn viếng mộ phần thầy cũ và ở lại một tuần trăng đàm đạo cùng Chiêu Đức.

Năm ấy, như thường lệ, Âu Dương Tòng Thiện cùng Bích Nữ vận giả trai đi Thiếu Lâm tự. Hai cha con đem mấy thứ đồ quý lên tặng Chiêu Đức thiền sư, kỳ đi đó vào hồi cuối năm ngoái. Tòng Cát và Tòng Đức ở lại nhà trông nom công việc.

Hai cha con Âu Dương Tòng Thiện đi đường bộ, rảnh rang, ngày đi đêm nghỉ qua Kim Lăng, Hàng Châu, Chiều Hưng, Lâm Kỳ, Viên Châu rồi vào nội địa Phước Kiến thẳng đường lên Tung Sơn. Không bao lâu đã trông thấy ngọn Tung Sơn hùng vĩ bao bọc bởi rừng trai xanh um. Đi khuất nẻo xóm làng, hai cha con Âu Dương rẽ ngựa vào con đường nhỏ mà cả hai cha con cùng rất quen thuộc. Hai bên đường có lác đác những phiến đá lớn và hai rặng cây trai thân lớn hàng ôm, cành lá rườm rà, ngọn cao ngất.

Tòng Thiện giơ roi ngựa chỉ những thân cây cao lớn :

- Xưa kia, ta thường được theo hầu Trí Dũng thiền sư (tức là sư phụ của Âu Dương Tòng Thiện và Chiêu Đức thiền sư) tán bộ trên con đường này những khi người nhàn rỗi. Các cây trai cao lớn này chính tay Đạt Ma sư tổ trồng từ khi người mới thiết lập ngôi Thiếu Lâm tự.

Bích Nữ lẳng lặng ngước đầu nhìn ngọn cây cao ngất thẳng tắp như thách thức cả trời xanh. Lúc đó đã gần chính ngọ, vầng thái dương chói lọi chiếu sáng mà ánh nắng cũng không lọt qua những nếp lá vừa dày vừa lớn, thành thử cha con Âu Dương có cảm tưởng như đang đi trong dãy hành lang lợp lá cây.

Ngoài tiếng gió vi vu thổi rung đợt lá dày cộm và tiếng chim kêu vượn hót, xa xa chỉ có tiếng vó ngựa đạp trên lá khô xào xạc và những cành khô răng rắc là tỏ ra hiện đang có người, vật đi trong khu hoàn toàn vắng vẻ yên tĩnh này.

Cha con Âu Dương lẳng lặng buông lỏng dây cương mặc cho ngựa theo đường lên núi, mỗi người theo đuổi một bóng hình dĩ vãng khi nào theo học nghệ trên chùa.

Hai người chợt nghe đâu đó có tiếng gọi :

- Âu Dương tiên sinh!

Tòng Thiện và Bích Nữ nhìn quanh, thấy bọn người đốn củi ở rừng bên gánh về chùa. Họ đang ngồi nghỉ cả ở khúc rẽ tay hữu chợt nghe thấy tiếng chân ngựa từ xa đi tới, một người nhiều tuổi nhất trong bọn nhìn ra thì nhận thấy cha con Âu Dương nên mới gọi.

Tòng Thiện vui vẻ vẫy tay :

- A! Miêu lão! Mạnh khỏe chứ? Lấy củi ở rừng bên về, phải không?

Nguyên trên chùa Thiếu Lâm lúc nào cũng có mười người chỉ chuyên môn phụ làm các việc vặt vãnh và đi lấy củi về chùa xài. Tất cả các việc khác trong chùa đều do các hòa thượng và môn đồ chia phiên nhau làm.

Miêu lão râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ rất hồng hào tiến tới, nói :

- Dạ, ở rừng bên mới về tới đây ngồi nghỉ. Tôi đã tưởng có người tới xin theo học, khi nghe thấy tiếng chân ngựa từ xa đến.

Cha con Âu Dương nhảy xuống ngựa vắt cương lên yên.

Bích Nữ vui vẻ chào hỏi mọi người.

Tòng Thiện hỏi Miêu lão :

- Thiền sư có nhà không?

- Dạ có, năm nào vào tháng này mà Sư trưởng chẳng chờ đợi tiên sinh qua vãng cảnh chùa? Hiện người cũng đang có khách. Tiên sinh lên núi đi kẻo trễ.

Cha con Âu Dương lại lên ngựa đi đường vòng quanh núi, không bao lâu đã tới cổng giữa tam quan. Từ trên vọng lầu Tam quan, một tiếng kiểng vang lên báo có khách tới. Âu Dương Tòng Thiện liền ngửng đầu nhìn vẫy tay ra hiệu chào vị thiếu niên hòa thượng đang đứng trên lan can nhìn xuống. Hòa thượng ấy chắp tay cúi đầu chào lại chỉ tay vào phía trong tỏ ý mời khách cứ vào.

Cha con Tòng Thiện xuống ngựa đủng đỉnh qua cổng thứ hai vào thẳng sân chùa. Ở đây đã có Tri khách tăng và mấy hòa thượng khác đón rước.

Nhận ra Tòng Thiện và Bích Nữ, vị Tri khách tăng niềm nở đón chào :

- Sư trưởng ở hậu thiền sảnh, mời người cứ vào. Tiên sinh và tiểu thư chắc chưa dùng bữa trưa. Người còn đợi đó.

Hai người định dắt ngựa ra lối sau, thì một chú tiểu đã chạy ra đón lấy dây cương định dắt hai con ngựa đi nẻo khác. Bích Nữ vội tháo bọc hành lý trên lưng ngựa xuống vác lên vai.

Vừa qua tiền điện thì đã thấy hai vị hòa thượng, một nhỏ bé, một cao lớn đi ra.

Chiêu Đức thiền sư, người nhỏ bé, tươi cười chắp tay nói lớn :

- Mô phật, đang nóng ruột trông chờ, quả nhiên sư huynh tới thăm.

Bích Nữ vội chạy tới quỳ lạy :

- Đồ đệ xin có lời vấn an.

- Cho phép hiền đồ đứng dậy.

Bích Nữ đứng lên rồi lại khép nép quỳ lạy vị hòa thượng cao lớn :

- Điệt nữ xin kính lạy sư thúc.

Vị đó nói :

- Đứng lên con, vị tất hành đại lễ như vậy.

Hòa thượng ấy không phải là người xa lạ, chính là môn hữu của Âu Dương và Chiêu Đức thiền sư hiện đang trụ trì tại Tam Vân Tự, chi nhánh của chùa Thiếu Lâm ở Quãng Châu tỉnh Quãng Đông tên là Ngũ Chấn thiền sư, đứng vào hạng đệ nhị chùa Thiếu Lâm, sau Âu Dương và Chiêu Đức.

Sau mấy lời thăm viếng thường lệ, Âu Dương hỏi Ngũ Chấn :

- Sư đệ từ Quãng Châu qua đây hôm nào? Sau lâu lắm không ghé qua Tô Châu chơi?

- Ngu đệ định nán lại Tung Sơn ít ngày rồi đi Tô Châu thăm sư huynh, nhưng Chiêu Đức sư huynh bảo rằng thế nào sư huynh cũng qua đây đừng đi mất công, thì quả nhiên như vậy. Tới Thiếu Lâm được bảy hôm rồi.

Chiêu Đức nói :

- Bọn tôi đang chờ sư huynh mới dùng bữa. Ta vào hậu sảnh đi kẻo muộn.

Bích Nữ vác bọc hành lý vào thiền sảnh trước. Tòng Thiện và Chiêu Đức, Ngũ Chấn đủng đỉnh vào sau.

Lúc vào tới nơi, Chiêu Đức thấy Bích Nữ để một bọc lớn lên án thư thì có vẽ ngạc nhiên.

Tòng Thiện vội nói :

- Gọi có chút quà biếu sư đệ.

- Năm nào sư huynh cũng cho. Thứ chi vậy?

Bích Nữ mở gói bày ra chiếc áo cà sa bằng nỉ nâu và bộ ấm, chén uống trà, cùng một gói trà lớn.

Tòng Thiện nói :

- Thứ trà Tô Châu này ướp thủy tiên hoa mà sư đệ vẫn ưa thích. Nhà ướp lấy, hương đậm lắm.

Chiêu Đức sai dọn hai căn phòng thường lệ cho Âu Dương Tòng Thiện và Bích Nữ ở. Hai cha con vào rửa mặt thay áo sạch sẽ rồi mới ra dùng cơm chay cùng Chiêu Đức và Ngũ Chấn. Lâu ngày mới gặp nhau, mừng rỡ, chuyện trọ rất vui vẻ.

Hai vị hòa thượng hỏi thăm đến Tòng Cát, Tòng Đức. Tòng Thiện và Bích Nữ hỏi thăm tình hình trong chùa hết chuyện tới chuyện kia.

Cơm nước xong xuôi, cha con Âu Dương đi xem khắp chùa chào hỏi mọi người thì trời vừa hoàng hôn. Chiêu Đức, Ngũ Chấn lên chùa tụng niệm tới giờ tuất mới xong khóa kinh trở xuống thiền phòng. Cha con Âu Dương đã chờ đợi ở đó sửa soạn pha trà uống...

Ba người nhấm nhót uống trà, mùi hương thủy tiên thơm nực cả căn phòng. Bích Nữ ngồi hầu một bên.

Chiêu Đức thiền sư nói :

- Nghe thấy nói năm tới Thuận Vương lại tổ chức đại hội thi kỵ mã phải không hả sư huynh?

Âu Dương Tòng Thiện gật đầu :

- Có nhiều hảo hán qua Tô Châu cũng nói vậy. Vì thế vừa rồi khi qua Kim Lăng, tôi có ý quan sát thì thấy có thợ đang sửa sang lại võ trường. Có lẽ sẽ dùng vào mục đích chăng nào?

Ngũ Chấn nói :

- Chắc chắn là thế rồi. Võ trường Kim Lăng lớn vào bực nhất Giang Nam, nếu dành để đua kỵ mã cũng chẳng lấy gì làm lạ. Nhị sư huynh đã biết thể lệ cuộc đua ra thế nào chưa?

Tòng Thiện và Chiêu Đức lắc đầu :

- Chưa, nhưng rất tiếc là chuyến nào Thuận Vương mở hội đua tài là y như có một số hảo hán táng mạng vì tai nạn. Trái lại, cũng có người được thâu vào làm việc cho Vương phủ.

Ngũ Chấn chép miệng :

- Hoặc trừ khử bớt, hoặc thâu nhận để sau này lợi dụng, đó là hai mục đích tương đối của vị vương giả nguy hiểm ấy! Chắc thế nào bản thể lệ cuộc đua cũng sẽ thông Trương Tam vẫn nay mai đi các nơi để thí sanh con sửa soạn cuộc tranh đua, vả lại họ còn để thì giờ kéo về Kim Lăng chớ! Như vậy các nơi xa chắc phải có thông Tư rồi mới phải lẽ.

Bích Nữ từ nãy vẫn im lặng ngồi nghe, liền nói xen vào :

- Nếu có đua kỵ mã, phụ thân cho phép anh em con dự thi xem anh hùng thiên hạ tài cao tới mực nào!

Âu Dương Tòng Thiện cau mặt mắng át :

- Chà! Con biết chi việc người lớn nói mà vô lễ xen vào? Thi kỵ mã do Thuận Vương tổ chức chẳng phải là cuộc dự thi kén chọn kẻ anh tài, nhưng chính là cuộc mưu mô sát hại anh hùng hảo hán mới đúng nghĩa đó. Sau này sẽ hay, chớ bây giờ chẳng nên háo thắng trong chốc lát gây thù oán để Thuận Vương chú ý tới có ích lợi chi?

Bích Nữ rắn rỏi nói :

- Nếu ai ai cũng lập luận như phụ thân thì anh hùng hảo hán nào còn dám tới võ trường Kim Lăng hưởng ứng cuộc đua nữa. Ta đã biết độc tâm của ban tổ chức phe Thuận Vương thì phải phòng bị đánh bại mưu mô thâm độc, đánh ngã các tướng tá của Vương phủ cho người cầm đầu của chúng biết tay mới gọi là thượng sách chớ!

- Con đừng ngụy biện! Tập được chút ít võ nghệ, con đã tự phụ vô địch coi mục hạ vô nhân hả?

- Thưa phụ thân, con đâu dám cãi lời phụ thân. Xưa nay có học tất phải hành, không lẽ đứng ngoài yên lặng coi bọn hùm beo trong Vương phủ sát hại kẻ hiền lương sao? Như vậy trái với nguyên tắc hành hiệp như phụ thân vẫn khuyên anh em con.

Chiêu Đức và Ngũ Chấn thấy Bích Nữ hùng biện, nhìn nhau cười.

Âu Dương Tòng Thiện bảo Bích Nữ :

- Ta đồng ý với con, nhưng vì sau này triều đình còn cần dùng tới các bực anh tài, vậy ta chẳng nên lộ hình tích. Chừng nào tới lúc các con phải cầm thương lên ngựa, đem tài nghệ sở trường ra giúp Quân vương trừ gian, sát tặc đem lại hòa bình cho muôn dân, khi ấy ta sẽ bằng lòng cho các con ra đi. Nhưng hiện thời còn sớm quá. Nếu anh em con muốn đi xem cuộc thi, ta sẽ bằng lòng cho đi, nhưng dự thi quyết không khi nào! Nghe chưa con!

Bích Nữ im lặng, châm thêm nước sôi vào bình trà rối ngồi sang bên.

Chiêu Đức thiền sư hỏi Bích Nữ :

- Ba anh em con vẫn luyện thuật kỵ mã như trước đó chứ?

Bích Nữ chưa kịp đáp thì Tòng Thiện đã nói :

- Chao ôi! Sư đệ còn nói vậy nữa sao? Chúng luyện tập còn dữ dội hơn lúc đang theo học nhiều. Chế hóa ra nhiều thuật thượng mã, phi mã lanh lẹ nguy hiểm tài tình, chẳng kém chi Mông Cổ trong bộ đội kỵ mã xung phong của Thành Cát Tư Hãn thời trước.

- Nếu vậy đáng phục lắm! Nhưng Bích Nữ con nên nghe lời thân phụ dạy bảo. Lúc này kín tiếng bao nhiêu hay bấy nhiêu. Say này còn nhiều trường hợp đụng độ, các con sẽ có nhiều dịp trổ tài giúp triều đình. Như vậy nghịch vương mới bị nhiều khó khăn bất ngờ. Hiểu lời ta nói không con?

Bích Nữ đứng lên vái :

- Bẩm sư phụ, con hiểu rồi.

- Ta rất nóng xem tài kỵ mã của con. Vậy sáng mai hãy có mặt trên võ trường biểu diễn ta coi.

- Xin vâng lệnh.

- Bây giờ cho phép con đi nghỉ sớm để sáng mai tinh thần tỉnh táo hơn. Mặc anh em ta ngồi đây đàm đạo.

Bích Nữ vái lạy trở về phòng riêng.

Sớm hôm sau, Âu Dương Tòng Thiện, Chiêu Đức và Ngũ Chấn lên võ trường. Võ trường Thiếu Lâm tự là một khu sân đất nền rộng tới non ba mẫu, chia ra nhiều khu cho người mới tập luyện, quyền cước, binh khí, xạ tiễn, cử tạ và kỵ mã. Các môn đồ, thường dân có, tăng đồ có, người áo chẽn người cởi trần, ai nấy đều chăm chỉ hăng hái tập luyện dưới quyền chỉ huy của các hòa thượng phụ trách từng khu vực một.

Quyền múa vù vù, cước đạp thình thịch, tiếng các võ khí song đấu đỡ gạt chan chát lẫn với tiếng hét thỉnh thoảng bật lên ghê rợn.

Khi cử tạ, môn đồ nào cũng cởi trần, tập xách, cử những đòn cây hai đầu lồng bánh xe đá vừa cao vừa dày rất nặng nề, hoặc tập liệng xa hai tay hay một tai những phiến đá lớn. Mỗi lần đá rớt là một lần rung chuyển cả võ trường.

Khu kỵ mã hôm đó, môn sanh luyện phi mã lao giáo vào người bằng rơm tết lại.

Một người ngồi trên ngựa phi như bay, cầm cương một tay, tay kia lăm lăm cầm ngọn giáo lúc cách người rơm chừng ba mươi bộ, lao mạnh cây giáo cắm phập vào đích. Tiếng vó ngựa phi như mưa rào.

Người nào cũng quắc thước gáy to, ngực nở, vai rộng, bụng chét, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn như thừng chão.

Cũng có người gầy guộc. Tuy gầy nhưng toàn thân họ cứng như sắt nguội.

Thấy Sư trưởng tới, các môn đồ đều ngừng tập, cúi đầu chào rồi lại người nào việc ấy luyện tập tiếp tục như thường.

Âu Dương, Ngũ Chấn theo Chiêu Đức đi quan sát từng khu một, xem xét cách luyện và cách chỉ dẫn của các hòa thượng phụ trách.

Ba người đang mãi chú ý tới sự tập luyện của môn đồ, thì Âu Dương Bích Nữ phóng ngựa như bay tới.

Nàng cột ngựa vào khu kỵ mã rồi chạy đi chào khắp mọi người.

Trừ những môn sanh mới tới, còn những người cũ đều quen biết Bích Nữ nên ai lấy đều vui mừng chào hỏi Trong bọn cũng đã có nhiều người hạ sơn rồi. Trông thấy bạn bè ra công luyện tập trong khung cảnh cũ, mà cách đây hai năm, chính nàng cũng như họ vùng vẫy, ganh đua, thi tài, đấu sức, Bích Nữ bỗng bùi ngùi cảm thấy như nhớ tiếc một sự gì đã qua.

Bỗng Chiêu Đức thiền sư vỗ tay ra hiệu gọi Bích Nữ.

- Nàng vội vàng chạy tới khu kỵ mã.

- Con thử phi ngựa ta coi nào!

Bích Nữ xin vâng. Nàng chạy tới chỗ buộc ngựa tháo con Bạch Hồng mã của nàng giắt tới trước mặt Thiền Sư.

Các môn đồ bảo nhau chạy tới khu kỵ mã đứng vòng quanh xem cho thỏa tánh hiếu kỳ.

Ai nấy đều khen ngợi con Bạch Hồng mã khỏe mạnh.

Quả vậy, con tuấn mã hai màu trắng, đỏ này là giống ngựa Hoa Lưu nổi tiếng bên Trung Quốc. mồm nhỏ, cổ vồ, ức lớn, bốn chân mạnh móng dày mà gọn, bờm và đuôi trắng như cước.

Giống tuấn mã này khỏe và dẻo dai, ngày đi ngàn dặm không biết mệt, cao lớn dị thường.

Họ nhà Âu Dương rất sành sỏi về ngựa. Tòng Thiện mua được con Bạch Hồng mã này từ nhỏ và cho Bích Nữ tự nuôi dạy lấy. Bởi vậy nó khôn như người, nhất cử, nhất động đều theo hiệu lệnh của Bích Nữ.

Nàng vỗ nhẹ vào cổ tuấn mã chỉ tay ra phía sau đầu sân bên kia, nói mấy câu.

Bạch Hồng như hiểu tiếng người gật đầu, gõ móng cồm cộp xuống nền đất rồi chạy kiệu nhỏ sang đầu sân.

Bích Nữ theo ra đứng lưng chừng sân, huýt gió.

Bạch Hồng mã phi trở lại như bay... Bích Nữ chờ ngựa chạy ngang qua, liền phi thân phóng theo tay tả nắm bờm, tay hữu nắm đầu yên nhảy lên lưng ngựa ngồi dễ dàng như không.

Bạch Hồng mã vẫn phi như bao vòng qua trước mặt Chiêu Đức thiền sư, Bích Nữ rẽ ngựa sang bên tả phi vòng quanh sân. Nàng nhổm người lên. dồn cả hai chân sang một bên bàn đạp, tay nắm chắc đầu ngựa. Thân con tuấn mã che khuất hẳn chủ nó y như nó chạy mà không có người cỡi vậy.

Bích Nữ thay đổi cả hai bên rồi mới lại ngồi lên lưng ngựa như tức thì vừa vặn về tới trước mặt Chiêu Đức thiền sư, ghì cương lại.

Bạch Hồng mã chồm hai chân tới trước bỏ lên cao đứng bằng hai chân sau, hất mồm hú lên mấy tiếng đắc thắng trước pháo tay của mọi người.

Bích Nữ nhảy xuống ngựa chạy tới trước mặt sư trưởng cúi đầu, con tuấn mã cũng chạy theo cúi đầu gật gật mấy cái, gõ móng xuống đất như bắt chước chủ nó chào lại Thiền sư vậy.

Chiêu Đức và Ngũ Chấn khen ngợi vô cùng :

- Hảo chủ, hảo mã.

Bích Nữ vào giá binh khí, chọn lấy một cây cung và năm mũi tên. Đoạn nàng trở ra nhảy trên mình ngựa thả lỏng cương cho Bạch Hồng mã phi thân lẹ vòng qua chỗ đích bắn tên rồi chạy ngược trở lại...

Nàng rà người sang bên tả sang bên hữu bắn ngược lại phía sau. Hai mũi tên trúng giữa hồng tâm trước sự hoan hô ầm ầm của mọi người.

Nhưng chưa xong! Bích Nữ nằm ngửa trên lưng, đầu ngã xuống mông ngựa, dương cung phát một mũi tên thứ ba ngược lại phía sau. Mũi tên đó trúng giữa hông tâm tách hai mũi tên trước sang hai bên. Bích Nữ ngừng lại như chường kéo cương ngựa cho chạy kiệu nhỏ về tới trước mặt Chiêu Đức, Ngũ Chấn và Âu Dương Tòng Thiện. Nàng nhảy xuống sân vỗ mấy cái vào má Bạch Hồng mã như ban khen. Con tuấn mã gật đầu hí lên mấy tiếng rồi chạy ra đứng bên cọc ngựa. Bích Nữ cất cây cung vào giá khí giới rồi trở ra khép nép đứng vào một bên.

Các môn đồ giải tán, người nào về chỗ ấy tập luyện như thường ai cũng có vẻ phục Bích Nữ kỵ mã thuật và xạ tiễn đã tới mức tuyệt luân.

Chiêu Đức bảo Bích Nữ :

- Ta khá khen con chịu khó điêu luyện nghệ thuật kỵ mã và cung tên. Mức độ còn cao hơn lúc con còn ở chùa nhiều. Nếu môn đồ nào cũng như con thì rạng rỡ cho chùa ta biết là nhường nào! Thôi cho con về nghỉ.

Bích Nữ cúi đầu chào rồi lên ngựa ra khỏi võ trường.

Ngũ Chấn nói :

- Bản lãnh và nghệ thuật kỵ mã như thế, thảo nào Bích Nữ muốn dự cuộc kỵ mã hội sắp tới đây ở Kim Lăng.

Chiêu Đức gật đầu im lặng.

Âu Dương Tòng Thiện nói :

- Nhưng nó có là tay vô địch độc nhất đâu, Tòng Cát, Tòng Đức tài nghệ cũng như nó mà hai đứa trai ấy không đòi dự thí. Chỉ riêng nó bướng bỉnh đòi đi hoài.

Chiêu Đức thiền sư nói :

- Sư huynh an tâm, để tôi khuyên nhủ nó tất phải theo lời. Có những tay lương đống ấy, triều đình cũng đỡ lo một phần lớn, vì binh tướng của Hạn Vương không phải hạng vừa.

- Có một điều mà ngu huynh thắc mắc là không hiểu bọn tay chân tài ba của Thuận Vương do môn phái nào xuất nhân?

- Điều chắc chắn hơn cả là tôi đã cho dò xét, không có một môn đồ Thiếu Lâm nào trong hàng ngũ ấy. Đó cũng là một ưu điểm rồi.

Ngũ Chấn nói :

- Nghe đâu phần đông của bọn Thuận Vương xuất thân từ La Phù sơn và Động Đình hồ. Rất đáng tiếc. Một thí dụ cụ thể là bọn Phi Không bên Dương Châu cũng theo với Thuận Vương từ lâu rồi.

Âu Dương Tòng Thiện lắc đầu chép miệng :

- Những con chó ghẻ ấy làm ô uế cả cửa phật. Nếu gặp, nên thẳng tay tẩy trừ cho kỳ hết.

Ba người vừa đủng đỉnh về hậu sảnh vừa nói chuyện... Cha con Âu Dương ở chơi trên chùa Thiếu Lâm tự có tới mười ngày rồi mới trở về Tô Châu. Lúc bấy giờ đã sang hạ tuần tháng chạp. Từ đó đến sang xuân, bọn giang hồ hảo hán qua Âu Dương trang ai cũng bàn tán tới đại hội kỵ mã ở Kim Lăng, người muốn dự thí, người muốn đi coi.

Âu Dương Tòng Đức có một người bạn tên Tào Chí bên Dương Châu cũng là một tay kỵ mã đại tài nên có tước hiệu là Thiên Lý Mã. Họ Tào tinh thông quyền cước và thập bát ban võ nghệ đầy đủ, chuyên buôn bán, có nhiều tiện buôn bên Dương Châu. Nhờ đó có nhiều tiền ở trang trại riêng và nuôi một tầu tám con ngựa quý tự hào gọi là Bát Tuấn. Tào Chí rất sành về ngựa từ cách nuôi dạy đến xem tướng ngựa hay, ngựa phản. Trong sảnh đường treo la liệt nhiều bức danh họa mã đồ, mỗi bức một kiểu.

Thiên Lý Mã Tào Chí còn trẻ tuổi, nghe thấy bên Kim Lăng sắp có kỵ mã hội bèn lập tức viết thư sang Tô Châu mời anh em Tòng Cát, Tòng Đức sang chơi và đi xem hội luôn thể.

Tòng Đức đưa thơ của Tào Chí cho Tòng Cát xem.

Tòng Cát nói :

- Ngu huynh chờ cùng đi với phụ thân. Nếu hiền đệ muốn sang Dương Châu chơi và cùng đi với Tào Chí thì nên vào trình bày người hay trước kẻo trễ.

Tòng Cát liền vào bày tỏ mọi sự với cha xin phép sang Dương Châu tìm Tào Chí. Bích Nữ biết chuyện cũng đòi đi theo.

Tòng Thiện yên trí các con có bản lãnh nên ưng thuận ngay nhưng cũng khuyên :

- Hai con muốn sang Dương Châu rồi xuống Kim Lăng xem hội cha không cấm, nhưng cha chỉ yêu cầu các con nhất nhất phải tuân lời giáo huấn không được tự ý dự cuộc thi e lộ hình tích, vả lại các con đâu có cần công danh dưới trướng Thuận Vương đâu mà cần thi thố tài năng để được trọng dụng? Trong khi xem cuộc thi, vạn sự nhất nhất nên lưu ý dò xét cách hành động của bọn tùy thuộc Thuận Vương ra sao, các con sẽ hiểu ngay tâm địa phản nghịch của vị Vương giả ấy. Nhớ đem theo khí giới phòng thân cho đầy đủ. Có lẽ cha cũng xuống Kim Lăng cùng mấy vị bằng hữu. ta sẽ gặp nhau ở đó. Nói tóm lại chẳng nên nóng tánh nơi dọc đường thì cha mới an tâm, nghe chưa?

Anh em Tòng Đức sung sướng được cha ưng thuận, nhất nhất tuân lời. Tối hôm đó vào trình bày với mẹ, xong xuôi hai anh em sửa soạn hành trang để hôm sau lên đường.

Nguyên họ Âu Dương cũng là tay thạo nghề kỵ mã nên trong trang Tòng Thiện nuôi một tầu ngựa có tới trên hai mươi con. Con nào cũng khỏe mạnh và được chọn lọc trong những giống ngựa tốt có tiếng trong Trung Hoa. Cũng như Bích Nữ, bọn Tòng Cát, Tòng Đức mỗi người dạy riêng một con ngựa theo đúng phương pháp. Tòng Cát có con Hắc Phong, đen tuyền dọc mũi trắng và bốn vó trắng, da bóng lộn như bồ hóng, hợp cách Tứ Tuấn Mai Hoa. Tòng Đức có con Long Câu đỏ thẫm, bờm và đuôi màu vàng tơ hai vó trắng, đúng cách Mao Hồng, Bạch Cước, Hảo Long Câu. Còn Tòng Thiện thì cỡi con Hoàng Thổ, lưng mông và bụng lốm đốm hoa trắng.

Hai con Hắc Phong và Long Câu mua tận Ký Châu về. Riêng con Hoàng Thổ thì cùng giống ngựa Hoa Lưu với Bạch Hồng mã của Bích Nữ.

Từ biệt mọi người xong, Tòng Đức và Bích Nữ cưỡi ngựa lên đường sang Dương Châu.

Hôm tới Dương Châu, trời vừa tối, hai anh em vào thành tìm quán trọ, sáng hôm sau mới đi kiếm Tào Chí và hẹn gặp nhau ở Thanh Dương hồ...