Đàm Nô lắc đầu: “Tôi không muốn quay lại Trường An nữa, sau này ở Đôn Hoàng, tìm một công việc rồi xuất giá thôi.”

Liên Đăng sợ phải chia cách, cũng cảm thấy chuyện giữa cô ấy và Tiêu Triều Đô không nên kết thúc như vậy: “Chuyển Chuyển vẫn còn ở Trường An mà, sau này tôi còn muốn đi theo quốc sư giành thiên hạ, tỷ không đi cùng chúng tôi sao?”

Đến lúc này cô mới nhớ ra người ngồi trong xe, vội vàng mở cửa ra xem. Quốc sư đang ngồi xếp bằng, vẻ mặt sốt ruột: “Các cô định đưa bổn tọa đi đâu?”

Liên Đăng hớn hở đáp: “Đi Biển Đô Khẩu, tới hành lang Hà Tây.”

Dù sao cũng qua được ải trung rồi, giờ quốc sư có muốn quay lại bọn cô cũng không dừng xe. Quả nhiên, quốc sư rất giận, thốt ra một tràng chửi mắng văn vẻ, Liên Đăng và Đàm Nô ỷ mình không hiểu, không thèm để ý.

Vốn tưởng quốc sư phải mắng ít nhất ba ngày nhưng không ngờ chàng ta chỉ phàn nàn độ một nén nhang đã nghĩ thông suốt: “Bổn tọa chưa đi Tây Vực bao giờ, tới một lần cũng được.”

Có mặt trời chiếu rọi, gió thổi qua cũng thật ấm áp. Liên Đăng thấy quốc sư không gây sự thì lòng nhẹ nhõm hẳn, giật dây cương hỏi chàng ta: “Quốc sư ở mãi một chỗ lâu thế mà không thấy bức bối ư? Hay là quốc sư lại mượn danh nghĩa bế quan để đi thăm thú hết kì quan thắng cảnh rồi?”

Quốc sư dựa vào thành xe nhìn ra cảnh sắc bên ngoài, dáng vẻ biếng nhác. Dường như chàng ta không nghe thấy lời Liên Đăng nói, chỉ lẩm bẩm: “Cuối cùng cũng được rời khỏi Trường An…”

Ngữ điệu của chàng ta nghe vẻ hết sức vui mừng, sao phản ứng lại khắc hẳn vừa nãy thế? Liên Đăng quay đầu nhìn chàng ta: “Quốc sư nói gì vậy?”

Chàng ta nhếch khóe môi đầy tao nhã, khuỷu tay đặt lên cửa sổ song hoa, ngón tay trắng muốt chống cằm, đáp lấy lệ: “Không có gì.” Một chốc sau, chàng ta bật cười: “Sau này e là chúng ta phải nương tựa lẫn nhau rồi, bổn tọa sức yếu, bọn cô phải chăm sóc tốt vào đấy.”

Liên Đăng cuống quýt gật đầu. Nghĩ đến chuyện chàng ta thường xuyên phải hiến máu cho Đàm Nô, cô thấy có hầu hạ như thế nào cũng được cả.

Chàng ta thở dài, hơi nghiêng đầu, rủ mắt nhìn viền vân mây trên vạt áo, từ tốn nói: “Đôn Hoàng cách Trường An bốn nghìn dặm mà lúc đến các cô đi mất những bốn tháng, như thế là quá chậm. Bây giờ đang là Xuân phân, tháng tư đi đến quận Vũ Uy, tháng năm đến Tửu Tuyền. Chỉ tầm đó thôi.”

Liên Đăng và Đàm Nô kinh ngạc, hai tháng đi bốn nghìn dặm gần như là không thể. Liên Đăng không nỡ dập tắt vẻ hào hứng của chàng ta, chỉ nói chầm chậm: “Thỉnh thoảng sẽ gặp thời tiết xấu như mưa chẳng hạn, còn cả gió sa mạc nữa, mấy chuyện đó sẽ làm chậm tiến trình.” Thấy quốc sư có vẻ khó chịu, Liên Đăng vội đánh mắt với Đàm Nô rồi tức khắc gật đầu: “ Nếu quốc sư muốn đi nhanh thì chúng ta sẽ cố gắng! Nhưng hai tháng thì gấp quá. Cứ xem tình hình đã, nếu nhanh được thì cố nhanh. Còn nếu ông trời không thuận cho thì đi chậm một chút, quốc sư cũng đỡ mệt nhọc.”

Quốc sư liếc xéo cô, sóng mắt dập dềnh: “Mau đến thành Toái Diệp giết Định Vương cho xong rồi còn về Trường An giành lại cái ghế quốc sư của tôi. Tôi đã cảm nhận được sâu sắc một điều, đàn ông mà không có quyền thế trong tay thì chẳng khác gì hổ không răng, ngay như cô mà cũng dám bắt nạt tôi.”

Liên Đăng kêu lên: “Oan quá, tôi bắt nạt quốc sư bao giờ? Rõ ràng toàn là quốc sư bắt nạt tôi!”

Quốc sư hừ nhẹ, vừa thản nhiên nằm hưởng thụ trong xe vừa liệt kê một đống tội trạng của cô: “Cô bỏ thuốc bổn tọa, gọi bổn tọa là chú, còn hại bổn tọa phải tự phá hủy hình tượng, dịch dung thành hình dạng xấu xí thế này. Bình thường cô có dám làm thế không? Nay bổn tọa là hổ xuống đồng bằng, cô còn không cho bổn tọa trách cô đôi câu à?”

Liên Đăng không có gì để nói, thật ra không phải cô không tìm được lí lẽ phản bác, chẳng qua là cô muốn chàng ta xả cơn tức ra, xả đủ rồi sẽ lại bình thường.

Dù sao cô cũng đang rất vui vẻ. Liên Đăng khẽ quất roi lên càng xe. Cô nhìn sang Đàm Nô, rủ rỉ: “Tỷ vẫn còn yếu, vào trong nằm nghỉ một lát đi.”

Đàm Nô nghe xong lắc đầu cười. Cô không dám ở gần quốc sư như thế, tuy rằng qua cách quốc sư ở cùng với Liên Đăng, cô thấy chàng ta cũng không hẳn là xấu, nhưng sự ấm áp của chàng ta chỉ dành riêng cho Liên Đăng mà thôi. Đôi khi, cô sẽ nhìn thấy vẻ lạnh lẽo, ẩn chứa sự khát máu, vô tình trong mắt chàng ta. Trước đây, cô từng sống giữa bầy tử sĩ nên chẳng hề xa lạ với những biểu hiện lúc lơ đãng ấy. Cảm giác mà quốc sư đem đến cho cô là sự thâm sâu khó lường, mỗi hành động của chàng ta đều có ý đồ, cô đứng ngoài quan sát mà nảy sinh nỗi sợ hãi không thể lí giải được. Phải đồng hành dưới tình huống không còn lựa chọn nào khác thì sự nhẫn nhịn tạm thời của chàng ta cũng chỉ vì phục vụ những toan tính ngày sau. Chỉ mong quốc sư không giống như cô đoán, bởi vì Liên Đăng thích quốc sư nên Đàm Nô đành cố thuyết phục bản thân chấp nhận chàng ta, ít nhất thì cũng đừng thấy chàng ta chỗ nào cũng khả nghi.

“Đến Địch Đạo phải đổi sang phi ngựa mới được, đi xe chậm quá, còn chẳng bằng tốc độ lúc chúng ta đến Trường An.”

Liên Đăng thấy chẳng sao cả, vết thương trên lưng khá lên từng ngày, cưỡi ngựa thần tốc cũng không có gì đáng ngại. Cô chỉ lo hai người họ không chịu nổi, một người còn yếu, một người thì hay kén chọn, nhỡ mệt mỏi lại đổ bệnh.

Đánh một giấc cả đêm rồi quốc sư cũng có tình người hơn, chàng ta nâng tay áo gọi: “Các cô vào đây nghỉ ngơi đi, để bổn tọa đánh xe cho.”

Đàm Nô vẫn còn chút nghi ngờ nhưng Liên Đăng lại mảy may chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ ngốc nghếch hỏi: “Quốc sư có biết đường không?”

Chàng ta thoáng ngừng lại, nói lập lờ: “Cô chỉ hướng cho bổn tọa, về tổng thể thì không đi sai được đâu, chỉ có càng ngày càng gần Đôn Hoàng thôi.”

Liên Đăng nói không cần, rồi lại một mực bảo Đàm Nô vào trong. Vậy là quốc sư đổi chỗ với Đàm Nô, chàng ta tựa như tấm biển hiệu sống, ngồi trên ván xe đầy phong lưu phóng khoáng. Gió nơi ngoại ô thổi tà áo bay phất phới, vậy mà chàng ta vẫn mang vẻ sạch sẽ không nhuốm bụi trần.

“Sau này không thể gọi quốc sư được nữa, cô đổi cách gọi đi. Bổn tọa đặc cách cho cô gọi thẳng tên bổn tọa.” Chàng ta ra vẻ rộng lượng.

Liên Đăng chần chừ một lúc, gọi chàng ta là Lâm Uyên ư? Cô không gọi thế được.

Chàng ta nhíu mày: “Tại sao? Tên tôi không hay à?”

Cô cười đáp: “Không phải vậy. Gọi quốc sư hợp hơn gọi tên, hơn nữa trong lòng tôi luôn kính trọng quốc sư, nếu gọi thẳng tên lại chẳng hóa ra không phân biệt lớn nhỏ, phá hủy tôn ti trật tự.”

Thế nên nhiều khi kính trọng quá cũng không tốt. Chàng ta bùi ngùi: “Lâu lắm rồi bổn tọa không được nghe người khác gọi tên, sống mà như quên mất bản thân, thế gian chỉ biết đến quốc sư, chẳng ai biết quốc sư tên là Lâm Uyên.” Chàng ta cười nhạt: “ Nếu không quen thì đổi cách khác, tôi không có biệt danh, hay là gọi A Lâm nhé? A Uyên thì sao nhỉ? Hay là giống Phương Châu ấy, cứ gọi a huynh đi!”

Thế thì cô lại càng không dám, nhưng chàng ta biết hết mọi bí mật giữa cô và Phương Châu như thế quả là kì lạ.

Cô thận trọng hỏi: “Quốc sư biết chuyện của Phương Châu và A gia tôi không? Hình như huynh ấy rất thân thiết với A gia tôi, nghe nói A gia tôi còn hứa gả tôi cho huynh ấy nữa.”

Chàng ta lấy làm kinh hãi: “Cậu ta nói với cô như thế hả?” Nói rồi, mặt chàng ta sa sầm lại: “Cô lại còn tin cậu ta nữa hả? Hai người chênh lệch tuổi tác rất lớn, cậu ta quen mẹ cô từ khi cô mới năm, sáu tuổi, A gia cô có bạc đãi cô thế nào cũng không hứa hôn cô cho cậu ta đâu.”

“Ồ, thế là tốt rồi. Tôi còn định tranh thủ đi tìm mộ của A gia, kể chuyện ở Trường An cho ông ấy. Nếu không có gì thì càng đỡ mất công.”

Chàng ta hơi tò mò: “Cô không muốn tìm hiểu ngọn ngành sao? Biết cha mình là ai rồi thì ít ra cũng nên đi bái tế chứ.”

Liên Đăng nheo mắt nhìn đường nhỏ ngoằn nghèo, lắc đầu: “Tôi không muốn quấy rầy ông ấy, ít nhất trước khi báo được thù, tôi sẽ không đi. Nếu không chắc chắn thì tốt nhất là không nên nói với người khác. Làm được thì sẽ là niềm vui bất ngờ, nhưng nhỡ không được thì không hi vọng sẽ không thất vọng.”

Đôi khi, sự thông suốt của Liên Đăng khiến người khác phải bất ngờ. Nhưng thường thì cô không nghĩ nhiều đến thế, có lẽ là do kí ức vẫn chưa hoàn chỉnh. Nếu có ngày cô khôi phục được kí ức, không biết sẽ trở nên như thế nào.

Dù sao chăng nữa, sau đi qua Trần Đào là đã gần như an toàn rồi. Họ vốn quyết tâm ra khỏi hành lang Hà Tây trong hai tháng. Nhưng thực tế cho thấy đi cùng con gái có rất nhiều chuyện vụn vặt phát sinh, dọc đường vừa đi vừa nghỉ, hành trình không giống trong suy nghĩ của chàng ta, nhưng cũng có nét riêng của nó.

Qua khoảng mười mấy ngày, họ đi tới Bình Lương. Hôm Cốc Vũ* gặp trận mưa lớn, họ không vào thành mà dừng chân ở một ngôi miếu hoang gần đó. Lúc ấy trời đã chuyển tối, may mà giá nến trên đài tế vẫn còn sót hai mẩu nến. Bọn họ châm nến, nhóm lửa, lấy mấy miếng bánh nướng ra, ăn kèm với nước mưa là xong bữa.

*Cốc Vũ: một trong hai mươi tư tiết khí của lịch Trung Quốc, thường bắt đầu vào ngày 19, 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch.

Mấy ngày liền không ăn thịt, quốc sư lại bắt đầu phàn nàn, duỗi tay soi trước đống lửa: “Không có tí mặn, da tay bổn tọa sắp khô nứt ra rồi.”

Liên Đăng cứ luôn răm rắp chiều ý chàng ta, kiểu ở chung như này rất kì lạ. Nhiều lúc Đàm Nô nghi ngờ có khi nào hai người họ bị hoán đổi thân xác hay không, bởi vì tình huống như thế chẳng giống lẽ thường chút nào. Liên Đăng đáng thương y như một gã độc thân góa vợ lâu năm bỗng nhiên cưới được cô vợ xinh đẹp mỹ miều, hèn mọn đến mức phải gọi là có một không hai.

- -----oOo------