Một ngày trời đông, từng cơn gió lạnh mang theo hoa tuyết rơi xuống trên từng nhánh cây đã trụi lá.

Khắp kinh thành náo nhiệt ăn mừng ngày đại hôn của một vị tướng quân trẻ tuổi, người đã có công mở rộng bờ cõi, bảo vệ biên cương và đưa Thiên Di công chúa – bảo bối của nước Vệ trở về từ tay quân thù.

Ngày đại hôn của y, hồng trang mười dặm đón rước tân nương tử.

Thế nhưng, nơi kiệu hoa xuất phát lại không phải từ hoàng cung, mà từ phủ Thượng thư Binh bộ.
Tân nương của y không phải nàng công chúa mà y khó khăn lắm mới có thể cứu được từ trong hiểm cảnh, tân nương của y là khuê nữ phủ Thượng thư chứ không phải nàng công chúa đã qua một lần xuất giá.

Người ta ngợi ca họ là một đôi tiên đồng ngọc nữ, trai tài gái sắc mà không hay biết rằng, để có được vinh hiển đó, vị tướng quân kia đã lợi dụng nàng công chúa tội nghiệp như thế nào.
Trái ngược với khung cảnh náo nhiệt bên dưới, bên trên tường thành cao vời vợi kia, một bóng người cô tịch đứng dựa vào thành, đôi mắt dõi theo tân lang cưỡi ngựa đi trước kiệu hoa bên dưới.

Y vẫn nở nụ cười rạng rỡ giống hệt như ngày mà y hộ tống kiệu hoa của nàng sang nước người.

Nhưng hôm nay, người mà y hộ tống là thê tử của y, người sẽ cùng y kết tóc se duyên, nâng khăn sửa túi cho y cả phần đời còn lại.
Trên người nàng cũng là hồng y, nhưng đó lại không phải là hỉ phục.

Trâm ngọc trên tóc nàng tuy quý giá, nhưng nó không phải mũ phượng dành cho tân nương.

Hàng lông mi dày khẽ run rẩy khép lại, một giọt lệ tựa châu ngọc trào ra bên ngoài khóe mắt.

Đôi môi đỏ mím chặt rồi lại buông lỏng ra, theo đó là một tiếng thở dài não nề.


Dung mạo của nàng chỉ một từ “xinh đẹp” thôi là chưa đủ để diễn tả, nhan sắc của một nữ nhân được mệnh danh là đệ nhất mỹ nhân Vệ quốc sao có thể chỉ được hình dung qua hai từ đơn giản ấy? Nhưng hồng nhan bạc phận, bông hoa càng xinh đẹp mỏng manh lại càng dễ bị số phận vùi dập.
Nàng là một nhân vật được nhắc đến trong lời tán dương của người dân khi nhắc về chiến công của Hộ quốc tướng quân Dương Hiểu Phong – Thiên Di công chúa Tống Di Nguyệt.

Vốn dĩ, nàng từng là tiểu phúc tinh của Vệ quốc, là hòn ngọc bảo bối trên tay hoàng đế nước Vệ.

Thế nhưng, bởi những quyền mưu chốn cung cấm, nàng đã bị tước đoạt đi ánh sáng của riêng mình.

Để rồi từ ngôi sao sáng trên cao, nàng trở thành sát tinh bị người người né tránh.

Nếu không phải vì nhan sắc khuynh quốc khuynh thành, nếu không phải vì cái danh “đích xuất công chúa”, có lẽ Thiên Di công chúa sớm đã trở thành một cái tên bị lãng quên.
Năm Quang Thuận thứ chín, nước Vệ bị một trận hạn kéo dài.

Trận hạn kéo dài trong suốt một năm trời làm cho nhân dân khổ cực trăm bề.

Giải pháp duy nhất có lẽ là cầu cho trời mưa xuống.

Nhưng dẫu cho hoàng cung đã tổ chức biết bao nhiêu đàn lễ cầu mưa, mặc cho sự mong ngóng của con dân trăm họ, vẫn không có hạt mưa nào rơi xuống để cứu rỗi cho sự khô cằn và sự sống ngày càng mong manh ở nơi này.
Cho đến một ngày mùa thu năm Quang Thuận thứ mười, hoàng hậu trở dạ lâm bồn, sinh ra một đôi long phượng thai.

Bất ngờ ở chỗ, khi hai đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời không lâu, ngoài trời bỗng đổ mưa, và đó cũng là sự mở đầu cho những cơn mưa sau đó.

Cơn mưa đã làm cho nước Vệ được hồi sinh.


Và ngay lúc cơn mưa đầu tiên bắt đầu, cửu công chúa đang nằm trong tả lót ngưng khóc.

Thế là từ đó, có lời đồn thập tam hoàng tử và cửu công chúa chính là phúc tinh, là thần tiên được nhà trời phái xuống đem mưa đến với Vệ quốc.
Thân là công chúa dòng chính, là con gái út của Quang Thuận đế, lại thêm sự trùng hợp kia, trong suốt sáu năm đầu đời, Di Nguyệt là bảo bối mà Quang Thuận đế cầm trên tay sợ rơi, ngậm trong miệng sợ tan.

Bao nhiêu vinh hoa phú quý, bao nhiêu ân sủng của hoàng đế nàng đều có được.

Từ đó đã dưỡng thành một nàng công chúa nhu nhược, yếu ớt chỉ biết trông cậy và dựa dẫm.
Và rồi… biến cố bắt đầu ập tới.

Đầu tiên là việc hoàng thái tử, tức là trưởng ca cùng mẫu thân với nàng hi sinh trên chiến trận.

Người được chọn để kế vị tiếp theo là thập tam hoàng tử cũng không may gặp nạn rồi chết mất xác.

Trong cung lúc này bắt đầu lan truyền tin đồn chính Di Nguyệt đã hút đi sinh mạng của những người xung quanh để duy trì sự sống và vẻ đẹp của mình.

Thật nực cười! Một đứa trẻ sáu tuổi thì làm sao có được năng lực đó? Và thế là lại có thêm một tin đồn nữa.

Họ xem nàng là yêu quái đầu thai thành…
Hoàng đế ban đầu không bị những lời đồn này lay động, vẫn cưng chiều Di Nguyệt như cũ, thậm chí là có phần nhiều hơn.


Thế nhưng, biến cố lớn nhất ập tới.

Hoàng hậu… qua đời.
Cái chết của hoàng hậu là một ẩn số, người ra đi một cách bất chợt, không có bệnh và không tìm thấy chất độc.

Lời đồn được đưa lê.n đỉnh điểm và Quang Thuận đế - người vốn rất yêu thương hoàng hậu cũng không tránh khỏi hoài nghi.
Và rồi số lần phụ hoàng lui tới Dạ Tinh cung của nàng cứ vơi dần, mãi cho đến khi nàng chỉ có thể nhìn người từ xa mỗi dịp cung yến.

Quang Thuận đế không lập kế hậu, địa vị của Di Nguyệt vẫn thế, nhưng nàng không nhận được tình thương nữa.

Nàng sống đơn độc trong Dạ Tinh cung sơn son thếp vàng.

Đãi ngộ của nàng vẫn giống như những công chúa, hoàng tử khác, nhưng ai ai cũng hiểu nàng giờ là một công chúa bị ghẻ lạnh.

Và đối với một người từng nhận được vô vàn đặc ân như nàng mà nói, việc nhận được đãi ngộ giống như những người khác chẳng khác nào một nhát dao chí mạng, một công văn thừa nhận nàng đã mất đi vị trí trong lòng phụ hoàng.
Thâm cung hỗn tạp, bởi vì bản thân đã mất đi ánh sáng nên Di Nguyệt phải một mình đối chọi với rất nhiều thứ.

Nàng phải chống trả lại đám hậu cung phi tần và những công chúa khác, ngoài ra còn phải chịu đựng đám cung nhân hầu hạ, những kẻ thích nâng cao giẫm thấp.

Bên ngoài nhìn vào, nàng vẫn là đích xuất công chúa quyền quý, nào ai biết được rằng, bên trong lớp vỏ hào nhoáng ấy là một tiểu cô nương sớm đã bị vắt cạn đến kiệt quệ.
Người duy nhất còn lại bên nàng là Lâm Quang Hạo – hảo bằng hữu của Thái tử, cũng là thanh mai trúc mã, nhìn Di Nguyệt lớn lên.

Bởi vì cố kị một bức tường thành, cố kị thân phận hay chính là cố kị lễ giáo, y không thể thường xuyên ở cạnh nàng.

Nhưng y luôn cố gắng mang đến niềm vui cho nàng, giúp đỡ, động viên, an ủi nàng.

Nàng yêu y, thứ tình yêu trong sáng và thuần khiết nhất.


Quan hệ giữa hai người tốt đến mức, từng có lời đồn Lâm Quang Hạo chính là cửu phò mã.

Thế nhưng, tin đồn đó đã chẳng thể trở thành sự thật.
Một ngày trời đông giá rét, cái lạnh cắt thịt cắt xương lùa vào khuê phòng Di Nguyệt.

Đó cũng là lúc nàng nhận tin… Quang Hạo qua đời.

Lại là một cái chết bất đắc kì tử không rõ nguyên nhân, lại là một người thân ở cạnh Di Nguyệt ra đi vĩnh viễn.

Theo đó, lời đồn nàng là yêu nữ họa quốc ngày càng lan rộng.

Người khác nhìn thấy nàng ngoại trừ khinh bỉ bây giờ lại có thêm e sợ.

Và rồi, chẳng mấy ai dám lui tới Dạ Tinh cung nữa…
Cuộc sống của nàng cứ thế trôi qua trong vô nghĩa.

Cho tới khi biên cương nước Vệ lâm nguy, nàng được gả sang nước Lạc để thể hiện sự giao hảo giữa hai nước, bắt tay nhau để chống lại Tây Vực và nước Thục.

Phu quân của nàng không ai khác chính là hoàng đế nước Lạc – Duẫn Tử Kỳ.

Có lẽ đây là một chút may mắn bởi sau khi gả sang, nàng là hoàng hậu dưới một người trên vạn người, không còn là một công chúa hữu danh vô thực nữa.

Và may mắn hơn khi mà hắn – bậc quân vương cao quý của nước Lạc lại thật lòng yêu thương nàng.
Thế nhưng… niềm vui ngắn chẳng tày gang… Chính sự khờ dại của nàng đã làm cho chút ánh sáng mong manh vừa đến với mình phải vụt tắt….