Kiếm tu trẻ tuổi vườn Phong Lôi vừa nhìn thấy thiếu niên thiếu nữ lập tức thần thái rạng rỡ, câu đầu tiên nói với Ninh Diêu là:
- Tiểu cô nương, cô lớn thêm chút nữa nhất định không kém hơn Tô tiên tử nhà ta.
Đây có lẽ là đánh giá cao nhất của kiếm tu trẻ tuổi đối với phái nữ trên thế gian.
Sắc mặt Ninh Diêu đương nhiên không tốt lắm. Nhưng không đợi nàng lên tiếng, Lưu Bá Kiều biết nói tiếng địa phương của trấn nhỏ đã quay đầu đi, giơ ngón cái lên với Trần Bình An. Ánh mắt của vị thiên tài kiếm tu vườn Phong Lôi trong vắt, nói:
- Chỉ với thân thể người phàm mà dám khiêu chiến con vượn hộ sơn núi Chính Dương, hơn nữa còn sống sót, đúng là một kỳ tích!
Lưu Bá Kiều thật sự tò mò, thiếu niên giày cỏ trước mắt thoạt nhìn tay nhỏ chân bé, làm thế nào ẩn chứa sức bộc phát kinh người như vậy?
Lưu Bá Kiều thu ngón tay lại, không đi cùng Trần Đối và Trần Tùng Phong ở phía trước mà lại đi bên cạnh Trần Bình An, quay đầu cười nói:
- Tuy núi Chính Dương kia là một ngọn núi nhỏ, ẩn nấp một đám rùa rút đầu hữu danh vô thực, nhưng con vượn hộ sơn kia danh tiếng hung ác lẫy lừng, là danh hiệu dùng nắm tay đánh ra được. Nhất là sau khi lão tổ khai sơn của núi Chính Dương chết, trong hai trăm năm trước khi núi Chính Dương mở ra ngọn núi thứ ba, gần như đều dựa vào con vượn già này che chở mới không bị thế lực xung quanh thôn tính. Đương nhiên khi đó núi Chính Dương chỉ là một môn phái nhỏ chẳng ra hồn, kẻ địch phải đối diện cũng không quá mạnh. Nếu lúc ấy chọc phải vườn Phong Lôi chúng ta, hà, chẳng có gì đáng nói cả. Chỉ cần lão tổ ra lệnh một tiếng, ban cho ta một tấm ngự kiếm bài, ta có thể một mình chạy đến phía trên núi Chính Dương, nhẹ nhàng ném xuống Lôi Trì kiếm trận của chúng ta. Sau khi trận mưa kiếm này rơi xuống, núi Chính Dương xem như xong rồi.
Lưu Bá Kiều làm động tác tiện tay ném đồ xuống đất.
Ninh Diêu không hề nể mặt trực tiếp vạch trần:
- Núi Chính Dương không tệ như ngươi nói, vườn Phong Lôi cũng không mạnh như vậy.
Lưu Bá Kiều không hề tỏ ra lúng túng, dùng thế sét đánh không kịp bưng tai thay đổi đề tài, nói với Trần Bình An một cách thần bí:
- Nghe nói tiền thân của cầu mái che này là một chiếc cầu vòm đá, phía dưới cầu treo một thanh kiếm cũ rỉ sét, nhằm đề phòng rồng ra khỏi nước đúng không? Thông thường mà nói, thứ đồ chơi cũ nhìn không nổi bật này nhất định không phải vật tầm thường, nói không chừng là linh bảo thần vật khiến trời đất kinh quỷ thần khiếp.
Lưu Bá Kiều gắng sức giậm chân xuống hành lang bằng gỗ, nói:
- Nhưng vừa rồi ta nằm dưới đất dùng tay gõ cả buổi, cũng không phát hiện được đầu mối, chẳng lẽ vật này không có duyên với ta sao? Theo lý mà nói thì không thể, một thiên tài kiếm đạo hiếm thấy trên đời như ta, thanh kiếm cũ kia nếu thật là thần binh lợi khí, cho dù không tự mình chạy đến bên cạnh ta nhận chủ, cũng phải có cảm ứng cộng hưởng chứ? Chẳng lẽ thanh kiếm kia chỉ là một thứ đồ cũ lâu năm mà thôi? Ài, đáng tiếc, đáng tiếc.
Trần Bình An bên cạnh hơi ngớ người. Đối phương có vẻ rất nghiêm túc, không hề giống như đang nói đùa, mặc dù chắc chắn không liên quan gì đến mấy chữ “có lý có căn cứ”, nhưng ngươi lại không thể nói hắn hoàn toàn nói hưu nói vượn.
Lưu Bá Kiều cũng mặc kệ Trần Bình An có thấy phiền hay không, thản nhiên kể về những chuyện thú vị hiếm thấy ở trấn nhỏ. Chẳng hạn như người nào đó lấy được một phần cơ duyên khiến người ta đỏ mắt, lại kéo cả sợi xích ở giếng Thiết Tỏa ra khỏi giếng sâu. Còn có người nào đó đi dạo mấy ngày cũng không tìm được cơ duyên, cuối cùng đi vào một ngõ nhỏ đổ nát, tùy ý ngẩng đầu nhìn lên, phát hiện vách tường phía trên cửa lớn có khảm một chiếc gương đồng nhỏ. Người nọ mang tâm lý ngựa chết vẫn thử cứu, trèo thang lên quan sát, ái chà, đó lại là lão tổ tông trong đám kính chiếu yêu, hoa văn vân lôi liên hồ (1), được khắc tám chữ nhỏ “ánh sáng trời trăng, thiên hạ rõ ràng”. Vị huynh đệ kia cao hứng đến mức đứng ở trên thang gào khóc. Còn có một vị thiên kim tiểu thư xuất thân từ kỵ binh Hải Triều, gặp họa mà lại thành phúc, làm quen được với Thôi công tử của thư viện Quan Hồ, hai người gặp lần đầu mà như đã quen thân...
Sau khi đi qua cầu mái che, Trần Đối và Trần Tùng Phong tự động đi chậm lại, để Trần Bình An đi trước dẫn đường.
Một nhóm người dọc theo khe suối nhỏ không tên đi lên phía thượng du. Trần Bình An vác một cái gùi trúc lớn đã ố vàng, Trần Tùng Phong thì vác một chiếc hòm sách bằng tre màu vẫn còn xanh. Lưu Bá Kiều rất tò mò trong cái gùi của Trần Bình An chứa thứ gì, muốn nhìn rõ nên bảo Trần Bình An đi chậm lại. Hắn vừa đi theo vừa lật tới lật lui trong gùi, phát hiện có không ít đồ vật nằm ngổn ngang. Ba chiếc nón đặt chồng lên nhau, hai cái ấm một chứa nước còn một chứa dầu, hai con dao chẻ củi lớn nhỏ, hai viên đá đánh lửa và một ống lửa (2), dưới đáy gùi còn có một hàng ống tre bị chẻ đôi sau đó ghép lại, khoảng chừng bảy tám ống, còn có một cái túi nhỏ đựng lưỡi câu và dây câu.
Lưu Bá Kiều hỏi:
- Trần Bình An, mấy ống tre kia dùng để làm gì?
Trần Bình An trả lời:
- Tổng cộng có tám ống tre, trong đó sáu ống bên trong chứa bốn nắm cơm trắng, còn hai ống chứa một ít dưa muối khó bị hư.
Vẻ mặt Lưu Bá Kiều đắc ý, bước chân cũng hơi bay bổng, lớn tiếng nói:
- Dưa muối à, ta từng ăn rồi!
Trần Bình An khó hiểu liếc nhìn hắn, nghĩ thầm từng ăn dưa muối thì có gì ghê gớm sao? Trừ khi ngươi có thể không uống nước không ăn cơm, một hơi ăn hết một ống dưa muối mới là giỏi.
Lưu Bá Kiều đột nhiên tò mò nói:
- Chuyến này vào núi chúng ta nhiều nhất chỉ ăn ba bữa cơm, cần đến hai ống dưa muối lớn sao? Cái thứ dưa muối này, ta gắp một đũa nhỏ là có thể nuốt nửa chén cơm rồi!
Trần Bình An đang suy nghĩ nên chọn con đường núi nào nhanh nhất, thuận miệng đáp:
- Ta và Ninh cô nương ăn một ống dưa muối, còn ngươi và hai người bạn của ngươi ăn chung.
Lưu Bá Kiều ngẩn người, thấp giọng cười nói:
- Đừng xa cách như vậy, ta và các ngươi ăn một ống nhé.
Ninh Diêu nói như đinh đóng cột:
- Không được! Ngươi ăn với bạn của ngươi đi.
Lưu Bá Kiều phẫn uất nói:
- Dựa vào đâu?
Ninh Diêu hất cằm, ra hiệu đáp án ở chỗ Trần Bình An, ý tứ là ta không thèm nói nhiều với Lưu Bá Kiều ngươi.
Lưu Bá Kiều dời mắt đi, ánh mắt có phần u oán, trong đó lại lộ ra vẻ mong đợi.
Trần Bình An cười lắc đầu.
Lưu Bá Kiều bất đắc dĩ thở dài:
- Trọng sắc khinh bạn, ta có thể hiểu được.
Ninh Diêu châm chọc:
- Nhanh như vậy đã thành bạn rồi, vậy bạn của ngươi không đến mấy vạn thì cũng mấy ngàn đúng không?
Lưu Bá Kiều trợn mắt nói:
- Sao có thể!
Ninh Diêu nhướng mày, thay hắn thêm vào ba chữ:
- Sao có thể ít như vậy?
Lưu Bá Kiều tấm tắc nói:
- Tính tình của Ninh cô nương như vậy thì không bằng Tô tiên tử nhà ta rồi.
Ninh Diêu nhíu mày nói:
- Là Tô Giá của núi Chính Dương?
Lưu Bá Kiều càng đắc ý:
- Đúng! Tô Giá, mạ trổ bông gọi là giá, giá trong “hảo giá giả chúng hĩ” (rất nhiều người thích trồng trọt) mà vị thánh nhân kia từng nói! Thế nào, tên của Tô tiên tử nhà ta cũng động lòng người đúng không?
Ninh Diêu hỏi một câu chắc chắn Trần Bình An nghe không hiểu:
- Nếu ngươi thật sự thích Tô Giá như thế, vậy ngươi có nghĩ tới, một khi cô ta cũng thích ngươi thì phải làm sao?
Lưu Bá Kiều lập tức nhận thua, ngập ngừng ấp úng, cuối cùng chột dạ lẩm bẩm:
- Làm sao cô ấy có thể thích ta được.
Trần Bình An cảm thấy con người Lưu Bá Kiều không xấu.
Trần Đối và Trần Tùng Phong đi sau ba người phía trước mười mấy bước.
Trông thấy Lưu Bá Kiều và thiếu niên giày cỏ trò chuyện hợp ý như vậy, Trần Tùng Phong rất hâm mộ. Lưu Bá Kiều giống như trời sinh giỏi giao tiếp với người khác, đủ các trường phái trào lưu, đế vương đại thần tiểu thương đầy tớ, không có đối tượng nào mà hắn không nói chuyện được.
Trần Tùng Phong nhỏ giọng hỏi:
- Sau khi phu nhân kia nghe được tin tức liền đến thăm dinh quan, chủ động đề xuất muốn trả lại bộ áo giáp kia, xem như họ Hứa thành Thanh Phong nhận lỗi, vì sao cô không thu lấy?
So với trước khi tiến vào trấn nhỏ, hôm nay Trần Đối rõ ràng đã ôn hòa hơn nhiều. Nếu trước đây Trần Tùng Phong hỏi vấn đề như vậy, cô sẽ chỉ xem như gió thoảng bên tai, nhưng lúc này lại kiên nhẫn giải thích:
- Nếu thành Thanh Phong đã sớm biết chân tướng, biết tổ tiên của thiếu niên họ Lưu là người giữ mộ mà họ Trần Dĩnh Âm ta lưu lại trấn nhỏ, bọn họ vẫn dám làm như vậy thì đương nhiên phải trả giá, hơn nữa không chỉ đơn giản là trả lại áo giáp. Nhưng trước đó bọn họ cũng không biết nội tình, cơ duyên đại đạo vốn quý giá khan hiếm, mọi người đều có thể tranh giành. Họ Trần Dĩnh Âm ta còn không đến mức ngang ngược như vậy.
Trần Tùng Phong cười nói:
- Nói không chừng thành Thanh Phong còn muốn tính kế núi Chính Dương, nếu không phải con vượn già xung phong đi trước, bị phu nhân kia đem ra để hù dọa người khác, có lẽ thành Thanh Phong cũng không lấy được bảo giáp.
Trần Đối khôi phục diện mạo như trước, cười lạnh nói:
- Đám bè lũ xu nịnh chỉ biết thấy sao hay vậy, không quan tâm đến đại thế thật sự là gì.
Trần Tùng Phong nhìn như thờ ơ, thấp giọng nói:
- Chắc là do có lòng nhưng không có sức, thay vì làm một ít việc lớn tốn công vô ích, không bằng kiếm một chút lợi lộc nhỏ.
Trần Đối quay đầu liếc nhìn vị con cháu họ Trần quận Long Vĩ này, không tỏ rõ ý kiến với “lời vô tâm” của Trần Tùng Phong.
Lúc này đã sắp vào núi, Trần Bình An bỗng dừng bước. Gần như cùng lúc Trần Đối cũng lên tiếng:
- Lưu Bá Kiều, nói với hắn cứ việc dẫn đường, càng nhanh càng tốt.
Trong trận chiến giữa thiếu niên giày cỏ và con vượn Bàn Sơn trên nóc nhà trấn nhỏ, Lưu Bá Kiều đứng ở xa xem hơn nửa trận, sau khi trở về đã tuyên dương bừa bãi với Trần Tùng Phong. Khi đó Trần Đối cũng có mặt, cho nên nàng biết không thể xem Trần Bình An như một thiếu niên bá tánh bình thường.
Vì vậy đến cuối cùng Trần Tùng Phong lại trở thành người làm vướng chân. Mặc dù vị nhân tài thế gia này cũng thích lên núi làm thơ, tìm kiếm cảnh đẹp, nhưng so với bốn người khác thì đúng là thua kém. Trần Đối là cao thủ võ đạo, Lưu Bá Kiều là kiếm tu cực kỳ coi trọng rèn luyện thân thể trong tất cả luyện khí sĩ trên đời, đôi thiếu niên thiếu nữ kia càng có thể đùa giỡn con vượn Bàn Sơn có thân thể rất mạnh mẽ.
Đường núi khó đi, nhất là sau mưa xuân bùn lầy trơn trượt, cộng thêm thường xuyên phải vượt qua khe suối vách đá, Trần Tùng Phong đã cảm thấy miệng lưỡi khô khốc, mồ hôi như mưa.
Sau đó mặc dù Lưu Bá Kiều đã vác hòm sách giúp Trần Tùng Phong, nhưng Trần Tùng Phong vẫn t.hở dốc như trâu, sắc mặt tái nhợt.
Trên đường Trần Bình An đã hỏi Trần Đối xem có cần chậm lại hay không, câu trả lời của Trần Đối là lắc đầu.
Khi nhóm người phải lội qua khe suối đi lên, Trần Tùng Phong giẫm lên một tảng đá mọc đầy rêu xanh, bỗng trượt chân ngã vào trong nước, trở thành con gà nhúng nước cực kỳ chật vật.
Trần Đối dừng bước xoay người nhìn, mặc dù không nói gì nhưng sắc mặt tỏ ra âm trầm.
Lưu Bá Kiều vội vàng quay người đỡ Trần Tùng Phong đứng dậy.
Trần Tùng Phong xin lỗi:
- Ta không sao, không cần quan tâm đến ta, nhất định có thể theo kịp.
Trần Bình An dứt khoát lấy cái gùi xuống, đặt ở chỗ lõm trên vách đá, nói:
- Nghỉ ngơi mười lăm phút là được.
Ninh Diêu đương nhiên không quan tâm, ngồi xuống gần Trần Bình An, rất buồn chán dùng hai lòng bàn tay đặt lên chuôi đao chuôi kiếm, nhẹ nhàng ép xuống. Đầu cuối vỏ đao vỏ kiếm theo đó gõ nhẹ vào vách đá màu xanh, từng tiếng từng tiếng, giống như đang xướng họa với tiếng nước suối.
Trần Đối trầm giọng nói:
- Tiếp tục lên đường!
Trần Bình An lắc đầu nói:
- Vào núi không nên một hơi dùng hết sức lực, chậm một chút hãy tiếp tục, đợi sau khi hắn dần dần thích ứng sẽ có thể theo kịp chúng ta. Không phải thể lực của hắn không tốt, chỉ là hơi thở rối loạn mà thôi.
Xét về trèo đèo lội suối, Trần Bình An đúng là ông tổ của ông tổ.
Không ngờ Trần Đối lại không nghe Trần Bình An giải thích, nói thẳng với Trần Tùng Phong:
- Ngươi trở lại trấn nhỏ là được.
Vẻ mặt Trần Tùng Phong đầy cay đắng, nhìn cô gái trẻ tuổi không cho phép người khác phản bác, hắn quay đầu sang nói với Lưu Bá Kiều:
- Vậy tiếp theo phải làm phiền ngươi vác hòm sách rồi.
Lưu Bá Kiều giận dữ, lấy hòm sách xuống ném về phía Trần Đối:
- Ông đây không thèm hầu hạ nữa!
Sắc mặt Trần Đối vẫn bình thường, cầm lấy hòm sách tự mình vác lên, nói với Trần Bình An:
- Đi thôi.
Trần Bình An ngẫm nghĩ, từ trong gùi lấy ra hai ống tre, nhẹ nhàng ném cho Lưu Bá Kiều:
- Trên đường về nếu đói thì có thể lấp đầy bụng.
Trần Tùng Phong nhẹ giọng khuyên nhủ Lưu Bá Kiều. Lưu Bá Kiều cầm lấy ống tre, cười lạnh nói:
- Ta không muốn chịu uất ức như vậy, hai ta cùng nhau quay về đường cũ, đến dinh quan bày một bàn rượu và thức ăn ngon, cá to thịt lớn! Không thoải mái hơn ở đây à?
Trần Đối xoay người tiếp tục đi tới trước.
Trần Bình An vác cái gùi lên, cảm thấy không yên lòng, nhìn Lưu Bá Kiều hỏi:
- Biết đường trở về không?
Lưu Bá Kiều cười cười:
- Nhớ được.
Trần Bình An gật đầu, cùng Ninh Diêu rời đi.
Bóng dáng ba người phía trước càng lúc càng xa. Trần Tùng Phong dứt khoát đặt mông ngồi xuống tảng đá, cười khổ nói:
- Huynh cần gì phải làm như vậy? Kết một chút tình hảo hữu với họ Trần Dĩnh Âm, đối với huynh hay vườn Phong Lôi đều không phải chuyện xấu, vì sao lại hành động theo cảm tính?
Lưu Bá Kiều mở một ống tre lộ ra cơm nắm trắng như tuyết, cao hứng nói:
- Vẫn là Trần Bình An phúc hậu, không hổ là huynh đệ tốt của ta.
Trần Tùng Phong biết rõ tính khí của Lưu Bá Kiều nên không khuyên nhủ nữa.
Trần Tùng Phong tự giễu nói:
- Thư sinh đúng là thứ vô dụng.
Lưu Bá Kiều nhỏ giọng nói:
- Sớm biết thì nên bảo Trần Bình An để lại một ống dưa muối.
Hắn bốc một nắm cơm lớn bỏ vào miệng, nói ậm ờ không rõ:
- Ngươi nói cũng không đúng, Tề tiên sinh trong trấn nhỏ, đương nhiên còn có thầy giáo của Tề tiên sinh cũng rất lợi hại.
Ánh mắt Trần Tùng Phong ngơ ngẩn:
- Huynh nói xem rốt cuộc Tề tiên sinh muốn làm gì?
Lưu Bá Kiều thuận miệng đáp:
- Có trời mới biết.
Trần Tùng Phong đưa tay giũ giũ áo ngoài ướt đẫm, thổn thức nói:
- Hay cho câu “có trời mới biết”.
- --------
Trong tiệm rèn bên khe suối, Lưu Tiện Dương lại thiếp đi.
Nguyễn Cung ngồi ở đầu giường, ánh mắt nghiêm túc.
Mỗi lần thiếu niên cao lớn hít thở đều lâu dài xa xăm, như vậy cũng không sao, mấu chốt là mỗi lần thở ra đều trắng mịt mờ như sương mù giữa núi, lại như sương khói trên hồ. Chúng không tan theo gió mà lại ngưng tụ từng chút giữa miệng mũi.
Cuối cùng trên gương mặt thiếu niên giống như có một con giao long trắng dài ba tấc.
Dùng cõi mộng làm thủ ấn, một hơi thở thành kiếm thần tiên.
Nguyễn Cung xoa xoa cằm, khen ngợi:
- Hóa ra là đi theo con đường cực đoan phá rồi lại lập, khiếu huyệt phá hết, không còn trở ngại, mặc dù thân thể hoàn toàn hư hại, nhưng kiếm này rốt cuộc đã thành. Đã có thể đúc kiếm, cũng có thể luyện kiếm, chẳng trách bộ Kiếm Kinh này lại nổi tiếng như vậy. Ngủ cũng tu hành, mộng cũng tu hành, có thể truy cầu đại đạo.
Ông ta đứng lên, tự giễu nói:
- Sớm biết thì không nên đồng ý giao ngươi cho họ Trần Dĩnh Âm hai mươi năm.
- --------
Ba chiếc xe ngựa vẫn luôn đi dọc theo đường núi giống như không có đầu cuối.
Cuối cùng đã lên đến đỉnh.
Tống Tập Tân và Trĩ Khuê bước xuống xe ngựa, đưa mắt nhìn nhau. Đỉnh núi là một khoảng đất trống lớn bằng phẳng, khu vực chính giữa có dựng hai cột đá. Giữa hai cột đá giống như có nước lưu chuyển, không thấy rõ cảnh tượng phía sau “mặt nước”, giống như một cổng trời sừng sững trước mặt thiếu niên thiếu nữ.
Thiếu nữ nhìn chăm chú vào cánh cổng lớn kia.
Tống Tập Tân thì xoay người đi tới ven rìa đỉnh núi, ngước mắt nhìn về phía xa, trông thấy non sông thật đẹp, trong lòng vui vẻ thoải mái.
Phiên vương Đại Ly Tống Trường Kính mặc một bộ áo lông cáo, sắc mặt nhợt nhạt nhưng tinh thần rất tốt, đi đến bên cạnh Tống Tập Tân, cười nói:
- Động tiên Ly Châu nằm ở Đông Bảo Bình Châu này là một trong ba mươi sáu động tiên nhỏ, diện tích không lớn, lãnh thổ chỉ có phạm vi ngàn dặm mà thôi.
Tống Trường Kính không quay đầu, giơ tay lên chỉ vào cánh cổng lớn sau người:
- Bước qua cánh cổng kia, lại dọc theo thang mây đi thẳng xuống dưới khoảng ba mươi dặm đường, xem như đã đạp lên lãnh thổ Đại Ly ta. Khi đó có lẽ ngươi quay đầu cũng không nhìn rõ gì cả, nhưng có thể hiểu được một chuyện, đó là động tiên Ly Châu này thật ra treo cao trên bầu trời...
Tống Trường Kính dừng lại một thoáng rồi nói:
- Là một hạt châu.