Tình hình của Lương châu đã vượt xa khỏi dự liệu của triều đình.

Ban đầu họ cho rằng lần này kẻ xuôi nam vẫn là bộ tộc nhỏ gần mười năm nay sống rải rác ở phía bắc Nhạn môn, không ngừng đến gây rối nên lúc đó ngoại trừ một mình Lương vương lo lắng ra thì văn võ cả triều đều không xem trọng, thậm chí có kẻ còn cho rằng Lương vương không để ý đến thời gian kết hôn với công chúa mà đến tiền tuyến đôn đốc việc đàn áp bọn giặc vẻn vẹn ngàn người, trừ khả năng muốn mua danh cầu lợi ra thì chính là sự bất kính rất lớn đối với triều đình.

Không biết hoàng đế từ đâu nghe được những lời bàn lén lút ấy mà lên án kịch liệt một trận trong triều, rằng: “Lương châu là cửa ngõ phía bắc của Trung Nguyên, Lương vương Tất Long tôn kính làm hết phận sự canh giữ, không tiếc việc lùi lại hôn kỳ tạ tội với triều đình, tự mình chống địch ở trận tiền.

Các đại thần làm quan trong triều không biết nỗi khổ cực gian nan của tướng sĩ biên quan mà còn phỉ báng xằng bậy ở sau lưng.

Từ rày nếu còn những lời đồn đại này truyền tới chỗ trẫm nữa thì phải chỉ đích danh đưa tới biên cương sung quân.”
Nếu Hung Nô đã xâm phạm, Lương vương còn ở trận tiền thì hoàng đế sao yên vui cho được? Năm nay hoàng đế lại chưa theo thái hậu cùng đi tới Thượng Giang tránh nóng.

Bấy giờ thống lĩnh thị vệ Hạ Dã Niên nhận việc bên ngoài, tuần sát trường thi võ ở các nơi nên hoàng đế đặc biệt ra lệnh Khương Phóng thay thế, bảo vệ thái hậu, thái phi lên đường và hầu giá ở hành cung.

Tình hình lúc bấy hơi bất ổn, hoàng đế chỉ e thái hậu bị kinh sợ ở trên đường hoặc ở hành cung nên khiêm khắc lệnh cho Khương Phóng mang nhiều binh lính bảo vệ thái hậu ở hành cung, không được có sai sót.
Ngày tám tháng Sáu, quân báo khẩn cấp từ Lương châu cách tám trăm dặm đến kinh, Hung Nô chừng vạn người đã công phá Nhạn Môn quan, đốt giết cướp đoạt, ba ngày thì lui binh, làm chết ba nghìn tướng sĩ, hơn hai nghìn dân chúng bị giết bị cướp, mất vô số lương thực súc vật.

Lương vương Tất Long không kịp chờ lệnh của triều đình đã điều động ba vạn binh mã Lương châu ra cửa quan hiểm yếu, đóng ở vùng Nhạn môn, Xuất Vân.
Hoàng đế lập tức trả lời quân báo, chấp thuận cho Lương vương điều động binh mã địa phương, lại lệnh cho bộ Binh, viện Xu Mật[1] và bộ Hộ cùng bàn đối sách, thúc giục việc phân phát lương bổng.
[1] là cơ quan chính quyền trung ương chịu trách nhiệm về lực lượng quân sự của nhà nước
Ngày mười lăm tháng Sáu, tiền tuyến truyền đến tin chiến thắng, cả vạn binh mã của Lương vương gặp Hung Nô, Hung Nô có một vạn người, lực lượng hai phe ngang nhau.

Tất Long làm gương cho binh sĩ, chiến đấu quyết tử nửa ngày, may mắn có viện binh đánh lén cánh sườn Hung Nô làm Hung Nô đại bại bỏ chạy cả trăm dặm.

Lương vương bị trúng một mũi tên trong lúc ác chiến, đã được đưa gấp về Nhạn Môn quan, trong lúc cấp bách vẫn còn xin công cho hai đại tướng dùng binh cơ trí, cứu viện kịp thời là Lưu Tư Hợi và Ô Duy.
Hoàng đế xem tấu của Tất Long rồi đối chiếu với mật tấu của Tịch Tà, nói: “Tất Long không nói dối gì, anh ta gan dạ thành thật, là một hiền vương giỏi cầm binh.

Vào lúc này của năm ngoái Tất Long đang ở trong kinh, khi đó trẫm cảm thấy tuy anh ta còn trẻ tuổi, lại lắm nao núng a dua nên không coi anh ta ra gì, nay nghe khanh tấu mới biết anh ta anh dũng thiện chiến, không có lòng riêng trong việc lớn của quốc gia, thật là đáng kính.

Tiếc nỗi…”
Tịch Tà nói: “Chỉ cần có thể làm việc cho hoàng thượng thì đều coi là người một nhà.

Nay Tất Long ở tiền tuyến, lương thảo quân lương đều bị hoàng thượng khống chế, đã rơi vào trong tay hoàng thượng, Hung Nô xuôi nam lại thành cơ hội của hoàng thượng.

Lời này của nô tỳ quả là đại nghịch bất đạo, xin hoàng thượng thứ tội.”
Hoàng đế cười, nói: “Lời này có lý, nói riêng thì trẫm sẽ không trách khanh.

Có điều Tất Long dùng binh dũng mãnh, cuộc chiến này cũng không kéo dài đâu.”
Tịch Tà nói: “Nô tỳ cảm thấy bên trong này còn có nghi vấn.

Năm ngoái Hung Nô xâm phạm chỉ lác đác hơn ngàn người, sao lần này đã đạt đến cả vạn? Lương vương vốn là người Hồ, có lắm tai mắt ở phía bắc Nhạn môn, nếu không biết Hung Nô hành động khác trước thì cần gì kéo dài thời gian kết hôn mà vội vàng đến các cửa ải quan trọng? Nô tỳ cảm thấy không thể coi thường cuộc giằng co với Hung Nô lần này được.”
Hoàng đế bảo: “Hiếu Tông gia và tiên đế chinh phạt Hung Nô trong suốt hai mươi năm, năm Thượng Nguyên thứ sáu năm và năm thứ chín đuổi Hung Nô ra xa nghìn dặm, khó khăn lắm mới có mười lăm năm thái bình, lẽ nào chúng lại muốn ngóc đầu trở lại sao?”
Tịch Tà nói: “Thiền Vu[2] đều có thủ đoạn tàn khốc, nhiều năm chinh chiến thống nhất các bộ tộc, chỉ sợ lúc này thảo nguyên nghìn dặm ngoài cửa ải đã không thể thỏa mãn dã tâm của ông ta rồi.”
[2] Tên hiệu của vua Hung Nô.
“Mấy năm trước trong tấu báo cáo của Lương vương còn nhắc tới tên Thiền Vu này, đã hơn năm mươi tuổi rồi, ắt hẳn trước khi chết muốn nếm thử cái ngon ngọt của Trung Nguyên.

Phương Bắc có ông ta nhìn chằm chằm như hổ đói, ở đây lại thêm vài thân vương giấu giếm âm mưu, đúng là loạn trong giặc ngoài.”
Tịch Tà cười lạnh lùng lạ thường, nói: “Quân đội tinh nhuệ của Hung Nô hung hãn sắc bén là mâu, đại quân chư hầu hùng bá một phương, mạnh ai lấy làm là thuẫn, hai bên đều là thần binh lợi khí trong tay hoàng thượng.

Lấy cái mâu kia tấn công cái thuẫn kia, hoàng thượng cho rằng kết cục sẽ ra sao?”
Hoàng đế phe phẩy cây quạt, chậm rãi bảo: “Chúng ta cũng coi như là người đang đùa với lửa.

Muốn lửa này không đốt vào sân nhà mình thì phải tốc chiến tốc thắng.”
Tịch Tà nói: “Hoàng thượng thánh minh.”
“Chuyện khác thì cứ từ từ bàn bạc mà làm.” Hoàng đế nói, “Nhưng thời gian kết hôn của Cảnh Giai không thể làm chậm trễ mãi được.

Nếu như trận chiến này mất hai ba năm, Tất Long khó có thể thoát thân, hoặc nếu chết trận thì chẳng phải Cảnh Giai sẽ chịu bất hạnh ư?”
“Chỗ nô tỳ còn có một việc chưa tâu với hoàng thượng.

Hai ngày trước công chúa đã lên đường đến Nhạn Môn quan, muốn thành thân với Lương vương trước quân đội.”
Hoàng đế ném cây quạt xuống bàn, biến sắc nói: “Cái gì? Kẻ nào xúi bẩy nó đi đấy?”
“Bề tôi nào dám giật dây công chúa mạo hiểm đâu ạ.

Chuyện này chỉ có bản thân công chúa quyết định được thôi.”
So với sầu lo thì hoàng đế càng cảm thấy việc này không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta đi mấy bước xong cuối cùng đành cười nói: “Từ Lương châu tới Nhạn môn ít cũng phải đi mười ngày, trên đường hung hiểm cỡ nào.

Nó không thèm để ý những việc này, vội vã muốn lấy người ta đến thế cơ à?”
Công chúa Cảnh Giai đã chạy gấp ở trên thảo nguyên năm ngày rồi, tính ra đã đến Lương châu hai ngày, lộ trình đã qua bảy phần mười.

Vén rèm cửa sổ xe ngựa lên, thứ có thể nhìn thấy vẫn là thảo nguyên và bầu trời xanh lam.

Bởi vì gần đây Hung Nô làm loạn kịch liệt nên vùng Nhạn môn đã không còn ai dám chăn thả, thế nên nguyện vọng nhỏ nhoi là được trông thấy cảnh tượng dê bò thành đàn của công chúa Cảnh Giai cũng coi như tan vỡ.
Không cần phải nói, lúc này chắc chắn triều đình Trung Nguyên đang trách mình tùy hứng, nhưng ở Lương châu, vừa nói mình muốn đến tiền tuyến theo Lương vương Tất Long thì “bao nhiêu người đàn ông hào sảng cũng phải đồng thanh hoan hô”.

Vợ bé Hòa Lam của Lương vương cũng giơ ngón cái khen ngợi công chúa Cảnh Giai.
“Nếu công chúa quyết ý đến Nhạn môn thì thần thiếp ắt sẽ hầu ở bên.” Hòa Lam có dáng người cao gầy, làn da trắng nõn được mái tóc dài đen nhánh thắt bím làm nổi bật lên như tuyết rơi, lộ ra vẻ linh lợi, lúc cười mang theo sự sảng khoái mà các cô gái Trung Nguyên ít có.

Đặc biệt là tiếng phổ thông cuốn lưỡi của nàng ta khiến giống như âm nhạc, khiến người ta say mê.
“Đây là cái gì thế?” Cảnh Giai nhìn nàng ta thấy thân thuộc, mới trỏ về phía cái móc câu màu vàng kỳ lạ ở bên hông nàng ta mà hỏi.
“Vật này ư?” Hòa Lam lại cười, “Đây là cái móc mà con gái người Hồ chúng thần thiếp dùng để treo đao.


Thần thiếp không dám đeo đao gặp công chúa, cho nên công chúa chỉ nhìn thấy vật này mới cảm thấy kỳ lạ.”
“Cô cũng đeo đao à? Cởi cái móc này xuống cho ta xem một lúc được không?”
Hòa Lam ngớ ra, nói: “Công chúa thứ tội, đây là vật Lương vương ban thưởng, ban ngày cởi xuống không may mắn lắm.”
Cảnh Giai thở dài, nói: “Việc này còn phải chú ý nhiều vậy à?”
“Cái móc treo này tên móc ly biệt, do người chồng đưa tặng cùng loan đao khi mang sính lễ đến, ban ngày không thể rời khỏi người, rời thì sẽ xa cách phu quân, tự quay về nhà mẹ đẻ, mãi mãi không gặp lại nữa.

Cho nên người Hồ chúng tôi chỉ cần tháo móc ly biệt của vợ xuống là coi như bỏ vợ rồi.”
Cảnh Giai cười nói: “Lúc Lương vương dâng sính lễ lên triều đình không có cái thứ này.”
Hòa Lam nói: “Công chúa là người Trung Nguyên, lại là lá ngọc cành vàng, không thể so sánh với con gái người Hồ chúng thần thiếp được.”
Từ đó trở đi, Cảnh Giai vẫn ngẫm nghĩ mãi những lời này.

Lúc bấy xe ngựa đã lắc lư làm gân cốt nàng sắp nứt, bên tai lại truyền tới tiếng ca như ánh mặt trời rọi khắp thảo nguyên của Hòa Lam, đám hầu gái nhẹ nhàng hợp âm giống như mây trắng trôi ở chân trời.

Trên móc ly biệt bên hông Hòa Lam treo một thanh đao cong như trăng non, châu sáng ngọc quý phản xạ ánh mặt trời đâm vào làm Cảnh Giai không mở mắt nổi.
“Công chúa có biết cô nàng này chính là vợ bé mà Lương vương sủng ái nhất không?”
Cảnh Giai thờ ơ với lời nói của Quý ma ma, lơ đãng nói: “Thật sao?”
“Công chúa chớ coi thường nàng ta, trong phủ Lương vương đều gọi nàng ta là Hòa Lam phi đấy.

Trước giờ Lương vương chưa có vương phi chính thất, không thể phong nàng ta, nay chỉ chờ công chúa và Lương vương thành hôn là sẽ cho nàng ta danh phận trắc phi.”
“Ma ma đúng là người thích pha trò!” Cảnh Giai buông rèm cửa sổ xuống, thấp giọng nói, “Bà muốn đường đường một cô công chúa Trung Nguyên như tôi tranh giành tình cảm với một cô gái người Hồ hay sao?”
“Nô tỳ không dám.”
“Nếu không phải thấy bà đã nhiều tuổi như vậy mà còn theo tôi lên bắc thì lúc này đã vả miệng bà rồi.”
Xe ngựa đột nhiên lắc lư, đột ngột ngừng lại, bên ngoài ngựa hí người kêu.

Quý ma ma vén mành trước mặt lên, thò đầu ra hỏi: “Có chuyện gì thế?”
Hòa Lam quay đầu ngựa lại đi tới, chỉ vào con đường cuồn cuộn bụi bay phương bắc, nói: “Có bốn năm nghìn người ngựa chỉ cách đây có hơn mười dặm.”
Đậu Căng vội vã chạy tới, vừa lúc nghe được câu này, sắc mặt đã tái xanh, nói năng lộn xộn: “Công, công chúa, nên làm thế nào cho phải? Làm thế nào cho phải đây?”
Hòa Lam nói: “Hai nghìn tướng sĩ Trung Nguyên, hai nghìn thị vệ hộ tống của Lương châu, miễn cưỡng có thể quyết chiến cùng bọn chúng, nhưng khó bảo vệ chu đáo cho công chúa.

Nay chỉ đành để bốn ngàn người các người ngăn cản một lúc để tôi dẫn công chúa trốn ra phía sau gò núi hướng đông nam kia.”
Tướng sĩ người Hán là Lỗ Tu cũng đi đến, gật đầu nói: “Cứ làm theo Hòa Lam phi nói, Đậu đại nhân mang mệnh lệnh, mời cùng tránh đi trước.”
“Dạ dạ dạ.” Đậu Căng như được đại xá, nói với phu xe, “Còn không mau đi theo Hòa Lam phi.”
Hòa Lam nói: “Lúc này còn dùng xe ngựa thế nào được? Công chúa, xin di giá ra bên ngoài, thần thiếp dẫn công chúa cưỡi ngựa đi.”
Quý ma ma nói: “Cơ thể công chúa là lá ngọc cành vàng, gặp ngoại thần thì trái với lễ nghĩa, không thích hợp.”
Đậu Căng vội la lên: “Lúc này chạy thoát thân quan trọng hơn, còn có thể chú ý việc này nữa ư?”
Quý ma ma lập tức nghẹn lời, trở lại bên trong xe xin chỉ thị của công chúa.

Đậu Căng sốt ruột đến mức đầu đầy mồ hôi lạnh, quay quanh xe ngựa.
Công chúa Cảnh Giai ở bên trong trầm ngâm một lát, mới đeo khăn che mặt thật dày rồi để Quý ma ma đỡ ra.
Quý ma ma nói: “Công chúa không biết cưỡi ngựa.

Xin Hòa Lam phi chăm sóc.”
“Tôi hiểu mà.” Hòa Lam đưa tay nhấc Cảnh Giai lên ngựa của mình, hét lớn một tiếng rồi dẫn đám hầu gái của mình và Đậu Căng phi nhanh về phía đông nam.

Công chúa ôm chặt lấy eo Hòa Lam, chỉ lo vùi đầu vào lưng nàng ta nhưng người vẫn không ngừng run.
Ngựa chiến nhảy lên sườn núi, trước mắt là khe núi bao la, phía sau đã truyền đến tiếng móng ngựa ầm ầm như sấm.

Hòa Lam quay đầu nhìn rồi quát: “Đi mau!”
Người Đậu Căng run như cầy sấy, vội nói: “Vâng.” Và là người đầu tiên lao xuống sườn núi.

Hầu gái A Lưu bên cạnh Hòa Lam theo sát phía sau, chạy song song với Đậu Căng, rút con mã tấu[3] từ hông ra vung về phía cổ Đậu Căng.

Ánh sáng trắng lạnh thấu xương, kèm theo đó là tiếng đứt gân gãy xương, đầu Đậu Căng bay ra cách cả trượng, đoạn thân thể còn ở giằng co trên yên một lát mới ngã xuống ngựa.
[3] Mã tấu là cách gọi của một loại gươm truyền thống, nó có hình dạng là một thanh gươm dài có độ cong vừa phải, sắc một lưỡi, đa phần là cứng chứ không mềm như kiếm, phần chuôi cầm bằng gỗ để giảm trọng lượng (khác với kiếm và đao vì hai loại này phần chuôi thường làm bằng kim loại).

Mã tấu là vũ khí tích hợp chuyên dụng của kỵ binh trong điều kiện chiến đấu trên lưng ngựa.

Do mã tấu có sóng đao khá dày và bén một lưỡi nên tăng độ cứng cho vũ khí và tăng lực chém khi kết hợp với đà phi của ngựa – chữ “mã” là để chỉ ngựa (Kỵ Binh).

Do sức sát thương cao, bền và dễ chế tạo nên mã tấu được trang bị rất phổ biến trong quân đội thời trung đại và một số đội quân hiện đại vẫn dùng để tăng khả năng chiến đấu cận chiến của bộ binh.
Hòa Lam bay nhanh tới nói: “Dẫn ngựa của anh ta theo.”
Dường như công chúa không biết đã xảy ra chuyện gì, chỉ lo ôm Hòa Lam không rời.

Hơn mười con ngựa giỏi nhiều màu không ngừng phi nhanh về chỗ sâu trong thảo nguyên.

Chốc sau mọi người đã lướt qua hai con dốc thoải, A Lưu tiến lên nói với Hòa Lam, “Phi tử, nơi này vẫn không thấy truy binh, lẽ nào sự việc có biến?”
Hòa Lam cau mày bảo: “Dẫn theo nàng ta thì sẽ phiền phức, chi bằng giải quyết tại chỗ lúc còn chưa muộn.” Đoạn xoay người lại đẩy công chúa từ trên ngựa xuống.
Công chúa thét lên một tiếng kinh hãi, lăn ra thật xa, nằm sấp tại chỗ rên rỉ không ngừng.

Đám phụ nữ người Hồ quay ngựa lại, vây quanh nàng mà cười đùa.
A Lưu ở trên ngựa nói: “Dựa vào dáng vẻ này của cô, sao xứng làm vương phi của Lương vương, còn mơ mộng muốn chèn ép quận chúa Hòa Lam của bọn tôi?”
Lúc Hòa Lam cười nhạt có sự quyến rũ động lòng người, đôi mắt long lanh màu lam sẫm ra hiệu cho A Lưu.

A Lưu bèn nhảy xuống ngựa, cầm mã tấu tới nắm lấy tóc công chúa.

Lưỡi đao sắc bén đâm vào cơ thể, máu bắn ra cực nhanh, trong nháy mắt ánh đao xuyên qua ngực A Lưu rồi đột nhiên biến mất.

Trong lúc Hòa Lam kinh hãi đã thấy công chúa bay vút lên, một thanh kiếm màu xanh nhạt vọt ra từ trong quần áo cưới hoa lệ, nhanh chóng không tiếng động, mang theo luồng khí lạnh lẽo đâm về phía Hòa Lam.

Gương mặt sau mạng che mặt giá lạnh, đen kịt đến mức trái ngược như một áng mây trắng trong bầu trời xanh vạn dặm.
“Nam…” Nửa tiếng hứt kinh hãi của Hòa Lam bị thanh kiếm đâm đứt trong cổ họng.

Thanh kiếm của chàng trai ập tới như sấm sét, trong lúc các hầu gái vẫn đang kinh ngạc đã giết liền năm người, năm hầu gái còn sót lại nhanh chóng giục ngựa chạy tan tác ra bốn phía.

Chàng trai kia tháo hũ tên đeo sau lưng xác chết xuống, bắn liền năm mũi tên, năm hầu gái theo tiếng ngã ở dưới ngựa.
Hòa Lam đang ôm cổ, nằm sấp trên ngựa hãy còn vùng vẫy, quần áo trước người đã bị máu tươi thấm ướt từ lâu.

Chàng trai kia đi tới trước ngựa của nàng ta, kéo nàng ta xuống đất.

“Lương vương còn có đôi lời nhắn nhủ tới cô.” Anh ta cúi người thong thả nói, “‘Hôm nay, cứ coi như bản vương có lỗi với cô vậy.’”
Sự cảm thán của Hòa Lam nghẹt ở trong lồng ngực, trong đôi mắt sắp tàn của nàng ta, lúc chàng thanh niên nói câu này, trên mặt dường như mang theo một vẻ buồn thảm kỳ dị đến nỗi làm Hòa Lam ảo tưởng tới tình yêu thảm thiết vô hạn của Lương vương.
Lỗ Tu nắm giữ cờ hiệu, lệnh bốn ngàn người lui lên trên con dốc thoải, nhìn từ trên cao xuống tản ra thành hình trăng non, vây quanh xe công chúa.

Tướng sĩ Lương châu giỏi kiềm dây phóng ngựa nên sắp hàng ở trước tiên, chỉ chờ mũi tên được bắn ra là thúc ngựa ra tiến vào trận địa của địch.

Quan binh Trung Nguyên theo công chúa tới có rất nhiều thị vệ trong cung hoặc người trong ty Binh mã ngũ thành, không giỏi chiến đấu trên ngựa, nhận lệnh quây xung quanh xe, lấy tịnh chế động.

Tuy chức quan của Lỗ Tu đã đến tham tướng nhưng nhiều năm nay vẫn luôn giữ chức ở ty Binh mã ngũ thành, chưa bao giờ tự mình đến sa trường nên trong lòng không có mẫu, siết đôi tay đầy mồ hôi lạnh mà nhìn thống lĩnh thị vệ Lương châu là Xích Hồ.

Xích đồ biết ý nói: “Tướng quân bày trận rất ổn thỏa, không sao cả.”
Một lát sau, luồng bụi bay phía xa đã che khuất bầu trời xông đến trước mắt, còn có một con ngựa thoát ra khỏi hàng ngữ, chạy tới trước.

Lỗ Tu nâng cao cờ lệnh, đang định phát lệnh thì Xích đồ đột nhiên lớn tiếng nói: “Tướng quân đợi đã! Thứ người kia cầm trong tay chính là cờ hiệu của Lương vương.”
“Lương vương Tất Long cung nghênh phượng giá của công chúa.” Người nọ cầm cờ màu vàng đỏ trong tay, cao giọng hét lên.
Lỗ Tu quát: “Không được cử động.

Cẩn thận có bẫy.”
“Quả thật là vương gia!” Trong đội ngũ có thị vệ của phủ Lương vương, gã trỏ vào một con ngựa giỏi màu đen dưới lá cờ lớn có chữ “Lương” phía trước, nói, “Đó là ngựa của vương gia.” Bốn ngàn người bên này mới vui mừng khôn xiết, hoan hô một hồi.
Lương vương trúng tên đã khỏi hẳn, chạy tới trước trận tựa như gió lốc, ghìm chặt đầu ngựa rồi nhanh nhẹn nhảy xuống, phủ phục ở trước xe của công chúa mà dập đầu thỉnh an: “Thần Tất Long yết kiến phượng giá của công chúa.

Công chúa cát tường như ý.”
Bên trong xe truyền đến tiếng nói bình tĩnh của công chúa: “Lương vương bận rộn việc quân mà còn rời thành ba ngày để tới gặp đã đủ để bổn cung cảm nhận được tình cảm nồng hậu của Lương vương.

Xin Lương vương hãy đứng lên.”
Lương vương đứng lên rồi lại khom người nói: “Công chúa là lá ngọc cành vàng, không ngại xa xôi vạn dặm xuất giá đến tận nơi biên cương hoang vu này, Tất Long hết sức lo sợ, cảm ta ơn rồng triều đình.”
“Lương vương nói quá lời rồi.

Lương vương trấn thủ nơi hiểm yếu, là vật báu trong số trọng thần triều đình.

Triều đình còn phải dựa vào Lương vương nhiều lắm, xin hãy giữ gìn cơ thể cao quý.”
Họ thăm hỏi nhau một cách nho nhã lễ độ.

Nếu Lương vương đã nín thinh không nhắc tới Hòa Lam thì công chúa cũng không muốn nhiều lời một chữ, ngay cả Đậu Căng cũng bị người khác quên sạch.
Công chúa bình an đến Nhạn Môn quan, chọn ngày lành làm lễ hợp cẩn[4] với Lương vương xong, tấu tạ ơn của Lương vương cũng đến kinh nội trong vài ngày nữa.

Hoàng đế biết được trong lúc gặp bọn giặc Hung Nô, Đậu Căng đã hi sinh để hộ giá thì cảm thán một hồi rồi truy phong sau khi mất thật hậu hĩ cho Đậu Căng.
[4] lễ hai vợ chồng uống chung một chén rượu trong đêm tân hôn, theo phong tục thời trước.
Còn về chuyện của Hòa Lam, Lương vương và vương phi không đề cập tới, Tịch Tà cũng không nói thì dĩ nhiên hoàng đế không thể nào biết được.
Khương Phóng không nhịn được mà hỏi Tịch Tà: “Chủ nhân cảm thấy chuyện này không cần nói với hoàng đế ạ?”
Tịch Tà nói: “Nếu công chúa đãbình yên vô sự thì chúng ta cũng không cần thiết chọc thủng chuyện xấu giữa hoàng thân quốc thích.

Còn nữa, tôi còn chưa hiểu ngọn nguồn chuyện này, nói nhiều thì không biết sẽ dẫn tới điều gì nữa.”
“Chủ nhân đang nghĩ gì vậy?”
“Lôi Kỳ Phong.” Tịch Tà chậm rãi gập điệp báo lại rồi thở dài.
Khương Phóng không khỏi ngẩn ra: “Lại là y?”
Tịch Tà chuyển điệp báo tới tay Khương Phóng và nói: “Anh xem đi.

Mười hai người chết sạch ở trong năm trượng xung quanh.

Anh tự cho là mình có thân thủ nhanh như vậy à?”
Khương Phóng vội vã xem qua một lần rồi cười khổ bảo: “Không ạ.”
“Trước có tin đồn nói Lôi Kỳ Phong là người được Hồng vương nuôi lớn, bây giờ xem, quả nhiên không sai.”
“Sao mà khẳng định được vậy ạ?”
Tịch Tà nói: “Chúng ta luôn nói thiên hạ chia năm, ngoại trừ hoàng đế ra thì bốn thân vương mỗi người chiếm một phần.

Thực ra nhìn vào tình hình hiện nay, phải nói là thiên hạ chia bốn mới phải.

Bạch Đông Lâu tự biết mình, đã nương nhờ Đông vương từ lâu, địa bàn nhà họ Đỗ chiếm là hơn nửa vùng đông nam, lúc này đang hùng hổ hăm dọa, sao lại thỏa mãn một góc đông nam cho được? Vào tháng Năm, tin tức trong phủ Lương vương nói là người mà Đông vương phái đi Lương châu chúc mừng qua lại thân mật với cô vợ bé Hòa Lam của Tất Long.

Cô gái này ở trong phủ Lương vương nổi tiếng hay ghen, cớ sao hôm mười ba tháng Sáu lại bảo vệ công chúa đến Nhạn môn? Lúc đó Lương vương biết được tin tức này sẽ nghĩ thế nào?”
Khương Phóng nói: “Vả lại Hòa Lam này là quận chúa Nguyệt Thị[5] trước đây, năm đó Lương châu quy hàng Trung Nguyên, từ đó Nguyệt Thị làm khó dễ nhiều năm, lúc này sẽ không an phận.”
[5] Tên một nước ở Tây Vực.
“Đúng vậy!” Tịch Tà nói, “Nếu công chúa chết, Lương vương và triều đình sẽ trở mặt, Nguyệt Thị lại dùng lời nói gây loạn lạc.

Hung Nô dòm ngó ở bên ngoài, Lương châu rối ren thì chắc chắn tan vỡ.

Một khi Hung Nô xuôi nam, Lương vương và triều đình ốc còn không mang nổi mình ốc, thế lực của Hồng vương rất gần Lương châu, ở giữa chỉ cách sông Ly, sẽ không có ngày kê cao gối ngủ.

Dẫu Đông vương không dấy binh phát động chiến tranh thì cũng là thời cơ tốt để khuếch trương thế lực.


Như vậy, nói không chừng một phần tư thiên hạ này sẽ biến thành nửa giang sơn.”
Khương Phóng cười hì hì: “Ông ta thà rằng đưa không một nửa vùng Trung Nguyên cho giặc Thát cũng coi như ông ta đủ tàn nhẫn đủ ác độc đủ đê tiện.”
Tịch Tà cười nói: “Chúng ta cần phải ghi nhớ chiêu này trong lòng, rất đáng học tập đấy.”
Khương Phóng bảo: “Nếu Lôi Kỳ Phong là quân cờ mà Hồng vương bố trí ở phía đông, y biết được chuyện lớn cỡ này thì ắt sẽ tự mình trở về Hồng châu báo tin.

Ít nhiều thì Lương vương còn muốn mua mặt mũi của Nguyệt Thị, sao giết hoặc giam cầm Hòa Lam trước mặt mọi người được? Nếu đã có một sát thủ hàng đầu sẵn có trở về Hồng Châu thì chuyện xui xẻo này dĩ nhiên sẽ ụp lên đầu Lôi Kỳ Phong, vậy là ăn nói được rồi.”
Tịch Tà than thở: “Dù Hòa Lam không có ý hại công chúa, chỉ sợ Lương vương vẫn muốn giết nàng ta.

Nàng ta là cái gai mà Nguyệt Thị cắm trong thịt Tất Long, lại ghen tị như vậy thì dù năm xưa có bao nhiêu tình cảm cũng kém chí lớn của Lương vương và thể diện của công chúa.”
Khương Phóng nói: “Nếu chủ nhân đã đoán chắc nịch như thế thì hà cớ gì còn nói không rõ ngọn nguồn trong đó?”
Tịch Tà nói: “Chính là Đậu Căng đấy.

Nếu Tất Long không muốn làm triều đình mích lòng thì chắc cũng sẽ bảo vệ cho Đậu Căng không chết mới phải.

Vì sao lại để Hòa Lam dễ dàng dẫn Đậu Căng đi, khiến cho đầu một nơi thân một nẻo?”
“Thuộc hạ nghĩ, Lương vương muốn bí mật xử quyết Hòa Lam.

Có lẽ người biết rõ tình hình bên trong ở trong đội ngũ đưa dâu chỉ có Lôi Kỳ Phong, lúc đó không có những người khác ngăn cản Hòa Lam dẫn Đậu Căng đi.

Mặt khác, Hòa Lam chết rồi, suy cho cùng sẽ phải ăn nói với Nguyệt Thị.

Nếu công chúa không việc gì, chỉ ám sát khâm sai triều đình cũng đủ tội chết nên Tất Long đành phải hy sinh một con tốt thí như Đậu Căng.”
“Như lời anh nói thì đã tốt!” Tịch Tà bảo, “Ta chỉ sợ có duyên cớ khác.

Giả sử Lương vương một lòng muốn mượn tay Hòa Lam để diệt trừ Đậu Căng, vậy Đậu Căng này có thân phận gì? Nếu anh ta là người của Đông vương, Hòa Lam sẽ không giết anh ta.

Nếu anh ta là người của Hồng vương thì với võ công của Lôi Kỳ Phong, sẽ không thể không cứu anh ta.

Vậy anh ta là người của ai?”
Khương Phóng khẽ rùng mình, đáp: “Thuộc hạ sẽ bắt tay điều tra rõ ngay ạ.”
“Ở đây còn có chuyện gấp hơn.

Nếu chuyện Hung Nô dùng binh đã như lửa xém lông mày thì việc ở Đại Lý nhất định phải làm cho nhanh, để bảo đảm lúc đó phía nam yên ổn.”
“Thuộc hạ hiểu suy nghĩ của chủ nhân, nhưng việc này không vội vàng được.”
Tịch Tà đột nhiên nhìn quanh ra bên ngoài, nói nhỏ: “Trong chuyện này Đông vương ở ngoài sáng, chúng ta ở trong tối, lẽ ra nên thành công.

Nếu như Đại Lý thiếu người thì ở Hàn châu có Tống Biệt xuất thân từ họ lớn ở Đại Lý, có dũng có mưu, bảo Thập Lục lang hỏi thăm ý của ông ấy đi.”
Khương Phóng bèn vội vàng gật đầu, cũng liếc ra ngoài cửa: “Vâng, thuộc hạ sẽ làm.”
Hai người vội nói cho hết lời, thấy bên ngoài không có tiếng động, mới thở phào nhẹ nhõm.

Khương Phóng cười hỏi: “Minh Châu vẫn thường tới ạ?”
Tịch Tà nói: “Đang pha trà đấy.”
Khương Phóng nói: “Nàng ta cũng trưởng thành rồi, sao không biết tính toán cho tương lai của mình?”
Tịch Tà cười khổ, bảo: “Làm sao ta biết được.”
Không biết vì sao câu ấy lại khiến Khương Phóng cảm thán, anh ta nói: “Tôi không hiểu nổi đám đàn bà con gái.

Cứ nói ngay Hòa Lam này thôi, nếu đã chung giường mà mộng khác với Tất Long thì cớ làm sao cứ ghen tuông như vậy? Nếu thực sự là hai người thương yêu nhau thì sao nàng ta lại bán đứng Lương vương, kiếp này không được gặp lại nữa? Ôi! Đám đàn bà…” Anh ta liếc mắt thoáng nhìn bóng người khẽ động ở ngoài mành, Minh Châu đã bưng trà mát vào thì lập tức gắng nuốt câu nói kế tiếp vào.
Minh Châu tươi cười bảo: “Thì ra Phó thống lĩnh cũng ở đây.”
Khương Phóng cười xòa nói: “Tôi mới từ Thượng Giang về báo cáo với hoàng đế.

Ngày mai phải về rồi.”
Tịch Tà gật đầu lệnh cho Khương Phóng lui đi rồi mới nâng chén trà lên uống một ngụm, chợt nghe Minh Châu lầu bầu nói: “Cái gì mà ‘đám đàn bà’, ‘đám con gái’? Không biết tức tối ở đâu mà mang hết phụ nữ trong thiên hạ ra nói xấu một lần.”
“Khụ khụ.” Tịch Tà sặc trà mát ở trong cổ họng, lấy khăn tay ra lau mồ hôi trên chóp mũi.
Minh Châu phe phẩy quạt từ xa, đưa cơn gió nhẹ yếu ớt tới cho Tịch Tà: “Chắc lục gia nóng lắm nhỉ?” Nàng nhìn hắn hé miệng nở nụ cười.
Ai ơi nhớ lấy câu này, reup không khéo có ngày rụng răng.
Không lâu sau tân hôn, Tất Long đã trở về doanh trại ngoài Nhạn môn.

Lúc này ba vạn tinh binh đều ở trong doanh trại ngoài cửa ải để nghe lệnh điều động.

Bên trong Nhạn Môn quan vốn còn có bảy, tám nghìn người nhưng vì công chúa đã thành hôn nên quân đội triều đình hộ tống đến tất nhiên phải về Ly đô báo cáo, đồng thời các tướng sĩ trấn thủ Lương châu tới từ trước cũng vâng lệnh Tất Long trở về trấn thủ thành Lương châu để ngừa Lương châu sinh biến.

Hiện nay theolys vương phi Cảnh Giai nên về vương phủ ở Lương châu nhưng chẳng biết tại sao mà Lương vương lại không hề nhắc đến, vì vậy vương phi vẫn ở Nhạn Môn quan, ở tạm nha môn canh phòng.

Quý ma ma nhắc đến chuyện ấy với Cảnh Giai, nói rằng: “Trong Nhạn Môn quan chỉ có bốn, năm nghìn người, chiến tranh loạn lạc, nô tỳ cảm thấy thật sự không thích hợp.”
Cảnh Giai cười nói: “Đây là chuyện cực chẳng đã.

Trải qua chuyện của Hòa Lam, bà nghĩ Lương vương còn dám để một mình ta trong vương phủ ở Lương châu sao? Bên này có ba vạn đại quân hộ giá, chàng cũng yên tâm hơn.

Lúc chàng đi đã nói với ta, nay biên quan căng thẳng, chàng không rời khỏi đó được, một thời gian nữa chắc chắn sẽ dẫn ta cùng trở về.”
“Vậy phải đợi tới khi nào?”
Cảnh Giai nói: “Cũng nhanh rồi.”
Quý ma ma cười hỏi: “Công chúa khẳng định như vậy ư?”
Cảnh Giai cười, mới định trả lời, đã nghe tiếng chuông báo động của chòi gác trên thành kinh hoàng truyền đến, kèn lệnh vang theo vọng khắp cả thành.

“Có chiến tranh rồi.” Cảnh Giai đột ngột đứng dậy, chạy vội ra ngoài cửa, ngẩng đầu đã thấy khói báo động nổi lên trên cổng thành.

Quý ma ma bắt lấy một cô hầu gái, nói: “Cô mau ra bên ngoài dò la xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.”
Chưa đầy một khắc sau, cô hầu gái đó đã lập tức về bẩm, thấy vương phi đã thay quần áo cưỡi ngựa để đối phó với biến loạn, bèn nói: “Thật vừa lúc.

Đô Lan canh phòng đã xin gặp ở bên ngoài, muốn mời vương phi bỏ thành để tránh chiến tranh.”
Cảnh Giai biến sắc nói: “Bỏ thành? Mau gọi hắn ta vào hỏi rõ ràng.”
Sự việc xảy ra khẩn cấp, vương phi truyền chỉ không tránh ngoại thần nhưng Đô Lan vẫn cúi đầu vào, làm lễ xong vẫn chưa mở miệng, Cảnh Giai đã vội vã hỏi: “Trong thành còn có bốn năm nghìn quan binh, chưa kịp đánh một trận mà đã muốn bỏ thành? Rốt cuộc Hung Nô có bao nhiêu người?”
“Bẩm vương phi, thám tử vừa mới tới báo, đám Hung Nô này chừng tám nghìn người, trong vòng một canh giờ sẽ vây thành tấn công.

Đại quân của vương gia đang di chuyển về phía đông, nhìn thấy khói báo động lại chỉ huy tới cứu, sợ phải mất nửa ngày.

Thần chỉ e trong nửa ngày này bị bọn giặc phá thành, gây tổn hại đến vương phi nên sau khi suy xét thì quyết định dẫn bốn ngàn kỵ binh tinh nhuệ hộ tống vương phi tránh nạn trước khi chúng vây thành.

Ý đồ của đám giặc này là tiền tài trong thành nên sẽ không đuổi tới cùng, vậy thì sẽ bảo vệ được vương phi không đến nỗi bị tổn hại.”
Cảnh Giai nói: “Nếu ta không ở trong thành, tướng quân sẽ đưa ra quyết sách thế nào?”
Đô Lan tỏ vẻ mặt khó xử, suy nghĩ một lát mới nói: “Thần chỉ biết dựa vào sự thực mà bẩm vương phi, thủ thành chính là chức trách của thần, nếu vương phi không ở trong thành thì thần nên dẫn quân dân toàn thành cố thủ đến chết.”
“Vậy mới đúng!” Cảnh Giai nói, “Bốn ngàn người hộ tống ta ra khỏi thành thì chẳng phải là mặc cho chúng ức hiếp tướng sĩ và mấy trăm ngàn dân trong thành hay sao? Vì lợi ích của một mình ta mà muốn chắp tay tặng thị trấn quan trọng ở biên thuỳ cho kẻ khác, vương gia hỏi tới thì anh ăn nói thế nào, triều đình hỏi tới thì vương gia phải ăn nói thế nào?”
Đô Lan dập đầu tâu: “Vương phi dạy rất đúng, nhưng…”

Quý ma ma ở bên nói: “Công chúa tuyệt đối không thể để mình ở nơi nguy hiểm được.

Nếu công chúa có sơ suất gì thì tướng quân biết ăn nói thế nào với vương gia?”
Cảnh Giai cười khẩy nói: “Ma ma thật lắm lời! Tướng quân đánh cược cả tính mệnh để bảo vệ ta an toàn thì lúc ta có sơ xuất gì, nhất định tướng quân đã chết trận nơi sa trường rồi, còn có gì để nói nhiều nữa.” Nàng lại tỏ vẻ mặt ôn hòa, nói với Đô Lan, “Tướng quân hãy nói thật với ta, nếu cố thủ nửa ngày này thì ngài chắc chắn bao nhiêu phần?”
Đô Lan nói: “Hung Nô giỏi cưỡi ngựa bắn cung chứ không giỏi công thành.

Trận chiến này, thần nắm chắc sáu phần.”
Cảnh Giai gật đầu, kiên định bảo: “Tốt! Ta không đi đâu hết, quân dân cả thành chúng ta cứ cố sống cố chết giữ trong nửa ngày, chờ vương gia trở về.”
Mạch máu của Đô Lan căng lên, anh ta nhảy dựng lên nói: “Thần đã rõ! Thần chắc chắn sẽ chiến đấu tới cùng với chúng.”
Quý ma ma thấy Đô Lan sải bước đi mất, mới nói với Cảnh Giai: “Công chúa tội gì phải thế?”
Cảnh Giai nói: “Con kiến hôi còn biết sống tạm bợ, ta há lại không biết thương tiếc cho bản thân? Nhưng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài Lương châu đều là thiên hạ của người Hồ, các cô gái người Hồ thấy ta gầy yếu, không biết cưỡi ngựa bắn cung, chỉ coi ta là một kẻ nhu nhược, trong lời nói đã có ý khinh thường từ lâu.

Nếu lúc này ta bỏ thành trốn đi thì cả đời này họ sẽ chế nhạo ta là con gái người Hán, ngay cả đứa con nối dõi của ta trong tương lai cũng bị họ bắt nạt.

Trong cung ở triều đình đã không còn mẹ ruột ta, chỉ có thái hậu coi ta như con mình sinh ra, hoàng thượng còn biết thương ta, nhưng tính cách thái hậu cứng rắn hẹp hòi, trong mắt hoàng đế chỉ có giang sơn của mình, nếu biết vì một mình ta mà mất một thành trì thì tương lai cũng sẽ không làm chỗ dựa cho ta nữa, sau này ta còn có đường sống ư?”
Quý ma ma than thở: “Công chúa nghĩ quá nhiều rồi.”
Cảnh Giai nói: “Tranh đấu trong cung của chúng ta còn gay gắt hơn xa thế.

Quý ma ma cũng là người ở trong cung nhiều năm, không phải không biết.

Ở đây đã có một ví dụ sẵn có, tiên đế có một phi tần từ Đại Lý, phong hiệu là Đoàn Thời phi, ma ma còn nhớ không? Ta còn nhớ bà ta xinh đẹp nho nhã, lại khéo tay, tiếc nỗi không hòa nhập được với cung đình Trung Nguyên, sau hai mươi mấy tuổi vẫn chưa được tiên đế sủng hạnh, nay xuất gia ở am Phổ Thánh.

Trước khi đi, thái hậu còn đặc biệt lấy bà ta làm ví dụ, bảo ta tuyệt đối không được bước lên vết xe đổ của bà ta.”
Không lâu sau, trong thành ngoài thành tiếng kêu giết rầm trời, đoán là người Hung Nô đã bắt đầu công thành.

Cảnh Giai đứng ngồi không yên, chỉ nghe trống hiệu trên thành lúc dồn lúc dập, tim của mình cũng đang đập loạn xạ.

Qua hai canh giờ, tiếng chém giết giảm xuống, nội giám được phái lên trên cổng thành thăm dò tin tức về báo, lúc này thế tiến công của Hung Nô đã đến chặng cuối, đôi bên đều tử thương rất nhiều, Đô Lan đang mộ binh anh dũng chiến đấu vì chính nghĩa, sau khi bổ sung binh lực thì lại chiến đấu tiếp.

Cảnh Giai nói: “E là chỉ còn bốn, năm trăm người bảo vệ nha môn này, ngươi truyền lời của ta, bảo bọn họ lên hết trên thành giết địch đi.”
Lính đóng ở đây vừa đi, chỉ còn lại nội giám và cung nữ mà Cảnh Giai mang từ Trung Nguyên tới, họ run sợ trong lòng chen chúc thành đoàn ở trước cửa của Cảnh Giai, lắng nghe tiếng chém giết ở đầu thành, rướn cổ lên nhìn cổng, chỉ mong người đi tìm hiểu mang tin tốt về.

Chốc lát sau, chỉ thấy năm gã đàn ông mặc quần áo người Hồ đi vào từ bên ngoài.

Tất cả đều đoán họ là quân canh giữ ở Lương châu, bèn hét lên với họ: “Quân gia, bây giờ trên thành thế nào rồi? Vương phi đang chờ tin tức đấy.”
Một người cầm đầu tiến lên phía trước nói: “Thì ra vương phi ở đây, chúng ta có tin gấp phải bẩm lại.”
Thủ lĩnh thái giám lên nghênh đón hỏi: “Chuyện gấp gì vậy?”
Người nọ ghé vào lỗ tai y cười nói: “Vương phi sắp toi mạng rồi, anh nói xem có gấp không?”
Thủ lĩnh thái giám sửng sốt, mới phát giác trước mắt có ánh sáng lạnh lóe lên thì đã đầu một nơi thân một nẻo.

Những người còn lại tức khắc kinh hãi hét lên luôn miệng, chạy ra bốn phía.

Năm người kia chỉ vung đao đuổi mấy bước, thấy mọi người đều đã chạy xa rồi thì đá tung cửa nhảy vào trong phòng Cảnh Giai.

Trong nhà giữa không có một bóng người, năm người kia liếc nhau rồi đi ra sau tấm bình phong.

Nghe tiếng váy sột soạt nho nhỏ, người đàn ông cầm đầu lộ vẻ vui mừng, cầm đao nhào vào.

Bên trong chính là Vương phi Cảnh Giai, thấy có người hung thần ác sát nhào tới, nàng không khỏi kêu lên sợ hãi, uốn người chạy đi.

Người đàn ông kia tóm lấy xiêm áo của nàng, kéo vào trong lòng, lúc này chợt nghe có người ở phía sau khe khẽ thở dài như thể một cái lưỡi dài lạnh như băng liếm qua gáy khiến người ta nổi da gà khắp người.

Người đàn ông kia chợt xoay người lại, chỉ thấy một nữ quan trung niên đang rút một con dao cong nhỏ từ trong ngực, nụ cười đói khát tàn nhẫn bừng lên trong đôi mắt xinh đẹp, nhắm ngay cổ tay của gã mà chém xuống.

Người đàn ông kia kêu lên một tiếng thảm thiết, ôm cái tay cụt lăn lộn trên mặt đất, bàn tay đứt vẫn nắm thật chặt xiêm áo của Cảnh Giai.

Cảnh Giai sợ đến suýt ngất đi, thở thoi thóp, thét chói tai: “Quý ma ma!”
Cung nữ trung niên kia lấy bàn tay đứt từ trên người Cảnh Giai xuống mà mặt không đổi sắc, nói: “Đừng sợ, đừng sợ, có nô tỳ ở đây rồi.” Mặc dù giọng nói dịu dàng nhưng mắt vẫn đảo quanh người của bốn tên đàn ông còn lại.
Bốn người đàn ông đều rùng mình, còn chưa kịp hành động, bóng Quý ma ma đã mang theo mũi dao cong nhọn vọt đến trước mặt họ như ma, một đường máu me tung tóe, bốn người đàn ông vạm vỡ ôm hầu ngã xuống dưới váy của Quý ma ma.
Quý ma ma đi tới trước mặt kẻ cụt tay còn đang kêu gào thảm thiết, xoay ngược chuôi đao đánh gã ngất xỉu.
Cảnh Giai che mặt, run rẩy nói: “Quý ma ma, bọn họ là người Hung Nô à?”
Quý ma ma nhìn thi thể đầy đất, thưa: “Chắc là không phải! Khá giống với Hòa Lam đấy ạ.

Cho một tên sống sót để đợi vương gia về rồi hỏi.”
Cảnh Giai từ từ lộ mắt ra khỏi tay áo, nhìn chằm chằm bóng lưng Quý ma ma và hỏi: “Ma ma, rốt cuộc bà là ai?”
“Nô tỳ là ma ma Quý thị nuôi công chúa từ khi còn nhỏ.” Quý ma ma cười, “Công chúa không rõ sao?”
Cảnh Giai thở dài, lẩm bẩm nói: “Trước đây rất rõ nhưng bây giờ lại mơ hồ.”
Quân dân Nhạn Môn quan đồng lòng vất vả chống đỡ nửa ngày, cuối cùng cũng trông thấy Lương vương hồi binh tới cứu.

Hung Nô lui binh quá nhanh, ngoại trừ tổn thất một ít người trong lúc công thành ra thì vẫn chưa để Lương vương chiếm được lợi.

So với thi hài đầy đất trên tường thành thì bốn cái xác trong phòng của Cảnh Giai và một tên cụt tay càng làm Tất Long kinh hồn táng đảm hơn, tức giận đến mức cả người run lên.

Anh ta siết nắm đấm, dáng vẻ hung tợn dùng ngôn ngữ của người Hồ không ngừng chửi rủa này càng làm chạng vạng u ám ấy tăng thêm một bầu không khí mưu mô lo sợ bất an.
Đêm đó, Tất Long vội vã viết tấu xin triều đình tăng binh, viết đến chỗ “Thiền Vu đã có thế lớn, binh lực bọn giặc tiệm kết lại, mưu toan dòm ngó Trung Nguyên phía nam.

Bắc phạt Hung Nô là việc lớn của triều đình xã tắc, Tất Long thần trấn thủ một góc, thật sự không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề này.

Thần xin bệ hạ phái đại tướng quân bắc phạt, đóng quân ngoài Nhạn môn đấu với Hung Nô” thì nhíu mày lại không khỏi cười nhạt.
“Vương gia!” Gã sai vặt ngoài cửa nói, “Vương phi tới ạ.”
Tất Long cất tấu chương xuống dưới án kỷ, đến trước cửa đón.

Vẻ mặt Cảnh Giai đã tốt hơn nhiều, cổ tay trắng ngần mà Tất Long nắm trong tay cũng khôi phục sự ấm áp.

“Ta tới mời vương gia đi nghỉ ngơi.”
“Không vội.” Tất Long kéo nàng ngồi lên trên giường, lấy ra một hộp gấm từ bên cạnh, “Thần có một vật muốn đưa cho công chúa.”
Cảnh Giai nhìn Tất Long rồi lại hạ tầm mắt xuống.

Tất Long thong thả mở hộp ra, mỉm cười nâng cây đao vàng cong như trăng rằm ra khỏi hộp, dùng móc vàng treo lên thắt lưng gấm trên eo nàng.

Hai tay anh ta rộng lớn vững chắc như thể đã quen nắm giữ vận mệnh của người khác.
Cảnh Giai vuốt ve từng hạt châu ngọc trên vỏ vàng, tựa đầu lên vai Tất Long.
“Mãi không chia lìa.” Giọng điệu chảy ra từ trong đôi môi của nàng có chứa sự dịu dàng vô hạn của con gái Trung Nguyên, dưới ánh nến vui mắt, trong hương thớm tản ra từ trên người nàng, trái tim Tất Long có sự dao động trong một chớp mắt..