Vì đường xa hơn nên Phụng Chân cùng Hà Đa dĩ nhiên phải mất nhiều thời gian hơn mới tìm đến được Vân Thiên sơn, nơi này có sào huyệt của tên ma đầu Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu, mà cả hai nhất quyết phải đột nhập để cứu Dược Vương Thần Y và Lê Giang trưởng lão.

Một ngày đi qua, cả hai vẫn chưa có dấu vết nào về mục tiêu tìm kiếm, nhưng cả hai vẫn không chán nản cứ lầm lủi băng qua các khe rạch đồi non, thỉnh thoảng cất tiếng la lớn tên Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu như có ý gọi.

Chợt từ đâu đến có tiếng âm u vọng đến mà chỉ có Phụng Chân nghe được.

Tiếng âm u ấy vọng đến :

- Kẻ nào dám vào Âm Sơn này?

Phụng Chân vụt nói :

- Có tiếng người.

Vừa nói nàng nắm tay Hà Đa kéo chạy về hướng đấy.

Rồi cả hai dừng lại thì câu hỏi được lập lại mà lần này Hà Đa cũng đã nghe được.

Cậu bé la lên :

- Có lẽ tên Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu lên tiếng hỏi đấy?

Phụng Chân lắc đầu :

- Không phải đâu?

Hà Đa hỏi :

- Tại sao cô cô biết?

Phụng Chân đáp :

- Âm thanh ấy là tiếng nữ nhân.

Hà Đa chưa tin nên tập trung lắng tai nghe để nhận định nhưng giọng đó không phát ra nữa.

Hà Đa hoài nghi :

- Ai thế nhỉ?

Phụng Chân nói :

- Dẫu là nhân vật nào, nhưng âm thanh ấy là của một nữ nhân có nội lực rất khá, đối phương đã phát giác thì chúng ta chẳng cần phải né tránh, hơn nữa chúng ta cần tìm gặp, để biết đâu có thể dò hỏi sào huyệt của Lý Đình Thu, cũng ở trong Vân Thiên sơn này.

Phụng Chân cùng Hà Đa tiến bước nhanh hơn.

Hà Đa nói :

- Lúc nãy tiểu điệt nghe âm thanh ấy vọng từ phía bên trái đấy cô cô.

Phụng Chân đáp ngay :

- Ở phía trái nhưng có lẽ ở sâu nơi cốc động, vậy hiền điệt hãy theo sau cô cô nhé!

Dứt lời nàng lướt nhanh và Hà Đa theo lời bám sát phía sau.

Nhắm phía trái Phụng Chân dẫn Hà Đa đi qua một ngọn đồi thì gặp một vực sâu nên cả hai men theo bờ đá đi lần xuống.

Hà Đa vừa theo sau vừa nói :

- Cô cô à! Tại sao chúng ta lần mò chi xuống cái vực sâu này?

Phụng Chân đáp :

- Ta đang đi tìm người đã phát ra câu hỏi lúc nãy đấy.

Hà Đa lại hỏi tiếp :

- Cô cô có chắc con người ấy ở nơi đây chăng?

Phụng Chân không trả lời câu hỏi của cậu bé mà vận công hỏi lớn :

- Chúng ta đã đến đây, ai gọi hỏi hãy đáp lời.

Tiếng nói nàng lồng lộng chạy theo lòng vực vào tận phía trong xa, nơi đang có khói mờ vây phủ.

Đáp lại có tiếng âm vang rất nhỏ vọng đến :

- Các ngươi đã đến thì cứ theo cốc vực tiến vào hai khúc quanh là được.

Phụng Chân tiếp tục tiến vào, phía sau Hà Đa thận trọng vừa đi vừa quan sát, vì lòng vực sâu càng lúc càng hẹp rồi cốc vực quả quanh co, hai người phải đi qua hai khúc quanh thì trước mặt là vách đá dựng, nơi ấy có một hang cỏ hoang phủ đầy phải chú ý lắm mới thấy được.

Phụng Chân chỉ vào nơi ấy :

- Đây có lẽ là cửa hang động của nhân vật ấy.

Hà Đa liền vận công hét lớn :

- Chúng ta đã đến rồi!

Liền có tiếng từ trong hang động ấy phát ra :

- Hay lắm! Nếu không sợ hãi thì hãy vào đi.

Hà Đa quay qua Phụng Chân :

- Chúng ra vào hay không?

Phụng Chân phì cười :

- Đã cố đến được nơi này chẳng lẽ lại sợ hãi mà không dám vào hay sao?

Hà Đa vươn vai :

- Được rồi, để tiểu điệt vào trước nhé!

Phụng Chân mỉm cười :

- Nhất định phải vào nhưng phải thận trọng.

Hà Đa gật đầu rồi liền phóng vào ngay.

Phụng Chân cũng vội bước theo, nhưng vừa qua cửa hang đã không thấy Hà Đa vì bóng tối khá dày, nàng đi theo một đoạn nữa rồi đứng lại vì đã đến khúc quanh để quan sát và để quen với bóng tối. Nàng hơi lo lắng cho Hà Đa quá hăng say sợ e có điều bất trắc.

Vừa lúc đó, Hà Đa từ khúc quanh phóng vụt trở ra có vẻ khẩn cấp.

Phụng Chân liền hỏi :

- Có gì vậy hiền điệt?

Hà Đa ấp úng :

- Hang tối quá mà hình như có xác chết.

Phụng Chân mỉm cười :

- Ngươi sợ rồi sao?

Hà Đa nói cứng :

- Đâu có, tiểu điệt chạy ra chờ cô cô đấy chứ.

Phụng Chân phỉ cười :

- Ở! Thế thì chúng ta cùng vào.

Hà Đa gật đầu rồi đứng nhích sang một bên, chờ Phụng Chân đi trước, cậu bé mới theo sau chứ không hồ đồ phóng người lai đi trước nữa.

Lúc nãy lối đi như tun hút song đã quen với ánh sáng lờ mờ nên cả hai dễ nhận định mọi vật.

Đi hết khúc quanh hẹp nhất của lòng hang thì gặp một cái hang khác mà nơi cửa hang có một có một thây người cao lớn, với y phục sang trọng màu đỏ và cả khăn choàng bên ngoài cũng màu đỏ, nhưng y phục sắp ủ mục cùng với thây ma.

Phụng Chân nhìn Hà Đa hỏi :

- Ngươi sợ thây ma này phải không?

Hà Đa ấp úng :

- Không phải đâu... lúc này tiểu điệt đang nhìn trên trần hang đá nên đụng phải thây ma, khi nhìn xuống thì thấy cánh tay thây ma như sắp ôm lấy chân tiểu điệt, bởi vậy tiểu điệt co giò phóng ra thông báo cho cô cô đấy.

Phụng Chân mỉm cười :

- Bây giờ vào cái hang trước mắt, nhưng phải hết sức cẩn thận, không khéo lại tháo chạy ra nữa thì hổ danh lắm đó.

Hà Đa cười hề hề rồi mạnh dạn định bước vào cửa hang nhưng chợt cậu bé lại dừng ngay cửa hang lớn tiếng nói vào bên trong :

- Chúng ta đã đến tận nơi này, tại sao tôn giá không xuất hiện mà cứ ẩn nấp mãi thế.

Lập tức, một giọng nói thanh thanh từ trong hang ấy thoát ra :

- Đã đến được sao nơi ấy sao không vào thạch động mà đứng nơi đó như sợ sệt vậy.

Phụng Chân xua tay :

- Cứ vào bên trong đi, rồi hẵng hay.

Vừa nói nàng liền bước đi thẳng vào trong thạch động và hình như thạch động đang xuống dốc thấy dần và ánh sáng giảm nhiều hơn bên ngoài.

Phụng Chân âm thầm vận công thận trọng đề phòng, nhưng vẫn cùng Hà Đa tiến sâu vào.

Chợt có tiếng nước chảy róc rách, Hà Đa thốt lên ngạc nhiên :

- Cô cô, phía trong hình như có suốt nước.

Phụng Chân chưa trả lời thì có tiếng bên trong giọng thanh thanh vang lên :

- Chỉ có tiếng nước chảy mà lại sợ rồi sao?

Hà Đa định lên tiếng đáp lại nhưng Phụng Chân liền ra hiệu cho cậu bé cứ im lặng và hai người vẫn tiến bước vào bên trong.

Hai người cứ âm thầm tiến thêm chừng mấy trượng nữa lại gặp một khúc quanh, bên trong hơi rộng và ánh sáng cũng gia tăng nhiều hơn.

Bấy giờ, cảnh vật đã trông rõ, trước mặt là một cái đầm khá rộng, chính giữa có một phiếng đá lớn mà trên phiến đá ấy, có một bà lão y phục màu trắng đang ngồi thế tọa công.

Đầm nước này được bao quanh bởi những vách đá dựng mà phía trên là những mũi đá nhọn sắc bén lởm chởm, như bức thành đá bảo vệ.

Từ trên cao ấy, vòm trời bằng cái hồ buông ánh sang soi xuống mặt đầm, như tạo nên một thế giới riêng biệt nho nhỏ cho vị bạch y lão bà kia.

Lão bà vẫn ngồi trên phiến đá giữa đầm, da mặt bà ta nếp nhăn chồng chất lên nhau, tóc bạc trắng phau có lẽ cũng đã ngoài tám mươi niên kỷ.

Đã vào nơi này rồi mà vẫn chưa nghe lão bà lên tiếng nên Phụng Chân thủ lễ lên tiếng trước :

- Chúng tôi đã vào đây, xin kính lễ lão bà tiền bối.

Chợt bà lão bật tiếng cười khen :

- Cô nương nhận định ta bao nhiêu niên kỷ mà gọi là lão bà tiền bối?

Phụng Chân vẫn giọng tôn kính :

- Với dung mạo ấy, lão bà hẳn đã ngoài bát tuần thượng thọ.

Lão bà lại hỏi :

- Còn cô nương bao nhiêu niên kỷ?

Phụng Chân đáp :

- Tiện nữ vừa tròn hai mươi hai niên kỷ.

Lão bà bật cười mấy tiếng rồi hầm hừ :

- Nếu vậy chớ gọi ta là lão bà.

Phụng Chân liền hỏi :

- Thưa, tại sao vậy?

Lão bà đáp :

- Ta chỉ gấp rưỡi tuổi cô nương thôi.

Phụng Chân ngạc nhiên hỏi lại :

- Sao? Lão bà mà chỉ có ba mươi niên kỷ thôi ư? Sao kỳ lạ thế?

Lão bà cười khẩy :

- Cô nương tỏ ra ngạc nhiên lắm, cô nương nghĩ rằng ta xảo ngôn phải không?

Phụng Chân lắc đầu đáp :

- Không đây, nhưng tiểu nữ... à... tôi rất thắc mắc tại sao với số tuổi ấy mà diện mão của tôn giá lại như thế, hơn nữa...

Nàng thở nhẹ đáp :

- Hơn nữa, với nội công thâm hậu, không lẽ không giữ được sắc diện bình thường của mỗi con người.

Nàng nhìn bà ta liền tiếp :

- Hay là...

Người đàn bà này liền hỏi lại :

- Hay là thế nào, cô nương hãy nói xem?

Phụng Chân đáp :

- Hay là... tôn giá có tâm sự cực kỳ u uất mới có thể như thế được.

Người đàn bà bật cười mấy tiếng :

- Cô nương nhận xét rất đúng, suốt hơn mười năm trôi qua, đã ghi hằn lại u uất ấy trên gương mặt của ta một cách bi đát như thế, nhưng biết làm sao vì ta chưa hoàn thành được ý nguyện.

Phụng Chân liền hỏi :

- Như vậy tôn giá vào nơi này cũng chẳng qua vì muốn hoàn thành ý nguyện, nhưng ý nguyện ấy khó như thế nào mà tôn giá phải nghĩ suy đến như vậy.

Người đàn bà kia thở dài :

- Việc ấy khoan nói đã.

Phụng Chân liền hỏi :

- Này giờ mải nói, chưa thỉnh danh tính của tôn giá.

Người đàn bà ngập ngừng nhìn Phụng Chân nên nàng liền nói :

- Tôi là Thượng Quan Phụng Chân còn cậu bé này là tiểu điệt Đỗ Hà Đa.

Người đàn bà mỉm cười :

- Còn tôi là Lâm Tiểu Nhược.

Rồi bà ta lại tiếp hỏi :

- Lúc nãy hình như cậy bé này đã lớn tiếng gọi Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu phải không?

Hà Đa đáp :

- Vâng, chính tiểu nhi đấy.

Bà lão Lâm Tiểu Nhược hỏi :

- Ngươi gọi Lý Đình Thu để làm gì?

Hà Đa đáp :

- Thượng Quan cô cô của tôi đang đi tìm lão ta đấy.

Lâm Tiểu Nhược quay nhìn Phụng Chân :

- Cô nương muốn tìm Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu?

Phụng Chân gật đầu :

- Đúng vậy.

Lâm Tiểu Nhược hỏi tiếp :

- Tìm lão để làm gì?

Phụng Chân đáp :

- Lão ta bắt giữ một vị bằng hữu của tôi và có thể giữ luôn Dược Vương Thần Y nữa nên tôi tìm lão để yêu cầu lão thả vị bằng hữu và vị Thần Y ra.

Tiểu Nhược lắc đầu :

- Ta khuyên cô nương hãy bỏ ý định ấy đi.

Phụng Chân hỏi :

- Tại sao vậy?

Tiểu Nhược đáp :

- Cô nương đừng hỏi tại sao mà nên nghe lời tôi khuyên hãy bỏ ý định ấy đi là hơn.

Phụng Chân nói :

- Đâu có dễ dàng như thế được.

Tiểu Nhược cười khẩy giọng cương quyết :

- Nếu cô nương không nghe lời ta thì ta xin lãnh giáo tài nghệ của cô nương xem sao đã.

Phụng Chân lắc đầu :

- Tôn giá với tôi không thù không oán thì cần gì phải có cuộc giao đấy phi lý thế.

Tiểu Nhược nói :

- Ta muốn có cuộc thi tài với cô nương ở dưới nước, chắc cô nương cũng rành về thủy tính như ta phải không?

Hà Đa cướp lời :

- Đó là điều dĩ nhiên.

Phụng Chân chận lời :

- Hà Đa tiểu điệt.

Tiểu Nhược bật cười :

- Ồ! Gặp cô nương rành về thủy tính như vậy thì ta không thể nào bỏ qua cuộc tỷ thí dưới nước đầy thú vị này được.

Phụng Chân xua tay :

- Thật sự tôi không rành về thủy tính đâu, tôn giá chớ hiểu lầm!

Tiểu Nhược cười :

- Người tài giỏi thường khiêm nhượng, cô nương là địch thủ mà ta mong muốn để thử tài.

Cứ càng nói thật thì đối phương càng hiểu lầm, chỉ vì cậu bé Hà Đa thối lời khởi đầu cho sự hiểu nhầm ấy. Nên Phụng Chân không nói gì thêm sợ e sự hiểu lầm càng đi đến khó xử.

Chợt Hà Đa lên tiếng :

- Được rồi, cô cô của tôi đã nói mà tôn giá cứ đa nghi, vậy giờ đây tôn giá có bản lãnh hãy cùng Hà Đa này thử một phen vậy.

Bởi vì, Hà Đa từ nhỏ vốn quen thủy tính nên cậy ta đây hăm hở thốt lời là thế.

Lưng Lâm Tiểu Nhược lắc đầu :

- Chẳng lẽ ta lại giao đấu với một đứa bé như ngươi sao?

Hà Đa giọng cương quyết :

- Tài năng đây lệ thuộc tuổi tác, kẻ lớn tuổi đã chắc gì thắng người nhỏ tuổi, không tin bà cứ thử sẽ biết ngay.

Tiểu Nhược giọng bình thản :

- Dầu ngươi có giỏi khoe khoang ta cũng không hạ mình giao đấy với ngươi, nhưng nếu ngươi muốn, ta có cách thử sức với ngươi.

Hà Đa hỏi ngay :

- Cách gì? Bà hãy nói đi.

Lâm Tiểu Nhược chỉ tay xuống đầm nói :

- Giữa đầm này, sâu chừng ba trượng có một kỳ thư tên gọi là Hàn Thủy Thần Công bí kíp, nếu ngươi là kẻ tài giỏi can đảm hãy lặn xuống mà lấy được chăng?

Hà Đa cất tiếng cười hồn nhiên :

- Việc ấy có gì khó khăn! Chỉ sâu ba trượng có gì gọi là hiểm nguy.

Vừa dứt lời, thân hình Hà Đa đã tung lên để chúi đầu lao xuống đầm lạnh cóng, rồi lướt thân nhanh đến giữa đầm.

Tiểu Nhược nói lớn :

- Cậu bé chú ý vòng xoáy giữa đầm, nước lạnh cực kỳ, sức hút cực nhanh đấy.

Lời Tiểu Nhược vừa dứt thì Hà Đa đến vị trí giữa đầm.

Phụng Chân lo lắng hỏi Tiểu Nhược :

- Nơi ấy có thật hiểm nguy như thế sao?

Tiểu Nhược gật đầu :

- Đúng như lời ta nói và đó là điều mà bao nhiêu năm nay ngăn trở ta làm, ta không thể xuống lấy bí kíp ấy được.

Lời bà ta nói ra làm cho Phụng Chân hốt hoảng lớn tiếng gọi :

- Hà Đa tiểu điệt!

Cùng lúc ấy, Hà Đa đã bơi vào vòng tròn nước xoáy rồi vụt kêu lớn :

- Thượng Quan cô cô!

Hà Đa chỉ gọi có thế rồi thân hình hắn liền tụt ngay xuống mặt nước rất nhanh và mất hút.

Nàng Phụng Chân thấy thế kinh hãi hét lớn :

- Hà Đa!...

Bỗng từ dưới mặt nước có cánh tay của Hà Đa đưa lên khỏi mặt nước một cách chới với tuyệt vọng như cầy cứu bằng sức lực cuối cùng.

Không chậm trễ, Phụng Chân liền hét lên tiếng tới, thân hình nàng từ nơi bờ lướt như ánh chớp ra giữa đầm, tay trái nàng chộp ngay bàn tay cầu cứu của Hà Đa sắp chìm xuống mặt nước, còn hữu chưởng lập tức đẩy mạnh một kình lực xuống mặt nước để dùng sức phản lực ấy đẩy thân hình nàng lên, đồng thời chưởng lực còn cuộn nước hất Hà Đa vọt lên cùng một khối nước bật cao lên thì Phụng Chân lại cảm thấy nhẹ hơn, để kéo tung Hà Đa lên cao, rồi nàng lộn người theo Hà Đa đáp vào mỏm đá an toàn.

Phải nói rằng nhờ vào tuyệt kỹ khinh công cùng áp dụng chưởng lực phối hợp chính xác, Phụng Chân mới cứu được Hà Đa trong trường hợp cực kỳ nguy hiểm ấy, song nàng cũng đã quá mệt nên vừa đặt Hà Đa nằm trên tảng đá, nàng đã vội ngồi tại nơi ấy vận công điều tức một lúc mới ổn định khí lực được.

Tiểu Nhược thán phục :

- Thượng Quan cô nương đã thi triển khinh công thượng thừa, phối hợp với chưởng lực tạo nên thân pháp kỳ ảo và hữu hiệu thật hi hữu quá.

Phụng Chân đáp :

- Vì sự an nguy của tiểu điệt nên tôi cũng phải cố gắng tận lực để cứu hắn.

Tiểu Nhược gật đầu :

- Cậu bé quả có một tư chất thật hiếm có, sau này chắc chắn sẽ có một tương lai rạng rỡ.

Nhưng giờ đây Hà Đa đang thiêm thiếp tuy không chết nhưng không tỉnh được, bởi vậy Phụng Chân lo lắng :

- Cậu bé vẫn chưa tỉnh lại, tôn giá có phương cách nào cứu tỉnh hắn không?

Lâm Tiểu Nhược liền bước đến xem xét Hà Đa, chợt bà ta kêu lên :

- Ồ! Sao lại thế này.

Phụng Chân giật mình hỏi ngay :

- Có việc gì thế?

Tiểu Nhược lộ nét vui vẻ :

- Cô nương hãy xem cậu bé dẫu hôn mê, song vẫn ôm chặt cái hộp bằng thủy tinh kia kìa.

Phụng Chân ngạc nhiên :

- Cái hộp gì vậy?

Tiểu Nhược đáp :

- Đấy chắc là chiếc hộp đựng cuốn kỳ thư Hàn Thủy thần công đấy.

Bà ta lại tiếp với giọng như ca thán :

- Ôi! Ôi ta đã chờ nơi đây hơn mười năm để tìm cơ hội lấy kỳ thư, thế mà vẫn hoài công. Giờ đây cậu bé này lại lấy được ngay.

Nhìn cử chỉ và nghe giọng nói của bà ta, Phụng Chân đã hiểu tâm sự, nên lên tiếng :

- Tôn giá chớ suy tư, kỳ thư này chúng tôi không có ý quan tâm, bởi vậy tôn giá hãy lo cứu cậu bé tỉnh lại trước đã.

Tiểu Nhược lắc đầu :

- Tại sao cô nương cứ gọi tôi là tôn giá mãi thế, tôi chỉ cao niên hơn cô nương một nửa số tuổi, rồi bây giờ nhìn cô nương thi triển tuyệt pháp cứu cậu bé, tôi thấy thua sút cô nương về mặt võ công nữa, vậy cô nương đừng gọi tôi như thế có được không?

Phụng Chân mỉm cười :

- Nếu vậy, tôi xin gọi là Lâm bằng hữu vậy.

Tiểu Nhược vui vẻ :

- Được lắm, được lắm! Chúng ta là bằng hữu với nhau là vui lắm đấy!

Phụng Chân tiếp :

- Lâm bằng hữu hãy xem cậu bé như thế nào rồi.

Tiểu Nhược liền xem rất kỹ rồi dùng thủ pháp điểm huyệt làm cho Hà Đa ói ra hết chất nước trong bụng, rồi bà ta lấy ra một viên thuốc cho Hà Đa uống ngay.

Tiểu Nhược tiếp tục theo dõi tình trạng của Hà Đa cho đến khi thấy da mặt cậu bé trở nên hồng hào, bà ta thở phào, nói :

- Đã yên ổn rồi, cậu bé chỉ còn hôn mê một lúc nữa sẽ tỉnh lại thôi, hay nói khác hơn, cậu bé ngủ một giấc sẽ trở lại bình thường.

Phụng Chân cung tay :

- Tôi xin đã tạ Lâm bằng hữu.

Tiểu Nhược vui vẻ :

- Thượng Quan cô nương chớ khách sáo, vì một lời thách thức của tôi mà cậu bé phải như thế.

Phụng Chân mỉm cười :

- Tiểu điệt của tôi không hề gì là tốt rồi, hơn nữa cậu bé đã lấy được kỳ thư cho Lâm bằng hữu thì việc làm của nó rất có ích.

Tiểu Nhược nhìn Phụng Chân hỏi :

- Hình như cô nương không rành thủy tính mà cậu bé rất thạo thủy tính phải không?

Phụng Chân gật đầu :

- Đúng như vậy.

Tiểu Nhược hỏi tiếp :

- Cô nương đến Vân Thiên sơn thật sự tìm lão Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu như lời cô nương đã nói lúc nãy phải không?

Phụng Chân gật đầu :

- Đúng vậy, nhưng tại sao lúc nãy Lâm bằng hữu khuyên tôi nên rút lui là ý gì?

Tiểu Nhược ngừng một lúc lại hỏi :

- Cô nương có biết lão ta bắt giữ Lê Giang trưởng lão và Dược Vương thần y chăng?

Phụng Chân đáp :

- Chưa chắc, nên phải hỏi cho rõ.

Để Tiểu Nhược khỏi thắc mắc, Phụng Chân bèn kể rõ câu chuyện và lý do đến nơi này rồi tiếp :

- Như vậy Lâm bằng hữu đã rõ mục đích của tôi rồi chứ?

Tiểu Nhược mỉm cười, giọng khẳng định :

- Vị trưởng lão Lê Giang ấy, hẳn nhiên không lọt vào tay Huyết Ảnh Thần Quân Lý Đình Thu đâu, còn Dược Vương Thần Y cũng khó biết.

Phụng Chân hỏi ngay :

- Như vậy Lâm bằng hữu cho là Ngọc Hồ Thần Quân Mã Triết bắt hai người ấy chăng?

Tiểu Nhược lắc đầu :

- Tôi chưa chắc rằng Lý Đình Thu không bắt Lê trưởng lão còn Mã Triết có bắt hay không tôi không rõ, riêng vị Thần Y tôi không có ý kiến.

Phụng Chân hỏi :

- Dựa vào đâu mà Lâm bằng hữu khẳng định như thế?

Tiểu Nhược thở dài rồi hỏi :

- Nếu cô nương đoán ra sự liên hệ giữa tôi và Lý Đình Thu thì không thắc mắc nữa.

Đến lúc này Phụng Chân mới giật mình, vì qua lời nói của Tiểu Nhược thì đủ thấy rõ rang phải có sự liên hệ mật thiết với Lý Đình Thu vì như thế những điều mà Phụng Chân bộc lộ với bà ta quả vô tình sẽ gây bất lợi cho nàng.

Bởi thế Phụng Chân nhìn nhìn dò xét và ngỡ ngàng đối với Tiểu Nhược, ấp úng hỏi :

- Chẳng lẽ... chẳng lẽ... bằng hữu là...

Thấy Phụng Chân cứ ấp úng nên Tiểu Nhược liền bật cười rồi tiếp :

- Vâng. Lý Đình Thu chính là phu quân của tôi đấy.

Phụng Chân lại hỏi :

- Thật thế sao?

Tiểu Nhược gật đầu :

- Đúng vậy, song chính y đã tạo nên nỗi đoạn trường, làm cho tôi hơn mười năm nay nhan sắc phải già cỗi, tâm tư phải tan nát.

Phụng Chân lại hỏi :

- Mà chuyện gì lớn lao đến nỗi Lâm bằng hữu phải u uất đến như vậy.

Tiểu Nhược khẽ lắc đầu chán nản và đôi dòng lệ tuôn chảy cho vơi niềm u uất.

Bà ta trầm giọng kể :

- Hơn mười năm trước đây, Lý Đình Thu lưu lạc giang hồ, được phụ thân thôi thu nhận làm đệ tử và gả tôi cho y. Chúng tôi sống với nhu chẳng bao lâu, y bị một yêu nữ quyến rũ nên y sanh tâm đổi tánh.

Bà ta thở dài tiếp :

- Một hôm y đưa tôi du ngoạn trên sông ngồi thuyền uống rượu, chẳng ngờ y dùng mê dược cho vào rượu đầu độc tôi, rồi ném tôi xuống giữa dòng sông nước chảy xiết.

Tiểu Nhược ngưng một lát giọng rít lên cay đắng :

- Ném tôi xuống sông rồi, y đinh ninh là tôi phải chết, nên cùng tên yêu nữ trở về Thanh Lâm bảo của phụ thân tôi, lừa gạt và giết phụ thân tôi để chiếm đoạt sản nghiệp để vui hưởng cùng con yêu nữ.

Phụng Chân nhíu mày :

- Hắn quả là tên tàn độc bất nhân, tại sao Lâm bằng hữu không tìm cách báo thù, diệt lũ yêu quái đó?

Tiểu Nhược đáp :

- Phụ thù không thể không báo, chưa nói y là kẻ bạc tình ra tay hại độc cố sát tôi, đâu có giây khắc nào tôi không nghĩ đến hận thù ấy. Nhưng một thực tế phũ phàng là võ công của y chẳng kém tôi thì làm sao tôi thực hiện được sự trả thù.

Phụng Chân im lặng một lúc, mới ôn tồn nói :

- Bởi thế mà Lâm bằng hữu phải ôm hận hơn mười năm qua nhưng tại sao bằng hữu cứ ngồi nơi đầm lạnh này chứ?

Tiểu Nhược giải thích :

- Đã có nhiều lần tôi đột nhập vào Thanh Lâm bảo, quyết cùng tên súc sanh tự tận, nhưng đều bị chúng đánh bại suýt chết, song nhờ nơi Thanh Lâm bảo ấy của phụ thân tôi, có một dòng suối thông ra ngoài mà tôi theo lối đó mới thoát được.

Ngưng một lúc Tiểu Nhược tiếp :

- Cứ mỗi lần đột nhập hoặc ngày hoặc đêm, tôi đều thất bại, chỉ thoát được nhờ con suối, nhưng mỗi lần như vậy là mỗi lần mang thương tích. Tôi không còn phương kế nào nên muốn tìm phương cách tự sát để theo phụ thân tôi mà thôi.

Phụng Chân xen lời :

- Ồ! Tại sao bằng hữu lại quẫn trí đến thế.

Tiểu Nhược gật đầu :

- Quả thật tôi đã quẫn trí vì qua tuyệt vọng, cho nên tôi nhất quyết đi vào núi sâu tìm một nơi yên tính để vùi lấp cái kiếp bạc hạnh của mình, nhưng tình cờ tôi lại lạc vào chốn này chính là Hàn Thủy động có ghi nơi tảng đá mà tôi đã lật úp xuống rồi.

Phụng Chân tiếp lời :

- Nhờ ba chữ Hàn Thủy động, nên Lâm bằng hữu đến Hàn Thủy thần công kỳ thư mà không còn ý nghĩ tuyệt mệnh.

Tiểu Nhược gật đầu :

- Đúng vậy! Và từ đó tôi nhất quyết ở nơi này tìm cách lấy kỳ thư ấy để luyện công mà trả huyết thù.

Quay lại nhìn Hà Đa còn hôn mê, Tiểu Nhược tiếp :

- Thời gian hơn mười năm trôi qua, mãi đến hôm nay lại được cậu bé lấy kỳ thư và Thượng Quan cô nương tặng cho, nhưng kẻ thù cũng đã không còn nữa.

Phụng Chân ngạc nhiên :

- Lâm bằng hữu nói sao? Lý Đình Thu đã trốn chạy khỏi Thanh Lâm bảo rồi sao?

Tiểu Nhược đáp :

- Hắn đã chết rồi!

Phụng Chân hỏi lại :

- Hắn chết thật rồi sao?

Tiểu Nhược đáp :

- Lý Đình Thu và con yêu nữ cùng toàn thể gia đình thuộc hạ của hắn đều bị giết chết.

Phụng Chân lại ngạc nhiên :

- Như vậy hung thủ là ai?

Tiểu Nhược đáp :

- Hung thủ là kẻ có võ công cao hơn Lý Đình Thu rất nhiều và còn tàn ác gấp bội hắn.

Phụng Chân hỏi ngay :

- Hắn hiện ở đâu và danh tánh là gì?

Tiểu Nhược đáp :

- Hiện tại hắn là Tân chủ nhân Thanh Lâm bảo nhưng danh tánh hắn tôi chưa nghe ai nói?

Phụng Chân hỏi :

- Tại sao thế?

Tiểu Nhược đáp :

- Bởi vì những ai đã gặp hắn đều không còn sống sót để nói, bởi vậy danh tánh của hắn chưa ai biết.

Phụng Chân nghi ngờ :

- Làm gì có một nhân vật ghê gớm như thế mà võ lâm để yên cho hắn hoành hành sao?

Tiểu Nhược nói :

- Chắc cô nương đã biết hoặc nghe danh của Độc Thủ Thần Đao Lê Phong Vũ, Nhất Kiếm Mạnh Bảo, đôi uyên ương hiệp khách Thanh Tú, Mỹ Lan và Song Anh Nữ Hiệp Vũ Yến Linh chứ?

Phụng Chân gật đầu, thì Tiểu Nhược tiếp :

- Tất cả những nhân vật đó đều chết dễ dàng bởi tên Tân chủ nhân Thanh Lâm bảo.

Phụng Chân lặng đi một lúc mới cất tiếng :

- Lâm bằng hữu có thấy hình dạng diện mạo của hắn không?

Tiểu Nhược đáp :

- Có một lần tôi đột nhập vào sơn viện và nhìn thấy hắn giao đấu với Độc Thủ Thần Đao Lê Phong Vũ, nên nhận rõ hắn có thân hình cao lớn và đeo mặt nạ, nếu theo giọng nói có thế ước đoán hắn chừng hơn năm mươi niên kỷ.

Phụng Chân nói :

- Những hành vi của hắn như thế nhất định tôi phải đến Thanh Lâm bảo một lần, để xem bản lãnh ghê hồn của hắn như thế nào.

Tiểu Nhược xua tay :

- Không nên đâu cô nương, hắn là nhân vật không thể đối phó dầu cô nương võ công thượng thừa. Hơn nữa, cô nương đến đây chủ đích tìm Lê Giang trưởng lão và vại Thần Y do Lý Đình Thu bắt giữ mà sự việc đã rõ ràng thì cô nương dính líu đến tên ấy làm gì, đó chỉ là hành động liễu lĩnh mà thôi.

Phụng Chân nói :

- Một sự gặp gỡ tình cờ giữa tôi và Lâm bằng hữu quả đã giúp tôi rất nhiều, đó là nghĩa tình tôi không thể quên mà nay Thanh Lâm bảo của Lâm bằng hữu lại lọt vào tay của tên đại ác này chẳng lẽ tôi đành làm ngờ hay sao?

Lâm Tiểu Nhược lắc đầu :

- Thượng Quan cô nương nghĩ vậy, còn tôi cũng có tâm tư của tôi, đó cũng là nghĩa ân mà cô nương đã ban cho tôi. Nên nếu cô nương vào chốn hiểm nguy ấy có bề nào thì đời tôi còn gì.

Phụng Chân ngạc nhiên :

- Lâm bằng hữu nói thế có điểm quá đáng chăng?

Tiểu Nhược đáp :

- Sự thật là thế, đã là con người ân oán phân minh có ân báo ân, có oán trả oán. Vậy mà tôi không trả oán được đối với Lý Đình Thu rồi, nhỡ cô nương có bề nào tôi lại không đáp được ân sâu thì thử hỏi tôi còn sống để làm gì?

Phụng Chân giọng vui vẻ :

- Lâm bằng hữu chớ nghĩ là tôi đã thi ân vì đã tặng kỳ thư cho bằng hữu, mà như tôi đã nói, Lâm bằng hữu cứu tiểu điệt của tôi và tôi tặng kỳ thư xem như chẳng có ân gì với nhau, nên bằng hữu chớ suy nghĩ về việc ấy nữa.

Im lặng một lát Tiểu Nhược đáp :

- Nếu cô nương nói chúng ta sòng phẳng thì tôi với cô nương đã là bằng hữu, vậy chúng ta phải đối đãi theo nghĩa bằng hữu chắc cô nương không phản đối chứ?

Phụng Chân suy nghĩ một thoáng rồi mỉm cười :

- Lâm bằng hữu đề cập tình bằng hữu, nhằm buộc tôi để bằng hữu cùng tôi vào Thanh Lâm bảo chăng?

Tiểu Nhược gật đầu :

- Quả tình là vậy.

Phụng Chân lắc đầu :

- Không được đâu, vì chính bằng hữu đã biết nơi ấy là hiểm nguy mà vì tôi Lâm bằng hữu dấn thân vào thì chẳng hóa ra tôi...

Tiểu Nhược chận lời :

- Cô nương hiểu rằng dầu sao Thanh Lâm bảo tôi đã rõ từng ngóc ngách và lại biết con suối là lối thoát an toàn như vậy, nếu chúng ta cùng đột nhập vào sẽ hỗ trợ nhau rất có lợi đấy chứ.

Phụng Chân ngập ngừng một lúc lâu mới lên tiếng :

- Hảo ý của Lâm bằng hữu cũng rất hữu lý, song thật tâm tôi không muốn nhọc lòng bằng hữu.

Tiểu Nhược phì cười :

- Nếu cứ khách sao thì đâu còn là bằng hữu thân thiết với nhau chứ.

Nhận thấy khó từ chối, nên Phụng Chân nói :

- Nếu vậy chúng ta cùng bàn một kế hoạch để hành động vậy.

Tiểu Nhược vui vẻ :

- Thế thì hay lắm! Vào lúc canh một tôi sẽ đến đợi cô nương nới dòng suối, như vậy để chuẩn bị cho lối thoát, còn cô nương cứ đột nhập vào từ lối khác, như thế địch sẽ không ngờ chúng ra có hai cánh phối hợp.

Phụng Chân đáp :

- Tôi hiểu rồi, nhưng Lâm bằng hữu đợi đến canh ba mà không thấy tôi thì đừng đợi nữa...

Tiểu Nhược chặn lời :

- Cô nương hãy nhớ đến đầu canh một tôi đã có dưới nước nơi dòng suối rồi, mà bất cứ nơi nào của dòng suối tôi vẫn có đủ cách để chúng ta thoát đi an toàn.

Phụng Chân gật đầu :

- Được rồi! Cứ thế mà hành động, tôi đợi Hà Đa tiểu điệt tỉnh lại rồi đi ngay.

Tiểu Nhược nói :

- Trong chốc lát cậu ta sẽ hồi tỉnh lại ngay, và giờ này cũng thừa thời gian hành động.

Vừa lúc đó Hà Đa cũng vừa tỉnh lại.

Phụng Chân cho cậu ta biết mọi sự rồi cả hai chuẩn bị lên đường đến Thanh Lâm bảo.