Ngày hôm sau, Khương Ninh và Vu Dương bắt xe vào thành phố. Vẫn là chiếc xe khách nhỏ như lần trước. Vu Dương biết Khương Ninh sợ nóng, cố ý bảo cô ngồi chỗ gần cửa sổ, anh còn thò tay ra đẩy hé ô cửa bên cạnh để gió thổi vào.

Xe chưa tới giờ xuất phát nên đỗ ở đó, trong xe khô nóng, chỉ chốc lát sau, trán Khương Ninh đã đổ một lớp mồ hôi mỏng. Vu Dương thấy vậy, cầm quyển tạp chí quạt phe phẩy sau lưng cô.

Gió không mạnh, lướt nhẹ qua mấy sợi tóc mai của Khương Ninh. Khương Ninh quay sang nhìn anh, mỉm cười.

Đến giờ khởi hành, tài xế lên xe quét mắt nhìn một lượt, sau đó lắc đầu, cảm khái: Mới có năm người.

Thu tiền xong, tài xế khéo léo điều khiển xe, đi một đoạn quốc lộ liền vào đường cao tốc. Xe chạy cao tốc chưa bao lâu, trên xe bỗng có một cô gái trẻ hô to: Máy tính của tôi.

Cô gái ngồi cạnh Khương Ninh và Vu Dương. Cô ấy vừa kêu lên một tiếng, Khương Ninh không khỏi liếc mắt nhìn sang, chỉ thấy vẻ mặt cô ấy cuống cuống, tìm xung quanh. Lát sau cô gái khom lưng đứng dậy hỏi tài xế: Bác tài, bây giờ có thể quay lại được không?.

Người tài xế bật cười: Cô gái à, không phải cô nói đùa tôi đấy chứ? Đường cao tốc không thể dừng xe.

Cô gái trẻ lo lắng: Tôi để quên máy tính trên một chiếc xe khác, tôi phải quay lại lấy.

Tài xế hỏi: Làm sao vậy?.

Vừa nãy tôi lên nhầm xe, ngồi phải chiếc xe đi đường quốc lộ. Lúc xuống xe lại quên cầm theo máy tính.

Ôi, sao bất cẩn thế. Tài xế quay lại nhìn cô gái: Cứ cho là bây giờ cô quay lại lấy, cũng không tìm thấy đâu.

Sao lại vậy?.

Tài xế hỏi lại: Không thế thì sao? Cô gái, cô không phải là người của trấn Thanh Vân sao? Chả lẽ không biết tình hình ở trấn Thanh Vân này như thế nào?.

Cô gái hoảng hốt, vừa nói vừa khóc: Vậy phải làm sao bây giờ, trong máy tính có rất nhiều tài liệu quan trọng.

Tài xế lắc đầu: Làm sao á? Cô hỏi tôi, tôi biết hỏi ai?.

Khương Ninh thấy cô gái nước mắt lã chã, lên tiếng hỏi tài xế: Bác tài, trên xe các bác đều lắp camera phải không?.

Cô gái được Khương Ninh nhắc nhở, vội nói: Đúng rồi, trên xe có lắp camera giám sát, tôi sẽ xem ai lấy rồi báo cảnh sát.

Tài xế nhìn Khương Ninh qua gương chiếu hậu, sau đó hỏi cô gái kia: Cô còn nhớ biển số xe không?.

Không...không nhớ lắm. Nhưng tôi biết chiếc xe đó là xe chạy tuyến quốc lộ chuyến tiếp theo.

Tài xế lấy di động ra: OK, để tôi hỏi giúp cô.

Tài xế gọi điện thoại, hỏi thăm tình hình. Sau khi cúp máy, ông bảo: Máy tính không còn trên xe, đã bị lấy đi mất rồi.

Cô gái vốn đang ôm hy vọng, nghe vậy không kiềm chế được bật khóc.

Tài xế thở dài: Cô muốn xem camera giám sát cũng được nhưng phải bắt xe khác quay về.

Toàn bộ xe im lặng, Khương Ninh nhìn cô gái khóc lóc thảm thương, tâm tư có chút không đành lòng.

Tài xế lại cảm khái: Ở trấn Thanh Vân này ấy à, hở ra cái gì là mất cái đó. Trong trấn bây giờ còn được mấy người tốt, mất đồ là chuyện bình thường. Cảnh sát của trấn nhiều việc lắm, bảo họ để ý giúp cô tìm đồ chắc khó đấy.

Trên xe tuy không ai đáp trả câu nói ấy nhưng trong lòng đều hiểu rõ.

Khương Ninh ngẫm nghĩ lời tài xế, cô quay sang nhìn chằm chằm Vu Dương.

Vu Dương nhìn cô ngạc nhiên.

Khương Ninh há to miệng, thầm thì nói gì đó.

Vu Dương chăm chú nhìn vào chiếc miệng đang khép mở của cô. Chỉ thấy cô nói hai chữ: Đóng cửa.

Anh lập tức hiểu ý, có lẽ cô bảo anh sau này đi đâu nhớ đóng cửa hàng lại.

Ừ. Vu Dương gật đầu tỏ ý đã biết.

Xe vào trong nội thành, Vu Dương và Khương Ninh lần lượt xuống xe. Lưu lượng người trong bến tương đối lớn, người đến người đi hối hả. Khương Ninh xuống xe chưa bao lâu đã bị một người vội vã đi đằng trước đụng phải, nghiêng người lui về phía sau một bước. Vu Dương đưa tay đỡ lấy cô mới giúp cô chật vật đứng vững lại được.

Xin lỗi xin lỗi. Người đó dường như đang vội, nói xong liền gấp gáp bỏ đi.

Vu Dương cúi đầu xem xét: Không sao chứ?.

Khương Ninh lắc đầu: Không sao.

Vu Dương buông tay đỡ Khương Ninh, đi ra phía ngoài tiếp tục che chở cho cô.

Khương Ninh giương mắt nhìn điệu bộ của anh giống như vệ sĩ, vẻ mặt nghiêm túc quan sát xung quanh, dẫn cô thoát ra khỏi dòng người. Cô cảm thấy hơi buồn cười. Xác định quan hệ với anh mấy ngày nay, anh chưa bao giờ chủ động tiếp xúc thân mật với cô như vậy.

Khương Ninh đi nhanh, sóng bước cùng anh, cánh tay đang buông khẽ giơ lên, nắm lấy tay của Vu Dương. Tay anh có lẽ vì quanh năm cầm đồ nghề sửa xe nên trong lòng có một lớp chai mỏng. Lúc Khương Ninh vừa nắm lấy, lòng bàn tay cọ vào lớp chai, hơi ngứa.

Vu Dương đứng im, nghiêng đầu nhìn cô. Vẻ mặt cô hờ hững, tuyệt nhiên không có vẻ gì xấu hổ như mọi ngày. Anh cũng không buông tay ra, nhẹ nhàng nắm chặt, dẫn cô ra cửa bến.

Đi đâu đây?. Vu Dương hỏi.

Khương Ninh đáp: Cứ đi đi.

Vu Dương cau mày nhìn cô, không hiểu.

Khương Ninh nhìn điệu bộ ngây ngốc của Vu Dương liền nhéo tay anh: Hay là anh nghĩ chỗ để đi đi?.

Không phải em biết rồi sao?.

Khương Ninh cười: Vu Dương, anh chưa từng hẹn hò với phụ nữ à?.

Vu Dương ho khan, ngượng ngùng nghiêng đầu sang chỗ khác. Anh gỡ tay Khương Ninh ra bảo: Đi thôi.

Anh đi trước Khương Ninh, để mặc cô đứng cười thầm sau lưng.

Hai người đi không có mục đích trên đường. Kiểu cầm tay người khác phái đi dạo không chỉ lạ lẫm với Vu Dương, đối với Khương Ninh cũng thế. Thời đại học, cô mải miết học hành, đi làm bán thời gian, căn bản không có thời gian nói đến chuyện tình cảm. Sau này yêu Lý Hoằng Huy, hai người đều cùng làm việc một chỗ, suốt ngày bận bịu, không dành ra chút thời gian nào để đi dạo. Với lại thời cấp 3, Khương Ninh yêu đương sớm. Giờ nhớ lại hình dáng của đối phương cô đã không thể hình dung ra nổi.

Hai người đi muộn, dạo phố một lúc thì đến giờ cơm. Khương Ninh và Vu Dương tìm một quán cơm để dừng chân. Cơm nước xong, Vu Dương đi thanh toán. Chủ quán hỏi họ có tiền lẻ không, Khương Ninh cúi đầu lấy nhưng không thấy ví tiền của mình đâu.

Sao vậy?. Vu Dương thấy cô ngây ra liền hỏi.

Khương Ninh ngẩng đầu nói: Không thấy ví tiền.

Vu Dương quay sang bảo chủ quán trả thẳng tiền lẻ rồi hỏi lại Khương Ninh: Bị mất trộm à?.

Khương Ninh nhớ tới kẻ đã đụng phải mình lúc ở bến xe, lập tức hiểu ra vấn đề: Có lẽ thế.

Trong ví có nhiều đồ không?.

Một ít tiền, chứng minh thư cũng để trong đó. Khương Ninh hơi bực. Trong ví nếu chỉ có tiền không thôi coi như xong. Nhưng vì hôm nay cô định đi làm sim điện thoại nên mang theo chứng minh. Không ngờ vừa đi đã bị trộm.

Vu Dương mở miệng, giọng khẽ trầm xuống: Đi đến đồn cảnh sát báo án thôi.

Trước mắt đành vậy, Khương Ninh đáp: Vâng.

Hai người đến đồn cảnh sát gần nhất. Vừa vào cửa đã nghe thấy tiếng ầm ĩ bên trong.

Tôi cũng không biết vì sao mình lại bị lừa...Tôi... tôi cứ tưởng cuộc gọi kia là thật. Một phụ nữ trung niên khúm núm hỏi cảnh sát.

Ây dà, tôi đã nói rồi, đừng lên mạng mua đồ nữa. Hiện tại trên mạng lừa đảo nhiều như vậy, bà vẫn cứ tin tưởng. Giờ thì xong rồi, tiền bạc đều bị lừa hết. Người đàn ông trung tuổi đứng bên lên tiếng quở trách.

Người phụ nữ trung niên sợ sệt nhìn ông ta: Tôi làm sao biết được người gọi điện là kẻ lừa đảo? Hắn biết tên của tôi. Tôi thật sự tưởng đơn hàng có vấn đề nên mới tin lời hắn nói.

Viên cảnh sát trẻ trấn an: Hai bác đừng ầm ĩ nữa. Chuẩn bị đơn từ trước đi. Nếu có tin tức gì chúng cháu sẽ báo.

Các cậu nhất định phải tìm được tiền giúp tôi. Khoản tiền ấy chúng tôi tích cóp cho con gái học đại học. Nếu tìm không được thì phải làm sao đây. Người phụ nữ trung niên nói xong liền lau mắt: Đó là món tiền chúng tôi vất vả khổ cực mới có được.

Chúng cháu sẽ cố hết sức. Các bác cứ về chờ tin tức đi ạ.

Cảnh sát trẻ sau khi giải quyết xong vụ của đôi vợ chồng trung niên liền vẫy tay bảo Khương Ninh và Vu Dương lại.

Xin lỗi, hôm nay người đến báo án đông nên để anh chị chờ lâu.

Khương Ninh đáp: Không sao.

Viên cảnh sát trẻ lắc đầu: Không biết đây là vụ án lừa đảo thứ mấy trong tháng này rồi. Gần như ngày nào cũng có người đến báo, mức độ nào cũng có. Viên cảnh sát dừng lại, hỏi: Không phải anh chị cũng đến báo bị lừa đảo đấy chứ?.

Không phải. Khương Ninh nói: Tôi bị trộm mất ví.

À, trộm ở đâu?.

Bến xe.

Viên cảnh sát nhíu mày: Bến xe à? Nơi đông người nhiều hỗn tạp không dễ tìm cho lắm.

Khương Ninh nhíu mày.

Chuẩn bị làm cái đơn trước đã. Điền thông tin vào. Chúng tôi sẽ đến đó để điều tra. Có tin tức sẽ báo ngay cho chị. Viên cảnh sát nói cho có lệ.

Được.

Khương Ninh cầm bút điền thông tin. Lúc ghi địa chỉ, viên cảnh sát nhìn cô hỏi một cách ẩn ý: Trấn Thanh Vân à?.

Trong lòng Khương Ninh cảm thấy khó chịu, tăng tốc độ viết lên, chữ viết cũng rất ngoáy.

Được rồi, cứ để đơn ở đây. Đến lúc đó sẽ liên lạc với anh chị. Viên cảnh sát đóng sổ, cố ý châm biếm: Tôi hay đến trấn Thanh Vân, nếu tìm được, không chừng tôi còn có thể mang tiền tới tận tay hai người.

Khương Ninh không vì câu nói này mà mang ơn, ngược lại trái tim giống như một bức tường lấp kín. Trấn Thanh Vân giờ đây đã trở thanh nơi bị mọi người đánh dấu, mà bản thân mình là người của trấn Thanh Vân cũng bị đánh dấu theo. Nhãn hiệu đó dán lên người rất khó chịu. Dù cho cố gắng xé bỏ nó đi thì vẫn để lại dấu vết càng che càng lộ.

Giống như mấy bông hoa mẫu đơn nở trong mảnh đất đầy hoa dại. Mọi người sẽ không cảm thấy quá kinh ngạc mà sẽ cho rằng mấy bông hoa mẫu đơn đó thật bình thường.

Ra khỏi đồn cảnh sát, Khương Ninh không còn thấy hào hứng nữa. Cô tính đi dạo với Vu Dương cho khuây khỏa. Nhưng đụng phải chuyện như vậy, toàn bộ cảm xúc đều mất hết.

Vu Dương thấy cô mải miết cúi đầu đi trước không nhìn đường, anh tiến lên giữ chặt tay cô: Đi đâu vậy?.

Khương Ninh ngẩng đầu, mệt mỏi trả lời: Không muốn đi đâu cả.

Vu Dương trầm ngâm: Về nhé?.

Khương Ninh nghĩ còn phải về làm lại chứng minh thư nên gật đầu: Vâng.

Hai người lúc đi vui vẻ, lúc về cụt hứng. Sau khi mua xong vé lên xe họ vẫn ngồi im trầm lặng.

Vu Dương?. Khương Ninh đột nhiên mở miệng hỏi: Anh tới trấn Thanh Vân được bao lâu rồi?.

Vu Dương ngẫm nghĩ: Hơn một năm.

Lâu đấy. Khương Ninh quay đầu hỏi tiếp: Ở trấn Thanh Vân anh có bạn bè gì không?.

Vu Dương không hiểu cô hỏi vậy có dụng ý gì nhưng vẫn trả lời: Có vài người.

Người địa phương à?.

Ừ.

Bọn họ là người như thế nào?.

Vu Dương hơi im lặng, lát sau mới đáp: Rất tốt.

Khương Ninh quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, lẩm bẩm: Thật sao?.