Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 92: Vận động

Giống như kể, khu vực mà dân Đá Vách chiếm đóng cực kỳ nghèo tài nguyên, cho nên không ai lên đó khai thác gì cả, dân Đá Vách cũng vì thế thường xuyên đi xuống cướp bóc. Nhưng Hoàng Anh Kiệt thì nghĩ khác, đây là một lợi thế cực lớn có thể tận dụng: lính đánh thuê, nhân công và tài nguyên chưa khai thác.

Lính đánh thuê và nhân công, là hai thứ Kiệt nghĩ ra sau khi nghe về chuyện những người Đá Vách sống sót đã phải làm cướp để kiếm ăn. Họ không còn đủ nhân lực, vật lực để làm nông: quá ít người để làm đất, lấy nước, không tiền mua hạt giống… buộc họ phải đi làm ăn cướp. Hiện tại một phần đất đai trong làng Hồng Bàng cũng đã khai hoang, những người làm việc đó thì sắp tới sẽ được chuyển đi làm công nhân cho xưởng sản xuất khác, cho nên vấn đề là thiếu nhân lực để duy trì việc đồng ruộng. Những người Đá Vách nếu chịu về đây, thì rất có thể sẽ dễ dàng hơn cho họ, cũng tốt cho làng Hồng Bàng. Tiếp nữa, dân ở đây hay đi ăn cướp, võ lực không phải nhỏ, sẽ chả khó gì để họ ngay lập tức trở thành một đội lính chiến, sau khi đào tạo thật tốt về kỷ luật.

Tài nguyên chưa được khai thác tuy là yếu tố xếp cuối, nhưng lại là yếu tố mà Kiệt quan tâm tới trước tiên, là lý do tìm kiếm những vị trí tiềm năng, trong đó có vùng Đá Vách. Tài nguyên của nơi đó có gì, thì từ hiện tại mà nói mới chỉ có thể xác nhận là: đất kém làm ruộng, mấy loại cây gỗ không có giá trị kinh tế cao. Hết. Sở dĩ nghe kém vậy, là vì hai lý do. Một là dân Đá Vách không có năng lực tìm kiếm tài nguyên. Hai là họ cũng bị ép phải về vùng này chưa lâu thì đã bị đánh một trận mất quá nhiều người, không còn nhân lực tìm kiếm nữa. Làng Hồng Bàng vừa hay có đủ hai yếu tố này.

Giờ, việc Kiệt cần quan tâm là làm sao để làm việc được với cả dân Đá Vách lẫn huyện Thanh Sơn. Huyện Thanh Sơn bấy lâu nay bị dân Đá Vách làm phiền, nếu theo ý của Kiệt, đem đám này tống hết đi, thì họ cũng mừng. Cái Kiệt sợ là quan lại ham công, muốn nhân việc Kiệt đưa họ ra mà giết sạch sẽ, kiếm công lao, thế thì bỏ mẹ. Giả như giết sạch, thì Kiệt chỉ mất công tìm nhân công mới, giết không sạch, thì thù này tính hết lên đầu dân Hồng Bàng nói chung và cậu ta nói riêng.

Về phía huyện Thanh Sơn thì như thế, về phía dân Đá Vách, chuyện cũng không dễ hơn bao nhiều. Mối thù diệt tộc cách đây nhiều năm là bài học khiến họ không còn niềm tin vào dân xuôi. Đã thế, dân ở đây thoắt ẩn thoắt hiện để ăn cướp, muốn gặp nói chuyện cũng khó, nói gì tạo niềm tin. Kiệt cũng không dám liều lĩnh tạo điều kiện để gặp lũ cướp, mấy ông này chẳng may vung một nhát đao, ô hô ai tai, thế là mất mạng dân Hồng Bàng mất.

Suy tính trước sau đều bí lối, thì có tin một toán cướp Đá Vách vừa bị bắt, khiến Kiệt nảy ra chủ ý khá hay, là thông qua chúng để gặp gỡ. Người cậu ta cần, chính là Bùi Đắc. Trong thời gian làm Huyện lệnh, Bùi Đắc cũng có nâng đỡ vài người, trong đó có những người đang gác ngục ở khu vực giam giữ những tên giặc Đá Vách kia. Theo thông lệ chung, người ta sẽ giết chúng, chém đầu treo lên để răn người khác, hoặc bán chúng làm nô lệ nếu có người trả giá. Nguyên nhân là vì bọn này giết nhiều không kinh, bán đi còn có chút lợi, nhưng mà cũng ít người mua, thành ra hai biện pháp song song tồn tại.

Hoàng Văn Đình nhanh chóng gặp gỡ Bùi Đắc, nhờ cậy ông ta giúp tìm hiểu vấn đề này. Theo như Đình nói, thì làng Hồng Bàng cần mấy thằng có thể làm việc, bọn Mọi Đá Vách khỏe, hợp lắm.

- Nhưng chú nên cẩn trọng, đám đó rất dữ. Nhiều lần đánh trả chủ, nên người ta mới không mua.

- Bọn em cũng biết thế, nhưng giá bọn này hời quá mà.

- Thôi, nếu ý chú đã quyết, anh không can.- Bùi Đắc nói rồi dẫn Hoàng Văn Đình gặp gỡ những người mà ông ta biết. Trao đổi hồi lâu, ngã giá lên xuống, thì được cái giá 17 đồng một tên. Hoàng Văn Đình cũng đi vào kiểm tra một lúc, thấy có tên què cụt do chiến đấu, nên tỏ ý chê bai, được hạ giá xuống một tí. Vậy là lấy cả thảy 10 tên Mọi Đá Vách về.

Đám này được đóng cũi cẩn thận, cho vào xe gỗ cứng chở đi. Trên đường đi, dân các ngôi làng trong huyện cứ thấy bọn này là ném đá, Hoàng Văn Đình sợ ném chết, phải hét tránh đường, dọa kiện vì tội giết tài sản của hắn.

Chở được đám này về làng Hồng Bàng rồi, chúng bị lính Hồng Bàng ghì chặt lại, trói kỹ, cho các y tá- có trai có gái trong làng khám và điều trị vết thương. Ban đầu làng Hồng Bàng không có thầy thuốc, các ông thầy lang vườn thì nhiều. Từ ngày chống cướp biển, thấy vấn đề sinh mạng và cứu thương quan trọng, Kiệt yêu cầu tìm thêm người có tài chưa bệnh về, tiền mấy cũng phải mời. Sau cùng, tìm được 4 người, họ về làng, nhận lương cao, có nhiệm vụ đào tạo người khác về thuốc, khám bệnh và chữa thương. Ban đầu nhiều người giấu tài, Kiệt không nói nhiều, mời đi ngay, nên chỉ còn có 2 người. Nhưng vậy là đủ, những người này đem hết tài ra dạy, mấy thầy lang vườn được học bài bản, tay nghề lên lên, được gọi là bác sĩ, Kiệt cũng đề nghị dạy cấp tốc mấy khóa cho người trẻ, để họ làm y tá, phụ giúp bác sĩ làm việc vặt.

Rửa vết thương, băng bó, cho thuốc chống viêm nhiễm xong, dân Hồng Bàng kệ đám này ở lại nơi họ giữ chúng- một căn nhà khá kiên cố ở khu doanh trại làng Thụi, không nhiều đồ đạc để chúng đập phá làm vũ khí. Bên ngoài nhà có chỗ canh gác chặt, tên nào muốn làm liều cứ thử. Sau đó, họ đưa một nô lệ tới. Đây là con cái của một người dân Đá Vách bị bắt trong cuộc truy quét của Bùi Đắc, người này nói cả tiếng Bách Việt lẫn tiếng Đá Vách, cậu này vào và giải thích tường tận nếp sống, sinh hoạt, ăn ỉa thế nào, cái gì được cái gì không. Rồi sau đó đi ra. Trong 3 ngày đầu, đám dân Đá Vách này được anh bạn này tới nói thì luôn mồm chửi mắng, hoặc nhờ anh này cởi trói, nhưng anh ta không dám. Sau đó, chúng cố tình tuyệt thực hoặc đập bát đũa, ăn ỉa lung tung. Lính Hồng Bàng không nói nhiều, mang một cái máy bơm, đạp một hồi rồi phun nước cho biết. Lực nước phun mạnh thôi rồi, sau đó lôi ra đè xuống vụt roi mây vào mông. Vụt xong xát muối. Hành hạ không nặng tay, có sự chỉ dẫn của bác sĩ để không chết người hay thương tật, nhưng phải đau. Đồng thời, cơm nước cho họ tuy không phải sơn hào hải vị, cũng chỉ là cơm canh bình thường, song chắc chăn ngon hơn trên kia nhiều: có mắm muối gia vị, có thịt cá rau tươi, tên nào cũng ăn căng bụng. Cứ làm mãi, một tháng là đám dân Đá Vách không dám quấy nữa.

Dẫu vậy, họ vẫn ở trong phòng giam. Mà cứ ở trong căn nhà kia, nghe người bạn cùng tiếng nói với họ nói về chính sách của làng Hồng Bàng. Đám này nghe thì nghe thế, nhưng tin hay không thì không biết được. Mặt ai cũng lầm lầm lì lì.

- Hay là ta liều một phen!- Một đứa đột nhiên nói. Đó là một cậu nhóc mới 15 tuổi, lần đầu đi cướp, trước đây chỉ là đi theo nhặt đồ, lần này được cầm gươm đánh chính, có điều vừa đi đã bị bắt.

- Xủ Lu, mày không được tin bọn dân miền xuôi, chúng nó rất giỏi lừa người. Ngày xưa dân mình vì tin chúng nó mà chết quá nhiều!- Một người đứng lên răn dạy

- Nhưng cơm ta được ăn mấy bữa nay ngon hơn trên núi cả vạn lần, mọi người đói khổ đã lâu rồi, có cơ hội này sao không nắm lấy.

- Xủ Lu, mày không nhớ những người ở hầm mỏ như thế nào sao? Nhiều người chịu không nổi khổ, xuống đó đào hang cho chúng, cuối cùng chết mà vẫn đói.

- Dạ!

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi chấm dứt, kẻ tên Xủ Lu cũng không nói gì thêm, nhưng với Kiệt, thế là đủ. Cậu ta đã nghe xong toàn bộ câu chuyện. Nguyên lý rất đơn giản: ở trong phòng đó, cậu cho lắp một cái ống phễu lớn, cuối có gắn sợi chỉ kéo căng và dẫn ra một cái loa khác ở căn phòng cách đó không xa. Gã nô lệ tên K’Lừng- người nô lệ 19 tuổi, con trai của những người Đá Vách bị bắt sẽ nghe và viết lại tất cả những gì hắn nghe được. Như là cuộc trò chuyện này. Sau khi xong, cái loa được hạ xuống, tránh có tiếng động bên này lọt vào bên kia nghe được.

- Thưa cậu Kiệt, thông tin quan trọng hôm nay đây ạ.- Vê Lừng cẩn thận đưa lại bản ghi chép.

K’Lừng là nô lệ được mua về, đào tạo chữ nghĩa các thứ để chuẩn bị cho ngày này. Từ khi sinh ra cho tới lúc được làng Hồng Bàng mua, K’Lừng chưa từng được đối xử như con người, bố mẹ cậu ta chết vì đòn roi, cậu ta cũng sắp chết vì mệt. Được làng Hồng Bàng mua về, chữa trị, ban cuộc sống mới, K’Lừng cảm ơn các thần cho cậu ta được gặp dân Hồng Bàng, và thề giúp đỡ họ hết lòng. Hiện giờ, cơ hội đó là đây chứ đâu.

- K’Lừng, cậu sắp tới phải gặp Xủ Lu nhiều, bọn tôi sẽ cố tạo cơ hội, cậu hãy thuyết phục nó nhé. Cứ đem chuyện của cậu ra, nói cho nó thông.

- Vâng thưa cậu Kiệt! Tôi nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau hôm đó ít lâu, đám người này được ra ngoài, đi thăm thú khắp nơi trong làng, dưới sự hướng dẫn của K’Lừng, nhằm tuyên truyền cho họ về cuộc sống mới. Hàng ngày, đều là việc xem dân ở đây sống thế nào, rồi thì trẻ em được sống, học tập và lao động phù hợp sức khỏe, người lớn thì có việc làm thích hợp, không bị ép uổng làm lụng vất vả tới kiệt quệ, thậm chí cả những người xuất thân nô lệ bị đem bán cũng được cuộc sống mới. Và K’Lừng lấy bản thân làm ví dụ cho dễ hiểu.

Sau đó, họ được cho tới khu vực mà sau này họ sẽ phải làm việc: những nông trại ở phía những ngọn núi, nơi trồng ruộng bậc thang các cây lúa, cây khoai và đặc biệt là mía- để chuẩn bị làm đường mía bán, nuôi lợn theo kiểu trang trại để lấy phân bón và thịt, nuôi gà lấy trứng,… đồng thời cho họ tập làm quen công việc. Không quá nặng nhóc, chỉ phải tập làm quen.

Tại đây, trước khi tháo gông xiềng, K’Lừng cũng nói rõ họ ở đây lạ nước lạ cái, đường đi không thông, nếu bỏ trốn chỉ có chết đói. Muốn cướp ngược lại cũng khó, dân Hồng Bàng biết đánh trận lắm. Chi bằng cứ làm việc cẩn thận, may ra được cuộc sống mới. K’Lừng cũng nhận việc hướng dẫn việc họ phải làm, và cậu ta từng bước tiếp cận Xủ Lu qua việc bố trí cậu này theo mình làm việc cần đầu óc để từ đó không ngừng tuyên truyền vận động.