Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 90: Buổi học đầu tiên

Xoan kiên nhẫn đi vòng quanh chợ, cốt là để xem Trần Phương Nhung, xong không gặp được. Cậu bé dẫn đường kia nói rằng có lẽ là họ đang bận bịu gì đó.

- Chắc là do ông việc không xong nên họ không nghỉ, có lẽ thế.

- Thế chẳng phải là ép người ta vắt kiệt sức lao động hay sao?

- À không, cái này là ở cấp cao thôi, cấp thấp ngày làm 4 canh giờ, chia làm ca nếu cần. Còn với cấp quản lý và cao hơn, họ có việc làm làm. Cậu Kiệt từng nói thế này: Quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Muốn làm quản lý, không chỉ phải giỏi mà phải nỗ lực hơn người ta gấp nhiều lần, có thế mới ở lại chức lâu được. Nhiều người vì đổ đốn, làm không tốt mà bị bãi chức quản lý rồi đó.

- Chặt chẽ vậy ư!- Xoan cảm khái về sự chặt chẽ, đồng thời cũng để ý câu nói: Quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Một đứa trẻ 13 tuổi có thể nghĩ tới vậy ư.

Trời đã về chiều, Xoan cũng không dám nấn ná thêm, vì như thế sẽ không kịp thuê nhà trọ mất. Một người như cô, dù gì cũng phải nhập vai thật tốt mới dễ khai thác thông thông tin.

Hỏi qua Quốc về việc thuê nhà, thằng nhỏ vui vẻ dẫn cô đi, giới thiệu chuyên nghiệp về những khu cho thuê nhà: nơi nào giá rẻ, nơi nhà tiện cho buôn bán, nơi nào nhà tốt,… Sau cùng, với tài chính phù hợp với thân phận, Xoan thuê một căn nhà nhỏ, đủ cho 3 mẹ con cô ta ở tạm.

Với thân phận hiện tại của cô ta, từ mai sẽ đi kiếm việc làm, đồng thời tìm cách để lũ trẻ được nhận vào học ở trường làng Hồng Bàng. Thông tin mà Trịnh Thị Ngọc thu thập được từ Hoàng Văn Định cho biết hiện tại làng Hồng Bàng vẫn còn thiếu lao động, nên kiếm việc không khó.

Sáng hôm sau, Xoan đi tới tìm gặp mẹ Quốc- người phụ nữ cô ta gặp ở cổng chợ hôm qua để hỏi về việc kiếm việc làm và đưa con đi học. Không chút do dự, người phụ nữ nhanh chóng nói hết các thủ tục cho Xoan.

- Muốn kiếm việc làm, trước tiên xin tới Phòng Hành chính làng Hồng Bàng đăng ký tạm trú. Ở đó chị khai cẩn thận về lý lịch, tên tuổi, nơi tạm trú. Sau đó họ sẽ hướng dẫn chị đi sang Phòng Y tế của thôn để khám sức khỏe cho chị, xem chị có dị tật nào không phù hợp với công việc không, sức khỏe loại nào,… Rồi cuối cùng sẽ là Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội giới thiệu việc làm.

- Lằng nhằng thế ư?

- Ví dụ nhé, nếu em đang làm việc, đột nhiên em bỏ việc không làm, vậy có phải chỗ này sẽ thiếu người không. Thiếu thì hoặc phải có người làm bù- tức là làm người đó mệt mỏi, hoặc phải thuê người mới- mất công đào tạo từ đầu. Kiểm tra lý lịch, tên tuổi, tạm trú là để biết cơ bản chị ở đâu, có vấn đề gì họ tới tìm. Kiểm tra sức khỏe để tránh có bệnh phải nghỉ làm liên tục hoặc làm việc không phù hợp, quá sức. Cái này càng làm chặt, thì càng dễ cho các bên.

- Mà này, cái Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội có nghĩa gì vậy.

- Là họ phụ trách giám sát và hướng dẫn người lao động, thi hành chính sách với người lao động và thương binh- chị biết làng Hồng Bàng đánh cướp biển, có người chết, người bị thương đầy ra, lại toàn thanh niên, lao động chính, không có chính sách thì gia đình người ta đói mốc mép. Còn về chữ Xã hội, là để chống bất công, ép công nhân làm quá giờ, chống tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, đảm bảo an sinh xã hội ở đây.

- Kinh vậy, vậy chắc toàn người quyền to ha.

- Cũng tùy, họ chủ yếu là đi vận động và giải thích thôi, chứ việc xử lý thì cần người khác làm.

- Chà, cũng khá hay đấy. Nhưng mà thôi, cô cho tôi hỏi nhờ việc đăng ký học thì sao?

- Cái này chị phải có đăng ký tạm trú, nếu rời đi phải báo cáo. Ngoài ra, còn đóng tiền học ứng trước nếu phải rời đi. Đóng ít nhất 1 năm.

- Nhiều không?

- 40 đồng một năm học. Tránh việc chị bỏ con ở lại để làng phải nuôi. Có mấy vụ như thế rồi đấy.

- Thế cháu nó vào học thì có lợi ích gì?

- Trường có chế độ bán trú- tức là cho ăn ngủ buổi trưa, tối chị đón cháu về. Giấy bút trường lo, hơn nữa khi học tới 16 tuổi, nếu đủ năng lực học cao hơn, sẽ có học bổng học lên, còn không cũng có thể kiếm việc dễ hơn mà.

- Không biết tôi có đợi được tới lúc đó không đây?- Miệng nói thế thôi, chứ Xoan biết cô phải để hai đứa nhỏ đi học là cái chắc rồi. Chỉ không biết có thể để cả hai đứa này đi học không thôi

- Chị nghĩ xa một tí nào.

- Ôi, một đứa còn tạm chịu được, chứ 2 đứa cùng tuổi, thì là 80 đồng tiền một năm đó.

- Chà, 2 đứa, thế là sinh đôi hả chị.

- Vâng, thế mới khổ, cho đứa này đi không cho đứa kia đi thì sợ bọn nó tị nạnh, mà nếu cho đi thì tôi thật không biết xoay sở thế nào?

- Thực ra em thấy cũng bình thường mà, 80 đồng nhưng đâu đòi hết một lượt. Chỉ khi chị định đi xa thôi. Chị thấy đấy, nhà ai ở đây cũng cho con đi học đủ hết, cả trai cả gái, dù đông con tới đâu. Mình làm thế này là đầu tư cho tương lai, cho lúc về già chị ạ.

Làm theo đúng lời hướng dẫn, Xoan tới lần lượt các Phòng Hành chính, Y tế, Lao động- Thương binh- Xã hội để làm thủ tục. Dù những việc làm ở đây cũng khá giống huyện nha, nhưng thái độ của những người được gọi là “cán bộ” thì rất niềm nở, cởi mở. Nói chung, họ giống như những chủ hàng quán hơn là những kẻ có chức sắc.

Đem điều này đi hỏi mẹ của Quốc, người bạn mới quen biết ở làng Hồng Bàng, Xoan được trả lời rằng đó cũng là do Hoàng Anh Kiệt chỉ đạo. Hoàng Anh Kiệt yêu cầu những người làm việc như bọn họ phải thật sự gần gũi, tạo sự thoải mái cho người tới làm, bởi những việc họ đang làm rất lằng nhằng, người tới làm đã không thoải mái, mà còn bị họ hành, liệu có thể vui vẻ hay không?

- Thế mà họ phải chịu sao?

- Chị à, những người làm việc này đâu có làm ra tiền cho làng, tiền họ có được là trích từ thu nhập của làng. Mà thu nhập của làng từ đâu ra: tiền bán hàng, tiền cho thuê cửa hàng, tiền đóng góp của dân. Chả hạn ở trường hợp của chị đi nhé, nếu họ không làm tốt, người tới đây làm việc thấy bị phiền hà chả hạn, không làm nữa thì tức là làng thiếu người làm thuê, việc bị dồn ứ, thế là thiếu tiền, nếu kiểm tra ra lỗi ở chỗ họ, thì họ phải chịu trách nhiệm Vì thế, với ai họ cũng rất dịu dàng. Tất nhiên, cũng đừng ai hòng bắt nạt họ, khi họ làm đúng, ai dám càn quấy với họ là sẽ bị lôi đi liền. Làng Hồng Bàng cướp biển còn đánh lui, sợ gì mấy người càn quấy.

Sau khi làm đủ thủ tục, Xoan bắt đầu kiếm việc làm. Dựa theo giới thiệu của nhân viên Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội, có công việc khá hợp với cô ta: công nhân xưởng kéo sợi dừa làm thừng. Hiện tại, sau một thời gian rất dài giáo dục, Kiệt không còn là người đưa ra nhiều ý tưởng về máy móc mới nữa. Phần vì dân ở đây chưa đủ trình độ, kỹ thuật, nguyên liệu để chế tạo, phần vì cậu muốn tự họ mày mò dựa theo những gì cậu dã dạy. Và người nổ phát súng đầu tiên, lại là chú ruột của Kiệt- Hoàng Văn Đinh.

Trong thời gian qua, do đã dạy được nhiều môn đệ, xưởng mộc phát triển, Hoàng Văn Đinh thừa tiền và thời gian. Sẵn đó, ông mày mò thử nghiên cứu một cái máy gì đó chơi chơi. Thế rồi ông ta bắt đầu mày mò, gọi cả con trai- Hoàng Văn Tâm xem hỗ trợ. Tâm đành gọi thêm tất cả những người có chút trình độ học vấn vào cùng làm với bố, và sau một hồi bàn bạc, họ làm ra máy xe sợi cho dây thừng.

Trước đây, để làm một cái dây thừng, người ta dùng một cái guồng quay thủ công để quấn các sợi gai lại. Vì là dùng sức người, lại phải bện chặt, nên rất phí sức. Từ những kiến thức đòn bảy, ròng rọc, tay đòn mà Kiệt chỉ ra, Hoàng Văn Đinh làm ra một cái máy xe sợi dây thừng đạp chân, phụ nữ cũng có thể làm được. Sau đó, Kiệt nhìn qua, và đề nghị thử dùng sợi dừa xem sao, vì nếu Kiệt nhớ thế giới cũ có thừng dừa, mà làng Thụi giờ đã về quản lý của làng Hồng Bàng, rừng dừa rất sẵn. Kiệt gợi ý tận dụng sức nước để ép sợi dừa thành mảnh như mảnh vải, rồi mới ra máy xe sợi đạp chân tạo thành sợi lớn. Kết quả, một ngành công nghiệp mới được hình thành ở làng Hồng Bàng, khiến cần thêm một lượng lớn lao động, Hoàng Văn Đinh lại càng thêm giàu, khiến ai cũng cảm thấy có học có khác, nên càng ra sức cho con mình vào trường lớp ở Hồng Bàng mà đi học.

Nguyễn Thị Xoan tới xưởng làm việc, hai đứa bé cũng được cho đi học ở trường làng Hồng Bàng. Do không biết chữ Hồng Bàng, chúng được cho học lại từ lớp mầm non, học chữ, học số, đánh vần ghép chữ… cùng với những đứa trẻ 5- 6 tuổi. Người đứng lớp là một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, cô có một người chồng chết khi mà làng Hồng Bàng đánh cướp biển, là diện được ưu tiên, làng Hồng Bàng có lớp bồi dưỡng, giúp cô thành một cô giáo. Từ đây, công việc có phần nhẹ nhàng hơn, mưa không tới mặt nắng không tới đầu. Đó là chính sách làng Hồng Bàng dành cho thương binh tử sĩ và gia đình họ vậy.

- Các bạn, hôm nay lớp có thêm bạn mới. Do từ nơi khác tới, nên dù lớn tuổi, họ chưa học chữ Hồng Bàng, các em đừng ngạc nhiên.- Cô giáo nhẹ nhàng nói

- Dạ vâng ạ!- Bọn trẻ đồng thanh đáp.

- Hai em ngồi đây nhé!- Cô giáo dẫn hai bé Thùy và Diệu tới chỗ ngồi, ghế thì không sao nhưng bàn cũng hơi bé so với bé gái 10 tuổi. Thấy không tốt lắm, cô giáo lại đi đổi lại bàn khác, cho hợp hơn rồi mới bắt đầu bài giảng. Do hai chị em này đột ngột học ngang, họ được dạy lại từ “ Bài ca con chữ” để nhớ cách viết, dạy các số Ấn Độ, vậy thôi. Còn trong lớp học, các em khác tuy mới 6 tuổi, nhưng do học lâu, nên chuyển sang tập đánh vần. Cái này cũng như chương trình học đã từng nói tới ở chương 16: đưa ra câu chuyện hay ho, bắt bọn nó tự đánh vần mà đọc. với Hoàng Anh Kiệt, do coi trọng giáo dục, Kiệt rất cẩn thận ngồi ngẫm lại những câu chuyện cổ tích hay ho của Việt Nam, thế giới tới các áng văn hay, bài thơ tốt để làm chương trình học tập.

Với 2 chị em Thùy và Diệu, buổi học hôm nay vừa đầy mới lạ thích thú, lại cũng khá tủi thân. Mới lạ thích thú là vì họ được thấy và nghe những thứ vui tai, những mẩu chuyện hay mà cô giáo kể, thấy lũ nhóc bập bõm đánh vần, nhưng tủi thân là khi bọn nó chả thể đọc nổi những câu chuyện kia, cứ phải chờ lũ bé xíu kia bập bà bập bõm từng chữ một.

Buổi trưa, đúng như mẹ của Quốc nói, trường cho ăn và ngủ trưa, cô giáo kiểm tra xem các em có ăn hết thức ăn không rồi kiểm tra xem em nào nói chuyện riêng, làm phiền em khác. Chiều tới, lớp chuyển sang toán. Chị em Thùy, Diệu lần này đỡ hơn một tí, do đã lớn tuổi, việc cộng trừ đã có trong cuộc sống của chúng nên dễ hiểu thứ cô giáo giảng, với cả số Ấn Độ cũng rất dễ học, dễ nhớ, quy tắc đơn giản nên không khó học. Có thể nói so với các loại số học trên thế giới, số Ấn Độ là một thứ tuyệt vời nhất khi làm toán.

Chiều tối, hai chị em về nhà, cùng mẹ Xoan nấu cơm, rồi kể hết mọi thứ hôm nay cho mẹ Xoan. Vừa nghe hai chị em kể chuyện, Xoan vừa nhíu mày mãi không thôi.