Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 83: Bị làm khó dễ

Ba năm đã trôi qua, Tân Quân cũng đã luyện tương đối ổn, Kiệt thấy rằng họ cũng nên được ra thực tế. Vì thế, cậu ta ra lệnh giết Từ Văn Đồng. Trong 3 năm qua, cùng với việc huấn luyện cho Tân Quân, những người lính cũ của làng Hồng Bàng cũng rất cố công học thêm vài câu nói của bọn cướp biển để chờ thời cơ tới mà giết Từ Văn Đồng. Trong cuộc chiến với bọn cướp biển, làng Hồng Bàng có thắng, nhưng thương vong thì nào có ít. Bọn cướp biển thì đã cao chạy xa bay, giờ chỉ còn Từ Văn Đồng là ở gần, nên hắn tất nhiên phải lãnh đủ.

Với cái chết của Từ Văn Đồng, Huyện lệnh nhớ lại sự kiện bọn cướp biển cướp phá huyện thị ngày trước, khiến ông ta cực kỳ giận dữ, và buộc Lý Sử A phải gấp rút tiến hành truy quét cướp biển. Để phòng việc bọn cướp lại trốn thoát, lần này Lý Sử A mang tận 70 binh sĩ phục vụ việc truy quét. Mất đi một lượng lớn quân lính, tình hình trị an sợ rằng sẽ rất khó kiểm soát, buộc lòng Huyện lệnh Cốc phải lập tức cho lực lượng Tân Quân dưới sự chỉ huy của Lý Tuấn đi đóng quân tại những khu vực mà ngày trước lính của Lý Sử A đóng để duy trì trật tự cho huyện Sơn Hải.

Cùng với lúc mà Tân Quân được phân phối ra các khu vực chỉ định để làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ an ninh trật tự cho huyện Sơn Hải, thì cũng là lúc Kiệt tiếp nhận mối làm ăn của Từ Văn Đồng. Ba năm trước, khi bắt đầu kinh doanh với làng Hồng Bàng, Từ Văn Đồng do nghĩ làng Hồng Bàng đang ở thế cần mình, đã liên tục làm những cách thức để tư túi, một trong số đó là liên tục khất nợ, lấy lý do cần phải bôi trơn các kiểu. Hoàng Anh Kiệt là ai chứ, đọc truyện đã nhiều, xem phim đã lắm, nên có phương pháp trừng trị luôn: đề nghị chuyển nợ thành cổ phần. Từ Văn Đồng sau khi tìm hiểu đầy đủ về phương án Kiệt đưa ra, đã đồng ý ngay. Quả thực điều này không thể làm khó ông ta được, bằng cách khai khống giá trị các tiệm gạo hoặc dùng quan hệ để vay tiền đắp vào sổ sách tức thời, số tiền ông ta khất nợ làng Hồng Bàng không bao giờ đủ lớn để làng Hồng Bàng có thể kiểm soát ngược lại những tiệm gạo ông ta có. Và cứ như thế, ông ta thoải mái bòn rút tiền bạc của làng Hồng Bàng cho tới khi bị giết sau đó 3 năm bởi những người dân Hồng Bàng- những kẻ ông ta cho là lũ ngốc, lũ lợn béo để ông ta thịt dần.

Lúc này, không còn Từ Văn Đồng kiểm soát, làng Hồng Bàng sau 3 năm đã có quan hệ mạnh hơn, đặc biệt là với Huyện thừa Mạc Văn Hành nên việc kiểm kê tài sản diễn ra rất cẩn thận và chuẩn xác. Dưới sự kiểm tra từ phía quan huyện, mọi thủ đoạn của Từ Văn Đồng không thể dấu diếm chút nào, từ đó lộ ra việc toàn bộ các tiệm gạo của hắn đều đang có vấn đề về tiền bạc: thiếu vốn xoay vòng. Hóa ra, trong 3 năm nay, do thấy vắt nặn được làng Hồng Bàng, Từ Văn Đồng thỏa sức vung vãi tiền bạc cho vay nặng lãi, rút tiền trong cửa hàng đi cho vay, nên giờ cửa hàng không còn tiền xoay vòng vốn. Chết nỗi, Từ Văn Đồng chết quá đột ngột, sổ sách vợ con không biết, nên giờ không biết tìm ai mà đòi. Vì lẽ đó, tiền không có, nợ tăng cao, giá trị tất cả các cửa hàng, tiệm gạo của Từ Văn Đồng sụt mạnh, biến khoản nợ vốn không quá đáng ngại mà hắn nợ làng Hồng Bàng khi nào thành một khoản nợ không trả nổi, quy ra cổ phần thì từ nay làng Hồng Bàng giữ từ 75% đến 85% quyền sở hữu tùy theo mỗi tiệm.

Điều này làm vợ con Từ Văn Đồng sốc ngất xỉu luôn khi được thông báo, họ từ một người chủ tuyệt đối, nay chỉ còn là một đối tác nhỏ, không còn quyền hành gì nữa. Về phía làng Hồng Bàng, sau khi thông báo rõ ràng mọi vấn đề, đưa ra giấy tờ chứng nhận từ các quan ở huyện Sơn Hải, họ tiến hành tiếp nhận quyền kinh doanh của các tiệm nay theo đúng trình tự, bao gồm việc kiểm tra sổ sách, kiểm tra nhân công, kiểm soát các khoản chi tiêu, gia hạn hợp đồng với nhân công,... Để có một thời kỳ chuyển giao hòa hoãn, dưới sự chỉ đạo của Hoàng Anh Kiệt, Đỗ Bá Xuyên Và Đỗ Bá Tuần cũng rất cất công gặp gỡ vợ và con của Từ Văn Đồng là Từ Văn Sương, Từ Thị Cúc để bàn bạc mọi chuyện, dùng lời uyển chuyển để kêu gọi họ cùng tham gia công việc, tận dụng sự hiểu biết của họ để làm quen nhanh với việc buôn bán ở tiệm gạo, thậm chí nếu họ thực lòng hỗ trợ, Kiệt cũng rất hoan nghênh trả lại dần cổ phần cho họ.

Tuy nhiên, con người ta thường có lòng tham vô đáy và luôn dễ nhìn thấy cái xấu của người hơn cái xấu của mình, ý tốt của Kiệt không những không được đáp lại, mà 3 mẹ con nhà kia con thấy làng Hồng Bàng là lũ ăn cướp. Với họ, việc Từ Văn Đồng lập khế ước với làng Hồng Bàng về việc chuyển nợ thành cổ phần là mưu kế làng Hồng Bàng lập ra để cướp trắng gia sản họ Từ để lại. Mà quả thực cũng đúng phần nào, ngày xưa Kiệt chỉ đạo làng Hồng Bàng lập giao kèo này để về sau khi Từ Văn Đồng chết là có thể nhảy vào thì trường gạo dễ hơn qua việc là cổ đông của chuỗi cửa hàng, tiệm gạo của lão, có điều Kiệt tình may ra chỉ được 1/3 cổ phần là nhiều, chính việc lão ta tự bòn rút tiền bạc đi cho vay lãi cao mà không để lại sổ sách gì để dòi mới là thứ khiến cổ phần làng Hồng Bàng chiếm được cao tới như vậy.

Để chống lại làng Hồng Bàng, ba mẹ con nhà nọ đã tự đi gặp gỡ những nhân vật có máu mặt ở 6 ngôi làng phía bắc, nơi cung cấp chủ yếu nguồn gạo, rồi gặp cả những ông chủ của các nơi tiêu thụ gạo, bàn tính với họ việc nhất loạt ép giá theo kiểu kẻ bán thì đẩy giá cao, người mua thì hạ giá thấp, cốt để khiến làng Hồng Bàng thiệt hại tới mức phải tự rút vốn ra. Để tránh bị làng Hồng Bàng nghi ngờ, họ đền nghị các bên tuần tự từng bước tiến hành, mà người làm trước là những người bán gạo.

- Cái gì, chúng đòi tăng giá gạo?- Đỗ Bá Xuyên nhảy dựng lên khi được báo cáo về vấn đề đang xảy ra.- Tại sao?

- Họ nói rằng hiện nay tiệm gạo của ta đổi chủ, họ thiếu lòng tin, nên phải tăng giá.

- Khốn kiếp, thế là thế quái nào? Gọi mấy người họ Từ tới đây bàn chuyện đi!

Người làm vội đi báo cho 3 mẹ con họ Từ về việc này để họ tới họp cùng với Đỗ Bá Xuyên và những người khác, xong mấy người này lại khoan thai mà đi, khiến Đỗ Bá Xuyên cùng những người dân Hồng Bàng khác khó chịu.

- Chị Đồng ( người Việt xưa gọi vợ theo tên chồng), hiện tại các nguồn cung đang đòi lên giá, gây khó khăn cho tiệm, chị xem có cách nào không?

- Các vị, thật sự không phải tôi không muốn giúp, nhưng tôi là phận đàn bà, các cháu lại nhỏ dại, việc làm ăn xưa nay không quen, thực có lòng mà không có sức.

- Kìa chị Đồng, chuyện làm ăn của chồng chị dù gì cũng là chuyện làm ăn lâu dài, không còn tình thì còn nghĩa, nếu chị cùng các cháu chịu mở lời, lẽ nào họ lại không nể nàng gì! Thú thực với chị, các tiệm gạo giờ đang rất căng, nếu không, tôi cũng không dám phiền chị thế này!- Đỗ Bá Xuyên ngọt nhạt dỗ dành

- Đúng đấy bác gái, dù gì đây cũng là cơ nghiệp của bác Đồng, là vợ con, các bác và anh chị nên gắng sức gìn giữ!- Đỗ Bá Tuần cũng phụ họa.

- Nói thừa thãi, ở đây có chỗ cho một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch nói hay sao!- Từ Văn Sương gắt lên, khiến Tuần hơi ngượng ngùng.

- Thôi nào, con tôi nó trẻ người non dạ, nhưng mà cũng có ý đúng, các vị thấy sao?

- Được thôi, dù gì là vợ con ông ấy, tôi cũng nên cố gắng gìn giữ di sản ông ấy để lại.

Thấy mọi chuyện đã xuôi xuôi, Đỗ Bá Xuyên liền cho mời những mối buôn gạo từ 6 ngôi làng phía bắc tới quán ăn Hồng Bàng để bàn chuyện. Các mối cung cấp gạo ở đây chính là địa biểu của các địa chủ nhiều ruộng đất và tá điền, các cường hào ác bá có cái oai để mua bán lượng lớn gạo từ tay các phú nông, trung nông hoặc bần nông,... Buổi gặp mặt ban đầu diễn ra cũng hết sức vui vẻ, chủ khách đều ăn uống thoải mái, nhưng khi Đỗ Bá Xuyên bắt đầu nhập đề về việc giảm giá gạo, thì lập tức bị chối từ:

- Ông chủ Xuyên, thú thực với ông, bọn tôi cũng tìm hiểu qua rồi, hiện tại các tiệm gạo của các ông đang thiếu rất là nhiều tiền, thậm chí chính bởi thế mà dân Hồng Bàng các ông mới có thể đảo khách thành chủ, đúng không? Vậy giờ các ông nói bọn tôi làm sao có thể giữ giá được.

- Các vị, giá mà ông chủ Từ Văn Đồng đưa ra khi trước, tôi thấy vẫn rất có lãi với các vị.

- Ông chủ Xuyên ơi, ngày trước ông chủ Đồng mua gạo bọn tôi với số lượng lớn, giá ấy là tốt, nhưng bây giờ với khả năng của tiệm gạo đang nợ nần lớn thế này, việc các ông mua lượng gạo lớn như thế thì làm sao mà được?

- Đúng thế, bọn tôi thấy tiền mặt các ông e rằng không đủ đâu!

- Trước kia ông chủ Đồng cũng chỉ đặt cọc, đâu trả hết một lượt.

- Ấy là vì ông chủ Đồng có nhiều chỗ tiêu thụ bán gạo rất nhanh, chỉ lát alf có tiền thôi. Còn các vị, thứ cho tôi nói ghở mồm, chẳng may bị đọng hàng, rồi gạo mới thành gạo cũ, gạo hỏng, gạo mọt, thì lấy đâu ra tiền mà trả cho bọn tôi đây!

- Các vị, gạo là thứ ai cũng phải ăn, làm gì có chuyện ế hàng chứ!

- Không phải tôi nói quá, nhưng thực sự việc làm ăn đâu có dễ như thế được. Bọn tôi thấy các ông đều là dân mới vào nghề, làm ăn thất bại là hay xảy ra lắm.

- Đúng thế, cho nên bọn tôi không thể tin được đâu!

Thấy mọi chuyện cũng đã vào guồng, 3 mẹ con họ Từ mới nhảy ra. Họ giả như kể lể quan hệ làm ăn khi trước của Từ Văn Đồng, rồi tình nghĩa làm ăn, rồi lại đề cao cái gọi là giữ gìn di sản của chồng- cái này họ học luôn từ Đỗ Bá Tuấn. Đã bàn tính trước, vậy mà những tay bán gạo kia cũng phải sợ cái tài diễn xuất của mẹ con nhà này, họ luống cuống tay chân ít lâu mới phản ứng lại được.

- Thôi, nể mặt chị Từ, bọn tôi tính thế này, chúng tôi cho nợ, nhưng cũng tính y như cái cách mà các anh tính nợ với anh Đồng, tính làm cổ phần đi.

Nghe đối phương nói điều kiện, Đỗ Bá Xuyên thác là vấn đề này là vấn đề chung của làng, do khi trước là làng Hồng Bàng cho Từ Văn Đồng nợ, chứ không phải của riêng họ, nên họ phải về mà bàn bạc.

- Thế thì các bác nên mau chóng mà họp làng nhé, chứ tôi thấy kho gạo các bác đang vơi dần đi đấy!- Đám người này nhắc nhở.

Đỗ Bá Xuyên quay về, cùng con trai là Tuần họp bàn mấy ngày, họ không dám lập tức tìm Hoàng Anh Kiệt ngay, vì như thế thì khác gì tỏ ra mình là đồ vô dụng. Bàn tính chưa ra được đối sách tốt, thì chuyện xấu đã ùn ùn kéo tới. Những mối làm ăn lớn với tiệm gạo khi trước không hiểu lấy đâu ra thông tin nguồn cung bị gián đoạn, lập tức trở mặt, đòi phải giảm giá gạo, nếu không sẽ quay đi mua hàng gạo khác. Những tiệm gạo trong huyện thị liên tục tìm cách chèo kéo khách hàng, đào mối làm ăn của tiệm, khiến tình hình càng thêm gay go. Thế quá bí, hai cha con đành phải gấp xin chỉ thị của Hoàng Anh Kiệt.