Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 51: Quá trình hợp tác

Từ những kỹ thuật mà Kiệt chuyển giao, những ngôi làng kia đã nhanh chóng bắt tay làm ngay. Thậm chí, ban đầu họ còn định làm trước với nhau mà không đợi các chuyên gia từ làng Hồng Bàng tới, vì họ nhìn qua những thứ mà Kiệt chế thì thấy có gì khó đâu. Nhưng nghĩ thì dễ, làm mới khó. Muốn làm được điều mà dân Hồng Bàng làm, cần phải có trình độ mộc giỏi và một bộ óc giỏi toán học, tay nghề thì họ không thiếu, nhưng bộ óc toán học thì bói mãi không ta, vậy nên thất bại ngay và luôn. Đơn cử như làm bánh răng để thay đổi tỉ số truyền chả hạn, làm hoài không xong, hay tính toán hệ tay quay con trượt để bơm nước cũng chả nổi, làm chắp vá thì cũng được, nhưng thực rất xấu và thô kệch, tốn thời gian.

Sau khi các chuyên gia Hồng Bàng tới, thay vì chê cười, họ lập tức tổ chức kiểm tra, đánh giá và kiểm điểm toàn bộ những sai làm đã phạm phải. Sau đó, thay vì lao vào làm việc ngay, một lớp bình dân học vụ được xây dựng.

- Các ông muốn làm chủ kỹ thuật không, muốn tự làm không?- Hoàng Văn Đinh nghiêm mặt hỏi

- Muốn!

- Thế thì lo mà học cái này nhé!

Ngoài ép học ra, làng Hồng Bàng cũng giải thích sớm là lúc này phải đi chào hàng cẩn thận đã, chưa cần làm gấp, nên vừa học vừa làm cũng được. Những bài học về chữ La tin, số Ấn Độ đều chỉ quá xa lạ thôi, chứ vẫn dễ tiếp thu chán, nên dần dần họ có thể làm quen. Có điều quen thì quen, đôi khi họ vẫn không hiểu tại sao lại thế.

- Cái này thì tôi cũng chỉ biết đọc bản vẽ và công thức mà thằng cháu Kiệt nhà tôi nó chỉ cho thôi, chứ bố tôi hay anh tôi, hay cả nhà tôi, trừ thằng Kiệt thì ai cũng chả biết cách tính ra đâu!

- Thế hóa ra ông cũng là thằng đi học lỏm.

- Lỏm nào mà lỏm, học xịn hẳn hoi đấy nhé. Cháu dạy chú đấy nhé. Có điều đầu tôi ngu tối, học không tới nơi tới chốn. Mà cái số tôi cùng lắm thì làm anh chủ xưởng mộc thôi, học lắm mà làm gì. Phải như thằng con tôi, giờ nó theo cháu tôi đi học mấy cái này, rồi thì nó lại đi làm bản vẽ cho bọn ông làm, rồi con cháu các ông học theo ấy.

- Ông nói cái quái gì thế, con tôi không kém con ông nhá, ông Đinh!

- Con ông kém không tôi không biết, nhưng nội việc bọn nó không biết chữ như các ông ấy mà, thì làm anh nông dân cả đời là thường, có làm được cái anh thợ, thì là anh thợ cả là hết. Con tôi nó học, nó làm kĩ sư.

- Thế có phải gì đâu, vẫn đi làm nghề mộc.

- Nhưng mà nó ngồi nó vẽ bản vẽ thanh nhàn, con các ông ngồi làm hùng hục lúc trời nắng nóng cực nhọc.- Đinh tự hào kể

Điều Đinh nói là tất cả cánh thợ giận lắm, song họ cũng biết là thế là thật, không phản bác nổi. Tất nhiên, Đinh cũng chỉ nói thế thôi, chứ không kênh kiệu nhiều, làm căng quá gây phản cảm thì làm sao mà khiến đám này có hứng thú gia nhập đội ngũ của Hoàng Anh Kiệt được.

Lý do cho hành động này của Hoàng Văn Đinh, là vì ông cháu Hoàng Anh Kiệt bày vẽ. Công nghiệp chế tạo máy là một ngành mũi nhọn mà Kiệt định nhúng tay, tuy nhiên muốn ngành này phát triển thì cần có thợ giỏi. Thợ giỏi không chỉ cần khéo tay, mà phải có kiến thức nhất định, để không chỉ chế đồ mà còn chế máy móc, rồi dùng máy móc chế máy móc khác nữa. Nhưng những người thợ này thì không được, họ đã quá tuổi, khả năng tiếp thu rất kém, nên Kiệt hướng tới những đứa con của họ. Để khiến lũ trẻ đi học, không gì hơn tạo thu nhập cho bố mẹ chúng và khiến họ thấy được rằng, bọn trẻ đi học thì bọn nó sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và từ đó sẽ chăm lo được cuộc sống của bố mẹ chúng khi họ về già. Cái này na ná việc bỏ tiền tiết kiệm, càng bỏ nhiều thì sau thu lại càng nhiều, không bỏ ra thì không có thu lại, nhưng mà ngân hàng đảm trách việc giữ tiền phải có uy tín, cũng như việc đảm bảo khoản tiền chi cho lũ nhỏ ăn học sẽ phải khiến bọn nhỏ sau này thành công, kiếm được nhiều tiền.

Các buổi dạy học của Đinh vẫn diễn ra cùng với việc làm sản phẩm. Do đào tạo bài bản, giờ đây các thợ đã đọc được bản vẽ Kiệt dùng để làm ra sản phẩm. Những sản phẩm từ đơn giản như bánh xe, buồng xe tới những đồ phức tạp như bánh xe nước hoặc thùng nước có bơm khí cho cá đều đã được làm ra.

Hôm nay, họ nhận nhiệm vụ đi giao hàng tới hai làng Thụi và Triêm. Đây là nơi đang ngón đợi những mặt hàng được sản xuất với số lượng lớn từ làng Nhâm để hoàn thành tiếp sản phẩm của họ: cá tươi và dầu dừa. Không có thùng bơm khí, cá không thể tươi để đem ra tận chợ, không có bánh xe nước tạo lực, mài dừa ra mảnh nhỏ sẽ tốn người vô cùng.

Sau khi nhận được loại thùng bơm khí cho cá, dân làng Triêm bắt đầu bắt cá lên, cho vào thùng và vận chuyển lên huyện thị Sơn Hải để bán. Dù con đường vận chuyển còn khó khăn và xa xôi, lượng cá sống ra tới nơi đạt khoảng 7/10. Số cá chẳng may chết trên đường hoặc trong quá yếu, thì ngay lập tức được chế biến làm thức ăn tươi cho mọi người dùng khi đi đường cho đỡ nhọc.

Tới được huyện thị, nếu như là họ tự đi thì e rằng phải bán ngoài chợ, nhưng vì đã liên kết với làng Hồng Bàng, họ Đỗ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một sạp cá trong chợ, tuy không phải nơi đắc địa, nhưng không lằng nhằng thủ tục, cá vào chợ vẫn còn tươi sống, hút khách một cách nhanh chóng. Không phải ở huyện thị không có cá tươi, nhưng chúng hầu như là cá từ suối và các hồ gần đó, đánh bắt tự nhiên, nên to nhỏ không đều. Còn cá từ làng Triêm thì khác, to, ngon và thật sự tươi mới, nhiều con vẫn đang thở.

Điều này kích thích rất đông người trong chợ tới xem và chọn mua. Nhìn những con cá quẫy mạnh, béo mập, ai mà không ham, nhất là khi đây là cá nước ngọt, chứ ở đây thì cá biển đã là thứ quá ngán rồi. Người làng Triêm mang cá tới lúc sáng, thì tới quá trưa một tí là bán sách. Họ kiểm tra thu nhập và sướng rơn khi thấy thu nhập hôm nay. Một buổi buôn bán bội thu làm toàn thể dân làng Triêm phụ trách hưng phấn vô cùng. Họ cứ cầm tiền trong tay mà mân mê. Nhưng khi đêm đến, trên đường gấp rút quay về làng, họ đã có những suy nghĩ khác.

Số tiền này, sau khi về không phải được chia ngay cho làng mà sẽ phải dùng để chi trả cho làng Nhâm và làng Hồng Bàng. Làng Nhâm thì cũng thôi đi, vì không có thùng họ đóng thì thật sự cá không bán được, nhưng nếu làng Hồng Bàng thì là vấn đề lớn.

Ngay khi bắt đầu, làng Hồng Bàng đứng ra bàn giao kỹ thuật, đổi lấy 10% lợi nhuận. Kỹ thuật này gồm kỹ thuật làm cá và kỹ thuật vận hành máy bơm. Theo như lời họ nói, để cá sống được lâu nhất, cần phải có thời gian bơm hợp lý. Bơm quá ít, cá chết hết. Bơm quá nhiều thì tốn thời gian, vì mỗi lần bơm là phải dừng xe, rồi một người cho bơm vào từng thùng mà bơm khí cho cá. Để có được thời gian chính xác nhất, họ đã tốn công thử nghiệm, thậm chí chết cá, nên yêu cầu ăn chia. Đây coi như hợp lý. Thứ hai, họ đề nghị đứng ra bảo lãnh trả góp. Rõ ràng là tiền làm thùng đựng cá và bộ bơm tay kết hợp không phải giá nhỏ, và quả thực cá tươi bán được giá hơn,chứ còn làm cá thính hay muối chua thả ống thì giá bình thường thôi. Nếu trả tiền mua ngay, làng Triêm không phải không làm được nhưng như thế thì tiền bán cá có khi đi tong, nên họ chấp nhận phương án trả góp mà làng Hồng Bàng đưa ra. Theo đó, làng Hồng Bàng nhận ứng trước tiền cho mấy thùng đựng cá và bơm sục khí mà mấy ông làng Triêm mua, sau đó sẽ thu lại tiền dần theo từng đợt bán hàng của làng Triêm, tổng số tiền thu lại là bằng tiền gốc cộng 5-10 % tiền lãi, tùy theo thời gian trả. Trong nửa năm thì 5% mà từ nửa năm hơn, cứ thêm một tháng là thêm 0,5% đến hạn 10%, nhưng không được quá một năm. Thứ ba, do họ Đỗ lo cho làng Triêm chỗ bán hàng thuận tiện, tiền thuê địa điểm và bôi trơn quan hệ để họ làm ăn thuận tiện cũng tính vào đầu họ, và theo phương án trả góp.

Ban đầu, khi chưa có tí tiền nào, phương án này là cách duy nhất để họ có cơ hội mang đống cá kia đi bán mà kiếm thêm tiền. Nhưng mà bây giờ, tiền vào tay rồi lại chảy đi nhiều quá, họ thấy không nỡ. Họ cũng định bàn nhau là mình ém nhẹm đi, nhưng mà rồi cũng không được. Vì khi bán là họ ở cửa hàng của họ Đỗ, bán bao nhiêu bọn người ở đó đã biết sơ sơ, báo láo là khốn nạn ngay. Hơn nữa bản thân họ cũng không có học thức quá cao, nên thành ra bán đi tính lại, đành đợi về làng bàn với các bậc trưởng lão và người giàu trong làng xem ra làm sao.

Sau khi đám người bán cá quay về, điều họ nghĩ nhanh chóng lan ra khắp làng, rất nhanh đến tai cả những người của làng Hồng Bàng, mà cụ thể là họ Đỗ. Trước nguy cơ bị ăn quỵt, họ Đỗ nhanh chóng có những đề xuất cấp tốc để hòng ngăn chặn vụ này: lập tức cử người đến trách cứ. Tuy nhiên, Kiệt phản đối, cậu cho rằng lòng tham là thứ ai cũng có, nay họ còn bàn tính mà chưa làm, ta cử người tới trách họ thì họ có khi vì thẹn mà ăn quỵt, hoặc không ném tiền lại cho ta để mà hết nợ. Bản thân làng Hồng Bàng vốn không đủ năng lực để sản xuất từng ấy thứ: nước không đủ nhiều làm ao cá lớn, dừa không có làm dầu, đất đai hạn chế để trồng lạc, vừng và rừng xung quanh gỗ không tiện để làm mộc. Chính vì thế, ta cần 3 ngôi làng kia cung cấp tài nguyên.

- Không lẽ để chúng nó ăn quỵt!

- Sự thực là họ chưa ăn quỵt, và vẫn đang đắn đo. Ta vẫn có cơ hội.

Làng Hồng Bàng theo kế của Kiệt liền tảng lờ như không biết vụ làng Triêm bàn kế ăn quỵt, mà vẫn cử đám nhóc tới thu tiền, mang sổ sách đàng hoàng. Đến nơi, bọn nó không vội thu tiền, mà thông báo hẳn hoi, nhưng lại tìm cách bắn tin cho lũ trẻ làng Triêm là thằng Kiệt đang nghiên cứu ra món ăn gì mới với cá ngon lắm, mà giờ làng Hồng Bàng thiếu cá to, không biết làm Triêm có thể cho bọn nó vay mấy con về làm thử không đã, tiền trả ngay.

Tin này làm dân làng Triêm cũng thấy lạ, và họ tạm quên việc tìm cách quỵt mà hỏi thăm. Bọn nhóc làng Hồng Bàng cũng tận tình giới thiệu rằng Kiệt đang nghiên cứu cách làm món cá viên sao cho ngon để bán ra chợ, tăng thu nhập cho cá bán đi, nhưng chưa lại thiếu nguyên liệu. Nghe có mùi tiền, dân làng Triêm bàn nhau tạm lui, đợi khi nào có được công thức làm món kia thì sẽ tính tiếp.

Để tạo uy tín, làng Triêm trả tiền đợt đầu sòng phẳng, còn tặng cá miễn phí. Tin này làm uy tín mô hình liên kết 4 làng càng thêm bền vững, ít nhất là trong lúc này.