Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 36: Hành trình bán dầu

Hoàng Anh Kiệt luôn đặt vấn đề chuyên nghiệp hóa và công nghiệp hóa lên đầu vì đó là những thế mạnh duy nhất mà cậu có từ kiến thức kiếp trước của mình.

Kiệt biết rằng nếu bán kiểu cò con, dù rằng có lẽ sẽ kì kèo được chút ít tiền nữa, nhưng mà chút tiền nhỏ bé ấy không phải đích đến cuối cùng, nên cậu chấp nhận hi sinh nó một chút, đổi lại, cậu muốn xây dựng một hệ thống buôn bán hàng hóa tốt, sẵn sàng để những sản phẩm ra mắt ngay sau này của cậu ta đạt hiệu quả buôn bán cao.

Đầu tiên, là hệ thống giao thông vận tải. Giao thông vận tải luôn là yếu tố quan trọng trong thương mại, nhỏ thì là việc giao hàng hóa từ quầy đến tay người dùng, lớn thì là vấn đề giao thương buôn bán giữa các khu vực. Phàm là nơi nào thông thuận thủy bộ, đi lại dễ dàng thì nơi ấy dễ thành chốn mua bán phồn vinh.

Từ làng Hồng Bàng đi huyện thị Sơn Hải là quãng đường rất xa, đường không phải tốt do ít tu sửa, bởi thế nên sức vận tải kém. Muốn chở được thêm nặng, thì phải dùng hai cách, hoặc sửa đường hoặc chọn phương tiện tốt. Sửa đường thì Kiệt và cả nhà không càn nói tới nữa, nên chỉ còn vấn đề phương tiện vận chuyển. Thời kỳ này xe vẫn là xe hai bánh để dễ đi, nhưng mà xe hai bánh độ cân bằng hai đầu xe kém, nên phải xếp khéo ở giữa, tải trọng vì thế giảm. Kiệt cải tiến một chút, thêm một cái bánh ở đầu. Cái bánh này có thể dễ dàng xoay chuyển theo hướng kéo của con trâu con bò nên xe đi lại tốt, ngoài ra độ cân bằng của xe vẫn rất đảm bảo. Ngoài ra để đảm bảo rằng xe chạy tốt, Kiệt chỉ làm 3 bánh.

- Từ ba điểm phân biệt bất kỳ, có duy nhất một mặt phẳng!- Kiệt giải thích. Tại mọi thởi điểm xe chạy, mỗi cái bánh xe tiếp xúc với mặt đường tại một điểm, tức là ta có 3 điểm bất kỳ, và vì cứ ba điểm này lại có một mặt phẳng, nên xe sẽ tương đối ổn định. Chứ mà nếu làm xe bốn bánh thì kỹ thuật ở đây chưa làm được do phải đảm bảo rằng hai bánh xe làm tròn đều nhau, mà thời gian làm chỉ có nửa ngày, vì mọi thứ rất gấp gáp.

Làm xong bánh xe rồi, Kiệt cho lắp một cái xe dài hơn, thành cao hơn và cậu cho chất lên đó vài món đồ nặng. Quả nhiên là xe chạy tốt: thăng bằng xe ổn, chạy vòng cũng cực tốt, ổn định. Đã vậy do có bánh xe thứ ba, nó có thể vòng những vòng nhỏ dù trên xe đang tải hàng. Đây quả là một điều hay ho. Với xe hai bánh, việc quay xe khi đang tải nặng quả thực vô cùng nguy hiểm khi dễ đổ vỡ hàng hóa trên đó.

Làm xong chiếc xe ba bánh chở hàng rồi, cả nhà lập tức chất hàng lên đó. Trên xe hàng, ngoài những vại dầu, còn có rất nhiều khoai lang, bột gạo, chuối ương ương, một ít nồi niêu xoong chảo, dụng cụ nấu ăn cùng với một cái bếp củi. Đúng vậy, một cái bếp đun củi ở thế kỷ của Kiệt chứ không phải cái kiềng ba chân.

Cái bếp này thực ra không khó làm lắm. Đầu tiên làm một hộp trụ rỗng, bịt dưới, khoét một lỗ chữ nhật to làm nơi đút củi và hai lỗ chữ nhật nhỏ thông gió. Ngoài ra, Kiệt làm một cái kiềng nhỏ để bên trên để đun nấu và một cái chặn củi bên dưới, nhờ đó sẽ có lớp không khí tràn vào. Sau khi làm xong, Kiệt đốt củi xung quanh để nó cứng lại. Làm xong cái bếp rồi Kiệt mang nó theo trên xe để có thể dùng khi cần thiết.

Ngồi trên xe đi qua cổng làng, Kiệt thấy thấp thoáng đâu đó có người đang nhìn theo. Hai họ Đào và Đỗ bấy lâu chắc cũng đã biết việc Kiệt làm, vì người làng ra vào gặp nhau luôn. Nhưng kiến thức hữu hạn khiến họ chưa kịp phản ứng ngay lúc này, nên cơ hội buôn bán của Kiệt đang rất lớn.

- Giá mà con làm ra cái xe này sớm hơn thì bố đã không phải đi đi lại lại nhiều!- Bố cậu- Hoàng Văn Định than thở khi tự thân trải nghiệm chuyến đi trên chiếc xe mà con mình là ra.

- Khi ấy con đang bận lo cái vụ máy làm dừa mà!- Kiệt cười nhăn nhở. Đây cũng là bài học cần lưu ý khi làm việc mà Kiệt tự nhủ là phải khắc sâu: chú ý cải tiến từng công đoạn nhỏ để tăng năng suất công việc chung.

Chuyến đi lại tiếp tục qua những ngôi làng quen thuộc: Thụi, Triêm và Nhâm. Dù rằng bố mẹ Kiệt rất phân vân khi phải bán dầu ở đây, do đây là những làng quê như làng Hồng Bàng, nhu cầu không hề cao nhưng mà Kiệt vẫn đề nghị bán cho họ. Không chỉ bởi thịt muỗi cũng là thịt mà còn vì Kiệt muốn làm một vụ làm ăn lớn phía sau- nhưng hãy cứ tạm bỏ qua vụ đó đã.

Khi tới mỗi ngôi làng, việc đầu tiên Kiệt làm là cùng bố bỏ cái bếp xuống, sau đó ba bố con- bố Định, Kiệt và Minh kiếm củi về đun nấu, trong khi đó mẹ của các cậu với Tài nhanh chóng gọt khoai lang, cắt chuối, nhúng bột ướt để tạo nên những loại bánh ở kiếp trước Kiệt từng biết: bánh khoai và bánh chuối. Giá mà có ngô thì hay quá, nhưng giờ thì ngô có lẽ đang ở tận bên kia đại dương phía đông nếu như nơi này cũng giống Trái Đất ( Cây ngô có nguồn gốc ở Châu Mỹ, và nó đi theo các chuyến thám hiểm của người Tây Ban Nha tới các nước Đông Nam Á, vào Trung Quốc rồi được đem vè Việt Nam sau những lần đi sứ. Truyện dân gian thì nói rằng để đem hạt ngô về người ta đã nhét nó vào đít để tránh bị kiểm tra, nên về sau ngô không được đem lên cúng ở bàn thờ).

Mùi thơm của những món bánh rán trên chảo dầu thu hút tất cả mọi người. Họ tới ăn thử, hỏi thăm về giá cả và ngạc nhiên khi thấy giá phải chăng trong khi được chiên ngập trong mỡ thế này. Đến khi được giải thích về dầu dừa, ai cũng ngạc nhiên pha lẫn thích thú. Thậm chí cả những người ở làng Thụi cũng không tỏ ra cáu kỉnh trước cái trò mà Kiệt làm, đơn giản vì thu hoạch dừa chỉ là một công việc phụ mà thôi.

Với giá cả phải chăng và số lượng lớn còn ở phía sau, đồng thời có một chiếc xe đủ khỏe để chở nhiều cho chuyến sau, lượng dầu được đặt hàng thật kinh khủng. Thậm chí Kiệt còn phải liên tục nhắc bố mẹ việc nhà mình có lẽ sẽ không đủ dầu để mang lên trên huyện thị chào hàng nếu bán tràn lan như hiện nay.

Không chỉ dầu ăn bán rất chạy, cái bếp cũng được nhiều người dò hỏi, vì họ thấy nó khá là tiện lợi, tiết kiệm củi, dễ mang vác. Đặc biệt là dân làng Thụi. Nơi đây nấu muối lậu, dùng bếp này thì tiết kiệm củi, lại mang đi mang lại dễ dàng, nhờ thế mà không sợ bị lộ dấu vết than củi. Điều này cũng làm Kiệt thấy một mối làm ăn tương đối tốt.

Tạm thời tắt ngúm cái háo hức bán cháy hàng trên xe để tiếp tục hành trình, giờ này hai người lớn trông thật vui vẻ, mẹ thì hát vài bài dân ca, bố thì ngâm nga theo- vì ông ấy không biết hát thật.

Trước khi chính thức vào chợ, Kiệt đề nghị bổ sung thêm hàng hóa và nhờ hai chú của mình tìm hiểu xem việc bán dầu này làm có cần mất tiền gì không, đồng thời nhờ chú tư làm hộ mấy cái bếp. Đúng như Kiệt lo lắng, nếu như không có sẵn sạp hàng hóa liên quan mà mở sạp hàng mới, thì phải trả nào là tiền thuê sạp, tiền môn bài, tiền thuế... Ngược lại, nếu như bán nhờ ở một sạp sẵn có, nếu khéo léo thì chỉ mất ít tiền bôi trơn.

Nghe hai người em trai nói, Hoàng Văn Định liền lên tiếng nhờ cậy, tuy nhiên hai chú cũng không dám nhận lời ngay. Với chú tư, người làm hàng thịt thì cũng dễ hiểu là vì để có chỗ cho nhà Kiệt bày đồ, họ e rằng cũng mất chỗ bán hàng. Phản thịt đã ít chỗ thì chớ, nay phải mất thêm chỗ để bếp nóng nực, khách vào ít thì lỗ lắm. Còn việc làm bếp, thì thứ này dễ làm, xưởng chú ba làm được, nhưng chú ấy cũng không mặn mà, khi mà thứ này do ông cháu nghĩ ra, và người hưởng ứng nó chỉ là một đám dân quê.

- Dân làng và dân phố khác nhau lắm!- Chú Đình nói.

- Vậy cho cháu thuê đi!- Kiệt đề nghị. Với cậu, tiền bạc phân minh ái tình dứt khoát, các chú ấy cũng phải lo cho gia đình, chú là em bố nhưng còn có thím, còn gia đình phải lo nữa chứ ; chi bằng mạnh dạn thuê các chú làm hộ, như thế các chú ấy dễ ăn nói trong nhà, hậu phương ổn định thì càng thêm dễ chứ sao. Mà làm thế này, càng tỏ rõ cái sự cao thượng và sòng phẳng của mình, làm các thím thấy nể phục và xấu hổ vì ý định hẹp hòi, họ chắc chắn sẽ phải giúp thêm nữa.

Vừa chuẩn bị thủ tục, Kiệt còn vừa chuẩn bị mặt bằng. Lần trước đến nơi đây Kiệt đã bị ấn tượng mạnh mẽ về sự bẩn thỉu và mất vệ sinh. Mùi trong chợ rất nặng nề vì người buôn bán thường xả rác lung tung, cộng với những thứ như máu động vật bị giết gần lò mổ, ăn uống vứt thức ăn bừa bãi, nơi nọ dọn rửa nước thải chảy sang nơi kia, và cứ dần dần tích tụ lại thì càng vào lúc đông khách thì càng nặng mùi. Sau này mỗi sạp hàng người ta có đào một cái rãnh nước lộ thiên để nước chảy qua chỗ mình cho nhanh, dần dần tạo nên một rãnh nước thải trong chợ.

Để hạn chế mùi, Kiệt đào rãnh thêm sâu, lắp lên đó một vài phiến gỗ phẳng và cứng, vừa che rãnh vừa hạn chế bớt mùi bốc lên. Thực ra mùi hôi ta cảm nhận được thì là do phân tử của vật chứa mùi đó bắn lên tới mũi ta, nên nếu chặn nó lại thì mùi sẽ được. Thậm chí Kiệt không làm cho riêng mình, mà còn làm cho ba sạp hàng trái phải xung quanh. Quả thực, mùi đã bớt rất nhiều.

Chuẩn bị xong xuôi là hai ngày sau, việc mở bán lại tiếp tục diễn ra với bài cũ: rán bánh ngô và bánh chuối. Vị lạ, mùi hương cũng như vệ sinh sạch sẽ của sạp hàng kéo khách đến đông đảo. Vừa ăn vặt, họ vừa hỏi thăm về thứ dầu được dùng để rán. Dân huyện thị dù sao cũng khác dân quê, họ nhận ra mùi thơm nhè nhẹ mà thứ dầu rán tỏa ra.

- Các bác thật tinh ý, thứ này là dầu dừa.- Mẹ Kiệt đon đả giới thiệu

- Dầu dừa là thứ gì, tôi nghe qua dầu cải hay dầu lạc, dầu vừng, nhưng còn dầu dừa là thế nào.

- Quê bọn em có làng trồng dừa, bọn em mua dừa về ăn, nhưng ăn nhiều cùi cũng chán, thế là bọn em ép lấy dầu để dùng dần. Các chị ăn dừa chắc cũng thấy vị béo của dừa mà phải không?

- Đúng nhà, mùi còn thơm nữa.

- Phải ạ, chẳng những thơm ngon khi nấu, giá cả của nó còn rất phải chăng nữa. Chỉ hai đồng một cân dầu sẵn sàng sử dụng thôi.

Nghe Văn Nguyệt Nga nói, ban đầu họ còn không tin, nhưng sau đó mẹ cậu thuyết phục họ đem thử thức ăn ra đây, nấu một ít bằng dầu dừa này xem sao, quả nhiên ngon như dùng mỡ, giá cả lại phải chăng.

- Nấu ăn thì cũng được, nhưng để được bao lâu.

- Hàng tháng các chị ạ!- Mẹ của Kiệt cứ nói vống lên.- Chỉ cần để chỗ râm mát là được. Nhưng nếu các chị mà lo là không được, thì các chị mua số lượng ít, nhà em vận chuyển lên đây luôn luôn ấy mà.

- Thật không!

- Dạ thật chứ! Các chị cứ mua số lượng vừa phải, nếu thấy được thì dùng lâu dài với bọn em, không được thì bỏ cũng đỡ sợ lãng phí. Mà em nói các chị một bí mật nhé, ngoài nấu ăn, cái này cũng còn nhiều công dụng lắm.

- Công dụng gì?

- Làm đẹp!- Mẹ của Kiệt liệt kê thêm những công dụng như: giữ ẩm da, làm sạch gầu, làm mượt tóc, làm mờ vết đồi mồi,… Tuy chưa kiểm chứng rõ nét, nhưng mẹ cậu vẫn khẳng định, vì mẹ tin Kiệt nói mà. Bà chỉ dặn mọi người cách bôi nhẹ, từ từ, tránh dị ứng vì nhiều người dị ứng mà không biết,… Nghe mẹ cậu nói như kiểu bác sĩ dặn bệnh nhân vậy, ai cũng tin hơn vài phần.

Cùng với việc dầu dừa bán đắt hàng, cái bếp của nhà cậu cũng được để ý. Không tỏa quá nhiều nhiệt hay khói, đặt được đủ các loại nồi to nhỏ mà diện tích gọn gàng, nhiều người bán hàng vặt như hàng nước, hàng khoai luộc cũng tới hỏi giá. Họ được giới thiệu tới xưởng chú Đình, và đặt hàng. Nhìn hàng hóa được bốc vơi đi dần dần tới hết nhẵn, bấy giờ hai chú và cả hai thím mới thấy nể thực sự cái tài kiếm tiền của nhà Kiệt. Với các các thím nghe dầu dừa làm đẹp da và tóc, nên đều năn nỉ một tí để dùng. Kiệt và mẹ cười và thoải mái tặng họ một ít, dù sao giá cả ở trên này đắt đỏ, ở lại đây lâu quá tốn tiền, nên về sau bố cậu lên đây là chủ yếu để vận tải hàng hóa mà thôi. Việc bán hàng sẽ còn phải nhờ chú thím ấy nhiều nhiều. Ngoài tiền trả công bán hộ hàng, mẹ cậu còn nhờ chú tư làm sẵn mấy cái lọ gốm đựng dầu dừa để bán cho người nào muốn mua. Nghe mẹ Kiệt nói, các thím cười tít cả mắt, vậy là nhà họ có thêm nhiều thu nhập hơn rồi. Từ đó, nhìn nhà bác cả- tức nhà Kiệt trông thuận mắt hơn hẳn.