Quyển I: Khởi nghĩa Hồng Bàng

Chương 15: Vấn đề cải tạo con người

Hoàng Anh Kiệt cùng với mọi người bắt đầu lấy mẫu đất và kiểm tra nồng độ pH trong đất. Dù Kiệt đã nói trước, thì việc một tờ giấy có thể đổi máu để báo cho người ta biết tình trạng của đất cũng là cực kỳ kinh khủng. Ban đầu, cả bọn xôn xao, bọn nó còn xin thêm để thử nghiệm, cho chắc. Nó thử ở tất cả những mẫu đất mà bọn nó biết chắc kết quả, và không trượt phát nào.

- Đó gọi là khoa học.

- Khoa học.

- Khoa học là toàn bộ hoạt động có hệ thống nhằm xây dựng và tổ chức kiến thức dưới hình thức những lời giải thích và tiên đoán có thể kiểm tra được về vũ trụ.

- Về vũ trụ ư!

- Như thế có phải là thành thần thánh không?

- Không hẳn, nhưng nói chung là khoa học rất thú vị, đồng thời nhiều khi cực kỳ có ích, giống như việc cái máy bơm được tạo ra cũng là nhờ khoa học.

- Chà!

- Anh dạy bọn em được không?

- Được, nhưng phải chịu khó đấy. Giờ quay lại việc chính đã.

- Được rồi.

Cả bọn bắt đầu kiểm tra lại mẫu đất và màu hiển thị, sau đó phân loại đất. Ngay từ ban đầu, Kiệt đã cho đánh số nơi lấy đất, bình chứa mẫu và giấy thử, nên ngay khi có kết quả trên giấy chỉ thị, là sẽ biết chỗ đất mà mình lấy là chua, kiềm hay trung tính, từ đó chuẩn bị phương pháp cải tạo.

Các phương pháp cải tạo đất đai thời này thường là để cải tạo đất chua thông qua việc bón vôi, còn đất kiềm khó xử lý hơn, thường là để tự hết, hoặc trồng cây vào để tự cây phân giải, nhưng Kiệt biết nhiều hơn, có thể sử dụng lưu huỳnh để làm bớt tính kiềm. Nhưng do hiện tại không có lưu huỳnh, nên cũng đành chấp nhận dùng một cách chậm hơn: phân bón hữu cơ. Khi phân bón hữu cơ bị phân hủy, những vi khuẩn hay vi sinh vật tiêu thụ phân bón cũng góp phần tạo thêm chút phụ phẩm có tính axit, từ đó làm giảm độ pH hay tính kiềm của đất. Bón phân hữu cơ đồng thời cũng làm tăng độ phì và độ thoát nước của đất, có điều kiếm chúng khá khó, vì nhà nông ai cũng cần dùng. Tích mãi mới được một ít.

Kiểm tra lại vài lần, thấy giấy không còn chuyển màu, hoặc chuyển màu chậm lại, thì coi như tạm ổn. Đất được đào lên, đem về chỗ nuôi giun, tại đây chúng được chất lại thành từng đống. Chỗ đất này là đất nền bổ sung, hàng ngày sẽ được cho thêm vào bãi nuôi cho tới khi nào bãi nuôi đạt tới giới hạn thì thôi.

Có được thêm đất nền rồi, lại có máy bơn nước hỗ trợ việc bơm nước, việc cuối cùng cần làm là thức ăn cho lũ giun này. Như đã nói từ trước, Kiệt dùng phương pháp ủ cỏ lên men cho bò ăn ở thế giới cũ để làm cỏ thành thức ăn cho lũ giun. Cỏ được lên men sẽ tăng tốc độ chuyển hóa, tạo môi trường cho vi khuẩn làm việc, bọn vi khuẩn ăn chất xenlulozo trong cỏ, đồng thời tạo thành một số chất giàu dinh dưỡng. Cỏ được ủ ngắn ngày, khi có mùi hơi chua là có thể đem ra rải lên trên nền đất, giải một lớp mỏng, đều khắp để giun đi dần ra khắp phần đất nền mới thêm, từ đó cải tạo những phần đất này.

Ngoài việc dùng thức ăn dẫn dụ, để chủ động ép bọn giun phải đi ra nơi khác, việc cào xới đất đai, đưa đất cũ ra đảo với đất mới cũng được làm. Để tránh không hại giun, dụng cụ được dùng là cào nhiều răng, chúng sẽ vừa có thể cào được đất, tuy nhiên không như cuốc hay xẻng có thể chém ngang thân một búi giun khi làm việc, cào nhiều răng có khe hở, vì thế không gây hại quá nhiều.

Việc thay đổi chỗ ở cho giun khó là ở thời gian đầu, lũ giun sẽ bị lạ đất. Vì vậy, trong ít nhất 1 tháng này, bọn giun sẽ không phát triển thêm. Nhưng Kiệt cũng chưa có vội vã gì cả, cậu đã xác định từ trước là công việc này sẽ cần kiên trì.

Trong khi việc nuôi giun không có mấy tiến triển, thời gian này cũng rảnh rỗi. Đúng vậy, dù đang lúc cần làm nông, thì bọn nhóc lại đang rảnh, nhờ vào máy bơm nước chạy bằng sức gió của Kiệt. Khi trồng lúa, công việc nặng nhọc nhất thường chỉ có tưới nước, để làm cho ruộng được đủ nước, bằng việc tát gàu thì phải mất cả ngày, và cần sức người lớn, thế thì bọn nhỏ sẽ phải lo những việc như cơm nước, việc nhà, lợn gà,... Nhưng có máy bơm nước rồi, người lớn không cần phải lo việc tát nước, họ ở nhà làm việc cùng bọn trẻ, việc trở nên nhanh và nhẹ nhàng hơn, bọn trẻ được giải phóng sớm khỏi công việc.

Bình thường, nếu có thời gian rảnh rỗi thế này, bọn nó thường sẽ tổ chức những trận đá bóng, bơi lội, hoặc không thì cũng chơi cờ ca rô với Kiệt và bị cậu hành cho một trận, nhưng rồi Hoàng Anh Minh, ông anh trai cùng mẹ khác cha của Kiệt, một đứa trẻ thông minh, ham học hỏi đã tỏ ra hứng thú với “ khoa học” và đề nghị cậu dạy nó cho mình.

- Anh muốn học “khoa học”?

- Đúng thế! Em chẳng nói khoa học có thể tìm hiểu về vũ trụ ư. Mẹ dạy anh nhiều thứ, trong đó có cả một phần tứ thư ngũ kinh của Nho Giáo, thì có nói về Kinh Dịch là bộ kinh nói về sự vận hành của vũ trụ, và là kinh đứng đầu, nhưng vì anh chưa học đủ chữ Hoa nên mẹ chưa dạy, vậy Kiệt dạy anh một chút “khoa học” đi.

- Khoa học của em khác với Kinh Dịch.

- Thì cứ dạy cho anh đi, “ khoa học” của em làm được việc, chứng tỏ nó cũng không sai gì nhiều, thế thì anh học nó cũng tốt mà.

Nghe anh trai mình nói, Kiệt biết là anh ấy đánh giá “ khoa học” thấp hơn Kinh Dịch, nhưng biết làm sao được, thời này Tứ Thư Ngũ Kinh là những thứ tương tự “tiên đề” trong toán học, được mặc nhiên thừa nhận, nên mẹ của hai người coi trọng nó là hiển nhiên, và tư tưởng của bà áp lên Anh Minh cũng từ từ mà chắc chắn. Song bây giờ anh cậu chưa tiếp xúc sâu, nếu cậu thực sự dụng tâm giảng dạy biết đâu sẽ giúp anh ấy nhìn nhận thế giới chuẩn xác hơn, hoặc ít nhất cũng không quá sa vào thói tầm chương trích cú ( lối học sáo rỗng, tìm những câu thơ văn cổ hay ho, những lời của bậc tiên hiền và dẫn lại nó để biện hộ hoặc áp đặt người khác, mà không chịu nhìn tình hình cụ thể). Thế là Kiệt quyết định giúp ông anh.

- Muốn học “ khoa học”, trước tiên phải học hai môn vỡ lòng, là văn và toán. Văn là học cách viết chữ, toán là học cách tính toán.

- Gì chứ hai cái này anh biết rồi.

- Không, anh viết cho em mấy chữ và mấy số đi.

Nhìn anh trai viết ra các chữ số Đại Hoa, Kiệt công nhận ông anh viết rất tốt, chữ ngay ngắn, không biết với các nhà thư pháp thì thế này có coi là đẹp chưa nhỉ. Khen nét chữ của anh trai xong, Kiệt bắt đầu viết ra các chữ Quốc Ngữ ( tức là chữ mà hiện tại Việt Nam đang dùng, chữ Latin) và số A- rập ( hoặc số Ấn Độ, nếu truy tới tận cùng). Viết ra rồi, Kiệt bắt đầu nói sơ qua nguyên tắc của chữ Quốc Ngữ cùng số Ấn Độ.

- Chữ của Đại Hoa là chữ tượng hình, chữ tượng hình có ưu điểm là không có quan hệ giữa chữ và tiếng: mỗi chữ có thể mang một nghĩa thống nhất cho mọi ngôn ngữ. Đây là cái lợi lớn nhất mà người Trung Quốc đã tận dụng được để thống nhất các ngôn ngữ khác nhau (được người Trung Quốc gọi là "tiếng địa phương") trong quốc gia rộng lớn của họ. Nhờ sức mạnh biểu ý đó mà chữ Hán đã lan rộng ra các nước lân cận như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Cũng nhờ tính biểu ý đó mà các dân tộc cổ đại lưu truyền kiến thức lại được một cách dễ dàng (các nhà khảo cổ học có thể hiểu được những ký hiệu khắc trên đá, dù không biết tiếng nói thời đó ra sao). Song nó cũng tồn tại những khuyết điểm vô cùng lớn, đầu tiên là số chữ trong một hệ thống chữ tượng hình của một ngôn ngữ thường lớn hơn rất nhiều so với số chữ cái trong một hê thống chữ tượng âm tương ứng; hơn nữa, những chữ tượng hình diễn tả những khái niệm cao cấp thường có cấu tạo phức tạp. Đây là bất lợi lớn nhất của chữ tượng hình khiến cho người học tốn nhiều công sức để học và nhớ hết các chữ. Chưa hết, việc không có quan hệ giữa chữ và tiếng: một người không thể nào phát âm được một chữ mới, và ngược lại không thể viết lại khi nghe những từ lạ. Trái ngược lại, thứ chữ em viết là chữ tượng thanh, bản thân mỗi chữ không có nghĩa, và nó dùng để ghi lại âm thanh, theo một trật tự xác định, cũng vì thế, nó học nhanh, ghi nhanh, quy tắc đơn giản, nhưng vấn đề là nó ghi lại âm thanh, cho nên nếu như gặp phải phương ngữ, tiếng vùng miền, người nói ngọng thì bỏ mẹ luôn. Vì thế chữ tượng thanh nếu không có quy chuẩn chính xác, tức là một bộ từ điển, thì không nên vội và phổ cập. Phải nói rõ như thế, để anh hiểu.

- Vậy còn mấy con số cũng thế hả?

- Mấy con số thì lại khác, thực ra vì những con số này khác với chữ, nó gần như tượng hình, nhưng có quy tắc chặt chẽ, nên dùng nó chẳng những cực kỳ nhanh chóng, mà còn không sợ vấn đề của chữ tượng thanh là mỗi ai nói thì mình hiểu sai. Nói chung em sẽ dạy anh, để anh vừa học vừa cảm nhận, cho nó trực quan.

Kiệt bắt đầu dạy từng chữ từng chữ, ghép vần, ghép từ, giải nghĩa từ, nguyên tắc tạo từ, ghép từ thành câu, nguyên tắc ghép câu,... Trong khi Kiệt dạy ông anh trai, mấy đứa bạn cũng tới rủ Kiệt đi chơi cùng chúng nó, nhưng Kiệt chối, kêu chúng cứ tự đi chơi, cậu phải dạy ông anh trai. Mãi rồi cũng có đứa tò mò, chúng rủ nhau tới xem Kiệt dạy cái gì cho Anh Minh, rồi chúng tự dưng có ý muốn học, sau khi Kiệt tự nhiên nói ra là muốn giỏi như cậu ta thì phải có kiến thức cơ sở như thứ cậu đang dạy cho anh mình mới được. Nghe tới chỗ giỏi như Kiệt, cả bọn đồng lòng xin học. Ai chứ Hoàng Anh Kiệt thì đứa nào chả muốn trở thành: kiếm tiền, làm được những thứ cực kỳ có ích như máy bơm,... quả thực không khác gì con nhà người ta ở thế giới của Kiệt.

Thực ra không phải đứa nào cũng hiểu được chữ cái Kiệt dạy, kể cả từ những cái cơ bản như viết chữ, nhiều đứa cứ viết sai. Kiệt cũng cáu, vì không như Anh Minh- vốn đã có cơ sở học hành chữ Đại Hoa, khả năng tư duy về ngôn ngữ tốt, được mẹ dạy nhiều điều, bọn này toàn con em nông dân, dốt đặc cán mai, dạy hoài không được. Thế rồi, vào một đêm đang vắt tay lên chán, tự than thở vì bị làm phiền quá nhiều trong khi nhà còn bao việc, Kiệt chợt nhận ra mình đã ngu thế nào khi đã toan bỏ cuộc, tống cổ bọn nó đi. Tình thế của cậu bây giờ chính là phiên bản thu nhỏ cho những khó khăn trong tương lai. Tri thức mà Kiệt nắm giữ, không phải cái nào cũng dễ giải thích, nó cần có cơ sở khoa học, Kiệt hiểu, những người khác không hiểu, rồi họ có thể làm sai, làm theo ý mình, lúc đó không lẽ cậu phải căng mình đi giám sát, kiểm tra hay tự tay làm chăng. Cậu cần những người có thể hiểu được thứ cậu cần làm, và đó chắc chắn phải là những người có kiến thức cơ bản.