Edit: Huyền Thục nghi
Beta: Bình Tiệp dư
Từ khi Ân Tần vào cung cho đến nay, đây là lần đầu tiên nàng đến Quỳnh Hoa cung của Thục phi.
Từ sự hoa lệ phú quý của Quỳnh Hoa cung, đến thái độ Thục phi ân cần thân thiết với Bùi Thanh Thù, Ân Tần đều âm thầm quan sát. Lại nhớ đến việc hôm nay Thục phi làm, hào phóng khéo léo, Ân Tần âm thầm cảm thấy may mắn trong lòng, lúc trước các nàng đã tìm cho Bùi Thanh Thù một vị dưỡng mẫu tốt.
Thục phi tìm Ân Tần nói về việc nhà cũng có lý do, Lệ Phi không ở trong cung, thế lực của Ân Tần lại mỏng manh, không có người chăm sóc. Dù gì Ân Tần cũng là di mẫu (dì) của Bùi Thanh Thù. Nếu có thời gian rảnh rỗi, không ngại thì cứ đến Quỳnh Hoa cung ngồi chơi. Hiện tại trong Quỳnh Hoa cung chỉ có một Tín Quý nhân. Nói thật lòng, Thục phi và nàng ta không có tiếng nói chung, nên rất hoan nghênh Ân Tần thường xuyên đến làm khách.
Cuối cùng, Thục phi còn tươi cười nói một câu: “Nếu có cái gì cần giúp đỡ, nói một tiếng là được.”
Ân Tần cảm kích đồng ý.
Kỳ thật, hôm nay Thục phi đối tốt với Lệ Phi, hay là bày tỏ ý mượn sức của Ân Tần cũng vậy, đều là chủ ý của Vinh Quý phi.
Lúc đầu, trong lòng Thục phi còn có chút luẩn quẩn nghĩ không thông, nhưng nàng càng suy nghĩ càng cảm thấy lời Vinh Quý phi nói có đạo lý.
Nếu muốn lung lạc nhân tâm, không làm khó Bùi Thanh Thù, nàng nên chủ động xây dựng mối quan hệ tỷ muội tốt với Lệ Phi, đây thật đúng là biện pháp tốt nhất.
Huống hồ Lệ Phi không ở trong cung, Ân Tần lại là người không có năng lực gì lớn, nếu nàng thân thiết với họ hơn một chút, trong lòng Bùi Thanh Thù sẽ càng thêm cảm kích Thục phi.
Sau khi Ân Tần cáo từ không bao lâu, Bùi Thanh Thù ăn điểm tâm no, lại dùng xong cơm trưa, liền nói muốn ngủ trưa, trở về Cảnh Hành hiên.
Nhưng sau khi trở về, hắn lại không ngủ được.
Từ nửa năm trước sau khi Thiệu Khang Lạc đến biên cảnh xua đuổi người Hung Nô, Bùi Thanh Thù vẫn luôn đi theo sư phụ của Cửu Hoàng tử học võ. Sau khi Lục Hoàng tử qua đời, Cửu Hoàng tử quá mức đau khổ, căn bản không có tâm tư đi học, đặc biệt là cưỡi ngựa bắn cung. Hoàng đế bận rộn công việc, không rảnh để quan tâm đến huynh ấy, nên cũng bỏ qua Cửu Hoàng tử.
Nhưng mà Bùi Thanh Thù cảm thấy, chờ đến năm sau, Cửu Hoàng tử chắc chắn sẽ quay lại học. Đến lúc đó hai người bọn hắn cùng nhau học tập, không biết có còn hợp nhau hay không.
Đây chính là chuyện phiền lòng thứ nhất.
Chuyện phiền lòng thứ hai chính là, Lư Duy - người dạy học cho Bùi Thanh Thù nhiều năm qua, hôm nay đã nhận thưởng rời cung. Trong lòng Bùi Thanh Thù, Lư Duy vừa là thầy vừa là bạn, hắn vẫn luôn đối xử với Lư Duy như Đại ca ca của mình.
Bây giờ Lư Duy lại rời đi như vậy, trong lòng Bùi Thanh Thù bỗng cảm thấy vắng vẻ, rất không quen.
Chờ kỳ nghỉ lễ năm mới qua đi, sau khi các Hoàng tử đến lớp nhập học, Bùi Thanh Thù có chút ngạc nhiên phát hiện, không chỉ có Thiệu Khang Lạc và Lư Duy đi, mà cả Chu tiên sinh và vài vị sư phụ chỉ bảo hắn đều bị thay đổi.
Khi Hoàng hậu phạm phải sai lầm, tuy nói không có gây hoạ đến người nhà, nhưng không biết như thế nào mà đột nhiên Hoàng đế nhớ ra mấy tiên sinh dạy dỗ các tiểu Hoàng tử hầu như đều là thân thích của Hoàng hậu. Vì muốn cho các tiểu Hoàng tử được giáo dục tốt hơn, vì thế Hoàng đế liền thay đổi thầy dạy cho bọn hắn, chẳng những thế còn không chừa lại vị nào.
Các vị tiên sinh mới này, có thể nói đều có địa vị rất cao, nhắc đến bất kỳ vị nào cũng có lý lịch sâu hơn Chu tiên sinh, học thức cao hơn Chu tiên sinh.
Tiên sinh dạy Tứ Thư Ngũ Kinh họ Lục, năm nay đã hơn sáu mươi tuổi, nghe nói vừa nghỉ hưu bên Quốc Tử Giám, cả đời nghiên cứu quốc học.
Ngoại trừ học tập Nho gia kinh điển, bắt đầu từ năm nay, các Hoàng tử còn có thêm nhiệm vụ mới là học Toán học và Luật học.
Trước kia bọn Bùi Thanh Thù cũng đã có học qua một chút Luật học và Toán học cơ sở, nhưng đều do một mình Chu tiên sinh phụ trách. Hiện tại thì không giống như vậy, Hoàng đế tìm cho bọn hắn hẳn hai giáo viên chuyên trách.
Hai vị còn lại thì đều tương đối trẻ tuổi hơn so với Lục tiên sinh.
Vị dạy Toán học họ Giả, nghe nói là một thiên tài Toán học. Trong một lần đi thi, điểm Toán học của hắn đã đứng đầu cả nước. Cho nên chỉ mới hơn ba mươi tuổi, hắn đã nhậm chức chính lục phẩm chủ sự Hộ Bộ, hiện tại lại kiêm thêm chức trách dạy dỗ các Hoàng tử.
Còn tiên sinh dạy Luật học họ Tần, cũng chỉ mới hơn ba mươi tuổi, hiện tại nhậm chức ở Đại Lý Tự. Nhưng mà trừ chức vụ hiện tại, hắn còn một thân phận khác, đó chính là cữu cữu của Thập nhất Hoàng tử.
Sau khi nhìn thấy Tần tiên sinh thì Bùi Thanh Thù mới biết, thì ra mẫu thân thân sinh của Thập nhất Hoàng tử - Mục Quý tần chính là nữ nhi của Đại Lý Tự Khanh Tần đại nhân. Sau khi ca ca của bà thi đỗ Tiến sĩ thì cũng vào Đại Lý Tự. Cả nhà bọn họ cùng một tính cách, cũng khó trách từ nhỏ Thập nhất Hoàng tử đã có tính tình chính trực như vậy.
Nhưng mà từ Tần tiên sinh, Bùi Thanh Thù nghĩ đến rất nhiều vấn đề trong chế độ tuyển quan của Đại Tề.
Theo Bùi Thanh Thù biết, Đại Tề tuyển chọn nhân tài, tuy rằng vẫn áp dụng chế độ khoa cử, nhưng trên thực tế thời điểm nhậm chức quan, phần lớn đều dựa vào gia tộc của quan viên và bối cảnh xuất thân mà suy xét.
Chẳng hạn như, giống như Tần tiên sinh vậy, tổ phụ, phụ thân đều nhậm chức ở Đại Lý tự, hắn sẽ nghĩ cách, dựa vào quan hệ để vào Đại Lý Tự làm việc, tương lai thừa kế phụ thân hắn. Nói lớn mật một chút, tính chất của việc này cũng giống như việc Hoàng đế bồi dưỡng Thái tử vậy.
Trước khi gặp được Tần tiên sinh, Bùi Thanh Thù đã biết quan viên của Khâm Thiên Giám một trăm phần trăm đều là kế thừa qua nhiều đời. Tuy nói Thái Y Viện không phải của một gia tộc nắm quyền, nhưng cũng không khác bao nhiêu.
Khâm Thiên Giám và Thái Y Viện là hai lĩnh vực có tính chuyên biệt tương đối cao, Bùi Thanh Thù còn có thể lý giải, các gia tộc phải bồi dưỡng kỹ năng cho các hài tử từ nhỏ, để tương lai nhậm chức thay mình.
Nhưng mà Đại Lý Tự lại là cơ quan cơ cấu tư pháp, cũng không cần phải từ nhỏ học tài nghệ gì đặc thù cả. Chỉ cần trải qua học tập và huấn luyện thì vẫn có thể làm tốt. Bùi Thanh Thù cảm thấy, không nên giữ chuyện một nhà nắm quyền như vậy, nếu không sẽ rất dễ xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền lực, thật giả lẫn lộn, hiệu suất làm việc chậm chạp cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều mà thôi.
Nhưng mà, nhìn thái độ không sao cả của những người khác, Bùi Thanh Thù cảm thấy, hiện tượng như thế này chắc hẳn đã tồn tại trong một thời gian rất dài, sợ rằng rất khó để có thể thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn, bởi vì tất cả mọi người đã tập mãi thành quen rồi.
…
Trường Hoa điện thay máu, sau khi thay đổi ba vị lão sư, hình thức học và chương trình học của các Hoàng tử cũng xảy ra những thay đổi nhất định.
Điều đầu tiên chính là, năm mới, Bùi Thanh Thù có thêm ba đồng học mới.
Bởi vì ba Hoàng tử lớn nhất đã ra cung lập phủ, Lục Hoàng tử lại qua đời, nên phía đông Trường Hoa điện chỉ còn lại Tứ Hoàng tử và Ngũ Hoàng tử. Vì thế hai lớp nhập lại với nhau, mọi người cùng nhau đi học.
Ngoại trừ hai vị huynh trưởng, vị đệ đệ nhỏ tuổi nhất của Bùi Thanh Thù là Thập tam Hoàng tử do Định Phi sinh ra, cũng đã đến tuổi đi học.
Nhưng mà tạm thời Thập tam Hoàng tử không theo kịp chương trình học của bọn họ. Trang tiên sinh dạy bọn Tứ Hoàng tử lúc trước, bây giờ đang nhàn hạ nên ở lại dạy vỡ lòng cho Thập tam Hoàng tử. Chờ hắn học xong mấy quyển thư tịch vỡ lòng sẽ gia nhập cùng bọn Bùi Thanh Thù.
Bởi vì thêm hai môn học mới, thời gian đi học của các Hoàng tử cũng có những thay đổi tương ứng.
Gần đây Bùi Thanh Thù có học qua cách tính thời gian của Tây Dương, chiều hôm nay rãnh rỗi, hắn cùng với hai người Phó Húc và Hổ nhi cùng nhau luyện tập quy đổi thời gian.
“Nếu nói Giờ Thìn bắt đầu đi học, thì chính là… bảy giờ sáng.” Đầu tiên Bùi Thanh Thù nhìn thoáng qua bên trái đối chiếu với thời gian biểu, lại nhìn sang đồng hồ quả quýt nhỏ bên phải, “Hiện tại ta muốn kiểm tra các ngươi. Thời gian dạy của Lục tiên sinh là một canh giờ, như vậy thời gian tan học là giờ nào?”
Không khí đột nhiên yên tĩnh trong chốc lát, Hổ nhi vẫn còn đang vò đầu bứt tóc thì Phó Húc đã ngắn gọn dứt khoát trả lời: “Chín giờ.”
“Đáp đúng.” Bùi Thanh Thù cười với Hổ nhi, nói: “Một canh giờ tương ứng với hai giờ, bảy cộng thêm hai chính là chín, ngươi hiểu rõ chưa?”
Hổ nhi ngờ nghệch gật đầu.
Bùi Thanh Thù tiếp tục hỏi: “Sau khi được nghỉ ngơi ba mươi phút, bắt đầu học thêm nửa canh giờ Toán học, vậy thời gian tan học là mấy giờ?”
Sau khi Phó Húc nhẩm tính một chút, dẫn đầu đáp: “Ước chừng là mười giờ rưỡi.”
Bùi Thanh Thù vừa lòng gật gật đầu, lại nhìn về phía Hổ nhi: “Tính ra không?”
Hổ nhi xoè bàn tay ra, một ngón lại thêm một ngón. Vừa bắt đầu đếm số còn khá tốt, kết quả đếm đếm, các ngón tay đã bắt đầu run run, các con số cũng loạn lên hết.
Bùi Thanh Thù cười nghe Phó Húc giảng giải cho Hổ nhi.
Hiện tại không chỉ chỗ này của Bùi Thanh Thù, mà nơi nơi trong cung đều lưu hành dùng đồng hồ Tây Dương. Nghe nói là do Hoàng đế nghe theo kiến nghị của Công Tôn tiên sinh, mỗi cung đều được tặng một cái đồng hồ quả quýt, thậm chí hai vị Quý phi và Tứ phi còn được dùng đồng hồ để bàn.
Cái này của Bùi Thanh Thù là do Hoàng đế đặt làm riêng cho hắn, bên trong còn khắc một chữ “Thù”. Bùi Thanh Thù rất thích, đi nơi nào cũng mang theo bên mình.
Sau khi học Toán học xong, các Hoàng tử có mười lăm phút, cũng chính là mười lăm phút thời gian để nghỉ ngơi, sau đó lại học thêm nửa canh giờ lớp Luật học.
Cứ như vậy, chương trình học buổi sáng đến mười một giờ bốn mươi lăm phút mới kết thúc.
Sau thời gian hai tiếng nghỉ trưa, nếu tính không sai lệch lắm là hai giờ chiều. Lúc này là thời gian học tài nghệ và cưỡi ngựa bắn cung, nếu vậy chắc chắn không thể tan học trước khi trời tối. Cho nên Hoàng đế dứt khoát huỷ bỏ khoá học tài nghệ của bọn họ, sửa lại thành bắt đầu từ hai giờ chiều sẽ là thời gian học cưỡi ngựa bắn cung, học đến năm giờ, trong thời gian đấy được nghỉ ba mươi phút.
Nếu các Hoàng tử muốn tiếp tục học tài nghệ, thì phải tranh thủ học vào buổi tối hoặc vào ngày hưu mộc [1] được nghỉ học.
[1] “hưu mộc” 休沐: nghỉ phép để tắm gội.
Thời nhà Hán, triều đình còn quy định ngày nghỉ dành cho việc tắm, cứ cách 5 ngày, các quan viên đều về nhà tắm rửa. Thời nhà Đường được đổi thành 10 ngày, gọi là ngày “hưu cán” (休浣), một cán là 10 ngày.
Dựa vào chế độ đã định vào vài thập niên trước, ngày hưu mộc của các Hoàng tử thật sự quá ít, tình huống thực tế trong cung từ sớm đã không hợp với tổ chế. Hoàng đế thừa dịp này đây cải cách một thể, cách mười ngày thì cho các Hoàng tử nghỉ một ngày, đến ngày hội, sinh nhật của Hoàng tử hoặc mẫu phi thì cũng được nghỉ ngày đó.
Mùa hè thời tiết nóng bức được nghỉ mười ngày, trước và sau năm mới cũng được nghỉ mười ngày.
Các tiểu Hoàng tử nghe xong, đều ngợi ca phụ hoàng nhân từ, cảm thấy chế độ như vậy so với trước kia thì có tình người hơn.
Bùi Thanh Thù là người có năng lực thích ứng không được xem là quá nhanh, nhưng cũng không phải là người quá kém. Đại khái qua hai ba tháng, hắn đã hoàn toàn thích ứng được với phương pháp học tập mới, và cũng đã làm quen được với các vị lão sư mới.
Không thể không nói, Hoàng đế cải cách như vậy, Bùi Thanh Thù cảm thấy khả năng học tập của hắn tăng lên rất nhiều so với trước kia.
Chu tiên sinh giảng bài, luôn giảng máy móc theo sách vở, chỉ để bọn họ đọc diễn cảm và ngâm nga. Chu tiên sinh cho rằng, đọc sách trăm lần sẽ tự hiểu nghĩa, cho nên chủ yếu dựa vào sự lý giải của cá nhân các Hoàng tử. Nhưng mà hiện tại vị Lục tiên sinh này, kinh nghiệm dạy học vô cùng phong phú, sử dụng rất nhiều mẩu chuyện xưa để giúp bọn họ ghi nhớ, cho nên Bùi Thanh Thù cảm thấy việc bản thân tự mình đọc nhiều sách rất có ích. Cho dù ngày nghỉ có nhiều thêm nhưng tiến độ học tập càng nhanh hơn.
Còn Toán học và Luật học, so với Tứ Thư Ngũ Kinh mà nói, đều là những môn vô cùng thực tế, trong lòng Bùi Thanh Thù càng cảm thấy thích hai môn học này hơn.
Năng lực số học của Giả tiên sinh rất cao, lúc mới bắt đầu dạy cho bọn hắn rất thường hay bỏ bước, khiến cho các Hoàng tử như bước đi trong sương mù.
Nhưng sau khi thấy phản ứng của mọi người, Giả tiên sinh kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học của mình. Sau một đoạn thời gian cả nhóm thầy trò cọ xát ở chung với nhau, cũng giống như Bùi Thanh Thù, năng lực học tập của nhóm học trò đã mạnh hơn, có thể đuổi kịp.
Nhưng kết quả học tập của Thất Hoàng tử và Thập Hoàng tử không tốt lắm nên đặc biệt ghét thời gian đến lớp. Tuy rằng Ngũ Hoàng tử và Bát Hoàng tử chịu học, nhưng thành tích Toán học không tốt, mỗi lần đến giờ học thì cũng vô cùng đau đầu.
Tần tiên sinh dạy Luật học rất giống với cháu ngoại trai Thập nhất Hoàng tử của hắn, thường ngày đều trưng ra một vẻ mặt, nói chuyện có nề có nếp, trên mặt không có một chút ý cười. Nhưng mà Bùi Thanh Thù cũng không cảm thấy chán ghét vị Tần tiên sinh này.
Bởi vì tuy tuổi của Tần tiên sinh không lớn nhưng cũng đã làm ở Đại Lý Tự nhiều năm. Hắn ta biết rất nhiều dạng vụ án, khi đến giờ học luôn khiến người khác mở rộng tầm mắt.
Nhưng mà, yêu cầu về mặt học tập của Tần tiên sinh cũng rất nghiêm khắc. Trước kia chỉ có các Hoàng tử ở năm cuối mới phải tham gia một lần thi cử mang tính tượng trưng. Hiện tại lại không giống như vậy. Sau khi “thay máu” các lão sư, một chế độ thi cử mới cũng được sinh ra.
Bởi vì trong mấy người bọn họ thì trước kia Lục tiên sinh có địa vị cao nhất, lại từng là người đứng đầu Quốc Tử Giám, cho nên hiện tại trong Trường Hoa điện là Lục tiên sinh đứng đầu, vì thế quy tắc của kì thi cũng do ông ấy đưa ra.
Ngoại trừ mỗi ngày đều có khả năng sẽ tiến hành một bài kiểm tra nhỏ trên lớp, bây giờ mỗi tháng bọn Bùi Thanh Thù còn phải tiến hành một bài kiểm tra hàng tháng, hơn nữa còn công khai thứ hạng. Mỗi một quý phải tiến hành một lần kiểm tra lớn, kết quả kiểm tra sẽ được treo trên bảng vừa được xây trong viện của Trường Hoa điện. Người làm kiểm tra không tốt sẽ bị mất ba tháng tiền tiêu vặt. Cho nên các Hoàng tử đều vô cùng khẩn trương, thái độ học tập cũng nghiêm túc hơn không nhiều.
Trong ba người, Tần tiên sinh luôn là người trừ điểm tàn nhẫn nhất, thường xuyên khiến các Hoàng tử phải cảm thấy đỏ mặt xấu hổ vì thành tích. Cho nên tuy rằng Luật học là môn phụ nhưng ngược lại rất nhiều Hoàng tử phải dồn nhiều sức lực cho môn Luật học này.
Bởi vì có vị đại ca ca Tứ Hoàng tử ở đây nên hai bài thi tháng của Bùi Thanh Thù đều xếp hạng không quá cao. Cho dù kiểm tra Tứ Thư Ngũ Kinh, Luật học hay là Toán học, Tứ Hoàng tử đều hoàn toàn xứng danh đệ nhất trong nhóm các Hoàng tử.
Tuổi hắn lớn hơn, đọc sách nhiều năm hơn Bùi Thanh Thù, cho nên Bùi Thanh Thù cũng không so sánh với huynh ấy. Mục tiêu của Bùi Thanh Thù chính là ba thứ hạng đầu.
Tham dự xếp hạng có mười một người, bài thi tháng lần đầu tiên, Tứ Thư Ngũ Kinh của Bùi Thanh Thù xếp thứ năm, Luật học xếp thứ tư, còn Toán học thì xếp thứ ba.
Có lẽ bởi vì Cửu Hoàng tử lúc nào cũng ở bên cạnh Lục Hoàng tử, cho nên Tứ Thư Ngũ Kinh của hắn thông suốt hơn Bùi Thanh Thù, xếp thứ hai. Xếp thứ ba là đích trưởng tử của Lễ Thân vương, đường huynh lớn hơn Bùi Thanh Thù mấy tuổi. Xếp thứ hai môn Luật học và Toán học cũng là vị thế tử của Lễ Thân vương Bùi Thanh Huyên này. Còn xếp thứ ba môn Luật học chính là người cháu ngoại trai ruột thịt của Tần tiên sinh Thập nhất Hoàng tử.
Lần thi tháng thứ hai, xếp hạng Tứ Thư Ngũ Kinh và Luật học của Bùi Thanh Thù không thay đổi, Toán học lại vượt trội bỏ xa mọi người, xếp thứ hai. Bùi Thanh Thù rất vừa lòng đối với thành tích của mình, dù sao hắn cũng là người nhỏ tuổi nhất đám Hoàng tử và tông thân, thời gian đi học cũng tương đối ngắn. Tuy rằng kiếp trước hắn sống một thời gian, nhưng cũng chưa học qua mấy thứ này.
Tứ Hoàng tử cũng rất vừa lòng đối với thành tích của hắn, từ trước đến nay rất ít khích lệ người khác, thế mà sau khi biết được thành tích của đợt thi tháng thứ hai đã cố ý đến Cảnh Hành hiên khích lệ Bùi Thanh Thù một lần, còn tặng hắn một hộp nhạc Tây Dương để khen thưởng.
Đều nói huynh trưởng như cha, Bùi Thanh Thù lại cảm thấy, so với Đại Hoàng tử thì kỳ thật Tứ Hoàng tử lại càng giống huynh trưởng của hắn hơn. Dù sao lúc trước, con chữ đầu tiên sau khi Bùi Thanh Thù đến với thế giới này cũng là do Tứ Hoàng tử cầm tay dạy hắn viết.