Tử y thiếu niên chờ quyền chưởng của hai người sắp đụng vào tà áo mới ngửa người ra theo thế Lý Ngư Vượt Long Môn vọt đi.

Chuyến này Tử y thiếu niên vọt về phương hướng đã được lựa chọn, đứng vào chỗ có thể vung tay ra chụp tới đạo nhân áo xám.

Đạo nhân áo xám giơ tay mặt lên đánh xuống nhanh như chớp miệng nói:

Đây là đệ tứ hiệp.

Lúc đạo nhân phát giác ra mình mắc bẫy thì Tử y thiếu niên đã nổi lên tràng cười rộ lướt ra xa bảy tám thước nhanh như cơn gió thoảng. Tiếp theo bốn bóng người nhô lên hụp xuống, chưởng phong ầm ầm xen lẫn tiếng quát tháo liên miên bất tuyệt.

Trong lúc nhất thời khó mà phân biệt được hình bóng nào của ai, chỉ nghe rõ tiếng Tử y thiếu niên vừa cười khanh khách và đếm không ngớt:

Đệ ngũ hiệp!

Đệ lục hiệp...

Đệ thất hiệp...

Đệ bát hiệp...

Đệ cửu hiệp...

Đệ thập hiệp...

Hỡi ơi! Thật là đáng tiếc! Hai vị bằng hữu này cực nhọc nửa đêm mà điều ước thập hiệp đã hết rồi. Hai vị thượng lộ đi thôi!

Tiếp theo ánh cầu vồng màu lam thấp thoáng rồi ánh máu đào rực rỡ. Kế đó tiếng chưởng phong cùng tiếng quát đều im bặt.

Tử y thiếu niên đã sử dụng thanh Hàng Long kiếm thi triển một chiêu không hơn không kém.

Thuần y lão cái lẳng lặng đứng lên chuẩn bị ra đi.

Tử y thiếu niên ở đằng sau vừa cười vừa nói:

Lão nhân gia định đi ư?

Thuần y lão cái từ từ quay lại nhìn thiếu niền lạnh lùng hỏi lại:

Phải chăng thiếu hiệp có ý muốn lưu lão khiếu hóa lại ở trước phần mộ Song Phi

này?

Tử y thiếu niên ung dung tiến lại cười đáp:

Tại hạ biết lão nhân gia cũng là một trong những người đến vấn tội tại hạ đêm nay. Nếu lão nhân gia bỏ đi há chẳng là tiện nghi cho tại hạ?

Thuần y lão cái khịt mũi một tiếng nói:

Dù có phải bỏ đi lão khiếu hóa cũng phải nói: “Tác phong của lão đệ làm lão khiếu hóa này không thuận mắt.”

Tử y thiếu niên vênh mặt lên “Ủa” một tiếng hỏi:

Không thuận mắt ở chỗ nào?

Thuần y lão cái cầm cây trượng trúc chỉ vào ba xác chết nói:

Trong ba ông bạn này thì một vị hiếu sát, một vị hiếu sắc, còn một vị chẳng giữ thanh quy cửa Phật. Nói ngắn gọn họ chết là đáng kiếp. Lão đệ phát lạc họ như vậy vì đại thể thì chẳng có chỗ nào không đáng. Nhưng lão khiếu hóa muốn thỉnh giáo lão đệ về điểm này. Tục ngữõ có câu: “Tội nặng nhất thì phải chết là cùng!” Sao lão đệ còn hành hạ mãi rồi mới hạ thủ?

Tử y thiếu niên nhẹ buông tiếng thở dài, dường như muốn giải thích mà không biết lấy cớ gì. Bỗng chàng đổi ý liền hắng dặng một tiếng khô khan rồi mỉm cười hỏi:

Chúng ta bàn chuyện khác được không?

Chàng không chờ lão trả lời, đã chăm chú nhìn lão vừa cười vừa hỏi tiếp:

Giả sử tại hạ đoán không lầm thì đại khái chuyến này trưởng lão vì món nợ trong phân đà Lạc Dương của quý bang mà tới đây, có đúng thế không?

Thuần y lão cái mặt lạnh như tiền đáp:

Đúng thế. Nghe nói trong phân đà Lạc Dương có hai tên đệ tử áo trắng vì không hiểu trời cao đất dầy đã kêu lão đệ lúc vắng mặt bằng “Lãng Đãng công tử”. Rồi lão đệ viết lên trước cửa phân đà đó bằng chữ lớn: “Kính cẩn tạ ơn ban cho tự hiệu, sẽ có ngày báo đáp”. Lão khiếu hóa được tin kia, nhận thấy tình hình nghiêm trọng mới trà trộn vào trường nhiệt náo này, mong rằng lão đệ đừng để tâm đến câu nói đùa bỡn của hai tên bạch y đệ tử Cái Bang.

Tử y thiếu niên mỉm cười hỏi:

Trưởng lão có muốn biết căn nguyên câu lưu ngôn đó ngụ ý chân chính như thế

nào không?

Thần y lão cái ngửa mặt lên đáp:

Bữa nay coi thân thủ của lão đệ, lão nhận thấy không cần phải giải thích nữa. Bản lãnh của lão đệ bất cứ lúc nào muốn làm gì thì làm, lão chỉ còn việc quay về chuẩn bị hai cỗ quan tài cho chúng.

Tử y thiếu mỉm hỏi:

Trưởng lão tưởng sự tình nghiêm trọng đến thế ư?

Thuần y lão cái đáp:

Trước nay lão khiếu hóa làm việc gì cũng tự lượng tài lực.

Tử y thiếu niên nhún vai tỏ vẻ không sao được, nhăn nhó cười nói:

Trưởng lão đã nghĩ như thế thì tại hạ cũng không nói gì được nữa, đành để câu chuyện dừng lại ở đây.

Thuần y lão cái không tiếp lời xoay mình rảo bước đi. Ngờ đâu lão đi chưa được bước nào thì phía sau đột nhiên có tiếng động nhẹ tựa như vật gì rơi xuống đất.

Lão quái quay mình nhìn lại. Dưới ánh trăng tỏ lão đứng thộn mặt ra.

Lão nhìn rõ cuốn sách nhỏ bìa vàng đang bị cơn gió núi đưa đẩy sắp bay đi. Hiển nhiên là pho Thái Tổ Quyền Kinh mà vừa rồi đại hán mặt đen kia muốn đòi lại.

Lão ngửng đầu lên nhìn thì Tử y thiếu niên đã mất hút không biết đã đi về phương nào.

o O o

Hôm sau khoảng giờ mùi ở vùng phụ cận cửa đông thành Lạc Dương, trên đường phố lớn rất nhiệt náo, hai hán tử trung niên vừa nấp nánh vừa tiến về phía trước đang thì thào bàn tán. Hán tử mé tả khẽ hỏi:

Vừa rồi thằng cha đó nói gì ở Trung Châu trà viên, lão đại có nghe thấy không?

Hán tử trung niên mé hữu gật đầu đáp:

Phải rồi, coi tình trạng này thì gã tiểu tử kia vẫn còn ở trong thành. Có điều chưa hiểu hắn trú ngụ ở đâu?

Hán tử mé tả nói:

Có người bảo gã ở Vạn Hoa Lầu...

Hán tử mé hữu lắc đầu ngắt lời:

Chưa chắc, thằng lỏi này đi đến đâu là sinh sự đến đó. Khắp nơi đều có kẻ thù. Nếu gã ở một nơi cố định để người ta biết thì mười mạng cũng không sống được cho đến bây giờ.

Hán tử mé tả thở dài nói:

Mẹ ơi! Năm trăm lạng bạc khó mà lấy được.

Hán tử mé hữu cũng thở dài đáp:

Hẳn thế rồi, chưa nói đến hai vị Tài Bắc Nhân Hùng và Lân Hương Tú Sĩ mà cả một vị trong Võ Đang Bát Tử là Thương Ưng Tử cũng đi vào chỗ kiếm mất người chết mới thật là khủng khiếp. Nếu mình biết trước thằng lỏi đó ghê gớm như vậy thì đến năm trăm lạng vàng cũng chẳng dám lãnh trách nhiệm này.

Hán tử mé tả thở dài nói:

Nhưng nói đi nói lại, chuyến này bọn ta chịu người thuê mướn tìm kiếm thằng lỏi đó chứ không phải liều mạng với gã. Chỉ cần tìm thấy người là bạc vào tay. Nếu dụ được gã đến nơi chỉ định còn lãnh thêm ba trăm lạng huê hồng. Công việc sai phái này tuy có điều cực khổ nhưng không đến nỗi nguy hiểm, có thể làm được.

Hán tử mé hữu chau mày đáp:

Thủy chung ta không hiểu một điều là Dương đại trang chúa ngày thường quý tiền bạc như tính mạng mà bữa nay vì thằng lỏi đó chịu bỏ ra một món tiền lớn, chẳng biết chỗ dụng tâm của lão thế nào?

Hán tử mé tả đáp:

Vì thằng lỏi đó là Nhị Thiếu Bảo Chúa ở Kỳ Sĩ Bảo.

Hán tử mé hữu cười nhạt nói:

Nhị thiếu bảo chúa ư ? Hà hà! Biết rồi. Trong ba anh em đời thứ hai ở Kỳ Sĩ Bảo thì người tệ hại nhất là thằng lỏi đó. Người ta nói lão đại và lão tam chẳng ai giống gã. Lão đại và lão tam từ thuở nhỏ đã có đầu óc cầu tiến. Mấy năm nay ở trong bảo, bốn vị Kỳ Sĩ Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão hết lòng chỉ điểm, võ nghệ của hai gã tiến bộ rất nhanh. Chỉ có tên tiểu tử này du thủ du thực, không lo chính nghiệp. Từ ngày bị lão gia đuổi ra khỏi nhà, gã chẳng khác gì cô hồn dã quỷ phiêu bạt bốn phương, chẳng làm một việc gì tử tế, chỉ chơi bời phóng túng mà lại là tay sừng sỏ. Đại trang chúa chúng ta lại muốn trông vào sự quan hệ của gã tiểu tử đó kết giao với Kỳ Sĩ Bảo, há chẳng là mơ mộng hão huyền?

Hán tử mé tả đáp:

Phải rồi. Thằng lỏi đó tuy là người ở Kỳ Sĩ Bảo nhưng mối quan hệ với lão gia chỉ còn danh chứ không có thực. Đại trang chúa chúng ta chẳng phải là không biết.

Hán tử mé hữu trầm ngâm một lúc rồi nói:

Ta xem chừng trong vụ này tất có điều ngoắt ngoéo.

Hán tử né tả nghi ngờ hỏi:

Điều chi ngoắt ngoéo?

Hán tử mé hữu lắc đầu đáp:

Về điểm này ta cũng không biết. Có điều Dương đại trang chúa kiếm gã tiểu tử kia hiển nhiên không phải là muốn giao du với Kỳ Sĩ Bảo.

Hai người tiếp tục tiến về phía đông thành. Trong lúc nhất thời không ai nói nữa, tựa hồ đang ngấm ngầm suy nghĩ về chỗ dụng ý của Dương đại trang chúa về vụ muốn tìm Nhị thiếu bảo chúa trong Kỳ Sĩ Bảo.

Đi chưa được bao lâu, hán tử mé tả dường như chợt nghĩ tới điều gì, quay sang nhìn hán tử mé hữu khẽ hỏi:

Còn chuyện này lão đại có nhận ra không?

Hán tử mé hữu hỏi:

Chuyện gì?

Hán tử mé tả hạ thấp giọng xuống ra chiều thần bí hỏi:

Tiểu đệ muốn đánh cuộc với lão đại về món tiền lớn Dương đại trang chúa vung ra để kiếm gã tiểu tử kia, quyết không phải tự móc trong hầu bao của mình ra. Lão đại có tin như vậy không?

Hán tử mé hữu sửng sốt hỏi:

Sao huynh đệ biết thế?

Hán tử mé tả ra chiều đắc ý mỉm cười. Lúc hắn muốn nói gì thì đột nhiên động dung dừng bước. Hắn đưa tay ra cản hán tử mé hữu lại nói:

Lão đại thử lắng nghe coi!

Giữa lúc ấy trên tòa tửu lâu phía đối diện có tiếng hát vọng lại:

..............

Tiếng ca đến đây đột nhiên im bặt. Tiếp theo là tiếng hoan hô thưa thớt.

Hai hán tử nín thở nghe xong khúc hát, bất giác mặt đều lộ vẻ vui mừng.

Hán tử mé hữu đưa tay ra đẩy đồng bọn thúc giục:

Đi! Đúng là thằng lỏi đó rồi. Không thể sai được.

Hai hán tử ngơ ngác nhìn hai đầu để qua đường tiến vào tòa tửu lâu trước mặt.

Lúc hai hán tử đang đi trên cầu thang lầu, bỗng nghe phía sau có tiếng người hô hoán:

Có phải Tiền Lão Đại và Văn Lão Cửu đó không?

Tiền, Văn hai gã nghe tiếng dừng bước quay đầu lại nhìn thấy hai hán tử võ phục ngồi bên cầu thang. Nhưng trên bàn trước mặt hai người chẳng có thứ gì tựa hồ chúng vừa vào ngồi.

Hai gã Tiền, Văn nhìn rõ mặt hai hán tử võ phục trong lòng chẳng cao hứng chút nào, nhưng ngoài mặt phải ra chiều niềm nở.

Văn lão cửu làm bộ mừng quýnh la lên:

Ủa! Té ra là Thiềm tiêu đầu. Lâu nay không gặp. Có phải hai vị ngồi đây chờ ông bạn nào không?

Hán tử kêu bằng Thiềm tiêu đầu vội đáp:

Không phải! Không phải! Hai vị tới vừa đúng lúc. Lại đây! Lại đây! Ngồi bên này… Ngồi bên này. Lão Nhạc. Kéo cái ghế kia lại đây.

Tiền, Văn hai gã khéo quá hóa vụng đành tiến vào.

Hai người ngồi xuống rồi, Nhạc tiêu đầu hỏi:

Hai vị chưa ăn cơm ư?

Tiền, Văn nghe hỏi bất giác chưng hửng. Nếu ăn cơm rồi thì còn vào tửu điếm làm chi? Chúng có tật giật mình, tự hỏi:

Chẳng lẽ chỗ dụng ý của mình tới đây chúng đã nhận ra rồi?

May ở chỗ chúng không coi hai tên tiêu đầu ở Võ Đang tiêu cục vào đâu nên không cần trả lời. Tiền lão đại hắng dặng một tiếng nhìn hai người hỏi lại:

Các vị đã dùng chưa?

Thiềm tiêu đầu nhún vai nhăn nhó cười đáp:

Bọn tiểu đệ ư? Đứng nhắc tới nữa. Nói ra lại thêm hổ thẹn.

Tiền lão đại ngơ ngác hỏi:

Thiềm huynh nói vậy nghĩa là làm sao?

Thiềm tiêu đầu trỏ lên trên đáp:

Lúc hai vị vào cửa có nghe tiếng hát không?

Văn lão cửu vội hỏi:

Nghe rồi. Làm sao?

Thiềm tiêu đầu khẽ hắng dặng một tiếng đáp:

Bọn tiểu đệ theo vị đại thiếu gia này tới đây.

Văn lão cửu cố ý làm bộ kinh ngạc hỏi:

Thiềm huynh muốn nói...

Thiềm tiêu đầu thở dài ngắt lời:

Ngoài vị Lãng Đãng công tử đó thì bọn tiểu đệ còn vì ai nữa?

Tiền lão đại chớp mắt hỏi:

Gã tiểu tử này và quý cục...

Nhạc tiêu đầu ngắt lời:

Không liên can chi hết. Lúc giữa trưa gã chạy vào tiêu cục ngồi tựa quầy chẳng có câu chuyện gì, nói ngay: “Cục chủ đâu? Tìm y đến bồi thiếu gia uống rượu”.

Lúc này Văn lão cửu đang nhẩm tính món tiền năm trăm lạng bạc vào tay rồi sẽ tiêu xài cách nào. Bề ngoài gã lắc đầu thở dài nói:

Thật là tai bay vạ gió.

Thiềm tiêu đầu nhăn nhó cười đáp:

Tiêu phí mấy lạng bạc còn là chuyện nhỏ, nhưng khiến cho người ta khó chịu. Kỳ Sĩ Bảo danh cao trọng vọng trong thiên hạ mà có nhân vật như Nhị thiếu gia này thật khó mà tin được.

Tiền lão đại không muốn nghe chuyện phiếm liền nhìn hai người kia đề nghị:

Chắc hai vị chưa dùng cơm. Bây giờ chúng ta ăn với nhau. Để Tiền mỗ làm chủ mời các vị uống mấy chung được chăng?

Thiềm tiêu đầu lắc đầu đáp:

Thịnh tình của Tiền huynh xin tâm lãnh mà thôi. Hai vị cứ tùy tiện.

Tiền, Văn hai gã không khách sáo nữa, đứng dậy chắp tay chào rồi song song lên

lầu.

Lúc này trong đại sảnh vì đã quá trưa nên chỉ còn thưa thớt mười mấy tửu khách.

Lãng Đãng công tử ngồi ở bàn bát tiên giữa nhà, xem chừng rượu đã ngà ngà say.

Ngồi hai bên Lãng Đãng công tử là một lão già trọc đầu và một tráng sĩ trung

niên.

Hai gã Tiền, Văn nhận ra người ngồi mé trên đầu trọc chính là Tổng tiêu đầu ở Võ Đang tiêu cục tại phía Nam thành tên gọi Song Chưởng Thiên Vân Tra Trung Bồi. Người ngồi mé dưới là Thiết Đởm Kim Cung.

Tiền, Văn đảo mắt nhìn quanh toan tiến vào cái bàn trong góc phòng thì Lãng Đãng công tử nhìn hai gã vẫy tay nói:

Này! Ngồi đây cũng được.

Tiền, Văn ngấm ngầm kinh hãi. Nhưng hai gã đã hiểu rõ tính nết của Lãng Đãng công tử, biết là nếu trái lời gã thì lập tức phải nếm mùi đau khổ. Chúng liền đánh bạo riu ríu vâng lời tiến lại.

Lãng Đãng công tử cặp mắt lờ đờ vì say rượu chờ hai người ngồi vào rồi ngửng đầu lên cười hì hì, nhìn hai người hỏi:

Hai vị đến có đúng lúc không?

Tiền, Văn hai gã nghe giọng nói có điều khác lạ, trống ngực đánh hơn trống làng, hối hận là không nên đi chuyến này.

Thiết Đởm Kim Cung ngồi mé bên cười nói:

Hai vị bất tất phải hoang mang. Lệnh Hồ công tử của chúng ta nói vậy chẳng có ác ý gì đâu. Y chỉ bảo hai vị không tới sớm thì đến muộn cũng được.

Lãng Đãng công tử khoát tay cản lại nói:

Đừng rườm lời vô ích.

Thiết Đởm Kim Cung vội đáp:

Phải rồi. Lão hủ thật đáng chết.

Rồi lão quay sang nhìn Tiền, Văn nói tiếp:

Công tử vừa thanh minh: Y dừng tiếng hát, ai là người thứ nhất lên tửu lầu liền được hưởng ân huệ thay y trả tiền bữa tiệc hôm nay...

Tiền, Văn nghe nói vậy mới yên dạ thở phào một cái. Tuy chúng phải trả tiền oan

một bữa rượu nhưng dù sao tiền cũng không quý bằng tính mạng.

Hai gã không chờ Thiết Đởm Kim Cung hết lời đã đáp ngay:

Được, được. Cái đó có chi đáng kể.

Lãng Đãng công tử vênh mặt lên “Ủa” một tiếng hỏi:

Nghe khẩu khí của hai vị thì dường như trong mình có mang nhiều tiền phải không?

Tiền, Văn hai người dở khóc dở cười, nếu trả lời không vừa ý gã là đắc tội mà nói có nhiều tiền chưa chắc đã khỏi bị tai vạ.

Hai gã trong lòng bối rối nhưng cũng niềm nở đáp:

Được công tử yêu vì...

Lãng Đãng công tử bỗng ngoảnh mặt lại nhìn Song Chưởng Thiên Vân hỏi:

Lão coi đó. Thật là hiếm có. Đã phải trả tiền cơm rượu mà vẫn vui tươi. Lệnh Hồ Bình này muốn có hai tên nô tài như vậy được chăng?

Song Chưởng Thiên Vân khẽ đằng hắng một tiếng hỏi:

Công tử muốn uống thêm chút rượu nữa không? Tại hạ thấy món ăn nguội cả rồi. Chi bằng bảo bọn chúng dọn bàn này đi lấy những món ăn nóng thay vào, công tử tính sao?

Văn Lão Cửu đột nhiên tiến lại một bước khom lưng nói:

Nếu công tử không rẻ bỏ thì bọn nô tài nguyện theo thị phụng công tử.

Lãng Đãng công tử tỏ vẻ vui mừng hỏi:

Thật thế ư?

Vân Lão Cửu lại khom lưng đáp:

Bọn nô tài cũng biết chút ít võ nghệ, nếu công tử thu dụng là điều phước cho bọn nô tài.

Lãng Đãng công tử trỏ vào Tiền Lão Đại hỏi:

Còn vị này thì sao?

Tiền Lạo Đại cũng khom lưng đáp:

Tiền mỗ tạ ơn công tử. Từ nay bất luận công tử đi đâu, Tiền mỗ nguyện suốt đời theo gót. Chỉ xin công tử được ăn bữa cơm thôi.

Lãng Đãng công tử cười khanh khách hỏi:

Chỉ mong được ăn cơm thôi ư? Ha ha! Câu này rất tức cười. Ta cho các ngươi hay. Các ngươi mà theo ta thì được ăn mặc, được chơi bời, được uống rượu. Vĩnh viễn không bị người khinh khi, không ai dám trêu chọc. Bất luận đi đâu cũng oai phong bát diện, lẫm liệt tứ phương.

Tiền, Văn hai gã lại thêm lời cảm tạ.

Nguyên hai gã đã ngấm ngầm đưa mắt cho nhau, tâm ý tương đồng, đã đồng lòng mạo hiểm thì phải nghiến răng chịu đựng. Bước thứ hai sẽ dẫn dụ tiểu tử đến địa phương chỉ định thì chẳng lo gì ba trăm lạng bạc hoa hồng không lọt vào tay.

Con người đã có tám trăm lạng bạc trắng ngần thì trời cao biển rộng thiếu gì chỗ dung thân.

Lãng Đãng công tử dứt tiếng cười, đột nhiên nhìn Thiết Đởm Kim Cung và Song Chưởng Thiên Vân xua tay nói:

Hai vị đi đi thôi. Bản công tử có hai tên nô tài hợp ý, không cần dùng đến hai vị

nữa.

Thiết Đởm Kim Cung và Song Chưởng Thiên Vân không dám trái lệnh, vâng dạ khen phải rồi đứng lên chắp tay từ biệt xuống lầu.

Hai người đi rồi, Lãng Đãng công tử trỏ vào hai ghế bỏ trống bên cạnh nói:

Lại đây! Lại đây! Làm nô tài cho người thì khác, nhưng làm nô tài cho bản công tử thì lại đặc biệt. Hai người ngồi đây để bản công tử hỏi chuyện.

Tiền, Văn hai gã nghe lời ngồi xuống hai bên.

Lãng Đãng công tử hỏi:

Hai ngươi tên họ là gì?

Tiền lão đại đáp:

Tiểu nhân là Tiền La Tiền Đa Ích, bằng hữu thường kêu là Tiền Lão Đại.

Lãng Đãng công tử gật đầu nói:

Tên hay lắm! Có tiền thì thành lão đại. Đúng thế, đúng thế, đồng thời cái nghề này cũng như Hàn Tín điều binh. Càng nhiều càng hay, càng nhiều càng thêm uy lực. Ngươi gọi là Đa Ích là điểm đại cát đại lợi.

Lãng Đãng công tử lại quay sang hỏi Văn Lão Cửu:

Còn ngươi tên họ là gì?

Văn Lão Cửu đáp:

Tiểu nhân là Văn Hữu Đạo, người ta kêu bằng Văn Lão Cửu.

Lãng Đãng công tử hỏi:

Ngươi đọc sách được mấy năm?

Văn lão cửu đáp:

Tiểu nhân không được học. Mấy năm nay phải bôn tẩu bên ngoài kiếm miếng cơm nhưng cũng biết được mấy chữ.

Lãng Đãng công tử hỏi:

Ngươi đã không đọc sách sao lại lấy tên là Văn Hữu Đạo?

Văn Lão Cửu đáp:

Tên này không phải do tiểu nhân đặt ra. Nếu công tử thấy không thích hợp thì xin cho một cái tên khác.

Lãng Đãng công tử trầm ngâm nói:

Ngươi đã được người ta kêu bằng Văn Lão Cửu thì không cần đổi nữa. Nếu họ kêu bằng Văn Lão Đại hay là Văn Lão Nhị thì nhất định phải đổi. Vậy từ nay các ngươi ta vẫn kêu bằng Tiền Lão Đại và Văn Lão Cửu là xong.