Nhất Đăng đại sư ngạc nhiên nhưng cũng cười hỏi :

- Nương tử cũng đi hay sao? Mới khỏi bệnh, người hãy còn yếu, làm sao đi được, hơn nữa Khưu đạo trưởng hứa lại đây vậy nương tử làm sao đi?

Nam Cầm thưa ngay :

- Dạ không sao, tiểu nữ nay thấy khỏe hẳn, còn Khưu đạo trưởng ít nhất cũng ba tháng mới có thể triệu tập đông đủ đồng môn, dù tiểu nữ theo các vị đi Đào Hoa đảo về cũng còn kịp chán.

Nhất Đăng đại sư thấy nàng kiên quyết mới nói :

- Thôi được vậy chúng ta lên đường ngay.

Năm hôm sau, miền bờ biển tỉnh Triết Đông, xuất hiện sáu người, năm đàn ông một thiếu phụ, chính là thầy trò Nhất Đăng đại sư và nàng Nam Cầm. khi họ rời khỏi Ngưu gia thôn, ven theo Tiền Đường giang đến Hải Ninh huyện, tìm ngay một chiếc thuyền nhỏ, hướng thẳng Đào Hoa đảo trực chỉ.

Đảo Đào Hoa vốn là một trong Châu sơn quần đảo, nguồn thủy lưu của mặt bể Châu sơn này phức tạp nguy hiểm vô cùng, các nhà hàng hải khi qua vùng bể này trong lòng luôn nơm nớp lo ngại, nhưng người đệ tử Ngư phủ của Nhất Đăng đại sư xuất thân là Thủy quân đô đốc của Nam chiếu quốc nên tinh thạo về ngành sử dụng thuyền bè trong cuộc hành hải, rõ về những nguồn thủy lưu ngầm chuyển của mặt bể, phần trời xanh cũng như góp phần mỹ ý trong cuộc hành trình của sáu người, nên mặt bể không một ngọn sóng, thuận buồm xuôi gió, không đầy nữa ngày, thuyền họ đã lướt đến mặt Ky Dầu, xa xa Đào Hoa đảo đã ẩn hiện trong tầm nhìn mọi người.

Ngay lúc này, trên mặt bể xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ, không chèo mà cũng không lái, thuyền phây phây lướt theo dòng nước.

Ngư phủ kinh ngạc lên tiếng :

- Thưa thầy phía trước có con thuyền nhỏ không chèo nhưng có người trong đó.

Nông phu cũng nhận ra :

- Người ngồi trên thuyền là kẻ mù thì phải!

Nhất Đăng đại sư rằng :

- Nếu thuyền mà không có chèo chắc là thuyền gặp nạn mau cứu người ta!

Ngư, Tiều, Canh, Độc bốn đệ tử cầm ngay mái chèo, vỗ song nước lướt ngay lại, tốc độ thuyền nhanh gần như tên vọt, chớp mắt khoảng cách hai thuyền đã ngắn lại, Nhất Đăng đại sư cũng đã nhìn rõ người ngồi trên thuyền ấy tuổi ước trên ngũ tuần, quả nhiên là một người mù.

Ngư phủ cất giọng hỏi :

- Các hạ là ai? Sao chỉ có một mình chơi vơi với chiếc thuyền nhỏ trên mặt bể vậy, phải chăng bị lạc mất hàng tuyến?

Nhưng quái lạ, đối phương làm như không nghe rõ câu hỏi ấy.

Nông phu lẩm bẩm nói :

- Không lý nào mù lại kiêm luôn bệnh điếc chăng, đã là người làm thế “song đôi” (vừa mù vừa điếc) như thế, ngồi trên thuyền ra bể để tự tìm đường chết sau?

Nam Cầm nhìn rõ tướng mạo người bất giác thất thanh :

- Trời ơi có phải đây là “Phi Thiên Biển Bức” Kha Trấn Ác.

Ngư, Tiều hai người cùng kinh ngạc :

- Kha Trấn Ác sao? Chính hắn là thủ lãnh của “Giang Nam thất quái” sao lại lênh đênh một mình trên mặt bể thế này?

Nam Cầm nói :

- Tôi cũng chẳng rõ nữa, nhị vị cứ hỏi lão xem.

Tiều phu lớn tiếng rằng :

- Bên kia phải chăng Kha đại hiệp trong nhóm “Giang Nam thất quái” không? Hân hạnh! Hân hạnh... Sao Kha đại hiệp lại một mình ngồi trên chiếc thuyền buồm không chèo đi đâu vậy?

Kha Trấn Ác chỉ chớp sơ đôi mắt mù của mình, rồi đâu lại vào đó ngồi im chẳng rằng cũng chẳng nhúc nhích.

Nam Cầm thấy trong thuyền của Kha Trấn Ác có một lu nước đầy, nơi mạn thuyền chất đầy các thức ăn, toàn loại bánh nường bằng bột mì, trong lòng giật mình nhủ thầm: ra lão muốn tự tử.

Giang Nam thất quái xưa kia từng kết nghĩa đào viên với nhau, người em thứ sáu Trương A Sinh bị mất mạng về ngọn “Cửu Âm Bạch Cốt trảo” của Hắc Phong song sát “Đồng Thi Trần Huyền Phong” về sau Lục quái lại gặp phải Tây Độc Âu Dương Phong tại Đào Hoa đảo, Diệu Thủ thư sinh Chu Thông, Nam Sơn Tiều Tử Nam Hy Nhân, Náo Thị Hiệp Ẩn Toàn Kim Phát, Mã Vương Thần Hàn Bảo Câu, Việt Nữ Kiếm Hàn Tiểu Oanh, cả thảy năm người trước sau đều bị mất mạng về tay Âu Dương Phong và Dương Khang, chỉ còn riêng Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác lại thoát khỏi, nên nhóm Thất quái chỉ còn lại một, vì rầu thân phận cô đơn, thương nhớ các huynh đệ đã trận vong, nên nay cố ý tìm lối tự sát dần mòn cũng nên, Nam Cầm đã đem ý mình kể với Nhất Đăng đại sư.

Nhất Đăng đại sư chắp tay than :

- Rõ đúng là loại si nhân! Mấy con hãy quăng móc neo sang giữ ngay thuyền của Kha đại hiệp đã.

Ngư phủ tuân lệnh thầy, cầm ngay chiếc neo móc sắt đuôi buộc theo mớ dây thừng, vận sức nhắm quăng ngay sang mạn thuyền của Kha Trấn Ác, “Tăng tăng” tiếng chiếc móc đã bám ngang phía trái của mạn thuyền.

Kha Trấn Ác vốn không nhúc nhít nhưng ngay lúc này thình lình vung cây thiết trượng đánh bật ngay chiếc neo rớt xuống biển.

Kha Trấn Ác hất rớt chiếc móc neo, mới lớn tiếng quát tháo :

- Ta đang đi tìm cái chết thì mặc ta! Mắc mớ gì mà lũ ngươi can dự vào.

Nông phu cả giận :

- Hừ! Người đâu mà hỗn ngang như vậy! Chúng mình vốn hảo ý, thế mà lão lại ngang nhiên mắng mình vậy, qua cho lão ấy một trận mới được.

Trong bốn đệ tử của Nhất Đăng đại sư ấy, Nông phu xưa kia đã giữ chức tổng quản trong cung của Đoàn hoàng gia, tính nóng như lửa, nói xong tính bung mình nhảy sang.

Nhất Đăng đại sư bỗng lên tiếng :

- Con cứ qua bắt đi, nhưng chớ làm thiệt mạng y.

Nông phu vụt bổng mình nhảy sang, toàn thân nhanh như chớp đã đậu ngay trên mạng thuyền của Kha Trấn Ác, mở màn đã đánh ngay ra một quyền, nào hay Kha Trấn Ác lại còn nhanh tay hơn, đôi chân nông phu vừa điểm mạng thuyền, Kha Trấn Ác nhận ngay được thân hình đối phương, thiết trượng trên tay quơ ra “Vù” một tiếng quét ngang sang phía chân của Nông phu với thế “Hoành Tảo Thiên Quân”!

Chiều dài của chiếc thuyền nhỏ vỏn vẹn chỉ có bảy thước, ngọn thiết trượng của Kha Trấn Ác quét tới trượng phong đã bao phủ khắp ra ngoài mũi thuyền, Nông phu không còn nơi nào để tránh, chỉ còn mỗi nước bung người vọt cao lên sáu thước, vượt qua đỉnh đầu Kha Trấn Ác, tà tà lướt về mạn cuối thuyền.

Nào ngờ Kha Trấn Ác quá thính tay, khi Nông phu vừa vọt qua đỉnh, Kha Trấn Ác đã quét ngay trượng về đuôi thuyền chận trước lối xuống của đối phương.

Nếu hạ thân xuống trong lúc này, thế nào cũng bị quất trúng một trượng, không chết cũng trọng thương, Nông phu chỉ còn cách dùng ngay thế “Tế Hung Xác Phi Vân” (thóp ngực khéo lộn mây) lộn ngược ngay một vòng trên không, lấy đà bay bõm một tiềng xuống nước.

Ngư phủ thấy sư đệ cướp thuyền không xong, đã bị Kha Trấn Ác ép nhào ngay xuống nước bất giác cả giận, bèn vung ngay cây mái chèo sắt, phi thân sang bửa ngay thế “Độc Phách Hoa Sơn” (bửa núi Hoa Sơn) nhắm ngay hậu não Kha Trấn Ác quất ngay một chèo, Kha Trấn Ác quay ngược Thiết trượng với thế “Trừu Lương Hoán Trụ” (rút đà ngang thay trụ dọc) “Cheng” một tiếng kinh người vang lên, binh đao đôi bên chạm nhau tóe sao lửa! Ngư phủ bèn khua ngay mái chèo sắt với lối: bửa, hất, quất, điểm, đánh tung lên, còn cây thiết trượng của Kha Trấn Ác dùng lối đánh “Hàng Long Ma Trượng” gió vù vù rợn người, chớp mắt, đôi bên đã qua lại hai ba chục đòn. Nông phu lúc này cũng đã lõm bõm bơi về thuyền mình.

Nhìn trận Nhất Đăng đại sư khẽ than :

- Phi Thiên Biển Bức quả danh bất hư truyền, có một bản lãnh như vậy, tội gì đi tìm chết đúng là người bất trí.

Độc thư sĩ tử bỗng nói :

- Thưa thầy cứu một mạng người còn hơn làm thất cấp phù đồ, vậy đệ tử xin qua giúp đại sư huynh một tay để bắt ngay lão lại.

Nhất Đăng đại sư gật đầu chấp thuận, sĩ tử bèn tuốt kiếm phi thân vọt qua.

Trong tứ đại đệ tử Ngư, Tiều, Canh, Độc phải kể võ công của Độc thư sĩ tử giỏi nhất trong bốn anh em, sau khi tung mình nhảy qua thuyền nhỏ, dẫn ngay mũi kiếm với thế “Thăng Long Dẫn Phụng” (rồng nhử phượng) dẫn ngay cây thiết trượng ra ngoài, Ngư phủ nhân cơ hội vào nhanh một đòn, “bách” một tiếng đánh trúng ngay “Dũng Tuyền huyệt” nơi lòng bàn chân đối phương.

Kha Trấn Ác thính lình cảm thấy tê hẳn bên trái khuỵu quì ngay xuống khoang thuyền, nhưng hai tay vẫn còn tính thò vào người để moi độc lăng (loại ám khí hình lăng). Độc thư sĩ tử chợt chuyển ngay chuôi kiếm, nhắm ngay huyệt Phượng Vĩ sau lưng nện một cái, Kha Trấn Ác không làm sao gượng sức được nữa “bịch” một tiếng ngã lăn ra khoang thuyền.

Sau khi chế phục Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác, Ngư phủ mới dùng ngay mái chèo sắt, chèo ngay thuyền con tiến lại cạnh chiếc thuyền của thầy.

Độc thư sĩ tử cúi ngay mình xuống đưa tay vỗ ngay vào huyệt Huyết trở, rồi lại đẩy huyệt vuốt cùng một lúc, Kha Trấn Ác mới khôi phục lại tự do của mình.

Nhất Đăng đại sư rằng :

- Kha đại hiệp cũng là người lừng lẫy hào kiệt như ai, sao bỗng dưng lại nghĩ hẹp hòi như thế, Kha đại hiệp vốn lại anh hùng trong đương kim nghĩ vậy quả hơi bất trí.

Kha Trấn Ác thở dài một hồi rồi hầm hầm nói :

- Ta thích tìm cái chết phiêu bạt trên bể. Mắc gì mà các người bày việc chó bắt chuột như thế, rõ khéo lắm chuyện.

Nam Cầm bỗng sực nhớ một chuyện bèn lên tiếng ngay rằng :

- Kha đại hiệp ngài tìm lối chết như vậy thì tìm ai để báo thù cho sáu anh em kết nghĩa của ngài vì kẻ thù Tây Độc Âu Dương Phong của ngài vẫn còn sống và tai quái trên chốn giang hồ mà.

Kha Trấn Ác nghe mấy tiếng Tây Độc Âu Dương Phong vội đứng phắt dậy hỏi :

- Sao bộ Lão Độc Vật ấy còn chưa chết sao? Vẫn còn sống trên thế gian.

Nam Cầm bật cười nói :

- Ai nói với ngài là Âu Dương Phong chết? Chẳng qua y chỉ bị điên thôi. Nếu nay ngài quyết ý đi tìm cái chết chẳng dành của bở cho Lão Độc Vật Âu Dương Phong ư?

Kha Trấn Ác nghiến răng nói :

- Đúng, đúng! Cô nương này đã nhắc tỉnh ta nếu không suýt nữa ta trở thành kẻ bất nghĩa mất, vậy cô nương quý danh là chi và các vị này là ai vậy?

Nam Cầm giới thiệu ngay tên tuổi thầy trò Nhất Đăng đại sư. Kha Trấn Ác nghe xong ồ lên một tiếng rằng :

- Tại hạ từng nghe danh Nam Đế, nào hay tình cờ được gặp nơi đây! Vạn hạnh! Vạn hạnh!

Nhất Đăng đại sư hỏi :

- Mấy năm nay Kha đại hiệp phải chăng vẫn ẩn cư tại Đào Hoa đảo sao? Sao khi không lại một người một thuyền phiêu bạt trên mặt biển thế này?

Kha Trấn Ác ngước đôi mắt mù của mình rồi nói :

- Á... bởi vì Hoàng đảo chủ cũng muốn tự tử, nên ông ta bắt tôi phải rời khỏi đảo trước!

Thì ra sau khi Hoàng Dung và Quách Tỉnh từ Mạc Bắc quay về Đào Hoa đảo, Hoàng Dược Sư và Kha Trấn Ác đều ở trên đảo, thấy hai người về trong lòng mừng khôn tả, do chính Hoàng Dược Sư lựa ngày hoàng đạo kiết nhật và cử hành hôn lễ cho con gái, thế là cuộc lương duyên của đôi trai tài gái sắc được kết thúc, và Hoàng Dược Sư kể như đã hoàn tất sứ mạng của mình đối với con gái.

Sau khi Hoàng Dược Sư trở thành thái sơn trượng nhân, một mặt lo truyền hết những võ công tuyệt đỉnh của đời mình cho con rể, mặt khác lo dạy hết cho con gái về lối “kỳ môn ngũ hành thuật số học”.

Cứ thế ba năm trôi qua. Một hôm, đúng ngày giỗ kỵ của Hoàng phu nhân - mẹ ruột Hoàng Dung - Hoàng Dược Sư đột nhiên gọi con rể và con gái lại, và bảo hai vợ chồng lập tức rời khỏi đảo, nếu sao này không có lệnh gọi cấm tuyệt không được về đảo.

Nhưng Hoàng Dung vẫn cười nhởn nhơ hỏi :

- Thưa cha liệu cha có thể rời xa tụi con không đã? Một mình cha sống ở trên đảo như thế thật là buồn tẻ biết mấy.

Hoàng Dược Sư xưa nay vốn cưng con gái nhưng lúc này mặt sa sầm ngay xuống :

- Chỉ được cái nói nhảm là không ai bằng! Cha đã bảo con đi là con phải đi. Hơn nữa, con đã là người của nhà họ Quách, vậy còn ở lại đây làm gì, vậy ngày mai các con phải khởi trình đi ngay, muốn về Ngưu gia thôn ở Lâm An cũng được, hay tìm một nơi nào sơn minh thủy tú trên giang hồ càng hay! Nhưng ta cấm tuyệt hai đứa không được dắt nhau về đảo kiếm ta nữa nghe chưa.

Hoàng Dung thấy sắc mặt phụ thân có vẻ khác thường buồn rầu bỏ ngay về phòng riêng. Sáng hôm sau, Hoàng Dược Sư quả nhiên đã thu xếp xong một chiếc thuyền, Dung, Tỉnh hai người rời ngay đảo, bên tình nhạc phụ, kẻ tình cha con ruột thịt, quyến luyến cả hai, rồi hai vợ chồng son trẻ mới đưa nhau bước xuống thuyền, cả hai ngẩn ngơ ngạc nhiên!

Thì ra trong thuyền đã chất đầy trân châu bảo ngọc, đồ chơi cổ xưa, toàn loại quý giá, cả một cân châu quang bảo khí... Hoàng Dung nhận ra đây toàn là những vật đã bày la liệt trong mộ của mẫu thân mình, bèn ngạc nhiên hỏi cha :

- Thưa cha đây toàn là những “bồi táng vật” (những của chôn chung với kẻ chết) của mẫu thân, nay cha nỡ đem cho chúng con sao??

Mắt Hoàng Dược Sư long lanh ngấn lệ :

- Con... nay cha cho tất cả những vật này cho con làm của hồi môn, sau này con thấy những vật này, cũng như con đã thấy cha vậy!

Nói tới đây Hoàng Dược Sư hối thúc hai người ra đi ngay. Một cảnh nhổ neo mái chèo vỗ nước thuyền lừ đừ xa bến... tất cả cảnh chia ly này đều diễn tiến rất chậm chạp... mặc dù vậy cảnh “động” đã mang đi những gì mà Hoàng Dược Sư đang theo dõi. Mãi đến lúc Hoàng đảo chủ không nhìn thấy chiếc thuyền của con rể và con gái nữa ông thở dài buồn bã quay về nhà.

Kha Trấn Ác thấy Dung, Tỉnh rời đảo ra đi, cảm thấy mình ở lại chẳng có ý nghĩa gì, bèn cáo từ nói với Hoàng Dược Sư.

Hoàng đảo chủ rằng :

- Năm vị minh huynh của Kha đại hiệp đều thiệt mạng trên đảo Đào Hoa, tuy do bàn tay độc ác của Tây Độc Âu Dương Phong gây ra nhưng Hoàng Dược Sư ta vẫn cảm thấy bất an trong lòng, vậy Kha đại hiệp cứ yên trí ở lại đây luôn tiện giúp hộ tôi một việc.

Nghe vậy, Kha Trấn Ác đành phải ở lại.

Từ đó trở đi Hoàng Dược Sư và Kha Trấn Ác bắt đầu tìm phạt cây trên đảo để lựa gỗ tốt, cưa xể thành từng miếng ván một, Hoàng Dược Sư lại vào đất liền lo mua đinh, dây và các vật dụng linh tinh mang về.

Hai người bắt tay ngay vào việc đóng thuyền, Hoàng Dược Sư thoạt đầu nối hết các tấm ván lại, rồi lo làm cốt thuyền. Kha Trấn Ác không hiểu ý của Hoàng đảo chủ, sau nhiều lần hỏi trên đảo đã có sẵn mấy chiếc thuyền để dùng sao lại còn đóng thuyền mới làm gì, nhưng Hoàng Dược Sư chỉ cười mà không đáp.

Cứ vậy lại bốn năm qua, Hoàng Dược Sư sống trong chuỗi ngay chỉ lo hì hục đóng thuyền, lâu lâu lại rời đảo về đất liền, có lúc ngừng hẳn ông việc đóng thuyền liên tiếp ba bốn tháng trường, su bốn năm với lối vừa làm vừa nghỉ ấy, một chiếc thuyền lầu đẹp đẽ ra đời, ngay hôm thành chiếc thuyền mới này, Hoàng Dược Sư bỗng nói với Kha Trấn Ác rằng :

- Kha đại hiệp tôi nay đây còn một chút của mọn, đại hiệp hãy mang đi mà dùng, vì sau này chúng ta không có cơ hội để gặp nhau nữa rồi.

Kha Trấn Ác biết ngay việc đuổi khéo con rể và con gái, và đóng thuyền suốt bốn năm trường ròng rã đã như vậy, chẳng qua Hoàng đảo chủ đang sửa soạn một “Cái chết lý tưởng”. Bèn nghiễm nhiên nói :

- Tâm ý của Hoàng đảo chủ mấy năm nay ta đã rõ, vậy chúng mình cùng xuống thuyền một lượt cho vui bạn vui bè.

Hoàng Dược Sư cất tiếng cười hà hà rằng :

- Kha đại hiệp, còn nhớ bảy năm về trước đại hiệp đã hiểu lầm tôi tại Yên Vũ lầu, cho rằng chính tôi đã hạ sát năm vị nghĩa huynh đệ của đại hiệp, may nhờ con gái tôi đã theo đại hiệp suốt một đêm tại “Thiết thương vương nhan Chương cổ miếu” nội vụ án mới được sáng tỏ, nay đại hiệp tự hỏi lòng bất an, nên tính tự sát để tạ ơn tôi đây chăng? Nhưng Hoàng Dược Sư tôi nay vẫn còn chưa tới ngay định chết, mà tôi cũng không muốn đại hiệp chết theo tôi như vậy, giờ đây tôi đã thu xếp cho đại hiệp một chiếc thuyền con, với nước và lương thực trong mười ngày đường bể, vậy đại hiệp nên quay về nhà ở Giang Nam, có vậy mới có thể mai cốt nơi cố thổ quê nhà được chứ!

Kha Trấn Ác nghĩ cũng phải, bèn gật đầu chấp thuận. Hoàng Dược Sư đưa ra đến bến, nơi đây quả nhiên đã đạt một chiếc thuyền con, sau tiếng từ biệt bai người chia tay nhau.

Kha Trấn Ác cho thuyền lướt đi được hai dặm đường thủy thính bẻ gãy luôn hai chiếc mái chèo quăng xuống bể, bực mình nói lớn tiếng một mình rằng :

- Đã chết thì ở đâu mà chả vậy, tội cóc gì mà phải quay về tận quê nhà Giang Nam mới chết! Cứ việc lênh đênh trên mặt bể ăn hết lương, uống hết nước rồi chết cũng được chớ có khó gì đâu.

Nghĩ sao làm vậy, thế là Kha Trấn Ác thả chiếc thuyền mình lênh đênh trên mật bể, nào hay hai ngay sau bồng bềnh trong cảnh trên trời dưới nước ấy, ngang nhiên gặp được thầy trò Nhất Đăng đại sư cứu mạng.

Nhất Đăng đại sư nghe Hoàng Dược Sư đang sửa soạn cái chết, bất giác thất kinh hỏi :

- Bộ Hoàng Dược Sư quả thật muốn hoàn thành tự sát theo tâm nguyện của ông ta sao? Nguy! Nguy. Chúng ta mau mau đến đảo Đào Hoa cứu mạng ông ta mới được.

Nam Cầm nói với Kha Trấn Ác rằng :

- Thưa Kha đại hiệp, hành vi của một người cố chấp tìm lối tự sát, quả thật là kém nghĩ vô cùng, giờ đây quan gia đang đại nạn, Tây Độc chưa trừ, không ngờ người thông minh tuyệt vời như Hoàng đảo chủ mà cũng thiếu nghĩ như thế... Thôi thôi chúng mình mau lo đi cứu người là thượng sách.