Dựa theo những cái tên được khắc trên bia mộ và ghi chép trong gia phả, thì bên dưới lớp đất vàng nơi phần mộ tổ tiên kia tổng cộng chỉ có chín cỗ quan tài. Không như đếm đậu nành, chuyện này rất khó xảy ra sai lệch nhầm lẫn gì được, bởi tổ tiên chỉ có vài người như thế, mà tự dưng lại lòi ra thêm một cỗ quan tài nữa, thật sự là không thể tưởng tượng nổi.

Chuyện này đã tạo nên một cơn sóng lớn trong đám người, những người giúp việc ở đó, và cả đám người vây xem kia nữa đều châu đầu vào nhau bàn tán xôn xao.

Đương nhiên, người kinh hoàng nhất ở đây chính là những người đại diện cho nhà họ Ngô trong thôn này – nhà ông trẻ của tôi. Bọn họ vốn sinh ra và lớn lên ở ngay vùng đất này, thế mà từ trước đến nay vẫn chưa bao giờ được nghe nói đến chuyện này, dĩ nhiên là rất khó chấp nhận nổi.

Lúc này, tôi cũng chẳng thèm đếm xỉa đến cái gì mà tư cách với chả không tư cách, bèn lại gần nhìn mộ phần xem, thấy cái hố đào ở đó sâu hoắm, rất nhiều viên gạch đen cổ xưa dính đầy bùn đất cỏ dại bị quăng ở một bên, không còn hình dáng vốn có của ngôi mộ xưa nữa.

Mười cỗ quan tài được xếp thành hàng trên sườn núi, sắp xếp một chút, mới thấy cỗ quan tài cuối cùng kia không có bất kỳ ký hiệu hay tên gì cả. Thế mà cỗ quan tài này lại nằm trong số bốn cỗ quan tài cổ xưa nhất được xếp vào dưới đáy mộ, khả năng đào nhầm phải quan tài vô chủ không lớn. Bởi vì xung quanh mộ phần đều được đắp gạch xanh cả.

Ông trẻ với một cụ già khác (tôi không nhớ tên ông ấy nữa) bàn luận một lúc, rồi cuối cùng quyết định gọi người khiêng cả mười cỗ quan tài về từ đường trước, tìm người canh giữ cả ngày lẫn đêm, còn nghi lễ ở đây thì vẫn làm đầy đủ y như đã dự tính, tóm lại là đóng cửa suy nghĩ.

Đám tiểu bối bọn tôi hoàn toàn không chen lời vào được, chỉ cảm thấy bầu không khí loáng cái đã thay đổi rồi. Chuyện này là chuyện lớn đối với mặt mũi của Ngô gia, nếu gia phả có sai sót gì thì sẽ phải sửa lại, đó cũng là chuyện lớn, có khi còn phải gọi cả đám người đã ra nước ngoài kia về một chuyến mới được. Nhưng khả năng rất nhỏ, trừ phi đằng sau phần mộ tổ tiên này còn có chuyện gì bí ẩn mà chúng tôi không hay biết.

Bố tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao, dọc đường đi không nói một lời. Lão đạo sĩ đi trước, trời đã tối đen hẳn, đoạn đường núi tối thui cùng tiết trời giá rét khiến tôi cứ run lên bần bật, trong đầu cứ bất giác hiển ra hình ảnh cỗ quan tài cổ trong ngôi nhà cỏ tranh hoang phế phía sau từ đường. Quả nhiên, về đến thôn này rồi, muốn thoát khỏi quan tài cũng không thoát nổi.

Buổi tối, theo lệ thường, mọi người cùng ăn cơm trong từ đường. Theo quy tắc tổ tông, hôm nay chúng tôi ăn chay, cả bàn ăn toàn món đậu phụ, sau đó đốt lò than sưởi ấm, mọi người mới bắt đầu suy tính đến số quan tài này.

Quan tài được đặt trong linh đường, lần đầu tiên tôi lại gần nhìn mới thấy quan tài của cụ cố và ông nội tôi vẫn còn được bảo quản khá tốt, quan tài rất kín không có một khe hở nào, nhưng còn mấy cỗ quan tài cổ kia đều dính đầy bùn, có chỗ bùn còn chưa khô hẳn, lớp vỏ gỗ bên ngoài đã thối rữa đến mức chuyển sang màu xanh lè, trông rất gớm ghiếc, tôi không dám đến quá gần.

Cỗ quan tài kỳ lạ nằm trong bốn cỗ quan tài cổ xưa nhất kia, xét về niên đại chắc  hẳn phải trước Giải phóng rất lâu, rất có thể là vào lần trùng tu lại mộ tổ vào cuối thời Thanh kia, nhưng bây giờ những người nhớ được chuyện năm đó đều đã chẳng còn ở nhân gian nữa rồi, trên gia phả cũng chỉ viết một câu rất đơn giản, nói chung là không thể khảo cứu được nữa. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là, ngay đến cả chuyện truyền miệng cũng chẳng có, ông trẻ và tất cả những cụ già trong tộc đều chưa bao giờ nghe đời trước đề cập đến bất cứ chuyện gì liên quan đến việc này.

Bố tôi nghe vậy mà lo lắng, sắc mặt không được tốt, lúc ấy tôi chẳng biết bố đang lo cái gì, về sau mới biết trong vụ này có chuyện mờ ám.

Theo lệ của Ngô gia, những người được táng trong mộ tổ đều là con trai trưởng cháu đích tôn, cũng tức là, con thứ hai thứ ba đều phải lập mộ phần khác, cho nên đáng lẽ ra ông nội tôi không được vào phần mộ chính đâu, nhưng tình cảnh lúc đó của ông nội tôi quá mức đặc thù. Ba đời phía trên ông đều chết sạch cả, mà anh trai của ông lại không có con cháu nối dõi, thế là ông nội tôi mới được nối tiếp dòng họ, chứ không thì trong mộ tổ lại không có ai tiếp nối nữa.

Cũng bởi vậy, bố tôi mang tiếng dòng chính của nhà họ Ngô, nhưng không được coi là danh chính ngôn thuận, dù Ngô gia không có nhiều nghề chính, nhưng về cơ bản thì bố tôi cũng không quản lý gia tộc. Tuy vậy, thứ danh tiếng này vẫn có cái lợi, dù là chuyện chia đất hay bất cứ chuyện gì trong gia tộc, cũng đều phải cần bố tôi gật đầu đồng ý mới được, cho nên, khi chuyện này xảy ra, rất có thể sẽ có vài kẻ rảnh rỗi tác oai tác quái.