Tối ngủ, thằng nhóc nằm cạnh Nghiêm Cẩn, bàn tay cứ vuốt ve mãi chiếc áo lông cừu đang mặc: “Vừa nhẹ, vừa mềm lại ấm.

Nếu mua được cho ông em một cái thế này thì tốt quá.”
Nghiêm Cẩn mở to mắt nhìn lên trần nhà, trong tầm mắt anh lúc này là vết ố vàng có hình thù kỳ lạ, rất giống một gương mặt đang khóc.

Anh đang nghĩ tới chuyện của mình.

Trong cái bọc nhà anh gửi tới có mấy bộ đồ lót và vài chiếc quần dài mới tinh.

Tất cả những họa tiết hay cúc áo bằng kim loại đều được người ta cẩn thận cắt đi, thay bằng cúc nhựa.

Kiểu khâu cúc đó Nghiêm Cẩn nhìn qua cũng biết là tay nghề của mẹ.

Bốn cái lỗ trên cúc, mẹ anh chỉ biết cách khâu thành hai đường thẳng chứ không phải kiểu dấu cộng thường thấy.

Mà cho dù không có mấy cái cúc này thì người nhớ tới từng chi tiết nhỏ nhặt trên quần áo cũng chỉ có mẹ anh mà thôi.

Ngay lúc này, anh rất lo cho bệnh huyết áp cao của mẹ, liệu có bị kích động bởi tin tức anh bị bắt giữ mà trở nặng không?
Cậu nhóc quay sang, môi cậu ta gần như chạm vào mang tai anh, hơi thở nóng hổi chui thẳng vào lỗ tai Nghiêm Cẩn: “Ông nội là người hiểu em nhất.”
Dòng suy tư của Nghiêm Cẩn bị cắt ngang bởi cảm giác ngứa ngáy khác lạ đó, anh bực bội trở mình quay đi, nới rộng khoảng cách với thằng nhóc kia.

Tuy anh thương hại nó nhưng thằng nhóc trông có vẻ yếu đuối này đã tự tay dùng dao cướp đi mạng sống một người, điều này khiến anh thực lòng khó chấp nhận.
Cậu nhóc không chú ý tới thái độ của anh, vẫn nhiệt tình bộc bạch tâm sự vào tai anh: “Sau khi ba em qua đời, người đàn bà đó không quan tâm gì tới em nữa.

Lúc nhớ ra thì nhét cho em vài đồng, lúc quên thì bỏ em ở nhà ba bốn ngày, cũng chẳng cần biết em có ăn uống gì không.

Có lần em đói quá đành sang bếp nhà hàng xóm trộm đồ ăn, bị người ta bắt được đánh cho một trận, ông nội đành đưa em về.

Ông em nhặt rác, tiền kiếm được không đủ hai miệng ăn, em không có tiền đi học, chỉ có thể ở nhà đỡ đần ông việc nhà.”
Tâm trạng Nghiêm Cẩn rối bời, anh không biết nên đối xử như thế nào với một hung thủ giết người mới mười tám tuổi.

Nghe đến đây, anh xen vào một câu: “Vậy… mày đã ra tay giết mẹ mày thế nào?”
“Nhà ông nội em bị giải tỏa, mụ ấy bảo ba em là con trai độc đinh, mụ ấy lại chưa lấy người khác nên cũng có quyền thừa kế, thừa kế một phần căn nhà của ông em, khi nào ông em chết thì phần của ông em cũng thuộc về mụ ấy luôn.

Ông em tức đến chảy máu não, nằm liệt giường, mụ ấy còn bắt ông em viết di chúc, ông em không chịu, mụ ta liền mắng ông em già rồi không chịu chết đi cứ sống mãi làm gì.

Lúc đó trong tay em có sẵn con dao, tự nhiên trước mắt tối đen… nên em lỡ tay giơ dao ra… thật đó, tự nhiên trước mắt em trước đó đen ngòm, em không còn nhớ gì nữa, anh ơi, em thực sự không muốn phải chết đâu…”
Nghiêm Cẩn thở dài: “Mày tên gì vậy?”
“0379.”
“Không, tao hỏi tên thật kia.”
“Mã Lâm.”
“Biết rồi, ngủ đi.”
Có lẽ vì còn rất trẻ nên cho dù đang mang trên mình án tử và vô cùng lo lắng cho tính mạng chẳng còn bao lâu của mình chăng nữa thì một khi có được không gian đủ để vươn tay vươn chân, Mã Lâm cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Nghiêm Cẩn thì không ngủ được.

Nhịp thở đều đặn của chàng trai bên cạnh không hiểu sao khiến anh nhớ tới Trạm Vũ.

Hoàn cảnh sống suốt ba mươi năm qua không thể giúp anh hiểu được cái bất lực trong cuộc sống của họ.

Nhưng từ Mã Lâm, dường như anh nhận ra một điểm chung… đó là sự nghèo túng.
Nghèo khó thực sự có thể mang tới động lực cho con người ta cố gắng, nhưng cái nó mang tới nhiều hơn lại là bất an và trầy trật, áp lực và khó khăn, cái nghèo túng có thể khiến một chút vui vẻ trong đời người hoàn toàn biến mất.

Sinh ra đã nghèo là bất hạnh, nhưng cuộc sống về sau là đen tối hay sáng sủa thì phải xem cái tồn tại trong lòng người đó là thần phật hay quỷ dữ.

Nhiều lúc chỉ cần một ý nghĩ sai lầm là đủ hủy hoại tất cả, khi còn đang đấu tranh tư tưởng thì đã lạc lối, để chứng minh cho đôi chút tôn nghiêm của mình mà rơi xuống vực sâu… Giờ đây anh chỉ hối hận khi trước đã có thái độ quá tồi tệ với Trạm Vũ.


Nếu anh quan tâm cậu hơn một chút, hoặc phút cuối đưa tay kéo cậu lại, có lẽ bi kịch kia đã chẳng xảy đến với Trạm Vũ, bản thân anh cũng tránh được vận hạn tai bay vạ gió tự nhiên ập đến này.
Qua tháng Giêng, Nghiêm Cẩn chịu đựng thêm hơn chục ngày nữa.

Hôm nay là 19/3, quản lý Vương đi vào phòng giam số 6, thông báo Nghiêm Cẩn có người tới thăm.

Lúc này Nghiêm Cẩn đang cầm một chiếc bàn chải đánh răng đã bị cắt đi nửa phần cán cầm trên tay, nghiên cứu không biết phải dùng cách nào mới có thể dùng một đoạn vải xé ra từ quần áo cột chắc chiếc bàn chải lên ngón trỏ, để chiếc bàn chải phát huy đúng công năng của nó.

Sau hơn ba mươi ngày ở trại tạm giam, anh không có yêu cầu gì nhiều, hầu như mọi thứ đều được đáp ứng, chỉ rất bất mãn trong chuyện ăn uống và vệ sinh cá nhân.

Nước nóng để tắm không có sẵn hàng ngày, anh đành quay lại với thói quen tắm nước lạnh như khi còn trong quân ngũ.

Song, một phần vì đã quen với cuộc sống an nhàn sau khi giải ngũ, phần nhiều là do tuổi tác Nghiêm Cẩn đã cao, chẳng còn là “Tiểu Thập Tam” mới ngót nghét hai mươi năm xưa nên tắm nước lạnh giữa mùa đông khắc nghiệt trở thành một việc cần rất nhiều sự can đảm.

Lần đầu tiên khi anh đứng giữa nhà vệ sinh chỉ rộng khoảng 1m2 vặn vòi nước lạnh, cả dãy hành lang đều nghe được tiếng gào thét như sói tru của anh, khiến vị cảnh sát trực ban hoảng hồn, tưởng lại có vụ “mèo bỏ trốn”.
Lúc này anh quá tập trung vào việc nghiên cứu bàn chải, trước cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài bản thân mong mỏi đã lâu, đôi mắt anh mờ mịt lúc ngước lên, dường như chưa kịp hiểu được đối phương nói gì.

Mãi đến khi quản lý Vương nhắc lại “Luật sư muốn gặp anh”, anh mới như bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị, khoác thêm áo định đi ra thì bị quản lý Vương ngăn lại.
Quản lý Vương nói: “Khoan đã, có vài thủ tục phải làm.” Anh ta cầm sẵn trên tay một chiếc còng số tám, khi hai chốt chạm vào nhau, chúng phát ra tiếng kim loại leng keng.

Một cảnh sát đứng sau thì cầm một bộ xích chân nặng nề.
“Chịu khó chút nhé.” Quản lý Vương nói.
Luật sư chờ gặp Nghiêm Cẩn trong phòng là một người đàn ông trung niên mập mạp, tướng mạo tầm thường.

Khi ông ta tự giới thiệu tên tuổi, sự khinh thường đôi chút vừa nhen nhóm trong lòng Nghiêm Cẩn lập tức biến mất, cách hàng rào inox, anh nói ra bốn chữ “nghe danh đã lâu” từ tận đáy lòng.

Trong giới luật sư, luật sư hình sự được công nhận là công việc có tính mạo hiểm cao và hoàn cảnh làm việc không tốt nhất, có thể trở thành một luật sư bào chữa xuất sắc trong lĩnh vực này hầu như đều là những tinh anh của giới luật sư, nghiệp vụ, năng lực và các mối quan hệ cũng không phải dạng tầm thường.

Thế mà vị luật sư Chu Trọng Văn này còn là đại luật sư hình sự nổi tiếng nhất trong nghề, đã từng nhiều lần lập được kỳ tích cải tử hoàn sinh.

Lẽ ra với các vụ án bình thường, với địa vị của mình, một đại luật sư như Chu Trọng Văn sẽ không bao giờ lộ diện từ đầu, công việc thu thập và sắp xếp tài liệu thường sẽ do trợ lý đảm nhiệm.

Hôm nay đích thân ông xuất hiện tại trại tạm giam thế này thực sự là chuyện hiếm gặp.
Luật sư Chu Trọng Văn không đáp lại câu nói “nghe danh đã lâu” của Nghiêm Cẩn mà giơ cổ tay chỉ vào chiếc đồng hồ nói với vị cảnh sát đứng sau lưng anh: “Tôi chỉ được cho phép gặp đương sự trong một tiếng.

Theo quy định của ‘Luật tố tụng hình sự’, phiền anh tránh mặt cho, tôi muốn tranh thủ thời gian trao đổi với đương sự của mình.”
Ông không to tiếng, giọng vẫn thong thả nhưng lại có vẻ gì đó khiến người ta không thể trái lời, kiểu điềm đạm vì đã quá quen với mọi hoàn cảnh.

Vị cảnh sát chỉ liếc qua rồi đi ra khỏi cửa, chẳng nói một lời.
Lúc này luật sư Chu mới mỉm cười với Nghiêm Cẩn: “Anh vẫn ổn chứ?”
Nghiêm Cẩn giơ đôi tay bị còng số tám lên cao, trả lời rất thật lòng: “Không ổn tí nào.

Nếu là ông, ông có thấy ổn được không?”
Luật sư Chu nhìn anh, thông cảm trả lời: “Đúng là khó mà ổn được.” Sau đó ông quay sang nói với người có vẻ là trợ lý vẫn hí hoáy ghi chép nãy giờ: “Cô hỏi trước đi.”
Đây rõ ràng là hành động không hợp lý, khiến Nghiêm Cẩn không khỏi sửng sốt đôi chút.

Người đó mặc áo sơ mi trắng và quần công sở màu đen, vẫn luôn cúi mặt từ khi anh bước vào tới giờ, mái tóc ngắn xõa xuống che đi hai bên gương mặt, qua hàng rào chỉ có thể lờ mờ trông thấy vầng trán và sống mũi.

Anh cứ tưởng đó là trợ lý của luật sư nên chỉ liếc nhìn qua rồi không để ý tới nữa.

Lúc này nhìn kỹ, trái tim anh mới thổn thức.
Người đó ngước lên, tâm trạng khó kiềm chế khiến gương mặt biến đổi đôi chút, nhìn khẩu hình thì là tiếng gọi “anh” trong thầm lặng, nước mắt chị cũng trào ra khỏi hốc mi.

Người trợ lý này chính là em gái sinh đôi của anh – Nghiêm Thận.
Nghiêm Cẩn hiểu ngay rằng em gái anh đã dùng thân phận là trợ lý của luật sư mới vào được phòng này.


Được gặp người thân, anh có vô số điều muốn nói ra, nhưng chỉ đành bặm môi nuốt vào trong.

Mặc dù xung quanh không có cảnh sát trông chừng nhưng chẳng ai dám đảm bảo ở đây không lắp camera hay máy ghi âm.

Việc này một khi lộ tẩy, người bị liên đới nhiều nhất chẳng ai ngoài luật sư, mức phạt nhẹ nhất cũng là bị thu hồi và hủy bỏ giấy phép hành nghề.
Rõ ràng Nghiêm Thận cũng biết hậu quả, chị càng hiểu thời gian eo hẹp thế nào nên vội vàng gạt lệ, hắng giọng, bắt đầu nói: “Người nhà chuyển lời tới cho anh, mọi người đều tin anh, tin anh không bao giờ sát hại ai cả, anh phải kiên trì, ở trong đó cố giữ gìn sức khỏe, phải có trách nhiệm với bản thân, cũng là có trách nhiệm với người nhà.

Những gì cần nói thì nói cho cụ thể, những gì không thể nói cho dù có bị ép buộc ra sao cũng không được nói!”
Nghiêm Cẩn chăm chú nhìn chị, thoáng mỉm cười, khẽ gật đầu rồi hỏi: “Mẹ tôi thế nào? Khỏe không?”
Nghiêm Thận khụt khịt, “Khỏe.”
“Ông già thì sao?”
“Cũng khỏe.”
Chỉ vài câu đối thoại ngắn ngủi, Nghiêm Thận trả lời vừa dè dặt lại vất vả, cố gắng giữ vẻ bình tĩnh trên gương mặt nhưng ánh mắt đã bán đứng chị.

Ở cùng nhau chín tháng trong bụng mẹ, lại cãi cọ mà trưởng thành dưới một mái nhà suốt mười tám năm trời, Nghiêm Cẩn từ lâu đã hiểu rõ từng biểu cảm vui buồn hờn giận của Nghiêm Thận hơn ai hết.

Dối lòng nói hai người đều khỏe, thực chất đang nói với anh rằng họ không ổn chút nào, chí ít là không ổn cho lắm.
Nghiêm Cẩn đẩy mạnh cơ thể ngả vào lưng ghế, chiếc ghế nhựa bị anh dày vò đến kêu kẽo kẹt, gần như muốn đổ vỡ.

Anh ngoảnh mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, Bắc Kinh đầu xuân vẫn khó thấy trời xanh, bốn giờ chiều trời đã tắt nắng, chỉ còn chút hơi ấm xuyên qua song cửa, rọi lên đầu gối anh.

Giờ đây, Nghiêm Thận thực sự có cảm giác người ở trước mặt chị không phải là anh trai Nghiêm Cẩn bên chị từ nhỏ tới lớn, mà là một con người khác hắn.

Lông mày, chiếc mũi, đôi mắt, khuôn miệng vẫn thế, vẫn là người anh đẹp trai khiến chị hết lòng hãnh diện, chỉ là vẻ tự tin khiến người ta thậm chí lầm tưởng là kiêu ngạo thái quá vốn đong đầy trong ánh mắt kia đã chẳng còn lại chút nào nữa.
Chị cúi mặt, mắt chớp lia lịa, cố ngăn lại dòng nước ấm áp trào ra khỏi khóe mắt.
“E hèm.” Vài chục giây trôi đi, cuối cùng người lên tiếng là Chu Trọng Văn, ông hắng giọng nói: “Nói về vụ án đi, không có nhiều thời gian đâu.”
Nghiêm Cẩn quay lại, nét mặt cũng chỉ có vẻ thờ ơ: “Vậy ta bắt đầu thôi, luật sư Chu.”
Chu Trọng Văn mở file tài liệu, đẩy một tập thư ủy thác đã được đóng dấu cẩn thận qua lan can, “Thực ra sau khi anh bị tạm giam hai ngày, người nhà anh đã ủy thác cho tôi rồi nhưng đó giờ tôi vẫn không xin gặp anh được vì vụ án của anh vẫn đang trong giai đoạn điều tra.

Bình thường trong thời gian điều tra, không ai được phép gặp nghi phạm cả, mà thực ra cho tới bây giờ cũng rất khó để gặp được anh…”
Nghiêm Cẩn rất tập trung lắng nghe, tầm mắt anh đặt vào Chu Trọng Văn, sự chuyên tâm của ông khiến đối phương cảm nhận được một sự đau đớn như cháy da cháy thịt.

Người ta kháo nhau rằng, cho dù Chu Trọng Văn không nói năng gì, chỉ cần hai ánh mắt giao hòa, đối phương cũng sẽ hiểu được những lời ẩn chứa trong cái sự “không nói năng” ấy của ông.

Theo quy định mới nhất của “Luật Tố tụng Hình sự”, luật sư bào chữa có thể đến từ giai đoạn điều tra, khi gặp đương sự cũng có thể yêu cầu cơ quan điều tra tránh mặt.

Tuy nói vậy, nhưng nếu là án hình sự nghiêm trọng, nghi phạm lại không khai nhận việc gây án thì chắc chắn cơ quan điều tra sẽ bố trí phương tiện nghe lén.

Bởi vậy, có thể xin được gặp riêng luật sư thế này, Nghiêm Cẩn thừa hiểu gia đình đã phải bỏ ra biết bao công sức, anh cũng hiểu được sự khó khăn và quý giá của cơ hội gặp mặt này.
Sau khi nhanh chóng ký tên lên thư ủy thác, anh ngước lên hỏi: “Vậy nghĩa là bây giờ giai đoạn điều tra đã kết thúc?”
Luật sư Chu gật đầu, “Tạm thời có thể coi là vậy.

Chỉ cần tôi đưa ra quan điểm biện hộ là có thể bước vào giai đoạn quyết định khởi tố.”
Nghiêm Cẩn biến sắc, “Vậy nghĩa là bên cảnh sát đã có đầy đủ chứng cứ nhận định tôi là hung thủ?”
Luật sư Chu vẫn chỉ gật đầu, nhìn thẳng anh: “Có lẽ là vậy.”
“Nhanh vậy sao? Họ làm việc trơn tru quá nhỉ!”
Từ khi bắt đầu đối thoại, ánh mắt luật sư Chu không lúc nào rời khỏi gương mặt Nghiêm Cẩn, vậy mà bây giờ đây, chẳng hiểu sao ông lại chuyển tầm mắt, khẽ bật cười: “Anh nói đúng, trong số các vụ án tôi đã nhận, đây là vụ cảnh sát làm việc nhanh chóng nhất!”
“Tại sao?”
“Anh đoán thử xem.”
Nghiêm Cẩn thoáng ngạc nhiên, không ngờ một đại luật sư như ông ta vào lúc này vẫn có thể nói chuyện với giọng điệu như vậy.


Anh ngẫm nghĩ rồi suy đoán theo logic thông thường, “Bên trên yêu cầu họ phải phá án thật nhanh?”
“Không sai.” Luật sư Chu gật đầu vẻ tán thưởng, “Nói đúng ra thì chủ yếu do một thứ mới xuất hiện là weibo.

Anh có dùng weibo không?”
Nghiêm Cẩn lắc đầu: “Không biết, tôi không dùng.”
“Tôi cũng không biết tới nó, nhưng con gái tôi có dùng.

Nó bảo đó là một thứ mạng xã hội kiểu mới có tốc độ lan truyền nhanh như tốc độ ánh sáng, phạm vi ảnh hưởng lớn như mấy vụ nổ hạt nhân.

Nghe nói tổ chuyên án vốn định xin gia tăng thời gian giam giữ hình sự vì chứng cứ chưa đầy đủ cho lắm.

Nhưng gia đình nạn nhân chẳng biết nghe theo người nào mà vài ngày cuối năm ngoái đều tới giơ bảng biểu tình trước cửa cục cảnh sát, còn livestream trên weibo, làm loạn suốt một tuần, các lãnh đạo không chịu nổi liền gọi điện liên tục giục giã hỏi vụ án tiến triển thế nào, tổ chuyên án đành xin lệnh bắt chính thức.”
Nghiêm Cẩn nói: “Về pháp luật tôi không hiểu rõ lắm nhưng tôi có biết đôi chút, viện kiểm sát mà đã phê chuẩn lệnh bắt thì chí ít bên công an cũng phải cung cấp được bằng chứng quan trọng.

Nhưng tôi không hiểu, ngoài chuyện nạn nhân đêm đó có tới nhà tôi, hai chúng tôi phát sinh ẩu đả, thì còn bằng chứng gì để chứng minh người do tôi giết?”
Nghiêm Thận đang ghi lại cuộc nói chuyện của hai người vào cuốn sổ bỗng dừng bút, Chu Trọng Văn thì cúi mặt suy nghĩ rồi ánh mắt ông ta lại chuyển lên mặt Nghiêm Cẩn, nói: “Tôi là luật sư của anh, kể từ ngày nhận ủy thác của nhà anh, chúng ta đã cùng lên một chiếc thuyền rồi.

Nếu anh tin tôi thì mọi câu hỏi của tôi mong anh hãy trả lời thật!”
“Được thôi.”
“Vậy anh cho tôi biết, anh có giết người không?”
Không một chút ngập ngừng, Nghiêm Cẩn khẳng định chắc nịch: “Không!”
Chu Trọng Văn đăm chiêu nhìn anh một lát rồi hắng giọng nói tiếp: “Anh có thể kể lại cho tôi toàn bộ sự việc hôm đó một lần được không? Càng kỹ càng tốt, đừng bỏ sót bất cứ tình tiết nào.”
Những lời này đã lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần với cảnh sát, Nghiêm Cẩn gần như đã thuộc làu nhưng giờ đây anh vẫn chỉ có thể lặp lại câu chuyện được nói ra vô số lần ấy, tường thuật cho luật sư nghe.
Cây bút trong tay Nghiêm Thận chạy sột soạt trên giấy, bút ghi âm trên bàn cũng lặng lẽ hoạt động, Chu Trọng Văn chăm chú lắng nghe, không hề xen ngang.

Mãi đến khi Nghiêm Cẩn dứt lời, ông mới cúi xuống giở tập hồ sơ đang cầm: “À còn chuyện này, trong hồ sơ thẩm vấn tôi đọc được anh có nhắc tới một người tên Lưu Vĩ.

Đó là ai vậy?”
Nghiêm Cẩn đành kể lại chuyện xảy ra giữa Lưu Vĩ và Trạm Vũ, sau đó anh nói: “Trước khi vào đây tôi đã nhờ bạn truy tìm gã đó, vào đây rồi cũng mất liên lạc luôn, không biết họ đã tìm được chưa?”
“Tạm thời cứ mặc kệ chuyện đó đã.

Xét theo tình hình bây giờ, nhiều khả năng cảnh sát đã nắm được đầy đủ bằng chứng rồi.

Nhưng nếu không có khẩu cung của anh, tất cả các chứng cứ liên kết lại sẽ thiếu mất một mắt xích quan trọng, tôi nghĩ tổ chuyên án cũng biết rõ rằng cho dù có đệ trình lên viện kiểm sát, bên viện kiểm sát cũng sẽ có ý kiến, đề nghị phúc thẩm thôi.” Nói tới đây Chu Trọng Văn ngừng lời, ánh mắt liếc tới một góc phòng, như đang ngẫm nghĩ điều gì rồi ông cười bảo: “Tự nhiên tôi đã hiểu ra tại sao cảnh sát lại vội vàng chấm dứt giai đoạn điều tra trong khi chứng cứ còn chưa đủ logic rồi.”
Nghiêm Cẩn cũng mỉm cười, câu nói vừa nãy của Chu Trọng Văn cũng nhắc nhở anh, làm anh suy nghĩ về vấn đề tương tự: “Tôi cũng hiểu rồi, chắc chắn vì áp lực phải phá án quá lớn nên họ đành làm thế.

Nếu bị viện kiểm sát trả về, họ vẫn có thể tiếp tục bổ sung chứng cứ trong giai đoạn tiếp theo.

Vì vậy xem ra chúng ta không nên nghĩ xấu cho người khác, họ cũng có sự bất đắc dĩ của họ.”
“Vậy anh nên chuẩn bị tâm lý đi, có thể trong thời gian này tổ chuyên án sẽ thẩm vấn anh lần nữa.”
“Tôi hiểu.”
“Thân là luật sư, có chuyện này tôi phải nhắc anh: anh phải kiểm tra cẩn thận tờ lấy lời khai của cơ quan công an và bên kiểm sát trước khi ký tên, anh có quyền yêu cầu họ sửa chữa nếu sai sót.

Còn nữa, anh không cần thiết phải chứng minh bản thân vô tội, không ai có thể bắt anh tự chứng minh mình vô tội.”
Nghiêm Cẩn hiểu ý: “Tôi biết rồi, cảm ơn luật sư Chu.

Ông đừng lo lắng quá, họ đối xử với tôi cũng tốt lắm, tôi nghĩ sẽ không có chuyện tra tấn ép cung đâu.”
“Vậy thì tốt.

Anh nên biết rằng vụ này khá phiền phức vì thi thể được tìm thấy khá muộn nên bên pháp y không thể có phán đoán chính xác về thời gian tử vong được.

Vì vậy điều bất lợi nhất với anh bây giờ là không thể chứng minh nạn nhân đã rời khỏi chỗ anh khi vẫn còn sống.”
Nghiêm Cẩn xòe rộng bàn tay tỏ vẻ bất đắc dĩ: “Đây cũng là điều mà tôi thắc mắc nhất, cậu ta rõ ràng đã rời khỏi chỗ tôi, tôi thấy cậu ấy đi vào thang máy mà nhưng camera ở cửa chính khu chung cư lại không ghi được hình ảnh cậu ấy ra ngoài, chẳng lẽ cậu ta mọc cánh bay mất?”
“Chắc là còn khả năng nào khác, chẳng hạn nạn nhân không rời khỏi khu chung cư, thậm chí không rời khỏi tầng đó luôn.

Tôi tin rằng cảnh sát cũng sẽ cân nhắc đến khả năng này, nhất định họ đã điều tra rồi nhưng lại không phát hiện ra manh mối liên quan tới vụ án.”
Đang nói đến đây thì cảnh sát đứng gác bên ngoài mở cửa đi vào: “Hết giờ, 0382, về phòng thôi.”
Chu Trọng Văn phản đối: “Chưa hết giờ mà.”
Cảnh sát không chịu nhượng bộ chút nào, “Không được, hết giờ rồi! Hai người lập tức rời khỏi đây!”
Chu Trọng Văn đành đứng dậy, Nghiêm Thận cũng đứng lên, mặt mũi u sầu.

Cách hàng rào, Nghiêm Cẩn rất muốn xoa đầu chị nhưng ngặt nỗi có cảnh sát ở đây, bàn tay đã giơ lên của anh đành chầm chậm buông xuống.

Anh mỉm cười bảo: “Về nói với họ ở đây tôi vẫn ổn, ít nhất cũng béo lên 5kg.”

Nghiêm Thận không đáp.

Bề ngoài của Nghiêm Cẩn thực sự khiến chị bất ngờ.

Nếu không xét tới mái tóc đã lâu không cắt và bộ đồ lôi thôi luộm thuộm thì thần thái và vẻ hăng hái của anh vẫn y như cũ.

Chị hết gật đầu lại lắc đầu, nước mắt lại trào ra, đành giơ tay ôm mặt.
Nghiêm Cẩn nói: “Em xem, từ bé đến lớn vẫn thế, chuyện có tí xíu thôi mà.

Anh còn có việc nhờ em đây, em cứ như vậy anh làm sao nói được?”
Tiếng nói Nghiêm Thận lọt ra từ các kẽ ngón tay: “Anh nói đi.”
“Cô gái đưa anh tới bệnh viện lần trước, lần anh bị lệch cây đinh trong xương sống ấy, em còn nhớ không?”
“Anh định làm gì?”
“Không làm gì cả, bây giờ anh còn làm gì được? Nhờ em đến nói với cô ấy hai câu thôi.

Câu thứ nhất là anh không giết người; câu thứ hai, anh biết bản thân mình là người dễ gây thương nhớ nhưng em bảo cô ấy đừng nhớ thương anh, phải tìm người tốt, thấy được thì lấy chồng đi, rồi sinh con nữa.”
Nghiêm Thận nín khóc, mỉm cười: “Em không đi đâu, sợ bị người ta nhổ nước bọt vào mặt.”
Nghiêm Thận là người rất dễ khiến người ta nhớ mặt bởi vốn dĩ từ gương mặt và cơ thể chị đã tỏa ra khí chất vượt trội rồi.

Cùng lớn lên dưới một mái nhà, sự vượt trội này ở Nghiêm Cẩn là kiểu thoải mái và phá cách hoàn toàn không chú trọng cái nhìn của người khác, còn ở Nghiêm Thận lại là sự kiêu ngạo đứng trên vạn người.

Sự kiêu ngạo từ bản năng này mang tính xâm chiếm rất lớn, từng khiến Quý Hiểu Âu sốt ruột như kiến bò trong chảo nóng, thậm chí còn khiến một suy nghĩ thiếu lãng mạn thường bất thình lình xuất hiện trong đầu cô mỗi khi nhớ tới sự ngọt ngào của Nghiêm Cẩn: Nếu cô và Nghiêm Cẩn thực sự có tương lai, mà lại có một người em chồng như vậy chắc chắn sẽ trở thành một chướng ngại vật không thể bỏ qua trong đời.

Bởi thế, khi nhận được điện thoại của Nghiêm Thận hẹn cô tới Một tiệm café nói chuyện, phản ứng bản năng của cô là từ chối.
“Chị có chuyện gì? Không nói qua điện thoại được sao?”
Giọng Nghiêm Thận càng thêm vẻ thiếu nhẫn nại: “Dĩ nhiên giữa tôi với cô thì chẳng có chuyện gì! Tôi chỉ làm thay Nghiêm Cẩn thôi, ở trong đó anh tôi nhờ chuyển lời cho cô.

Tôi chờ cô ở đây đến 11h trưa, cô muốn làm sao thì làm!”
Quý Hiểu Âu nghẹn đến tận cổ họng, bỏ điện thoại xuống từ lâu vẫn chưa thể nuốt được cục nghẹn xuống.

Cô choàng chiếc áo lông cừu ngồi bên cửa sổ của “Tự thủy lưu niên”, nơi có thể nhìn ra đường phố, thẫn thờ nhìn chằm chằm dòng người và xe cộ đi lại trên đường.

Xuyên qua cửa kính cỡ lớn, những tia nắng đầu xuân chiếu vào cây cối xanh mát trong bồn cây, cũng chiếu lên mái tóc và thân người Quý Hiểu Âu.

Tháng hai, bên ngoài vẫn âm độ nên chút ấm áp xa xỉ này sẽ khiến người ta vui mừng trong chốc lát, nhưng cô lại chỉ thấy lạnh lẽo.

Từ khi xuất viện, dù đang ở nhà hay ở cửa hàng, cô luôn giữ mãi một tư thế như vậy, ngồi im lìm suốt vài tiếng, cơ thể không hề động đậy, đến nỗi bà Triệu Á Mẫn không dưới một lần thì thầm với ông Quý Triệu Lâm không biết có phải con gái bị trầm cảm rồi không?
Từ hôm biết Nghiêm Cẩn bị bắt tới nay, suốt mấy ngày Quý Hiểu Âu đều nghĩ đi nghĩ lại về từng chi tiết, từng câu chuyện xảy ra kể từ lúc hai người quen nhau.

Cô muốn dùng thái độ lý trí nhất để định nghĩa một cách chính xác về mối quan hệ của họ rồi kết thúc nó bằng một cách chính xác nhất.
Mỗi ngày trôi đi, cô lại nhận ra việc định nghĩa mối tình này thực sự không khả thi.

Cô vừa không thể thuyết phục bản thân tin rằng Nghiêm Cẩn là kẻ sát nhân, nhưng lại cũng cảm thấy công an sẽ không vô duyên vô cớ bắt bớ một người.

Trăm thứ phiền não, nghìn kiểu mâu thuẫn.

Sự quyết đoán và mạnh mẽ hồi chia tay Lâm Hải Bằng sớm đã một đi không trở lại theo năm tháng, cái còn lại nơi cô chỉ còn là sự thiếu quả quyết khiến bản thân cô thống hận không thôi.
Chính vì Quý Hiểu Âu không ngừng nhớ lại về mấy chục chuyện cũ quanh quẩn trong đầu nên mọi tình tiết từ khi họ quen nhau cứ hiện về nối tiếp trước mắt cô như một bộ phim điện ảnh, mỗi giây phút đều trở nên vô cùng sống động, rõ nét như chuyện mới xảy ra hôm qua.
Gặp gỡ Nghiêm Cẩn vào dịp lễ Valentine năm ngoái, khi đó cô còn một mực tin chắc anh là gay, sau đó thì nghĩ anh là kẻ lừa bịp yêu cả trai lẫn gái.

Sau một năm, cảm giác ghét bỏ, vui vẻ, ấn tượng tốt, thương hại và yêu mến cứ thế nảy sinh, tình yêu vừa khó vừa dễ bộc bạch, bị xen ngang bởi sự cố của Trạm Vũ và việc Nghiêm Cẩn bị bắt giữ, mọi thứ trở thành hạt giống bị phủ dưới lớp băng giá, ham muốn bị kìm hãm, cuối cùng những mảnh vỡ tình cảm được giữ lại chỉ còn là sự quyến luyến tự nhiên bởi thói quen đã hình thành suốt một năm qua.

Thế nhưng chút quyến luyến đó lại dần trở thành sự dịu dàng cuối cùng trong đêm dài.

Valentine năm nay đã qua được năm, sáu ngày, cô được gửi tặng vài bó hoa hồng, chúng vẫn đang lặng thầm tỏa hương từ các bình thủy tinh nhưng hoa hồng có lớn đến đâu, trong mắt cô chúng vẫn có vẻ qua loa và vội vàng của ngày lễ, nếu đem so sánh với hoa hồng Bulgari Nghiêm Cẩn không tiếc tiền tặng suốt mười ngày đằng đẵng, chúng không khỏi thua kém… Cũng như một người nếu đã được thưởng thức mỹ cảnh nhân gian thì son phấn tầm thường dù có miễn cưỡng lọt vào mắt cũng khó có thể hằn vào tim.
Ngồi đến 10h, khi kim ngắn và kim dài trên chiếc đồng hồ kim loại nghệ thuật trên tường tạo thành góc 15 độ hoàn hảo, Quý Hiểu Âu đứng dậy, cởi áo choàng, thay bằng áo bành tô thường mặc ra ngoài.

Chính trong giây phút vừa rồi, cô đã chấm dứt được sự lăn tăn cả tháng qua của mình, ra một quyết định: trước mắt chỉ mong có được chân tướng, những chuyện khác để sau.

Thực hư sự việc của Trạm Vũ quan trọng hơn tình cảm của cô với Nghiêm Cẩn nhiều.

Thực hư chuyện này liên quan đến niềm tin với nhân tính của cô.
Cô quyết định đến gặp Nghiêm Thận ở chỗ đã hẹn..