Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa thu, tháng 8.



Vương quốc Latium tuyên bố đối nước cộng hòa Genoa tuyên chiến nhanh chóng lan truyền khắp Âu châu chư quốc, nguyên nhân là vì cộng hòa Genoa khinh thị vương quốc Latium, khinh thị quốc vương Louis de Latium (tên gọi ở Âu châu của Long nhi, vì là quốc vương đầu tiên của vương quốc nên không thể dùng tên Louis III). Mọi người không kinh hãi với việc tuyên chiến, mà kinh hãi vì nguyên nhân tuyên chiến. Các nước đương nhiên biết việc cộng hòa Genoa phái sứ giả sang Sinai kháng nghị việc vương quốc Latium chiếm lĩnh Corsica. Mọi người không ngờ vương quốc Latium lại xem điều đó như là bị khinh thị, rồi phát động chiến tranh. Phải chăng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ cần nước nào đó tỏ ý bất kính với quốc vương Latium là có thể trở thành nguyên nhân của chiến tranh. Đó chính là điều các nước lo lắng. Các nước không lo ngại quân đội của Latium, mà lo ngại thế lực đứng đằng sau Latium – Thần Thánh Đế quốc.



Tuy nhiên, các đại thế lực lại nghĩ đến nguyên nhân sâu xa hơn. Cuộc nổi loạn Sicilian Vespers năm 1283, buộc Charles I de Anjou phải rời Sicily, có sự hỗ trợ trực tiếp của Aragon và Genoa. Người Genoa còn cho giới quý tộc Sicily và Napoli vay để chống lại quân đội phục quốc của nhà Anjou. Nay vương quốc Aragon đã trở thành lịch sử, có lẽ Genoa cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Nếu vậy thì những thế lực nào từng chống lại nhà Anjou cũng đều có thể trở thành mục tiêu của vương quốc Latium chăng. Và thế là bọn họ đều nhìn về phía Hungary và Burgundy. Đương nhiên, cả vương quốc Hungary và công quốc Burgundy cũng tích cực chuẩn bị chiến tranh.



Cuối tháng 8, chỉ sau nửa tháng kể từ ngày tuyên chiến, Hải quân của Thần Thánh Đế quốc đã phong tỏa vùng biển ngoài khơi Genoa, và 3 vạn quân của đạo Linh Tiệp quân đổ bộ lên bờ.



Genoa là một nước duyên hải, nằm men theo bờ biển, hẹp mà dài, rất thích hợp để các chiến hạm của Hải quân Thần Thánh Đế quốc công kích. Genoa trước đây từng có lực lượng hải quân hùng mạnh, nhưng sau chiến tranh với cộng hòa Venice năm 1380, đã bại trận và suy yếu. Hơn nữa, Hạm đội của Genoa cũng chỉ có thể xưng hùng với các tiểu quốc ở Địa Trung Hải mà thôi.



Toàn dân Genoa cũng chỉ chưa đến 10 vạn người, đại đa số là thương nhân, trừ hải quân ra thì quân đội thường trực chỉ có khoảng 1.000 người, khi có chiến tranh thì thuê cố dụng quân (để giảm chi phí duy trì quân đội). Chỉ có điều, sau khi tuyên chiến, vương quốc Latium còn tuyên bố bất kỳ ai giúp người Genoa đều là kẻ thù của vương quốc, nên nghị viện Genoa dù sử dụng nhiều tiền bạc cũng không thuê được cố dụng quân – không ai muốn trở thành mục tiêu tiếp theo của vương quốc Latium, hơn nữa xem ra Genoa chẳng có cơ hội nào để chiến thắng.



Ngày 22, đội chiến hạm tiên phong của Hắc Long Hạm đội tiến vào vùng biển Genoa.




Ngày 23, một trận hải chiến chớp nhoáng diễn ra ngoài khơi thành phố cảng Genoa. Hạm đội Genoa với 12 ‘tiểu’ chiến thuyền bị tiêu diệt hoàn toàn. Gần 50 vũ trang thương thuyền của Genoa đều ẩn náu bên trong cảng, không dám ra ngoài. Cùng ngày, quân Anjou ở Provence cũng áp sát biên cảnh Genoa và Milan, sẵn sàng hỗ trợ vương quốc Latium.



Ngày 24, sau mấy giờ pháo kích vào thành phố, các vận thuyền của Hắc Long Hạm đội đổ 3 vạn Linh Tiệp lên bờ. Sau đó, đại quân tiến vào thành phố, thế như phá trúc. Những nơi mà người Genoa ngoan cường đề kháng thì lục quân chỉ bao vây, rồi gọi chiến hạm đến pháo kích vào đó. Quân dân Genoa tổn thất thảm trọng.



Ngày 25, thành phố thất thủ. Cuộc cướp bóc bắt đầu. Đúng, cướp bóc ! Quân đội Đế quốc thực hiện chính sách giống hệt như đã từng làm ở vùng Giang Bắc khi chiến tranh với Minh triều. Toàn thể dân chúng của Genoa được tập trung ra bờ biển, sau đó được phân loại thành 2 nhóm : quý tộc và bình dân. Toàn bộ tài sản của bọn họ đều bị tịch thu, sung công. Còn tất cả bị cưỡng chế di cư, trở thành khổ công hay nô lệ (nếu là nghịch dân hoặc quý tộc). Theo lệ ở Âu châu thời bấy giờ, kẻ bại trận bị bắt làm tù binh có thể dùng tiền để chuộc, còn nếu không chuộc thì bị biến thành nô lệ. Có điều Thần Thánh Đế quốc không cho chuộc tù binh. Giang Phong không muốn mất công sức bắt được địch nhân, rồi vì tiền mà thả bọn họ ra để bọn họ tiếp tục chống đối.



Cuộc cướp bóc kéo dài suốt ba ngày. Sau đó, theo lệnh của Long nhi, toàn bộ quý tộc của Genoa được chuyển giao cho quân Anjou. Đó là quà Long nhi tặng cho em trai của mình Réne de Anjou. Còn toàn bộ bình dân bị cưỡng chế di cư đến Tripoli khai phát vùng đất mới mở mang ở đó.



Ngày 28, chờ mãi không thấy quân đội công quốc Milano sang cứu viện Genoa, Lý Xương Văn suất lĩnh đạo Linh Tiệp hợp cùng 1.000 quân Anjou tạo thành liên quân tiến sang Milano ở ngay phía bắc Genoa. Bởi vì cộng hòa Genova thật ra nằm dưới quyền thống trị của dòng họ Visconti xứ Milano, nên trước đó Đinh An Bình đã có kế hoạch chiến tranh với cả Genoa và Milano.



Ngày 3 tháng 9, Linh Tiệp quân Đệ nhị sư đụng độ quân đội Milano tại Pavia, cạnh bờ sông Po. Sau một trận giao chiến, 5.000 quân Milano bị bao vây ngay trên cánh đồng. Do bốn phía bằng phẳng, không có các vị trí hiểm yếu, Đệ nhị sư đành đào vô số hầm hố, cài đặt vô số cạm bẫy, đào hào đắp lũy bao vây địch quân. Quân Milano dù nhiều lần tổ chức phá vây, nhưng quân số ít hơn, trang bị kém hơn, nên đều bị đánh bật trở lại, và thiệt hại không nhỏ. Tướng chỉ huy quân Milano đành tổ chức cố thủ và phái người đi cầu viện.



Ngày 5, quân tiếp viện của Milano kéo đến, hội hợp với số quân bị vây được hơn 1 vạn, còn đang tổ chức phá vây thì Đệ nhất sư, Đệ tam sư của Linh Tiệp quân đã kéo đến. Lý Xương Văn sử dụng 3 vạn quân bao vây hơn 1 vạn quân Milano.



Ngày 6, Công tước Jean II de Fearless xứ Burgundy thống suất 30.000 quân, mượn đường của Liên minh các công quốc Thụy Sĩ (Duchies of Swiss Confederation), tiến sang tiếp viện Milano. Do nhà Burgundy liên minh với Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, nên đã bị quý tộc Pháp Lan Tây, trong đó có nhà Anjou, xem là kẻ địch. Cũng chính vì vậy mà Công tước xứ Burgundy mới phái quân đội sang tiếp viện cho Milano. Bọn họ định liên minh với nhau cùng chống lại vương quốc Latium, hay nói đúng hơn là quân đội Thần Thánh Đế quốc.



Ngày 9, quân Burgundy hội hợp cùng quân Milano, quân số tăng lên đến gần 40.000 người, định phản công tiêu diệt Linh Tiệp quân. Nào ngờ, Ngô Trấn Quốc thống suất Bảo Tiệp quân kéo đến, hợp cùng Linh Tiệp quân bao vây liên quân Milano – Burgundy.



Ngày 12, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg của Đế quốc La – Đức đang ở Constance đã triệu tập 45.000 quân kéo sang tiếp viện cho quân Milano, nguyên nhân cũng tương tự như Công tước xứ Burgundy. Do biết thế nào vương quốc Latium cũng sẽ tấn công Hungary, mà Sigismund de Luxembourg lại là phu quân của nữ vương Mary de Hungary, vì vậy mà quân đội Đế quốc La – Đức nhân lúc này tham chiến luôn.



Quân đội Đế quốc La – Đức cũng theo đường Thụy Sĩ tiến sang Milano. Ngày 18, sau 6 ngày khẩn cấp hành quân, quân đội Đế quốc La – Đức đã đến được chiến trường. Thế nhưng, Đinh An Bình đã phái 4 đạo quân Uy Tiệp, Long Tiệp, Chiêu Viễn, Chiêu Đức mai phục chờ sẵn, khi thấy quân đội Đế quốc La – Đức vừa đến gần khu vực chiến trường thì kéo ra bao vây ngay. Trên đồng bằng sông Po lúc này có hai vòng vây cực lớn : 1 bao vây 40.000 liên quân Burgundy – Milano và 1 bao vây 45.000 quân Đế quốc La – Đức.



Ngày 19, Đinh An Bình đích thân đến chỉ huy cuộc hội chiến, lại đưa thêm 3 vạn dân binh của vương quốc Latium đến tiếp viện. Vòng vây được xiết chặt thêm. Quân đội Thần Thánh Đế quốc chỉ bao vây chứ không tấn công, thỉnh thoảng chỉ dùng thần công đại pháo nã đạn vào bên trong, thường là lúc nửa đêm, để khiến cho địch quân không ngủ được. Nhiều lúc, Đinh An Bình còn cho quân đốt gỗ ướt, hun khói vào trong vòng vây, hành hạ thể xác và tinh thần địch quân.



Ngày 25, sau hơn nửa tháng bị vây, sau hơn 10 ngày không được nghỉ ngơi, sau mấy ngày hết lương, cuối cùng liên quân Milano – Burgundy cũng hạ khí giới đầu hàng. Thật ra nếu như không đầu hàng thì bọn họ cũng không còn đủ sức chiến đấu. Đến lúc này, liên quân chỉ còn lại 3 vạn người. Hơn 1 vạn tử vong, khoảng một nửa là do chết đói, còn một nửa là tử trận khi phá vòng vây thất bại.



Ngày 6 tháng 10, sau nhiều lần phá vây thất bại, quân số tổn thất nặng nề, tinh thần và thể lực đều suy sụp nghiêm trọng, lương thực lại cạn, quân đội Đế quốc La – Đức cũng buộc phải hạ khí giới đầu hàng. Đến lúc này, trong vòng vây chỉ còn lại vài nghìn người là còn đủ sức cầm vũ khí.



Bắt được hơn 6 vạn tù binh, Đinh An Bình để 2 đạo quân Chiêu Đức, Chiêu Viễn ở lại xử lý chiến trường, số còn lại phân thành 5 đạo tỏa ra chiếm lĩnh các xứ trong công quốc Milano.



Có thể bà con chưa biết :




Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 5)



8. Đan Mạch :



Nhóm 1 :



Konge/Dronning - quốc vương / nữ vương



Kronprins - Thái tử



Fyrste - thân vương



Nhóm 2 :



Hertug - công tước



Marki - hầu tước



Greve - bá tước



Vicegreve - tử tước



Baron - nam tước



Nhóm 3 :



Ridder - Hiệp sĩ



9. Thụy Điển :



Nhóm 1 :



Kung/Drottning - quốc vương / nữ vương




Kronprins/Kronprinsessan - Thái tử/ nữ thái tử



Furste - thân vương



Prins - vương tử



Nhóm 2 :



Hertig - công tước



Markis - hầu tước



Greve - bá tước



Vicegreve - tử tước



Baron - nam tước



Nhóm 3 :



Friherre - tùng nam tước (chuẩn nam tước)



Thụy Điển vào năm 1975 đã bãi bỏ chế độ "công thần thế tước".



Kỳ sau : Na Uy và Phần Lan