Lại nói, sau khi đề nghị liên minh, rồi cố dụng quân đều lần lượt bị từ chối, phía Louis Đệ Tam đành chấp nhận giải pháp cuối cùng : ký kết một hiệp định thương mại. Louis Đệ Tam thay mặt cho cha mình là Louis II de Anjou (Louis Đệ Nhị của xứ Anjou) cùng đại diện của Thương vụ bộ ký kết hiệp định, theo đó Đế quốc sẽ cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm cho Anjou, nếu cần cũng có thể cho vay.



Phía George Đệ Nhất, các thỏa thuận tiến hành dễ dàng hơn nhiều. Về mặt chính thức, Đế quốc đồng ý ủng hộ Công đồng Constance và phái sứ giả đến dự. Ngoài ra còn có 2 mật ước : Đế quốc thừa nhận Gregorius XII là giáo chủ hợp pháp của Công giáo La Mã, 2 giáo chủ còn lại là ngụy giáo chủ; Đế quốc ủng hộ sự độc lập của Trento, và sẽ gây sức ép đối với Frederick Đệ Tứ, Công tước Áo, Bá tước Tyrol, để quân đội Áo – Tyrolese không xâm chiếm Trento.



Các hiệp ước ký kết xong, cả Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất mới có thời gian đi du ngoạn Gia Định Thành. Đầu tiên, bọn họ đi dạo một vòng thành thị, ngắm nhìn các cửa hiệu hai bên đường phố chất đầy hàng hóa. Hành trình này mất đến 3 ngày, và Louis Đệ Tam mua rất nhiều vật phẩm, đặc sản của phương đông, những thứ mà ở Âu châu vô cùng quý hiếm, như tơ lụa, gốm sứ, hương liệu, trà diệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là Louis Đệ Tam rất thích các loại đồ chơi đặc sắc của phương đông. George Đệ Nhất thì mãn nguyện vì mua được rất nhiều sách. Gia Định Thành là trung tâm học thuật của cả Đế quốc, nên văn hóa giáo dục rất phát triển, các thư quán, thư viện lớn nhỏ có ở khắp nơi trong thành. Thành ra tùy tùng của bọn họ phải tay sách tay mang rất nhiều thứ.



Đến ngày thứ ba, bọn họ đi xuống khu bến cảng, và gặp được David Ben Dayan đang bàn chuyện làm ăn ở đấy. Thế là mọi người hội họp cùng đến trà quán uống trà đàm đạo. Trà diệp là một đặc sản của phương đông, và rất quan trọng đối với người phương tây. Người phương tây ăn nhiều chất dầu mỡ, nên cần uống trà để giảm béo, đặc biệt là hồng trà. Văn hóa trà từ đó thâm nhập vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Âu Mỹ.



Sau một tuần trà, George Đệ Nhất nhìn cảnh nhộn nhịp của bến cảng, cảm thán nói :



- Dayan. Ta thật không dám tin đây là tòa thành thị chỉ mới được xây dựng hơn 10 năm trước. Dù ở Âu Châu cũng không có tòa thành thị nào sánh được với nơi đây, kể cả La Mã.




David Ben Dayan cười cười nói :



- Các hạ. Ngài nên biết rằng chủ nhân của thành thị này, và của cả Đế quốc rộng mênh mông này là một vị thần linh. Đối với nhân loại chúng ta xem là kỳ tích thì đối với thần linh cũng chỉ là chuyện bình thường.



Louis Đệ Tam nói :



- Cung điện của Hoàng đế thật vĩ đại. Chúng ta chỉ đi quanh một vòng thôi mà đã mất cả nửa ngày. Không biết bên trong còn lộng lẫy đến thế nào ?



David Ben Dayan nói :



- Không phải Hoàng đế. Đừng lầm lẫn giữa Thánh hoàng và Hoàng đế. Ở phương đông có nhiều tước vị, cao nhất là Hoàng, dưới Hoàng là Đế, rồi mới đến Vương. Hoàng đế là tước vị trung gian, nằm giữa Hoàng và Đế. Ở phương đông xưa nay chỉ có 4 vị Hoàng, trừ Thánh hoàng ra thì 3 vị còn lại đều sống ở thời viễn cổ, cách nay hàng vạn năm.



Dừng lời giây lát, David Ben Dayan mới nói tiếp :



- Trong Trường Thanh Cung tập trung toàn bộ bảo vật của Đế quốc, vàng bạc châu báu và các cống phẩm của các địa phương. Nghe đồn bên trong vàng bạc chất cao như núi, bảo vật không tính bằng rương mà bằng cung điện. Trường Thanh Cung đã mấy lần mở rộng vì không đủ chỗ chứa các cống phẩm.



George Đệ Nhất nói :



- Gia Định Thành dân cư thật đông đúc, chắc cũng phải trên chục vạn chứ không ít.



David Ben Dayan nói :



- Toàn tỉnh Gia Định có dân số gần 200 vạn, riêng Gia Định Thành ước khoảng 60 vạn.



Bọn George Đệ Nhất đều ngạc nhiên, trầm trồ về sự thịnh vượng của Gia Định Thành. Nên biết lúc này nước Anh dân số chỉ có 4 triệu, tức 400 vạn. Nước Pháp đang bị người Anh chiếm đóng gần một nửa lĩnh thổ, trăm năm chiến tranh vẫn đang diễn ra, cả nước hoang tàn. Còn Constantinople lúc này cũng chỉ có khoảng 5 vạn người. Trong khi thành La Mã (Roma) chỉ có 2 vạn (số liệu ước tính năm 1400).




George Đệ Nhất lại nói :



- Gia Định Thành có nền học thuật cực kỳ hưng thịnh. Mấy hôm nay ta thấy có rất nhiều thư viện ở khắp nơi.



David Ben Dayan nói :



- Đế quốc áp dụng chế độ khuyến khuyến giáo dục. Cơ sở giáo dục miễn phí trên toàn Đế quốc, những người không biết chữ phải đóng thuế cao hơn. Chính vì thế mà đại bộ phận thần dân của Đế quốc đều biết chữ. Học thuật không hưng thịnh sao được.



George Đệ Nhất giật mình hỏi :



- Ngươi nói Thần Thánh Đế quốc dạy chữ miễn phí cho mọi người dân ?



David Ben Dayan cười cười nói :



- Không phải !



George Đệ Nhất ngạc nhiên :



- Thế sao ngươi mới nói … ?



David Ben Dayan nói :



- Ta không nói dạy chữ miễn phí, mà là cơ sở giáo dục, tức là không chỉ dạy chữ, mà cả các môn cơ sở như Toán pháp, Ngữ pháp, Viết văn, … Giáo dục ở Đế quốc chia làm 3 cấp bậc chính là Sơ học, Trung học, Đại học. Mỗi thôn làng đều có lớp học, mỗi huyện đều có trường Sơ học, mỗi quận đều có trường Trung học, mỗi tỉnh đều có trường Đại học. Tối cao là Thái Học Viện ở Gia Định. Cấp Sơ học được dạy miễn phí.



George Đệ Nhất nói :



- Dù chỉ miễn phí cấp Sơ học thì tốn kém biết bao nhiêu mà kể !




David Ben Dayan nói :



- Bởi vậy, người Đế quốc hầu như ai cũng biết toán thuật, gian thương khó mà làm ăn được ở đây. Chỉ có người Do Thái chúng ta nhờ trung thực nên đi đến đâu cũng được hoan nghênh.



Bọn George Đệ Nhất cố nén cười. Người Do Thái ở Âu châu nổi tiếng là gian thương, thường cho vay nặng lãi nên tiếng tăm không được tốt (Cơ Đốc giáo không cho phép tín đồ cho vay, vì thế nghề cho vay gần như trở thành chuyên chức của người Do Thái).



Hôm nay bàn về Trường Thanh Cung, sáng hôm sau, bọn George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam đã được Đệ nhất trọng thần của Đế quốc là Quảng Tế Pháp sư mời vào trong cung dự yến. Yến tiệc gồm toàn các món ngon vật lạ của Đế quốc, do những đầu bếp tài ba nhất chế biến, nên cả bọn ăn đến no căng cả bụng, không tiếc lời khen ngon. Bọn họ đều là những người thuộc giới quyền quý nhất Âu châu, nhưng cũng chưa bao giờ được ăn những món ngon đến vậy. Cho đến lúc bấy giờ, ẩm thực ở Âu châu cũng vẫn còn khá đơn điệu.



Sau đó cả bọn được hướng dẫn tham quan cung điện. Dù không được nhìn thấy các kho vàng bạc, nhưng các bảo vật trong cung nhiều đến nỗi cả bọn chấn động cả tâm thần. Nhìn các bảo vật chứa đầy trong các cung điện, hết cung điện này đến cung điện khác, cả bọn chấn kinh không sao kể siết. Đến lúc này, bọn họ mới có cảm giác chân thực về sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc.



Bọn họ mất 2 ngày mới tham quan được một phần Trường Thanh Cung. Mấy ngày hôm đó bọn họ được nghỉ lại trong cung chứ không cần trở về khách sạn. Đến sáng ngày thứ ba, Quảng Tế Pháp sư thông báo cho cả bọn biết Thánh hoàng triệu kiến. Chỉ có George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo mới được đến Văn Nghi Điện diện thánh. Bọn tùy tùng không được phép đi theo.



Bước chân vào Văn Nghi Điện, cả George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo đều cảm thấy chấn kinh. Đừng nói các cung điện của quốc vương, hoàng đế, dù là các tòa thần điện lớn nhất Âu châu cũng không thể sánh bằng với nơi thiết triều của triều đình Thần Thánh Đế quốc. Không chỉ rộng lớn, sự tráng lệ nguy nga, chạm vàng khảm ngọc rực rỡ huy hoàng làm cả bọn lóa cả mắt. Và điều làm cả bọn kinh hãi hơn cả là những viên minh châu giá trị liên thành lại được khảm trên tường và trần để chiếu sáng. Quả là lộng lẫy xa hoa đến cực điểm.



Hai bên đại điện, văn vũ đại thần nhìn bọn Louis Đệ Tam, không hề thấy lạ lùng. Chịu ảnh hưởng của Giang Phong, trọng thương, nên gia tộc bọn họ ít nhiều đều có thương thuyền buôn bán giữa đông - tây phương, do đó đối với người Âu châu cũng chẳng xa lạ gì. Các đại thần của triều đình Đế quốc đồng thời cũng là các đại thương nhân, và Giang Phong chính là đệ nhất đại thương nhân. Thần Thánh thương hội của Giang Phong là đệ nhất thương hội của Đế quốc.



Đến trước long giai, George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo hướng về Giang Phong, chiếu theo tây phương lễ nghi hành lễ bái kiến :



- Thánh hoàng vĩ đại. Chúng thần đại biểu toàn thể Âu châu nhân dâng Ngài sự tôn kính tối cao và chân thành.



Lưỡng ban văn vũ đại thần đều lộ vẻ không hài lòng về cách hành lễ của bọn họ, nhưng Giang Phong đã cho phép nên không ai dám nói gì.