Sau trận Nam Xương, đại quân của Phạm Thế Căng đẩy nhanh tiến độ công thành bạt trại. Trấn Ninh quân khẩn cấp hành quân công chiếm các huyện vùng đông bắc Nam Xương, đặc biệt là Phù Lương huyện, nơi có một mục tiêu quan trọng do Giang Phong chỉ định phải ưu tiên công chiếm – Cảnh Đức Trấn. Các đạo quân còn lại tỏa đi đánh chiếm các nơi khác. Rất nhiều phủ thành có chưa đến nghìn thủ quân, khi đại quân đến nơi đã không dám kháng cự, nhanh chóng mở cửa thành đầu hàng.



Phù Lương huyện. Cảnh Đức Trấn.



Cảnh Đức Trấn là một trung tâm gốm sứ của Trung Hoa, lần đầu tiên được ghi vào sử sách là vào thời Đông Tấn, gọi là Tân Bình Trấn. Đến năm 621 thời Đường, cải tên thành Tân Bình huyện; năm 716 lại cải tên thành Tân Xương huyện, lập Xương Nam Trấn trực thuộc Tân Xương huyện. Năm 742, Tân Xương huyện cải tên thành Phù Lương huyện. Bắc Tống năm 1004, gốm sứ Xương Nam chất lượng ưu lương, được Tống Chân Tông chọn sử dụng trong cung đình, gọi là ngự dụng từ khí, đồng thời lấy niên hiệu làm tên, cải Xương Nam Trấn thành Cảnh Đức Trấn, để đề cao địa vị của gốm sứ Xương Nam. Từ đó, danh xưng Cảnh Đức Trấn được sử dụng đến ngày nay.



Cảnh Đức Trấn là một hương trấn thuộc Phù Lương huyện, nằm về phía đông bắc Nam Xương phủ. Ở đây có rất nhiều xưởng gốm sứ lớn, dân cư đông đúc, kinh tế thịnh vượng. Năm Nhâm Ngọ (1402), Vĩnh Lạc đế vừa chiếm được Nam Kinh, đăng cơ xưng đế, đã vội vã thành lập Cảnh Đức Trấn Ngự khí hán, chuyên cung cấp gốm sứ cho cung đình. Điều đó cho thấy Cảnh Đức Trấn đều được mọi triều đại coi trọng.




Khi nghe tin Nam Xương thất thủ, hàng vạn người bị giết, toàn bộ dân chúng bị cưỡng chế di cư về phương nam, các đại nhân vật có thân phận địa vị ở Cảnh Đức Trấn vội hội họp lại bàn bạc, tính chuyện tương lai. Không chỉ tin tức ở Nam Xương Thành, tin tức từ các xứ Hàng Châu, Tô Châu, Dương Châu, … liên tục đưa đến, cũng làm bọn họ lo lắng bất an. Dân chúng vốn không có bao nhiêu tài sản, còn bọn họ đều là đại phú hào, đại thương gia, không thể không lo. Mọi người tùy sự quen biết mà tụ họp thành từng nhóm, bàn tán sôi nổi, thậm chí tranh luận kịch liệt.



Trong lúc những người khác xôn xao bàn luận, Ngũ Quốc Trung, chủ xưởng gốm sứ lớn nhất Cảnh Đức Trấn, vẫn an nhiên nhấm nháp chung trà, thần thái tiêu dao tự tại, chẳng có vẻ gì là lo lắng cả. Thái độ của y trở nên rất nổi bật giữa cảnh mọi người đều lo lắng bất an này. Một người ngồi bên cạnh hiếu kỳ hỏi :



- Ngũ huynh xem ra vẫn tiêu dao tự tại, lẽ nào đã đi trước mọi người một bước ?



Những người xung quanh nghe nói đều quay lại nhìn. Ngũ Quốc Trung lắc đầu nói :



- Không có.



Người kia hỏi :



- Thế sao Ngũ huynh chẳng có vẻ gì là lo lắng hết ?



Ngũ Quốc Trung ung dung tự đắc nói :



- Việc gì phải lo lắng. Chúng ta tuy cũng là đại phú hào, đại thương gia. Nhưng chúng ta khác những vị lão bản ở Tô Châu, Hàng Châu.



Những người khác nhao nhao hỏi :




- Khác như thế nào ?



Ngũ Quốc Trung thủng thẳng nói :



- Chúng ta nắm giữ những loại gốm sứ chất lượng ưu lương nhất. Đó là một lá bùa hộ mệnh quan trọng. Chư vị có thấy khi nào cải triều hoán đại mà chúng ta bị liên lụy hay không ? Miễn sao chúng ta giữ đúng bổn phận của mình, đừng tham gia vào quan trường tranh đoạt thì không việc gì phải lo lắng.



Mọi người ồ lên, đồng thanh khen phải. Triều đại nào cũng cần gốm sứ để sử dụng. Cung đình cần, quan lại cần, phú hào cần. Do vậy mà Cảnh Đức Trấn luôn được các triều đại đặc biệt bảo hộ. Một người vẫn chưa yên tâm, hỏi :



- Chúng ta có cần đưa gia quyến đi tránh nạn không ?



Ngũ Quốc Trung nói :



- Tránh nạn ở đâu bây giờ ? Tứ phía đều binh hoang mã loạn, chạy ra ngoài lúc này, có thể bị giết bất cứ lúc nào. Còn nếu may mắn không bị giết thì cũng sẽ bị tịch thu tất cả mọi thứ, đuổi lên phương bắc, lúc đó lại phải đào củ, lột vỏ cây mà ăn qua ngày, và có thể chết đói bất cứ lúc nào.



Mọi người nghe họ Ngũ nói có lý quá, không ai dám bỏ trấn trốn đi. Cả bọn cũng không còn quá lo lắng cho tương lai, chuyển sang tán tụng họ Ngũ và tiếp tục bàn chuyện làm ăn.



Vài ngày sau, một toán 3.000 kỵ binh kéo đến phong tỏa Cảnh Đức Trấn, không cho ai rời khỏi. Trong đó có 1.000 kỵ binh trực tiếp bao vây Ngự khí hán. Có điều kỵ binh không quấy nhiễu người trong trấn nên mọi người cũng yên tâm chờ đợi.



Mười ngày sau, Phạm Thế Căng rời Nam Xương, đích thân dẫn Bảo Tiệp quân đệ nhị sư, đệ tam sư đến Cảnh Đức Trấn.




Phạm Thế Căng đến nơi, mệnh lệnh truyền xuống, quân đội lập tức tập trung tất cả các nghệ nhân gốm sứ, những người thợ làm việc trong lĩnh vực gốm sứ về một nơi, rồi dù muốn hay không muốn, tất cả đều bị cưỡng chế di cư về phương nam cùng với gia đình. Ai phản kháng, vẫn như mọi khi, trảm toàn gia. Dưới lưỡi đao sáng loáng, hầu như chẳng ai dám kháng cự. Tân gia của bọn họ đã được chuẩn bị sẵn ở Thuận An huyện, phía bắc Gia Định Thành. Giang Phong đã quyết định cho xây dựng nơi đó thành một trung tâm gốm sứ của Đế quốc.



Phạm Thế Căng chỉ cần những nghệ nhân, thợ gốm. Còn chủ xưởng, thương gia, phú hộ, quan viên, nho sĩ, tức những đại nhân vật thì xử lý giống như ở Tô Châu, Hàng Châu, Dương Châu – toàn trảm, gia sản tịch thu. Dân cư ở Cảnh Đức Trấn chỉ được chia thành 2 loại : người làm công (9 phần) và giới chủ (1 phần). Người làm công thì di cư về Thuận An, Gia Định. Giới chủ thì toàn trảm, bởi bọn họ là những người dễ thiên hướng về Minh triều nhất. Đế quốc chỉ cần thợ gốm sứ, không cần chủ xưởng gốm sứ. Các xưởng gốm sứ ở Thuận An hiện tại tuy quy mô không bằng ở Cảnh Đức Trấn, nhưng đó là do thiếu thợ, chứ tay nghề của các nghệ nhân ở đấy cũng chưa chắc thua kém những nghệ nhân ở Cảnh Đức Trấn. Dù sao thì Thái Học Viện lúc nào cũng nghiên cứu các công nghệ mới, mẫu mã mới, rồi đưa ra áp dụng tại các xưởng gốm sứ ở Thuận An. Còn ở Cảnh Đức Trấn thì chỉ nghề truyền nghề, làm theo kinh nghiệm mà thôi. Gốm sứ Chu Đậu thời Trần chất lượng rất tốt, trước khi quân Minh sang thì các nghệ nhân Chu Đậu đều đã di cư đến Thuận An. Chỉ đáng tiếc, nghệ nhân gốm sứ vẫn còn ít quá, không thể mở rộng quy mô, vì thế mà Giang Phong mới nhắm đến Cảnh Đức Trấn.



Sau khi xử lý xong công việc ở Cảnh Đức Trấn, Phạm Thế Căng truyền lệnh : san bằng Cảnh Đức Trấn. Không chỉ có thế, rất nhiều xác người chết, xác động vật chết còn bị ném xuống giếng, hồ, ao, đầm quanh đấy để sau này gây ra ôn dịch, để không ai dám đến đây sinh sống nữa. Phạm Thế Căng quyết định xóa sổ hẳn Cảnh Đức Trấn. Nếu sau này có người xây dựng lại Cảnh Đức Trấn thì khó thể xây dựng ở đây. Mà nếu xây dựng ở nơi khác thì Cảnh Đức Trấn sẽ không còn là Cảnh Đức Trấn nữa.



Đầu tháng chín, tin thắng lợi tới tấp đưa về Soái doanh của Phạm Thế Căng. Đến lúc này, 14 châu phủ ở Quảng Tây (Nam Xương, Trữ Châu, Thụy Châu, Cửu Giang, Nam Đường, Nhiêu Châu, Quảng Tín, Kiến Xương, Phủ Châu, Cát An, Lâm Giang, Viên Châu, Cống Châu, Nam An) và 77 huyện đều đã bị chiếm lĩnh hoàn toàn. Phạm Thế Căng để 2 sư của Bảo Tiệp quân ở lại ổn định tình hình, sau đó đại quân tràn sang vùng nam Hồ Quảng ở phía tây, mục tiêu Động Đình Hồ.



Hồ Quảng là một tỉnh lớn, gồm có 31 châu phủ, 108 huyện. Hồ có nghĩa là cái hồ, ý muốn chỉ Động Đình Hồ; Quảng nghĩa là rộng lớn. Hồ Quảng là đất Kinh Châu xưa, có thể chia thành 3 vùng : vùng nam Động Đình Hồ (tức Hồ Nam), vùng bắc Động Đình Hồ (tức Hồ Bắc), và vùng đông Động Đình Hồ (tức phần phía nam của An Huy, phần phía bắc của An Huy thuộc về Nam trực lệ). Theo chỉ dụ từ Gia Định, bọn Phạm Thế Căng chỉ chiếm lĩnh vùng nam Hồ Quảng, các phần còn lại chủ yếu là cướp phá, xua dân di cư về phương bắc. Dưới sự uy hiếp của Bắc Dương Hạm đội, khu vực hai bên bờ Trường Giang sẽ bị biến thành vùng trắng, không dân cư, trở thành ranh giới tự nhiên với Minh triều, tạo điều kiện cho Đế quốc ổn định khu vực chiếm được ở phía nam.



Sang tháng 10, toàn bộ những vùng phía nam Trường Giang đều đã bị Đế quốc kiểm soát (trong đó có vùng trắng không dân cư ở hai bên bờ Trường Giang). Quảng Tế Pháp sư cũng đã phái quan viên đến cai trị những vùng chiếm được. Theo ý của Giang Phong, những chức vị cấp tỉnh, quận sẽ do người Kinh, Mường, Chiêm đảm nhiệm (trong quan niệm của Giang Phong, người Kinh, Mường, Chiêm đều là người Việt). Còn các chức vị cấp huyện, ở vùng Vân Quý sẽ do người Thái – Lào đảm nhiệm; ở vùng Lưỡng Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, nam Hồ Quảng sẽ do người Lã Tống, Mã Lai, Java đảm nhiệm. Việc trị an cũng do 20 vạn dân binh kiểm soát.



_________________________________________________



Do Vĩnh Lạc đế tập trung quân đội lên phía bắc, phương nam nhanh chóng đổi chủ. Vĩnh Lạc đế nổi giận lôi đình, huy động 100 vạn đại quân nam hạ. Thần Thánh Đế quốc chỉ có thể điều động 30 - 33 vạn chống cự. Với tình hình như thế, theo bà con chiến tranh sẽ diễn ra thế nào theo hướng có lợi cho Đế quốc.