Long Sơn huyện. Giang Phong cùng Quảng Tế Pháp sư và Đinh An Bình đi thị sát Xưởng đóng thuyền ở đây. Khi nhìn thấy chiến hạm mới được đóng, Đinh An Bình vô cùng hưng phấn, kỳ vọng Giang Phong cho đại quy mô trang bị cho các Hạm đội. Giang Phong cau mày suy nghĩ giây lát, rồi hỏi Tổng quản Xưởng đóng thuyền Phạm Phú Chính :



- Tốc độ chiến hạm này có thể đạt đến bao nhiêu ?




Phạm Phú Chính cung kính đáp :



- Hồi bẩm Đại nhân. Chiến hạm sử dụng bánh xe đẩy nước thay cho mái chèo, tốc độ rất khả quan, lại hoạt động ổn định. Nếu 12 bánh xe và 12 cột buồm cùng lúc sử dụng, chiến hạm có thể đạt từ 50 đến 60 dặm một canh giờ. Khi thuận gió sẽ nhanh hơn, còn ngược gió sẽ chậm hơn một chút.



Tốc độ 50 – 60 dặm một canh giờ, tức 10 – 12 kilômét mỗi giờ, như thế là cũng đã khá nhanh so với tình hình thuyền bè đương thời. Nên biết, theo các tư liệu của người Tàu, Trịnh Hòa từ Minh triều kinh đô Kim Lăng (tức Nam Kinh, Giang Tô) khởi hàng vào ngày rằm tháng 6, lần mò trên biển đến hơn 1 năm, đến tận ngày 30 tháng 6 năm sau mới đến được Java. Mà khoảng cách từ Nam Kinh đến Java, theo đường thẳng chỉ có khoảng 4.500 kilômét, mà nếu đi men theo bờ biển thì cũng chỉ vào khoảng 7, 8 nghìn. Thuyền bè của Minh triều lớn thì có lớn thật, nhưng tốc độ thì … hết nói. Họ lại sử dụng buồm mành, không sử dụng vải mà dùng mành ghép bằng những thanh tre, trúc làm buồm. Theo Ibn Battuta (một học giả và là nhà du hành nổi tiếng người Ma Rốc, với các chuyến du hành gọi là ‘Rihla’ trong suốt hơn 30 năm, được coi là một trong những nhà du hành vĩ đại nhất, ‘the greatest travellers’, ngang hàng với Marco Polo, nhưng ông đi đường biển, còn Marco Polo đi đường bộ), người đã đến Trung Quốc vào năm 1347 thì : “Các tàu thuyền Trung Quốc có ba loại : loại thuyền lớn được gọi là thuyền mành, loại trung bình gọi là thuyền buồm và loại nhỏ là kakam (?, không dịch được). Loại lớn có thể có từ 3 đến 12 buồm, được làm từ các thanh tre gắn kết lại như cái mành. Chúng không bao giờ bị hạ xuống, nhưng xoay theo hướng gió; khi bỏ neo thì chúng được thả để tự do xoay theo gió. (…) Một thuyền có thể chở tới cả ngàn người, sáu trăm người trong số đó là các thủy thủ và bốn trăm người được trang bị vũ khí, bao gồm các cung thủ, những người mang mộc và nỏ để bắn các loại tên có lửa.”



Giang Phong không ưa kiểu buồm mành đó, nên các chiến thuyền chiến lợi phẩm đều phải cải trang, sửa chữa lại. Còn đối với bọn Đinh An Bình, chiến thuyền của Minh triều quá yếu ớt, không thể không sửa chữa. Bọn họ đã quen sử dụng thần công đại pháo để chiến đấu, nên trên thuyền chỉ trang bị mộc, nỏ, tên lửa (mũi tên có gắn vật dễ cháy, có thể đốt lửa), trong mắt bọn họ là quá yếu ớt. Nói về thần công đại pháo, người Tàu tôn xưng Hồ Nguyên Trừng (con thứ của Hồ Quý Ly) là ông tổ của súng thần công, nhưng thật ra Hồ Nguyên Trừng chỉ cải tiến súng thần công, còn trước đó nhà Trần đã từng sử dụng súng thần công trong chiến tranh rồi. Sử sách chép rằng, trong khi chống Chiêm Thành, Trần Khát Chân đã phục kích quân Chiêm, dùng súng lớn bắn các chiến thuyền của giặc, vua Chiêm là Chế Bồng Nga trúng đạn chết. Không biết ai là người đầu tiên chế súng thần công ở Đại Việt, nhưng ít nhất là vào thời Trần, quân đội Đại Việt đã sử dụng súng thần công. Còn đến thời Hồ, quân Việt đã có súng lớn do voi mang, súng vừa hai người khiêng và súng nhỏ do một người vác trên vai. Hồ Quý Ly còn cho đúc rất nhiều để chống quân Minh. Chỉ tiếc họ Hồ làm nhiều việc mất lòng dân nên mới thất bại.



Lại nói về Giang Phong, sau khi kiểm tra nội thất tân chiến hạm, Giang Phong hài lòng phán :



- Chiến hạm loại này hãy gọi là Thất Tinh cấp chiến hạm, các Hạm đội sẽ sử dụng làm chủ chiến hạm. Tuần hạm cải thành tuần dương hạm. Vận hạm cải thành đại hình chiến thuyền, quân hạm cải thành trung hình chiến thuyền, chiến hạm cải thành tiểu hình chiến thuyền.




Theo quy định mới này, chỉ từ cấp độ tuần dương hạm trở lên mới được gọi là hạm, còn lại đều là chiến thuyền. Mặc dù nhiều chiến thuyền đã có tải trọng hàng nghìn tấn, lớn hơn nhiều loại chiến hạm thời cận đại. Giang Phong lại bảo Phạm Phú Chính :



- Mở rộng công xưởng sao cho có thể đồng thời đóng 10 chiến hạm. Tập trung nghiên cứu gia tăng tốc độ các chiến hạm. Tổ chức nghiên cứu Lục Tinh cấp chiến hạm. Cần gì cứ thông báo với Chính vụ bộ.



Thị sát xong hết, Giang Phong tạm hài lòng đối với các thành tựu của Xưởng đóng thuyền. Sau khi dặn bảo bọn Phạm Phú Chính những vấn đề cần ưu tiên, Giang Phong cùng Quảng Tế Pháp sư trở về Trường Thanh Cung. Đinh An Bình ở lại lo nhận thuyền hạm và tổ chức lại các Hạm đội. Thật ra mục đích chính của gã khi ở lại đây là muốn đốc thúc Phạm Phú Chính sớm mở rộng công xưởng, để Hải quân của gã sớm nhận được các Thất Tinh cấp chiến hạm.



Trong lúc đó, Giang Phong lại truyền lệnh cho Triệu Phong cất quân tiến chiếm khu vực bán đảo Mã Lai để có thể kiểm soát eo biển Malacca, vốn vẫn được tôn xưng là ‘Hoàng kim hải đạo’, mọi giao thương giữa phương đông và phương tây đều phải đi qua eo biển này.



Triệu Phong dòng dõi tướng gia, tính hiếu chiến đã ăn sâu vào huyết quản. Vừa được lệnh xuất chinh, gã liền liên hệ Hải quân bộ điều động đại lượng thuyền hạm vận chuyển 3 vạn Định Hải quân đến eo biển Malacca. Do Đinh An Bình bận tọa trấn ở Long Sơn, chiến dịch này thủy bộ lưỡng đạo đều do Triệu Phong một mình chỉ huy.



Đến eo biển Malacca, Triệu Phong không cho quân đổ bộ lên bán đảo tiến hành chinh chiến ngay, mà lại đổ bộ lên một hòn đảo ở cuối bán đảo do Giang Phong chỉ định, xây dựng căn cứ ở đó. Bán đảo Mã Lai cách xa Gia Định, hậu cầu cung ứng tốn nhiều thời gian, do đó cần có một căn cứ ngay tại chỗ để tích trữ lương thực vật tư phục vụ cho chiến tranh. Hòn đảo đó, đối với bọn Triệu Phong chỉ là một hòn đảo vô danh, nhưng đối với Giang Phong thì có ấn tượng rất sâu sắc, bởi đó chính là đảo Singapore. Thạch nê, sắt thép, gạch đá đổ lên đó, nhanh chóng xây dựng lên một tòa tiểu thành, được Giang Phong đặt tên là Tân Thành. Nơi này nằm cuối bán đảo Mã Lai, ở giữa eo biển giữa bán đảo với đảo Sumatra, đặt căn cứ hải quân tại đây sẽ có thể kiểm soát được cả eo biển, kiểm soát được ‘Hoàng kim hải đạo’. Cuối mùa xuân năm Bính Tuất (1406), tức 2 năm sau khi thành Malacca thành lập, Tân Thành huyện cũng được thiết lập.




Sau gần hai tháng khẩn trương thi công, Tân Thành cơ bản đã được kiến thiết hoàn tất. Do hiện tại chỉ sử dụng cho mục đích quân sự, Tân Thành chỉ có một vòng thành và vài kiến trúc quan trọng bên trong, còn phố xá và các khu dân cư chưa có, sau này sẽ từ từ xây dựng thêm. Bên trong thành có rất nhiều kho chứa lương thực vật tư. Triệu Phong cũng đặt đại bản doanh tại đấy. Giờ đây đã là bộ trưởng Lục quân bộ, dù có hiếu chiến, gã cũng không thể đích thân ra tiền tuyến xung phong hãm trận như trước kia nữa. Thân là thống soái, phải tập ngồi trong màn trướng mà định việc chiến trường. Gã quyết tâm học tập Giang Phong. Giang Phong ngồi ở Trường Thanh Cung mà định việc thiên hạ.



Khi đã đảm bảo được hậu cần, Định Hải quân để lại 3.000 quân trấn giữ Tân Thành. Số còn lại đều hướng đến Malacca. Tân Thành nằm trên một hòn đảo, chỉ cần 3.000 quân phối hợp với Hạm đội là đủ sức phòng thủ.



Malacca là một thành thị nằm ngay bên bờ biển, là chiến trường lý tưởng cho các hạm thuyền của Hải quân. Tiểu quốc Malacca cũng chỉ mới được thành lập 2 năm, căn cơ chưa vững. Do đó bọn Triệu Phong tấn công mà không gặp nhiều khó khăn.



Các chiến hạm đến ngoài khơi Malacca thì dàn ra dọc theo bờ biển. Đây là phong cách tác chiến quen thuộc của Hạm đội. Hiệu lệnh truyền ra, hiệu kỳ phất phới, các khẩu thần công trên các chiến hạm luân phiên phát xạ. Sau nhiều trận chiến, Hải quân đã rút ra được nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Trong số đó, khi pháo kích, bọn họ sẽ không đồng loạt phát xạ mà chia làm 3 phiên, luân phiên xạ kích. Có như thế, địch quân sẽ thấy đạn pháo bắn tới không ngừng, đạn bay đầy trời, liên miên bất tuyệt. Bọn họ cũng sẽ phải liên tục tránh né đạn pháo, không có thời gian tổ chức phòng ngự.



Gần nghìn khẩu thần công liên tục phát xạ, oanh kích thành Malacca suốt hơn một canh giờ, đến nỗi nòng pháo nóng ran. Trong khi đó, trong thành Malacca, tiếng kêu la vang trời dậy đất, thê thảm vô cùng. Khu vực tường thành hướng ra bờ biển đã bị đạn pháo bắn sụp một đoạn lớn. Nhiều kiến trúc trong thành cũng bị đạn pháo bắn sập. Trong thành khói lửa mịt trời, tiếng kêu la dậy đất. Tiểu vương Malacca cố gắng chỉ huy thủ quân lập lại trật tự trong thành, còn việc phản kích, tạm thời bọn họ chưa nghĩ đến, bởi đối phương đang ở trên thuyền ngoài biển, thủ quân sử dụng cung tên có bắn ra cũng chẳng thể nào bắn đi đến khoảng cách mấy dặm được.