Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.519 (Đinh Dậu, 1417). Mùa đông, tháng 10. Gia Định Thành. Trường Thanh Cung. Văn Nghi Điện.
Theo đúng kế hoạch, buổi triều hội đầu tiên của tháng 10 (đúng ngày sóc, tức ngày mùng 1) cũng là lúc tiếp kiến các phương sứ tiết. Lúc này, sứ tiết của Âu châu chư quốc chỉ mới có sứ tiết của Vương quốc Anh Cách Lan, Vương quốc Tô Cách Lan, Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Ba Lan, Vương quốc Moldavia, Vương quốc Wallachia, Công quốc Palatine, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland và Lĩnh địa giáo quyền Liège là đến nơi. Những sứ đoàn còn lại chưa đến kịp, và Giang Phong cũng không có ý định chờ đợi.
Tùng tùng tùng tùng tùng tùng …
Boong boong boong boong boong boong …
Long Phụng Cổ nổi dồn dập, Cảnh Dương Chung gõ liên hồi, báo hiệu điển lễ bắt đầu. Lúc này thời gian là chính Thìn, tức 8 giờ sáng, tất cả quan viên từ cấp tỉnh trở lên, hoặc tướng lĩnh quân đội từ Lục quân Hiệu úy, Hải quân Đô đốc trở lên đều tề tụ Trường Thanh Cung, tham gia đại điển. Các phương sứ tiết cũng đã tụ tập đông đủ. Bọn họ thuộc vô số dân tộc, tôn giáo, địa vực, y phục hoa lệ rực rỡ, đủ màu đủ kiểu. Ngự Lâm quân, Cấm vệ quân, Túc vệ quân dàn bày nghiêm chỉnh, kiếm kích sáng ngời. Mấy chục vạn người tụ tập trước Văn Nghi Điện mà vô cùng trật tự. Trận dung hùng hậu, khí thế uy nghiêm khiến mọi người ngây ngất, có cảm giác như đang trong mộng. Đặc biệt là các vị Đế vương Trung Hoa. Lần này đất Trung Hoa ngoài Hoàng Đế Đại Tống, còn có thêm Hoàng Đế Đại Hán, Hoàng Đế Đại Đường và Lương vương thân đến tham dự. Trận dung của đại điển vượt hẳn quan niệm ‘vạn quốc lai triều’ của bọn họ. Phải như thế này mới có thể hào xưng là ‘vạn quốc lai triều’. Chứ ở Trung Hoa trước đây, chỉ có vài quốc gia lân cận đến triều cống mà cũng dám xưng ‘vạn quốc lai triều’, thật đáng hổ thẹn.
Đã 19 năm kể từ khi Giang Phong xuyên việt đến đây, đã 10 năm kể từ khi Thần Thánh Đế quốc thành lập, Đế quốc đã phát triển vượt bậc, cường thịnh vô song. Hải quân Đế quốc xuất hiện khắp các đại dương, cờ xí của Đế quốc xuất hiện khắp các lĩnh thổ. Kim tệ của Đế quốc hầu như trở thành tiền tệ chính thức của thế giới (các đồng florin của Âu châu, các kim nguyên bảo của Trung Hoa chẳng còn mấy ai sử dụng nữa, bởi Thần Thánh Đế quốc không chấp nhận nó). Văn minh của Đế quốc lan truyền khắp năm châu bốn biển. Và Giang Phong trở thành ‘thần’ của ức vạn thần dân.
(chú : ngày xưa người phương đông sử dụng hệ tính ‘vạn’ chứ không phải ‘nghìn’ như người phương tây; tức ‘vạn’, rồi vạn vạn là ‘ức’, vạn ức là ‘tỷ’, ‘tỷ’ này tương đương ‘tỷ Anh’, tức ‘triệu triệu’ chứ không phải ‘nghìn triệu’, bằng ‘1000 tỷ Mỹ’; hiện tại ở Trung Hoa, Nhật Bản cũng còn sử dụng; ví dụ ‘100 万’, ‘100 wan’, ‘100 man’ tức là 100 vạn, cũng là 1 triệu).
Sau khi trống đánh chuông rung, đại điển chính thức bắt đầu. Giang Phong vận bạch y bạch bào, ngọc đái ngọc quan, ngự trên kim long ỷ. Quảng Tế Pháp sư dẫn đầu bách quan quỵ phục trước kim giai triều bái, tung hô :
- Thánh hoàng nhân nghĩa anh minh. Vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế.
Giang Phong phán :
- Bình thân.
Chúng triều thần đứng dậy, chia hai hàng đứng hầu hai bên kim giai. Dàn nhạc diễn tấu khúc Gia lạc, ca tụng công đức Thánh hoàng.
“Gia lạc quân tử,
Hiển hiện lệnh đức,
Nghi dân nghi nhân,
Thụ lộc vu thiên,
Bảo hựu mệnh chi,
Tự thiên thân chi.
Can lộc bách phúc,
Tử tôn thiên ức,
Mục mục hoàng hoàng,
Nghi quân nghi vương,
Bất khiên bất vong,
Suất do cựu chương.
Uy nghi ức ức,
Đức âm trật trật,
Vô oán vô ố,
Suất do quần thất,
Thụ phúc vô cương,
Tứ phương chi cương.
Chi cương chi kỷ
Yến cập thần tử,
Vạn bích khanh sĩ,
Mỵ vu thánh hoàng,
Bất giải vu vị,
Dân chi du hý.”
Tạm dịch :
Nhà vua anh tuấn vui tươi
Lại còn đức tốt rạng ngời đẹp thay !
Thích hợp với dân hay quan tước,
Lộc trời vua được hưởng dồi dào
Trời phù hộ, dạy giúp vào
Tự trời hành động biết bao nhiêu lần !
Lộc cầu trăm phúc được liền,
Cháu con thì số ức thiên vô cùng.
Lại tuấn tú khiêm cung tất cả,
Ở ngôi vương hoặc giả chư hầu,
Đều không tội lỗi tí nào,
Noi theo phép tắc dựa vào phép xưa.
Uy nghi thận trọng kín thầm
Đều đều hằng có tiếng tăm tốt lành.
Con cháu không riêng tình ghét oán,
Nhiệm dụng người tài cán cao sâu.
Phúc thì vô hạn dồi dào,
Làm nên giềng mối, trông vào bốn phương.
Thánh hoàng ổn định kỷ cương
Bề tôi nhờ đó mà hòng được an.
Vạn chư hầu và hàng khanh sĩ,
Đều mến thương, tôn kính thánh hoàng,
Chẳng lười chức vị đã dành,
Thì dân chúng được yên lành vui chơi.”
Bài này thuộc thiên Đại nhã của Kinh Thi, nói về đức độ của vua, thích hợp với triều thần bách tính, nên được hưởng lộc trời dồi dào. Trời cũng bảo hộ, giúp đỡ vua trong mọi việc, con cháu đông, tuấn tú và tài giỏi. Vua chăm lo triều chính, ổn định kỷ cương, thì triều thần chư hầu, đều kính mến vua, và bách tính được an cư lạc nghiệp. Đương nhiên nội dung của bài đã được chỉnh sửa lại cho thích hợp với Đế quốc, bởi quy mô của Đế quốc lớn hơn nhà Chu cả nghìn lần.
Tiếp đó, lễ quan cao giọng xướng :
- Truyền bách phương sứ tiết thượng triều kiến giá.
Tiếp đó, các phương sứ tiết theo thứ tự lần lượt nhập điện. Lượt đầu tiên gồm có sứ tiết các Đế quốc như Đại Tống, Đại Hán, Đại Đường, Tấn, Đông Doanh, Mông Cổ. Đó là những chư hầu bậc thứ nhất của Thần Thánh Đế quốc, hiệu xưng Đế. Đông Doanh và Mông Cổ tuy không thống nhất, phiên quốc hoặc hãn quốc rất nhiều, nhưng vẫn có một chính quyền trung ương trên danh nghĩa, nên vẫn được xem là đại quốc. Các vị Hoàng Đế Đại Hán, Đại Đường dù thân cư đế vị, nhưng khi nhập điện thì cũng cảm thấy chấn kinh không sao kể siết. Chính là ‘cư di khí, dưỡng tu thể’. Giang Phong gần 20 năm thân cư cao vị, làm Thánh hoàng, làm thần linh, lẽ nào không thể bồi dưỡng được một điểm khí chất. Hơn nữa, lúc này Giang Phong ngự trên long ỷ ở giữa kim giai. Mà long ỷ với kim giai là trung tâm của toàn đại điện, được thiết kế tam phẩm cửu giai, cùng với bối cảnh kim long cực lớn, tứ bề kim bích huy hoàng, khiến cho sự uy nghiêm của hoàng gia phát huy đến cực độ. Thêm vào đó, Giang Phong từ trên cao nhìn xuống, thần sắc uy nghiêm, dù cho chúng thần linh có lẽ cũng chỉ được thế mà thôi. Người Trung Hoa vốn tin vào ‘hoàng giả chi khí’. Đó có lẽ là ‘hoàng giả chi khí’ chăng ?
Lượt thứ hai gồm các vương quốc nhỏ hơn, dẫn đầu là Hạ, Lương, rồi đến các vương quốc Kim (bắc Triều Tiên bán đảo), Cao Ly (nam Triều Tiên bán đảo), Anh Cách Lan, Tô Cách Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Moldavia, Đại lĩnh địa Trento – Tyrol, và những tiểu vương quốc lớn các xứ nam Thiên Trúc, A Lạp Bá, Somali. Đó là những chư hầu bậc thứ hai, hiệu xưng Vương.
Lượt thứ ba gồm những tiểu vương quốc trung bình các xứ nam Thiên Trúc, A Lạp Bá, Somali, Phi châu, Mỹ châu, thêm vào đó là một số vương quốc, công quốc ở Âu châu như : Vương quốc Ái Nhĩ Lan, Vương quốc Wallachia, Công quốc Palatine, Công quốc Liechtenstein, Liên minh các Công quốc xứ Nederland và Lĩnh địa giáo quyền Liège. Đó là những chư hầu bậc thứ ba, hiệu xưng Công.
Lượt thứ tư gồm những tiểu quốc và bộ lạc còn lại, được xem là chư hầu bậc bốn, hiệu xưng Hầu, Bá, Tử, Nam. Đấy là những tước vị được Thần Thánh Đế quốc công nhận, đương nhiên vẫn phải thấp hơn trực thần một bậc. Tức là Hoàng Đế Đại Tống, Đại Đường, Mông Cổ, … sẽ có địa vị tương đương tước hiệu Chiêu Đức Vương của Đinh An Bình.
Văn Nghi Điện đã được mở rộng, có thể tổ chức buổi đại triều với 1 vạn người tham gia, nhưng lúc này trở nên chật chội với gần 2 vạn người chen chúc với nhau. Tuy vậy, những người có mặt trong điện cũng vẫn lấy làm hãnh diện, bởi còn có hơn chục vạn người đang phải ở bên ngoài. Các phương sứ tiết cứ theo lượt triều bái, không tiến hành từng người một, bởi có đến cả vạn sứ thần, nếu từng người một hành lễ thì biết bao giờ mới xong.
Sau đó là đến phiên gia miện, thụ phong cho một số vương công. Đầu tiên là Long nhi, gia miện Hoàng đế. Vương quốc Latium được chính thức thăng cấp lên thành Đế quốc Latium. Long nhi quỳ trước kim giai, Giang Phong thân tự đội hoàng quan cho Long nhi. Dàn nhã nhạc trỗi khúc Thăng bình. Lễ quan xướng :
“Tung cao duy nhạc,
Tuấn cực vu thiên,
Tứ quốc vu phiền,
Tứ phương vu tuyên.”
Tạm dịch :
Sừng sững cao chính là ngọn núi
Nhô vút lên thấu đến trời mây.
Cõi bờ các nước bốn phương,
Phô truyền bốn hướng nên vương hóa này.
Tiếp theo là đến lượt Hồng y Giám mục George I de Trento, được gia miện thành Quốc vương. Đại lĩnh địa Trento – Tyrol được thăng cấp lên thành Vương quốc Trento. Giang Phong cũng đích thân gia miện. Lễ quan xướng :
“Điểu tùy loan phượng phi đằng viễn,
Nhân bạn hiền lương phẩm tự cao.”
Tạm dịch :
Chim theo loan phượng bay xa,
Người gần hiền sĩ thanh cao hơn người.
Rồi đến Réne de Anjou được phong là Quốc vương Anjou. Cuộc vận động để nhà Anjou lên nắm quyền ở Pháp Lan Tây vẫn chưa ngã ngũ. Giang Phong trực tiếp tách các lĩnh địa của nhà Anjou ra khỏi Vương quốc Pháp Lan Tây, thành lập Vương quốc Anjou, phong cho Réne làm Quốc vương. Riêng lĩnh địa Bourbon của bé Charles được tách ra thành lập Công quốc Bourbon độc lập. Dù là nước nhỏ, nhưng được Đế quốc Latium hậu thuẫn nên rất vững vàng ổn định.