Tư Dung hành doanh.



Tuy nằm ở nơi hẻo lánh, nhưng giờ đây, Tư Dung hành doanh gần như trở thành một tòa thành trấn. Sau khi dời đại bản doanh đến đây, không những số thủ hạ ở Thánh sơn cũng chuyển đến theo, mà Giang Phong còn cho người ra các xứ Thanh Hóa, Nghệ An chiêu mộ lưu dân và những người nghèo khổ vào đây sinh sống. Vì lấy danh nghĩa mộ dân vào khai phá các xứ Thuận Hóa, để tăng tỷ lệ dân Việt so với dân Chiêm, hoàn toàn phù hợp với chủ trương của triều đình xuyên suốt từ thời Lý đến giờ, nên công việc hoàn toàn thuận lợi, không gặp khó khăn gì. Một số nơi quan lại triều đình còn tạo điều kiện cho việc mộ dân, thậm chí còn hỗ trợ thuyền bè chuyên chở dân vào nam. Thật ra thì các quan chẳng mấy người muốn lưu dân ở lại địa bàn của mình cả, sợ gây bất ổn trị an trong vùng, nên đều muốn đẩy bọn họ đi càng xa càng tốt.




Mỗi hộ gia đình đến định cư đều được Giang Phong cấp cho 1 lượng bạc, 10 đấu gạo, nếu có trẻ con thì được hỗ trợ thêm. Do đó giờ đây Tư Dung hành doanh đã có hơn một nghìn hộ dân, đã có diện mạo của một tòa Đại trấn. Những người này đều trải qua quá trình tuyển chọn rất kỹ lưỡng, ít nhất cũng đảm bảo đều là ‘thuận dân’, tức sẽ không chống lại uy quyền của Giang Phong. Giang Phong không thu nạp hãn dân, bạo dân, nghịch dân, … (trong số di dân vào nam luôn có một bộ phận là tù nhân, bị đi đày), những kẻ có thể phá hoại sự ổn định của hành doanh. Ngoài ra, còn có hơn trăm hộ dân cũng được đưa ra định cư ở đảo Hải Tân, tham gia vào xưởng thủ công đặc biệt mà Giang Phong đã mở ra ở đó. Nhiều thứ hàng hóa có giá trị cao đã được bọn họ làm ra ở đấy. Đương nhiên, những người này đều được hưởng đãi ngộ cao hơn những người khác, và lòng trung thành cũng được đảm bảo.



Đi dạo dọc theo con đường chính trong hành doanh, quan sát quang cảnh phố xá cùng sinh hoạt của cư dân, Giang Phong gật đầu hài lòng. Phố thị được Giang Phong đích thân quy hoạch, đường xá rộng rãi, các khu phố vuông vức, chỉnh tề trật tự. Giang Phong còn ra lệnh phải giữ phố xá thật sạch sẽ, ai vi phạm sẽ bị trọng phạt. Do đó mà đường phố không giống như các thành trấn khác đương thời, khắp nơi đều rất sạch sẽ. Giang Phong rất bực bội với việc xả rác trên phố, bôi bẩn trên tường, …



Ở các hoa viên nằm xen lẫn giữa các dãy phố, trẻ con cùng nhau chơi đùa, người già thì tụ họp thành từng nhóm, hoặc chơi cờ, hoặc nói chuyện, … Mọi người khi thấy Giang Phong đều cung kính vái lạy. Đối với bọn họ, Giang Phong thật sự là thần.



Tất cả cư dân trong hành doanh đều làm việc cho Giang Phong, và được trả công rất hậu. So với cuộc sống trước đây, bọn họ hiện giờ sung túc hơn nhiều, nên trông ai nấy cũng đều rất vui vẻ yêu đời. Trong hành doanh có nhiều xưởng thủ công, chuyên sản xuất các mặt hàng thông thường, cung cấp hàng hóa cho các thương đoàn. Các thương đoàn này buôn bán khắp từ nam chí bắc, nam đến tận Chà Và, bắc đến tận Kim Lăng, mang lại rất nhiều tiền của cho Giang Phong. Các thương nhân trong thương đoàn do được chia lợi nhuận của mỗi chuyến đi, nên bọn họ đều trở thành những người giàu có. Các trang viện của bọn họ đều tập trung ở một khu vực, nhà cao cửa rộng, được cư dân gọi là ‘phú thương khu’. Đối với Giang Phong, sĩ nông công thương đều bình đẳng, chỉ phân biệt họ giúp ích được cho Giang Phong hay không mà thôi. Do vậy, tầng lớp giàu có ở đây bao gồm : những thủ hạ thân tín của Giang Phong, như bọn Quảng Tế Pháp sư; các phú thương và một số đặc cấp thợ thủ công (những người chủ trì xưởng thủ công ở đảo Hải Tân). Quảng Tế Pháp sư giờ đây rất giàu có, lão rất cao hứng vì trước đây đã lựa chọn đi theo Giang Phong. Lão cũng là người được Giang Phong tin tưởng nhất.



Thợ thủ công bình thường thì không giàu như thương nhân, nhưng cuộc sống cũng rất thoải mái sung túc, và con em bọn họ đều được cho học hành đầy đủ. Giang Phong cho mở trường, bắt buộc mọi gia đình đều phải cho trẻ con đến học, đương nhiên miễn phí hoàn toàn. Giang Phong không tiếc chút tiền bạc chi cho giáo dục. Thật ra cũng chỉ tốn công dựng mấy gian nhà lớn, tuyển một số người biết chữ ra làm giáo sư, cũng chẳng tốn kém bao nhiêu. Tối đa mười năm sau, những đứa trẻ đang đi học này đều sẽ trở thành thủ hạ đắc lực của Giang Phong. Thời này học hành cũng không có gì nhiều, chủ yếu biết chữ, biết tính toán, nếu biết làm thơ làm văn thì càng tốt. Việc đó cũng do Quảng Tế Pháp sư phụ trách. Lão không ưa Nho học (pháp sư mà), nên không dạy Nho học và tôn sùng Khổng tử. Theo ý lão, có Giang Phong ở đây, còn đi tôn kính ‘lão người Tàu’ đó làm gì. Trước chủ trương của lão, Giang Phong không có ý kiến gì. Thật ra dạy mọi người trung thành với Giang Phong thì thật quá tốt, quá hợp ý Giang Phong.




Nói đến giáo dục, cũng cần phải nhắc đến việc Giang Phong ‘sáng tạo’ chữ viết. Thật ra thì sau khi đến đây khoảng một năm, Giang Phong học chữ Hán cũng không tiến bộ là mấy, cứ hay quên nét (thời xưa chưa có chữ Hán giản thể, chữ rất nhiều nét). Quá bực bội, Giang Phong liền dạy những người xung quanh sử dụng chữ quốc ngữ là thứ chữ mà Giang Phong rất quen thuộc, để có thể đọc báo cáo dễ dàng hơn. Thứ chữ này chỉ có vài chục chữ cái, theo âm ký tự, đọc làm sao viết như thế, nên rất dễ học dễ nhớ. Bọn Quảng Tế Pháp sư học vài tháng là đã có thể đọc viết dễ dàng. Mọi người gọi thứ chữ đó là ‘Thiên tự’, tức là thứ chữ ở trên trời, bởi Giang Phong vẫn được xem là người trên thượng giới kia mà. Có điều, thời này mọi người quen sử dụng chữ Hán, nên trong ‘Thiên tự’ do Giang Phong ‘sáng tạo’ ra, chỉ có một ít là chữ thuần Việt, còn lại đại bộ phận đều là chữ Hán Việt. Nhưng dù sao thì thứ chữ này dễ học hơn chữ Nôm nhiều, đặc biệt là mọi người dân ai cũng có thể học, và thời gian học cũng sẽ không quá lâu.



Để đào tạo thủ hạ tương lai, Giang Phong đã đích thân biên soạn giáo trình cho trường học. Giang Phong không cần thủ hạ chỉ biết ngâm thơ vịnh xướng ca công tụng đức. Các môn được dạy trong trường gồm : Từ ngữ, Ngữ pháp, Viết văn. Sau khi biết viết chữ, viết câu rồi viết văn, sẽ học đến Toán pháp (dạy phép tính toán). Còn môn Đạo đức, chủ yếu dạy tôn kính và trung thành với Giang Phong, thì được dạy xuyên suốt thời gian học. Khi đã học xong các môn đó thì kể như tốt nghiệp Sơ học. Những môn này thường chỉ cần học 1 năm là xong, tối đa cũng chỉ 2 năm.



Sau khi tốt nghiệp Sơ học, học sinh sẽ lên học Trung học, và tùy năng khiếu mà sẽ được phân vào các phân khoa khác nhau, học các môn khác nhau. Ví dụ sau này làm thương nhân sẽ học về Hùng biện, Địa lý, Cao cấp toán pháp, Ngoại ngữ (tiếng Hán, tiếng Chiêm, tiếng Chà Và, …); làm thợ thủ công sẽ học Hình họa (thiết kế các vật phẩm), Công nghệ (học tập kinh nghiệm làm việc), sau đó sẽ đến xưởng thực tập, làm học đồ; … Những môn này cũng mới được dạy, cũng chưa biết mất bao nhiêu thời gian mới có thể học xong. Giang Phong còn có ý định mở trường Thái học, để đào tạo chuyên gia, nhưng giờ chưa phải lúc. Trung học vẫn chưa có ai tốt nghiệp kia mà.



Tóm lại, Tư Dung hành doanh đối với cư dân ở đây là xứ sở của hạnh phúc. Đối với mọi người, tương lai tràn đầy hy vọng.



Giang Phong vừa đi dạo vừa quan sát cuộc sống của dân chúng, thầm hài lòng. Quảng Tế Pháp sư đi bên cạnh giới thiệu, dáng vẻ hãnh diện thấy rõ. Chính sự ở đây đều do lão quản lý. Lão là người thân cận Giang Phong nhất, rất hiểu ý tứ của Giang Phong, nên quản lý hành doanh đâu vào đó, không xảy ra sự gì.



Giữa lúc đó, có hộ vệ thân tín đến báo :




- Đại nhân. Đào Anh về đến rồi ạ.



Giang Phong ngạc nhiên. Cả Quảng Tế Pháp sư cũng rất ngạc nhiên, buộc miệng nói :



- Chẳng lẽ mới đó mà đánh nhau xong rồi ư ?



Đào Anh là một trong số những người đã đi theo Giang Phong sớm nhất. Cha của gã tử trận trong lần đánh Chiêm Thành lúc trước, gã cùng mẹ được Giang Phong chọn lựa đưa đến Thánh sơn làm việc, và dần dần đã trở thành thân tín của Giang Phong. Mấy hôm trước, gã được Giang Phong phái đi theo quân đội của triều đình chinh phạt Chiêm Thành, lấy danh nghĩa là người của Phạm Thế Căng đi theo làm hướng đạo. Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, chỉnh đốn triều đình xong, muốn giương uy với bách quan, nên nhân lúc vua Chiêm Thành là La Khải mới mất, con là Ba Đích Lại mới nối nghiệp, liền cử Đỗ Mãn làm Thủy quân Đô tướng, Trần Tùng làm Bộ quân Đô tướng, lĩnh 15 vạn đại quân đi đánh Chiêm Thành. Quân triều đình mới đi qua Hóa Châu chưa được 10 ngày, sao lại quay về rồi. Có việc gì chăng ?