Từ đường cổ được xây trên sườn núi, đi theo thang núi cũng không xa lắm, tuy rằng Trình Sưởng mới xuất viện, nhưng vẫn có thể đi được.
Có rất nhiều người trên đường, người vừa phát sóng trực tiếp cũng ở đó.

Nghe anh ta nói, bên cạnh từ đường cổ có một cái giếng cổ, cựu thủ khoa đại học làm bài xuất sắc đó, rất có thể là do uống nước giếng cổ.
Lần trước Hạ Nguyệt Nam đến đây trái mùa, trước ngày lễ, có rất ít du khách.

Lúc ấy Trình Sưởng nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, có thể xảy ra chuyện bất cứ lúc nào cho nên Hạ Nguyệt Nam không dám ở Tuyên Thành quá lâu, tìm người giữ từ đường hỏi thăm đại khái về cuộc đời của tiền bối rồi về Hàng Châu.
Hôm nay từ đường chật kín người, chủ yếu là học sinh trung học.

Có quá nhiều người tìm người giữ từ đường khai quang bùa thủ khoa, Trình Sưởng không chen vào được.

Vốn định chờ người giữ từ đường tan việc mới tìm ông ta hỏi thăm, không ngờ người dẫn chương trình đi theo lên núi có chút bản lĩnh, giơ máy quay điện thoại di động, chen chúc đến trước bàn của người giữ từ đường và hỏi: “Sư phụ, xin hỏi bùa thủ khoa bán thế nào ạ?”
Địa điểm của họ trở nên nổi tiếng nhờ phát sóng trực tiếp, người giữ từ đường nhìn người dẫn chương trình, còn rất nhiều bình luận trên màn hình di động, hết sức kiên nhẫn: “Không bán bùa thủ khoa, quyên góp từ thiện thì có, quyên góp nhiều ít gì cũng được, chỉ cần có lòng.”
Người dẫn chương trình lại hỏi: “Vậy tôi xin bùa thủ khoa giùm người khác được không?”
“Cũng được, viết tên của người cầu xin lên lá bùa, qua bên kia lạy tượng giống Văn Thù Bồ Tát.

Chẳng phải anh đang phát sóng trực tiếp hay sao, để fans của anh cũng lạy Bồ Tát luôn.

Sau đó anh gửi bùa đi, như câu nói kia, không câu nệ hình thức, chủ yếu là sự thành tâm.”
Người giữ từ đường rất hiểu.
Người dẫn chương trình rất có trách nhiệm, nghe vậy, lần ra ngọn nguồn: “Tại sao giống Văn Thù Bồ Tát, không phải nói rằng nơi này thờ một người lương thiện do Phật đầu thai hay sao?”
Người lương thiện do Bồ Tát nào đầu thai, không ai biết được, chỉ biết họ Trần, người dân quốc sinh ra vào cuối đời nhà Thanh.

Tổ tiên là là dòng họ hiển quý làm ngành y, chữa bệnh cứu đời, cũng buôn bán dược liệu, thời chiến tranh cũng bị xuống dốc, nhưng may mắn là nhiều của cải, cuộc sống coi như giàu có.
Năm ấy địa vị của thương gia đã lên cao, người lương thiện họ Trần là cậu ấm cao quý, tuy sinh ra trong nhung lụa nhưng mắc phải bệnh nan y khi còn trẻ.
“Ông ấy bị bệnh gì?”
“Không rõ lắm, đau xương, nóng, chảy máu, hơi giống bệnh bạch cầu.”
Bệnh bạch cầu rất khó chữa trị, vào thời đó, gần như không có đường sống.


Sau đó người lương thiện họ Trần ngất xỉu vài lần, dân làng đều cho rằng không cứu được.

Nào biết sau khi ông ta tỉnh lại, bệnh không thuốc thang mà vẫn sống gần trăm tuổi, mới qua đời vào thập niên 80 của thế kỷ trước.
“Bệnh của ông ấy đỡ hơn như thế nào?”
“Không biết, dù sao cũng là người có phước đức, trong thời chiến tranh, xung quanh ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng chỗ của ông không có chuyện gì.

Mấy năm bị thiên tai, rất nhiều nơi bị mất mùa, nhưng cánh đồng sau núi kia ——” dân làng giơ tay chỉ phía sau từ đường, “lúa được sản xuất còn nhiều hơn trước.”
“Sau đó dân làng nói, đây là thiện quả có được do gia đình của người lương thiện họ Trần chữa bệnh cứu đời, vì vậy sau khi người lương thiện họ Trần qua đời, dân làng xây từ đường để thờ ông.”
“Về phần vì sao sau này dựng tượng giống Văn Thù Bồ Tát, chẳng phải mấy năm trước có người đậu thủ khoa đại học hay sao.

Dù sao cũng là câu nói kia, không cần câu nệ hình thức.”
Người dẫn chương trình gật đầu.
Hiểu rồi, Văn Thù Bồ Tát dường như được xây cho học sinh và du khách, nhưng quyên góp từ thiện là cho người lương thiện họ Trần và Bồ Tát.

Phỏng chừng người lương thiện họ Trần giống Bồ Tát, lòng dạ rộng lớn, từng giọt nước tích tụ thành biển mênh mông, biết ngôi làng phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch để thịnh vượng, không quan tâm ai chuẩn bị hương khói.
“Nếu anh cảm thấy hứng thú với sự tích của người lương thiện họ Trần, có thể đi đến thị trấn Đồng Lý sau núi để hỏi thăm.

Trong thị trấn có một bà cụ trăm tuổi, là cháu gái của người lương thiện họ Trần, bà rất rõ chuyện của người lương thiện họ Trần.” Người giữ từ đường lại giới thiệu.
Trình Sưởng đứng bên cạnh lắng nghe thật lâu, những gì người giữ từ đường nói tương tự như lần trước Hạ Nguyệt Nam đã hỏi thăm.

Thật vất vả mới nghe được một câu hữu ích, định lập tức đến thị trấn Đồng Lý sau núi, mới bước chân ra khỏi từ đường đã rụt lại.
Không biết người lương thiện họ Trần này có phải là tiền bối của mình hay không, bị bệnh dai dẳng hôn mê vài lần thật ra rất giống mình.
Trình Sưởng thắp nhang cho ông, quyên góp từ thiện, nhắm mắt lại, tĩnh tâm trong từ đường ồn ào người đến người đi, cắm nhang, nghiêm túc lạy ba lạy.
Trời đã về chiều, không có nhiều người trong thị trấn nhỏ.

Tuy nơi này nóng nực, nhưng bởi vì giao thông thuận tiện, lái xe đến Thượng Hải và Hàng Châu chưa đến ba tiếng đồng hồ, du khách không ở lại, cho nên chỉ có một nhà trọ trong thị trấn.

Bởi vì Trình Sưởng muốn hỏi thăm chuyện của người lương thiện họ Trần, đến nhà trọ đặt hai phòng trước —— thân thể hắn không tốt, không lái xe ban đêm được, Hạ Nguyệt Nam không có bằng lái xe, lão hòa thượng…… lão hòa thượng thì thôi đi, bằng lái của ông ta có thể là nhặt được ở ven đường.

Phong tục trong thị trấn rất tốt, con người nhiệt tình, ông chủ nhà trọ nghe nói Trình Sưởng muốn hỏi thăm về người lương thiện họ Trần nên tự mình dẫn họ vào thị trấn.

Thị trấn được xây dọc theo núi, chỉ có một con đường, lát đá xanh, hai bên đều là nhà gỗ, rất có nét riêng, nắng chiều cũng yên tĩnh.

Ông chủ nhà trọ dừng trước một nhà, nói với bà cụ đang nhét miếng độn giày trên ghế gỗ: “Bà Trần, mấy vị du khách này muốn hỏi thăm bà chuyện của ông cụ Trần.”
Gương mặt bà cụ Trần đầy nếp nhăn, trông rất già, nhưng mắt không mờ, tai không điếc, ánh mắt ngập đầy mưa gió của năm tháng, tuy rằng có chút vẩn đục, nhưng thoáng nhìn qua, thật ra có vài phần tỉnh táo quan sát sự biến đổi của cõi đời.
Bà chỉ liếc nhìn, sau đó “Ồ”, cụp mắt, tiếp tục nhét miếng độn giày vào, thong thả nói: “Hỏi thăm chuyện gì?”
Trình Sưởng nói: “Xin chào bà Trần, cháu nghe nói, ông cụ Trần bị bệnh nan y khi còn trẻ, sau đó ông khỏi bệnh như thế nào ạ?”
“Ai biết.” Bà cụ nói, “Hôn mê vài lần, sau đó tốt hơn, nhưng hết bệnh thì bị điên.”
“Vì sao bị điên?”
“Nói rằng đã nhìn thấy mình chết, không trở về được.

Người đang sống sờ sờ, thấy mình chết như thế nào? Không phải bị điên à?” Bà cụ Trần nắm miếng độn giày, cẩn thận suy nghĩ, khi đó bà còn nhỏ, không nhớ rõ lắm, “Ông ấy là chú ruột của tôi, hai ba năm như vậy, ông ấy không để ý người khác, chỉ có tôi ở bên cạnh ông.”
Trình Sưởng im lặng rồi hỏi: “Ông có từng đề cập đến…… một thế giới khác với bà hay không?”
Bà cụ Trần nghe vậy, tay đang cầm kim chậm rãi ngừng lại, bà ngẩng đầu, nhìn ba người trước mặt một vòng, cuối cùng nhìn vào Trình Sưởng, một lúc lâu mới lắc đầu: “Không có.”
Trình Sưởng hơi thất vọng, đang định hỏi vấn đề khác thì nghe bà cụ Trần từ từ nói: “Chú của tôi cả đời không cưới vợ, không sinh con, đến một mình, đi một mình, đến phút cuối cùng, dân làng cùng nhau đưa tiễn ông.

Ông đẹp trai, tuy rằng bị điên, nhưng luôn có rất nhiều cô gái thích ông.

Lúc còn trẻ, tôi từng hỏi ông vì sao không cưới vợ sinh con, nhưng ông chỉ im lặng.

Mãi cho đến sau này, ông già rồi, mới nói với tôi ông đã cưới vợ, nhưng vợ ông mất sớm, âm dương cách biệt, nếu không ông đã đi tìm bà từ lâu.

Những năm đó tôi luôn ở với ông, đừng nói cưới vợ, tôi chưa từng thấy ông thân mật với cô gái nào, ông nói ông đã cưới vợ, tôi vốn cho rằng đó là một câu nói khùng điên, sau đó……”
Bà cụ Trần dừng một chút, “Ông qua đời, để lại một quyển nhật ký.

Tôi không biết chữ, cho nên không đọc, chỉ có lần thật sự nhớ ông, tôi đã tìm người biết chữ trong thị trấn đọc cuốn nhật ký cho tôi nghe.


Trong đó có một đoạn, đến giờ tôi vẫn nhớ rõ, ‘Suốt hai kiếp, hứa với vợ một kiếp khác, thêm ba năm nữa, ân ái không thể nghi ngờ.

Vợ qua đời, túc trực bên linh cữu cho đến khi tan thành tro bụi, trở về kiếp này.

Chỉ còn một mình, không muốn kết hôn nữa.

Nếu có biện pháp trọn vẹn đôi đường, ước gì……‘”
Bà cụ Trần không nhớ rõ ước chuyện gì, chỉ nói, “Không biết anh nói đến một thế giới khác, có phải là kiếp khác trong nhật ký của chú tôi hay không.”
Trình Sưởng hỏi: “Ông nói ông đang tìm một biện pháp trọn vẹn đôi đường hay sao?”
Bà cụ Trần lắc đầu.
Có lẽ được viết trong nhật ký, nhưng bà không biết chữ, không nhớ rõ lắm.
Hạ Nguyệt Nam hỏi: “Cuốn nhật ký còn không? Có thể cho tụi cháu mượn xem không?”
Bà cụ Trần không nói chuyện, ông chủ nhà trọ trả lời: “Còn, ở trong ngăn tủ trước bàn thờ Phật trong từ đường.” Ông nhìn đồng hồ, mới bốn giờ, “Bây giờ trong từ đường cổ có nhiều du khách, đợi chút đi, đến hơn 6 giờ, ông Trương tan việc, tôi sẽ kêu ông ấy cầm cuốn nhật ký tới cho các anh xem.”
Ông Trương là người giữ từ đường cổ.
Ông chủ nhà trọ nói xong, lấy di động ra, gửi một tin nhắn WeChat cho ông Trương.
Chuyến đi này thuận lợi ngoài dự kiến, suốt đường hỏi thăm sự tích người lương thiện họ Trần hầu như không gặp trở ngại nào.

Bây giờ còn hơn ba tiếng đồng hồ, lão hòa thượng cầm giấy chứng nhận là nhà sư đi đến ngôi miếu nhỏ trong thị trấn để treo đơn, Hạ Nguyệt Nam đi cùng ông.
Lão hòa thượng này, tuy rằng nhìn không đứng đắn, trên thực tế là người có chứng chỉ.

Thật vất vả mới được đi ra khỏi núi sâu rừng già, đương nhiên muốn có chút thành tích.

Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu là chùa lớn, ông không xếp vào được.

Nghe nói thị trấn Đồng Lý cũng có miếu, treo cái đơn, tham gia chút nghi thức, coi như đã truyền đạo nhận Phật tâm, đương nhiên, ông không kiêng được thức ăn mặn, không kiêng được điều hòa, chút nữa còn ở nhà trọ.
Hạ Nguyệt Nam và lão hòa thượng rời đi, còn lại một mình Trình Sưởng, không biết phải đi theo ai, bà cụ Trần tốt bụng chỉ ghế gỗ bên cạnh nói: “Ngồi đi.”
Trình Sưởng cảm ơn, ngồi một lát, đứng dậy đi qua quầy bán quà vặt mua chai nước khoáng, hắn ngồi dưới ánh nắng nhàn nhạt, cầm chai nước khoáng, uống từng ngụm, chỉ trong chốc lát, trán và lòng bàn tay đều ra mồ hôi.
Sau đó hắn đứng dậy, lại đi mua một chai nước khoáng nữa.
Bà cụ Trần liếc nhìn Trình Sưởng, đột nhiên nói: “Chàng trai trẻ, trông anh không được tốt lắm.”
Trình Sưởng sửng sốt, không che giấu: “Dạ.”
“Tôi nhớ năm đó chú tôi giống như anh một thời gian.” Bà cụ Trần lại nói.
Trình Sưởng im lặng một lúc mới “Dạ”.

Thật ra kết quả giám định tâm thần của hắn không lạc quan, thể hiện xu hướng trầm cảm từ trung bình đến nặng, nhưng không tính là thật sự bị trầm cảm, rất nhiều người bị chia cắt khỏi người thân đều như vậy, Trình Sưởng hơi nghiêm trọng một chút.
Bác sĩ khoa tâm thần vốn không đề nghị Trình Sưởng xuất viện, nhưng thụ động trị liệu cũng không tốt.

Bệnh nhân cần chủ động thả lỏng, cũng coi như tích cực phối hợp điều trị, vì thế mới đề nghị bác sĩ khoa ngoại tim mạch hoãn lại phẫu thuật cho Trình Sưởng, để hắn xuất viện hai ngày.

Nếu bệnh nhân có tâm trạng tốt hơn, sau này hồi phục cũng dễ dàng.
Trình Sưởng ở trên đường cả ngày, cho nên bề ngoài trông bình thường, tới lúc này, ngồi một mình không có gì làm, trong lòng chậm rãi hiện lên cảm giác trống rỗng vô biên.
Hắn nghĩ, nếu cả đời này không quay lại được thì sao.
A Đinh nên làm gì.
Bây giờ hắn vô cùng hối hận, hắn nên nghe lời Hạ Nguyệt Nam, tìm quan tài nằm vào, lặng lẽ biến mất.
Không phải sợ đau, hắn cảm thấy bản thân không nên ích kỷ đi tìm nàng bởi vì muốn gặp nàng.

Nàng nhìn thấy hắn hóa thành tro tàn, nhất định rất đau lòng.
Hắn không muốn làm nàng buồn.
Trình Sưởng uống liên tiếp bốn chai nước khoáng, đến gần hết, bàn tay cầm chai hơi run.

Trong lúc đó, một cô gái mặc váy dài màu đỏ đi ngang qua đầu ngõ, Trình Sưởng lập tức đứng dậy đuổi theo, chạy vài bước mới thấy rõ hóa ra là một nữ sinh mặc Hán phục.

Khi hắn quay trở lại ngồi xuống, áo đã ướt đẫm mồ hôi.
Tình trạng này thật sự rất tồi tệ.
Trình Sưởng không để mình tiếp tục như vậy, thấy lão hòa thượng và Hạ Nguyệt Nam vẫn chưa trở về, hắn chào tạm biệt bà cụ Trần, quay lại nhà trọ tắm rửa, thay quần áo sạch, ép mình ăn bữa tối, sau đó nằm lên giường nhắm mắt nghỉ ngơi.
Khi hắn mở mắt, trời đã tối, ngoài cửa có tiếng gõ cửa, lão hòa thượng và Hạ Nguyệt Nam không những cùng nhau trở lại, còn mang về quyển nhật ký của người lương thiện họ Trần.
Cuốn nhật ký chỉ có mười mấy trang, nội dung đại khái giống như bà cụ Trần đã nói, chỉ thêm một câu “Hết bệnh máu mà không cần thuốc chữa là vì hoàng hôn”, Trình Sưởng không biết hoàng hôn là ám chỉ cái gì, là di chuyển qua lại giữa thời gian và không gian vào lúc hoàng hôn hay sao? Vậy tại sao bệnh tim bẩm sinh của hắn không lành?
Trang cuối cùng của nhật ký viết đoạn mà bà cụ Trần đã nói, “Suốt hai kiếp, hứa với vợ một kiếp khác, thêm ba năm nữa, ân ái không thể nghi ngờ.

Vợ qua đời, túc trực bên linh cữu cho đến khi tan thành tro bụi, trở về kiếp này.

Chỉ còn một mình, không muốn kết hôn nữa.

Nếu có biện pháp trọn vẹn đôi đường, ước gì được trở về kiếp khác, canh giữ sự sinh tử của cô ấy, ở bên cô ấy, đến chết cũng không thay đổi”.
Lão hòa thượng chỉ vào dòng cuối cùng của nhật ký: “Đây là cái gì?”
Dòng cuối cùng giống chữ Tiểu Triện, Trình Sưởng không hiểu lắm, nhưng đại khái có thể đoán được dòng chữ Tiểu Triện hẳn là chữ mà người lương thiện họ Trần sử dụng trong thế giới khác, giống như chữ mà hắn sử dụng ở Đại Tuy không hoàn toàn giống với chữ giản thể hiện đại..