Trong lòng Nhị ca, tôi chính là chúa tể của núi Bắc Lăng.

Những chú chim cùng tuổi, không ai mổ thắng được tôi.

Tôi tò mò đẩy đẩy đám lông trắng, hồ ly ở trước mặt run rẩy, đôi mắt như ao nước mùa xuân, nước mắt long lanh đọng lại trên khóe mi, quanh mắt thì đỏ ửng, trông càng lộ vẻ đáng thương.

Tôi thoáng thấy trên người nàng còn sót lại dấu chân giẫm lên màu đen có hình năm cánh hoa mai, lập tức hiểu ngay nàng là con hồ ly bị bắt nạt.

A cha đã nhậm chức trên Thiên đình, xưa nay tôi là do Nhị ca một tay nuôi lớn, chuyện trên đời cũng là Nhị ca tự nói với tôi.

Là chị đại của núi Bắc Lăng sát bên tộc Cửu Vĩ Hồ, tôi đã thấy không ít hồ ly, nhưng hồ ly có thể lọt vào trong gùi do Nhị ca tự tay làm cho tôi, tôi là lần đầu thấy.

Hồ ly lông trắng ở trước mặt tôi, đôi mắt ngập nước lại vẫn còn đang rơi lệ.

Tôi nhìn trái nhìn phải, nhìn nàng cả buổi, cuối cùng mới vênh mặt ưỡn ngực, thái độ hung hăng, nói: "Chiếp chiếp chiếp!"
Tất nhiên là hồ ly chẳng hiểu tôi nói gì.

Nàng rúm người lại trốn ở trong góc của cái gùi, còn cái đuôi thì co cụm, trông như thể sợ tôi phát hiện ra nàng chỉ có một đuôi.

Thế nhưng gùi cũng chỉ lớn bằng cái bàn tay, nàng có trốn cũng không trốn được xa.

Nhị ca vẫn còn đi lên núi, anh mặc áo vải bình dân, trông y hệt một người bình thường, trên đầu quấn băng đen.


Tới một chỗ nọ, anh đưa tay lên một cành cây, hái quả dâu xuống, ném vào trong gùi, anh vừa hái dâu, vừa quở trách tôi:"A Cửu, em đừng hung dữ với nàng.

Nhị ca cũng chỉ là nhìn thấy hồ ly đáng thương, thoa chút thuốc trị thương cho nàng mà thôi.

Nếu như em không thích nàng, đợi vài ngày để nàng nghỉ ngơi cho lại sức ở Bắc Lăng, rồi đưa nàng về lại Thanh Uông là được."
Tôi nhìn hồ ly, hồ ly lông trắng run run, nhắm mắt lại, hai hàng nước mắt trong veo chảy xuống.

Nhị ca cõng chúng tôi trở về núi Bắc Lăng.

Khi xuống núi, từ xa đã thấy có tiên sứ của thiên binh núi Côn Du đang đợi chúng tôi.

Y mang theo một cái túi càn khôn, bỏ quả dâu mà Nhị ca đưa cho vào trong đó, lại trao tận tay cho tiên sứ khác chuẩn bị lên Thiên đình, nhiều lần truyền thế này mới tới được tay của cha tôi.

Tiên sứ đó gật đầu với Nhị ca tôi, nhìn tôi đang ở trong gùi chen lấn với một con hồ ly lông trắng, mỉm cười với Nhị ca: "Tiên quân thật có nhã hứng, nuôi một con hồ ly bình thường thế này."
Hồ ly khóc lâu rồi, có lẽ là mệt mỏi, đã sớm co rúc, ngủ rồi.

Nàng nhắm mắt nhưng vẫn còn thấy đỏ hồng, lông mi vẫn còn ẩm ướt.

Nhị ca cũng không có ý định nhận nuôi nàng.

Dù gì cũng chỉ là một con hồ ly tầm thường chạy lung tung khắp nơi, nếu mà ở lại trong tộc Chu Tước, ngay sát núi Thanh Uông trong truyền thuyết được linh khí của trời đất thai nghén ra tộc Cửu Vĩ Hồ, quả là quá thấp kém.


Nhị ca cười chắp tay với y, lắc đầu bảo: "Làm tiên sứ chê cười, hồ ly này chẳng qua là tôi tiện tay nhặt, nhìn thấy nàng có thương tích, cho nên thoa chút thuốc cho nàng.

Chờ vài ngày, sẽ thả về Thanh Uông."
Nụ cười đã hiểu xuất hiện trên gương mặt sáng sủa của tiên sứ, ừ một tiếng, lại gật đầu với Nhị ca, cười khẽ: "Thế cũng phải.

Hồ ly bình thường không thể so được với tộc Cửu Vĩ Thiên Hồ, muốn tu được thiên đạo, quả là đã khó càng thêm khó.

Nếu tiên quân nuôi một con hồ ly như thế này trong phủ, không có đạo hạnh, e là không sống được mấy năm."
Nhị ca suy nghĩ trong chốc lát, anh cười với tiên sứ, như gió xuân ấm áp nói: "Tiên sứ nói đúng, tôi chỉ là thấy nàng đáng thương không cha không mẹ, lại là hồ ly bình thường sinh ra ở Thanh Uông chịu đủ bắt nạt.

Nhưng tất cả điều đó cũng chỉ là vận mệnh, con người không thể thay đổi được."
Tôi nhìn hồ ly.

Rõ ràng là hồ ly đang ngủ, co rút thành vón như quả cầu lông, nhưng từ khóe mắt giấu ở sau chân trước của nàng lại chầm chậm chảy ra một giọt nước.

Tôi hơi ngạc nhiên, tôi ngạc nhiên là vì sao hồ ly ngủ rồi mà vẫn có thể rơi nước mắt được.

Trong lúc tôi vẫn còn đang lấy làm lạ, có một cái tay duỗi tới trên đỉnh đầu tôi, nhấc nắp mây che hờ của cái gùi.

Tiên sứ cúi đầu, nhìn tôi ấm áp, không hề ngó tới hồ ly ở bên cạnh dù chỉ một lần, y đưa tay, muốn sờ đầu tôi, trong giọng điệu chứa ý cười: "Tướng quân Trọng Đế ở Thiên đình luôn mãi nhắc tới đứa con gái này với các bạn tiên, không biết vài năm sau, tướng quân Trọng Đế sẽ đưa nàng tới phái tiên nào để tu hành rèn luyện?"
Tiên sứ này có một gương mặt thân thiện, đường nét dịu dàng, chứa đầy vẻ thương dân, giọng điệu nói chuyện cũng nhẹ nhàng.


Tôi co lại né sang một bên, thậm chí còn vàng thật không sợ thử lửa, mổ tay của y.

Tiên sứ sửng sốt, Nhị ca cười với y, nói: "A Cửu chính là như vậy, chẳng sợ gì, hay gây chuyện, nhìn thấy ai thì mổ người đó."
Vừa nãy biểu cảm của tiên sứ có hơi cứng đờ, giờ nghe Nhị ca nói như thế, cũng đã bình tĩnh lại, nói: "Tính cách hoạt bát cũng coi như là chuyện tốt."
Tôi ngoi cái đầu lông trắng lên nhìn y, Nhị ca đưa tay đóng nắp mây lại, nói với tiên sứ: "Vậy coi như làm phiền tiên sứ rồi."
Hồ ly chỉ nán lại Bắc Lăng chúng tôi ba bốn ngày.

Trước đó Nhị ca chỉ là nhất thời xúc động, quan tâm chuyện vặt vãnh, nhặt hồ ly về xong, hôm sau tỉnh táo lại, tự cảm thấy số trời đã định, giao nàng cho đám nữ tì của quý phủ, không hề hỏi thăm gì, bản thân mình thì đi xa nhà.

Hồ ly vừa gầy lại vừa nhỏ, đôi mắt lúc nào cũng ánh lên tia dè dặt.

Tôi rảnh rỗi chơi đùa trong phủ, mổ tảng đá cho vui, nghe thấy nữ tì ở gần đấy thỉnh thoảng nhắc tới hồ ly, bảo rằng đây là con hồ ly tầm thường đến không thể tầm thường hơn, so với hồ ly của núi Thanh Uông sát bên, không có tí nào giống nhau.

Hồ ly Thanh Uông nhà người ta là trời sinh có chín đuôi, thanh lịch thận trọng, dáng điệu đoan trang, còn con hồ ly này chỉ có một đuôi, là một con súc vật bình thường thấp kém.

Loại hồ ly này nếu giống như trước kia thì ngay cả cửa núi của Bắc Lăng cũng không đặt chân tới được.

Một đám nữ tì tụ tập một chỗ khua môi múa mép nói chuyện không đâu, tôi nghe xong không vui.

Tôi cảm thấy hồ ly có đôi mắt sáng lấp lánh, lông cũng nhẵn bóng mềm mại, tôi thực sự không thấy nàng và những con hồ chín đuôi ở Thanh Uông có gì khác nhau, chẳng lẽ chỉ vì nàng thiếu tám cái đuôi, cho nên tất cả mọi người đều xem thường nàng như vậy sao?
Tôi không tài nào hiểu được.

Hồ ly chỉ ở trong phủ ba ngày.

Giữa trưa ngày thứ ba, chân sau của nàng còn hơi cà nhắc nhưng vẫn vung cái đuôi màu trắng, đạp bước rời khỏi cửa núi Bắc Lăng.

Những suy nghĩ đó cũng chỉ là bộc phát nhất thời, đối với một con Chu Tước mới có một hai tuổi, ngay cả Nhị ca đi đâu tôi cũng chẳng thèm để ý, huống hồ là một con hồ ly không có quen biết gì?

Khi ấy tôi lén chuồn ra khỏi cửa núi Bắc Lăng để đi chơi, vô tình gặp thoáng qua hồ ly.

Tôi đặt móng vuốt lên tảng đá, nhìn hồ ly đi ngang qua.

Nàng cúi gằm mặt, mũi đen ẩm ướt, đuôi có hơi run, đi về phía núi Thanh Uông.

Nữ tì của quý phủ sẽ không dám đuổi hồ ly đi, nhưng hồ ly tự hiểu rằng mình không thể ở lại quá lâu, miễn cho người ta chán ghét.

Nàng là một hồ ly có cốt cách, suốt đoạn đường từ cửa núi Bắc Lăng tới chỗ không còn nhìn thấy cửa núi nữa, vẫn không quay đầu lại một lần nào.

Tôi đứng trên mặt đất, qua lá cây trong bụi cỏ, âm thầm quan sát mọi cử động của hồ ly.

Chỉ còn vài bước nữa là đến lãnh thổ của núi Thanh Uông.

Hồ ly đi chậm rãi tới núi Thanh Uông, bước chân của nàng rất nhẹ như quá sức, đầu gục xuống, không biết đang nghĩ gì.

Còn một bước cuối cùng, nàng dừng lại.

Trước mặt chính là ranh giới của núi Thanh Uông, núi xanh nước biếc, chim hót hoa nở.

Hồ ly do dự đứng ở nơi đó, giơ một chân lên, chần chờ.

Đợi một hồi, cuối cùng nàng cũng từ từ quay đầu lại.

Nàng nhìn một cái, rồi cúi đầu, giống như là đã hạ quyết tâm, nhảy vào rừng núi Thanh Uông, không bao giờ gặp nữa..