Thần đêm vén mở bức màn the, thu đi tất cả những áng mây chiều, để lại mặt đất một màu đen mịt mờ và vẻ hiu quạnh vô biên.

Nhật Nguyệt sơn trang bị bóng đêm nuốt chửng, ngoại trừ từ xa thỉnh thoảng vang lại tiếng gió tùng và tiếng trúc ngân, còn thì yên lặng như tờ, mọi cảnh vật hoàn toàn chìm trong cõi chết.

Vài cánh sao thưa lấp lánh giữa trời cao như điểm trang cho một cái gì đó, và cũng lại như nguýt nhìn nhau một cách tinh nghịch...

Bách Lý Hùng Phong nằm ngửa trên giường, mãi trăn trở không sao ngủ được. Nỗi suy tư rối rắm và phức tạp cứ mãi quấn lấy chàng.

- Ôi!

Chàng chong mắt nhìn một con nhện đang treo lơ lửng trên góc tường mà buông tiếng thở dài thầm nghĩ:

“Con người sống trên trần đời thật ra là vì cái gì? Cũng giống như con nhện này đang mải miết nhả tơ đan lưới để giăng để bắt côn trùng mà duy trì sự sống ư?”

Những cái gì đã xảy ra ban ngày lần lượt lướt qua trí não chàng. Chàng nghĩ đến Tuyệt Trần Cư Sĩ bình nhật kiên cường hào phóng đã vì cái chết của đứa con trai lưu lạc mà tuôn chảy biết bao nhiêu là nước mắt.

Tình phụ tử thiêng liêng đã lộ rõ trên người lão nhân ấy. Đành rằng ông cũng đã từng vì đứa con ngỗ nghịch ấy mà trục xuất khỏi gia môn, song ông vẫn không thể nào xua đuổi được tình cảm thiêng liêng ấy ra khỏi cõi lòng.

“Bất luận người nào cũng không thể dẹp bỏ được tình cảm thiêng liêng ấy!”

Chàng thầm nghĩ:

“Đây vốn là một thế giới đầy tình cảm. Và cũng chính vì con người có tình cảm nên mới phải buồn phiền, mới già nua. Bởi lẽ bản thân của cuộc sống cũng chính là một gánh vác đau khổ”.

Bao nỗi suy tư dâng tràn, Bách Lý Hùng Phong chợt nghĩ đến cha mẹ mà chàng chưa được gặp bao giờ. Chàng không có một chút án tượng gì để có thể hình dung được hình mạo của song thân trong trí óc, song chàng vẫn cứ luôn tưởng tượng hình dạng của cha mẹ trong giấc mơ.

Bao nhớ nhung dạt dào tâm trí, càng khiến chàng không ngủ được.

Chàng buông tiếng thở dài não nuột, đưa tay lau nước mắt và ngồi dậy.

Chàng ngước nhìn lên góc tường, con nhện kia vẫn đang miệt mài giăng lưới. Bách Lý Hùng Phong khoác áo vào, mang giầy và nhẹ nhàng đẩy cửa sổ.

Không biết tự bao giờ vầng trăng đã xuất hiện trên trời cao. Ánh trăng nhàn nhạt theo cái đẩy cửa của chàng lẳng lặng lướt vào trong phòng.

Bách Lý Hùng Phong dựa người vào bên cửa sổ, ngước lên nhìn mảnh trăng cong như chiếc thuyền, chàng chợt nhớ đến bài thơ Thủy Điệu Ca Đầu của Tô Đông Pha.

Chàng khe khẽ ngâm:

“Minh nguyệt kỷ thời hữu?

Bá tửu vấn thanh thiên.

Bất tri thiên thượng cung khuyết,

Kim tịch kỷ hà niên...?

Nhân hữu bi hoan ly hợp,

Nguyệt hữu tâm tình viên khuyết,

Thử cố sự nan toàn...?”

Tạm dịch:

“Trăng có tự bao giờ?

Nâng rượu hỏi trời xanh.

Chẳng hay cung điện trên trời,

Nay đã là năm nào...?

Người có vui buồn hợp tan,

Trăng có mờ tỏ tròn khuyết,

Điều ấy từ xưa đến nay khó mà toàn vẹn...”

Một bóng người thong thả tiến tới, dưới ánh trăng nhàn nhạt, vang lên giọng nói thấp trầm của Tuyệt Trần Cư Sĩ :

- Phải Phong nhi đó không? Sao còn chưa ngủ?

Bách Lý Hùng Phong chống tay lên thành cửa sổ, nhảy thót ra ngoài :

- Dạ, Phong nhi đây! Lão nhân gia cũng chưa ngủ ư?

Tuyệt Trần Cư Sĩ buông tiếng thở dài :

- Làm sao mà ngủ cho được?

Bách Lý Hùng Phong thấy rõ nét mặt của Tuyệt Trần Cư Sĩ hết sức tiều tụy. Chàng lắc đầu :

- Lão nhân gia không nên như vậy mà phải...

Tuyệt Trần Cư Sĩ ngửa mặt lên trời, giọng ta thán :

- Bạch Vân Ngạc ta đã từng trải bao gian nguy, chưa bao giờ biết cúi đầu trước mệnh số. Nào ngờ trong lúc tuổi già lại gặp phải một sự đả kích lớn như vậy...

Đoạn cười xót xa và hỏi :

- Khi nãy ngươi ngâm nga cái gì vậy?

- Phong nhi nhất thời cảm xúc nên mới nghĩ tới bài thơ Thủy Điệu Ca Đầu của Tô Thức nên đã ngâm nga vài câu.

- À!

Bạch Vân Ngạc vuốt râu nhẩn nha ngâm:

“Minh nguyệt kỷ thời hữu?

Bá tửu vấn thanh thiên...

...

Nhân hữu bi hoan ly hợp,

Nguyệt hữu tâm tình viên khuyết,

Thử cố sự nan toàn...?”

Đoạn gật gù và cất giọng bùi ngùi tiếp :

- Con người có lúc vui buồn ly hợp, vầng trăng có khi mờ tỏ tròn khuyết, từ xưa đến nay khó mà toàn vẹn. Ôi! Xem ra lão phu đã mấy mươi năm tu vi cũng không bằng được một đứa trẻ con...

Bách Lý Hùng Phong nghiêm chỉnh tiếp lời :

- Phong nhi nghĩ rằng sự biểu lộ của tình thân chính là chỗ quý giá của nhân tính. Là con người ai cũng không thể che giấu được tình cảm trong lòng...

- Hay! Hay!

Tuyệt Trần Cư Sĩ chân thành.

- Lão phu chứng kiến ngươi từ bé đến lớn, luôn với tôn chỉ và đạo lý làm người để dạy dỗ ngươi. Không ngờ ngươi chỉ mới mười bảy tuổi mà đã thấu hiểu được chỗ sâu xa của nhân tính, xem ra trong tương lai cái danh hiệu Thiên Hạ Đệ Nhất hẳn thuộc về ngươi...

Bách Lý Hùng Phong khiêm tốn :

- Tiền bối quá khen, Phong nhi chẳng dám nghĩ như vậy...

Ngưng một chút lại tiếp :

- Phong nhi chỉ cầu xin tiền bối có thể cho biết thân thế thì Phong nhi đã vô vàn cảm kích...

Tuyệt Trần Cư Sĩ thoáng trầm ngâm :

- Thôi được! Lão hòa thượng đã không đến mà ta lại phải xuống núi, vậy ta cho ngươi biết quách cho rồi. Phong nhi, theo ta vào phòng thuốc.

Bách Lý Hùng Phong theo Tuyệt Trần Cư Sĩ Bạch Vân Ngạc đi về phía phòng thuốc mà lòng cực kỳ khích động. Sau khi ngồi yên, chàng với vẻ đầy khao khát đăm đăm mắt nhìn Tuyệt Trần Cư Sĩ.

Bạch Vân Ngạc ôn tồn nói :

- Ngươi không phải nôn nóng, hãy để lão phu thong thả kể lại cho.

Ông ngồi xuống xếp bằng trên bồ đoàn, mi mắt từ từ buông rũ xuống. Dĩ vãng hàng mấy mươi năm trong thoáng chốc như những bức tranh quay cuồng vun vút lướt qua trí óc.

Quả giống như một giấc chiêm bao của Hoàng Lương, khi tỉnh cơn mơ thì râu tóc đã bạc phơ.

- Ôi!

Bạch Vân Ngạc buông tiếng thở dài rồi nói :

- Thế sự vô thường, từ khi tuổi trẻ lão phu đỗ tiến sĩ cho đến nay đã được một giáp tý (sáu mươi năm), trải qua biết bao kinh lịch...

Bách Lý Hùng Phong không thể ngờ tới Tuyệt Trần Cư Sĩ lúc còn trẻ lại là một vị tiến sĩ.

Bạch Vân Ngạc đủng đỉnh tiếp :

- Lão phu lúc mười bảy tuổi sau khi đỗ tiến sĩ trở về cố cư Xuyên Thục. Khi ngang qua Tung Sơn ngước nhìn ngọn núi cao chót vót bỗng nổi hứng khởi du ngoạn nên đã lên xem thắng cảnh trong một đạo quan trên Thiếu Thất phong, ai ngờ vì tránh mưa sấm mà nấp vào một cổ động, đã ngẫu nhiên nhặt được một quyển Thất Ma chân giải cùng một cây Huyết Địch bảy lỗ của Thất Ma Thần Quân thuở xưa...

Ông chợt ngưng lời, ngẩng lên nhìn Bách Lý Hùng Phong rồi tiếp :

- Thất Ma Thần Quân chính là một tuyệt đại cao thủ của Ma Tông hoành hành thiên hạ trong suốt mấy mươi năm mà không hề gặp phải địch thủ. Về sau đã bị Kiếm Thánh Huỳnh Long Thượng Nhân hợp sức với Thanh Thành Luyện Khí Sĩ Diệc Dương Tử giết chết, chẳng hiểu tại sao mà quyển Thất Ma chân giải lại nằm trong cổ động kia để cho lão phu phát hiện.

Ông gượng cười rồi nói tiếp :

- Lẽ ra thì lão phu chỉ vì nhất thời hiếu kỳ mà giở quyển Thất Ma chân giải ra xem, nào ngờ sau đó đã bị say mê nên bắt đầu luyện tập kỳ kỹ ghi chép trên ấy.

Bách Lý Hùng Phong bàng hoàng thầm nghĩ:

“Thì ra môn võ công mà ta tập luyện thảy đều là của quyển Thất Ma chân giải, và còn cây Huyết Địch bảy lỗ...”.

Tuyệt Trần Cư Sĩ vuốt râu và tiếp :

- Vẻn vẹn chỉ trong sáu năm mà lão phu đã luyện thành toàn bộ võ công ghi trên chân giải. Thế là lão phu đã xông pha trên chốn giang hồ... Lúc bấy giờ lão phu vẫn không quên bản sắc của một thư sinh, tay trái cầm Ngọc Cốt Triệp Phiến (quạt xếp nan ngọc), tay phải với một cây Thất Khổng Ma Địch (sáo ma bảy lỗ), trong vòng nửa năm đã gây được danh hiệu Ngọc Phiến Huyết Địch...

Ông buông tiếng thở dài, bỏ mấy nhúm trầm hương vào trong lò rồi lại tiếp :

- Thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua, lão phu đã cưới vợ sinh con, cư ngụ ở phía tây Thanh Thành. Khi ấy Vũ Nội có năm đại cao thủ tà phái, bởi do lão phu do hành sự thiên khích, bản thân võ công lại thuộc Ma Tông đích truyền, do đó đã bị liệt vào Đệ Nhất Cao Thủ tà phái. Kỳ dư năm người kia là Bất Lão Thần Tiên ở Hải Tâm sơn, Hải Thiên song sát ở Tinh Tú Hải, bây giờ họ đã cải xưng là Hải Thiên song kỳ. Ngoài ra còn có độc môn Chưởng giáo gọi là Độc Thần Hữu Linh Linh và lão ma Sài Đạt Mộc ở thung lũng Sài Đạt Mộc (con sông lớn nhất nằm ở mạn tây nam Thanh Hải)...

Ông hít một hơi sâu rồi lại tiếp :

- Mặc dù năm người kia đều không phục lão phu được tôn là thủ lãnh Vũ Nội lục tà, song chúng lại chẳng dám làm gì lão phu bởi vì lão phu có một môn tuyệt kỹ là Ma Diễm Thần Phiên (lửa ma rực trời) chuyên phá cương khí âm hàn của những nhân vật tà đạo...

Bách Lý Hùng Phong thắc mắc hỏi :

- Vậy sao sư phụ... À! Lão tiền bối sao không truyền thụ môn võ công ấy cho Phong nhi?

Bạch Vân Ngạc cười cay đắng :

- Bây giờ ngay cả ta còn không biết thì làm sao mà truyền thụ cho ngươi được chứ?

- Ồ, tại sao vậy?

- Vì lúc đó ta đã gặp sư phụ của ngươi.

- Sư phụ của Phong nhi ư?

Bách Lý Hùng Phong ngạc nhiên hỏi :

- Có phải là Không Không thần tăng chăng?

Tuyệt Trần Cư Sĩ gật đầu :

- Chính là thần tăng Không Không được gọi là Thần Thánh Nhất Tăng lúc bấy giờ.

Ông với giọng dàu dàu tiếp :

- Lão phu đã gặp ông ấy tại Lạc Dương cổ đạo, tỷ thí ba trăm hiệp bên bờ Lạc Thủy. Cuối cùng ngay chiêu thứ ba trăm mười một ta bị bại dưới Tiểu Kim Cương Tản Thủ của ông ấy...

Bách Lý Hùng Phong thắc mắc hỏi :

- Chẳng lẽ lão nhân gia lúc ấy lại không sử dụng môn Ma Địch Ngũ Khuyết để đối phó với ông ấy hay sao?

Tuyệt Trần Cư Sĩ lắc đầu :

- Không Không thần tăng đã luyện thành Đại Thừa Tu Di công của Phật môn, khi ngồi xếp bằng khắp người sẽ được một làn chân khí bao trùm, Ngũ Khuyết Địch Âm không thể nào mê hoặc được tâm trí...

- À! Thì ra sư phụ thấy Ma Địch Ngũ Khuyết không có hiệu quả nên đã đổi dùng Ma Diễm Thần Phiên... kết quả là...

- Kết quả môn Ma Diễm Thần Phiên của ta đã bị lệnh sư phá bỏ.

Ông buông tiếng thở dài rồi tiếp :

- Lúc bấy giờ ông ấy và lão phu đều đã trên bốn mươi, song sự tu dưỡng của ông ấy vượt xa lão phu rất nhiều, quả không hổ là Phật môn đệ nhất cao tăng...

Chưa dứt lời ngoài cửa bỗng vang lên một tràng tiếng cười rổn rảng, âm thanh cuồn cuộn như ngọn sóng xô, chấn động đến độ khiến những cánh cửa sổ kêu lắc rắc.

Bách Lý Hùng Phong biến sắc mặt, cánh tay phải giơ lên, toan trở người phi thân ra ngoài.

Nhưng Tuyệt Trần Cư Sĩ thì lại lộ vẻ mừng rỡ, đưa tay phải ra cản ngăn :

- Hãy khoan, lênh sư đã đến.

- Kha! Kha! Lão cư sĩ lại nói xấu sau lưng người ta nữa hả?

Bách Lý Hùng Phong quay lại nhìn, chỉ thấy một lão hòa thượng đầu trần chân không, mặc chiếc áo cà sa vá chằng vá đụp nghênh ngang bước vào.

Dáng điệu của lão hòa thượng này chớ hề gây sửng sốt cho Bách Lý Hùng Phong, song hai hàng mi dài rũ xuống má lại khiến cho chàng giật thót cả người.

Tuyệt Trần Cư Sĩ mắng :

- Lão trọc thối tha thảnh thơi quá nhỉ! Giao người lại đây rồi thì bỏ đi biệt mười bảy năm, báo hại lão phu...

Không Không thần tăng chắp tay :

- A di đà Phật! Lão tăng xin cảm tạ cư sĩ.

Tuyệt Trần Cư Sĩ ngoảnh lại :

- Phong nhi, sao chưa kiến lễ sư phụ đi?

Bách Lý Hùng Phong vội quỳ xuống :

- Đệ tử Bách Lý Hùng Phong xin khấu kiến sư phụ.

Không Không thần tăng chễm chệ ngồi xuống bồ đoàn nhận lấy một lạy của Bách Lý Hùng Phong. Sau đó liếc nhìn Tuyệt Trần Cư Sĩ rồi nghiêm nghị nói :

- Phong nhi hãy lạy Bạch cư sĩ ba lạy để cảm tạ mười bảy năm nuôi dạy.

Tuyệt Trần Cư Sĩ chưng hửng :

- Lão trọc định mang y đi hả?

Không Không thần tăng tiếp :

- Hãy lạy Bạch cư sĩ ba lạy và gọi là nhị sư phụ.

Bách Lý Hùng Phong quả nhiên đến trước mặt Tuyệt Trần Cư Sĩ quỳ xuống lạy ba lạy và gọi một tiếng sư phụ.

- Ôi!

Tuyệt Trần Cư Sĩ đỡ Bách Lý Hùng Phong dậy và nói :

- Lão phu dưỡng dục ngươi suốt mười bảy năm trời, dẫu sao cũng được sự ưng thuận của lệnh sư, để ngươi trở thành truyền nhân thực thụ của Nhật Nguyệt sơn...

Không Không thần tăng cười rộ :

- Lão cư sĩ định cướp đồ đệ của ta hả? Bây giờ lão nạp lại đổi ý, lão làm gì được nào?

Tuyệt Trần Cư Sĩ bật cười :

- Ha ha! Phong nhi đừng nghe sư phụ nói tầm xàm. Năm xưa lão đã ước định với ta rồi, phải tận hết toàn lực của hai người bồi dưỡng ngươi trở thành một cao thủ tinh thông tuyệt nghệ cả chính lẫn tà, kiêm luôn thần công của cả Phật lẫn Đạo...

Ông dứt tiếng cười và trầm giọng tiếp :

- Lấy sự chém giết để ngăn cản chém giết, đó mới chính là biện pháp căn bản để tạo nên sự bình yên cho giới giang hồ. Lão trọc thấy có đúng không?

Không Không thần tăng lắc đầu :

- Trên giang hồ, mắt đã thấy sắp có một cuộc hỗn loạn. Lão nạp đã kết nhân trước thì ắt phải nhận lấy quả, thật là tội nghiệt quá sâu nặng.

Tuyệt Trần Cư Sĩ ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi :

- Lão từ bên ngoài đến, có biết trên giang hồ có một Thiên Tâm giáo không?

- À! Thì ra lão cũng đã biết rồi ư?

- Biết cái gì?

- Thiên Tâm giáo.

- Sao lại gọi là Thiên Tâm giáo?

Không Không thần tăng cười khẩy :

- Thượng bỉnh thiên tâm, hạ lục nhân tâm (trên nắm giữ lòng trời, dưới tận diệt lòng người), liên lạc cao thủ khắp thiên hạ, chuyên đối địch với các phải võ lâm.

Tuyệt Trần Cư Sĩ mặt lộ sát khí :

- Thiên Tâm giáo chủ là ai?

Không Không thần tăng lắc đầu :

- Không biết...

Ngẫm nghĩ một lát lại tiếp :

- Theo quan sát của lão nạp trong mấy năm nay, dường như là một nữ nhân đến từ Tây Vực...

Tuyệt Trần Cư Sĩ kinh hãi nói :

- Là một nữ nhân đến từ Tây Vực ư?

Không Không thần tăng thở dài :

- Lão đã tu hành những hai ba mươi năm mà vẫn còn nóng nảy như vậy, xem mặt lão sát khí nặng thế này, có phải...

Tuyệt Trần Cư Sĩ trầm giọng :

- Đứa con trai độc nhất của lão phu đã bị Thiên Tâm giáo giết mất.

- A di đà Phật! Bao giờ vậy?

Tuyệt Trần Cư Sĩ buồn bã :

- Mới trưa nay thôi. Hào nhi lúc hấp hối đã nhắc tới bốn người, bọn chúng đều chịu sự chỉ thị của Thiên Tâm giáo...

- A di đà Phật! Lão nạp đã biết rồi, Độc Thần Hữu Linh Linh, Hải Thiên song kỳ ở Tinh Tú Hải.

Tuyệt Trần Cư Sĩ tiếp lời :

- Còn có lão rùa đen ở Hải Tâm sơn nữa.

Không Không thần tăng hạ rèm mi xuống :

- Thật không ngờ! Không ngờ mười bảy năm trước gặp gỡ với chúng một lần trên đại mạc, vậy mà giờ đây chúng đều đầu nhập vào Thiên Tâm giáo cả.

- Khi nãy lão phu cũng đang nói với Phong nhi về việc bên bờ Lạc Thủy của chúng ta, đang định nói xong sự quan hệ của chúng ta thì sẽ cho Phong nhi biết về thân thế.

- Ối! Không được đâu! Không được đâu! Dứt khoát không được.

Bách Lý Hùng Phong chống đối :

- Tại sao lại phải giữ bí mật về thân thế Phong nhi thế này? Chả lẽ nói ra sợ kẻ khác hại Phong nhi, hoặc gia phụ khi xưa làm điều gì...

Không Không thần tăng ngắt lời :

- Thực tình về việc lệnh tôn và lệnh đường bị hại ngay cả lão nạp cũng không rõ lắm, chỉ biết khi xưa thù hận do lệnh song thân gây kết đầy rẫy khắp thiên hạ, kể cả chính tà các phái. Nếu như ngay bây giờ ta cho ngươi biết danh hiệu của song thân thì ngươi sẽ phụ bao tâm lực của ta với cư sĩ.

Bách Lý Hùng Phong vừa nghe song thân đã bi hại, lòng nghe đau nhói, hỏi :

- Vậy phải đến bao giờ mới có thể cho đệ tử biết được chứ?

Không Không thần tăng liền nhìn Tuyệt Trần Cư Sĩ rồi nói :

- Chờ đến khi ngươi học thành võ công của lão nạp rồi đến Hòa Điền (một huyện ở Tân Cương) để lấy kiếm báu và bí quyết của Kiếm Thánh Huỳnh Long Thượng Nhân và Diệc Dương Tử, luyện thành rồi thì ngươi sẽ biết tình hình bị hại của lệnh tôn đường... Theo suy tính của lão nạp, lệnh đường chưa chết và còn có ngày gặp gỡ.

Tuyệt Trần Cư Sĩ chợt hỏi :

- Tình hình nội bộ của Thiên Tâm giáo ra sao, lão trọc có biết được chút nào không?

Không Không thần tăng mắt phóng ra hai đạo thần quang, trầm giọng nói :

- Trụ sở của Thiên Tâm giáo đặt ở đâu, truyền giáo nơi nào, lão nạp thảy đều mù tịt.

Thế nhưng lão nạp biết bên trong chẳng những gồm mấy lão quỷ ở Thanh Hải, mà còn có mấy nhóm đạo tặc hoạt động bí mật trên đại mạc, cùng một số cao nhân vùng Tây Tạng...

Tuyệt Trần Cư Sĩ thở hắt ra :

- Thực lực như vậy phải cần đến sự hợp tác chặt chẽ của lão phu và sư huynh đệ thì mới mong chống lại được. Còn như Thiếu Lâm, Võ Đang các phái, há phải là đối thủ của chúng?

- Võ lâm đại kiếp đã sắp đến rồi!

Không Không thần tăng quay nhìn Bách Lý Hùng Phong :

- Từ nay phải hoàn toàn trông cậy vào Phong nhi thôi.

Tuyệt Trần Cư Sĩ hỏi :

- Các ngươi định đi đâu vậy?

- Lão nạp ở lại đây còn Phong nhi thì đi Tinh Tú Hải một chuyến, y cần phải được tôi luyện, bằng không tương lai khó mà gánh vác nổi đại nhiệm.

Đoạn Không Không thần tăng ho lên một tiếng rồi quay sang Bách Lý Hùng Phong tiếp :

- Phong nhi hãy xuống núi ngay bây giờ, mười ngay sau vào lúc chính ngọ, lão nạp sẽ đợi ngươi tại Sa Thạch Long. À này, đây là năm mươi lạng bạc, hãy cầm lấy mà chi dụng.

Tuyệt Trần Cư Sĩ không vui :

- Sao lại bảo Phong nhi hạ sơn mau như vậy? Đợi đến ngày mai hẵng tính không được sao?

- Ôi!

Không Không thần tăng thở dài rồi nói :

- Hoàn cảnh của mỗi người một khác, chuyến đi này của Phong nhi rất có ích đối với lão nạp.

Bách Lý Hùng Phong vái một lạy. Tuyệt Trần Cư Sĩ nói :

- Phong nhi hãy mang cây Ngọc Cốt Triệp Phiến của ta! Đi đường cẩn thận, chớ làm mất oai phong Nhật Nguyệt sơn...

Trông theo bóng dáng lướt ra ngoài xa của Bách Lý Hùng Phong, Không Không thần tăng trầm giọng nói :

- Vì phải ứng phó với võ lâm kiếp vận, không thể không như vậy...

* * * * *

Với lòng đầy nghi vấn, Bách Lý Hùng Phong từ trong phòng thuốc bước ra, đầu óc chàng quay quắt những lời lẽ của Không Không thần tăng vừa nói khi nãy.

Những cử chỉ lạ lùng và lời lẽ sâu sắc của Không Không thần tăng đã khiến chàng băn khoăn, nhất là việc chỉ trong vòng nửa giờ bắt buộc chàng phải hạ sơn.

Vì vậy, Bách Lý Hùng Phong cứ chau chặt đôi mày, lòng hoang mang không dứt. Chàng rẽ qua trung đường, đến trước linh đường do Tuyệt Trần Cư Sĩ đã lập cho con trai.

Bức chướng màu trắng vây quanh, khói nhang nghi ngút, lúc ấy có một người đang lặng nhìn câu điếu viết trên chướng.

Ánh nến lập lòe, bóng người lay động. Bách Lý Hùng Phong vừa bước vào linh đường, chợt giật mình bởi chiếc bóng lung lay kia. Chàng chững bước quát hỏi :

- Ai đó?

Lời nói vừa thốt ra khỏi miệng chàng mới nhìn rõ người đó chính là Bạch Hiểu Hà, liền nói tiếp :

- À, té ra là Hà muội.

Bạch Hiểu Hà quay lại nhìn Bách Lý Hùng Phong, đôi mắt đờ đẫn mà chẳng nói một lời nào.

Bách Lý Hùng Phong nhướng mày, bước thêm vài bước, ngạc nhiên hỏi :

- Hà muội làm sao vậy?

Lúc đó Bạch Hiểu Hà mới như chợt tỉnh trong mơ, định thần lại nói :

- Phong ca đó à?

Bách Lý Hùng Phong đưa mắt nhìn điếu văn viết trên bạch chướng, chàng chợt hiểu nguyên nhân đã gây cho Bạch Hiểu Hà ngơ ngẩn.

Chàng nghe lòng se thắt, thầm nghĩ:

“Trước nay nàng những nghĩ phụ mẫu mình đã chết nên chẳng có cảm nghĩ gì, nay phụ thân bỗng nhiên sống sót trở về và trong chốc lát lại chết đi, nếu nàng đã biết há chẳng đau lòng lắm ư?”

Bạch Hiểu Hà đứng dậy nói :

- Phong ca đến vừa đúng lúc, tiểu muội có một việc không được rõ cần hỏi Phong ca đây?

Bách Lý Hùng Phong hắng giọng :

- Khuya thế này, tốt hơn là muội nên về phòng ngủ đi, đừng nói gì nữa cả...

Bạch Hiểu Hà lắc đầu :

- Không, Phong ca phải nói rõ cho tiểu muội biết mới được.

Nàng trỏ lên bức bạch chướng đọc :

- Bi lãng tử hồi đầu, dĩ thời vãn hỷ (Đau thương cho đứa con biết hối cải thì đã muộn màng). Hào nhi ký khứ, khởi bất thống tai? (Hào nhi đã ra đi, không đau lòng sao được?) Nàng đọc xong, đăm mắt nhìn Bách Lý Hùng Phong và hỏi :

- Gia gia viết hai câu này là ý nghĩa làm sao?

- Cái đó... chính ngu ca cũng không rõ.

Bạch Hiểu Hà sầm nét mặt :

- Nếu Phong ca không nói rõ thì đừng hòng rời khỏi nơi đây.

- Ồ!

Bách Lý Hùng Phong sững người, nhìn Hiểu Hà ràn rụa nước mắt và mặt đầy hung tợn, chàng lắc đầu :

- Tại sao Hà muội lại làm dữ ngu ca như vậy? Có điều gì thì Hà muội có thể đi hỏi gia gia... Ôi! Tối nay ngu ca phải hạ sơn rồi. Hà muội làm khó ngu ca thì phỏng có ích gì?

Bạch Hiểu Hà giật mình cuống quít :

- Phong ca phải hạ sơn ư?

Bách Lý Hùng Phong chưa kịp trả lời thì ngoài cửa đã vọng vào giọng nói hối hả của Bạch Vân Ngạc :

- Phong nhi hãy thu xếp hành trang mau lên, lão phu đợi ngươi tại linh đường.

Bạch Hiểu Hà nghe tiếng quay lại, chỉ thấy tổ phụ Tuyệt Trần Cư Sĩ không biết tự bao giờ đã lặng lẽ tiến vào và đứng tại cửa linh đường.

- Gia gia...

Bạch Hiểu Hà vừa khóc vừa nhào vào lòng Tuyệt Trần Cư Sĩ.

Bạch Vân Ngạc liếc nhìn bức văn chướng do chính tay mình đã viết, không nén được nước mắt tuôn tràn, khẽ vỗ vào lưng đứa cháu gái đang nức nở trong lòng, dịu dàng nói :

- Ngoan nào, đừng khóc! Ngoan... đừng khóc.

Bách Lý Hùng Phong thờ thẫn nhìn một lúc, nước mắt tuôn lã chã, chàng vội đưa tay lau và bước nhanh ra khỏi linh đường.

Mười mấy năm thân thế bất minh, chàng vốn đã cực kỳ đau khổ. Giờ đây trong lúc đêm hôm khuya khoắt lại bảo chàng phải thu xếp hành trang, rời khỏi nơi chôn giấu biết bao kỷ niệm càng khiến chàng xót xa đến cực độ.

Khi chàng thu xếp xong hành lý thì nước mắt đã nhuộm ướt xiêm y. Chàng đưa mắt nhìn từng chiếc bàn, từng chiếc ghế trong phòng, đoạn ném cái nhìn lần cuối cùng rồi nhẹ nhàng khép cửa lại, đi về phía linh đường.

Tiếng sùi sụt phát ra từ miệng Bạch Hiểu Hà đang bưng mặt quỳ dưới đất. Tuyệt Trần Cư Sĩ cau mày, mắt đỏ hoe đờ đẫn nhìn chiếc quan tài phết dầu ngô đồng bóng loáng.

Ánh nến lập lòe soi trên gương mặt ông, càng làm hằn lên những vết xếp nếp. Cảnh tượng ấy đập vào mắt Bách Lý Hùng Phong, bất giác chàng giật thót người, thầm nghĩ:

“Sư phụ chưa bao giờ có vẻ già yếu như hôm nay, sao bỗng dưng lại già đi hơn ba mươi tuổi thế này? Ôi! Nỗi đau mất con quả như dao cắt lòng...”.

Tuyệt Trần Cư Sĩ buông tiếng thở dài não nuột, cười héo hắt :

- Chiếc áo quan này nguyên để dành cho mình, nào ngờ lại nhường cho Hào nhi. Ôi, có ai hiểu được lòng ta.

Nghe ông nói vậy, Bạch Hiểu Hà lại càng khóc rống lên. Bách Lý Hùng Phong bặm môi :

- Sư phụ! Đồ nhi thu xếp xong rồi.

Tuyệt Trần Cư Sĩ nhìn chàng chòng chọc đoạn giơ tay ra, giữa lòng bàn tay có bốn nén vàng óng ánh :

- Đây là tám mươi lạng vàng, ngươi hãy cầm lấy mà tiêu dùng. Khi nãy ta có bàn với sư phụ ngươi rồi, trong ba mươi năm ngươi khỏi phải trở về đây...

Bách Lý Hùng Phong vừa nhận lấy bốn nén vàng, chợt nghe câu nói sau cùng, chàng sững người :

- Sư phụ...

Tuyệt Trần Cư Sĩ khoát tay :

- Trong võ lâm hiện nay quần ma đang gây rối. Ta và Hà nhi nay mai sẽ tìm kiếm hung thủ giết chết cha nó. Từ đây về sau nếu có duyên chúng ta sẽ gặp nhau trên chốn giang hồ.

Ông liếc nhìn đứa chau gái giờ này đã nín khóc đang ngơ ngác nhìn mình, chậm rãi tiếp :

- Từ lúc ta bị bại trong tay Không Không thần tăng, đã tình cờ gặp một bí kíp đạo gia của Huyền Môn Cư Sĩ để lại trong cổ động phía bắc Thanh Thành, nên đã cải tu đạo gia tâm pháp. Ba mươi năm nay mặc dù ta đã đánh bại năm đại bí môn cao thủ mà giành được danh hiệu Đệ Nhất Kỳ Nhân, song tự hiểu mình là người trong tà môn, giữa chừng chuyển sang luyện tập huyền môn, võ nghệ không được tinh thuần, quyết không thể đảm nhận danh hiệu thiên hạ Đệ Nhất Kỳ Nhân.

Ông thoáng dừng, ra ý bảo Bách Lý Hùng Phong ngồi xuống, đoạn nói tiếp :

- Bởi lẽ khi Không Không thần tăng đem ngươi đến đây, chỉ cần lão phu ban cho phép Thối Cốt và truyền thụ võ nghệ tà môn, chứ không cần huyền môn tâm pháp của lão phu...

Ông hắng giọng rồi tiếp :

- Lúc ấy không hiểu dụng ý của lão muốn bắt đầu từ đường lối tối cao mà đào tạo cho ngươi trở thành một kỳ tài kiêm hết cả Đạo, Phật, Tà trong cả ba môn tuyệt nghệ, dựng nên địa vị thiên hạ độc tôn cho ngươi.

Đôi mắt Bách Lý Hùng Phong chiếu hai luồng sáng lấp lánh, vẻ kiêu hùng oai vũ bỗng hiện trên mặt.

Tuyệt Trần Cư Sĩ chăm chăm nhìn chàng hồi lâu đoạn cất giọng cảm khái :

- Làn sóng sau xô làn sóng trước, thiên hạ mai sau phải trông vào đời các ngươi thôi, quả thật ta đã già rồi...

Nỗi buồn lướt qua ánh mắt, ông ruớn thẳng ngực và tiếp :

- Phong nhi cứ vậy mà ra đi thôi! Ôi! Lẽ ra thì ta định tới sáng mai mới cho ngươi ra đi nhưng lão hòa thượng sư phụ ngươi lại đòi ngươi phải hạ sơn nhân lúc tối trời. Ta nghĩ ngươi đến Đông Hương Cáp có lẽ trời hửng sáng...

Bạch Hiểu Hà nước mắt ràn rụa, ngẩng đầu lên, chong to đôi mắt đỏ quạch, thẫn thờ nhìn Bách Lý Hùng Phong. Bỗng nàng thất thanh nói :

- Phong ca phải hạ sơn thật sao?

Bách Lý Hùng Phong nghe lòng chua xót, cổ họng chàng uất nghẹn không thốt lên lời, chỉ lẳng lặng gật đầu.

Bạch Hiểu Hà bàng hoàng, uể oải cúi đầu xuống lẩm bẩm :

- Phong ca quả thật phải ra đi gấp rút như vậy...

Tuyệt Trần Cư Sĩ xen lời :

- Hai hôm nữa chúng ta phải hạ sơn, rồi thường xuyên gặp nhau trên chốn giang hồ, Hà nhi không nên như vậy...

Ngưng một chút ông chậm rãi nói tiếp :

- Phong nhi càn phải chú ý điểm này, võ lâm hiện nay có rất nhiều nhân sĩ vô danh, dù thân hoài tuyệt kỹ nhưng lại không thích để lộ ra ngoài...

- Đồ nhi hiểu ý sư phụ bảo đồ nhi không được tự mãn, tuyệt đối không được xem thường kẻ khác...

- Ôi!

Tuyệt Trần Cư Sĩ thở dài nhìn chàng một cái thật sâu rồi nói tiếp :

- Nếu chẳng phải lão phu thậm hiểu một người thanh niên là cần phải dấn thân giang hồ để lịch duyệt để tăng thêm kinh nghiệm và trí tuệ chính chắn hơn, thì nhất định tối nay không bảo ngươi hạ sơn...

Đoạn đứng lên, buông một tiếng cười giòn và tiếp :

- Lão phu tuyệt đối không phải là người không màng đến tình lý, Hà nhi, hãy thay gia gia tiễn Phong ca, gia gia phải về phòng ngơi nghỉ...

Bách Lý Hùng Phong nhìn theo bóng dáng mảnh khảnh của Tuyệt Trần Cư Sĩ đi về phía cửa, bất giác mủi lòng, nước mắt trào tuôn, nghẹn ngào nói :

- Sư phụ, đồ nhi xin cáo biệt...

Tuyệt Trần Cư Sĩ vừa bước tới ngạch cửa, người chợt run khẽ bởi tiếng gọi thâm tình ấy, quay lại quát lớn :

- Hừ! Bậc đại trượng phu chỉ khóc một lần lúc chào đời, ngoài ra không bao giờ nhỏ một giọt lệ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tại sao ngươi lại khóc?

Bách Lý Hùng Phong dụi mắt nhìn theo bóng dáng khôi ngô nhưng đã hơi còng của ông già cho đến khi khuất dạng, lẩm bẩm :

- Đại trượng phu lưu huyết bất lưu lệ, thế nhưng ai lại có thể kềm chế được tình cảm của mình? Ai lại không rơi lệ khi xa người thân?

Rồi ly sầu chất ngất tràn ngập trong tâm tư, mãi cho đến khi Bạch Hiểu Hà hai lần lên tiếng gọi, Bách Lý Hùng Phong mới giật mình quay về với thực tại.

Chàng xách hành lý lên nói :

- Hiểu Hà, ngu ca đi nhé!

Bạch Hiểu Hà lau nước mắt, nhỏ giọng nói :

- Gia gia bảo tiểu muội tiễn Phong ca một đoạn đường...

Nhìn gương mặt ngây thơ của Bạch Hiểu Hà, Bách Lý Hùng Phong như nhận thấy có điều gì trong ánh mắt nàng, nhưng lại chẳng hiểu sự thật đó là gì?

Có điều sự bình thản khác thường của nàng lại gây cho Bách Lý Hùng Phong cảm giác chín chắn, chàng khẽ nói :

- Hiểu Hà, muội trưởng thành rồi...

Cơn đột biến ập đến tưởng chừng như một sự đả kích mãnh liệt, đã đưa Bạch Hiểu Hà thoát ra khỏi cái sự ngây thơ của tuổi mười sáu. Nàng liếc mắt nhìn Bách Lý Hùng Phong một cái, giọng nhạt nhẽo nói :

- Mỗi con người đều phải trưởng thành, không phải sao? Cũng như có sinh thì phải có tử, có tương ngộ thì phải có phân ly, không thể nào miễn cưỡng được.

Bách Lý Hùng Phong thấy vị tiểu sư muội mà bình nhật chàng vẫn cho là vô tri, nông cạn và ngây thơ lại nhất thời thốt ra những câu nói đầy triết lý như vậy, nhất thời ngẩn ra quên cả trả lời.

Bạch Hiểu Hà lay chàng một cái nói :

- Phong ca, đi thôi! Bây giờ đã là canh đầu rồi đấy.

Bách Lý Hùng Phong lẳng lặng ném cho nàng một cái nhìn, ra khỏi phòng thuốc đi xuống núi. Bạch Hiểu Hà lẳng lặng theo sau, trên đường đi hai người đều giữ im lặng.

Đi hết một đoạn tam cấp dài, đến một con đường nhỏ, Bách Lý Hùng Phong dừng bước nghiêng người nói :

- Hà muội khỏi cần tiễn đưa nữa, ngu ca xin cáo biệt.

Ánh trăng xuyên qua kẽ lá, lấm chấm soi trên mặt Bạch Hiểu Hà, mắt nàng ngấn lệ long lanh, thấp giọng nói :

- Trước lúc ly biệt, tiểu muội rất mong Phong ca thổi lại một khúc nhạc nữa, chẳng biết bao giờ mới gặp lại được Phong ca...

Bách Lý Hùng Phong rúng động cõi lòng :

- Mà tiểu muội sao lại nói như vậy? Chúng ta sẽ mau chóng gặp lại nhau thôi mà...

Buông tiếng thở dài u uất, Bạch Hiểu Hà lắc đầu nói :

- Dẫu cho chúng ta mau chóng gặp lại nhau, song lúc bấy giờ Phong ca không còn là Phong ca hiện tại, và tiểu muội cũng không còn là tiểu muội của bây giờ.

Nàng ngước mắt lên nhìn mảnh trăng đã bị vỡ vụn bởi cành lá che khuất thấp giọng nói tiếp :

- Ai có thể nghĩ khi chúng ta gặp lại nhau, lúc ấy sẽ ra sao?

Nỗi quyến luyến của một cuộn tơ rối rắm quấn chặt vào trái tim Bách Lý Hùng Phong, trong niềm bâng khuâng, chàng lẳng lặng gặm nhấm lại hai câu thơ:

“Nỗi ly sầu như thể ngọn cỏ xuân,

Càng xa khoảng cách càng xa tấm lòng”.

Nhìn Bách Lý Hùng Phong thờ thẫn, Bạch Hiểu Hà buông tiếng thở dài :

- Ôi! Thôi không thổi sáo nữa, kẻo lại càng tăng thêm phiền muộn.

Đoạn nàng thoáng cau mày nói tiếp :

- Phong ca, trước lúc ra đi tiểu muội xin tặng Phong ca một bài hát để Phong ca ghi khắc trong lòng, mãi không bao giờ quên.

Không chờ Bách Lý Hùng Phong trả lời, nàng đã cất tiếng ngâm:

“Thôi rồi chàng đã ra đi,

Ôm bao thương nhớ khắc ghi đợi chờ.

Chàng đi khắp nẻo sông hồ,

Thiếp đây xin nguyện bóng hình theo nhau.

Khi chàng trong tối âm u,

Thì nào có bóng thiếp hầu cận bên.

Bao giờ chàng dưới nắng hiền,

Bấy giờ mới đúng sở nguyền thiếp đây”.

Trong nỗi đau thương có đượm niềm khích lệ, tưởng chừng như bao sóng nước chập chùng xô vào con tim, đến khi chàng bừng tỉnh thì Bạch Hiểu Hà không còn trước mắt nữa.

Bách Lý Hùng Phong ngẩng lên, một chiếc bóng nhập nhòa đã khuất vào trong rừng.

Đứng thẫn thờ một hồi, chàng nở một nụ cười chua xót, đoạn quay người về hướng bóng núi mờ xa, thấp giọng nói :

- Xin tạm biệt Nhật Nguyệt sơn!

Sau một tiếng thở dài não nuột, chàng quay phắt đi lao nhanh xuống núi.

Bầu trời đầy sao, soi sáng nhạt nhòa cho Bách Lý Hùng Phong tiến về phía chân trời vô biên.

Đi được một quãng khi sao Khai Minh xuất hiện nơi góc trời, Bách Lý Hùng Phong trông thấy từ xa bức bờ tường của Đông Hương Cáp như thể một con thú nằm mọp trên mặt đất.

Chàng thả chậm bước đi trên con cổ đạo, sau một đêm dài bôn ba, người chàng chỉ có dấu vết của sương đêm, chàng chẳng có vẻ gì mệt mỏi cả.

Nhìn ngôi thần miếu nhỏ hoang tàn nằm phía bên phải, chàng trầm ngâm nói :

- Giờ này trời chưa sáng, chi bằng ta vào trong ngôi miếu này nghỉ ngơi một lát, chờ trời sáng cửa thành mở rồi hẵng hay.

Chàng liền rẽ vào, chầm chậm tiến tới trước cửa ngôi miếu.

Dưới ánh trăng nhập nhòa, Bách Lý Hùng Phong trông thấy miếu có treo một tấm biển đã nhạt mờ và bám đầy bụi, chứng tỏ ngôi miếu này đã được bỏ hoang từ lâu.

Chàng xô mở cánh cửa cơ hồ mục nát, bước vào trong miếu, mùi ẩm mốc lập tức ập vào mũi, theo bước chân chàng, ánh sáng nhàn nhạt theo sau chàng lùa vào đại điện.

Bách Lý Hùng Phong chau mày ngẩng lên trông thấy có viết bốn chữ Lưu Thị Tông Từ (đền thờ dòng họ Lưu).

Mấy mươi đài vị sắp trên bàn thờ bụi bám nhện giăng bởi từ lâu không có người quét dọn, trên bàn thờ cũng tích tụ một lớp bụi dầy.

Bách Lý Hùng Phong thầm nhủ:

“Ngôi Lưu Thị Tông Từ này có lẽ hậu duệ vô tích sự, đến đỗi không ai đến quét dọn, trở nên tồi tàn như thế này...”.

Chàng đảo mắt quanh, bỗng thấy đại điện tả hữu vẫn còn hai sương phòng, cửa sổ giăng đầy mạng nhện.

Kẹt một tiếng, Bách Lý Hùng Phong đã xô mở cửa sổ, bước vào trong sương phòng.

Trong gian phòng tối om, mùi hôi thối nồng nặc ập vào mũi.

Bách Lý Hùng Phong quét mắt nhìn, thấy trong phòng có bày bảy tám cỗ quan tài, cảm giác âm u và ẩm thấp xâm chiếm cõi lòng khiến chàng bất giác rợn người.

Chàng liền nín thở, đưa mắt nhìn cỗ quan tài kia, quay người toan bước ra khỏi sương phòng, thình lình một tiếng kẹt khô khan vang lên.

Trong khi trời chưa sáng hẳn, lại ở trong ngôi nhà âm u như thế này, tiếng vang như sấm rền vọng vào tim chàng.

Bách Lý Hùng Phong vụt quay người lại, thần quang trong mắt chàng chiếu ra, chòng chọc nhìn vào hàng quan tài kia, trầm giọng quát :

- Ai đó?

Thốt nhiên có tiếng khóc khe khẽ ai oán tưởng chừng như từ cửu u địa phủ vọng đến, Bách Lý Hùng Phong chỉ thấy cỗ quan tài trong cùng phát ra một tiếng kẹt vang động...