Tất cả các loại quả mọng và nụ hoa hồng hái về phải được làm sạch thì mới có thể tiến hành bước chế tác tiếp theo.
Sáng hôm sau, trước khi mặt trời mọc, Dịch Huyền đun nước nấu ăn, Hà Điền thì mang những thứ mà ngày hôm qua thu hoạch được ra suối để rửa.
Cho nụ hoa vào rọ tre, ngâm vào trong nước suối, dùng tay khuấy nhẹ để rửa sạch bụi, mạng nhện và trứng côn trùng có thể bám trên đó rồi đặt lên đá cho đến khi rọ không còn chảy nước nữa thì đổ nụ hoa vào một tấm phên tre lớn phơi khô, thỉnh thoảng đảo lên một lần.
Quả sau khi rửa sạch sẽ được cho vào chậu nước, phân loại ra, quả nổi thì loại bỏ, những quả còn lại thì chọn quả nguyên vẹn, căng mọng, cũng phơi trên phên tre cho ráo.
Sau khi mặt trời mọc, Hà Điền chia số quả và nụ hoa ra làm hai, một nửa đem phơi khô thành hoa và quả khô, phần còn lại thì chuẩn bị làm mứt.
Năm ngoái Hà Điền chỉ làm hoa hồng sấy khô, vì không kiếm đủ lông chồn và không có tiền mua nhiều đường nên cô không làm mứt hoa hồng.

Vì làm mứt hoa hồng tốn rất nhiều đường.
Tỷ lệ nụ hoa hồng với đường là 1-3, nếu trong quá trình làm cảm thấy chưa đủ thì còn phải cho thêm đường nữa.

Có năm nụ hoa chứa nhiều nước, vậy thì không cần quá nhiều đường.
Khi làm mứt phải loại bỏ hết đài và nhụy của nụ hoa đi, chỉ để lại cánh hoa, cho vào nồi lớn, thêm đường, đảo mạnh, cánh hoa từ từ chảy ra nước hoa màu đỏ đậm, cả căn nhà tràn ngập hương thơm của hoa hồng.
Nước của hoa rất giàu anthocyanins, nó sẽ làm đen da, nên sau khi làm mứt hoa hồng thì móng tay và lòng bàn tay đều có màu xanh đen trong vài ngày.
Mỗi lúc như vậy, Hà Điền đều nghĩ, giá như cô có một đôi bao tay cao su, hoặc bao tay ni lông cũng được!
Ai có thể ngờ được rằng những chiếc bao tay dùng một lần đã bị ngập lụt cả trăm năm trước lại có ngày trở thành của hiếm đâu chứ!
Cánh hoa sau khi ra nước sẽ từ từ trộn đều với đường và kết dính lại, lúc này tiếp tục dùng cán lăn để khuấy đều cho cánh hoa nhuyễn ra, đến khi không còn thấy cánh hoa hoàn chỉnh nữa.
Lúc này, mứt hoa hồng đã bắt đầu thành hình, cánh hoa và đường đã chuyển thành dạng keo dính có màu hoa hồng, cho vào hũ thủy tinh, dùng cán lăn nén chặt rồi đổ mật ong vào trộn đều.

Chiều cao cách miệng hũ ba hoặc bốn cm.

Đậy nắp rồi cho vào hầm, sau ba tháng lên men, mứt hoa hồng đã hoàn thành.
Khi đó, vị đắng trong cánh hoa đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại vị ngọt đặc trưng của hoa hồng, lấy một muỗng nhỏ hoà vào nước ấm, là thức uống nóng hổi hiếm có trong mùa thu đông se lạnh.
Món mứt hoa hồng lưu giữ hương thơm mùa hè dĩ nhiên cũng có thể dùng để phết bánh mì hoặc làm nhân bánh.
Năm nay họ mua không ít bột nếp, có thể cho một ít mứt hoa hồng vào nhân đậu đỏ hoặc nấu chè trôi nước nhân mứt hoa hồng.

Nếu lúc đó vịt đẻ trứng, buổi sáng luộc vài viên bánh trôi trong nước sôi, sau đó đập thêm một quả trứng nữa, vậy là đã có một bữa sáng nóng hổi, ​​thơm phức.
Hà Điền hưng phấn tưởng tượng ra mùi vị của những viên bánh trôi nhân mứt hoa hồng, bắt đầu làm mứt quả.
Vị ngọt của quả việt quất, mơ và mâm xôi đều khác nhau, tỷ lệ đường sử dụng khi làm mứt cũng hơi khác, nhưng cách làm thì đều giống.
So với mứt hoa hồng, số lượng đường cần dùng ít hơn nhiều.
Hà Điền cho việt quất đã ráo nước vào nồi đất, dùng muôi gỗ nghiền nát, rắc đường lên, tỷ lệ việt quất với đường là 8 với 1, sau đó khuấy để đường và việt quất trộn đều rồi đậy kín lại.


Đặt miếng vải lên trên một lúc, nước việt quất sẽ tách ra theo đường, lúc này mứt sẽ dễ làm hơn.
Đặt nồi lên bếp đun ở lửa nhỏ, đảo liên tục và đun liu riu một lúc, dần dần mứt tiếp tục sủi bọt và càng sền sệt thì tắt bếp.
Khi mứt nguội bớt, có thể cho vào hũ.

Sau khi cho vào hũ, Hà Điền sẽ cho thêm một ít mật ong vào mứt, để mứt không dễ bị mốc, hương thơm cũng đậm hơn.
Giữa lúc làm mứt, Dịch Huyền có chạy đến giúp, hơn nữa anh còn đề nghị hôm nay cô nên nướng bánh mì hoặc là làm một món nào đó.
"Cô có thể làm bánh kê sữa đặc!" Anh nói xong, lấy một muỗng nhỏ mứt việt quất từ hũ mứt cho vào miệng: "Ừm...!ngon thật.

Bánh kê làm xong thì phết mứt lên, ăn kèm trà lá tre."
Hà Điền nghe anh nói cũng động lòng.
Trên đường trở về từ ngôi làng nhỏ, Dịch Huyền cầm lon sữa đặc thảo luận với Hà Điền nên làm món gì cho ngon.
Hộp sữa đặc sau khi khui ra thì không thể bảo quản lâu được nữa, dù đã hết hạn một tháng nhưng họ vẫn chưa chịu mở ngay.
"Được rồi, vậy lát nữa anh khuấy lòng trắng trứng."
"Được!"
Ngâm kê phải mất bốn tiếng.
Hà Điền đâu vào đấy, sắp xếp mọi thứ ổn thỏa hết.

Tuy trong nhà bếp tạm thời yên tĩnh, nhưng từng mục công việc chuẩn bị vẫn được tiến hành một cách âm thầm.
Cô lấy gà lôi ra khỏi hầm, bắc một cái nồi lên bếp đá ở chỗ thoáng, đun một nồi nước, chần gà qua nước sôi nhổ sạch lông sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Phần lông tơ gần ức gà là chất liệu ấm có thể dùng làm chăn bông, những chiếc lông tơ lớn còn lại thì được cắt nhỏ trộn với bùn và cỏ khô, nhét vào những khe hở giữa các tấm vách của kho chuồng.

Làm như vậy thì khi mùa đông đến, chuồng của gia súc trong nhà sẽ ấm áp hơn.
So với lông gà, lông của các loài thủy cầm như vịt, ngan khó làm sạch hơn, chúng có một lớp lông rất mỏng mọc sát da, khó nhổ bằng tay, thường thì sau khi nhổ lông xong thì xiên cả con vào que tre và hơ trên ngọn lửa để đốt phần lông tơ bên ngoài da.

Mặc dù vậy, trên da vịt vẫn còn một số ống lông nhỏ xíu, nếu như ăn vào sẽ rất buồn nôn, phải dùng nhíp tre mới lấy ra được.
Đây là công việc rất tốn thời gian.

Sau khi đeo tạp dề bằng da hươu vào, đặt con vịt đã nhổ lông lên chân, mông hướng lên trên, dùng nhíp nhổ sạch lông nhỏ ở những chỗ dưới hai cánh và mông, con vịt này mới được coi là đã xử lý xong.
Ngoài ra, dù đã được tẩm ướp hay là mới bắt đầu nấu, phần phao câu vịt phải được cắt bỏ.


Nếu không, vịt sẽ có mùi.

Vì vậy cho nên Hà Điền không thích săn gà vịt vào mùa thu đông, lúc đó quá lạnh, cho dù có ngồi trong nhà thì đầu ngón tay của cô cũng sẽ nhanh chóng bị cái lạnh làm cho đau đớn.
Gà lôi sau khi làm sạch lông thì đem chặt nhỏ, cho vào nồi, thêm nước và muối, nấu trên lửa nhỏ, sau đó đi nhổ vài củ cà rốt về, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, cũng cho luôn vào nồi.
Hiện tại củ cà rốt đã phát triển rất tốt, có củ to đến mức Hà Điền cầm một tay không xuể.

Sau khi thu hoạch, đất trên cũ được vỗ sạch ở trên đất trồng, đem vùi vào trong thùng gỗ với mùn cưa và cát, có thể bảo quản trong hầm được lâu.
Cà rốt là một loại cây chịu rét cao, nó là loại cây được trồng ưu tiên hàng đầu hàng năm.

Cuối tháng sáu thu hoạch một lần, tiếp đó lại trồng rồi đến mùa thu thu hoạch một lần nữa.

Nhưng mà cà rốt thu hoạch vào mùa thu thường không được lớn như thế này.
Hà Điền và Dịch Huyền nhổ cả một thùng gỗ chứa đầy cà rốt, họ cùng nhau mang chúng về hầm, Dịch Huyền trèo xuống cất thùng gỗ đi.
Ngoài cà rốt, bầu bí và mướp cũng đã có thể hái được.
Hầu như năm nào Hà Điền cũng trồng được hai loại bầu, một loại bầu có hai đầu tròn, eo thon, loại bầu này không phải để ăn, dù là loại bầu nhỏ hái khi chỉ dài bằng ngón tay, nhưng vị của nó vẫn chát, chỉ có thể chờ đợi chúng lớn lên, cứng và khô lại, cưa miệng làm nút, dùng làm đồ đựng, hoặc xẻ đôi ra dùng.

Một loại bầu khác có phần eo to tròn, khi lớn đến lòng bàn tay là đã có thể hái về, gọt vỏ, cắt thành từng khoanh tròn xào với tôm và cá nhỏ, khi ăn rất mềm.

Hoặc đợi cho nó lớn lên, cắt thành sợi, phơi khô, mùa đông khi muốn ăn thì lấy ra ngâm nước, hầm với thịt.
Mướp thì chỉ có một loại, nó dễ trồng, không tốn công chăm sóc, sau khi làm giàn xong, cành và lá sẽ nhanh chóng leo lên giàn và phát triển thành tán lớn xanh mướt, bên dưới có thể trồng thêm ớt, cà chua, hành tây và cải thảo.
Dây mướp leo nhanh, còn quả mướp thì lớn nhanh, nếu như mướp và dưa leo đều được trồng cùng một thời điểm, trong khi dưa leo chỉ dài bằng lòng bàn tay thì mướp đã dài cả gang tay rồi.
Khi mướp dài khoảng 20 cm thì hái xuống, sau khi gọt vỏ, mướp có màu xanh nhạt, thái sợi nhỏ xào với trứng, thịt mướp bên trong rất ngon, hạt cũng mềm, cắn vào hơi giòn.
Nhưng mà Dịch Huyền không thích vị của mướp, anh cho rằng thịt mướp sau khi xào quá mềm.
"Như sâu bướm."
"Anh đã ăn sâu bướm hồi nào?"
"Tóm lại là không khác gì sâu bướm!"
Món canh nấu từ mướp thì anh chấp nhận được.

Cắt mướp thành từng khoanh tròn dày một đốt ngón tay, xào với cà chua cắt làm đôi, trứng hoặc thịt băm rồi cho hai chén nước sôi vào nấu cùng, đợi cho ra tô thì thêm vào chút muối cho vừa ăn.
Có rất nhiều loại mướp, có thể ăn được từ đầu mùa hè đến tận đầu mùa thu, nhưng khi thời tiết chuyển lạnh, loại cây này sẽ chết.
Hơn nữa, nó không thể phơi khô và lưu trữ được.
Mỗi năm, Hà Điền sẽ để lại hai dây mướp để cho nó già đi.

Quả mướp trở nên cứng lại, phơi khô dưới nắng mùa thu, hái xuống, giẫm một đạp là nó liền vỡ ra.

Vỏ ngoài cũng bị hỏng, chỉ còn lại phần sơ màu vàng nhạt và hạt mướp đen ở bên trong.
Ruột mướp khô có nhiều lỗ, cắt thành từng đoạn dùng để rửa chén bát.

Vì có nhiều lỗ nên khi nhúng vào nước xà phòng có thể tạo thành nhiều bọt, sau khi rửa xong thì treo đại lên đâu đó, một lúc sau nó sẽ khô, không dễ hỏng.
Chọn phần mập nhất ở giữa quả mướp, cắt ra, dùng vồ dập dẹt rồi khâu vào túi vải bằng lòng bàn tay to, có thể dùng để lau người.

Nhúng xơ mướp với một chút xà phòng và nước, sau đó nhẹ nhàng chà xát sẽ tạo ra một lớp bọt mịn và đặc, đồng thời có thể loại bỏ da chết.
Trong khi Hà Điền đang vo gạo và nấu ăn ở nhà, Dịch Huyền đi đào đất.
Bọn họ định nung gốm.
Đất gần nhà không thực sự phù hợp để làm đồ gốm, nhưng cuộc sống ở trong rừng luôn dùng đến từ "tự thích nghi" để hình dung.
Đất khi đào ao chất thành đống cao, xung quanh là gỗ và đá vụn, có mành cỏ che phủ.
Do được bảo vệ cẩn thận nên nó không bị cuốn trôi nhiều trong đợt mưa bão vừa qua.
Hà Điền và anh lấy từ trong kho ra hai thùng gỗ lớn và chuyển chúng ra rìa gò đất.
Chừa một khe hở ở giữa hai thùng gỗ, đủ để đặt một cái sàng tre vào.
Sàng tre đan thành hình vuông, có lỗ vuông to bằng hạt đậu đỏ.
Dịch Huyền mở mành cỏ trên gò đất ra, bên dưới cỏ vẫn còn đang mọc, bởi vì không có ánh sáng mặt trời nên màu sắc hơi nhạt.
Anh xúc một ít đất, đổ lên sàng tre rồi xách hai thùng nước đến bên khe suối xách nước về, đổ vài gáo lên đất, nước lập tức làm đất rả ra và chảy vào thùng gỗ qua các lỗ sàng, sau đó lại thông qua những kẽ hở nhỏ của đáy thùng mà từ từ rỉ ra, nhỏ xuống đất.
Anh lại cho thêm nước vào, dùng xẻng tre khuấy đất trên sàng, vừa thêm nước vừa khuấy, sau vài phút, trên sàng chỉ còn sót lại rễ cỏ, thân cây, sỏi nhỏ và đất đá, đất mịn đều đã chảy xuống, rơi vào thùng gỗ.
Bỏ sỏi đá và cỏ rễ trên rây ra, lại cho một ít đất vào, thêm nước, khuấy đều rồi tiếp tục rây.
Đất sau khi rây có độ mịn và đồng nhất, sau khi đổ đầy nửa thùng gỗ thì lấy rây ra, cho nước vào nửa thùng, dùng que gỗ khuấy liên tục, mùn trong đất sẽ trôi theo nước qua các kẽ hở của thùng gỗ, thứ còn lại là đất sét.
Cho cát mịn đã rây vào đất sét, nửa thùng đất thì sẽ thêm vào hai bầu* cát, trộn đều, thêm một bầu tro thực vật, khuấy đều để tạo đất sét làm gốm.
*Trái bầu cắt đôi làm đồ múc.
Đất sét đã trộn xong phải được để khô rồi mới có thể sử dụng được.

Bởi vì lúc này bên trong đất có quá nhiều nước.
Đặt sàng tre lên thùng gỗ, để nơi thoáng mát một ngày, thỉnh thoảng đảo đều.

Cho đến khi thấy khó khuấy, cảm giác đã khô là được.

Khuấy đất và sàng đều là công việc tiêu tốn sức lực.
Cả người Dịch Huyền mồ hôi nhễ nhại, làm từ sáng đến trưa mới quấy xong một thùng đất.

Trong lúc làm việc, anh chạy về nhà uống nước nghỉ ngơi, thấy Hà Điền đang làm mứt liền tranh thủ ăn vài muỗng, xong rồi lại chạy đi tiếp tục khuấy đất.
Bên kia, Hà Điền bắc một nồi nước lên hầm gà, hấp hai hộp cơm.
Cơm được đặt trong hộp tre có phủ lá dâu, thêm hai hạt dẻ đã ngâm và một muỗng mật đậu đỏ, sau nửa tiếng thì cơm chín, thơm ngào ngạt.
Trong lúc cơm đang hấp, cô đi trồng một ít cà rốt, sẵn tiện kiểm tra vườn rau.
Hàng rào của mảnh đất trồng cải thảo đã bị một con vật nhỏ nào đó cắn thủng một lỗ, hai cây cải đã bị gặm nát.
Nhìn dấu vết trên lá, hình như là thỏ.
Hà Điền vào kho lấy ra một chiếc lồng gỗ, bên trong có rất nhiều dây kẽm.

Cô sẽ làm một cái bẫy cuộn dây để bắt thỏ.
Cuộn dây là một hình tròn to hơn nắm tay một chút, một đầu được quấn xung quanh, đầu kia thì cố định vào một khối gỗ, cuộn dây treo vào lỗ nơi hàng rào bị cắn thủng, còn gỗ thì giấu sau hàng rào.

Chỉ cần đêm nay con thỏ kia lại đến, từ đây chui vào vườn rau, đầu của nó sẽ bị cuốn vào cuộn dây, nhất định là nó sẽ lùi về phía sau hoặc vùng vẫy, nhưng chỉ cần nó cử động, cuộn dây sẽ càng siết chặt lại.
Ngoài bẫy cuộn, Hà Điền còn đặt một vài chiếc bẫy lồng tre bên ngoài hàng rào, bên trong có một ít lá rau nhỏ và một chiếc xương gà.

Ngay khi thỏ bước vào và bước lên tấm ván trong lồng, cửa lồng sẽ rơi xuống và nhốt nó bên trong.
Lúa Mì thường không được phép vào vườn rau, vì ở tuổi này nó rất thích bươi hang đào hố.

Lúc này nó đang chui rúc ngoài hàng rào, mũi chó thò qua khe hở, tò mò nhìn không biết Hà Điền đang làm gì.
Hà Điền gài bẫy xong, gõ gõ vào cái mũi chó của nó: "Đi gọi Dịch Huyền về ăn cơm."
Nó sủa một tiếng, chạy về phía ao nước.
Canh gà lôi rất ngon và thơm, trong canh ngoài thịt gà thì cũng chỉ có cà rốt và muối, vị ngọt của cà rốt càng làm cho nước canh thêm ngọt hơn.
Chang một muỗng canh lên cơm, thêm một miếng thịt gà, ăn vào cảm thấy vô cùng thỏa mãn.
Sau giờ nghỉ trưa, hạt kê ngâm đã mềm.

Hà Điền cho hạt kê và bốn hạt dẻ đã ngâm vào máy xay bằng tay rồi xay nhuyễn, thêm bốn lòng đỏ trứng và khuấy đều thành hỗn hợp đặc sệt, màu vàng nhạt.
Hộp sữa đặc cũng đã được mở ra, mùi của nó rất ngọt ngào, nhưng Hà Điền không biết ăn như thế nào, cô suy nghĩ một chút rồi múc hai muỗng sữa cho vào hỗn hợp hạt kê.
Dịch Huyền khuấy lòng trắng trứng và đường thành bánh trứng đường, đổ vào hỗn hợp hạt kê, dùng sạn tre khuấy đều, cho vào khuôn nhôm tròn rồi đặt lên xửng hấp cho chín.
Hơn mười phút sau, một mùi thơm ngào ngạt lạ lùng tràn ngập khắp cả căn nhà.
Bánh kê sau khi hấp chín mềm, xốp, bề mặt cắt ra có những lỗ rỗ li ti, khi cho vào miệng cảm giác cứ như ngậm cả một đám mây trắng vàng nhạt, sau khi nhai mấy cái thì không còn nữa, trong miệng chỉ còn lại vị ngọt ngào.
Sữa đặc, là một thứ đồ tốt..